Mộng Phù Hoa - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
575


Mộng Phù Hoa


Phần 8


Vụ lùm xùm đến tận nửa đêm mới giải quyết xong được, lúc đưa em trai trở về phòng, cả người tôi đã mệt lả đến mức nằm vật xuống giường, mắt nhíu lại muốn ngủ. Thế nhưng thằng bé vẫn còn còn ở đây, tôi chỉ có thể ngả người một lát để tinh thần ổn định chút chút, sau đó mới ngồi dậy, nói.

– Em cũng đi ngủ đi. Chị đưa em đi ngủ nhé.

Khánh có thân hình cao lớn, tuy cử chỉ chậm chạp hơn người bình thường nhưng sức lực tương đối khỏe. Mỗi lần tôi dìu em, đa số phần lực em đều cố gắng dồn hết lên đôi chân yếu ớt có chút teo lại của mình, như vậy tôi mới không hề cảm thấy nặng nề.

– Chị… Qùa của em đâu. Chị nói chị sẽ mua quà cho em mà.

Nghe em trai nhắc đến quà, tôi lúc này cũng giật mình sực nhớ mình chưa có mua được gì cả. Từ tỉnh N về thành phố A, bác tài đã cố gắng lách luật chạy rất nhanh, cốt yếu vì lúc đó sắc mặt của tôi rất tệ nên giữa đường cũng chẳng có dừng lại một chút nào. Về đến trụ sở đài truyền hình thì tức tốc bắt xe đi về nhà, nên cũng quên béng luôn việc mình đã hứa với em trước đó. Bây giờ trời đã về khuya, muốn đi mua cũng không còn chỗ nào mở cửa, tôi chỉ có thể xuống nước dỗ dành.

– Cái đó… Chị vội về quá nên chưa có mua được. Để ngày mai chị mua cho em, có được không.

Khánh lắc đầu nguầy nguậy, thằng bé bắt đầu tức tối, đẩy mạnh bàn tay bị thương của tôi khiến tôi tái mặt lên vì đau.

– Không chịu, em muốn quà. Em muốn ăn.

Vết thương ở đầu ngón tay vì động mạnh đã rơm rớm chảy máu, đã vậy lại còn đau nhói, nhất thời khiến tôi không không nói lên lời. Mất tận một lúc khá lâu, khi bản thân lấy lại được một tí huyết sắc, tôi mới nhẹ nhàng lần nữa thăm dò em trai.

– Hay là như vậy đi. Chị kể truyện cổ tích cho em nghe nhé. Nghe xong em đi ngủ, rồi chị đi mua bánh cho em. Chứ để em ở nhà một mình, chị không yên tâm.

Khánh lắc đầu :” Em không nghe truyện cổ tích. Em muốn quà của chị, em muốn ăn bánh cơ.”

Tôi thở dài :” Vậy em ngồi ở nhà đợi chị nhé. Chị đi ra siêu thị xem có còn mở cửa hay không?”

Khánh vẫn lắc đầu :” Không. Em sợ lắm. Chị đừng đi mà.”

Tôi hết cách, cố gắng dỗ dành Khánh bằng rất nhiều đồ chơi với những bộ phim hoạt hình trên màn hình laptop. Tận đến hai giờ sáng, thằng bé dường như chẳng chịu nổi cơn buồn ngủ kéo đến, lúc này mới ngả người xuống giường. Khoảnh khắc ấy , tôi cũng đã thở được một hơi dài đầy nhẹ nhõm, vội vàng thu dọn đồ rồi mở máy tính ra làm việc. Có điều, đôi mắt không an phận, thi thoảng lại nhíu lại, rồi gục xuống lúc nào không biết.

Mọi thứ cứ chập chờn chập chờn đầy mộng mị. Bình thường, tôi hay mơ về mẹ và bố, thế nhưng hiện tại, tôi lại mơ về ánh mắt của A Lâm, mơ về những thứ mà anh đã giúp tôi ở bản làng Mường Nhé. Đôi mắt ấy, sâu thẳm mà đen láy, không mang theo tạp chất, không mang theo vẩn đục, ngược lại còn đầy ý chí quật cường.

Bên tai vang lên tiếng con thiêu thân đập cánh lao vào ngọn đèn bàn đặt ở trên bàn, tôi giật mình bừng tỉnh, ánh mắt tiếp tục nhìn vào bài viết mà Loan gửi mail cho mình hồi tối. Vốn dĩ, bài này là do tôi phụ trách viết, bởi vì kinh nghiệm của tôi so với Loan vẫn cao hơn một bậc, thêm nữa đa số trước nay biên tập Hồ đều tin tưởng tôi nên cho dù hiện tại tôi có bị thương thì vẫn không thể nào thoát được. Thành ra bây giờ, tôi phải cố gắng thức để đọc lại hết một lượt, chỗ nào không thuyết phục thì phải sửa lại cho hoàn hảo thì thôi.

Ngoài cửa sổ, mưa vẫn còn chưa ngớt, những hạt mưa nhỏ vẫn tí tách rơi trên máng nước kêu tõm tõm, tuy nhiên chẳng hề có tiếng ếch nhái kêu như ở làng nhỏ Mường Nhé. Thành phố A là vùng kinh tế trọng điểm, ban ngày mọi người đều tấp nập đi làm, chỉ có ban đêm như bây giờ, mới rộ lên sắc màu của cuộc sống . Phía xa xa xa, những toà nhà bao quanh bờ sông Tam Nguyên vẫn ánh lên những ánh đèn rực rỡ, nhấp nháy đủ các thể loại màu.

Đối với đô thị nhộn nhịp, ngoài áp lực về kinh tế, thì tôi hoàn toàn không cảm thấy mình chán nản một chút nào. Năm mười tám, thi đỗ trường học viện Báo chí và Tuyên truyền, cố gắng ngày đêm tranh học bổng, tuy không phải là nhất trường, nhưng cũng đứng thứ ba thứ tư, tiền thưởng được một khoản dùng để đóng học phí. Rồi những ngày được nghỉ, lóc cóc trên chiếc xe đạp cũ kĩ mua lại ở chợ đồng nát, sáng sớm đi giao báo, đi bưng bê cho các quán ăn, đi làm gia sư… Khoảng thời gian đó, tôi vẫn ôm mộng gây dựng sự nghiệp, với cả không muốn bố mẹ phải lo cho mình nên việc gì cũng làm, rảnh là làm, thậm chí có lúc sức khỏe bị cạn kiệt phải nhập viện truyền nước.

Sau này, dần dần lớn hơn một chút, bị cuốn vào những đố kị ganh ghét trong học tập, trong môi trường công sở, tôi mới nhận ra, ngày xưa bố luôn lo lắng cho tôi chẳng phải là những điều gì dư thừa cả. Tôi nhút nhát, tôi kiên cường, tôi mạnh mẽ, tôi cố gắng phấn đấu, nhưng tôi lại không có quan hệ, cho nên đi làm suốt mấy năm trời, tôi vẫn dậm chân một chỗ. Đó là lý do vì sao, đến thời điểm hiện tại, tôi bắt đầu mong ước mình có thể tìm lấy được một người có thể đồng hành với mình trong mối quan hệ vợ chồng bình đẳng.

Hồi tưởng lại mọi chuyện, tôi không khỏi nản lòng, ánh mắt vương đầy mệt mỏi tiếp tục cúi xuống nhìn hàng loạt dòng chữ trên màn hình. Vừa đọc vừa sửa, đến tận gần năm giờ sáng mới xong, tôi gửi qua mail cho tổng biên tập Hồ xong rồi mới chính thức ngả người xuống giường. Cũng may hôm nay Khánh không có dậy sớm như mọi lần, nên có thể nói, bản thân miễn cưỡng có được một giấc ngủ khá dài.

Buổi trưa, tôi tỉnh giấc đã thấy Khánh ngồi trên giường xem phim Doremon đầy chăm chú. Thằng bé có lẽ giận dỗi tôi chuyện không mua quà cho mình, nên dù biết chị thức rồi cũng chẳng thèm quay người lại nhìn lấy một cái. Mà tôi trước tình hình ấy cũng chỉ biết thở dài, vén chăn thu dọn đồ đạc cho gọn gàng, làm vệ sinh cá nhân xong xuôi, mới đẩy cửa đi xuống lầu.

Tối hôm qua, gã đàn ông tên Khôi một mực bắt tôi phải đền bù tiền thuốc thang là 5 triệu đồng cho con trai của gã mới đồng ý xong chuyện, miệng không ngừng lớn tiếng chửi bới mặc cho tôi thương lượng mình sẽ bồi thường, nhưng quá đáng lắm cũng chỉ bồi thường 1 triệu. Căn bản vì đứa con ở ông ta chẳng có bị chấn thương hay gì cả, có chăng là khuôn mặt có chút xây xát và hơi sưng.

Thế nhưng gã lại không chịu điều kiện tôi đưa ra, ngược lại còn có ý định muốn đánh người, thành ra nửa đêm bác Sầm phải gọi công an khu vực đến giải quyết. Cũng may trưởng công an khu vực này biết tôi, bởi vì tôi đã từng đến trụ sở của họ lấy tin và phỏng vấn, nên mọi chuyện sau đấy cũng được kết thúc êm đẹp. Gã Khôi phần nữa không dám cãi lại cán bộ, cuối cùng chỉ có thể cắn răng cầm lấy một triệu tôi đưa cho, tức tối kéo vợ con trở về phòng trọ của mình.

Bước xuống sân dưới, đúng lúc gặp bác Sầm đang tỉa rau buổi sáng, tôi mỉm cười chào hỏi một lời. Bác ấy nhìn tôi, ánh mắt hiện lên một chút lo lắng.

– Tay cô bị làm sao thế. Sao phải băng bó vậy.

Tôi dơ cánh tay được băng bó trắng xóa lên trước mặt, đôi mắt xinh đẹp hơi nhíu lại, khẽ lắc đầu đáp trả.

– Trong lúc lấy tin có gặp phải một chút chuyện nên đầu ngón tay bị bật móng, không có gì đáng nghiêm trọng đâu bác.

Bác Sầm là người hiền lành hòa nhã. Tuy chỉ là một người đàn ông thu mua ve chai, nhưng không hề có tính gian xảo hay là kiểu người đểu cáng hai mặt như những người khác. Tôi nghe nói bác ấy là người ngoại tỉnh, ở nơi này đã nhiều năm rồi, cuộc sống có chút khổ cực bấp bênh nhưng một mình vẫn có thể miễn cưỡng coi là đủ ăn đủ sống.

Ban đầu, tôi không giao tiếp nhiều nên không hiểu bác ấy như thế nào. Nhưng sau này, bác ấy giúp tôi trông nom Khánh, tôi dần dần nói chuyện nhiều hơn, rồi từ lúc nào, đã trở nên kính trọng và coi bác ấy giống như một người thân của mình. Thật ra, tính cách bác ấy có đôi phần giống bố mẹ tôi ngày trước, không tranh giành với ai, không hùng hổ dọa người, trước nay đều sống vô cùng an phận. Thỉnh thoảng, có đồ ăn ngon, bác ấy đều nấu nhiều rồi chừa cho chị em chúng tôi một bát lớn. Hoặc những lúc tôi phải đi công tác không kịp đóng tiền nhà, bác ấy cũng là người bỏ tiền túi ra giúp tôi đóng đúng thời hạn.

– Bị thương ở đầu ngón tay đau lắm. Cô lại làm văn phòng, phải cẩn thận từng chút đấy nhé. Chút nữa tôi trông thằng Khánh, cô đi bệnh viện kiểm tra lại đi.

Bác Sầm thở dài, tôi nghe xong cũng chẳng biết an ủi bác ấy như thế nào, chỉ có thể gật đầu thỏa thuận rồi nói.

– Dạ, cháu biết rồi.

**** **** ****

Nghỉ một ngày lấy lại tinh thần, ngày hôm sau đi làm, tôi vừa xuất hiện đã khiến cho tất cả những người trong tòa soạn một phen giật mình và ngạc nhiên, đặc biệt là khi họ nhìn thấy bàn tay được băng bó hai đầu ngón, ánh mắt ai nấy đều hiện lên sự đồng cảm. Chuyện xảy ra ở Mường Nhé, tôi biết kiểu gì sau khi trở về mọi chuyện cũng sẽ từ bé mà trở nên to, vì vậy buổi sáng ngồi trên xe bus, tinh thần cũng đã chuẩn bị kĩ lưỡng đối mặt rồi. Dù sao thì mối quan hệ với đồng nghiệp của tôi ở đây không quá tệ, tuy cũng có người ganh ghét hãm hại, nhưng đấy chỉ là số ít trong số nhiều mà thôi.

– Vũ Quỳnh, sao cô đã đi làm rồi, vết thương trên tay đã đỡ hơn chút nào chưa.

Mấy người đồng nghiệp lên tiếng chào hỏi. Nếu là trước kia, tôi cũng chỉ gật đầu có cho lệ rồi trở về chỗ của mình làm việc, nhưng hôm nay thì lại khác. Nhìn thấy họ nhiệt tình như vậy, dù là giả tạo hay thật lòng, tôi vẫn miễn cưỡng nở một nụ cười rồi đáp lại.

– Không nghiêm trọng lắm.Chỉ là vết thương nhỏ trong lúc làm việc, bác sĩ nói cẩn thận một chút là ổn rồi.

– Dù sao cũng là đầu ngón tay, cô đừng nên chủ quan.. ( Huyên đang bận bịu sửa tài liệu cũng ngẩng đầu bồi thêm vài câu, cô ấy ngẩng đầu lên nhìn tôi một lượt rồi nói tiếp )… Tổng biên tập Hồ đang đợi cô đấy, vào đi không lại trễ giờ.

Tôi đáp lại Huyên một tiếng ừ rất nhẹ, sau đó xoay người chậm rãi đi về phía phòng làm việc của Tổng biên tập. Lúc đi qua chỗ của Tình, ánh mắt tôi và cậu ấy vô tình chạm nhau, tuy chỉ là một giây ngắn ngủi, nhưng tôi vẫn bắt được tình cảm le lói ở đó, trong lòng lại không ngừng thở dài thườn thượt. Cái chàng thanh niên này, tính cách vẫn còn cố chấp như thế, có lẽ tôi còn phải mất một thời gian dài thuyết phục nữa rồi.

Khẽ lắc đầu, tôi không nhìn Tình thêm chút nào nữa, bước chân bước nhanh hơn, đến khi đứng trước cửa phòng của lão Hồ, mới đưa tay lên gõ nhẹ, nói.

– Tổng biên tập, tôi vào được chứ.

– Vào đi…

Nghe được sự đồng ý của lão Hồ, tôi đẩy cửa bước vào, vừa nhìn thấy tôi ông ấy liền hỏi luôn.

– Vết thương thế nào, sao không nghỉ thêm mấy ngày nữa cho đỡ rồi hãy đi.

Tôi kéo chiếc ghế ngồi xuống, khóe môi khẽ mỉm cười một cái.

– Cảm ơn Tổng biên tập, ngày hôm qua đi bệnh viện, bác sĩ nói chỉ không cần để vết thương động nước và không làm việc có lực tác động mạnh lên đầu ngón tay thì chỉ qua một thời gian nữa sẽ lành hẳn thôi.

Lão Hồ gật đầu, ông ấy nghiêng đầu nhìn vào màn hình máy tính trước mặt, đôi lông mày có lúc nhíu lại, có lúc lại giãn ra rất nhiều, nhìn thôi cũng biết chắc là đang không hài lòng với bài viết nào đó rồi.

– Tôi đã xem qua mail cô gửi rồi. Kì thật thì không thể hoàn hảo như mọi lần, nhưng cũng có thể miễn cưỡng xem xét để thông qua cho đi in.

“ Vậy sao”. Tôi khẽ gật đầu, tiện tay cầm lấy tờ báo được đặt trên bàn của tổng biên tập Hồ, nghĩ thế nào lại nói tiếp :” Tổng biên tập, chú làm nghề đã mấy chục năm, có lẽ chú cũng biết về sự khó khăn của Mường Nhé rồi nhỉ. Vậy sao chú lại không suy nghĩ đến việc lấy danh nghĩa của đài truyền hình để giúp họ được nhà nước quan tâm hơn.”

– Vũ Quỳnh, cô đã vào làm nhiều năm, tôi tưởng cô ít nhiều cũng hiểu rõ được phận sự và điểm dừng của chúng ta là ở đâu chứ. Xã hội này, con người có rất nhiều mặt, ở thành phố này hay ở đâu, con người đều có sự tranh chấp để giành lấy phần hơn cho mình. Chuyện làng Mường Nhé, chúng ta có thương cũng chỉ biết câm nín, khi nào bên trên đưa xuống quyết định, lúc ấy hãy dốc hết sức để làm. Cô hiểu ý tôi nói không?

Tôi thở dài, ánh mắt xuất hiện một chút ảm đạm, còn có một chút nặng nề khó thở nơi lồng ngực. Thật ra tôi biết rõ chứ, nhưng chẳng hiểu sao, từ khi trở về, nhớ lại ánh mắt đầy kì vọng lẫn mong chờ của người dân trong bản, những đứa trẻ lấm lem quần áo đầy miếng vá, cơm không đủ no là lòng lại thấy nhoi nhói vì thương xót. Nhưng mà sự thật vẫn mãi là sự thật, tôi cùng mọi người không đủ sức để đứng lên lấy danh nghĩa cá nhân làm điều cao thượng, nên lúc này cũng chỉ có thể mong chờ ngày mốt bản ghi hình được phát, dư luận sẽ khiến các cơ quan chức năng quan tâm và để ý hơn đến ngôi làng nhỏ rìa biên giới đó.

– Tôi biết mà. Chú yên tâm đi, tôi vẫn còn cần công việc này, sao tôi có thể làm điều gì dại dột được.

Đáp lại một lời cho Tổng biên tập Hồ yên tâm, tôi với ông ấy hàn huyên thêm mấy câu nữa rồi mới đẩy cửa đi ra ngoài, trở về phòng làm việc của mình xem tài liệu và sửa kịch bản gốc, đầu tắt mặt tối làm đến tận bảy giờ mới có thể tạm nói là hài lòng. Lúc này, mọi người cũng đã tan ca gần hết, duy chỉ có Tình là vẫn nán lại, thấy tôi tắt máy tính liền cất giọng nói.

– Cùng nhau ăn cơm đi.

Tôi lắc đầu, mắt nhìn đồng hồ đeo trên tay rồi lại nhìn Tình, không suy nghĩ gì mà từ chối luôn.

– Không được rồi, tôi phải về nhà, nếu không em trai tôi lại bù lu bù loa lên mất.

Tình hơi nhíu mày, cậu ta không nói thêm gì nữa, lẳng lặng cùng tôi đi vào thang máy xuống sảnh lớn. Lúc này, ngoài trời đã trở tối, những ánh điện đường sáng rực rỡ chiếu rọi gần như sáng hết ngóc ngách, cảnh tượng so với Mường Nhé đúng là khác nhau một trời một vực.

Bản thân rất quen thuộc với con đường giao thông ở thành phố này, cũng từng rất thích nơi này, dần dà đến bây giờ, tôi đã cảm thấy có lẽ chính mình đã hòa nhịp với cuộc sống nhộn nhịp xô bồ từ lúc nào không biết. Tôi cũng giống như tất cả, trong nhịp điệu nhanh vào ban ngày, dốc hết sức mình làm việc, tuy nhiên lại chẳng có lấy một người bạn thân thiết. Bởi vì ở cái đô thị lớn tình người bạc bẽo, định nghĩa bạn bè cũng chỉ giống như những người dưng lướt qua đường Giáp, bất cứ lúc nào họ đều có thể quay lưng phản bội vì lợi ích cá nhân.

– Cô không đi thật à?

Tình thấy tôi im lặng lại lên tiếng hỏi. Lần này, giọng của cậu ta có phần lớn hơn, nghe kĩ có thể nhận ra nó còn mang theo một chút tức giận. Thế nhưng cậu ta tức thì cũng chẳng liên quan đến tôi, tôi cũng đâu muốn quan tâm nhiều làm gì cho mệt.

– Hôm nay không được.

Đáp trả Tình một lời chắc nịch, tôi xoay người đi về hướng bến xe bus, khóe mắt nâng lên nhìn đoạn đường phía trước một lượt, ngắm nhìn thành phố. Có điều, trong tích tắc, toàn thân tôi như bị điện giật, bước chân trên đôi giày cao gót khựng lại, một khắc liền trở nên chần chừ.

Bởi vì tôi nhìn thấy ở bên kia đường cách mình không xa, có một chiếc xe máy cũ đang dừng ở đó. Trên xe có một người đàn ông mặc bộ quần áo lao động đã bạc màu, một chân dài chống xuống đường, một chân dài để trên bàn đạp, đầu đội chiếc mũ bảo hiểm cũng không được coi là mới. Lại nhìn đến chiếc biển đề hai chữ xe ôm được treo ở đầu xe, tôi lúc này cũng mới biết, hóa ra là người đàn ông đó đang đợi khách, người đàn ông đó làm cả cái nghề chạy thuê.

Khi ấy, tôi chẳng rõ cảm giác của mình là như thế nào nữa. Tôi chỉ biết, mình suy nghĩ mông lung rất nhiều, sau cùng không chịu được thêm, bản thân cứ vậy vô thức đi sang đường bên này, rồi rất nhanh đã dừng lại đứng trước đầu xe từ lúc nào.

Khoảng cách được kéo gần, dưới ánh đèn điện đường sáng rực, tôi nhất thời phát hiện ra được một điều, A Lâm hóa ra cũng có khí chất lạnh lùng giống như bao người lãnh đạo mà tôi đã gặp. Ánh mắt của anh, đôi môi của anh, giọng nói của anh, đều mang theo nét riêng biệt khó đoán, nhất thời khiến tôi mê loạn, càng trở nên tò mò.

Mấp máy môi, tôi cất giọng nói.

– Lại gặp anh ở đây rồi.

A Lâm nhìn tôi, ánh mắt anh có một chút hơi sững lại, tuy nhiên tất cả cũng chỉ diễn ra một giây rồi vụt tắt như chưa từng xuất hiện. Tôi thấy anh gật đầu một cái coi như lời đáp trả tôi, khóe miệng miễn cưỡng nói ra một câu.

– Ừ, cô mới đi làm về à.

– Mới. Tôi làm ở đài truyền hình, công việc khá bận rộn.

A Lâm lại gật đầu, ánh mắt đen láy của anh chuyển xuống nhìn xuống bàn tay của tôi, im lặng một hồi lâu mới lại hỏi.

– Tay cô ổn chứ. Vẫn thay thuốc với thay băng mỗi ngày đúng không?

– Ổn rồi, tuy vẫn còn đau nhưng so với hôm trước thì đỡ hơn rất nhiều.

– Vậy thì tốt.

Đáp lại lời nói của tôi xong, A Lâm cũng không nói thêm gì nữa, thành ra bầu không khí giữa cả hai bỗng dưng trở nên yên ắng. Tôi nhìn anh lặng lẽ châm cho mình một lá điếu lá, khuôn mặt nam tính sau làn khói trắng với cái mùi hơi nồng không rõ là đang suy nghĩ điều gì, tâm tư vô cùng khó đoán.
Đúng lúc này, bỗng dưng có một người phụ nữ trung niên đi ra từ một cửa tiệm tạp hóa, trên tay cầm theo rất nhiều túi nilon tiến lại phía chúng tôi đang đứng. Lúc đến gần, chị ta cất giọng hỏi.

– Chàng trai, cậu còn chở khách không?

A Lâm gật đầu, cúi người lấy mũ bảo hiểm toan định đưa cho người phụ nữ kia, nhưng cánh tay còn chưa kịp duỗi ra thì đã bị tôi chặn ngang. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy đôi lông mày anh hơi nhíu lại mang theo vẻ khó chịu, có lẽ là tức giận vì tôi ngang nhiên từ đâu nhảy ra phá rối công việc kiếm tiền của mình.

– Lại còn chuyện gì nữa à.

A Lâm nghiêm nghị hỏi tôi. Còn tôi thì bình thản đưa mắt nhìn anh, nói .

– Anh chở tôi về đi. Tôi hình như lại lỡ chuyến xe bus rồi, đợi thêm nửa tiếng nữa thì lâu lắm.

A Lâm không ngờ tôi sẽ đưa ra lời yêu cầu như vậy, nhất thời không trả lời, cánh tay cầm mũ bảo hiểm cứng đờ.

– Chẳng phải anh cũng đón khách sao? Thế nào, tôi không phải là khách hả?

Từ đầu đến cuối, tôi chẳng rời ánh mắt của mình khỏi A Lâm lấy một chút, vì vậy mọi biểu cảm của anh như thế nào tôi đều bắt được không xót một chi tiết. Người đàn ông này rất hay cau mày, đặc biệt là khi bị đẩy vào thế bị động, vẻ mặt sẽ mang theo một chút lạnh lùng.

– Rốt cuộc anh có chở tôi không thế.

Tôi kiên nhẫn hỏi tiếp, lần này, A Lâm rốt cuộc cũng có phản ứng. Anh quay người nói lời xin lỗi với người phụ nữ trung niên kia, xong xuôi mới quay sang tôi, nói.

– Lên xe đi.

Yêu thích: 3 / 5 từ (2 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN