1984 (Nineteen Eighty-Four) - Chương 11
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
391


1984 (Nineteen Eighty-Four)


Chương 11


Winston tỉnh dậy nước mắt đầm đìa. Julia ngái ngủ xoay mình sát lại anh, lẩm bẩm điều gì giống như: “Chuyện gì vây ?”

“Anh nằm mơ —,” anh bắt đầu trả lời rồi im bặt. Giấc mơ quá phức tạp, không diễn tả được. Ngoài giấc mơ, còn có kỷ niệm liên hệ đến nó đã lướt qua óc anh vài giây sau khi anh tỉnh giấc.

Anh nằm nhắm mắt trở lại, vẫn đắm mình trong không khí chiêm bao. Đó là một giấc mơ sáng rộng trong đó cả cuộc đời anh hình như trải ra trước mắt anh, y hệt quang cảnh một chiều hạ sau cơn mưa. Nó trọn vẹn xảy ra trong lòng tấm chặn giấy thủy tinh, nhưng mặt thủy tinh lại là vòm trời, và dưới vòm trời mọi thứ ngập trong một ánh sang êm dịu cho phép nhìn ra quãng xa vô tận. Giấc mơ có thể đuợc bao gồm trong — còn có thể nói nó đặc là — một cử chỉ cánh tay của mẹ anh, được lập lại ba mươi năm sau bởi ngưòi đàn bà Do Thái anh đã thấy trong cuốn phim thời sự, cố đỡ đạn cho đứa bé trai nhỏ trước khi trực thăng bắn tan cả hai.

“Em biết không,” anh nói, “cho tới giờ anh cứ tưởng anh đã giết mẹ anh ?”

“Tại sao anh lại giết mẹ anh ?” Julia vẫn ngái ngủ hỏi.

“Anh không giết mẹ. Không giết một cách cụ thể.”

Trong giấc mơ anh đã nhớ lại hình ảnh cuối cùng của mẹ anh, và trong vài giây khi tỉnh giấc, chùm sự kiện nhỏ quanh đó tái hiện trong óc anh. Đấy là một ký ức anh đã phải cố tình đẩy lui hàng năm trời khỏi tâm thức anh. Anh không chắc chắn ngày tháng, nhưng khi chuyện xảy ra anh không thể dưới mười tuổi, mà ước chừng mười hai tuổi.

Cha anh đã mất tích khoảng trước đó, bao nhiêu lâu trước thì anh không nhớ ra được. Anh nhớ rõ hơn hoàn cảnh ồn ào khó khăn của thời bấy giờ: những cơn kinh hoảng định kỳ trước các cuộc dội bom và những sự trú ẩn trong trạm tàu hầm, những chồng vôi gạch đổ nát khắp nơi, những bản thông cáo khó hiểu dán ở các góc phố, những bọn cướp trẻ mặc áo đồng mầu, những đuôi khổng lồ ngoài tiệm bánh mì, tiếng súng máy nổ từng đợt ngoài xa — trên hết, sự không bao giờ có đủ ăn. Anh nhớ lại những buổi chiều dài anh cùng lũ nhỏ khác ăn chực quanh thùng và đống rác, nhặt nhạnh sống lá cải, vỏ khoai tây, có khi cả vụn vỡ bánh mì được anh và lũ nhỏ cạo tro cẩn thận; anh và chúng còn đợi các xe vận tải, được biết là chở thức ăn cho súc vật chăn nuôi, trên một con đường chắc chắn xe phải đi ngang, vì khi xe xóc trên ổ gà ngoài đường, có cơ xe đánh rắc một ít mẩu bã dầu.

Khi cha anh mất tích, mẹ anh không tỏ chút ngạc nhiên hay đau buồn mạnh mẽ nào, nhưng bà bỗng thay đổi hẳn. Bà đâm hình như mất hết sinh lực. Ngay Winston cũng thấy rõ ràng bà đợi chờ một chuyện bà biết thế nào cũng sẽ xảy ra. Bà làm mọi việc cần phải làm — nấu ăn, giặt giũ, khâu vá, làm giường, quét nhà, phủi bụi trên mặt lò sưởi — luôn luôn một cách thật chậm chạp, lạ lùng là không với một cử động thừa nào, như một người mẫu tự động của nghệ sĩ. Thân hình hộ pháp cân đối của bà dường như quay về thế bất động một cách tự nhiên. Có lúc bà ngồi yên hàng giờ trên giường, ẵm em gái anh, một đứa trẻ nhỏ độ hai, ba tuổi, ốm yếu và rất lặng lẽ, có một khuôn mặt gầy choắt như khỉ. Cũng có khi, nhưng rất hiếm, bà ôm Winston vào lòng và siết chặt anh thật lâu không nói một lời. Mặc dầu còn trẻ và ích kỷ, anh ý thức rằng thái độ của mẹ anh liên quan tới sự kiện không bao giờ được nhắc tới sắp sửa xảy ra.

Anh nhớ lại căn phòng gia đình anh ở, một phòng tối tăm, hấp hơi, choán mất nửa bởi chiếc giường có chăn phủ trắng. Trong phòng có một lò bếp khí trong kẽ chắn lò sưởi và một kệ đựng thức ăn, ngoài thềm có một chậu rửa bát bằng sành nâu dùng chung với nhiều phòng. Anh hồi tưởng tấm thân giống tượng của mẹ anh khom mình trên bếp khí, ngoáy chất gì đó trong xoong. Trên hết anh nhớ lại cơn đói liên tục của anh và những trận cãi vã gay gắt bần tiện vào bữa ăn. Anh thường kêu ca eo sèo đi đi lại lại với mẹ, tại sao không có thêm thức ăn, anh la hét giận dữ với bà (anh nhớ cả giọng nói của anh lúc đó, sớm bắt đầu vỡ và thỉnh thoảng rít lên một cách đặc biệt), hay anh gắng ra giọng mếu máo đáng thương để được ăn nhiều hơn em gái. Mẹ anh rất sẵn sàng phân nhiều cho anh hơn. Bà coi như đương nhiên, anh, “cậu con trai”, phải có phần lớn hơn. Bữa ăn nào bà cũng van anh chớ ích kỷ và nhớ rằng em gái anh đau ốm cũng cần thức ăn, nhưng vô ích. Anh vẫn hét giận dữ khi bà ngưng phát thức ăn cho anh, anh thường giằng lấy thìa múc khỏi tay bà, hoặc bốc mẩu đồ ăn trên đĩa em. Anh biết anh bỏ đói mẹ và em anh, nhưng anh không dằn được mình; anh còn cảm thấy anh có quyền làm vậy. Cơn đói gào trong bụng anh dường như biện bạch cho anh. Giữa hai bữa ăn, nếu mẹ anh không canh chừng, anh thường bốc vụng trong kho thức ăn thảm thương dự trữ trên kệ.

Một hôm khẩu phần xúc cô la được đem ra phát. Đã từ mấy tuần hay mấy tháng qua, không có chuyện này. Anh nhớ rất rõ miếng xúc cô la nhỏ quý hóa ấy. Đó là một thanh hai ông xơ (hồi đó danh từ ông xơ vẫn được dùng) chung cho cả ba người trong gia đình anh. Hiển nhiên phải chia nó ra ba phần ngang nhau. Bất thần, như thể thốt ra từ một người lạ, Winston nghe thấy mình lên tiếng gầm to đòi bằng được cả thanh xúc cô la. Mẹ anh bảo anh không được ăn tham. Thế là có một cuộc cãi quấy lâu dài, quanh đi quẩn lại, với tiếng hò, tiếng rên, nước mắt, lời mắng, lời mặc cả. Em gái choắt bé của anh ôm chặt hai tay lấy mẹ, y hệt một con khỉ con, nhìn anh qua vai mẹ với đôi mắt to buồn tẻ. Cuối cùng mẹ anh bẻ ba phần tư thanh xúc cô la cho anh, và đưa phần còn lại cho em anh. Đứa bé cầm lấy phần mình và ủ ê ngắm nó, có lẽ không hiểu đó là gì. Winston nhìn nó một hồi. Rồi anh bồng nhẩy nhanh vồ lấy mảnh xúc cô la trên tay em, chạy ra cửa.

“Winston, Winston !” mẹ anh gọi anh trở lại. “Về ngay ! Trả lại em mày miếng xúc cô la của nó.”

Anh dừng chân nhưng không trở về. Đôi mắt ưu tư của mẹ anh đính vào mặt anh. Ngay hiện tại khi nghĩ lại sự thể, anh không biết sự sắp sửa xảy ra bấy giờ là sự gì. Em gái anh, ý thức mình bị cướp vật gì đó, khẽ thốt lên một tiếng rên. Mẹ anh quàng tay qua đứa bé ép mặt nó vào ngực mình. Có cái gì trong cử chỉ của bà bảo anh rằng em gái anh sắp chết. Anh quay người chạy xuống cầu thang với mảnh xúc cô la đã dính tay.

Anh không bao giờ gặp lại mẹ anh. Sau khi nuốt hết xúc cô la anh hơi cảm thấy xấu hổ về mình, và lang thang hàng giờ ngoài phố cho tới khi cơn đói kéo anh về nhà. Khi anh trở về, mẹ anh đã mất dạng. Thuở đó sự mất tích đã thành chuyện thường tình. Trong căn phòng không có gì mất đi, ngoài mẹ anh và em gái anh. Không thiếu một quần áo nào, kể cả chiếc áo choàng của mẹ anh. Cho tới nay anh không chắc mẹ anh đã chết. Rất có thể bà chỉ bị gửi đi một trại khổ sai. Về phần em anh, nó có thể, như chính anh, bị đưa vào một trong những trại trẻ con vô gia đình (được gọi là Trung Tâm Thu Hồi) phát triển với cuộc nội chiến, hay có thể nó bị gửi đi trại khổ sai cùng mẹ, hay giản dị hơn, có thể nó đã bị bỏ rơi rồi chết đâu đó.

Giấc mơ vẫn dai dẳng trong óc anh, nhất là cái cử chỉ ôm choàng che chở của cánh tay chứa đựng toàn thể ý nghĩa cơn chiêm bao. Tâm tư anh quay về một giấc mơ khác nằm thấy hai tháng trước. Y như khi mẹ anh ngồi trên chiếc giường phủ khăn trắng với đứa nhỏ bám vào mẹ, mẹ anh đã ngồi trên chiếc tàu đắm, xa dưới chân anh, chìm sâu dần mỗi phút, vẫn nhìn anh qua làn nước đã ngả đen.

Anh kể cho Julia chuyện mất tích của mẹ anh. Vẫn không mở mắt, nàng xoay người lại để thu mình vào một thế thoải mái hơn.

“Em dám chắc thuở ấy anh là một của quỷ thối,” nàng nói không rõ tiếng. “Trẻ con đứa nào cũng là quỷ cả.”

“Phải. Nhưng điểm thực của câu chuyện là —”

Theo hơi thở của nàng, hiển nhiên nàng sắp thiếp ngủ trở lại. Anh muốn tiếp tục nói về mẹ anh. Theo như anh có thể nhớ về bà, anh cho bà không phải là một thiếu phụ khác thường, lại càng không phải là một người thông minh; mặc vậy bà có một tư chất quý phái, trong sạch, chỉ vì bà tuân theo mẫu mực cá nhân. Tình cảm của bà xuất phát ngay tự bà, không thể biển chất vì ngoại cảnh. Ý nghĩ rằng một hành động vì vô hiệu hóa ra vô nghĩa không thể đến với bà. Nếu mình yêu ai, mình yêu người đó, khi mình không cho được gì khác, mình còn cho được tình yêu. Khi miếng xúc cô la cuối cùng đã mất, mẹ anh đã ôm chặt đứa bé trong lòng. Như vậy không tích sự gì, chẳng thay đổi được gì, không sinh ra được thêm xúc cô la, không cản được cái chết của đứa bé hay của chính bà; nhưng đó là cử chỉ tự nhiên đối với bà. Người đàn bà tị nạn trong thuyền cũng bao phủ đứa bé trai với cánh tay mình, một hành động không hữu ích hơn sự lấy giấy chống bom đạn. Tác động hãi hùng của Đảng là đã vừa thuyết phục được con người rằng các xung động và cảm tình đơn thuần không đáng kể, vừa cướp giựt khỏi tay họ mọi quyền lực trên thế giới vật chất. Một khi bạn đã rơi vào tròng của Đảng, điều bạn cảm thấy hay không cảm thấy, điều bạn làm hay dằn không làm, hoàn toàn không khác gì nhau. Gì thì gì, bạn cũng biến mất, và bạn cũng như hành động của bạn không được ai biết đến nữa. Bạn bị thải sạch khỏi giòng lịch sử. Thế nhưng đối với dân chỉ hai thế hệ trước, sự thể trên không được coi là trọng, vì họ không có định ý biến đổi lịch sử. Họ bị chi phối bởi những mối trung nghĩa riêng tư mà họ không có ý nghĩ đặt thành vấn đề. Điều cốt yếu là liên hệ cá nhân, và một cử chỉ đầy bất lực như một cái hôn, một giọt nước mắt, một lời nói với người hấp hối, có giá trị riêng của nó. Winston bỗng nghĩ rằng dân đen còn ở trong hoàn cảnh đó. Họ không chung thành với một đảng, một quốc gia hay một lý tưởng, họ trung thành với nhau. Lần đầu tiên trong đời anh, anh không khinh rẻ dân đen hay nghĩ tới họ như một lực lượng trơ ì sẽ có ngày sống dậy và tái tạo thế giới. Dân đen đã giữ được tính người. Họ không bị chai cứng trong lòng. Họ đã vịn vào những cảm xúc nguyên thủy mà anh phải ra tâm cố gắng mới học lại được. Và đương nghĩ vậy, anh có liên tưởng, không hiển nhiên đúng lúc, về sự hai tuần trước anh thấy một bàn tay cụt nằm trên vỉa hè và đá nó xuống cống như thể nó là một lõi cải.

“Dân đen là người,” anh nói to. “Chúng ta không phải là người.”

“Tại sao không ?” Julia đã tỉnh dậy trở lại hỏi.

Anh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Em có khi nào nghĩ rằng hay nhất cho chúng mình chính là bước khỏi chốn này trước khi quá muộn, và không bao giờ gặp lại nhau nữa không ?”

“Có chứ cưng, điều ấy có thoáng trong óc em nhiều lần. Nhưng gì thì gì, em cũng sẽ không làm thế.”

“Cho tới giờ chúng mình hên,” anh nói. “Nhưng vận may không thể kéo dài lâu hơn nữa. Em còn trẻ. Em có vẻ bình thường vô tội. Nếu em tránh những người như anh, em có thể sống thêm năm chục năm nữa.”

“Không, em đã suy nghĩ chín rồi. Anh làm gì, em làm đó. Anh chớ có xuống tinh thần. Em khá giỏi việc giữ mình sống sót.”

“Chúng mình có thể ở với nhau sáu tháng nữa — cho là một năm đi — không sao biết được. Tận cùng chúng mình chắc chắn sẽ phải lìa nhau. Em có ý thức mình sẽ hết sức cô đơn như thế nào không ? Một khi chúng bắt được mình sẽ không có gì, hoàn toàn không có gì mình giúp được nhau. Nếu anh thú tội chúng sẽ bắn em, mà dù anh không chịu khai, chúng cũng vẫn bắn em. Không có điều gì anh có thể làm hay nói, hay dằn không nói, hoãn nổi dù chỉ năm phút cái chết của em. Ngay không đứa nào trong hai đứa mình sẽ biết được đứa kia còn sống hay chết. Chúng mình sẽ hoàn toàn mất hết năng lực. Điều duy nhất đáng kể là chúng mình sẽ không phản bội nhau, dù điều đó chẳng thể thay đổi gì.”

“Nếu anh ám chỉ sự cung xưng,” nàng bảo, “chắc chắn chúng mình sẽ khai hết. Ai ai cũng thú. Không thú không được. Chúng tra tấn người ta.”

“Anh không muốn nói đến sự thú tội. Cung xưng không có nghĩa là bội phản. Mình nói gì hay làm gì không quan trọng: chỉ có tình cảm đáng kể thôi. Nếu chúng làm được cho anh hết yêu em — đó mới là sự phản bội thực sự.”

Nàng ngẫm nghĩ một hồi: “Chúng không thể làm vậy được. Đó là điều duy nhất chúng không thể làm được. Chúng có thể khiến anh nói bất cứ điều gì — bất cứ điều gì nhưng chúng không thể làm anh tin điều ấy. Chúng không thể đi được vào lòng anh.”

“Không,” anh hơi thêm hy vọng một chút nói, “không; thật đúng thế. Chúng không thể nắm được lòng mình. Nếu mình cảm thấy rằng giữ nhân tính là một việc bõ làm, ngay khi kết quả chẳng thể có được, mình thắng chúng.”

Anh nghĩ tới máy truyền hình với cái tai không bao giờ khép của nó. Chúng có thể rình bạn đêm ngày, nhưng nếu bạn giữ được mình tỉnh táo, bạn có thể đánh lừa chúng. Với tất cả trí thông minh của chúng, chúng chưa hề chế ngự được bí quyết cho phép khám phá ra người khác nghĩ gì. Có lẽ điều này bớt đúng khi bạn thực sự rơi vào tay chúng. Không sao biết được những gì xảy ra trong Bộ Tình Yêu, nhưng có thể đoán: các cuộc tra tấn, các thuốc thang, các máy móc tinh vi đo phản ứng thần kinh của bạn, sự giảm từ từ tinh thần vì trạng thiếu ngủ, cô độc và bị tra tấn luôn hồi. Dầu sao chăng nữa, không thể giấu kín được sự kiện. Chúng sẽ tìm ra manh mối, chúng sẽ vắt nó ra khỏi bạn nhờ sự tra tấn. Nhưng nếu mục đích không phải là sinh tồn mà là giữ nhân tính, cuối cùng khai hay không khai nào khác gì ? Chúng không thể biến hóa tình cảm của bạn: về việc này chính bạn cũng không đổi được, dù bạn muốn. Chúng có thể vạch trần ra từng chi tiết mọi hành động, lời nói hay tư tưởng cúa bạn; nhưng thâm tâm bạn, mà sự vận hành bí mật ngay cả đối với bạn, chúng không thể vi phạm.

Họ đã dám, cuối cùng họ đã dám !

Họ đang đứng trong một căn phòng dài sáng dịu. Máy truyền hình khẽ tiếng tới mức thì thầm; sự sang trọng của tấm thảm xanh lơ cho họ cảm tưởng bước trên nhung. Tại tận cuối phòng, O’Brien đang ngồi trước bàn dưới một ngọn đèn có chao xanh lục, với mỗi bên người một đống giấy lớn. Ông ta không thèm ngẩng mặt lên khi người hầu dẫn Julia và Winston vào phòng.

Tim Winston đập thình thịch mạnh đến nỗi anh sợ không nói nổi lên lời. Họ đã dám, cuối cùng họ đã dám, anh chỉ nghĩ được có thế. Tới nơi đây đã là hành động khinh suất, tới cùng nhau quả là cư xử điên rồ; mặc dầu thực ra họ tới đây bằng lối khác nhau và chỉ gặp nhau trước thềm nhà O’Brien. Nhưng nội việc bước vào một nơi như thế này cũng cần sự gắng gượng của thần kinh. Chỉ trong rất hiếm cơ hội mới thấy được nội thất của người Đảng Trong, hoặc vào được khu thành phố dành cho họ ở. Toàn thể không khí của khối căn nhà đồ sộ, sự sang trọng và rộng rãi của mọi thứ, những mùi thơm lạ của thức ăn ngon và thuốc lá hảo hạng, những thang máy êm nhanh không tưởng tưởng được lướt lên lướt xuống, những người hầu mặc áo đuôi tôm trắng vội vàng qua lại — mọi sự khiến họ rụt rè e sợ. Tuy anh có một lý do chính đáng để tới đây, anh bị ám ảnh mỗi bước bởi mối lo sợ một tên lính canh mặc y phục đen thình lình xuất hiện từ một góc lối, đòi xét giấy anh và ra lệnh cho anh cút đi. Thế nhưng người hầu của O’Brien không lưỡng lự tiếp đón hai người. Hắn ta là một người tóc đen nhỏ vóc, mặc áo đuôi tôm trắng, với một khuôn mặt hình thoi hết sức lì lợm, có lẽ là mặt người Hoa. Họ được hắn dẫn qua một hành lang trải thảm êm ru với hai bên tường có dán giấy kem và lớp phủ trắng, cả thảy tuyệt sạch. Điều này cũng làm họ rụt rè. Winston không hề nhớ đã thấy trước đây một lối đi với tường không bị dơ bẩn bởi sự cọ sát với thân người.

O’Brien cầm trên tay một mẩu giấy ra chiều nghiền ngẫm. Khuôn mặt dày của ông coi bộ vừa to lớn vừa thông minh cúi xuống cho thấy đường sống mũi. Trong khoảng hai mươi giây ông ngồi không đụng đậy. Rồi ông kéo máy ghi âm về phía mình, phóng tin vào đó bằng biệt ngữ ghép dùng trong các Bộ.

“Khoản một phẩy năm phẩy bẩy toàn chuẩn chấm nghị giữ khoản sáu bội lố gần tội tưởng bỏ chấm không tiến xây trước được ước thêm tổng phí máy móc chấm hết tin.”

Ông thung dung đứng dậy khỏi ghế tiến bước về phía hai người qua tấm thảm êm lặng. Một chút không khí công quyền hình như bay xa ông cùng với những từ Ngôn Mới, nhưng sắc mặt ông nghiêm ngặt hơn thường lệ, làm như ông bất bình vì bị quấy rầy. Sự khiếp sợ sẵn nhập Winston bỗng bị xuyên bởi một phát lúng túng thông thường. Anh thấy rất có thể anh đã phạm một lỗi lầm rồ dại. Thực ra anh có bằng cớ gì để cho O’Brien là một kẻ mưu phản chính trị ? Không có gì trừ một ánh mắt và chỉ một lời nhận xét nước đôi; ngoài ra chỉ có sự tưởng tượng thầm kín của chính anh, dựa trên một giấc mơ. Anh không còn lùi bước với cớ anh đến mượn từ điển được nữa, vì trong trường hợp này không tài nào giải thích được sự hiện diện của Julia. Khi O’Brien đi qua máy truyền hình, một ý nghĩ hình như đập óc ông. Ông dừng chân, quay sang bên bấm một nút trên tường. Có một tiếng tách nhẹ. Giọng nói ngưng bặt.

Julia thốt lên một tiếng khẽ, một thứ tiếng ủa ngạc nhiên. Ngay trong cơn kinh hoàng, Winston quá bàng hoàng không giữ im được:

“Ông tắt được máy ư ?” anh hỏi.

“Phải,” O’Brien nói, “tôi tắt được nó. Chúng tôi có đặc quyền đó.”

Bây giờ ông đối diện họ. Thân hình chắc nịch của ông át hẳn hai người, và sắc mặt ông vẫn khó đoán. Ông ta chờ Winston lên tiếng với một vẻ khá nghiêm trọng, nhưng nói gì đây ? Ngay lúc này vẫn có thể cho ông chỉ là một người bận rộn đang bực mình tự hỏi lý do nào xúi họ đến quấy rầy ông. Không ai nói gì. Từ lúc máy truyền hình tắt, căn phòng im lặng như tờ. Giây phút qua nhanh ghê gớm, Winston khó khăn lắm mới tiếp tục nhìn thẳng được vào mặt O’Brien. Bỗng nhiên gương mặt nghiêm nghị dịu xuống gần như hé cười. Bằng cử chỉ đặc biệt của ông ta, O’Brien chỉnh đốn lại cặp kính trên mũi.

“Để tôi nói hay anh nói ?” ông ta hỏi.

“Tôi xin nói,” Winston nhanh miệng. “Cái của này có tắt thật không ?”

“Có, toàn máy bị tắt. Chúng ta một mình.”

“Chúng tôi đến đây vì —”

Anh ngưng tiếng, lần đầu tiên ý thức ra sự mơ hồ của những động cơ thúc đẩy anh. Anh không biết thực ra anh mong đợi sự giúp đỡ gì nơi O’Brien, khó nói được vì lẽ gì anh tới đây. Anh nói tiếp tuy hiểu rằng lời lẽ của anh có vẻ vừa yếu vừa tự phụ.

“Chúng tôi tin có một cuộc âm mưu, một thứ tổ chức mật hoạt động chống Đảng, và chúng tôi tin ông có chân trong đó. Chúng tôi muốn gia nhập và hoạt động cho tổ chức đó. Chúng tôi là kẻ thù của Đảng. Chúng tôi không tin vào các nguyên lý của Anh Xã. Chúng tôi là tội phạm tư tưởng. Chúng tôi còn là kẻ ngoại tình. Tôi khai hết cho ông vì chúng tôi muốn đặt mình trong tay ông. Nếu ông muốn chúng tôi lụy mình cách khác, chúng tôi xin sẵn sàng.”

Anh ngưng bặt và nhìn qua vai với cảm giác cánh cửa vừa mở. Quả nhiên, người hầu mặt mũi da vàng nhỏ vóc không gõ cửa mà bước vào phòng. Winston thấy hắn bưng một chiếc khay đựng bình và cốc.

“Martin thuộc phe chúng ta,” O’Brien thản nhiên nói. “Mang khay lại đây, Martin. Đặt cả trên cái bàn tròn. Có đủ ghế không ? Vậy mình nên ngồi xuống nói chuyện cho tiện. Martin, anh hãy mang lại một chiếc ghế cho anh. Đây là công chuyện. Anh có thể ngưng đóng vai người hầu trong vòng mười phút.”

Gã đàn ông nhỏ bé ngồi xuống, rất tự nhiên, nhưng vẫn giữ vẻ một ngưòi hầu, vẻ của một tên bồi được hưởng đặc ân. Winston liếc mắt nhìn hắn. Anh chợt nghĩ cả đời người đó phải đóng kịch, hắn thừa hiểu rằng từ bỏ vai trò đã chấp nhận dù chỉ một lát là một điều nguy hiểm. O’Brien nắm cổ bình nhấc lên rót vào các cốc một chất nước đỏ thẫm. Nó gợi cho Winston ký ức lờ mờ của một vật đã thấy từ lâu lắm trên một bức tường hay bờ rào — một chai lớn hình dung bởi đèn điện tuồng như ngã lên ngã xuống rót vào một cốc chất chứa bên trong. Nhìn từ trên xuống chất nước gần như đen, nhưng trong bình nó sáng như ngọc hồng bào. Nó có một vị chua ngọt. Anh thấy Julia nâng cốc lên ngửi một cách tò mò rõ ràng.

“Đây là rượu vang,” O’Brien vừa nói vừa cười nhẹ. “Anh chị chắc đã được đọc về nó trong sách. Tôi e rất ít rượu vang tới tay Đảng Ngoài.” Mặt ông nghiêm nghị trở lại và ông nâng cốc lên. “Theo tôi chúng ta nên trước tiên chúc rượu mừng. Cho thủ lãnh của chúng ta: Cho Emmanuel Goldstein.”

Winston khá hăng hái nhấc cốc lên. Rượu vang là một thứ anh đã đọc và mơ tới. Như tấm chặn giấy thủy tinh hay bài hát nhớ nửa chừng của ông Charrington, nó thuộc về quá khứ lãng mạn đã tiêu tan, về cái thời xa xưa như anh thích gọi nó trong thâm tâm anh. Vì lẽ gì đó anh vẫn nghĩ tới rượu vang như một chất có vị tuyệt ngọt như mứt dâu tằm, và có hiệu quả làm say tức thì. Trên thực tế, khi anh nuốt nó, anh thấy chất ấy làm anh thất vọng rõ rệt. Sự thật là sau hàng năm uống rượu gin anh không thể nếm được rượu vang. Anh đặt cốc cạn xuống bàn.

“Vậy Goldstein là một ngưòi có thật ư ?” anh nói.

“Phải, ông có thật, và ông còn sống. Ở đâu thì tôi không biết.”

“Còn cuộc âm mưu — tổ chức thì sao ? Có thật không ? Nó không phải là một sự bịa đặt của Cảnh Sát Tư Tưởng chứ ?”

“Không, nó có thật. Chúng tôi đặt tên nó là Hội Tình Thân. Anh chị sẽ không biết gì nhiều hơn về Hội Tình Thân ngoài sự nó có thật và anh chị ở trong đó. Chốc nữa tôi sẽ nhắc lại điều này.” Ông nhìn vào đồng hồ đeo tay. “Tắt máy truyền hình hơn một nửa tiếng là một việc không nên ngay cả đối với thành viên Đảng Trong. Đáng nhẽ anh chị không được tới đây cùng nhau, khi về anh chị phải về riêng rẽ. Đồng chí đây” — ông gật đầu về phía Julia — “sẽ rời nơi này trước. Chúng ta có chừng hai mươi phút để bàn luận. Anh chị hiểu cho, tôi phải hỏi anh chị vài câu. Một cách tổng quát, anh chị sẵn sàng làm gì ?”

“Bất cứ gì chúng tôi có thể làm được,” Winston nói.

O’Brien đã xoay mình trong ghế để đối diện Winston. Ông gần như không để ý đến Julia, coi như tất nhiên Winston có thể nói thay nàng. Ông chớp mí một lúc. Rồi ông bắt đầu hỏi bằng một giọng thiếu diễn cảm như thể đó là một việc quen thuộc, một bài giáo lý mà những lời đáp phần đông đã được biết trước.

“Anh chị có sẵn sàng hy sinh tính mạng mình không ?”

“Có.”

“Anh chị có sẵn sàng giết người không ?”

“Có.”

“Sẵn sàng phá hoại có thể khiến cho hàng trăm kẻ vô tội chết không ?”

“Có.”

“Sẵn sàng lừa dối, giả mạo, dọa nạt, hủ hóa óc trẻ con, phát độc dược làm người ta nghiện, khuyến khích mãi dâm, truyền bệnh hoa liễu — làm bất cứ điều gì có thể gây sự mất tinh thần và thuyên giảm uy quyền của Đảng không ?”

“Có.”

“Tỷ dụ, nếu để có cơ phục vụ quyền lợi của chúng ta, phải tạt lưu toan vào mặt một đứa trẻ — anh chị có sẵn sàng làm không ?”

“Có.”

“Anh chị có sẵn sàng mất căn cước và sống chuỗi đời còn lại như một người hầu bàn hay một phu bến tàu không ?”

“Có.”

“Anh chị có sẵn sàng tự tử, nếu và khi chúng tôi ra lệnh không ?”

“Có.”

“Cả hai có sẵn sàng xa nhau và không bao giờ gặp nhau trở lại không ?”

“Không !” Julia buột miệng.

Winston có cảm tưởng thời gian trôi lâu trước khi anh trả lời. Trong một lát anh tựa như mất cả khả năng nói lên lời. Lưỡi anh cử động không ra tiếng, cố lập lên âm tiết của chữ này đến âm tiết của của chữ khác, lập đi lập lại. Cho tới khi anh nói ra được, anh không biết mình sắp nói gì. “Không,” anh tận cùng nói.

“Anh chị cho tôi biết vậy là phải,” O’Brien bảo. “Chúng tôi cần rõ mọi điều.”

Ông quay lại phía Julia và nói thêm bằng một giọng diễn cảm hơn:

“Chị có hiểu rằng nếu anh ấy sống sót, anh ấy có thể trở thành một người khác hẳn không ? Chúng tôi có thể bó buộc phải cho anh ấy một căn cước khác. Mặt mũi, cử chỉ, hình tay, màu tóc — ngay cả giọng nói cũng có thể khác. Và chính chị cũng có thể trở thành một người khác. Giải phẫu gia của chúng tôi có thể cải dạng người đến độ không nhận diện ra. Có khi cần phải làm vậy. Có khi chúng tôi phải cắt cụt chân tay.”

Winston không dằn được lòng liếc một lần nữa vào khuôn mặt Mông Cổ của Martin. Anh không thấy một vết sẹo nào trên đó. Sắc mặt Julia lạt ra làm nổi bật vết tàng nhan của nàng, nhưng nàng bạo dạn đương đầu với O’Brien.

“Tốt. Thế là quyết định xong.”

Có một hộp thuốc lá bằng bạc trên bàn. Một cách lơ đãng, O’Brien đẩy thuốc lá về phía mấy người khác; chính ông cầm một điếu lên, rồi đứng dậy bắt đầu chậm chạp đi đi lại lại như thể đi đứng ông suy nghĩ được hơn. Thuốc lá rất ngon, thật dày và cuốn chắc, có giấy bọc mịn khác thường. O’Brien nhìn đồng hồ đeo tay một lần nữa.

“Martin, anh nên trở vào gian hầu dọn,” ông ta nói. “Tôi sẽ bật máy lại khoảng mười lăm phút nữa. Anh hãy nhìn kỹ mặt hai đồng chí này trước khi ra khỏi đây. Anh sẽ gặp lại họ. Tôi thì không thể gặp lại được.”

Hệt như lúc ở ngoài cửa nhà, đôi mắt đen của người đàn ông nhỏ bé lướt trên mặt họ. Không có một dấu thân thiện nào hiện trong điệu bộ của hắn. Hắn ghi nhớ hình dáng họ, nhưng hắn không thấy hay không có vẻ thấy họ đáng lưu tâm đến. Winston chợt nghĩ rằng một gương mặt hóa hợp có lẽ không thể đổi sắc. Không nói hay không chào hỏi gì, Martin ra ngoài, lặng lẽ đóng cửa sau hắn. O’Brien vẫn đi lên đi xuống, một tay thọc trong túi bộ áo liền quần, một tay cầm điếu thuốc lá.

“Anh chị phải hiểu rằng anh chị sẽ tranh đấu trong bóng tối,” ông nói. “Anh chị sẽ luôn luôn ở trong bóng tối. Anh chị sẽ nhận lệnh và sẽ phải tuân theo dù không biết lý do. Sau này tôi sẽ gửi cho anh chị một cuốn sách giảng dạy bản chất thực thụ của xã hội trong đó chúng ta sống, cùng chiến lược mà chúng ta theo để phá hủy nó. Khi đọc xong sách, anh chị sẽ là hội viên trọn vẹn của Hội Tình Thân. Nhưng giữa các mục tiêu đại cương mà chúng ta nhằm và những phận sự tức thời, anh chị sẽ không bao giờ biết gì. Tôi bảo anh chị Hội Tình Thân có thật, nhưng tôi không thể cho anh chị hay số hội viên là một trăm hay mười triệu. Dựa trên kinh nghiệm riêng của anh chị, anh chị sẽ không bao giờ nói nổi Hội có tới một tá người hay không. Anh chị sẽ có ba bốn liên lạc viên, những người đó có thể thay đổi trong trường hợp họ mất tích. Vì anh chị tiếp xúc với tôi để bắt liên lạc, sự tiếp xúc này sẽ được duy trì. Khi anh chị nhận lệnh, lệnh đó sẽ là do tôi phát. Nếu chúng tôi thấy cần phải liên lạc với anh chị, chúng tôi sẽ qua trung gian của Martin. Khi rốt cuộc anh chị bị bắt, anh chị sẽ thú tội. Điều đó không thể tránh được. Nhưng anh chị sẽ có rất ít điều để khai ngoài hành động của chính anh chị. Anh chị sẽ không thể phản được quá một nắm người không quan trọng. Có lẽ ngay tôi anh chị cũng sẽ không phản được. Từ giờ tới đó, tôi có thể đã chết, hay đã biến thành một người khác, với một khuôn mặt khác.”

Ông tiếp tục đi đi lại lại trên tấm thảm êm. Mặc dầu thân hình của ông vạm vỡ, cử động của ông có một vẻ duyên dáng đặc biệt. Nó phát hiện ngay trong cử chỉ thọc tay vào túi hay cầm điếu hút của ông. Hơn cả sức mạnh, ông gây ấn tượng của sự tự tín và trí thông minh pha chút mỉa mai. Dù hăng say thế nào, ông không hề có óc định kiến của kẻ cuồng tín. Khi ông nói về ám sát, tự tử, bệnh hoa liễu, tay chân cắt cụt, mặt mũi biến đổi, lời ông có một vẻ chế giễu nhẹ. “Điều này không thể tránh được,” giọng ông hình như nói; “đấy là điều mình phải làm, không được núng lòng. Nhưng đó không phải là điều chúng ta sẽ làm khi đời đáng sống trở lại.” Một luồng cảm phục gần như tôn thờ trào từ Winston về phía O’Brien. Lúc này anh quên bẵng hình ảnh rầu rĩ của Goldstein. Khi nhìn vào đôi vai lực lưỡng và gương mặt cứng nét vừa xấu xí mà vừa lịch sự của O’Brien, không thể tin được rằng ông ta có thể thất bại. Không một mưu kế nào mà ông không đương đầu nổi, không một nguy cơ nào mà ông không tiên đoán ra. Ngay Julia hầu như cũng bị xúc động. Nàng đã rút thuốc lá ra khỏi miệng và chăm chú nghe. O’Brien nói tiếp:

“Anh chị đã được nghe tin đồn về Hội Tình Thân. Chắc hẳn anh chị đã có một ý niệm về nó. Có lẽ anh chị mường tượng một tổ chức mưu phản ngầm rộng lớn với các hội viên bí mật gặp nhau trong hầm, nguệch ngoạc tin tức trên tường, nhận ra nhau nhờ mật mã hay cử chỉ đặc biệt. Không có trò như vậy. Các hội viên Hội Tình Thân không có cách nào nhận ra nhau và không một hội viên nào biết được căn cước của hơn vài ngưòi khác. Ngay Goldstein, nếu rơi vào tay Cảnh Sát Tư Tưởng, cũng không thể cho chúng một danh sách hội viên đầy đủ hay tin tức gì có thể dẫn tới danh sách đó. Không có một thứ danh sách như vậy. Hội Tình Thân không thể bị tiêu diệt vì không phải là một tổ chức theo nghĩa thường. Không có gì kết hợp Hội trừ một lý tưởng không thể bị hủy diệt. Ngoài lý tưởng anh chị sẽ không nương tựa được vào đâu. Anh chị sẽ không có bạn bè và sẽ không có người khích lệ. Sau cùng, khi anh chị bị bắt, anh chị sẽ không được giúp đỡ. Chúng tôi không bao giờ giúp đỡ hội viên. Quá lắm, nếu nhất thiết phải khóa khẩu tù nhân nào, chúng tôi có thể cho đem lẻn dao cạo vào xà lim họ. Anh chị sẽ phải tập sống không kết quả và không hy vọng. Anh chị sẽ làm việc một thời gian, anh chị sẽ bị bắt, anh chị sẽ thú tội, và anh chị sẽ chết. Đó là kết quả duy nhất anh chị sẽ thấy được. Không thể có một sự thay đổi nhận thấy được nào xảy ra trong sinh thời của chúng ta. Chúng ta là kẻ chết. Đời sống thực sự duy nhất của chúng ta nằm trong tương lai. Chúng ta sẽ tham gia thời ấy dưới hình thức nắm bụi hay mảnh xương vụn. Nhưng tương lai ấy còn bao xa, không tài nào biết được. Có thể là một ngàn năm nữa. Hiện tại không thể làm gì hơn việc nới rộng dần dần khu vực tinh thần lành mạnh. Chúng ta không thể hoạt động tập thể. Chúng ta chỉ có thể truyền bá sự hiểu biết của chúng ta, từ cá nhân cho cá nhân, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đối đầu với Cảnh Sát Tư Tưởng không có cách gì khác.”

Ông ngưng tiếng và nhìn lần thứ ba vào đồng hồ đeo tay.

“Sắp tới giờ đồng chí phải đi,” ông nói với Julia. “Đợi chút. Bình rượu còn đầy nửa.”

Ông rót đầy ba cốc và cầm chân cốc của ông nâng lên.

“Lần này chúc mừng gì đây ?” ông nói vẫn với chút mỉa mai nhẹ. “Chúc cho Cảnh Sát Tư Tưởng bị bối rối ? Chúc cho Bác chết ? Chúc cho nhân loại ư ? Chúc cho tương lai ?”

“Chúc cho quá khứ,” Winston nói.

“Quá khứ quan trọng hơn,” O’Brien trịnh trọng tán thành.

Họ uống cạn cốc và một lát sau Julia đứng dậy ra về. O’Brien lấy từ trên nóc tủ nhiều ngăn một hộp nhỏ và đưa cho nàng một viên trắng bẹt dặn nàng để nó trên lưỡi. Ông nói, cốt yếu là ra ngoài không được bốc mùi rượu vang: các tên hầu thang máy rất có óc quan sát. Cánh cửa vừa đập sau lưng nàng, ông tuồng như đã quên sự hiện hữu của nàng. Ông bước đi bước lại một hai lần nữa rồi dừng chân.

“Có vài chi tiết cần được giải quyết,” ông nói. “Tôi phỏng đoán anh có một nơi trú ẩn chứ ?”

Winston giải thích về căn phòng trên tiệm của ông Charrington.

“Thế hiện được. Sau này chúng tôi sẽ thu xếp một nơi khác cho anh. Thay đổi luôn luôn chỗ ẩn là một điều quan trọng. Trong khi chờ đợi tôi sẽ gửi cho anh càng sớm cành hay một bản quyển sách” — ngay O’Brien, Winston để ý, hình như cũng phát âm từ đó như thể nó là chữ nghiêng — “sách của Goldstein ấy mà. Phải vài ngày nữa tôi mới kiếm được ra một bổn. Không còn mấy quyển tồn tại, như anh có thể đoán. Chúng tôi chưa xuất bản xong sách, Cảnh Sát Tư Tưởng đã truy tầm kịp và tiêu hủy nó. Không hề gì mấy. Quyển sách không thể bị hủy diệt. Nếu bản cuối mất đi, chúng tôi có thể sao lại sách gần như từng chữ một. Anh có mang cặp đi làm không ?” ông nói thêm.

“Bình thường, có.”

“Nó như thế nào ?”

“Đen, cũ rích. Có hai đai.”

“Đen, hai đai, cũ rích — tốt. Có ngày khá gần đây — tôi không cho được rõ ngày — một trong những mẩu tin thuộc công việc anh sẽ gồm một chữ in sai và anh sẽ phải xin một bản khác. Ngày hôm sau anh sẽ không mang cặp đi làm. Ngày hôm đó, sẽ có lúc ở ngoài phố có người đụng vào tay anh và nói: “Thiết tưởng ông đánh rơi cặp của ông”. Chiếc cặp người ta đưa cho anh sẽ đựng một bản sách của Goldstein. Anh sẽ trả lại sách nội mười bốn ngày.”

Họ im lặng một hồi.

“Còn hai phút nữa anh phải đi,” O’Brien nói. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau — nếu chúng ta phải gặp lại nhau —”

Winston ngước mắt nhìn ông. “Tại nơi không có bóng tối ?” anh do dự nói.

O’Brien gật đầu không lộ vẻ ngạc nhiên. “Tại nơi không có bóng tối,” ông lập lại làm như ông đã nhận ra lời ám chỉ. “Trong khi chờ đợi, anh có điều gì muốn nói trước khi ra đi không ? Có nhắn gì không ? Có hỏi gì không ?”

Winston suy nghĩ. Cơ hồ không còn điều gì anh muốn hỏi: anh lại càng không có ý định thốt ra những lời khái luận kêu to rỗng tuếch. Thay vì một sự liên quan trực tiếp tới O’Brien hay Hội Tình Thân, hiện ra trong óc anh hình ảnh lẫn lộn của căn phòng đen tối nơi mẹ anh sống chuỗi ngày cuối cùng của bà, với căn phòng nhỏ trên cửa tiệm của ông Charrington, cùng tấm chặn giấy thủy tinh và bức tranh khắc thép trong khung gỗ trắc. Gần như ngẫu nhiên anh hỏi:

“Liệu ông có biết một bản nhạc xưa bắt đầu bằng “”Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo”” không ?”

Lại nữa O’Brien gật đầu. Với một điệu phong nhã trịnh trọng ông đọc hết đoạn thơ:

Cam với chanh, chuông Thánh Clement reo,

Anh nợ tôi ba xu, chuông Thánh Martin reo,

Khi nào anh trả tôi ? chuông Già Bailey reo,

Khi nào tôi giàu có, chuông Shoreditch reo.

“Ông biết câu cuối !” Winston nói.

“Phải, tôi biết câu cuối. Và bây giờ tôi e là lúc anh phải về. Nhưng đợi chút. Anh nên để tôi cho anh một viên này.”

Khi Winston đứng dậy, O’Brien giơ tay ra. Nắm tay mạnh mẽ của ông bóp nát xương lòng tay anh. Tới cửa Winston ngoảnh mặt nhìn lại, nhưng O’Brien hầu như sắp gạt anh ra khỏi tâm trí. Ông đứng đợi, tay đặt trên nút bấm chỉ huy máy truyền hình. Qua mình ông, Winston có thể thấy cái bàn giấy với ngọn đèn có chao xanh lục, máy ghi âm và sọt lưới đầy ngập giấy. Sự kiện đã kết thúc. Nội ba mươi giây nữa, anh chợt nghĩ, O’Brien sẽ vì Đảng trở về với công việc quan trọng bị bỏ dở.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN