Thế Gia Danh Môn - Chương 174
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
117


Thế Gia Danh Môn


Chương 174


Mà mũi tên thứ ba vẫn cắm trúng vào lỗ của mũi tên vừa bị “hất ra” kia, không chệch một ly.

Hiện trường tĩnh lặng tới mức có thể nghe được tiếng kim rơi.

Ngay sau đó, tiếng huyên náo vang lên, tất cả mọi người dường như còn hưng phấn hơn cả lúc trước, nhiệt liệt hoan hô, reo hò.

Thấy mọi người kích động như vậy, hai đứa trẻ cũng quay mòng mòng tại chỗ, khiến đôi má nhỏ đỏ bừng.

Định quốc công phu nhân đứng bên cạnh bối rối nhìn hai tấm bia, nhất thời không biết phải phân định ra sao.

Cả hai người đều vô cùng xuất sắc.

Cận Thiệu Khang nhìn Định quốc công phu nhân, cười, hỏi: “Cuộc tỉ thí lần này là thi về độ chuẩn xác hay tốc độ?”

Thi bắn tên, đương nhiên là phải thi sự chuẩn xác rồi.

Cả ba mũi tên của Cận Thiệu Khang bắn vào một điểm, luận về sự chuẩn xác, ai bì kịp hắn?

Không đợi Định quốc công phu nhân lên tiếng, Tả Bá Xương đã bước về phía Cận Thiệu Khang cúi người: ‘Lần này Tả mỗ thua rồi.”

Cận Thiệu Khang cũng cúi người đáp lễ, “Tả tướng quân nhường rồi.”

Hắn quay đầu lại, ánh mắt hướng về phía Tưởng Nhược Nam đang ngồi phía xa xa, giây phút ấy, trong lòng Tưởng Nhược Nam bỗng dưng trào dâng cảm giác tự hào kiêu ngạo.

Bác Nhi lắc tay Tưởng Nhược Nam sốt sắng hỏi: “Mẹ, là cha thắng rồi phải không?”

Tưởng Nhược Nam thu lại ánh mắt, nhìn bọn trẻ, cười, gật đầu: “Là cha các con thắng rồi.”

Hai đứa trẻ lập tức giơ cao tay lên hò reo, “Hay quá, là cha thắng rồi.” Nói xong quay người, chẳng nghe theo lời khuyên của Tưởng Nhược Nam mà chạy về phía Cận Thiệu Khang. Cận Thiệu Khang nhìn thấy lập tức ngồi xuống, ôm hai đứa trẻ vào lòng.

Khánh Nhi ôm cổ Cận Thiệu Khang, vui vẻ hỏi: “Cha thật lợi hại, cha thật uy phong.”

Bác Nhi dựa vào lòng hắn, vẻ mặt rất sùng bái: “Sau này cha sẽ dạy chúng con nhé!”

Cận Thiệu Khang được bọn trẻ khen ngợi, lòng mềm nhũn. Hắn cười bế bọn trẻ lên, sau đó đi về phía chiếc bàn đặt phần thưởng, để chúng cầm con hổ nhỏ được khắc bằng gỗ, hai đứa trẻ cùng giơ tay ra, Bác Nhi nhìn đệ đệ một cái, rồi rụt tay về, nói: “Đệ đệ, đệ chơi trước đi.”

Khánh Nhi cười hi hi ôm con hổ nhỏ vào lòng, nhìn chăm chú một lát, sau đó lưu luyến đưa cho ca ca: “Ca ca, huynh cũng xem đi.”

Bác Nhi vui vẻ đón lấy, cầm trong tay lật lên lật xuống xem rất kĩ, trân trọng vô cùng, thấy đệ đệ vò đầu bứt tóc bèn kéo tay đệ đệ nói: “Nào, chúng ta cùng chơi.”

Cận Thiệu Khang thấy hai đứa trẻ hiểu chuyện như thế, đáng yêu như thế, trong lòng rất vui, càng thêm cảm kích Tưởng Nhược Nam. Nếu không phải nhờ nàng chú tâm dạy dỗ, sao có được hai đứa trẻ đáng yêu như thế này?

Hắn đặt bọn trẻ xuống, hai đứa tay cầm tay mang theo con hổ nhỏ đi về phía Tưởng Nhược Nam, chúng muốn cho nàng xem.

Tưởng Nhược Nam ôm hai đứa trẻ vào lòng, nghe chúng lanh chanh tán dương cha. Cận Thiệu Khang đứng bên, không có ý định đi về phía họ, chỉ nhìn họ bằng ánh mắt trìu mến và nụ cười dịu dàng trên môi.

Đột nhiên, bên tai vang lên giọng Tả Bá Xương.

“Hầu gia, lần này Tả mỗ đã thua rồi, nhưng Tả mỗ sẽ không từ bỏ, lần sau Tả mỗ sẽ không để thua nữa.”

Cận Thiệu Khang quay sang nhìn y, cười đáp: “Đô đốc đã bao giờ nghĩ, có những việc thua thắng không phải do chúng ta quyết định là xong chưa?” Hắn vỗ vỗ vai Tả Bá Xương rồi đi về phía khác.

Tả Bá Xương quay hẳn người lại nhìn hắn, khẽ chau mày, thua thắng không phải do họ nói là xong? Cũng đúng, Tưởng Nhược Nam nay thân phận cao quý, chuyện hôn nhân phải do Hoàng thượng và Thái hậu quyết định.

Y nhìn nàng đang tươi cười rạng rỡ phía trước, vô thức chìm vào suy tư.

Mấy hôm sau, Cận Thiệu Khang đã xin nghỉ phép, trước khi tiến hành chữa trị cho Cận Thiệu Khang, nàng vào cung bẩm báo Thái hậu.

“Nhược Lan nhờ ân điển của Thái hậu, được phong làm công chúa. Nhược Lan biết, từ nay về sau phải thận trọng trong ngôn từ hành vi, không thể làm mất thể diện của hoàng gia. Nhưng Nhược Lan học y thuật, nếu vì thế mà từ bỏ không dùng nữa thì thật quá đáng tiếc. Vì vậy Nhược Lan thỉnh cầu Thái hậu, cho phép Nhược Lan được chữa bệnh cho những người cần, Nhược Lan sẽ chú ý hành vi cử chỉ, thận trọng, sẽ không làm ảnh hưởng tới thể diện hoàng gia.”

Thời gian này, thực ra Thái hậu cũng đang thương lượng với Hoàng đế chuyện ấy. Vì danh tiếng của Tưởng Nhược Lan nên một vài mệnh phụ khi tới Từ Ninh cung thỉnh an cũng đã khéo léo để lộ ý muốn thỉnh cầu Thái hậu cho phép họ được mời nàng đến chữa bệnh, có điều vì ngại thân phận của nàng nên không dám nói thẳng, nhân cơ hội này thăm dò phản ứng của người.

Trong kinh thành không phải là thiếu đại phu giỏi, nhưng những đại phu này dù sao kiến thức cũng có hạn, ở một vài phương diện họ không bằng Tưởng Nhược Nam. Mà Tưởng Nhược Nam lại là phụ nữ, nên tiện hơn khi chữa trị những bệnh khó nói. Vì vậy các phu nhân rất muốn được mời nàng tới chữa bệnh.

Vì chuyện này, Thái hậu cũng đã thương lượng với Hoàng đế, người cũng cho rằng, Nhược Lan có y thuật tốt như thế, ngay bệnh đậu mùa cũng khống chế được, còn tìm ra phương pháp phòng ngừa lây lan, hiện giờ Lưu viện sử đang nghiên cứu để áp dụng cách của nàng trên chiến trường. Nếu vì lo lắng cho thể diện của hoàng gia mà ép nàng phải từ bỏ y thuật thì đây là một tổn thất vô cùng to lớn cho Lương triều, phá lệ một lần cũng không có gì ghê gớm lắm.

Thái hậu cười, nói với Tưởng Nhược Nam: “Thời gian vừa rồi ai gia cũng đã bàn bạc với Hoàng đế, chúng ta đều cho rằng để con phải từ bỏ y thuật thì thật sự đáng tiếc. Vì vậy Hoàng thượng đang chuẩn bị hạ chỉ đặc chuẩn cho con được tiếp tục chữa một vài bệnh phức tạp, có điều cần phải thận trọng, kín kẽ. Dù thế nào cũng không được tự do thoải mái như trước.”

Tưởng Nhược Nam vui sướng, nếu như từ nay về sau không còn được làm nghề y nữa thì nàng thật có lỗi với sự dạy dỗ của Tăng gia gia.

Thánh chỉ của Hoàng đế nhanh chóng được ban xuống, vốn tưởng sẽ gặp phải sự phản đối của các quan ngự sử trong triều, nhưng không ngờ, đám quan viên này lại rất… yên lặng.

Ai dám đảm bảo bản thân mình hoặc người nhà không bao giờ bị bệnh, y thuật của Công chúa cao như thế, ngộ nhỡ sau này cần tới sự giúp đỡ của nàng thì phải làm thế nào? Không thể tự dồn mình vào ngõ cụt chứ?

Được sự cho phép của Thái hậu và Hoàng thượng, Tưởng Nhược Nam không còn lo lắng gì nữa, bắt đầu chuẩn bị trị thương cho Cận Thiệu Khang. Vốn định tự mình chữa trị cho hắn, nhưng vì thân phận hiện giờ nên Tưởng Nhược Nam nhờ hắn mời Thẩm Thanh, người trước kia từng trị thương cho Cận Thiệu Khang đến, rồi truyền lại phương pháp điều trị của mình, để Thẩm Thanh cầm kim. Như thế tránh được sự gượng gạo trong phòng khi chỉ có cô nam quả nữ.

Hôm nay, Tưởng Nhược Nam đến Hầu phủ, do thân phận của nàng, Thái phu nhân và mọi người trọng Hầu phủ đều phải ra đón và thỉnh an. Những người khác còn đỡ, dù sao từ trước tới nay họ vẫn phải cúi mình trước Tưởng Nhược Nam nên chẳng có cảm giác gì đặc biệt. Nhưng Thái phu nhân thì lại có vẻ không quen, trước kia đều là Tưởng Nhược Nam hành lễ cung kính với bà. Nay bà từng tuổi đầu rồi còn phải hành lễ với nàng, trong lòng khó chịu, nhưng lại nghĩ nàng tới là để trị thương cho con trai, dù không muốn tới đâu cũng phải khuỵu gối khom lưng.

Tưởng Nhược Nam hiểu tính của Thái phu nhân, lại cũng biết bà không cam tâm, nên nàng không muốn làm khó bà. Thái phu nhân vừa cúi người, Tưởng Nhược Nam vội vàng giơ tay ra đỡ, nói: “Thái phu nhân không cần đa lễ.”

Thái phu nhân biết trước kia mình từng mạo phạm nàng, vốn tưởng rằng nàng nhất định sẽ nhân cơ hội này mà làm khó, không ngờ nàng lại rộng lượng như vậy, nhất thời không phản ứng kịp. Còn chưa hết bàng hoàng đã nghe nàng hỏi: “Hầu gia đang ở đâu?”

Vương thị đứng bên vội tranh lấy lòng nàng, “Công chúa, Hầu gia đang ở Thu Đường viện đợi công chúa.”

Tưởng Nhược Nam gật đầu, “Vậy thì tốt, ta qua đấy trước.”

Nói xong bèn đem theo a hoàn và thái giám vượt qua người Thái phu nhân lúc này còn đang sững sờ, đi thẳng về phía Thu Đường viện.

Khi gần tới Thu Đường viện, tâm trạng nàng trở nên rất phức tạp, bước chân mỗi lúc một chậm dần.

Nàng nhìn quanh, tất cả mọi thứ ở đây đều rất quen thuộc, quen thuộc tới mức nàng có cảm giác như mình chưa từng rời xa nơi này. Nàng biết hòn giả thạch phía trước có hình thù thế nào, biết đi thêm vài bước nữa là phải rẽ, biết hòn đá thứ năm phía trước nàng được bố trí hơi lỏng lẻo.

Tất cả tất cả đều không có gì thay đổi, chỉ là hai hàng cây bên đường cao hơn, rậm rạp hơn, nhắc nhở nàng rằng đã năm năm trôi qua rồi.

“Công chúa?” A hoàn đi bên cạnh khẽ khàng gọi nàng.

Lúc này Tưởng Nhược Nam mới nhận ra, mình vô tình dừng hẳn bước, đứng ngẩn ngơ giữa đường.

Nàng hít một hơi thật sâu, định thần, rồi tiếp tục đi về phía trước.

Tưởng Nhược Nam, tất cả đều đã qua rồi, nơi này… đã không còn là nhà của ngươi nữa…

Đến Thu Đường viện, Ánh Tuyết đã đợi nàng ở cửa, thấy Tưởng Nhược Nam vội bước lên đón: “Công chúa.”

Tưởng Nhược Nam cho nàng ta bình thân, Ánh Tuyết kích động nói: “Không ngờ phu nhân giờ đã thành công chúa rồi, giống như một giấc mơ vậy.”

Tưởng Nhược Nam cười đáp: “Đúng thế thật.” Rồi lại hỏi: “Hầu gia ở bên trong phải không? Thẩm đại phu đã đến chưa?”

Ánh Tuyết trả lời: “Hầu gia vẫn đang đợi Công chúa, Thẩm đại phu cũng vừa đến rồi.” Nói xong đưa Tưởng Nhược Nam vào.

Vào trong tiểu viện, nhìn thấy Cận Thiệu Khang và một nam tử tầm hơn ba mươi đang đứng trong đó. Hai người hành lễ với Tưởng Nhược Nam.

Cận Thiệu Khang giới thiệu với nàng: “Vị này chính là Thẩm Thanh, Thẩm đại phu. Mấy năm nay cũng nhờ Thẩm đại phu mà bệnh tình của ta ổn định, nếu không giờ không biết ta sẽ ra sao nữa.”

Thẩm Thanh nhìn Tưởng Nhược Nam khẽ cúi người xuống: “Nghe nói Công chúa đã đưa ra được cách để không chế bệnh đậu mùa, đối với bách tính mà nói đúng là một công lao lớn, tất sẽ lưu danh sử sách.”

Tưởng Nhược Nam khiêm tốn đáp lại vài câu xong, nói tiếp: “Ta bắt mạch cho Hầu gia trước, sau đó sẽ bàn với Thẩm đại phu về cách chữa trị.”

“Vậy chúng ta vào phòng trước đã.” Cận Thiệu Khang làm hiệu mời.

Tưởng Nhược Nam nhìn cửa lớn trước mặt, tấm rèm “Tương phi trúc”[2] do chính tay nàng chọn vẫn còn ở đó, màu sơn đã nhạt, xung quanh tấm rèm đã sờn rách.

[2] Tương phi trúc: Trong lịch sử Trung Quốc, vào thời Ngũ Đế có Nga Hoàng và Nữ Anh đều là con gái của Đế Nghiêu và cùng là vợ của Đế Thuấn. Lần Đế Thuấn đến đất Thương Ngô bên bờ sông Tương thì ngã bệnh qua đời, hai bà ngồi cạnh mộ bên bờ sông Tương khóc ròng rã suốt bảy ngày bảy đêm. Chỗ nước mắt của hai bà rơi xuống mọc ra bụi trúc nên người đời gọi luôn đó là “Tương phi trúc”, sau khi khóc than thì Nga Hoàng cùng Nữ Anh đều trầm mình xuống sông để tuẫn tiết theo chồng.

Tưởng Nhược Nam ngẩn ra mất một lúc, mới đáp: “Được.”

Nàng chầm chậm bước đi, sau đó Cận Thiệu Khang và Thẩm Thanh mới theo sau. Tiếp đến là hai a hoàn hầu cận bên Tưởng Nhược Nam cũng vào theo.

Ánh Tuyết bước lên vén rèm cửa cho nàng, Tưởng Nhược Nam bước vào, nhìn mọi vật trong phòng, không kìm được mà lòng thấy vô cùng chua xót.

Tất cả vẫn y nguyên như trước kia, vẫn giống như lúc nàng bỏ đi. Chiếc giường lớn bằng gỗ Tử Đàn chạm hoa nạm vàng, chiếc chăn mỏng thêu hình đôi chim uyên ương vờn nước trên giường là đồ hồi môn. Chiếc gương đồng trên bàn trang điểm vẫn sáng bóng, hoa văn được khắc trên hộp gỗ lê sơn đỏ đã mờ, giống như bị ai đó vuốt ve vô số lần. Còn cả những đồ trang trí khác nữa, đều là những thứ năm xưa do chính nàng lựa chọn.

Những năm tháng ngọt ngào của quá khứ từng chút từng chút quay về, chuỗi ngày ngọt ngào ấm áp nhất trong cuộc đời của nàng đã trải qua ở đây. Trước kia nàng chưa từng như thế, sau này cũng sẽ không được như thế, nàng nhớ nhung quãng thời gian ấy biết bao…

Đáng tiếc, những ngày tháng ấy đã không bao giờ quay trở lại nữa…

Tim nàng nhói đau, cổ họng căng cứng, nhưng nàng cố gắng để giữ cho vẻ mặt mình bình tĩnh, cố gắng đè nén tâm trạng đang trào dâng, không để bất kỳ ai nhận ra.

Nàng bước lên phía trước, ngồi xuống bên chiếc bàn tròn, không quay đầu lại, nàng nói: “Hầu gia, mời ngồi, để thiếp bắt mạch cho chàng trước.”

Cận Thiệu Khang bước tới, ngồi xuống ghế đối diện với nàng, giơ tay về phía nàng, ánh mắt nhìn nàng chăm chú.

Nhược Lan? Nàng có nhìn thấy không? Tất cả đều không thay đổi, ta vẫn luôn đợi nàng quay về…

Nhưng Tưởng Nhược Nam luôn cụp mắt, dường như không hề nhận thấy ánh mắt của hắn.

Cận Thiệu Khang thoáng thất vọng.

Thẩm Thanh đứng bên thấy rất gượng gạo, đi cũng không phải mà ở cũng chẳng xong, đúng vào lúc tiến thoái lưỡng nan, đột nhiên nghe Tưởng Nhược Nam nói: “Thẩm đại phu, mời ngài qua đây xem xem.”

Thẩm Thanh chẳng có cách nào đành phải đi tới, ngồi xuống bên cạnh Hầu gia, Tưởng Nhược Nam yêu cầu y bắt mạch cho Cận Thiệu Khang. Sau khi bắt mạch xong, nàng bèn thương lượng với y về phương pháp chữa trị cho Cận Thiệu Khang.

Tưởng Nhược Nam nói cho Thẩm Thanh nghe cách mà nàng đã bàn với Cận Thiệu Khang trước đó, nhắc đến những huyệt đạo phải châm cứu.

Thẩm Thanh kinh ngạc thốt lên: “Phương pháp này rất bá đạo, đồng thời châm cứu để mở rộng cả tám huyệt đạo, người bình thường sao chịu được?”

Tưởng Nhược Nam mặt cũng lộ vẻ lo lắng: “Nhưng chỉ có cách ấy mới có thể đẩy được khí ứ trong các huyệt đạo ra ngoài.”

Cận Thiệu Khang hoàn toàn không quan tâm, nói: “Hai vị không cần lo cho ta, cứ thoải mái mà tiến hành.”

Vì khi châm cứu phải cởi áo, Tưởng Nhược Nam giờ đã không còn quan hệ phu thê với hắn nữa nên ở lại không tiện, nàng đành tránh ra phòng ngoài.

Ở phòng ngoài, nàng nghe tiếng rên khe khẽ của Cận Thiệu Khang khi cố nhịn đau, trái tim nàng cũng như bị ai đó bóp chặt.

Đương nhiên nàng hiểu, người bình thường chỉ cần châm vào một thông huyệt là đã kêu thét lên rồi, có thể nhẫn nhịn được tới huyệt đạo thứ ba đã là cực hạn. Người học võ cùng lắm là chịu được tới huyệt đạo thứ năm, nhưng khi cả tám huyệt đạo đều mở thì không thể tưởng tượng nổi.

Có điều Tăng gia gia đã từng nói, những người đã tới mức bị tẩu hỏa nhập ma thì cũng là những cao thủ có công lực thâm hậu. Đồng thời phải chịu đựng cả tám thông huyệt, mặc dù đau đớn khổ sở, nhưng có lẽ cũng không gây ra tổn thương lớn với cơ thể.

Ngoài tiếng rên khẽ lúc mới bắt đầu ra, thì sau không nghe thấy bất kỳ động tĩnh nào nữa. Tưởng Nhược Nam đứng ngoài rất lo lắng, chỉ muốn vào trong xem sao, nhưng lại sợ ảnh hưởng tới Thẩm Thanh. Việc châm cứu chỉ cần sai một ly là đi một dặm, ngộ nhỡ không cẩn thận mà châm nhầm huyệt đạo, không những công lao trước đó đổ sông đổ bể, mà không chừng còn gây ra thương tích khó ngờ tới.

Đại khái tầm một khắc đồng hồ trôi qua, Thẩm Thanh đầu mướt mồ hôi bước ra.

Tưởng Nhược Nam vội đi tới đón, lo lắng hỏi: “Sao rồi?”

Thẩm Thanh nhìn nàng một cái, đáp: “Chi bằng Công chúa vào trong xem sao.”

Tưởng Nhược Nam lúc này đâu còn nghĩ được nhiều, nàng nhấc chân bước vội vào trong.

Cận Thiệu Khang nằm trên giường, phần thân trên để trần, ngực đắp hờ tấm chăn mỏng, hai mắt hắn nhắm chặt, giống như đã ngủ lịm đi, sắc mặt trắng bệch như tờ giấy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi, cánh tay và trán vì phải nín nhịn đau đớn mà gân xanh nổi rần rật tới giờ vẫn chưa lặn, khiến người ta nhìn mà kinh hãi.

Hơi thở của hắn lúc thì gấp gáp, lúc thì chậm rãi, ngực phập phồng, cơ thể khẽ run run, rõ ràng là sự đau đớn vẫn chưa hết hẳn.

Lông mày hắn cau chặt, ở giữa hằn sâu mấy nếp nhăn, Tưởng Nhược Nam vô thức giơ tay ra, muốn vuốt thẳng cặp lông mày. Nhưng tay vừa đưa ra được nửa chừng, nàng dừng lại, từ từ thu tay về, quay sang bắt mạch cho hắn.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN