Diễn Trò - Chương 53: Có một đồng thôi!
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
49


Diễn Trò


Chương 53: Có một đồng thôi!


Biên tập: Bột

Thím Ngô thường khách sáo với cậu Tư, luôn từ chối khi anh muốn giúp đỡ. Có điều càng khách sáo, càng cho thấy cậu Tư là người ngoài, không thể coi mình là người một nhà thân thiết với họ được.

Mỗi đêm chứng kiến lũ trẻ rúc vào người mẹ, Nhan Trưng Bắc đều đánh mắt đi nơi khác, sợ rằng mình sẽ hâm mộ đến cùng cực. Anh cũng không đủ dũng khí đong đếm xem mình ao ước bao nhiêu, chỉ tự nhủ đừng nhìn, đừng nhìn. Việc này cũng giống lúc mẹ anh ba gắp đồ ăn cho con trai, anh luôn quay đi và không ăn món đó nữa.

Con người thường có xu hướng tránh hại tìm lợi, vậy mới giảm bớt được nhiều phiền toái. Bọn nhóc giở trò ăn bơ làm biếng, anh chỉ lặng lẽ hoàn thành mọi việc. Đã đến nước này rồi, anh cũng không coi mình là cậu chủ gì nữa. Chẳng rõ lúc nào mới có người đón anh về, chi bằng thức thời đôi chút, tranh thủ thiện cảm từ người khác.

Anh lên núi chặt củi theo chú Ngô, còn nhận việc đem đến bán ở chợ phiên. Cái gọi là chợ phiên, chẳng qua chỉ là bán rong ven đường ở trấn trên vắng vẻ, so thế nào cũng không bằng thành Tín Châu náo nhiệt, sầm uất.

Mặt trời chói chang chiếu rọi, cậu Tư và chú Ngô ngồi xổm trên một khoảnh đất trống nho nhỏ, chờ người ta hỏi mua. Nhà bình thường nào cũng cần củi đốt nấu cơm, nhưng trong tiết trời oi bức, nhiên liệu đốt không bán chạy được bằng mùa Đông.

Vào cái mùa cây cối um tùm, thỉnh thoảng lại có trận mưa rào này, củi khô ngấm nước từ trước, người mua củi cũng khó tính hơn.

Già nửa số người hỏi mua đều chê “củi hơi ướt”, có điều đây cũng là tất lẽ dĩ ngẫu. Lúc này là mùa mưa, hơi ẩm trên núi tản đi chậm hơn, chợ phiên lại vẫn mở bán, bỏ lỡ lần này sẽ phải chờ lâu lâu nữa.

Chú Ngô vừa cười tiếp vừa bảo họ cứ tích một ít trong sân, trời nắng nóng thế này, để nửa ngày là mang đi đốt được rồi. Có người phụ nữ sắc sảo nhất quyết vin vào cớ kia, không ưng giá nên vờ bỏ đi. Cuối cùng chú Ngô phải nghiến răng quy thành tiền, chỉ mong được cái giá không lỗ không lãi.

Buôn bán như trận đôi co vặt vãnh kéo dài, cậu Tư nhìn ra cả. Tuy anh không mặt dày rao bán hay khéo léo cò kè mặc cả với người khác, nhưng rơi vào cảnh trang trải cuộc sống thường ngày, anh mới ý thức được mỗi đồng tiền bỏ túi đều được đánh đổi bằng mồ hôi và lời nói.

Huống chi đây đâu phải quan sát thực tế cho biết, mà liên quan mật thiết tới bát cháo anh ăn tối nay. Cơm nước, tỉ lệ thuận với cảm giác chịu ơn.

Thể nghiệm cắt da cắt thịt này khiến cậu Tư hốt hoảng, như thể anh đang mơ giấc mơ hoán đổi thân phận một cách khó hiểu vậy. Hoặc tỉ như nhà họ Nhan tráng lệ, xa hoa trước đó mới là mơ, bởi cảnh tượng trước mắt này tàn khốc và chân thực hơn khá nhiều.

Có người làm ở nhà giàu tới mua củi, trông thấy cậu Tư thì dò xét vài lần rồi bật cười thành tiếng: “Ôi chao! Con nhà ai thế này?”

Người kia thường ra ngoài mua nhu yếu phẩm cho phủ nên quen chú Ngô. Hai người coi như biết nhau, nói đùa khá thoải mái: “Lão Ngô, ông nhặt được con của tú tài già nào đấy à!”

Chú Ngô cười xòa với ông ta, nói là cháu họ xa tới chơi. Cậu Tư mặc đồ vải thô thật, nhưng nhìn thế nào cũng không giống cháu họ xa của một nông phu. Người kia nhìn Nhan Trưng Bắc vài lần, thấy mặt mày và phong thái của anh khác hẳn mấy đứa trẻ hiền lành, vùi mình nơi núi đồi khác. Người này tiếc rẻ, không nhịn được nói: “Cháu ông ấy à? Tôi bảo này lão Ngô…” Ông ta nhặt bó củi trước mặt lên, vì hiếm thấy một thằng bé nhà nông thông minh, sáng láng nên thương lượng một hai: “Có vẻ là hạt giống tốt đấy, theo ông thì chỉ có đốn gỗ bán củi thôi. Hay cho tới phủ tôi làm việc đi? Tôi sẽ dìu dắt thằng bé.” Ông ta nhìn cậu Tư, cười hiền hòa: “Sau này thằng bé thành tài rồi, ông còn phải cảm ơn tôi đấy.”

Trẻ con trong thôn dễ bảo hơn trong thành và thị trấn, phí dạy dỗ cũng rẻ hơn. Người mua củi kia như rất chân thành, còn chêm thêm mấy câu như “Nếu ông thấy ổn, tôi lấy cả bó củi này” để chú Ngô lung lay. Cậu Tư thầm tính toán, không rõ chú Ngô có tiễn mình đi luôn như vậy hay không? Nếu vậy anh phải làm sao để được về nhà, có khi lại thành món hàng của người ở trấn nhỏ này cũng nên.

Anh nghĩ vậy, người đang ngồi xổm đờ đần cả ra. Chú Ngô nhìn qua cũng thấy mặt cậu Tư thoáng hiện lên từ chối và lo lắng. Ông ấy lại nhìn bó củi, thở dài: “Cũng có phải con nhà tôi đâu? Lão Lý, ông mà thích thằng con nào nhà tôi, tôi đưa nó đến tận nơi ngay.” Ông ấy nhếch môi, cười chất phác: “Tôi còn không tin ông nữa hay sao? Ông nói muốn dẫn dắt ai, đó chính là người tài. Ông lấy bó củi này cho tôi, cũng là lấy giúp đúng không?”

Người kia gật khẽ, nghĩ bụng chú Ngô là kẻ thô lỗ, nhưng nói lời khách sáo cũng lọt tai lắm. Chú Ngô nhìn cậu Tư với vẻ khó xử: “Có điều tôi có phải cha thằng bé đâu hả lão Lý, dù gì tôi cũng phải bàn với cha mẹ nó đã chứ, phải không?”

Chú Ngô sợ làm mếch lòng người nọ nên bổ sung thêm: “Mà biết đâu được đấy, có khi cha mẹ thằng bé lại muốn cho con thi tú tài!”

Người kia nghe cũng thấy có lý, ông ta nhả một hơi khói rồi tiếc nuối: “Chứ sao? Nhìn đã thấy hiếu học rồi.”

Cậu Tư thở hắt ra, mau chóng gom bó củi người kia ưng ý lại, sợ ông ta sinh sự gì thêm trong lúc đứng chờ.

Anh lanh lẹ bó củi giúp chú Ngô, khiến ánh nhìn của ông ấy toát lên chút đồng cảm. Đều là người có con cả, trẻ con trong nhà mà bị giao đi như vậy, chắc chắn sẽ gào khóc đòi cha đòi mẹ, huống chi đây còn là cậu chủ nhỏ nhà có tiền?

Người mua củi kia đi xa rồi, bọn họ lại trầm mặc, ngồi xổm trên khoảnh đất trống.

Hai người lớn nhỏ đều im lặng, chung quy người lớn vẫn phải lên tiếng trước. Chú Ngô hắng giọng, nghĩ đến việc cậu thiếu niên ngồi xổm bên cạnh sinh ra trong gia đình giàu có ở thành Tín Châu, ông ấy lại hơi căng thẳng.

Mà cậu chủ có tiền cái gì, chẳng phải đang ở trong nhà lều của nhà ông sao? Chú Ngô nghĩ một lúc, thấp giọng trấn an anh: “Cháu không phải lo, thím Ngô của cháu nhờ người đánh tiếng rồi, chắc mấy ngày nữa là cháu được về nhà thôi.”

Về nhà?

Cậu Tư cúi đầu nhìn chân lấm bùn đất của mình. Anh đã ở nhà họ Ngô một thời gian, nếu bà cả muốn anh về, hẳn phải cử người tới đón từ sớm mới đúng.

Hơn nữa, đã ném người tới đây, nghĩa là không có ý đón về.

Anh không giải thích những chuyện này với chú Ngô được, chỉ ngẩng đầu nhìn bà cụ đang đi tới cách đó không xa, cất giọng đắng chát: “Vừa bán một bó, người mua khác đã tới rồi.”

Mãi cho đến chập tối, người bán hàng rong gần tan chợ rồi, họ mới định về nhà. Củi còn thừa một chút nhưng cũng không nhiều, đem về dùng là vừa đủ. Chú Ngô ngồi xổm đếm tiền hồi lâu, một đồng cũng tính qua tính lại mãi. Cọc tiền này để mua đồ ăn cho gia đình, cọc tiền kia để trả khoản nợ trước đó.

Thứ ông ấy tính không phải tiền, mà là thể diện của người làm nông. Nào có ai thích ký sổ, thích khúm núm xin chủ nợ cho thư thư, nhưng con vẫn phải nuôi, bụng cần lấp đầy, thể diện đành xếp sau đi thôi.

Cậu Tư nhìn ông ấy chi li như vậy nên cũng không giục, thấy nhàm chán bèn ngắm ráng chiều nơi chân trời. Bởi anh cũng biết từng đồng mua mỡ hay nước tương kia đều là kế sinh nhai và hy vọng cả.

Cuối cùng chú Ngô cũng đếm xong, có lẽ hôm nay kiếm được khá khẩm, đạt mức vừa mua được đồ ăn, lại vừa giữ được thể diện. Gương mặt đen xạm thô ráp kia tươi hẳn lên, ông ấy dứng dậy, vẫy cậu Tư: “Đi thôi! Về nhà ăn cơm nào!”

Một người nông dân vui vẻ luôn khiến người khác vui lây, cậu Tư theo sau mà bước chân cũng nhẹ nhàng hơn nhiều. Anh nhìn lại ít củi thừa phía sau, cảm thấy khoan khoái như vậy là phải rồi.

Bao vất vả, đổ mồ hôi, sôi nước mắt biến thành đồng tiền trong túi, có không nhiều đi chăng nữa, anh cũng phấn chấn cực kỳ. Ráng chiều nhuộm đỏ bầu trời, gió đêm mát mẻ nổi lên kịp lúc, những sạp hàng nhỏ vừa rồi còn tấp nập nay đã thưa dần. Phiên chợ không còn nườm nượp, hối hả, thị trấn cũng khôi phục không gian tĩnh lặng, an lành vốn có.

Anh hít vào một hơi, lao động ý nghĩa và luồng gió hè no đủ đầu tiên thấm vào từng lỗ chân lông, trở thành những ngày tháng niên thiếu và ấn tượng sâu sắc trong anh.

Cậu Tư theo sau chú Ngô, đi qua một sạp bán sách. Vì còn thừa lại nhiều sách, người bán hàng nán lại thấy họ lập tức chào mời nhiệt tình: “Mấy cuốn cuối đấy! Một đồng một cuốn! Trả tiền luôn là được!”

Cậu Tư không để ý, vì khi nãy anh đã biết một đồng có sức nặng thế nào với gia đình này. Trẻ con trong nhà còn chẳng có sách để đọc, không cần phí tiền vào khoản này.

Vậy mà chú Ngô lại dừng bước.

Ông ấy quay lại nhìn cậu Tư, hất hàm như cố tỏ ra thoải mái, nhưng vì ngượng ngùng và câu nệ nên rất vụng về: “Này, chọn một cuốn đi!”

Cậu Tư bất giác lắc đầu, chú Ngô lại cố chấp, kéo anh đến xem sách trên sạp hàng: “Chọn một cuốn đi! Có một đồng thôi!” Có vẻ như ông ấy chưa từng “khoe giàu” với ai, lúc này có hơi làm quá, nhưng là thật lòng muốn mua gì đó cho cậu Tư: “Cháu cũng vất vả cả ngày rồi, coi như chú trả tiền công cho cháu nhé?”

Thế là ông ấy tỏ vẻ ông chủ hào phóng, như rất quan tâm người làm tạm thời là cậu Tư.

Cậu Tư nhìn ông ấy rồi chợt nghĩ, dù chú Ngô muốn anh chọn cuốn sách một đồng thôi, mong muốn ấy cũng xuất phát từ cái can đảm mà một người nông dân khao khát.

Can đảm của người nghèo đến từ một vài phung phí hiếm có. Dù chỉ thể hiện được chút “Thật ra ta cũng không để bụng chỗ tiền này” hoặc “Chú cũng là người hào phóng đấy” thôi, đã khiến họ ưỡn ngực, đạt được chút thỏa mãn nhất thời rồi.

Cậu Tư nhìn ánh mắt mong chờ của người bán sách, sau đó đưa tay mở sách trên sạp hàng. Khi thấy một cuốn phủ đầy hoa văn cổ, anh mới cầm lên, gật đầu.

Chú Ngô vừa trả tiền vừa ngó sang: “Ôi… Tiếng nước ngoài à.”

Cậu Tư mở ra rồi đóng lại, cầm lên ôm vào lòng. Chú Ngô nhìn ra là anh thích nên lại cười tươi hơn chút nữa. Ông ấy mua cho cậu Tư, vậy là có tư cách làm bậc cha chú của anh. Chú Ngô không nhịn được đưa tay bá vai, sóng bước với anh như đang đi với con trai mình.

Vậy là, ông ấy không còn thận trọng nữa rồi. Chẳng phải đã sống khổ cực trong nhà ông sao, ông cũng thương thằng bé lắm mà? Tóm lại thương một đứa bé cần đến duyên, hôm nay đã có cái duyên này, chú Ngô cũng thấy gần gũi, nói chuyện thoải mái hơn: “Cháu đọc hiểu tiếng nước ngoài à? Sách này nói về gì thế?”

Cậu Tư đi sóng vai với ông ấy, đầu vai bị níu hơi mất tự nhiên, bởi chưa có bậc cha chú nào đối xử với anh như vậy bao giờ. Thỉnh thoảng cha anh có khen ngợi đôi câu, nhưng chưa từng bá vai, đi sóng đôi bao giờ.

Phải chăng mồ hôi trên người chú nông dân hòa với hơi ẩm trong gió tràn vào khoang mũi, thêm nhiệt độ từ tay chú truyền tới vai khiến anh chợt ấm áp.

Anh cười hơi ngượng ngập: “Về rồi cháu kể chú nghe ạ.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN