1Q84 (Tập 1) - Chương 18: Tengo
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
139


1Q84 (Tập 1)


Chương 18: Tengo


Anh Cả đã hết trò rồi

Sau buổi họp báo, Komatsu gọi điện thoại tới, nói mọi việc đều thuận lợi, hoàn hảo.

“Đẹp quá, quá là đẹp ấy!” Komatsu nói với giọng hưng phấn hiếm thấy, “Ôi trời, không ngờ cô ấy lại hoàn hảo đến thế. Ứng đối lưu loát lắm, để lại ấn tượng tốt cho tất cả mọi người có mặt ở đây.”

Nghe Komatsu nói vậy, Tengo không ngạc nhiên. Tuy không có căn cứ cụ thể nào, nhưng anh chẳng hề lo lắng về buổi họp báo, anh đã dự kiến từ trước, những chuyện này một mình cô cũng có thể đối phó dễ dàng. Chỉ có điều, cái từ “ấn tượng tốt” nghe có vẻ không hợp với Fukaeri lắm.

“Không để lộ ra sơ hở nào đấy chứ?” Tengo cẩn thận hỏi lại.

“Không đâu. Cố gắng rút ngắn thời gian, gặp câu hỏi nào không tiện trả lời thì kéo léo chuyển hướng sang chủ đề khác. Mà thực ra, gần như không có câu hỏi nào hóc búa khó nhằn. Dù sao thì cũng chỉ là một cô bé mười bảy tuổi thôi mà, cả đám phóng viên đâu nỡ đóng vai phản diện ở đây chứ. Tất nhiên, vẫn phải thêm một dòng chú thích: ‘Ít nhất hiện giờ là như vậy’, trời mới biết được sau này sẽ thế nào. Trên thế giới này, gió là thứ có thể đổi chiều ngay được.”

Trong đầu Tengo mường tượng ra hình ảnh Komatsu hết sức nghiêm túc đứng bên bờ vách đá, đang liếm ngón tay giơ ra để thăm dò hướng gió.

“Tóm lại, may mà cậu đã tập dượt trước rất tốt. Cám ơn cậu nhiều. Các bài đưa tin về giải thưởng và buổi họp báo có lẽ sẽ đăng trên báo số ra chiều mai.”

“Fukaeri mặc đồ gì vậy?”

“Quần áo à? Thì quần áo bình thường thôi. Áo len mỏng bó sát người với quần bò.”

“Có phải quần áo làm nổi bật bộ ngực lên không?”

“Ừm, nghe cậu nói vậy tôi cũng thấy thế thật. Hình dáng bộ ngực rất đầy đặn, cứ như vừa mới ra lò, vẫn còn nóng phừng phừng ấy,” Komatsu nói, “Tengo à, cô bé này chắc chắn sẽ trở thành nữ tác giả thiên tài nổi tiếng khắp cả nước đấy. Người thì xinh đẹp, đầu óc lại nhanh nhạy sáng sủa, dù nói năng hơi kỳ lạ một chút. Chủ yếu nhất là trên người cô ấy toát ra một bầu không khí không tầm thường. Từ trước đến giờ, tôi đã chứng kiến nhiều tác giả lần đầu tiên xuất hiện trước mặt công chúng, nhưng cô bé này là đặc biệt nhất. Tôi nói đặc biệt, tức là thực sự đặc biệt đấy. Một tuần nữa, tạp chí đăng tải Nhộng không khí sẽ ra sạp, muốn cược gì cũng được, kể cả cược một cánh tay một cẳng chân tôi cũng dám chơi luôn, không đến ba ngày, tạp chí sẽ bán sạch sành sanh không còn một quyển cho xem!”

Tengo nói cảm ơn anh ta đã gọi điện báo, sau đó gác máy. Anh thấy mình như cũng thở phào được một hơi. Dù sao cũng coi như đã vượt qua cửa ải đầu tiên. Tuy vẫn không thể dự đoán được sẽ có bao nhiêu cửa ải khác đang đợi phía trước.

Tin về buổi họp báo được đăng trên số báo ra chiều hôm sau. Tan giờ dạy ở trường dự bị, Tengo ghé vào một ki ốt ở ga tàu điện mua bốn loại báo khác nhau, đem về đọc và so sánh. Nội dung các bài báo không khác nhau nhiều. Bài viết không dài lắm, nhưng với một bài đưa tin về người đoạt giải Tác giả mới của tạp chí văn nghệ thì là phá cách lắm rồi. (Thông thường những tin thế này hầu hết đều bị cắt cúp còn không quá năm dòng). Đúng như Komatsu dự đoán, vì đoạt giải thưởng là một thiếu nữ mười bảy tuổi, nên các cơ quan truyền thông đều tâng bốc hết lời. Báo viết cả bốn thành viên ban giám khảo không hề tranh luận gì khi chọn Nhộng không khí của Fukaeri là tác phẩm đoạt giải, buổi họp chấm giải kéo dài chưa đến mười lăm phút đã kết thúc, và là trường hợp cực kỳ hiếm thấy. Bốn tác giả cá tính rất mạnh ngồi lại một chỗ, vậy mà ý kiến của cả bốn không ngờ lại hoàn toàn thống nhất, chuyện như vậy chưa từng xảy ra. Trong giới văn nghệ, tác phẩm đã nổi như cồn. Trong buổi họp báo quy mô nhỏ ở chính gian sảnh tổ chức lễ trao giải thưởng, cô “tươi cười vui vẻ” trả lời “chững chạc rõ ràng” những câu hỏi của phóng viên.

Về câu hỏi “Sau này có tiếp tục viết tiểu thuyết nữa không”, cô trả lời: “Tiểu thuyết chẳng qua chỉ là một hình thức biểu đạt tư tưởng, lần này tôi chỉ ngẫu nhiên lựa chọn hình thức này, còn lần sau sẽ chọn hình thức gì, tôi chưa biết.” Thật khó tưởng tượng được Fukaeri lại nói ra một câu dài, hoàn chỉnh đến thế. Có lẽ phóng viên kia đã khéo xâu chuỗi những câu ngắn và cụt của cô lại, rồi bổ sung một cách thích đáng, rồi chỉnh lại thành câu dài như vậy. Đương nhiên, cũng có khả năng cô nói một mạch cả câu dài hoàn chỉnh. Với Fukaeri, chẳng nói chắc được điều gì.

Còn câu “Thích tác phẩm gì?”, đương nhiên câu trả lời của cô là Truyện kể Heike. Có phóng viên hỏi cô thích phần nào của Truyện kể Heike, Fukaeri liền đọc thuộc lòng cả phần cô thích. Mất hơn năm phút mới đọc hết đoạn dài đó. Những người có mặt lúc ấy đều khâm phục, khi cô đọc xong, cả hội trường tĩnh lặng như tờ trong giây lát. Thật may (có lẽ phải nói như thế), không có phóng viên nào hỏi về loại âm nhạc yêu thích của cô.

“Giành được giải Tác giả mới, ai là người mừng cho em nhất?” Với câu hỏi này, cô im lặng một lúc lâu (cảnh tượng này Tengo có thể tưởng tượng ra được), sau đó trả lời: “Đây là bí mật.”

Chỉ đọc bài viết trên báo là biết được lúc trả lời các câu hỏi của phóng viên, Fukaeri không nói dối câu nào. Cô nói ra toàn sự thực. Trên báo đăng ảnh cô. Nhìn Fukaeri trong ảnh còn xinh đẹp hơn cả trong ký ức của Tengo. Khi đối diện trò chuyện, sự chú ý bị những động tác hình thể, sự thay đổi nét mặt, những lời nói của cô làm xao lãng, còn nhìn cô trên một tấm ảnh tĩnh, anh mới nhận ra rằng gương mặt cô xinh đẹp thanh tú đến nhường nào. Chỉ là tấm ảnh chân dung nhỏ chụp ở buổi họp báo (nếu đúng là cô mặc chiếc áo len mùa hè như lần trước), nhưng lại có thể thấy ở đó một thứ ánh sáng. Đó có lẽ chính là thứ tựa như “bầu không khí không tầm thường” mà Komatsu nhắc tới.

Tengo gấp đống báo lại, đứng trong bếp uống một lon bia, bắt đầu chuẩn bị một bữa tối đơn giản. Tác phẩm do mình viết lại được nhất trí thông qua, giành giải Tác giả mới của tạp chí văn nghệ, gây tiếng vang lớn, hơn nữa sau này rất có thể sẽ trở thành sách bán chạy. Nghĩ thế, anh chợt thấy là lạ. Một mặt thì thực sự vui mừng, mặt khác anh cảm thấy bồn chồn không yên. Dù tất của không nằm ngoài dự liệu, nhưng mọi chuyện thật có thể dễ dàng thuận lợi vậy sao?

Lúc chuẩn bị bữa tối, anh chợt nhận ra mình hoàn toàn không còn cảm giác thèm ăn. Khi nãy còn thấy bụng rỗng, giờ đã chẳng muốn ăn gì hết. Anh lấy màng ni lông giữ tươi bọc đống thức ăn làm dang dở, cho vào tủ lạnh, rồi ngồi trên ghế trong bếp, ngước nhìn tờ lịch treo trên tường, lẳng lặng uống bia. Tờ lịch treo tường ấy là quà tặng của ngân hàng, bên trên in ảnh bốn mùa núi Phú Sĩ. Tengo chưa bao giờ leo núi Phú Sĩ, cả tháp Tokyo cũng chưa lên lần nào, thậm chí cả tầng thượng của một tòa nhà cao anh cũng chẳng lên bao giờ. Từ nhỏ anh đã không hứng thú với độ cao. Tại sao nhỉ? Tengo thầm nghĩ. Có lẽ vì mình xưa nay vẫn luôn cúi đầu để ý dưới chân mà lặng lẽ sống qua ngày.

Dự đoán của Komatsu quả nhiên không sai. Số tạp chí văn nghệ đăng tác phẩm Nhộng không khí của Fukaeri gần như bán hết ngay trong ngày, biến mất không còn tăm tích khỏi các nhà sách. Các tờ tạp chí văn nghệ chẳng bao giờ bán hết. Hàng tháng nhà xuất bản đều chịu lỗ để duy trì việc xuất bản tạp chí văn nghệ. Mục đích thực sự của việc ấn hành loại tạp chí này là để tập hợp các tác phẩm đăng trên đó thành sách, và dùng giải thưởng Tác giả mới làm nơi phát hiện cũng như bồi dưỡng tác giả trẻ. Việc tiêu thụ và lợi nhuận từ tờ tạp chí không được coi trọng. Vì vậy, sự kiện tạp chí văn nghệ bán hết sạch ngay trong ngày đầu tiên lên kệ, chẳng khác nào ở Okinawa có hoa tuyết bay, bản thân nó đã là một tin tức thu hút dư luận rồi. Có điều, dù tạp chí được bán hết, tình trạng lỗ vốn cũng không thể xoay chuyển được.

Komatsu gọi điện thoại tới, kể chuyện với Tengo.

“Tin tốt đây,” anh ta nói, “Tạp chí bán hết rồi, mọi người cực kỳ hứng thú với tác phẩm này, muốn đọc càng nhanh càng tốt, để xem kết cục như thế nào. Bên xưởng in đang tăng ca thêm giờ, để nhanh chóng in cho xong Nhộng không khí. Ưu tiên nhất, xuất bản gấp mà lại. Đã thế này, có giành giải Akutagawa hay không cũng chẳng quan trọng nữa. Phải rèn sắt ngay lúc còn nóng, bán thật nhiều sách đã. Không nghi ngờ gì nữa, cuốn này chắc chắn sẽ bán chạy.. Tôi dám đảm bảo. Vì vậy, Tengo à, cậu cũng tranh thủ thời gian nghĩ xem nên tiêu tiền như thế nào đi là vừa.”

Trên mục văn nghệ của số báo chiều thứ Bảy có đăng một bài về Nhộng không khí. Sự kiện tờ tạp chí đăng tải tác phẩm bán hết sạch trong nháy mắt đã trở thành tiêu đề bài báo. Vài nhà phê bình bày tỏ cảm tưởng trước việc tác phẩm bán chạy đến thế, và đều là những nhận xét đầy hảo ý. Bút lực cứng cáp, cảm tính nhạy bén và trí tưởng tượng phong phú, thật khó tin đó lại là tác phẩm của một thiếu nữ mười bảy tuổi. Có lẽ tác phẩm này đã gợi ra một phong cách văn học hoàn toàn mới. Một nhà phê bình viết: “Trí tưởng tượng quá đỗi bay bổng, không phải là không có khuyết điểm trong việc kết nối với hiện thực.” Đây là ý kiến tiêu cực duy nhất mà Tengo đọc được. Có điều, chính người này cũng kết luận một cách nhẹ nhàng: “Thật thú vị khi nghĩ đến việc cô gái này tới đây sẽ cho ra tác phẩm gì nữa.” Chiều gió cho đến lúc này đúng là không tồi.

Fukaeri gọi điện thoại tới, bốn hôm trước ngày dự kiến phát hành bản in sách. Lúc ấy là chín giờ sáng.

“Anh dậy chưa,” cô hỏi. Vẫn là một câu đều đều không trầm không bổng, cũng không có dấu chấm hỏi.

“Dĩ nhiên là dậy rồi,” Tengo đáp.

“Chiều nay có rảnh.”

“Sau bốn giờ thì rảnh.”

“Có thể gặp.”

“Có thể gặp,” Tengo nói.

“Chỗ lần trước được không,” Fukaeri hỏi.

“Được chứ,” Tengo đáp, “Bốn giờ anh sẽ đến quán cà phê ở Shinjuku. Còn nữa, ảnh chụp trên báo đẹp lắm. Cái tấm ở buổi họp báo ấy.”

“Em mặc cái áo len đó,” cô nói.

“Đẹp lắm,” Tengo nói.

“Vì chính hình dáng bộ ngực.”

“Có lẽ vậy. Nhưng trong những trường hợp như thế, điều quan trọng là có thể đem lại ấn tượng tốt.”

Fukaeri ở đầu dây bên kia thoáng im lặng. Như thể vừa đặt một thứ gì đó lên giá trước mắt rồi chăm chú quan sát. Có lẽ cô đang ngẫm nghĩ về quan hệ giữa hình dáng bộ ngực và ấn tượng tốt. Nghĩ tới việc giữa ấn tượng tốt và hình dáng bộ ngực có quan hệ gì, cả Tengo cũng dần thấy mông lung.

“Bốn giờ,” Fukaeri nói, sau đó dập máy.

Gần bốn giờ, Tengo bước vào quán cà phê, Fukaeri đã đợi ở đó. Thầy giáo Ebisuno ngồi cạnh cô. Ông mặc áo sơ mi cộc tay màu xám nhạt, quần dài sẫm màu, lưng ưỡn thẳng như lần trước, thoạt nhìn như một bức tượng. Tengo thấy Thầy giáo, thoáng kinh ngạc, vì theo những gì Komatsu nói, ông thực sự rất hiếm khi “xuống núi”.

Tengo ngồi xuống đối diện hai người, gọi một tách cà phê. Giờ vẫn chưa vào mùa mưa dầm mà không khí đã oi bức đến độ khiến người ta nghĩ đến những ngày giữa hè, nhưng Fukaeri vẫn như lần trước, nhấm nháp từng ngụm ca cao nóng. Thầy giáo Ebisuno gọi một cốc cà phê đá, nhưng không uống ngụm nào. Những viên đá bên trong tan chảy, thành một lớp nước trong suốt bên trên cốc thủy tinh.

“Chúng ta lại gặp nhau,” Thầy giáo Ebisuno nói.

Cốc cà phê của Tengo được đưa tới. Anh nhấp một ngụm.

“Mọi việc trước mắt đều có vẻ tiến triển thuận lợi,” Thầy giáo Ebisuno nói không nhanh không chậm, như thể đang thử giọng, “Công của cậu rất lớn, thực sự rất lớn. Trước tiên, tôi muốn cảm ơn cậu vì chuyện này.”

“Thật vui khi nghe ông nói vậy. Có điều chuyện này thì ông cũng biết rồi, chính thức thì tôi không hề tồn tại,” Tengo nói, “Một người chính thức không tồn tại thì không có công lao gì cả.”

Thầy giáo Ebisuno xoa hai tay vào nhau trên mặt bàn như thể đang sưởi ấm.

“Không, không, cậu không cần phải khiêm tốn thế. Những câu khách khí đó chúng ta không nên nói làm gì, trong hiện thực cậu rõ ràng là đang tồn tại. Nếu không có cậu, sự việc đã không được thuận lợi như thế này. Nhờ cậu, Nhộng không khí mới trở thành một tác phẩm xuất sắc. Nó vượt qua cả dự tính của tôi, nội dung vừa phong phú vừa sâu sắc. Komatsu đúng là có mắt nhìn người.”

Fukaeri ngồi bên cạnh ông, tiếp tục uống ca cao như chú mèo liếm sữa. Cô mặc một chiếc áo sơ mi cộc tay trắng, kiểu dáng đơn giản, bên dưới mặc váy ngắn xanh sẫm. Như mọi ngày, cô không đeo trang sức. Lúc nào nghiêng người về phía trước, gương mặt cô liền bị mái tóc dài buông thẳng che khuất.

“Lời cảm ơn này nhất định phải từ chính miệng tôi nói với cậu, vậy mới phiền cậu đến đây một chuyến,” Thầy giáo Ebisuno nói.

“Chuyện nhỏ thôi mà, ông không cần bận tâm. Đối với tôi, viết lại Nhộng không khí đã là một việc rất có ý nghĩa.”

“Tôi nghĩ, vẫn phải chính thức cảm ơn cậu mới được.”

“Cám ơn hay không cũng chẳng sao,” Tengo nói, “Chỉ có điều, tôi có thể hỏi vài chuyện cá nhân của Eri được không?”

“Tất nhiên, nếu tôi có thể trả lời.”

“Thầy Ebisuno, ông là người giám hộ chính thức của Eri đúng không?”

Thầy giáo lắc đầu. “Không, tôi không phải là người giám hộ chính thức của con bé. Nếu được, tôi rất muốn làm vậy. Lần trước, như tôi đã nói với cậu, tôi không thể nào liên lạc được với cha mẹ con bé. Xét về mặt luật pháp, tôi không có bất cứ quyền gì với con bé. Tôi chỉ thu nhận con bé đã đến nhà tôi bảy năm trước, nuôi dưỡng nó từ đó đến nay, chỉ có vậy thôi.”

“Nếu như thế, đáng lẽ ông phải mong cho cuộc sống của Eri được sóng yên gió lặng chứ. Trống dong cờ mở thế này, ai dám chắc sẽ xảy ra rắc rối gì. Huống hồ cô ấy vẫn chưa thành niên.”

“Ý cậu có phải là, giả dụ cha mẹ con bé kiện tụng, yêu cầu Eri trở về, thì sự việc có thể sẽ phiền phức. Khó khăn lắm con bé mới chạy thoát ra được, không cẩn thận có thể bị ép buộc phải trở về. Đúng vậy không?”

“Đúng vậy. Tôi thấy không sao hiểu nổi.”

“Cậu ngờ vực như vậy cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng bên kia họ cũng có những lý do để không đường hoàng hành động. Eri càng nổi danh trong xã hội, bọn họ nếu có muốn làm gì với con bé thì sẽ càng thu hút sự chú ý của công chúng. Đây chính là tình huống mà họ không mong muốn nhất.”

“Bọn họ?” Tengo hỏi. “Ý ông là Sakigake?”

“Đúng vậy,” Thầy giáo nói. “Chính là giáo phái Sakigake. Sự thực là tôi đã nuôi dưỡng Eri bảy năm ròng, Eri cũng muốn tiếp tục ở lại nhà tôi. Dù vì bất cứ lý do gì, cha mẹ đẻ của Eri cũng đã bỏ rơi không ngó ngàng gì đến nó suốt bảy năm trời. Tôi không thể dễ dàng trả lại Eri vào tay bọn họ như thế được.”

Tengo sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu, sau đó nói: “Theo kế hoạch đã định, Nhộng không khí chắc chắn sẽ trở thành sách bán chạy, Eri ắt sẽ được dư luận quan tâm. Như thế, ngược lại Sakigake sẽ không thể hành động bừa bãi. Chuyện này thì tôi hiểu rồi. Vậy thì, theo dự đoán của ông, tình hình sau này sẽ tiến triển ra sao?”

“Chuyện này thì tôi không biết,” Thầy giáo Ebisuno điềm đạm nói, “Chuyện tương lai, với bất cứ ai cũng là vùng đất chưa được biết. Không có bản đồ. Muốn biết vòng qua lối rẽ sẽ là cái gì đang chờ đợi ta thì phải vòng qua chỗ đó mới biết được. Hiện giờ chẳng thể dự liệu được điều gì.”

“Chẳng thể dự liệu được điều gì?” Tengo hỏi.

“Đúng thế. Có lẽ cậu thấy câu này nghe có vẻ thiếu trách nhiệm, nhưng chẳng thế dự liệu được điều gì lại chính là điểm quan trọng nhất của toàn bộ sự việc. Ném một hòn đá xuống đầm nước sâu, ‘tõm’ một cái, tiếng động vang lên khắp bốn phía. Tiếp theo trong đầm sẽ thình lình trồi lên thứ gì, chúng ta đều nín thở chờ đợi.”

Trong một thoáng, mọi người đều im lặng. Trong đầu hiện lên hình ảnh những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước. Thầm đoán những gợn sóng hư ảo kia đã lắng xuống, Tengo thong thả nói:

“Ngay từ đầu tôi đã nói với ông, lần này mọi chuyện chúng ta làm đều là hành vi lừa đảo. Thậm chí có thể nói là hành vi phản xã hội. Sau này, e rằng còn dính dáng tới cả một số tiền không nhỏ nữa, lời nói dối sẽ như hòn tuyết lăn mỗi lúc một lớn. Dối trá cũ sẽ kéo theo dối trá mới, quan hệ giữa những lời dối trá sẽ trở nên phức tạp, và cuối cùng có lẽ tất cả chỉ còn cách bó tay. Vậy là, khi sự thật bại lộ, mỗi người tham dự vào chuyện này, gồm cả Eri nữa, đều bị tổn hại, không khéo có khi còn thân bại danh liệt, bị xã hội khinh miệt. Suy luận như vậy, chắc ông cũng đồng ý?”

Thầy giáo Ebisuno đưa tay đẩy gọng kính lên. “Hẳn là muốn không đồng ý cũng không được.”

“Mặc dù vậy, nghe anh Komatsu nói, ông còn dự định đứng ra làm đại diện cho cái công ty ma mà anh ta lập ra cho Nhộng không khí nữa. Nghĩa là ông đã chuẩn bị tham gia kế hoạch của Komatsu một cách toàn diện. Nói cách khác là tự mình gánh tội lỗi do người khác gây ra.”

“Xét về kết quả thì có lẽ đúng như cậu nói.”

“Như tôi được biết, thầy Ebisuno là người trí tuệ hơn người, có kiến thức sâu rộng và thế giới quan độc đáo. Thế nhưng, ông lại nói không thể biết được tương lai kế hoạch này sẽ như thế nào, qua lối rẽ phía trước sẽ xuất hiện gì cũng không thể dự liệu. Người như thầy, sao lại có thể để mình rơi vào thế cuộc không rõ ràng, tiến thoái lưỡng nan như vậy? Tôi nghĩ mãi mà vẫn không hiểu.”

“Cậu quá khen rồi, tôi làm gì được như thế, có điều chuyện này để bàn sau…” Thầy giáo Ebisuno nói tới đây liền ngưng lại giây lát, “Tôi hoàn toàn hiểu ý cậu.”

Im lặng.

“Chẳng ai biết sẽ xảy ra chuyện gì,” Fukaeri đột nhiên xen vào một câu. Sau đó lại im lặng. Cốc ca cao đã hết.

“Nói đúng lắm,” Thầy giáo nói, “Chẳng ai biết sẽ xảy ra chuyện gì. Eri nói đúng lắm.”

“Nhưng phải có dụng ý ở mức độ nào đó chứ,” Tengo nói.

“Có dụng ý ở mức độ nào đó,” Thầy giáo Ebisuno nói.

“Tôi thử suy đoán dụng ý này được không?”

“Tất nhiên.”

“Bằng việc công bố tác phẩm Nhộng không khí, không chừng có thể làm rõ rốt cuộc đã có chuyện gì xảy ra với cha mẹ Eri, từ đó biết được chân tướng sự việc. Đây chính là dụng ý của việc ném hòn đá xuống đầm nước, phải vậy không ạ?”

“Về cơ bản, suy đoán của cậu là chính xác,” Thầy giáo Ebisuno nói, “Nếu Nhộng không khí trở thành sách bán chạy, giới truyền thông sẽ ùn ùn kéo đến như lũ cá chép trong hồ. Nói thực, hiện giờ cũng đã khá là náo nhiệt rồi đấy. Sau buổi họp báo đó, các tạp chí, đài truyền hình đã liên tiếp xin phỏng vấn. Dĩ nhiên là chúng tôi từ chối, nhưng sau này khi tác phẩm được in thành sách, xuất bản, tình hình chắc chắn sẽ nhộn nhịp hơn nhiều. Nếu chúng ta cứ mãi không trả lời phỏng vấn, có lẽ họ sẽ giở mọi thủ đoạn ra để điều tra thân thế của Eri. Cảnh ngộ của con bé sớm muộn gì cũng bị lộ. Cha mẹ con bé là ai, nó lớn lên như thế nào, được giáo dục ra sao, hiện giờ ai đang chăm sóc nó. Tất cả những thứ ấy hẳn sẽ trở thành tin tức hấp dẫn đối với mọi người.

“Tôi không phải ham hố gì mà tham gia vào chuyện này. Tôi đang sống thoải mái trên núi. Từ lâu đã không muốn dính líu đến chuyện thu hút sự chú ý của người đời. Mà làm chuyện này rồi tôi cũng chẳng được gì. Nhưng tôi muốn tung mồi nhử ra, dẫn dụ sự quan tâm của giới truyền thông đối với cha mẹ Eri. Bọn họ đang ở đâu, hoàn cảnh thế nào? Ý tôi chính là muốn giới truyền thông thay thế cảnh sát, làm những việc mà cảnh sát không thể làm hoặc không muốn làm. Tôi nghĩ, nếu làm khéo, họa chăng có thể mượn cơ hội này giải cứu bọn họ ra ngoài. Tóm lại, vợ chồng Fukada vô cùng quan trọng với tôi, với Eri lại càng quan trọng. Không thể để mặc họ biệt tích như thế mãi.”

“Nhưng nếu giả sử vợ chồng Fukada có ở đó, thì tại sao phải giam cầm họ những bảy năm ròng? Đó là một khoảng thời gian quá dài.”

“Điều này thì tôi cũng không rõ. Chỉ có thể suy đoán mà thôi,” Thầy giáo Ebisuno nói, “Như lần trước tôi đã nói với cậu, Sakigake ban đầu vốn là một công xã nông nghiệp có tính chất cách mạng, tôi đến một lần vào thời điểm chia tách với phái chủ trương vũ trang Akebono, sau đó thay đổi đường lối, biến hình thành một tổ chức tôn giáo. Vì xảy ra sự kiện ‘hồ Motosu’, cảnh sát từng thâm nhập vào nội bộ giáo đoàn để điều tra, nhưng phát hiện bọn họ không hề liên quan. Kể từ đó, giáo đoàn đã từng bước củng cố vững chắc địa vị của nó, à không, không nên nói là từng bước củng cố, mà phải nói là lớn mạnh vượt bậc. Tuy thế, hầu hết mọi người gần như không biết gì về hoạt động thực chất của bọn họ. Chắc cậu cũng chẳng biết, phải không?”

“Tôi hoàn toàn không biết,” Tengo đáp, “Tôi không bao giờ xem ti vi, báo chí cũng ít đọc, không thể lấy tôi ra làm tiêu chuẩn cho tất cả mọi người được.”

“Không chỉ có một mình cậu hoàn toàn không biết gì đâu. Họ hành động để không ai có thể biết họ đang làm gì. Những giáo phái mới nổi khác đa phần đều làm những việc khoa trương hòng tăng số lượng tín đồ càng nhiều càng tốt. Nhưng Sakigake lại không làm chuyện đó, vì mục đích của họ không phải là gia tăng lượng tín đồ. Các tổ chức tôn giáo thường đều cố gắng tăng số lượng tín đồ để có thu nhập ổn định. Sakigake thì có vẻ không cần làm như vậy, bọn họ không cần tiền bạc, mà cần nhân tài, tức những tín đồ trẻ khỏe, có mục đích rõ ràng, sở hữu các kỹ năng chuyên nghiệp. Vì thế, họ không bao giờ cố khuyến dụ cho bằng được, cũng không tiếp nhận tất cả những người đến với họ. Trong những người đến xin gia nhập, họ sẽ lựa chọn bằng cách phỏng vấn trực tiếp. Ngoài ra, cũng có lúc họ chủ động lôi kéo những người có năng lực. Kết quả là đã hình thành nên một giáo phái gồm toàn những cá nhân ưu tú, có tính chiến đấu cao. Bề ngoài thì họ vẫn vừa làm nông nghiệp, vừa ra sức khổ tu.”

“Vậy rốt cuộc giáo phái của họ dựa trên giáo lý gì?”

“Chắc là không có giáo điều cụ thể. Cho dù có, đại khái cũng là thứ chắp vá. Nói tóm lại, đây là một tổ chức theo kiểu mật giáo, cốt lõi cuộc sống của họ không phải những giáo lý vụn vặt, mà là lao động và tu hành. Hơn nữa còn hết sức nghiêm khắc. Đó không phải chỉ là mẽ ngoài. Vì vậy, những người trẻ theo đuổi một cuộc sống tinh thần như thế, vì nghe danh họ, mới từ khắp cả nước ùn ùn kéo đến. Nội bộ bọn họ cũng rất đoàn kết, xưa nay đều nhất quán thực hiện chính sách bí mật với thế giới bên ngoài.”

“Bọn họ có giáo chủ không?”

“Về hình thức thì không tồn tại giáo chủ. Họ phản đối sùng bái cá nhân, áp dụng chế độ lãnh đạo tập thể trong việc điều hành giáo đoàn. Nhưng nội tình thế nào thì không ai rõ. Tôi cũng đang gắng sức để thu thập thông tin, nhưng rất ít tin tức lộ được ra bên ngoài bức tường cao đó. Duy chỉ có một điều có thể khẳng định, đó là giáo phái này đang phát triển lớn mạnh, về tài chính hình như lại càng dư dật. Đất đai thuộc quyền sở hữu của Sakigeka càng lúc càng rộng, trang thiết bị ngày một đầy đủ. Bức tường bao quanh cũng trở nên kiên cố hơn.”

“Chẳng những vậy, lãnh tụ ban đầu của Sakigake là Fukada, không hiểu từ lúc nào đã biến mất khỏi vũ đài.”

“Cậu nói đúng lắm. Tất cả đều không tự nhiên, không thể hiểu nổi.” Thầy giáo Ebisuno nói, rồi đưa mắt sang Fukaeri, sau đó lại lập tức nhìn chăm chú vào Tengo, “Nội bộ Sakigake chắc chắn có ẩn chứa một bí mật rất lớn. Không nghi ngờ gì nữa, đã có lúc, bên trong Sakigake đã xảy ra điều gì đó tựa như biến động vỏ địa chất vậy. Chúng ta không ai biết rõ tình hình cụ thể ra sao, nhưng vì chuyện này mà Sakigake đã hoàn toàn đổi hướng, từ một công xã nông nghiệp đột nhiên biến chất thành một tổ chức tôn giáo. Đồng thời cũng từ đó, từ một đoàn thể lành mạnh rộng mở, lắc mình biến thành một hội kín áp dụng chính sách bí mật tuyệt đối.”

“Tôi đoán rằng, có thể tại thời điểm đó, trong nội bộ Sakigake đã xảy ra một sự kiện tương tự như đảo chính. Và biết đâu Fukada đã bị cuốn vào sự việc. Trước đây tôi từng nói với cậu, Fukada không có chút khuynh hướng tôn giáo nào cả, ông ta là người tôn thờ tuyệt đối chủ nghĩa duy vật. Ông ta nhất định không trơ mắt ra khoanh tay đứng nhìn cộng đồng do chính mình tạo dựng biến thành tổ chức tôn giáo đâu, mà chắc chắn sẽ dốc sức ngăn trở điều đó xảy ra. Có thể khi ấy ông ta đã thất bại trong cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo Sakigake.”

Tengo nghĩ ngợi giây lát. “Tôi rất hiểu điều ông muốn nói. Có điều, cứ giả sử là thế đi, thì chẳng phải chỉ cần trục xuất Fukada ra khỏi Sakigake là được rồi hay sao? Giống như cuộc chia tách trong hòa bình với Akebono vậy. Việc gì phải giam cầm hai vợ chồng họ?”

“Cậu nói phải lắm. Trong tình huống thông thường, đúng là không cần thiết phải giam cầm làm gì cho phiền phức. Thế nhưng, tôi e rằng Fukada còn nắm trong tay bí mật của Sakigake, như những thứ không tiện công khai chẳng hạn. Vì vậy, trục xuất vợ chồng ông ra khỏi cộng đồng không giải quyết được vấn đề.

“Fukada vốn là người sáng lập ra cộng đồng ấy, đã đóng vai trò lãnh đạo thực sự trong suốt một thời gian dài. Họ đã làm những gì, ông ta đều biết. Có lẽ ông ta đã trở thành kẻ biết quá nhiều. Chẳng những thế, Fukada còn rất có tiếng trong xã hội, vào thời đó, cái tên Fukada Tamotsu cũng là một hiện tượng của thời đại, trên một số phương diện vẫn có vai trò như một vị lãnh tụ tinh thần. Nếu Fukada rời khỏi Sakigake, mỗi cử chỉ, lời nói của ông ta ắt đều được công chúng chú ý. Như thế, dẫu vợ chồng Fukada muốn thoát ly, Sakigake cũng không thể dễ dàng thả họ được.”

“Vì vậy ông muốn để con gái của Fukada Tamotsu xuất hiện một cách ồn ào trong vai trò nhà văn, khiến cho Nhộng không khí thành sách bán chạy, khơi gợi sự quan tâm của xã hội, khiến cho trạng thái bế tắc này khai thông?”

“Bảy năm là một quãng thời gian vô cùng dài, trong bảy năm qua, dù tôi đã nỗ lực hết mức cũng không có chút hiệu quả nào. Nếu bây giờ không dùng biện pháp táo bạo hơn, chỉ sợ mãi mãi không thể giải được câu đố này mất.”

“Ông định dùng Eri làm mồi nhử, dụ hổ ra khỏi hang.”

“Rốt cuộc là dụ được thứ gì ra thì chẳng ai đoán trước được. Cũng chưa chắc đã là hổ.”

“Nhưng xét theo mạch câu chuyện, hình như trong đầu ông đang nghĩ đến một thứ gì đó rất bạo lực.”

“Chắc là phải có khả năng này,” Thầy giáo Ebisuno trầm tư nói, “Chắc cậu cũng biết, trong một hội kín có tính chất tương tự như vậy, có thể xảy ra bất cứ chuyện gì.”

Một sự im lặng nặng nề. Trong bầu không khí im lặng ấy, Fukaeri bỗng lên tiếng.

“Vì Người Tí Hon đã đến,” cô khẽ nói.

Tengo đưa mắt nhìn Fukaeri đang ngồi bên cạnh Thầy giáo. Nét mặt cô vẫn như mọi khi, hoàn toàn không bộc lộ cảm xúc.

“Ý em là, Người Tí Hon đến, vì thế có gì đó trong nội bộ Sakigake đã thay đổi, phải vậy không?” Tengo hỏi Fukaeri.

Fukaeri không trả lời, lấy ngón tay gẩy gẩy chiếc khuy ở ve áo sơ mi.

Thầy giáo Ebisuno dường như tiếp lấy sự im lặng của Fukaeri, nói: “Tôi không hiểu hình tượng Người Tí Hon mà Eri miêu tả rốt cuộc có ý nghĩa gì, bản thân nó cũng không thể dùng ngôn ngữ để giải thích Người Tí Hon là gì, có lẽ nó cũng không có ý định giải thích. Nói tóm lại, trong sự việc Sakigake nhanh chóng chuyển đổi từ công xã nông nghiệp thành tổ chức tôn giáo, Người Tí Hon dường như đã đóng một vai trò gì đó.”

“Hoặc là một thứ giống như Người Tí Hon.”

“Hoàn toàn chính xác,” Thầy giáo nói. “Đó rốt cuộc là Người Tí Hon hay là một thứ giống như Người Tí Hon, tôi không biết được. Nhưng ít nhất, khi Eri để Người Tí Hon xuất hiện trong tiểu thuyết Nhộng không khí, xem chừng con bé muốn kể ra một sự việc gì đó trọng đại.”

Thầy giáo chăm chú nhìn vào hai bàn tay mình một lúc, sau đó ngẩng mặt lên nói: “Cậu cũng biết đấy, trong tác phẩm 1984, George Orwell đã khắc họa một nhân vật độc tài tên là ‘Anh cả’. Đây dĩ nhiên là ngụ ngôn hóa chủ nghĩa Stalin, hơn nữa từ đó trở đi, từ ‘Anh Cả’ đã trở thành hẳn một biểu tượng xã hội. Đây là công lao của Orwell. Nhưng đến năm 1984 rất thực tế này, ‘Anh Cả’ đã trở thành một sự tồn tại nổi danh quá độ, quá dễ nhận biết. Nếu lúc này Anh Cả có xuất hiện ở đây, có lẽ chúng ta còn chỉ tay vào y rồi nói? ‘Cẩn thận đấy, thằng cha chính là Anh Cả kia kìa.’ Nói cách khác, trong thế giới hiện thực này, Anh Cả đã hết trò rồi. Thay vào đó, Người Tí Hon xuất hiện. Cậu không cảm thấy hai từ này là một cặp so sánh rất thú vị à?”

Thầy giáo nhìn chăm chăm vào mặt Tengo, miệng hé nở một nụ cười.

“Người Tí Hon là một tồn tại mắt thường không nhìn thấy được. Rốt cuộc nó là thiện hay ác? Có thực thể hay không? Thậm chí cả những điều tối cơ bản này chúng ta còn chưa biết. Nhưng hình như nó đang khoét rỗng nền móng của chúng ta,” Thầy giáo nói tới đây, ngừng lại giây lát, “Muốn biết đã có chuyện gì xảy ra với vợ chồng Fukada hoặc Eri, có lẽ chúng ta cần làm rõ xem rốt cuộc Người Tí Hon là gì trước đã.”

“Nói vậy là, thầy có ý dẫn dụ Người Tí Hon ra, đúng không?” Tengo hỏi.

“Một thứ thậm chí còn không biết có thực hay không, lẽ nào chúng ta có khả năng dẫn dụ ra đây được?” Thầy giáo nói, nụ cười vẫn nở ra trên khóe miệng. “Cậu cứ bảo đó là ‘con hổ’, có khi còn thực tế hơn.”

“Nói gì thì nói, sự thực Eri là con mồi cũng không thay đổi.”

“Không đúng, dùng từ ‘con mồi’ không được thỏa đáng lắm. Hình ảnh tạo ra vòng xoáy có lẽ gần với sự thực hơn. Không bao lâu nữa, những thứ xung quanh sẽ xoay chuyển theo vòng xoáy ấy. Tôi đang đợi giờ phút ấy đây.”

Thầy giáo đưa ngón tay vòng trong không khí, đoạn nói tiếp:

“Trung tâm vòng xoáy là Eri. Ở giữa vòng xoáy, không cần chuyển động. Chỉ những thứ xung quanh nó mới chuyển động thôi.”

Tengo lẳng lặng lắng nghe.

“Nếu dùng lối ví von ghê cả người kia của cậu, thì không chỉ Eri, có lẽ tất cả chúng ta đều là con mồi,” Thầy giáo nheo mắt nhìn Tengo, “Kể cả cậu nữa.”

“Đáng lẽ tôi chỉ viết lại Nhộng không khí đến khi xong là hết chuyện, nói trắng ra chỉ là một tay nhân viên kỹ thuật. Từ đầu, khi anh Komatsu tìm tôi, chỉ muốn tôi đóng vai này.”

“Tôi hiểu.”

“Nhưng có vẻ như sự việc đến nửa chừng thì đã đổi khác,” Tengo nói, “Có nghĩa là, thầy Ebisuno đã thay đổi lại kế hoạch ban đầu do anh Komatsu xây dựng, phải vậy không?”

“Không hề, tôi không hề thay đổi. Anh Komatsu có ý đồ của anh ấy, tôi có ý đồ của tôi. Trước mắt thì hướng đi của hai ý đồ này là một.”

“Vậy là, ý đồ của hai người hiện đang cưỡi chung một con ngựa và kế hoạch đang tiến triển.”

“Có thể nói như vậy.”

“Hai người có đích đến khác nhau, nhưng lại cưỡi chung ngựa tiến về phía trước. Đến một ngã rẽ nào đó thì con đường là một, nhưng không ai biết phía trước sẽ ra sao.”

“Cậu không hổ là nhà văn, diễn đạt khéo lắm.”

Tengo thở dài. “Tôi thì thấy con đường phía trước không được sáng sủa mấy. Có điều, dù nói thế nào chăng nữa, có lẽ không còn đường cho chúng ta quay lại nữa rồi.”

“Kể cả có đường quay lại, thì đâu dễ trở lại địa điểm ban đầu.” Thầy giáo nói.

Cuộc nói chuyện chấm dứt, Tengo không tìm được chuyện gì để nói nữa.

Thầy giáo Ebisuno đứng dậy trước, nói có việc đi gặp người nào ở gần đó, Fukaeri ở lại. Tengo và Fukaeri ngồi đối diện nhau, im lặng hồi lâu.

“Đói bụng không?” Tengo hỏi.

“Không thấy đói,” Fukaeri trả lời.

Quán cà phê bắt đầu ồn ào, hai người cũng không rõ là ai đề nghị trước, đứng dậy rời khỏi quán, rồi đi lang thang vô định trên đường Shinjuku. Đã gần sáu giờ, nhiều người đang hối hả bước về phía ga xe điện, nhưng bầu trời vẫn sáng, ánh dương đầu hạ trùm lên thành phố. Bước ra từ quán cà phê dưới lòng đất, người ta thấy ánh sáng ấy giống như do con người tạo ra vậy, thật không thể tin nổi.

“Em có phải đi đâu không?” Tengo hỏi.

“Chẳng phải đi đâu,” Fukaeri đáp.

“Anh đưa em về nhà nhé?” Tengo nói. “Đưa em về chỗ ở Shinano ấy. Hôm nay em ở lại đó chứ?”

“Em không đến đó,” Fukaeri nói.

“Tại sao?”

Cô không trả lời.

“Em cảm thấy không đến đó thì hơn?”

Fukaeri lẳng lặng gật đầu.

Anh rất muốn hỏi cô xem sao lại thấy không đến đó thì hơn, nhưng có cảm giác đằng nào thì cô cũng không trả lời trực tiếp vào vấn đề.

“Em về nhà thầy giáo à?”

“Futamatao xa quá.”

“Vậy em còn nơi nào khác để đi không?”

“Tối nay em ở chỗ anh,” Fukaeri nói.

“Thế có lẽ không thích hợp lắm,” Tengo cẩn trọng chọn lựa từ ngữ trả lời cô, “Nhà anh rất nhỏ, anh lại sống độc thân, thầy giáo Ebisuno chắc cũng không cho phép đâu.”

“Thầy giáo không sao,” Fukaeri nói, sau đó làm động tác nhún vai một cái, “Em cũng chẳng sao cả.”

“Nhưng có lẽ anh thì có sao đấy,” Tengo nói.

“Tại sao?”

“Tức là…” nói được nửa câu, những từ phía sau đột nhiên không chịu tuôn ra nữa. Tengo không nhớ rốt cuộc mình đang định nói gì. Những lúc trò chuyện với Fukaeri, anh thường hay như thế. Trong một khoảnh khắc nào đó, đột nhiên câu chuyện bị đứt mạch, giống như bỗng đâu có trận gió lớn, thổi bay tập nhạc phổ đang diễn tấu đi đâu mất.

Fukaeri vươn tay phải ra, nắm chặt tay trái Tengo, như thể muốn an ủi anh.

“Anh vẫn chưa hiểu lắm,” cô nói.

“Thử ví dụ xem anh chưa hiểu gì nào?”

“Hai người chúng ta thành một.”

“Thành một?” Tengo kinh ngạc hỏi.

“Chúng ta cùng viết sách.”

Lòng bàn tay Tengo cảm nhận được lực từ các ngón tay Fukaeri. Tuy không mạnh, nhưng rất đều, rất rõ.

“Đúng như vậy. Chúng ta đã cùng viết Nhộng không khí. Dù bị hổ ăn thịt, chúng ta cũng bị cùng một lượt.”

“Hổ không xuất hiện đâu,” Fukaeri nói với giọng nghiêm túc hiếm thấy.

“Vậy thì tốt quá,” Tengo nói, nhưng anh cũng không vì thế mà thấy hạnh phúc. Hổ không xuất hiện, nhưng ai biết được sẽ có thứ gì xuất hiện.

Hai người đứng trước điểm bán vé ở ga Shinjuku. Fukaeri vẫn nắm chặt tay Tengo, ngước nhìn anh, dòng người như thể con sông cuồn cuộn chảy, vội vã lướt qua bên cạnh.

“Được rồi. Nếu em muốn ở lại nhà anh, thì cứ ở thôi,” Tengo đành bỏ cuộc, “Anh có thể ngủ trên ghế sofa.”

“Cám ơn,” Fukaeri nói.

Đây là lần đầu tiên nghe thấy cô nói cám ơn, Tengo thầm nhủ. Không đúng, có lẽ không phải lần đầu tiên. Nhưng anh không sao nhớ nổi lần nghe cô cảm ơn trước đó là khi nào.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN