Bùa Lỗ Ban
Phần 3
Tác giả: Hà Dương(Phú Dương)
Thằng Quý đang cầm cái xẻng trên tay ngẩng đầu dậy lắp bắp: chị…em…em không lấy.
Mấy người thợ xây hết nhìn sang Huệ rồi lại nhìn về thằng Quý mà ngạc nhiên. Xung quanh bắt đầu có tiếng xì xào nhỏ vang lên: thật không?
– không biết, để nghe xem cô Huệ nói gì?
– Chắc không đúng đâu, thằng Quý nó hiền lành lắm mà, chưa nghe nó lấy cái gì của ai.
Con Huệ lừ mắt: nói đi, mày lấy điện thoại của tao giấu ở đâu?
Thằng Quý vội bỏ tay khỏi cái xẻng đánh vữa rồi đưa tay lộn túi quần ra cho mọi người xem: em không có mà chị. Hay chị để quên điện thoại ở đâu phải không? Chị tìm kĩ lại xem ạ.
– Quên cái gì mà quên. Tao để đâu vẫn nhớ như in. Chắc chắn mày lấy giấu đi rồi.
Một bác thợ hồ lớn tuổi vội phân giải: liệu có xảy ra hiểu lầm gì không cô Huệ ơi? Cô để điện thoại ở đâu? Mất lúc nào?
– Cháu không nhầm, nếu nó không có ý lấy trộm thì nó dò hỏi về camera nhà cháu làm cái gì?
Mấy người nghe Huệ nói lập tức đổ dồn ánh mắt về phía thằng Quý. Thằng bé lắc đầu phản đối: cháu không lấy thật mà. Chiều qua cháu thấy bà Miên ngồi nhặt rau thì kiếm câu chuyện làm quà cho vui chứ cháu không có ý hỏi để lấy trộm đồ.
Mấy người thợ hồ cũng gật gù: phải rồi, thằng này hay lân la tâm sự, nói chuyện với mọi người lắm. Chúng tôi làm với nhau cũng lâu mà chưa thấy nó trộm cắp của ai bao giờ.
Huệ tức giận: có đứa nào đi ăn trộm lại bô bô khoe cho mọi người biết hay không? Mày không nói tao cho mày lên công an. Giờ trộm cắp trên 1 triệu là khởi tố được rồi.
Thằng Quý mặt mũi đỏ căng lên vì giải thích còn Huệ thì cũng không kém. Hai bên tranh cãi một hồi, tiếng con Huệ càng ngày càng chua ngoa, đanh đá. Ông Tuấn trong nhà chạy ra phân xử: mọi người làm trước đi, việc này để tối nay chúng ta nói chuyện sau. Con Huệ mất của xót quá nên nó nói mấy câu khó nghe mong mọi người thông cảm.
Ông quay lại bảo Huệ: con vào nhà cho bố, đừng ở đây gây chuyện
Huệ gắt gỏng: con không gây chuyện, là nó lấy trộm điện thoại của con.
Ông Tuấn chẹp miệng: được rồi, con mau vào nhà đi.
Con Huệ hậm hực đi vào trong nhà nhưng mắt vẫn lừ thằng Quý tới cháy áo. Nó chắc mẩm thằng Quý là đứa lẻn vào nhà lấy cắp điện thoại của nó.
Tối đó các bác thợ hồ bàn tán với nhau về chuyện Huệ bị mất cắp điện thoại. Dĩ nhiên ai cũng nói một mất thì mười ngờ, mất của ai mà không tiếc nên nhiều ánh mắt ái ngại đổ dồn về Quý. Cậu cũng tự hiểu được ẩn ý trong mắt nhìn từng người nên thẳng thắn đáp lại: cháu thề là tới giờ chưa nhìn thấy mặt mũi cái điện thoại của cô Huệ ra làm sao nên chắc chắn kẻ trộm không phải cháu.
Một anh thợ xây tiến lại vỗ vai Quý: mọi người hiểu nhưng cô Huệ không hiểu. Chú ở với bọn anh không phải ngày một ngày hai. Gia cảnh chú khó khăn ai cũng hiểu nhưng bản tính chú hiền lành thật thà thì anh tin.
Quý ngước ánh mắt lên nhìn anh Thiện tựa như xúc động: cô ấy giờ cứ khẳng định em lấy trộm, đi qua lại lườm, đi lại lại cạnh khoé. Em không làm thì em không sợ nhưng hơi tý lại chửi thẳng vào cái mặt em là đồ trộm cắp. Em ức lắm.
Thiện thở dài: cái cô Huệ này đúng là chua ngoa thật đấy. Nhưng mà kệ cô ấy đi. Người ta mất của thì chả tiếc. Phải anh anh cũng chửi cho sấp mặt ấy chứ.
Những ngày sau Huệ luôn tìm cách gây sự với đám thợ. Cô gay gắt quyết không cho họ sử dụng bếp của gia đình nấu ăn nên họ nhóm bếp lò ra góc vườn nấu nướng với nhau.
Họ cũng có ý nên không nhờ vả tới ông bà Tuấn Miên nữa mà tự thu xếp nhau sinh hoạt, đi lại , làm việc trong đúng khuôn phép.
Huệ ấy vậy mà chưa hài lòng. Cô ghét bọn họ ra mặt nên mở miệng ra lại lầm bầm họ là lũ vô học, không văn hoá, trộm cắp.
Chính bởi thái độ của Huệ nên một số người luôn thấy khó chịu. Sau cùng một người lên tiếng: cô Huệ, nếu bắt được ai hay có bằng chứng thì cô cứ lôi đứa ăn cắp ra đánh cho què tay rồi bắt nó đền điện thoại cho cô đi. Cô cứ suốt ngày gây chuyện với anh em chúng tôi rồi lại chửi bới. Chúng tôi phận làm thuê nhưng cũng có tự trọng chứ? Cô đi qua lại chửi đồ trộm cắp, đi lại lại chửi lũ khốn kiếp. Vậy rốt cuộc cô chửi ai?
Huệ nheo cái mắt lớn tiếng nói: đứa nào khốn kiếp ăn trộm điện thoại thì đứa đấy nghe. Tôi chửi thằng ăn cắp chứ chửi mấy người đâu mà mấy người chột dạ? Hay là mấy người về hùa nhau ăn trộm tập thể?
Đám thợ xây nghe vậy bắt đầu mất bình tĩnh nhao nhao lên với nhau. Hai bên bắt đầu tranh cãi không bên nào nhường bên nào. Ông Tuấn về tới nhà thấy vậy liền chạy tới phân giải cho hai bên. Ông lừ mắt con gái: con là con gái sao ăn nói chẳng khác gì người vô học thế? Bố đã nói những gì con nghe chưa thủng sao?
Huệ tức giận: bố vì cái lũ người này mắng con sao? Có lý nào con bố bị mất của bố chẳng bênh con lại đi bênh người ngoài.
Ông Tuấn hằm hằm mặt quát lớn. Đây là lần đầu Huệ thấy bố của mình nóng tính tới như vậy. Cô quay lại lườm một lượt đám thợ xây lớn tiếng thề: được, hôm nay giữa thanh thiên bạch nhật đây, có ông trời làm chứng, kẻ nào trong mấy người lấy cắp chiếc điện thoại của tôi thì trời đánh chết, bố mẹ anh chị em, họ hàng hang hốc nhà nó chết băm chết vằm, chết không có chỗ chôn.
Ông Tuấn nghe con gái rủa kẻ lấy trộm điện thoại của mình mà thấy bất ngờ bởi con gái ông xưa nay không độc mồm độc miệng như vậy. Có lẽ chiếc điện thoại ấy Huệ đã giành dụm tiền vất vả kiếm được để mua nên xót quá mà đâm ra ác miệng.
Phía bên dưới đám thợ xây có người lên tiếng: vậy nếu chúng tôi không lấy cắp mà cứ bị người ta đổ oan thì tôi cầu cho kẻ nào điêu ngoa đổ tiếng ác cho chúng tôi cũng bị trời đánh chết, không thì đi ra ngoài bị người ta vả cho vỡ mồm, rụng răng, răng môi lẫn lộn, người không ra người, quỷ không ra quỷ.
Kẻ lên tiếng đó chính là Quý. Mấy ngày qua cậu đã nhịn nhưng Huệ luôn khó chịu và tìm cách chửi bới khiến cậu ta bí bách muốn phát điên.
Huệ tức giận: mày…mày dám….
– Chị xem lại chính bản thân mình đi. Nhà thì đông người qua lại. Hôm ấy không chỉ có chúng tôi mà còn bao nhiêu người ở các nhóm thợ khác nữa. Chị để điện thoại hớ hênh bị mất trộm rồi quay ra đổ cho tôi. Tôi không lấy nên tôi không sợ chị nhưng cái miệng chị chua ngoa chửi bới làm bẩn tai người khác. Tôi nhịn chị đủ rồi. Hôm nay chị đuổi việc tôi thì tôi nghỉ, nhưng tôi phải nói rõ một lần cho chị biết. Thằng Quý này tuy nghèo khó nhưng xưa nay không trộm cắp cái gì của ai. Ông trời làm chứng nếu sai cứ cho thiên lôi đánh tôi chết. Còn loại người không phân phải trái như chị, mở mồm ra là chửi thì cũng đừng mong yên thân. Ông trời có mắt đấy. Đổ oan cho người khác sẽ bị quả báo. Chị chờ mà xem.
Con Huệ tức tới độ mặt tím cả vào. Nó thở phì phì toan đôi co nhưng bị bà Miên kéo vào nhà. Con Huệ không chịu còn cố quay lại chỉ tay vào mặt Quý mà rằng: thằng chó, mày già mồm hả? Đồ trộm cắp! Sẽ có ngày thiên lôi đánh chết mày.
Quý cũng hét lên: tôi chờ, chờ xem thiên lôi đánh chết ai.
Mấy người thợ xây vội lôi thằng Quý lại. Ông Tuấn nghe người ta chửi mắng con gái một hồi đâm ra cũng nóng tính. Ông lừ mắt rồi nói lớn: loạn, loạn hết cả rồi. Con bé mất của nó xót nên nói vài câu. Tại sao cậu không nhịn nó vài câu mà còn độc mồm độc miệng như thế? Ai muốn nghỉ làm thì nghỉ luôn đi. Tôi không giữ.
Ông nói xong hậm hực bỏ vào nhà. Quý ở ngoài cũng lao vào trong lán lấy quần áo vo tròn lại nhét vào trong túi toan xách đi luôn.
Thằng Thiện vội chạy lại can ngăn: mày làm cái gì vậy? Giờ bỏ đi là mất việc, không có tiền thì mẹ mày chữa bệnh thế nào?
Thằng Quý thở phì phì: nhưng ức lắm! Em không lấy mà ngày nào cũng bị chửi thì ai mà chịu được. Cái gì dù đúng nhưng bị nhắc nhiều lần thì ai cũng nghĩ em là kẻ cắp à?
– Mày không làm thì lo cái gì? Kệ con mẹ nhà nó. Nó chửi rủa người ta chết băm chết vằm thì cái nghiệp vận vào thân nó. Thứ gì đâu con gái con đứa ăn nói toàn mất dạy, chửi người như hát hay, đéo khá được đâu.
Thằng Thiện ra sức khuyên can thằng Quý đừng vì tức giận mà bỏ việc. Hơn ai hết nó hiểu được hoàn cảnh khó khăn của thằng Quý ra sao. Nhiều lúc thấy thằng Quý khốn khổ vì tiền mà nó muốn giúp nhưng lực bất tòng tâm.
Thằng Thiện quen thằng Quý trong một lần bị ngã xe được thằng Quý giúp đưa vào trạm y tế. Hai anh em mới nói chuyện mà như đã thân nên hỏi han tình hình về nhau. Thằng Quý ít khi kể về gia cảnh nhưng vô tình một lần thằng Thiện phát hiện ra. Nó nhìn cảnh thằng Quý dìu người mẹ già nua, ốm yếu đi từng bước chậm chạp đi vào trong bệnh viện mà khoé mắt cay cay. Mãi sau này anh em thân thiết thằng Quý mới tâm sự. Hoá ra trước giờ Quý mồ côi cha. Nó chỉ sống với mẹ nhưng do mẹ nó bệnh nan y chữa bao nhiêu lâu cũng không khỏi. Thằng Quý phải bỏ học giữa chừng rồi xin đi làm đá từ lúc mới mười mấy tuổi. Cuộc sống lam lũ khiến nó già hơn so với cái tuổi thực.
Cái nghèo, cái hèn biến nó thành kẻ khá tự ti về bản thân. Nó ngoài thằng Thiện là bạn thì chẳng chơi với ai khác.
Chính thằng Thiện là người kéo thằng Quý về làm thợ xây cùng mình. Lúc đầu thằng Quý không đi nhưng thằng Thiện thuyết phục: mày xem đi làm đá hộc, bổ đá tới hộc cả máu mà tiền được bao nhiêu đâu? Hơn nữa ở đấy hay tai nạn. Nhà mày nghèo thế, mẹ lại bệnh tật mà lỡ không may tai nạn thì ai nuôi? Ai chăm sóc cho mẹ mày?
Thằng Quý chần chừ thì thằng Thiện nói tiếp: mày với tao cùng phận nghèo hèn, thất học từ sớm. Tao may mắn hơn mày vì không phải nuôi ai. Mày về làm thợ xây với tao đi, cứ làm từ thợ phụ rồi học lỏm lên thợ chính. Mày mà có chí biết đâu sau này nhiều kinh nghiệm còn nhận thầu được thì mới mong khá. Tao vậy mà lên thợ chính rồi nên lương cũng cao hơn mày đi bổ đá. Mà mày xem công việc này ít nguy hiểm hơn làm trong máng đá của mày. Ít ra nó không có bắn mìn hay sập đá, đỡ sợ chết.
Thằng Quý suy nghĩ hồi lâu, quả nhiên làm việc trong máng đá đúng là nguy hiểm thật. Hơi 1 tí lại xảy ra tai nạn lại bị cấm máng thì thành ra thất nghiệp. Nó gật đầu theo thằng Thiện làm thợ xây, mặc dù hai cái nghề này đều vất vả và lương cũng rẻ mạt.
Từ ngày theo thằng Thiện đi làm thợ xây nó chịu khó học hỏi lại hiền lành chịu khó nên ai cũng quý. Nó ngoài giờ làm chính còn nhận bốc vác thêm nếu có xe chở vật liệu đến buổi tối hay sáng sớm. Mỗi lần bốc vác gạch si nó cũng được người ta trả thêm cho vài đồng.
Bác thợ xây lại gần vỗ vai nó: mày giận cô Huệ lắm hả? Nhưng mà giận lên bỏ việc thì mày thiệt. Người ta mất cái điện thoại bằng tiền chúng ta làm vất vả cả mấy tháng thì chẳng tiếc. Tốt nhất cứ coi như điếc rồi việc ai nấy làm. Mục đích của chúng ta là làm ăn kiếm tiền. Mình cũng không xin của họ, bản thân không trộm cắp thì lo cái gì?
Thằng Quý ngồi thần người ra: nhưng mà cháu tức lắm. Cô ta tưởng có tiền muốn nói gì thì nói sao? Cháu đã nói không lấy rồi mà mở miệng ra là chửi, mở miệng ra là rủa. Các chú không bị chỉ mặt gọi tên chửi té tát nên các chú nhịn được chứ cháu không thể chịu được nữa rồi.
– Ai bảo mình nghèo hèn hơn họ.
– Nghèo thì có thể nghèo nhưng không hèn tới mức ăn trộm của người khác.
– Được rồi! Không ăn trộm. Tính mày thế nào chúng tao chưa hiểu hay sao?
Mọi người động viên khuyên can Quý bớt giận mà làm việc. Hơn ai hết mọi người hiểu được hoàn cảnh khó khăn của nó khi lo từng đồng gửi về quê cho mẹ. Mẹ nó bệnh tật triền miên, tới đi lại cũng khó khăn, vài bữa lại phải đi lấy thuốc nếu không sẽ bị cơn đau hành tới sống không bằng chết. Bản thân nó tằn tiện, làm được bao nhiêu cũng không dám tiêu mà ki cóp gửi hết về cho mẹ.
Tối ngày hôm ấy, gia đình ông Tuấn chẳng biết ăn trúng cái gì mà ngộ độc thức ăn khiến cả nhà đau bụng, cả đêm ai nấy thi nhau ôm nhà vệ sinh.
Thấy đèn nhà ông Tuấn sáng, chốc chốc lại có tiếng mở cửa làm mấy bác thợ xây cũng bị tỉnh giấc theo. Một người thắc mắc: nhà ông Tuấn có chuyện gì mà đêm hôm ầm ĩ thế nhỉ?
– Không biết! Hay nhà họ có trộm?
Một người bật dậy vén màn đứng ra bên ngoài ngó lên phía nhà trên. Tiếng ông Tuấn vang lên: nhanh lên, gọi bà Hoà y sỹ xuống truyền nước cho con Huệ xem nào.
Rốt cuộc Huệ bị làm sao mà mới buông câu chửi buổi chiều, buổi tối lập tức bị bệnh???
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!