Hồng Ngọc - Chương 4
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
174


Hồng Ngọc


Chương 4


Khi đã nhìn rõ được mọi vật trở lại, tôi thấy một chiếc ô tô cổ đang rẽ từ góc phố vào, còn mình thì quỳ trên lối đi bộ, run rẩy kinh hoàng.

Con phố này có gì đó khang khác. Không như mọi khi. Chỉ sau có một giây mà mọi thứ trở nên khác hẳn.

Mưa đã tạnh, gió lạnh như cắt thịt và trời tối hơn lúc nãy nhiều, cứ như giữa đêm đen. Cây mộc lan trụi sạch hoa lá. Tôi thậm chí không dám chắc đó là cây mộc lan.

Các chóp nhọn của hàng rào quanh nó lấp lánh vàng. Tôi thề là hôm qua chúng vẫn còn đen nhẻm.

Lại một chiếc xe cổ khác rẽ vào góc phố. Một cỗ xe kỳ cục với những bánh xe thật cao và nan hoa sáng loáng. Tôi nhìn dọc theo lối đi bộ. Các vũng nước đã biến mất, cả mấy tấm biển giao thông cũng không thấy đâu nữa. Thay vào đó là những viền đá hộc lát đường lổn nhổn lồi lõm, đèn đường trông khác hẳn, quầng sáng vàng vọt của chúng không đủ soi nổi tới cổng nhà gần nhất.

Từ trong sâu thẳm tôi thấy bất an, nhưng tôi vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận ý nghĩ ấy.

Tôi cố hít thật sâu rồi lại quan sát xung quanh, lần này kỹ hơn.

Hừm, nói đúng ra thì chẳng có đổi khác gì nhiều nhặn. Phần lớn nhà cửa trông vẫn như mọi khi. Nhưng kìa, ở đằng kia, quán trà nơi mẹ vẫn thường mua bánh quy Hoàng tử xứ Wales ngon tuyệt đã biến mất, còn ngôi nhà góc đường có dãy cột hoành tráng ở mặt tiền thì tôi chưa thấy bao giờ.

Một người đội mũ, mặc áo choàng đen đi qua nhìn tôi với vẻ phật ý, nhưng không hề tỏ ý định hỏi han hay thậm chí định đỡ tôi dậy. Tôi đứng dậy, phủi vết bẩn trên đầu gối.

Dần dần, điều bất an mà tôi lờ mờ linh cảm ban nãy đã hiển hiện kinh hoàng.

Tôi có định kể chuyện vớ vẩn đâu?

Không phải tôi đang lạc vào triển lãm thi đấu xe cổ, cũng chẳng phải cây mộc lan kia đột nhiên trút sạch lá. Và dù tôi sẵn lòng trả bất kỳ giá nào để Nicole Kidman bất chợt hiện ra ở góc phố kia đi chăng nữa, tiếc thay, đây vẫn không phải trường quay cho một bộ phim của Henry James.

Tôi biết chắc chắn chuyện gì vừa xảy ra. Tôi biết quá đi chứ. Và tôi cũng biết có gì đó nhầm lẫn ở đây.

Tôi đã bước chân vào một thời đại khác.

Không phải Charlotte. Mà tôi. Ai đó đã nhầm lẫn tệ hại.

Răng tôi bất chợt đánh cầm cập. Không chỉ do căng thẳng mà còn vì lạnh. Trời rét cắt da cắt thịt.

“Chị tự biết chị sẽ phải làm gì.” – lời Charlotte lại vang lên trong đầu tôi.

Dĩ nhiên Charlotte biết phải làm gì. Nhưng đâu có ai mách bảo cho tôi.

Và thế là tôi cứ run rẩy đứng nơi góc phố, răng đánh lập cập, mặc cho người đi đường hiếu kỳ nhìn ngó. Cũng chẳng có nhiều người trên phố. Một phụ nữ trẻ mặc áo choàng dài tới mắt cá, tay cắp làn đi ngang qua, theo sau là một người đàn ông đội mũ, cổ áo dựng cao.

“Xin lỗi,” tôi nói. “Cô làm ơn cho cháu biết năm nay là năm nào được không ạ?”

Người phụ nữ làm như không nghe thấy gì và rảo bước nhanh hơn.

Người đàn ông lắc đầu: “Đồ không biết ngượng!”

Tôi thở dài. Thực ra có biết cũng chẳng để làm gì. Nói cho cùng thì năm nay là 1899 hay 1923 cũng chẳng khác gì nhau.

Ít nhất tôi còn biết mình đang ở đâu. Nhà tôi cách đây chưa đầy trăm mét. Đơn giản cứ về nhà là hơn cả.

Dù sao tôi cũng phải làm gì đó.

Con phố yên bình và tĩnh lặng trong ánh chiều tà khi tôi chậm rãi quay về, vừa đi vừa ngó quanh. Cái gì khác, và cái gì vẫn y nguyên? Có ngắm thật kỹ thì những ngôi nhà vẫn rất giống ở thời của tôi. Tuy có cảm giác nhiều chi tiết như trông thấy lần đầu tiên, nhưng cũng có thể lâu nay tôi không để ý tới chúng. Bất giác tôi ngó sang số nhà 18, nhưng cửa nhà trống vắng, tuyệt nhiên không thấy người mặc đồ đen nào.

Tôi dừng lại.

Nhà tôi vẫn giống hệt thời tôi sống. Những ô cửa sổ lầu trệt và lầu một tỏa sáng, cả phòng áp mái của mẹ cũng sáng đèn. Nhìn lên đó, tôi thấy nhớ nhà vô vàn. Những dải nhũ băng rủ xuống từ cửa sổ mái.

“Chị tự biết chị sẽ phải làm gì.”

Ừ, Charlotte sẽ làm gì? Trời tối đến nơi và lạnh cắt da cắt thịt. Charlotte sẽ đi đâu để không bị chết cóng? Về nhà?

Tôi nhìn đăm đăm lên những ô cửa sổ. Biết đâu ông ngoại đã có mặt trên đời? Biết đâu thậm chí ông còn nhận ra tôi. Nói cho cùng ông từng để tôi cưỡi ngựa trên đầu gối, hồi tôi còn bé… Ô, vớ vẩn quá.

Giả sử ngay cả khi đã ra đời, ông cũng khó mà tưởng tượng được sẽ có lúc đung đưa tôi trên đầu gối khi về già.

Cái lạnh luồn lách dưới lớp áo mưa. Thôi được, tôi sẽ cứ thế nhấn chuông xin trú qua đêm.

Vấn đề ở chỗ tôi nên nói như thế nào.

“Xin chào, cháu là Gwendolyn, cháu ngoại của huân tước Lucas Montrose, người có thể còn chưa ra đời.”

Đương nhiên tôi không hy vọng có ai tin mình. Có lẽ tôi sẽ bị đưa vào nhà thương điên nhanh hơn tôi tưởng. Và chắc chắn ở thời này, đó là nơi vô vọng, một khi đã vào đó thì đừng hòng có đường ra.

Nhưng mặt khác thì tôi cũng không có nhiều lựa chọn. Chẳng mấy nữa trời sẽ tối mịt, còn tôi thì phải qua đêm ở một nơi nào đó, hy vọng không bị chết cóng, hoặc không bị chạm trán Jack Đồ Tể[1] .Trời đất quỷ thần ơi! Thực ra hắn đã hành sự vào thời gian nào? Và ở đâu? Hy vọng không phải khu Mayfair thanh bình này!

[1] Jack the Ripper, tên cuồng sát tàn bạo hoành hành ở London cuối thế kỷ 19.

Nếu có thể nói chuyện với tổ tiên, tôi thuyết phục cho mọi người tin rằng tôi biết về dòng tộc và ngôi nhà này hơn bất cứ người lạ nào đó. Ví dụ như, ngoài tôi ra, còn ai có thể kể vanh vách chuyện con ngựa của kỵ Hugh tên là Annie mập? Đây đương nhiên là thông tin nội bộ tối mật.

Một luồng gió khiến tôi rùng mình. Lạnh quá. Nếu bây giờ tuyết bắt đầu rơi thì tôi cũng chẳng ngạc nhiên.

“Xin chào, cháu là Gwendolyn, cháu đến từ tương lai. Cháu có cái khóa kéo này làm bằng chứng. Cháu dám cá là người ta thậm chí còn chưa phát minh ra nó, phải không? Cũng hệt như máy bay Boing 747, ti vi và tủ lạnh…”

Phải thử xem sao. Hít một hơi thật sâu, tôi bước tới cửa.

Những bậc cầu thang vừa thân thuộc lại vừa xa lạ. Theo phản xạ, tôi tìm nút chuông. Nhưng không có. Rõ ràng thời này chưa có chuông điện. Tiếc là điều này cũng không gợi ý cho tôi biết năm nay là năm nào. Tôi thậm chí còn không biết người ta phát minh ra điện khi nào nữa. Trước khi có tàu chạy bằng hơi nước hay muộn hơn? Ở trường cũng dạy rồi thì phải? Nếu rồi thì tiếc là tôi đã quên sạch.

Tôi tìm thấy một cái nắm treo dưới dây xích, giống như dây giật nước bồn vệ sinh kiểu cũ ở nhà Leslie. Tôi giật mạnh và nghe chuông kêu lenh kenh sau cánh cửa.

Ôi Chúa ơi.

Chắc một gia nhân nào đó sẽ ra mở cửa. Biết nói gì để người đó cho tôi vào gặp họ hàng? Biết đâu kỵ Hugh vẫn còn sống? Hoặc đã ra đời? Hoặc từng tồn tại. Cứ thử hỏi về kỵ xem sao. Hoặc về con Annie mập.

Tiếng chân vang lên rất gần, tôi thu hết can đảm. Nhưng còn chưa kịp thấy ai mở cửa thì một lần nữa chân tôi lại hụt bẫng, tôi bị kéo tuồn tuột qua không gian và thời gian rồi lại được nhả ra.

Mở mắt thấy mình trên tấm thảm chùi chân trước nhà, tôi bật dậy nhìn quanh. Tất cả hệt như trước lúc tôi đi mua kẹo chanh cho bà Maddy. Nhà cửa, hàng xe đậu, thậm chí cả cơn mưa.

Người mặc áo đen trước cửa nhà số 18 ngó chằm chằm qua bên tôi.

“Hừ, không chỉ mình ông thấy kinh ngạc đâu,” tôi lẩm bẩm.

Tôi đã biến đi trong bao lâu? Liệu người áo đen có trông thấy tôi mất tăm ở góc phố rồi lại hiện ra trên tấm thảm chùi chân trước nhà? Nhất định hắn không tin nổi vào mắt mình. Đáng đời. Giờ thì hắn biết cảm giác bị đánh đố là thế nào.

Tôi nhấn chuông liên hồi. Ông Bernhard mở cửa.

“Gì mà vội thế?” ông hỏi.

“Ông không vội, nhưng cháu vội!”

Ông Bernhard nhướn mày.

“Xin lỗi ông, cháu quên mất một chuyện quan trọng.” Tôi lách qua ông rồi chạy ào lên cầu thang, nhảy hai bậc một.

Bà Maddy kinh ngạc khi thấy tôi xô cửa lao vào. “Ta tưởng cháu đã đi rồi chứ, thiên thần nhỏ.”

Tôi thở hổn hển nhìn lên đồng hồ treo tường. Chỉ mới hai mươi phút trôi qua kể từ khi tôi ra khỏi phòng.

“Nhưng may mà cháu quay lại. Ta quên không nói với cháu, ở Selfridges họ cũng có loại kẹo chanh không đường, đựng trong túi y hệt thế này! Nhưng cháu tuyệt đối không được mua loại ấy, bởi nếu ăn loại không đường thì người ta sẽ bị… à,ờ, tiêu chảy!”

“Bà Maddy, sao tất cả mọi người đều đinh ninh rằng Charlotte mang gien kia?”

“Bởi vì… cháu không thể hỏi ta chuyện gì đơn giản hơn sao?” Trông bà Maddy khá bối rối.

“Chị ấy đã thử máu chưa? Liệu ai khác cũng có thể mang gien ấy không?” Nhịp thở của tôi dần trở lại bình thường.

“Charlotte chắc chắn là người mang gien.”

“Vì người ta đã tìm thấy trong ADN của chị ấy?”

“Thiên thần nhỏ, cháu hỏi nhầm người rồi. Ta luôn dốt đặc môn Sinh học, thậm chí ta còn không biết ADN là gì. Nhưng ta cho rằng chuyện này ít liên quan tới Sinh học hơn là Toán cao cấp. Tiếc là ta học Toán cũng rất kém. Số má và công thức vào tai này của ta là lại chui ra tai kia luôn. Ta chỉ có thể nói với cháu là Charlotte chào đời đúng vào ngày người ta ấn định và tính toán từ hàng trăm năm nay cho nó.”

“Vậy là ngày sinh quyết định chuyện người ta có mang gien hay không?” Tôi cắn môi. Charlotte sinh ngày mùng 7 tháng Mười, tôi sinh ngày mùng 8. Vậy là bọn tôi chỉ cách nhau có một ngày.

“Ngược lại chứ,” bà Maddy nói. “Gien quyết định ngày sinh. Họ đã tính toán kỹ tất cả.”

“Nếu họ tính nhầm thì sao?”

Nhầm một ngày! Quá đơn giản. Họ tính lộn rồi. Không phải Charlotte mà tôi mới có cái gien chết tiệt nọ. Hay cả hai đều có nó? Hay là… Tôi ngồi phịch xuống ghế đẩu.

Bà Maddy lắc đầu. “Họ không tính nhầm đâu, thiên thần nhỏ. Ta tin rằng, nếu họ có biệt tài gì đó thì đó là tài tính toán.”

“Họ” là ai mới được chứ?

“Ai cũng có lần nhầm mà bà,” tôi nói.

Bà Maddy bật cười. “Nhưng ta tin là Isaac Newton thì không.”

“Newton đã tính ngày sinh của chị Charlotte?”

“Cháu yêu của ta, ta hiểu là cháu tò mò. Hồi bé, ta cũng hệt như cháu. Nhưng thứ nhất, đôi khi không biết lại tốt, và thứ hai, thực tình là ta đang rất rất rất thèm kẹo chanh.”

“Mọi thứ đều phi logic,” tôi nói.

“Trông thì có vẻ thế.” Bà Maddy khẽ vuốt tay tôi. “Ngay cả khi không thể giúp cháu biết được rõ hơn: hãy nhớ rằng chỉ bà cháu ta biết chuyện này. Nếu bà ngoại cháu biết ta đã kể cho cháu những gì thì bà sẽ giận lắm. Mà khi giận thì bà còn kinh khủng hơn lúc bình thường.”

“Cháu không hớt lẻo đâu, bà Maddy. Giờ cháu đi mua kẹo cho bà ngay.”

“Cháu đúng là đứa cháu ngoan.”

“Cháu chỉ hỏi một câu nữa thôi: Sau cú vượt thời gian đầu tiên, bao lâu sau thì lặp lại?”

Bà Maddy thở dài.

“Cháu van bà đấy!” tôi nói.

“Ta không tin chuyện này diễn ra theo quy luật,” bà Maddy bảo. “Mỗi người mang gien đều không giống người khác. Nhưng không ai có khả năng tự điều chỉnh hành trình vượt thời gian ấy. Nó diễn ra hàng ngày, hoàn toàn không thể kiểm soát, thậm chí vài lần trong ngày. Vậy nên cái đồng hồ kia mới quan trọng đến thế. Theo như ta hiểu thì nhờ nó mà Charlotte sẽ không bị ném đi ném lại trong bể thời gian một cách vô định. Người ta có thể chủ động gửi con bé về những thời khắc an toàn, không vấp phải bất trắc gì. Nghĩa là cháu không cần lo cho chị.”

Thực tình tôi đang lo cho chính tôi nhiều hơn.

“Người ta biến mất khỏi hiện tại bao lâu trong lúc đi về quá khứ?” tôi nín thở hỏi. “Và trong lần vượt thứ hai, liệu người ta có nhảy ngược về tận chỗ bọn khủng long, khi nơi này vẫn chỉ toàn là đầm lầy không ạ?”

Bà phẩy tay ngắt lời. “Thôi đủ rồi, Gwendolyn. Những chuyện ấy chính ta cũng đâu có biết!”

Tôi nhỏm dậy. “Không sao ạ, cảm ơn bà đã trả lời,” tôi nói. “Bà đã giúp cháu rất nhiều.”

“Ta thì không nghĩ thế. Giờ ta lại thấy áy náy kinh khủng. Kỳ thực ta không nên chiều theo cháu, nhất là khi chính ta cũng không được phép biết tất cả những chuyện này. Ngày trước, khi ta hỏi anh trai ta – ông ngoại đáng kính của cháu – về những điều bí mật nọ, lúc nào anh ấy cũng chỉ đáp một câu giống nhau. Anh ấy bảo, càng ít biết chuyện này thì càng khỏe. Giờ cháu đi mua kẹo cho ta được rồi chứ? Và đừng quên: mua loại có đường!”

Bà Maddy vẫy tay chào tôi.

3.1

Bí mật sao lại có thể hại cho sức khỏe? Và ông ngoại biết nhiều chừng nào?

S’TENT

“ISAAC NEWTON?” Leslien sửng sốt lặp lại. “Là cái ông với vụ trọng lực ấy hả?”

“Chứ sao nữa. Nhưng rõ ràng ông ấy còn tính cả ngày sinh của Charlotte”. Tôi đứng trước những lọ sữa chua trong quầy thực phẩm ở Selfridges, tay phải áp điện thoại vào tai, tay trái bịt tai kia. “Chỉ vớ vẩn ở chỗ không ai tin ông ấy tính nhầm. Dĩ nhiên – ai mà tin nổi, Newton cơ mà! Nhưng chắc chắn là ông ấy đã nhầm, Leslie. Tớ sinh sau Charlotte một ngày, và tớ vượt thời gian chứ không phải chị ấy.”

“Thế thì đúng là còn thần bí hơn cả thần bí. Hừ, cái cục sắt khốn nạn này lại cần tới cả tiếng đồng hồ để khởi động. Nhanh lên, đồ súc sinh kia!” Leslie rủa cái máy tính.

“Ôi, Leslie, chuyện này thật – kỳ cục! Suýt chút nữa tớ đã nói chuyện với cụ kỵ tớ! Cậu biết không, có lẽ là với kỵ Hugh, cái ông béo tròn trên bức tranh trước cánh cửa bí mật ấy. Nghĩa là nếu đúng thời kỵ ấy sống chứ không phải thời khác. Nhưng cũng có thể họ đã tống cổ tớ vào nhà thương điên.”

“Có trời biết chuyện gì đã có thể xảy ra với cậu,” Leslie bảo. “Tớ vẫn còn chưa tin nổi đây! Suốt ngần ấy năm, mọi người làm đủ trò khổ sở vì Charlotte, giờ lại thành thế này! Cậu phải kể cho mẹ cậu biết ngay. Mà cậu về nhà ngay đi! Chuyện đó có thể lặp lại bất cứ lúc nào!”

“Nghe rùng rợn nhỉ!”

“Tuyệt đối. À, giờ tớ vào mạng được rồi. Trước tiên, tớ sẽ thử tra Google về Newton. Còn cậu về nhà ngay, đi đi! Cậu có biết Selfridges có từ lúc nào không? Biết đâu ngày trước ở đó từng là một cái hố và cậu sẽ rơi từ độ cao mười hai mét xuống!”

“Bà ngoại tớ mà biết thì chắc bà sẽ phát điên lên mất,” tôi nói.

“Ừ, Charlotte tội nghiệp mà biết thì còn khủng khiếp hơn… thử nghĩ mà xem, suốt ngần ấy năm Charlotte phải kiêng kỵ đủ thứ, vậy giờ hóa ra công cốc. À, tớ tìm được rồi: Newton, sinh năm 1643 ở Woolsthorpe – là ở đâu nhỉ? – mất năm 1727 ở London. Blablabla. Ở đây không có dòng nào về việc vượt thời gian, chỉ có về tích phân – tớ chưa nghe thấy bao giờ, còn cậu? Siêu nghiệm tất cả các vòng xoắn ốc… Bình phương, quang học, cơ học thiên thể, blabla, à, cả định luật vạn vật hấp dẫn… Hừm, siêu nghiệm tất cả các vòng xoắn ốc nghe có vẻ gần với việc vượt thời gian nhất, cậu có nghĩ thế không?”

“Thành thật mà nói – không,” tôi đáp.

Cạnh tôi, một đôi to tiếng tranh cãi về loại sữa chua họ muốn mua.

“Cậu vẫn còn ở Selfridges?” Leslie kêu lên. “Về nhà đi!”

“Tớ về đây,” tôi xách túi giấy vàng đựng kẹo chanh của bà Maddy bước ra cửa. “Nhưng Leslie, tớ không thể kể chuyện này ở nhà được. Mọi người sẽ nghĩ là tớ điên.”

Leslie phì cười trong điện thoại. “Nghe này Gwen! Nếu là một gia đình khác thì họ có thể tống cậu vào viện tâm thần, trừ nhà cậu! Họ đâu có chuyện gì khác ngoài gien vượt thời gian, đồng hồ và giờ học thần bí.”

“Máy đồng hồ,” tôi chỉnh lại. “Nó chạy bằng máu! Nghe tởm không cơ chứ!”

“Máy-đồng-hồ! Rồi, tớ đã tra Google.”

Tôi chen qua đám đông trên đường Oxford, tới cột đèn xanh đỏ tiếp theo. “Có lẽ bác Glenda sẽ bảo tớ bịa ra tất cả chuyện này chỉ để tỏ vẻ ta đây và dìm hàng Charlotte.”

“Thì đã sao? Cùng lắm là sau khi cậu vượt thời gian lần thứ hai, bác ấy sẽ biết mình nhầm.”

“Nếu tớ không vượt nữa thì sao? Nếu chuyện này chỉ diễn ra một lần duy nhất? Như bị sổ mũi?”

“Chính cậu cũng không tin thế chứ. Đây rồi, có vẻ như máy đồng hồ chỉ là một chiếc đồng hồ đeo tay tầm thường. Cậu có thể mua cả bao tải trên eBay, giá mười bảng trở lên. Chết tiệt… đợi chút, tớ sẽ tra theo các từ khóa Isaac Newton cộng máy đồng hồ cộng vượt thời gian cộng máu.”

“Thế nào?”

“Không có kết quả nào.” Leslie thở dài. “Giờ tớ tiếc là bọn mình không tìm hiểu những thứ này sớm hơn. Trước tiên tớ sẽ tìm tài liệu. Tất cả những gì có thể tìm được về vượt thời gian. Tớ có cái thẻ thư viện ngu ngốc để làm gì chứ? Cậu đến đâu rồi?”

“Tớ đang đi qua đường Oxford rồi sẽ rẽ vào đường Duke.” Đột nhiên tôi bật cười khúc khích. “Cậu hỏi vì muốn tới đây dùng phấn vạch dấu nhân, nếu đột nhiên bị đứt tín hiệu? Giờ thì tớ tự hỏi, cái dấu phấn ấy có lợi cho Charlotte ở chỗ nào.”

“À, có thể là để họ cử cái gã vượt thời gian kia đuổi theo. Tên hắn là gì nhỉ?”

“Gideon de Villiers”

“Tên hot nhỉ. Để tớ thử tra luôn. Gideon de Villier. Viết như thế nào?

“Làm sao mà tớ biết được? Trở lại chuyện vạch phấn: Họ biết cử Gideon đi đâu? Ý tớ là về thời nào? Charlotte có thể ở bất cứ đâu. Ở bất cứ phút nào, giờ nào, năm nào, thế kỷ nào. Vớ vẩn, vạch phấn kia vô nghĩa.”

Leslie hét váng tai, khiến tôi suýt đánh rơi điện thoại. “Gideon de Villiers. Tớ tìm thấy một người.”

“Thật à?”

“Ừ, ở đây có ghi: Năm nay, đội polo trường nội trú Vincent ở Greenwich lại giành giải vô địch polo các trường học toàn nước Anh. Từ trái sang phải, vui mừng đón nhận cúp vô địch: Thầy hiệu trưởng William Henderson, huấn luyện viên John Carpenter, đội trưởng Gideon de Villiers… vân vân và vân vân. Ôi, hắn còn là đội trưởng nữa. Tiếc là bức ảnh này bé tí, không thể phân biệt đâu là ngựa, đâu là người. Cậu đi tới đâu rồi, Gwen?”

“Vẫn trên đường Duke. Có vẻ hợp lý đấy: trường nội trú ở Greenwich, polo – chính hắn đấy. Ở đó có viết là thỉnh thoảng hắn biến mất không? Ngay khi đang trên lưng ngựa chẳng hạn?”

“Hừm, tớ vừa phát hiện ra bài báo này đã từ ba năm trước. Giờ có lẽ hắn đã tốt nghiệp rồi. Cậu có thấy choáng váng không?”

“Tới giờ vẫn không.”

“Cậu đang đến đâu?”

“Leslie! Vẫn đang trên đường Duke. Tớ đi bộ chứ không đi máy bay.”

“Ừ, bọn mình sẽ nói chuyện cho tới trước cửa nhà cậu nhé, vào nhà là cậu phải nói với mẹ cậu ngay.”

Tôi nhìn đồng hồ. “Mẹ tớ chưa đi làm về.”

“Thế thì cậu chờ, nhưng phải nói với mẹ cậu đấy, nhớ chưa? Mẹ cậu sẽ biết cần phải làm gì để cậu không gặp bất trắc. Gwen? Cậu còn cầm máy đấy chứ? Cậu hiểu rõ chưa?”

“Hiểu rồi. Leslie?”

“Hả?”

“Tớ thật mừng vì có cậu. Cậu là người bạn tốt nhất trên đời.”

“Cậu cũng là đứa bạn không đến nỗi tệ,” Leslie bảo. “Ý tớ là sắp tới cậu có thể đem về cho tớ vài thứ hay ho từ quá khứ. Có bạn nào làm được thế? Và lần sau, nếu phải ôn kiểm tra môn Sử chết tiệt thì cậu sẽ điều nghiên ngay tại hiện trường.”

“Thiếu cậu thì có lẽ tớ không biết phải làm gì.” Tôi biết mình nghe có vẻ rất thảm. Nhưng trời ạ – tôi cũng thấy thảm thật.

“Thực ra người ta có cầm được đồ từ quá khứ về không?” Leslie hỏi.

“Tớ không biết. Thực sự là tớ không biết tí tị gì cả. Lần sau tớ sẽ thử xem. Giờ tớ đến quảng trường Grosvenor.”

“Thế là sắp tới nhà,” Leslie thốt lên nhẹ nhõm. “Ngoài vụ polo ra thì Google không tìm được gì về một ai tên Gideon de Villiers nữa. Bù lại thì có cả đống thông tin về ngân hàng tư nhân nhà Villiers và văn phòng luật sư nhà Villiers ở Temple.”

“Ừ, chính nhà ấy đấy.”

“Có thấy choáng váng không?”

“Không, nhưng cảm ơn cậu đã hỏi thăm.”

Leslie hắng giọng. “Tớ biết là cậu sợ, nhưng chuyện này thú vị đấy. Ý tớ là, đây là một cuộc phiêu lưu chính hiệu, Gwen! Và cậu là người trong cuộc.”

Đúng, tôi là người trong cuộc.

Khốn nạn thân tôi.

Leslie nói đúng, chẳng có lý do gì để nghĩ rằng mẹ không tin lời tôi. Lâu nay mẹ vẫn nghiêm túc lắng nghe những chuyện mà tôi kể. Hễ lúc nào có gì sợ hãi là tôi cũng có thể tới bên mẹ.

Hồi còn ở Durham, tôi bị một hồn ma ám mấy thàng trời. Kỳ thực đó là hình con quỷ tạc bằng đá, dùng làm ống thoát nước trên mái nhà thờ. Tên nó là Asrael, trông như một pha trộn giữa người, mèo và đại bàng. Khi phát hiện ra tôi có thể nhìn thấy nó, Asrael vui sướng vì cuối cùng cũng tìm được bạn nói chuyện, đến nỗi nó cứ chạy hoặc bay theo tôi sát gót, lải nhải ù cả tai và đêm đến lại còn đòi ngủ cùng giường với tôi. Sau khi vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu – giống như tất cả quỷ đá khác, mặt Asrael trông khá rùng rợn – bọn tôi dần trở thành bạn bè. Tiếc là Asrael không thể chuyển từ Durham tới London, và tôi vẫn nhớ nó lắm. Mấy con quỷ phun nước mà tôi từng thấy ở London đều không mấy thân thiện. Cho đến giờ tôi vẫn chưa được gặp ai có thể sánh nổi với Asrael.

Nếu mẹ tin chuyện Asrael, chắc mẹ sẽ tin cả chuyện vượt thời gian. Tôi chờ lúc thích hợp để nói với mẹ nhưng dường như dịp này không chịu đến. Vừa về đến nhà mẹ đã phải tranh luận với Caroline vì con bé đã đăng ký nhận trông bể cạn nuôi bò sát và lưỡng cư của lớp vào dịp nghỉ hè, bao gồm cả con thú cưng của lớp – một con tắc kè hoa có tên Mr.Bean. Mặc dù còn vài tháng nữa mới nghỉ hè nhưng cuộc tranh luận này rõ ràng không thể trì hoãn.

“Con không thể nhận trông Mr.Bean được, Caroline! Con biết rõ là bà ngoại cấm vật nuôi trong nhà,” mẹ bảo. “Còn bác Glenda thì bị dị ứng.”

“Nhưng Mr.Bean không có lông,” Caroline đáp. “Và nó sẽ chỉ ở suốt trong bể cạn. Nó không làm phiền ai đâu.”

“Nó làm phiền bà!”

“Thế thì bà thật ngốc!”

“Caroline! Không được! Ở nhà cũng không ai biết gì về tắc kè hoa. Con thử hình dung xem, lỡ chúng ta làm sai điều gì khiến Mr.Bean ốm và chết thì sao!”

“Không đâu. Con biết phải chăm sóc nó thế nào. Con xin mẹ! Hãy để con nhận trông nó! Nếu không, bạn Tess sẽ làm, bạn ấy lúc nào cũng khoe khoang rằng mình được Mr.Bean yêu nhất!”

“Caroline, không được!”

Mười lăm phút sau mẹ và Caroline vẫn còn tranh cãi. Cả khi mẹ đã vào phòng tắm và khóa cửa lại, Caroline đứng ra trước cửa kêu tướng lên: “Quý bà Arista không cần phải biết. Mình có thể lén đem cái chuồng về lúc bà không ở nhà. Mà bà cũng có bao giờ vào phòng con đâu.”

“Ít nhất mẹ có thể yên tĩnh đi vệ sinh không?” mẹ kêu lên.

“Không,” Caroline đáp. Con bé cực nhiễu. Nó chỉ thôi mè nheo khi mẹ hứa sẽ đích thân hỏi xin quý bà Arista cho Mr.Bean ở lại nhà chúng tôi trong dịp nghỉ hè.

Tôi tranh thủ khoảng thời gian tranh cãi của mẹ và Caroline để gỡ kẹo cao su trên đầu Nick.

Bọn tôi ngồi trong phòng may. Trên đầu Nick có dính tới hai lạng kẹo cao su, nhưng nó lại không thể nhớ nổi từ đâu ra.

“Dĩ nhiên em phải nhớ chứ!” tôi bảo. “Tiếc là chị sẽ phải cắt của em vài lọn tóc.”

“Không sao,” Nick nói. “Chị cắt hết luôn cũng được. Quý bà Arista bảo trông em như con gái.”

“Đối với quý bà Arista thì đứa nào tóc dài hơn que diêm đều là con gái hết. Tóc em xoăn rất đẹp, cắt ngắn đi thì phí.”

“Chúng sẽ mọc lại mà. Chị cứ cắt hết đi, nhé”

“Không cắt bằng kéo cắt móng tay được. Em phải ra hiệu cắt tóc.”

“Chị làm được mà,” giọng Nick đầy tin cậy. Rõ ràng nó đã hoàn toàn quên chuyện từng bị tôi gọt trụi tóc bằng kéo cắt móng tay, khiến hồi đó trông nó như con kền kền vừa nứt vỏ. Ngày ấy tôi bảy tuổi, nó lên bốn. Tôi cần tóc của nó để làm một mái tóc giả. Nhưng vụ ấy không thành, còn tôi bị phạt cấm ra khỏi nhà một ngày.

“Mẹ cấm đấy nhé,” mẹ bước vào phòng và cẩn thận tước luôn kéo khỏi tay tôi. “Nếu muốn thì ra hiệu để thợ cắt cho. Mai. Giờ chúng ta phải xuống dưới nhà ăn tối.”

Nick rên rỉ.

“Đừng lo, quý bà Arista hôm nay không có nhà!” Tôi mỉm cười. “Sẽ không ai phàn nàn về kẹo cao su hay vết bẩn trên áo phông của em đâu.”

“Vết bẩn nào?” Nick cúi xuống nhìn. “Ô, chết tiệt, đây hẳn là nước lựu. Em không hề để ý.” Thằng bé tội nghiệp, nó hoàn toàn trông cậy vào tôi.

“Chị nói rồi, không có ai để mắng mỏ cả.”

“Nhưng hôm nay đâu phải thứ Tư!” Nick bảo.

“Nhưng họ vẫn đi.”

“Quá tuyệt!”

Bữa tối nào mà có mặt quý bà Arista, Charlotte và bác Glenda thì thường khá mệt mỏi. Đặc biệt quý bà Arista hay chỉ trích cách ăn uống của Nick và Caroline (đôi khi còn phê phán cả bà Maddy), bác Glennda thì luôn miệng hỏi điểm của tôi để so sánh với Charlotte. Còn Charlotte, khi được hỏi gì, lại mỉm cười huyền bí như Mona Lisa và nói: “Chuyện này không liên quan đến mọi người.”

Tóm lại, chúng tôi hoàn toàn có thể bỏ qua những cuộc tụ họp buổi tối này, nhưng bà ngoại nhất định bắt mọi người tham gia.

Chỉ ai mắc bệnh truyền nhiễm thì mới được phép vắng mặt. Bữa tối do bà Brompton chuẩn bị. Bà đến nhà từ thứ Hai đến thứ Sáu để nấu nướng giặt giũ. (Cuối tuần thì bác Glenda hoặc mẹ sẽ nấu. Không bao giờ được gọi pizza hoặc các món Tàu, khiến tôi và Nick rất đau lòng).

Tối thứ Tư hàng tuần thì bữa ăn thoải mái hơn nhiều, khi quý bà Arista, bác Glenda và Charlotte chuyện trò về những chuyện thần bí của họ. Dù hôm nay mới là thứ Hai, song tất cả mọi người đều rất phấn khởi với bầu không khí như thứ Tư. Không phải để húp canh soàn soạt, ợ hay nhai nhồm nhoàm, mà để thoải mái chuyện trò, chống khuỷu tay lên bàn và nói về những chủ đề khiến quý bà Arista nhíu mày.

Về tắc kè hoa chẳng hạn.

“Bà có thích tắc kè hoa không, bà Maddy? Bà có muốn nuôi một con không? Một con rất thuần?”

“À, hừm, thực ra thì, có chứ, nghe cháu nói ta mới nhớ ra, ta thực tình luôn muốn có một con tắc kè hoa,” bà Maddy xúc khoai tây trộn hương thảo vào đĩa. “Có chứ.”

Caroline rạng rỡ. “Có lẽ mong ước của bà sẽ sớm thành hiện thực.”

“Có tin gì của quý bà Arista và Glenda không cô?” mẹ hỏi.

“Mẹ cháu gọi điện từ lúc chiều, báo sẽ không ăn tối ở nhà,” bà Maddy nói. “Và ta đã thay mặt cả gia đình bày tỏ sự tiếc nuối, hy vọng đúng ý mọi người.”

“Quá đúng,” Nick cười khúc khích.

“Còn Charlotte? Con bé đã…?” mẹ hỏi.

“Tới giờ thì hình như vẫn chưa.” Bà Maddy nhún vai. “Nhưng họ đang tính từng khoảnh khắc. Con bé tội nghiệp không ngừng choáng váng và giờ lại còn bị chứng tiền đình.”

“Tội nghiệp con bé quá,” mẹ đặt dĩa xuống, lơ đãng nhìn lớp gỗ đen ốp tường phòng ăn. Trông cứ như ai đó ốp nhầm ván sàn nhà lên tường.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chị Charlotte không vượt thời gian?” tôi hỏi.

“Sớm muộn gì thì chuyện đó cũng diễn ra!” Nick bắt chướng giọng trịnh trọng của bà ngoại.

Mọi người phì cười, trừ mẹ và tôi.

“Nhưng nếu điều đó không xảy ra? Nếu người ta đã nhầm và chị Charlotte không hề mang gien ấy?” tôi hỏi.

Lần này Nick nhại giọng bác Glenda: “Mới ra đời, người ta đã nhận thấy Charlotte là dòng dõi lá ngọc cành vàng. Không thể so sánh với lũ con nít bình thường được.”

Tất cả lại bật cười. Trừ mẹ. “Sao con lại nghĩ thế, Gwendolyn?”

“Chỉ là…” Tôi lưỡng lự.

“Ta đã giải thích với cháu là không thể có chuyện nhầm lẫn,” bà Maddy nói.

“Vâng, vì một thiên tài như Isaac Newton không thể nhầm, cháu biết,” tôi đáp. “Nhưng lý do gì mà Newton lại nghĩ đến chuyện tính ra ngày sinh của chị Charlotte?”

“Cô Maddy!” Mẹ nhìn bà Maddy trách móc.

Bà chặc lưỡi. “Con bé cứ nằng nặc muốn biết, ta biết làm sao? Nó cũng hệt như cháu hồi bé, Grace. Mà nó còn hứa sẽ tuyệt đối giữ bí mật về câu chuyện của chúng ta.”

“Chỉ bí mật với bà ngoại thôi,” tôi nói. “Có phải Isaac Newton cũng phát minh ra máy đo thời gian không bà?”

“Đồ hớt lẻo,” bà Maddy nói. “Ta sẽ không kể gì cho cháu nữa.”

“Máy đo thời gian nào cơ?” Nick hỏi.

“Đó là một dạng máy đồng hồ để đưa chị Charlotte trở về quá khứ,” tôi giải thích. “Còn máu nhiên liệu chạy máy, có thể nói, chính là máu của Charlotte.”

“Khiếp,” Nick nói. Còn Caroline rú lên: “Kinh quá, máu!”

“Người ta có thể dùng máy đồng hồ đi tới tương lai không?” Nick hỏi.

Mẹ thở dài sườn sượt: “Cô đã thấy hậu quả chưa, cô Maddy.”

“Giỏ nhà ai, quai nhà nấy,” bà Maddy mỉm cười. “Chúng nó tò mò cũng là chuyện thường.”

“Có lẽ vậy,” mẹ lần lượt nhìn từng đứa. “Nhưng chớ khi nào các con hỏi bà ngoại những câu như thế, nghe chưa?”

“Nhưng có lẽ bà là người duy nhất biết câu trả lời,” tôi nói.

“Thế mẹ biết được những gì?”

“Nhiều hơn được phép.” Mẹ mỉm cười trong khi trả lời, nhưng tôi cảm thấy đó là một nụ cười buồn. “Vả lại, người ta không đi tới tương lai được, Nick, bởi vì tương lai đã diễn ra đâu.”

“Hả?” Nick thốt lên. “Logic kiểu gì thế mẹ?”

Có tiếng gõ cửa, ông Bernhard bưng điện thoại bước vào. Leslie có lẽ sẽ phát rồ nếu trông thấy chiếc điện thoại trang trọng ngự trên một cái khay bạc. Đôi lúc ông Bernhard quả thực hơi thái quá.

“Cô Grace có điện thoại,” ông nói.

Mẹ cầm điện thoại từ khay và ông Bernhard lại rời khỏi phòng ăn. Ông chỉ cùng dùng bữa tối nếu quý bà Arista đích thân mời, nhưng cũng chỉ vài lần trong năm. Tôi và Nick nghi ông có thể bí mật gọi đồ ăn từ quán Ý hoặc quán Tàu và thư thái thưởng thức.

“Vâng? À, mẹ à.”

Bà Maddy nháy mắt với bọn tôi. “Bà ngoại của các cháu có thể đọc được ý nghĩ!” bà thì thào. “Bà linh cảm được chúng ta đang nói chuyện cấm. Cháu nào dọn bát đĩa hôm nay? Chúng ta cần lấy chỗ cho món bánh táo của bà Brompton.”

“Và kem vani!” Mặc dù đã xơi hết cả núi khoai tây trộn hương thảo với cả rốt xào nước hàng và thịt lợn rán, nhưng tôi vẫn chưa thấy no. Không khí căng thẳng còn khiến tôi đói thêm. Tôi đứng dậy bưng bát đĩa rếch vào thang máy chuyển đồ ăn.

“Nếu chị Charlotte đi đến chỗ bọn khủng long, chị ấy có thể đem một con be bé về cho cháu không?” Caroline hỏi.

Bà Maddy lắc đầu. “Người ta không được chở thú vật và người không có gien qua thời gian. Mà cũng không đi xa đến thế đâu.”

“Tiếc nhỉ,” Caroline đáp.

“Hừ, chị thấy thế lại hay,” tôi nói. “Hãy thử tưởng tượng xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người vượt thời gian thường xuyên đem khủng long và cọp răng kiếm về, hoặc tên vua Hung Nô Attila hay Adolf Hitler.”

Cuộc điện thoại của mẹ đã kết thúc. “Họ ở đấy qua đêm cho chắc,” mẹ nói.

“Ở đâu hả mẹ?” Nick hỏi.

Mẹ không trả lời. “Cô Maddy? Mọi chuyện ổn chứ?”

******************************

Mười hai cây cột chống lâu đài thời gian.

Mười hai loài vật trị vì vương quốc.

Đại bàng đã sẵn sàng cất cánh.

Số Năm là chìa khóa và cũng là nền tảng.

Trong vòng tròn thập nhị, số Mười Hai là số Hai.

Chim ưng thứ Bảy chui khỏi trứng nhưng lại là số Ba.

Trích Mật ký bá tước Saint Germain

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN