1Q84 (Tập 2)
Chương 3: Aomame
Không thể chọn cách sinh ra, nhưng có thể chọn cách chết đi
Một đêm gần cuối tháng Bảy, mây mù dày đặc che kín bầu trời nhiều ngày nay cuối cùng cũng tan đi, làm lộ rõ hai mặt trăng. Aomame đứng nơi ban công nhỏ nhà mình ngước nhìn cảnh tượng ấy. Nàng rất muốn gọi điện cho ai đó mà nói: “Xin hãy thò đầu ra cửa sổ, ngẩng mặt lên nhìn bầu trời. Thế nào? Anh thấy trên không có mấy vầng trăng? Từ chỗ em có thể nhìn thấy hai vầng trăng, rõ lắm. Chỗ anh thì sao?”
Nhưng nàng không có người nào để gọi điện thoại như thế. Hẳn có thể gọi cho Ayumi. Nhưng Aomame không muốn dấn sâu thêm nữa vào quan hệ với Ayumi. Xét cho cùng, cô ấy là cảnh sát đương chức. Còn Aomame, rất có thể không bao lâu nữa nàng sẽ phải giết thêm một người đàn ông, sau đó thay đổi gương mặt, đổi cả tên họ, chuyển đến sống ở nơi khác, mai danh ẩn tích. Đương nhiên nàng sẽ không gặp lại Ayumi được nữa, liên lạc cũng không. Một khi ta trở nên thân thiết với ai đó, thì cắt đứt tình cảm ấy thật không dễ dàng.
Nàng vào phòng, đóng cánh cửa mở ra ban công rồi bật điều hòa nhiệt độ. Đoạn nàng kéo rèm, để dựng lên một hàng rào ngăn giữa ánh trăng và mình. Hai vầng trăng trên bầu trời kia khiến tâm trí nàng rối loạn. Dường như chúng làm rối loạn cả cán cân lực hấp dẫn của trái đất một cách tinh vi, gây ra ảnh hưởng gì đó với cơ thể nàng. Tuy vẫn còn ít lâu nữa mới đến kỳ kinh, nhưng cơ thể nàng thấy mệt mỏi nặng nề một cách lạ lùng. Da nàng khô ráp, mạch đập không bình thường. Aomame thầm nhủ: đừng nghĩ đến mặt trăng nữa! Cho dù đó là chuyện không thể không nghĩ đến.
Để xua đi cảm giác mệt mỏi, Aomame nằm trên thảm, làm vài động tác co duỗi người. Một cách có hệ thống, nàng đánh thức những cơ bắp ít khi có cơ hội dùng đến hằng ngày, duỗi căng cho hết cỡ. Từng cơ bắp một âm thầm rên rỉ, mồ hôi nàng nhỏ như mưa xuống sàn nhà. Bài tập co duỗi cơ thể này do nàng tự nghĩ ra, mỗi ngày sửa đổi chút ít sao cho nó triệt để và hiệu quả hơn. Đây là bài tập chỉ dành riêng cho nàng. Nàng không thể đưa nó vào các lớp nàng dạy ở câu lạc bộ. Người bình thường không chịu được đau đớn nhường ấy. Thậm chí hầu hết các huấn luyện viên thể dục cùng làm với nàng cũng phải rên lên thành tiếng khi nàng thử với họ.
Nàng vừa làm các động tác co duỗi vừa bật bản Sinfonietta của Janáček do George Szell chỉ huy. Bản Sinfonietta dài khoảng hai mươi lăm phút, vừa vặn khoảng thời gian cần thiết để vận động hết các cơ bắp trong cơ thể một cách hiệu quả, không ngắn quá cũng không dài quá. Đến khi bản nhạc chấm dứt, mâm quay đĩa dừng lại, cần máy tự động trở về vị trí ban đầu, cả đầu óc lẫn cơ thể nàng đều có cảm giác như miếng giẻ bị vắt khô kiệt.
Giờ đây, Aomame đã có thể nhớ rõ từng nốt nhạc của bản Sinfonietta. Vừa co duỗi cơ thể mình đến gần giới hạn cuối cùng vừa lắng nghe tiếng nhạc, cơ thể nàng trở nên tĩnh lặng một cách bí ẩn. Trong lúc này nàng vừa là người tra khảo vừa là người bị tra khảo; vừa là kẻ cưỡng bức vừa là người bị cưỡng bức. Trạng thái tự túc, hướng vào bản ngã này chính là thứ nàng cần. Nó cho nàng sự an ủi sâu xa. Vì vậy, bản Sinfonietta của Janáček trở thành một thứ nhạc nền có hiệu quả rất tốt.
Khoảng trước mười giờ tối, chuông điện thoại reo. Cầm ống nghe lên, nàng nghe thấy giọng của Tamaru.
“Ngày mai có việc gì không?” anh ta hỏi.
“Sáu rưỡi hết giờ làm.”
“Tan làm đến đây được không?”
“Được,” Aomame trả lời.
“Tốt lắm,” Tamaru đáp. Trong ống nghe vang lên tiếng đầu bút bi viết lên thời gian biểu hằng ngày.
“À này, anh tìm được con chó mới chưa?”
“Chó à? Ờ, tôi lại kiếm một con chó cái giống béc giê Đức. Vẫn chưa hoàn toàn hiểu được tính cách nó, nhưng mà huấn luyện cơ bản thì rất tốt, hình như cũng khá nghe lời. Nó đến đây được mười hôm rồi, có vẻ đã bắt đầu thích ứng. Sau khi có chó, cánh phụ nữ ở đấy cũng yên tâm phần nào.”
“Tốt quá.”
“Con này chỉ cần cho ăn thức ăn bình thường của chó là được. Rất tiện lợi.”
“Chó béc giê Đức bình thường không ăn rau chân vịt.”
“Con chó ấy đúng là hơi kỳ quái. Có những mùa, giá rau chân vịt cũng không rẻ cho lắm.” Tamaru than phiền, giọng nói chứa đầy hoài niệm. Sau đó anh ta ngừng mất mấy giây, rồi đổi sang chủ đề khác. “Hôm nay trăng rất đẹp.”
Aomame hơi nhíu mày. “Sao đột nhiên lại nói chuyện trăng thế?”
“Thỉnh thoảng tôi cũng nói chuyện trăng sao mà.”
“Thì dĩ nhiên rồi,” Aomame nói. Nhưng anh không phải là dạng người nói chuyện trăng sao mưa tuyết qua điện thoại nếu không thực sự cần thiết lắm.
Ở đầu dây bên kia, Tamaru im lặng một lúc mới tiếp: “Lần trước gọi điện cô có nhắc đến mặt trăng. Còn nhớ không? Từ dạo ấy trở đi, không hiểu sao tôi cứ nghĩ vơ vẩn về mặt trăng, nhất là hồi nãy tôi ngẩng đầu nhìn trời, không có mây mù, mặt trăng rất đẹp.”
Vậy có mấy mặt trăng thế? Suýt nữa thì Aomame buột miệng hỏi, nhưng nàng nhìn lại. Làm vậy quá nguy hiểm. Lần trước Tamaru kể cho mình về thân thế của anh ta, về chuyện anh ta là một cô nhi thậm chí còn không biết mặt cha mẹ. Về quốc tịch của anh ta. Đó là lần đầu tiên Tamaru nói nhiều như vậy. Anh ta vốn là người không thích nói nhiều về bản thân mình. Xét trên phương diện cá nhân, anh ta rất quý Aomame nên đã ít nhiều cởi mở với nàng. Nhưng dù sao anh ta cũng là một vệ sĩ chuyên nghiệp, được huấn luyện để đạt được mục đích bằng con đường ngắn nhất. Thế nên không nhiều lời thì hơn.
“Hết giờ làm, khoảng chừng bày giờ thì tôi có thể đến chỗ anh,” nàng nói.
“Được,” Tamaru trả lời. “Chắc là cô sẽ đói bụng. Ngày mai đầu bếp nghỉ, không thể mời cô ăn bữa tối tử tế được. Nếu cô không ngại, tôi có thể chuẩn bị bánh sandwich.”
“Cám ơn anh,” Aomame nói.
“Cần bằng lái xe, hộ chiếu và bảo hiểm y tế. Phiền cô ngày mai mang đến luôn. Còn cả một bộ chìa khóa nhà cô nữa. Có thể chuẩn bị được không?”
“Tôi nghĩ là có.”
“Còn một việc nữa. Về chuyện lần trước ấy, tôi muốn nói chuyện riêng với cô. Mong là sau khi nói chuyện với bà chủ xong, cô bớt chút thời gian ở lại.”
“Chuyện lần trước?”
Tamaru thoáng im lặng. Một sự im lặng nặng nề như thể bao cát. “Cô muốn kiếm một thứ. Quên rồi à?”
“Đương nhiên là nhớ,” Aomame vội đáp. Một góc tâm trí nàng vẫn đang nghĩ về mặt trăng.
“Bảy giờ tối mai.” Dứt lời, Tamaru gác máy.
Tối hôm sau, số lượng trăng vẫn không thay đổi. Hết giờ làm, Aomame tắm vội tắm vàng một cái. Khi nàng bước ra khỏi câu lạc bộ thể thao, đằng Đông vẫn còn sáng, trên bầu trời, hai vầng trăng nhạt nằm song song. Aomame đứng trên cầu vượt dành cho người đi bộ bắc qua phố Tây Gaien, tựa người vào lan can, ngước nhìn hai vầng trăng hiện diện cùng một lúc. Nhưng ngoài nàng ra, không ai trông trăng như thế cả. Những người đi qua, khi thấy Aomame đứng trên cầu ngắm trăng, chỉ liếc một cái như lấy làm lạ lắm. Bọn họ chẳng có hứng thú gì với mặt trăng và bầu trời, chỉ rảo bước đến ga tàu điện ngầm. Ngước nhìn mặt trăng, Aomame lại bắt đầu nghe cảm giác mệt mỏi giống ngày hôm qua. Nàng nghĩ, mình không được ngẩng nhìn mặt trăng thế này nữa. Làm vậy sẽ có tác động xấu với mình. Song, dù nàng cố gắng đến thế nào để không ngước nhìn hai vầng trăng, làn da nàng cũng khó mà không cảm nhận được ánh mắt của chúng. Dù mình không nhìn chúng thì chúng cũng đang nhìn mình. Chúng biết mình sắp sửa làm gì.
Bà chủ và Aomame uống thứ cà phê vừa nóng vừa đặc đựng trong những chiếc tách phong cách cổ điển. Bà chủ rót sữa vào tách, rất ít, men theo miệng tách, không khuấy lên mà để vậy uống luôn. Bà không bỏ đường. Aomame uống cà phê đen như thường lệ. Tamaru làm bánh sandwich mang lên như đã hứa. Miếng bánh cắt nhỏ, cắn một miếng là hết. Aomame ăn mấy cái liền. Chỉ là bánh mì đen kẹp dưa vàng và pho mát, tuy đơn giản nhưng ăn rất thanh và vừa miệng. Tamaru đã làm món ăn tầm thường này trở nên đẹp mắt. Những nhát dao tinh tế, cắt tất cả nguyên phụ liệu thành từng miếng có kích cỡ và độ dày đều tăm tắp. Anh ta biết nên thao tác theo thứ tự nào. Chỉ riêng điểm này thôi cũng khiến cho mùi vị món ăn thay đổi đến lạ kỳ.
“Hành lý của cô đã sắp xếp xong chưa?” bà chủ hỏi.
“Quần áo sách vở không cần thiết đều quyên tặng cả rồi. Đồ dùng cần thiết cho cuộc sống mới tôi đã đóng gói cẩn thận, có thể xách đi bất cứ lúc nào. Trong nhà giờ chỉ còn lại vài món cần cho cuộc sống trước mắt, đồ điện, đồ nhà bếp, giường, chăn chiếu, vài cái bát đĩa.”
“Những thứ còn lại chúng tôi sẽ lo liệu chu tất. Mấy thủ tục vụn vặt như hợp đồng thuê nhà gì đó, cô không phải bận tâm. Chỉ cần mang theo những vật tùy thân không thể thiếu, đi là đi luôn.”
“Có nên báo cho nơi làm việc một tiếng không? Tôi mà đột nhiên mất tăm mất tích, e người ta lại sinh nghi.”
Bà chủ nhẹ nhàng đặt tách cà phê xuống bàn trà. “Chuyện ấy cô cũng không cần lo lắng.”
Aomame lẳng lặng gật đầu. Nàng lại ăn thêm một chiếc sandwich, uống một ngụm cà phê.
“À phải, cô còn tiền gửi trong ngân hàng không?” bà chủ hỏi.
“Tiền gửi không kỳ hạn có sáu trăm nghìn yên. Ngoài ra còn hai triệu yên gửi có kỳ hạn.”
Bà chủ thầm tính toán trong giây lát. “Tiền gửi không kỳ hạn cô chia ra làm mấy đợt không quá bốn trăm nghìn yên thì chắc không vấn đề gì đâu. Tiền gửi định kỳ thì đừng động đến. Lúc này đột nhiên rút ra thì không hay lắm. Có thể bọn họ sẽ điều tra đời tư của cô. Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Sau này rồi sẽ bồi hoàn cho cô. Ngoài ra, cô còn gì có thể gọi là tài sản nữa không?”
“Số tiền bà cho tôi trước đây vẫn còn nguyên vẹn, để trong két bảo hiểm ở ngân hàng.”
“Cô lấy số tiền mặt đó ra khỏi két bảo hiểm đi. Nhưng đừng để trong nhà. Nghĩ xem có chỗ nào thích hợp để cất giấu không.”
“Tôi hiểu.”
“Trước mắt những việc tôi muốn cô làm chỉ có vậy thôi. Thêm nữa, tất cả đều vẫn tiến hành như trước, không thay đổi lối sống, không làm gì để người ta chú ý. Ngoài ra, chuyện gì quan trọng thì cố gắng không nói qua điện thoại.”
Dặn dò xong, bà chủ như thể đã hết sạch năng lượng dự trữ, cả người chìm sâu vào trong ghế bành.
“Ngày giờ đã xác định chưa ạ?” Aomame hỏi.
“Thật đáng tiếc, chúng tôi vẫn chưa biết,” bà chủ đáp. “Đang đợi đối phương liên lạc lại. Kế hoạch đã xong xuôi, nhưng thời gian biểu của đối phương bao giờ cũng đến phút cuối mới quyết định. Có thể một tuần nữa, cũng có thể một tháng nữa. Cả địa điểm cũng chưa rõ. Đành phải phiền cô đợi thôi, mặc dù tôi biết cô đang sốt ruột lắm.”
“Chờ đợi cũng không hề gì,” Aomame nói. “Có điều, kế hoạch sắp xếp ra sao, liệu bà có thể cho tôi biết sơ qua một chút được không?”
“Cô sẽ giúp người đó giãn cơ,” bà chủ nói. “Chính là việc thường ngày cô vẫn làm. Cơ thể y có vấn đề gì đó. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nghe nói cũng khiến y khổ sở không ít. Để giải quyết ‘vấn đề’ này, đến giờ y đã điều trị đủ mọi phương pháp rồi, ngoài các biện pháp y học chính thức, y còn thử bấm huyệt, châm cứu, mát xa…, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có hiệu quả. ‘Vấn đề’ sức khỏe này là nhược điểm duy nhất của nhân vật được gọi là Lãnh Tụ ấy. Đó chính là điểm đột phá mà chúng ta đang tìm kiếm để xuyên thủng hàng rào phòng thủ của y.”
Cửa sổ sau lưng bà chủ có buông rèm, che khuất mặt trăng, nhưng Aomame cảm nhận được ánh nhìn lạnh lẽo của hai vầng trăng chiếu lên da mình. Sự câm lặng đồng lòng của chúng hồ như đang len lét chui vào căn phòng này.
“Chúng tôi có nội ứng trong giáo đoàn Sakigake. Tôi đã thông qua người này để tung tin nói cô là chuyên gia ưu tú về mặt co duỗi cơ bắp. Cũng không phải chuyện khó lắm, vì cô đúng là như vậy. Giờ thì họ rất quan tâm đến cô. Ban đầu họ muốn mời cô đến giáo đoàn ở tỉnh Yamanashi, nhưng vì công việc nên cô không thể nào rời khỏi Tokyo được… chúng tôi làm cho họ hiểu như vậy. Dù sao thì người đó cứ khoảng một tháng lại đến Tokyo một lần vì công việc, âm thầm trú trong một khách sạn ở khu trung tâm. Y sẽ để cô làm co duỗi cơ bắp trong một phòng ở khách sạn đó. Lúc ấy, cô chỉ cần làm như những lần trước là được rồi.”
Aomame thầm hình dung ra cảnh tượng đó. Phòng khách sạn. Trên tấm đệm yoga, một người đàn ông nằm duỗi dài để nàng xoa bóp cơ. Nàng không thấy mặt ông ta. Người đàn ông nằm sấp, toàn bộ gáy hướng về phía nàng, không chút phòng bị. Nàng vươn tay ra, lấy chiếc dùi đục đá cất trong túi xách.
“Vậy là trong phòng sẽ chỉ có mình tôi và ông ta, phải không?” Aomame hỏi.
Bà chủ gật đầu. “Trên Lãnh Tụ ấy không để cho người trong nội bộ giáo đoàn nhìn thấy vấn đề trên cơ thể y, vì vậy chắc chắn sẽ không ai khác có mặt. Chỉ có cô và y thôi.”
“Bọn họ đã biết họ tên và nơi làm việc của tôi rồi à?”
“Đối thủ là người cảnh giác rất cao. Họ đã tiến hành điều tra kỹ lưỡng về thân thế của cô, song không phát hiện thấy vấn đề gì. Hôm qua họ liên lạc, bảo muốn mời cô đến nơi Lãnh Tụ đang ngụ ở trong khu trung tâm. Bảo rằng ngay khi chọn được thời gian và địa điểm họ sẽ thông báo với chúng tôi.”
“Tôi thường xuyên ra vào chỗ này, liệu quan hệ giữa tôi và phu nhân có bị nghi ngờ không?”
“Tôi chỉ là hội viên ở câu lạc bộ thể thao nơi cô làm việc, mời cô đến nhà làm huấn luyện viên riêng. Chẳng có lý do gì để cho rằng chúng ta có quan hệ sâu sắc hơn thế.”
Aomame gật đầu.
Bà chủ lại nói: “Mỗi khi nhân vật được gọi là Lãnh Tụ này rời khỏi giáo đoàn ra ngoài, bên cạnh luôn luôn có hai vệ sĩ. Cả hai đều là tín đồ, cao thủ karate. Không rõ bọn họ có mang theo vũ khí không. Nhưng võ nghệ của hai người này hình như cũng khá cao cường, luyện tập hằng ngày. Có điều, nếu là Tamaru thì chắc anh ta sẽ bảo hai tay kia chỉ là hạng nghiệp dư thôi.”
“Không thể so với Tamaru.”
“Không thể so với Tamaru. Trước đây Tamaru là lính đặc chủng trong Lực lượng Phòng vệ, được huấn luyện bài bản. Để hoàn thành nhiệm vụ, anh ta có thể làm bất cứ việc gì cần thiết, không hề do dự ra tay trong chớp mắt. Điều quan trọng là tuyệt không do dự, dù đối thủ là ai. Dân nghiệp dư thì sẽ trù trừ, đặc biệt khi đối thủ là một cô gái trẻ tuổi.”
Bà chủ ngửa đầu về phía sau, dựa vào lưng ghế, thở sâu một hơi. Sau đó bà lại ngồi thẳng dậy, chăm chú nhìn thẳng vào Aomame.
“Trong khi cô trị liệu cho Lãnh Tụ, hai vệ sĩ chắc chắn sẽ chờ ở gian phòng kế bên. Cô có thể ở riêng với y chừng một tiếng. Trước mắt kế hoạch được sắp xếp như vậy. Nói thì nói thế, nhưng thực tế sẽ xảy ra chuyện gì thì không ai dự đoán trước được. Tình hình biến đổi khó lường. Tên Lãnh Tụ đó thường phải đến phút cuối cùng mới công bố lịch trình của mình.”
“Ông ta bao nhiêu tuổi ạ?”
“Khoảng năm lăm, nghe nói là một người cao lớn. Thật đáng tiếc, ngoài ra thì chúng tôi chưa tìm được thêm thông tin gì khác nữa.”
Tamaru đợi ở sảnh. Aomame đưa chìa khóa căn hộ, bằng lái xe, hộ chiếu, chứng nhận bảo hiểm y tế cho anh ta. Tamaru trở vào trong, chụp lại những giấy tờ ấy. Sau khi kiểm tra cho chắc rằng các bản sao đều đầy đủ cả, anh ta trả lại bản gốc cho Aomame. Sau đó, Tamaru dẫn Aomame vào gian phòng của mình cạnh sảnh ra vào. Một gian phòng nhỏ hình vuông chật hẹp, không có một món gì có thể gọi là đồ trang trí. Một cánh cửa sổ nhỏ xíu mở ra vườn. Điều hòa nhiệt độ gắn trên tường phát ra âm thanh khe khẽ. Anh ta mời Aomame ngồi xuống một chiếc ghế gỗ nhỏ, còn mình thì ngồi xuống chiếc ghế kê trước bàn làm việc. Xếp hàng một dọc bức tường là bốn màn hình giám sát, góc độ camera có thể điều chỉnh được. Và cũng chừng ấy đầu video liên tục ghi lại hình ảnh trên màn hình. Trên các màn hình đang hiển thị tình hình bên ngoài tường bao biệt thự. Màn hình ngoài cùng bên phải là hình ảnh sảnh chờ của trung tâm bảo trợ nơi những người phụ nữ sinh sống. Có thể thấy cả con chó gác cửa mới. Nó đang nằm dưới đất nghỉ ngơi. So với con chó hồi trước, trông nó nhỏ hơn một chút.
“Băng không thu lại được cảnh con chó kia chết,” Tamaru nói, như thể đoán trước câu hỏi của Aomame. “Khi đó con chó không bị xích. Nó không thể nào tự tháo xích ra được, chắc là có người mở cho nó.”
“Mà khi có người lại gần, nó cũng không sủa lên.”
“Đúng thế.”
“Kỳ lạ thật.”
Tamaru gật đầu, nhưng không nói gì. Trước đó anh ta đã vắt óc suy nghĩ về những khả năng có thể xảy ra không biết bao nhiêu lần. Nay anh ta nghĩ đã phát chán rồi, chẳng còn gì đáng nói với người khác nữa.
Sau đó Tamaru vươn tay kéo ngăn kéo tủ bên cạnh bàn, lấy ra một túi nylon màu đen. Trong túi đựng một cái khăn tắm màu xanh lam đã bạc màu. Khi anh ta mở khăn tắm ra, Aomame thấy một vật bằng kim loại đen bóng. Một khẩu súng lục tự động bỏ túi. Chẳng nói chẳng rằng, anh ta đưa khẩu súng cho Aomame. Aomame nhận lấy, cũng không nói lời nào. Cầm nó trong tay, nàng áng chừng trọng lượng. Nó nhẹ hơn so với nhìn vẻ bề ngoài. Một thứ nhẹ thế này không ngờ lại có thể đưa con người ta vào chỗ chết.
“Cô vừa mới phạm phải hai sai lầm cực lớn. Cô biết là gì không?” Tamaru nói.
Aomame ngẫm lại những động tác của mình vừa xong, nhưng không hiểu mình đã sai ở đâu. Nàng chỉ đón lấy khẩu súng anh ta đưa cho mình thôi mà. “Tôi không biết,” nàng nói.
“Thứ nhất, khi nhận súng, cô không kiểm tra xem súng đã lắp đạn hay chưa; nếu lắp đạn rồi thì phải xem chốt an toàn có đóng không. Thứ hai, sau khi nhận súng, cô đã hướng nòng súng về phía tôi, dù chỉ trong nháy mắt. Cả hai đều là sai lầm tuyệt đối không được phép phạm phải. Vả lại, khi cô không định nổ súng, ngón tay tốt nhất chớ nên cho vào bên trong vòng bảo vệ cò súng như thế.”
“Hiểu rồi. Sau này tôi sẽ cẩn thận hơn.”
“Trừ khi gặp tình huống khẩn cấp, còn thì khi tháo lắp, sửa chữa, giao nhận, vận chuyển súng, không được phép có viên đạn nào nằm trong ổ đạn. Hơn nữa, chỉ cần nhìn thấy súng, cô phải mặc định cho rằng nó đã được lắp đạn, chỉ cho tới khi xác định rõ là không có đạn mới thôi. Súng được làm là để giết người. Cô có cẩn thận thế nào cũng là chưa đủ. Có thể sẽ có người cười giễu tôi quá thận trọng. Nhưng những sự cố tầm phơ ấy vẫn cứ xảy ra, và những kẻ mất mạng hoặc bị thương nặng thường lại chính là những người vẫn chê người khác quá cẩn trọng ấy.”
Tamaru lấy trong túi áo ngực ra một gói nylon nhỏ, bên trong đựng bảy viên đạn mới tinh. Anh ta đặt chúng lên bàn. “Cô nhìn cho rõ nhé, giờ vẫn chưa lắp đạn. Hộp đạn tuy đã lắp vào súng, nhưng trong hộp trống rỗng. Trong ổ đạn cũng không có viên nào.”
Aomame gật đầu.
“Đây là quà của riêng tôi tặng cho cô. Chỉ có điều, nếu cuối cùng không dùng đến nó, hy vọng tôi có thể trả lại tôi nguyên vẹn.”
“Dĩ nhiên rồi,” Aomame đáp bằng giọng khô khốc. “Chắc anh phải tốn một khoản tiền mới kiếm được thứ này.”
“Điều đó cô khỏi cần để ý,” Tamaru nói. “Cô còn phải để ý nhiều chuyện khác, những chuyện chúng ta sẽ nói luôn bây giờ đây. Cô bắn súng bao giờ chưa?”
Aomame lắc đầu. “Chưa một lần nào.”
“Thực ra so với súng lục tự động, súng lục kiểu côn xoay dùng dễ hơn, nhất là với dân không chuyên. Nó có kết cấu đơn giản, cách dùng lại giản tiện dễ nhớ, lại rất ít sai sót. Chỉ có điều súng côn tốt thì lại chiếm chỗ hơi nhiều, không tiện mang theo người. Vì vậy, súng lục tự động vẫn là tốt hơn cho cô. Đây là khẩu HK4 của hãng Heckler & Koch của Đức chế tạo, nặng bốn trăm tám mươi gam khi không có đạn. Vừa nhỏ vừa nhẹ, đạn ngắn cỡ chín ly nhưng uy lực rất mạnh, lại ít giật. Tuy lúc nào khoảng cách bắn hơi dài thì độ chính xác không cao lắm, nhưng với mục đích sử dụng mà cô nghĩ đến thì rất hợp. Heckler & Koch tuy là một hãng sản xuất vũ khí thành lập sau chiến tranh, nhưng nguyên mẫu của HK4 chính là loại Mauster HSc đã được sử dụng rộng rãi và công nhận từ trước chiến tranh. Súng được sản xuất từ năm 1968 đến nay, vẫn được nhiều người khen, vì vậy rất đáng tin cậy. Khẩu này không phải súng mới, nhưng người sử dụng hẳn là rất am hiểu, bảo dưỡng rất tốt. Súng cũng như xe hơi vậy, hàng đã qua sử dụng mà còn tốt thì đáng tin cậy hơn hàng mới tinh.”
Tamaru cầm khẩu súng từ tay Aomame, chỉ cho nàng cách sử dụng. Mở đóng khóa an toàn như thế nào. Làm sao để mở chốt lắp băng đạn, tháo băng đạn, rồi lại lắp vào.
“Lúc rút băng đạn ra, nhất định phải đóng khóa an toàn trước. Mở chốt lắp hộp đạn, rút băng đạn ra, rồi kéo quy lát về phía sau, thế là viên đạn lòi ra khỏi ổ. Lúc này thì trong ổ đạn không có đạn nên dĩ nhiên là không có viên đạn nào lòi ra. Sau đó quy lát vẫn ở trạng thái mở, cô bóp cò một cái, như thế này, quy lát sẽ tự đóng lại, nhưng chốt nổ[1] vẫn ở trạng thái chờ. Cô lại bóp cò lần nữa, chốt nổ sẽ đập xuống. Sau đó cô lắp băng đạn mới vào.”
[1] Firing pin (chốt nổ): mẩu chốt kim loại nhỏ đập mạnh vào kíp nổ (primer) của viên đạn kích thích nổ thuốc súng.
Tamaru thoăn thoắt thực hiện một loạt thao tác. Sau đó anh ta lại làm thêm lần nữa, lần này thì chậm rãi chỉ ra từng động tác một. Aomame nhìn không chớp mắt.
“Cô thử đi.”
Aomame cẩn thận rút hộp đạn, kéo quy lát ra sau, trút sạch đạn trong ổ đạn, bóp cò cho chốt nổ đập xuống, rồi lắp hộp đạn trở lại.
“Như vậy là được rồi,” Tamaru nói. Sau đó anh đón lấy khẩu súng từ tay Aomame, tháo hộp đạn ra, cẩn thận nhét bảy viên đạn vào, rồi lắp hộp đạn vào súng nghe đánh ‘cách’, sau đó kéo quy lát, đưa đạn vào buồng đạn. Cuối cùng anh ta kéo cái lẫy bên trái thân súng xuống, đóng khóa bảo hiểm lại.
“Cô làm lại những động tác vừa nãy thêm một lượt nữa. Chỉ có điều lần này có lắp đầy đạn thật. Trong buồng đạn cũng có một viên. Tuy đã đóng khóa an toàn, nhưng cô cũng không được phép chĩa nòng súng về phía người khác,” Tamaru nói.
Aomame đón lấy khẩu súng đã lắp đạn, cảm thấy trọng lượng có tăng thêm một chút, không nhẹ như lúc nãy. Giờ thì khẩu súng toát lên mùi chết chóc không thể nhầm lẫn. Đây là một dụng cụ chính xác được chế tạo công phu để giết người. Mồ hôi túa ra dưới nách nàng.
Một lần nữa Aomame kiểm tra lại khóa an toàn, mở chốt, rút hộp đạn ra, đặt lên bàn. Sau đó nàng kéo quy lát, lấy viên đạn ra khỏi ổ. Viên đạn rơi xuống mặt sàn gỗ phát ra một tiếng cạch khô khốc. Nàng kéo cò súng để đóng quy lát lại, rồi lại kéo cò lần nữa, đưa chốt nổ trở về vị trí. Sau đó nàng đưa bàn tay run run nhặt viên đạn chín ly rơi bên cạnh chân lên. Cổ họng nàng khô khốc, mỗi lần hít thở đều cảm thấy đau buốt.
“Lần đầu mà như thế là không tệ,” Tamaru vừa cầm viên đạn ấn trở lại vào hộp đạn vừa nói, “Có điều cô vẫn phải luyện tập thật nhiều. Tay cô còn run. Động tác tháo lắp băng đạn này mỗi ngày đều phải luyện đi luyện lại nhiều lần, cho đến khi tay cô nhớ rõ cảm giác cầm súng. Phải làm như tôi làm cho cô xem vừa nãy, nhanh chóng và gần như tự động. Ngay cả trong bóng tối. Tuy rằng trường hợp cô thì không cần phải thay băng đạn giữa chừng, nhưng đối với người dùng súng lục, động tác này có thể nói là cơ bản của cơ bản. Cần phải thuộc nằm lòng.”
“Không cần tập bắn à?”
“Cô không định dùng nó bắn người khác mà là định nổ súng vào chính mình, đúng thế không?”
Aomame gật đầu.
“Vậy thì không cần tập bắn làm gì. Cô chỉ cần học cách lắp đạn thế nào, mở khóa an toàn thế nào và quen với lực bóp cò là được. Chưa nói chuyện gì khác, thế cô định tập bắn ở đâu đây?”
Aomame lắc đầu. Nàng không nghĩ ra nơi nào có thể tập bắn súng cả.
“Ngoài ra, cô có muốn nổ súng bắn vào mình, vậy cô định bắn như thế nào đây? Thử biểu diễn cho tôi xem nào.”
Tamaru lắp băng đạn đầy nguyên vào khẩu súng, kiểm tra lại cho chắc khóa an toàn đã đóng rồi mở đưa cho Aomame. “Khóa an toàn đóng rồi,” anh ta nói.
Aomame gí nòng súng vào thái dương mình. Nàng nghe cái lạnh của thép. Tamaru thấy vậy liền chậm rãi lắc đầu.
“Tin tôi đi, tốt nhất là đừng chĩa súng vào thái dương. Bắn từ chỗ thái dương mà xuyên qua não bộ là khó hơn cô tưởng nhiều lắm. Thường thì trong tình huống ấy tay người ta sẽ run, mà tay bị run thì sẽ sinh ra lực tác động ngược, đường đạn sẽ bị lệch. Hộp sọ bị gọt đi mất một nửa mà người thì vẫn không chết, trường hợp như vậy khá nhiều. Cô không muốn thành ra như vậy chứ?”
Aomame lẳng lặng gật đầu.
“Vào thời điểm Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, lúc sắp bị quân Mỹ bắt giam, Toujou Hideki[2] đã hướng nòng súng vào mình, định bắn xuyên tim, nhưng kết quả là khi ông ta bóp cò viên đạn lại lệch đi mất, bắn trúng vùng bụng, không chết. Đường đường là quân nhân chuyên nghiệp tối cao, vậy mà đến cả tự sát bằng súng lục cũng chẳng nên thân! Toujou Hideki lập tức được đưa đến bệnh viện, cuối cùng cũng hồi phục nhờ sự chăm sóc tận tình của nhóm bác sĩ Mỹ, và bị tòa tuyên án tử hình, treo cổ. Chết như thế thật thảm hại. Đối với một con người, giờ phút lâm chung là chuyện lớn. Cô không thể lựa chọn cách sinh ra, nhưng có thể lựa chọn cách chết.”
[2] Đại tướng của Lục quân Đế quốc Nhật Bản và là thủ tướng thứ 40 của Nhật Bản trong suốt phần lớn thời gian Chiến tranh Thế giới Thứ hai.
Aomame khẽ cắn môi.
“Đáng tin cậy nhất là nhét súng vào miệng, bắn từ bên dưới xuyên qua não. Như thế này này.”
Tamaru lấy khẩu súng trên tay Aomame, biểu diễn cho nàng xem. Biết rõ là khóa an toàn đã đóng, nhưng cảnh tượng ấy vẫn khiến Aomame căng thẳng. Nàng có cảm giác cổ họng bị một thứ gì đó nút chặt lại, hít thở thật khó khăn.
“Như vậy cũng chưa hẳn đã hoàn toàn chắc chắn. Tôi có biết một người, tự sát đã không chết được mà kết cục còn bi thảm hơn nhiều. Hồi ở Lực lượng Phòng vệ, chúng tôi ở chung với nhau. Hắn ta nhét nòng súng trường vào mồm, gài cái thìa múc canh vào cò súng, rồi lấy hai ngón chân cái giẫm lên. Chắc là thân súng bị rung lắc gì đó, hắn ta không chết luôn cho xong chuyện, mà biến thành người thực vật. Cứ thế mười năm liền. Kết thúc mạng sống của mình không phải chuyện dễ dàng đâu. Thực tế khác với phim ảnh nhiều lắm. Trong phim, người nào người nấy tự sát là tự sát luôn, chẳng thấy đau đớn gì, bòm một cái là xong, ngoẻo. Hiện thực không phải vậy. Chết không chết nổi, cứ nằm trên giường bệnh, ỉa đái dầm dề suốt mười năm.”
Aomame lại lẳng lặng gật đầu.
Tamaru lấy đạn ra khỏi băng đạn và ổ đạn, cất vào túi nylon, sau đó giao cả súng lẫn đạn cho Aomame. “Chưa lắp đạn đâu.”
Aomame gật đầu, nhận lấy.
Tamaru nói: “Tin tôi đi. Nghĩ cách để sống sót mới là thông minh nhất, cũng thực tế nhất. Tôi khuyên thật lòng đấy.”
“Tôi hiểu,” Aomame trả lời bằng giọng khô khan. Đoạn nàng lấy chiếc khăn tắm bọc khẩu Heckler & Koch HK4 trông như một cỗ máy thô ráp ấy lại, cất vào đáy túi đeo chéo. Chiếc túi nylon nhỏ đựng đạn, nàng cất vào ngăn bên cạnh túi. Chiếc túi đột nhiên nặng thêm chừng năm trăm gam, nhưng hình dạng bên ngoài không thay đổi. Quả là một khẩu súng rất nhỏ gọn.
“Dân nghiệp dư thường không dùng loại này,” Tamaru nói. “Theo kinh nghiệm của tôi, đa phần đều chẳng có kết quả tốt lành gì. Nhưng cô thì chắc ứng phó được. Cô có một số điểm rất giống tôi. Đến lúc quan trọng, cô có thể đặt quy tắc lên trên bản thân mình.”
“Có lẽ là vì ‘bản thân’ mình thực ra không tồn tại.”
Tamaru không nói gì.
“Anh từng tham gia Lực lượng Phòng vệ à?” Aomame hỏi.
“Đã từng. Ở trong đội nghiêm khắc nhất. Họ bắt bọn tôi ăn chuột, rắn, châu chấu. Không phải là không thể ăn được, nhưng tuyệt đối không phải là thứ ngon lành gì đâu.”
“Sau này anh còn làm gì nữa?”
“Đủ mọi thứ. Bảo vệ, chủ yếu là làm gác cổng. Có lúc lại thành vệ sĩ, mặc dù dùng từ như thế nhiều khi nghe hơi to tát quá. Tôi không thích làm việc tập thể cho nên thường làm một mình. Có thời, cũng không lâu lắm, vạn bất đắc dĩ, tôi còn lăn lộn với đám xã hội đen. Ở đó tôi được chứng kiến đủ mọi chuyện trên đời, những chuyện mà người bình thường cả đời cũng không thể nào biết được. Nhưng nhìn chung tôi không bị lún quá sâu. Lúc nào tôi cũng hết sức cẩn thận, cố tránh để mình lầm đường lạc lối. Con người tôi vốn tính cẩn trọng, vả lại tôi không thích xã hội đen lắm. Vì vậy tôi mới nói với cô, lý lịch của tôi trong sạch. Sau đó thì tôi đến đây làm.” Tamaru chỉ xuống mặt đất dưới chân. “Nhờ vậy cuộc đời tôi yên ổn từ đó đến nay. Chẳng phải là tôi chỉ tìm cuộc sống yên ổn, nhưng tôi thực tình muốn mọi chuyện cứ như thế này mãi. Tìm được công việc mình yêu thích không phải chuyện đơn giản đâu.”
“Đương nhiên rồi,” Aomame đáp. “Nhưng mà, tôi không cần trả anh tiền thật sao?”
Tamaru lắc đầu. “Không, tôi không cần tiền. Thế giới này chuyển động không phải bằng tiền, mà bằng những gì ta nợ người, những gì người nợ ta. Tôi rất ghét nợ ơn ai, vì vậy tôi luôn gắng hết sức để giúp đỡ người khác.”
“Cám ơn anh.”
“Nếu chẳng may cảnh sát tra hỏi nguồn gốc của khẩu súng, tôi mong cô không nói ra tên tôi. Kể cả cảnh sát có đến đây tìm, tôi cũng sẽ phủ nhận toàn bộ. Họ sẽ chẳng bao giờ biết được tí gì về quá khứ của tôi đâu. Nhưng nếu bà chủ bị lôi vào vụ này thì tôi mất mặt lắm.”
“Tất nhiên tôi sẽ không khai anh.”
Tamaru lấy trong túi ra một mảnh giấy gấp mấy lượt, đưa cho Aomame. Trên tờ giấy có viết tên một người đàn ông.
Tamaru nói: “Ngày 4 tháng Bảy, cô gặp người này tại quán cà phê Renoir gần ga tàu điện Sendagaya. Cô nhận từ người này khẩu súng và bảy viên đạn, đồng thời trả y năm trăm nghìn yên tiền mặt. Kẻ này sau khi biết được cô muốn kiếm một khẩu súng lục đã chủ động liên hệ. Nếu cảnh sát tìm được hắn, hắn sẽ nhanh chóng nhận tội, sau đó vào tù vài năm. Cô không cần phải nói gì thêm. Chỉ cần chứng thực được nguồn gốc khẩu súng lục, cảnh sát coi như mình đã đủ thể diện rồi. Sau đó có thể cô sẽ bị giam giữ một thời gian ngắn vì tội vi phạm Luật Quản lý Súng và Gươm.”
Aomame nhớ kỹ cái tên trên tờ giấy rồi trả lại Tamaru. Anh ta liền xé vụn tờ giấy, ném vào thùng rác, đoạn nói: “Như tôi vừa nói với cô, tính tôi rất cẩn thận. Hiếm khi tôi tin cậy người khác, cho dù có tin thì cũng không tín nhiệm trăm phần trăm. Tôi không bao giờ để cho sự việc tự nó diễn tiến. Nhưng điều tôi hy vọng nhất là khẩu súng sẽ trở lại với tôi nguyên dạng như bây giờ, chưa sử dụng. Nếu vậy thì chẳng ai bị phiền phức, chẳng ai chết, chẳng ai bị thương, chẳng ai phải ngồi tù cả.”
Aomame gật đầu. “Ý anh là phải làm ngược lại với cách viết của Chekhov đúng không?”
“Đúng thế. Chekhov là nhà văn vĩ đại, nhưng không phải truyện nào cũng nên theo phương pháp của ông ấy. Khẩu súng xuất hiện trong câu chuyện không nhất thiết phải nổ,” Tamaru nói. Và như sực nghĩ ra điều gì, anh ta hơi cau mày. “Chậc, suýt nữa quên mất chuyện chính. Tôi phải đưa cho cô cái máy nhắn tin.”
Anh ta lấy trong ngăn kéo ra một thiết bị nhỏ, đặt trên mặt bàn. Trên món đồ ấy có gắn một cái kẹp kim loại dùng để kẹp vào quần áo hoặc thắt lưng. Tamaru cầm ống nghe điện thoại lên, ấn ba con số. Điện thoại reo ba tiếng, máy nhắn tin nhận được tín hiệu, liền bắt đầu phát ra một hồi tiếng bíp bíp điện tử. Tamaru điều chỉnh âm lượng đến mức lớn nhất, rồi ấn nút tắt máy nhắn tin. Sau khi nheo mắt xác nhận số điện thoại của người gọi trên màn hình, anh ta đưa cho Aomame.
“Cố gắng lúc nào cũng mang theo người,” Tamaru nói, “Ít nhất đừng bao giờ để nó ở cách xa mình quá. Chuông reo là chứng tỏ tôi có tin cho cô. Thông tin quan trọng. Tôi không bấm gọi số này để nói chuyện phiếm đâu. Cô cần gọi ngay cho số điện thoại hiện ra trên màn hình này, mà nhất định phải dùng điện thoại công cộng đấy. Còn một chuyện nữa: nếu có hành lý gì, tốt nhất là cô nên cất trong tủ để đồ có trả phí ở ga tàu điện Shinjuku.”
“Ga tàu điện Shinjuku,” Aomame lặp lại.
“Dĩ nhiên là cô phải sẵn sàng ra đi gọn nhẹ.”
“Dĩ nhiên rồi,” Aomame trả lời.
Về đến nhà, Aomame liền kéo rèm cửa kín mít, lấy khẩu Heckler & Koch HK4 và đạn trong túi đeo chéo ra. Sau đó nàng ngồi bên bàn ăn, luyện đi luyện lại cách tháo lắp hộp đạn rỗng. Sau nhiều lần làm đi làm lại, tốc độ của nàng mỗi lúc một tăng. Các động tác bắt đầu có tiết tấu, tay nàng cũng không run nữa. Kế đó nàng bọc khẩu súng vào chiết áo T-shirt cũ, giấu vào một hộp giày, rồi nhét vào một góc sâu trong tủ bếp. Còn túi nylon đựng đạn, nàng nhét vào túi ngầm của chiếc áo mưa treo trên giá quần áo. Cổ họng khát khô, nàng lấy trong tủ lạnh một bình trà đại mạch ướp lạnh, uống một hơi liền ba cốc. Cơ bắp ở vai nàng cứng đờ vì căng thẳng, mồ hôi dưới nách cũng tỏa mùi khác với mọi khi. Nội một việc nàng ý thức được rằng giờ đây mình có một khẩu súng cũng đủ khiến thế giới xung quanh đổi khác phần nào. Mọi cảnh vật xung quanh nàng giờ đều có thêm một tầng màu sắc kỳ dị chưa từng thấy bao giờ.
Nàng cởi quần áo, đi tắm để xua mùi mồ hôi khó chịu. Không hẳn khẩu súng nào cũng đều phải nổ, Aomame vừa tắm vừa tự nhắc mình như thế. Súng chẳng qua cũng chỉ là một thứ đạo cụ, còn cuộc sống của mình không phải là thế giới trong sách. Đây là thế giới hiện thực, đầy rẫy những kẻ hở, những mâu thuẫn và kết cục khiến người ta cụt hứng.
Hai tuần sau đó trôi qua trong bình yên, không có chuyện gì xảy ra. Aomame vẫn đến câu lạc bộ thể thao làm việc, dạy võ thuật và co giãn cơ bắp như mọi khi. Nàng không thể thay đổi lịch trình sinh hoạt hằng ngày. Nàng gắng sức tuân thủ nghiêm ngặt những gì bà chủ bảo. Về đến nhà, sau khi ăn tối một mình, nàng kéo rèm cửa sổ lại, ngồi trước bàn ăn luyện tập thao tác khẩu HK4, cho đến khi trọng lượng, độ cứng, cùng với mùi dầu mỡ, sức mạnh tàn bạo và sự im lìm ấy biến cả thành một phần cơ thể nàng.
Đôi khi nàng còn dùng khăn lụa bịt mắt lại để tập tháo lắp súng. Và chẳng bao lâu nàng luyện tập được khả năng không cần nhìn cũng có thể nhanh chóng lắp đạn vào băng, đóng chốt bảo vệ rồi kéo quy lát. Mỗi động tác đều làm vang lên một âm thanh gọn ghẽ mà đầy tiết tấu, nghe vui tai. Trong bóng tối, nàng dần dần còn không phân biệt được đâu là tiếng động do món đạo cụ trong tay mình thực sự phát ra với những gì thính giác nàng tri nhận được. Ranh giới giữa sự tồn tại của nàng và các động tác ấy mỗi lúc một thêm mơ hồ, cuối cùng thì tan biến hoàn toàn.
Mỗi ngày, ít nhất một lần nàng đứng trước gương trong nhà tắm, nhét họng khẩu súng đã nạp đạn vào miệng. Hàm răng cảm nhận độ cứng của kim loại, nàng mường tượng cảnh ngón tay mình kéo cò. Chỉ một động tác nhỏ bé thôi là đời nàng chấm dứt. Trong khoảnh khắc tiếp theo, nàng đã biến mất khỏi thế giới này. Nàng nói với bản thân mình trong gương: Mấy điểm quan trọng cần chú ý: Tay không được run. Giữ cho súng khỏi giật. Không được sợ. Và, quan trọng nhất, không do dự.
Aomame nghĩ, nếu muốn thì lúc này có thể làm được rồi. Chỉ cần đưa ngón tay dịch vào phía trong chừng một xăng ti mét là được. Cực kỳ đơn giản. Tại sao mình không làm vậy luôn đi? Nhưng nàng lại đổi ý, rút họng súng ra khỏi miệng, để chốt nổ trở lại vị trí ban đầu, đóng khóa an toàn lại rồi đặt súng lên kệ rửa mặt, giữa ống kem đánh răng và lược chải tóc. Không, giờ vẫn còn sớm quá. Trước lúc ấy mình vẫn còn việc phải làm.
Theo lời dặn của Tamaru, nàng luôn đeo chiếc máy nhắn tin ở thắt lưng, lúc ngủ thì đặt bên cạnh đồng hồ báo thức. Nàng luôn sẵn sàng để bất cứ lúc nào nó reo là có thể lập tức hành động, nhưng chiếc máy nhắn vẫn im lìm. Lại một tuần nữa trôi qua.
Khẩu súng trong hộp giày. Bảy viên đạn trong túi của áo mưa. Chiếc máy nhắn tin im lìm. Chiếc dùi đục nước đá đặc chế, mũi kim mảnh nhọn hoắt có thể lấy mạng người. Những món đồ tùy thân nhét trong túi du lịch. Những bó tiền mặt bỏ trong tủ gửi đồ ở ga tàu điện Shinjuku. Và cả gương mặt mới, cuộc đời mới đang chờ đợi nàng. Aomame trải qua từng ngày hè nóng bỏng giữa vòng vây của những thứ ấy. Ngày càng nhiều người đi nghỉ hè. Rất nhiều cửa hàng đã buông cửa sắt cuốn xuống, đường phố ít người qua lại, xe cộ cũng thưa đi nhiều, phố xá yên tĩnh lạ thường. Đôi khi Aomame thấy mình lạc lõng, không biết bản thân đang ở đâu. Đây là hiện thực thật sao? nàng tự hỏi mình. Nếu đây không phải là hiện thực thì mình phải đi đâu để tìm kiếm hiện thực đây? Nàng hoàn toàn không biết. Bởi vậy nàng chỉ còn cách thừa nhận đây chính là hiện thực duy nhất, đồng thời dốc hết sức lực cố vượt qua hiện thực trước mắt này mà thôi.
Chết không hề đáng sợ, Aomame tự trấn an mình. Chỉ có bị hiện thực vượt lên trước, bị hiện thực quăng lại phía sau thì mới đáng sợ mà thôi.
Nàng đã chuẩn bị xong xuôi, tinh thần đã sẵn sàng. Chỉ cần có mệnh lệnh từ chỗ Tamaru, bất cứ lúc nào nàng cũng có thể lập tức lên đường. Nhưng mệnh lệnh mãi không thấy tới. Đã gần cuối tháng Tám. Mùa hè trôi qua đến nơi. Ngoài cửa sổ, lũ ve đang rặn ra những tiếng kêu cuối cùng. Rõ ràng là mỗi ngày đều dài đến phát sợ, nhưng tại sao một tháng lại trôi qua nhanh đến thế?
Rời câu lạc bộ thể thao về nhà, Aomame lập tức cởi hết đống quần áo đẫm mồ hôi ném vào giỏ quần áo bẩn, thay áo ba lỗ ngắn và quần đùi. Buồi chiều mưa một trận rất to. Bầu trời tối sầm lại, những hạt mưa to như hòn sỏi rào rào quật xuống mặt đất, sấm rền vang. Trận mưa rào đi qua, để lại những con đường sũng sĩnh nước. Nhưng rồi mặt trời lại ló dạng, dốc toàn bộ sức lực làm nước mưa bốc hơi đi hết, cả thành phố bị những làn hơi nước long lanh như tơ nhện bao phủ. Chập tối, mây lại xuất hiện, che kín cả bầu trời bằng một tấm màn dày. Không thấy mặt trăng đâu.
Trước khi làm bữa tối, Aomame thấy cần nghỉ ngơi một lúc. Vừa uống cốc trà đại mạch lạnh và nhấm nháp ít đậu nành đã luộc từ trước, nàng vừa trải tờ báo chiều lên bàn ăn, bắt đầu lướt qua các mục tin tức từ trang nhất cho đến trang cuối. Chẳng có tin gì đáng chú ý. Vẫn là tờ báo chiều như mọi khi. Thế nhưng, khi giở đến trang xã hội, ảnh chân dung Ayumi bỗng đập ngay vào mắt nàng. Aomame hít một hơi, nhăn mặt lại.
Không, không thể nào, mới đầu nàng nghĩ. Chắc mình lầm, chẳng qua đây chỉ là một người có gương mặt rất giống Ayumi thôi. Ayumi không thể nào xuất hiện trên báo một cách nổi bật thế này, thậm chí còn có cả ảnh nữa. Nhưng, càng nhìn, nàng càng chắc chắn đây là gương mặt quen thuộc của nữ cảnh sát trẻ tuổi, người bạn thỉnh thoảng vẫn cùng nàng tổ chức những bữa tiệc tình dục nho nhỏ ấy. Trong ảnh chụp cận cảnh, gương mặt Ayumi thoáng nụ cười. Đó là nụ cười cứng nhắc, hơi gượng ép. Aomame thì luôn cười một cách tự nhiên, sảng khoái hơn nhiều. Tấm ảnh này nom như thể chụp cho tập ảnh cơ quan vậy. Trong sự gượng gạo thấy rõ ấy dường như ẩn chứa nhân tố hiểm nghèo nào đó.
Nếu có thể, Aomame không muốn đọc bài báo này. Bởi chỉ cần liếc qua nhan đề in khổ chữ lớn bên cạnh tấm ảnh, nàng đã đoán được chuyện gì xảy ra. Nhưng nàng không thể không đọc. Đây chính là hiện thực. Cho dù là chuyện thế nào, nàng cũng không thể đi vòng tránh qua hiện thực. Aomame thở ra một hơi thật dài, bắt buộc đọc.
Nakano Ayumi, hai mươi sáu tuổi. Độc thân. Sống tại khu Shinjuku, Tokyo.
Xác cô được phát hiện trong một phòng khách sạn ở khu Shibuya. Cô bị hung thủ dùng thắt lưng bộ áo choàng tắm siết cổ chết. Toàn thân cô trần truồng, hai tay bị còng vào đầu giường, miệng bị nhét quần áo. Nhân viên khách sạn đi kiểm tra phòng trước giờ trưa đã phát hiện ra thi thể cô. Khoảng trước mười một giờ đêm qua, cô và một người đàn ông đã cùng vào phòng này, người đàn ông rời khỏi đó một mình trước khi trời sáng. Tiền phòng được trả trước. Trong thành phố này, những chuyện như vậy không còn mới mẻ. Thành phố lớn tụ tập đủ mọi hạng người thì ắt sinh ra sức nóng, sức nóng ấy có lúc chuyển hóa thành bạo lực. Trên báo chí đầy rẫy những sự kiện như vậy. Nhưng riêng chuyện này có những khía cạnh không bình thường. Cô gái bị hại là cảnh sát đang làm việc tại Cục Cảnh sát Tokyo, chiếc còng tay được cho là đồ chơi tình dục ấy chính là vật phẩm chính cống của cảnh sát, chứ không phải kiểu đồ chơi xấu xí vẫn bán trong các tiệm phục vụ tình dục. Lẽ đương nhiên, chính điểm này khiến người ta chú ý.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!