Thạch Kiếm - Chương 22: Trảm Nhạn kiếm
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
151


Thạch Kiếm


Chương 22: Trảm Nhạn kiếm


Con thuyền rẽ sóng lướt phăng
phăng, những đợt sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa. Xa xa, đảo Awaiji mờ
dần trong màn sương trắng đục. Gió thổi mạnh, cánh buồm lớn kêu phần
phật át cả tiếng sóng vỗ.

Vào một ngày trọng đông, vùng trung nam nước Nhật, chiếc thuyền đò chở
đầy giấy bổi và chàm từ đảo Shikoku thẳng đường về bến Osaka. Trên
thuyền, ngoài số hàng đăng ký, chắc còn hàng lậu, vì mùi thuốc lá tươi
hăng ngai ngái phảng phất khắp chỗ.

Thuốc lá bấy giờ là món quốc cấm, nhưng được nhiều người chuộng và bán lời lắm.

Một số khách thương đi theo hàng, nhân dịp cuối năm trở về tỉnh cười nói râm ran:

– Đại huynh khá không ? Dạo này làm ăn ra sao ?

– Cũng không tệ. Nghe nói ở vùng Sakai hốt bạc. Muốn thử thời vận, nhưng để còn nghe ngóng …

– Chỗ đó cần nhiều tay thợ, đâu phải cánh mình. Nếu huynh biết nghề rèn binh khí hay làm áo giáp thì phất đấy !

Một người khác góp chuyện:

– Phải rồi ! Đệ có người bà con chuyên nghề rèn giáo và làm mộc, trước làm ăn khá lắm …

– Thế hả ?

– Nhưng bây giờ cũng trung bình thôi. Tụi nó học đếm rồi !

– Thế là thế nào ?

– Mình chỉ bán hàng cho tụi kiếm sĩ, nhưng tụi nó càng ngày càng khó
tính và chi li. Trước kia, sau mỗi trận đánh, cứ đi mua lại những đồ sứt càng gẫy gọng của bọn lượm xác lột đồ về sửa chữa sơ sài, thế là đem
bán có tiền. Xong một chuyến, đợi đến trận sau, những món ấy lại quay về mình. Bây giờ tụi nó đòi thế này thế nọ, còn đếm đủ số mới mua và trả
giá cẩn thận lắm.

– Ấy cứ như mấy tay liều mạng lại hay ! Phải đi xa kiếm những món hàng lạ. Mạo hiểm một tí, nhưng có ăn.

– Tụi kiếm sĩ thế mà đáng thương ! Nhiều gã chẳng biết bữa cơm ngon là gì !

Nói xong hắn nhổ bãi nước bọt, lấy tay quệt ngang.

– Bọn quyền quý sống phè phỡn thật đấy, nhưng chóng chầy gì rồi cũng
phải đánh nhau, tranh đất, tranh ruộng, chết để quạ rỉa thây, sướng gì
phải không quý huynh ?

– Ừ, suy cho cùng, thời nay chỉ như chúng ta là phải. Phi thương bất phú. Có tiền, ta làm gì cũng được !

Có tiếng cười hề hề.

– Vậy mà cũng có lúc phải cúi đầu lạy chúng nó.

– Có sao ? Lạy đôi ba cái ăn nhằm gì ! Cứ ních vàng đầy túi là an ủi rồi ! Vả lại chúng dễ mua, phóng tiền ra việc gì chả xong.

Vài người mỉm cười gật gù. Bọn thương nhân này xem chừng buôn bán phát
đạt, quần áo mặc toàn hàng lụa đắt tiền, tấm thảm họ ngồi cũng làm bằng
lông cừu ngoại hóa.

Sau khi họ Hòa thua trận, tài sản của một số đầu mục bị thất tán, phần
lớn chuyển qua tay giới doanh thương hơn là vào tay phe kiếm sĩ thắng
trận. Lợi dụng nước đục thả câu, giới này phất dần. Bấy giờ, đến ngay
những kẻ buôn bán cò con nhưng khéo léo, cũng giàu có chẳng kém gì, có
khi còn hơn cả những tay kiếm sĩ bổng lộc hàng năm vài ngàn gia. lúa. Mà bấy giờ, vài ngàn gia. lúa mỗi năm đã là phong lưu lắm !

Chuyện gẫu mãi đã chán, rảnh rỗi chẳng biết làm gì, một người đề nghị:

– Buồn quá ! Hay đánh bài chăng ?

– Ừ, đánh thì đánh !

Thế là màn che được trương lên, rượu sa-kê mang đến, cỗ bàn bày ra. Họ
ngồi quây quần trên thảm, chơi bài Umsummo, một kiểu chơi bài của Bồ Đào Nha mới du nhập. Từng cọc tiền vàng xếp đầy chiếc bàn thấp, giá gom lại cũng đủ cứu cho dân năm sáu làng khỏi chết đói, nhưng họ coi như rác.

Trong đám hành khách trên thuyền có một số thuộc thành phần mà bọn khách thương liệt vào hạng không biết thưởng thức khoái lạc ở đời:

một nhà sư, vài tay kiếm khách giang hồ quần áo tả tơi, một nho sĩ mắt
lúc nào cũng dán vào quyển sách nát cầm trên tay cùng dăm tráng sĩ nhìn
cách ăn mặc biết ngay là những kiếm sĩ chuyên nghiệp.

Họ ngồi rải rác trên thuyền, cạnh những cuộn thừng lớn hoặc dựa lưng vào các bồ giấy có phủ vải sơn, dáng trầm mặc.

Gần chiếu bạc, một thanh niên còn rất trẻ, lơ đãng bắt rận cho một chú
khỉ nhỏ bế trên tay. Chú khỉ thật đẹp, lông vàng óng, luôn luôn cựa quậy kêu chíu chít. Thanh niên thỉnh thoảng vỗ nhẹ lên đầu cho nó ngồi yên
hoặc mắng khẽ:

– Yên nào ! Để ta bắt rận cho !

Con khỉ dường như chưa thuần, không nghe lời chủ, nhảy tới nhảy lui,
thoắt trên vai thoắt trên đầu, lăng quăng múa may, nhe răng ra như trêu
chọc.

– Tráng sĩ mua chú khỉ này ở đâu thế ?

– Tại hạ không mua, tại hạ bắt nó trong rừng Awa lúc nó còn nhỏ.

– Thế ư ? Trông ngộ quá nhỉ !

– Tại hạ suýt mất mạng vì nó đấy ! Khi bắt nó, cả đàn xúm vào tấn công,
nếu không nhanh tay nhanh mắt trốn vào hốc đá thì ngã xuống vực chết rồi còn gì !

Mọi người chú ý đến chàng thanh niên không phải chỉ vì con khỉ mà còn vì dáng dấp và cách phục sức của chàng ta khác thường lắm. Thanh niên mặc
kimono màu xanh tươi, thêu chỉ kim tuyến vàng lóng lánh, bên ngoài khác
một chiếc áo choàng đỏ như hoa lựu. Mặc dầu bấy giờ có phong trào ăn mặc sặc sỡ, nhưng cách phục sức như thế thật lòe loẹt quá đáng. Hơn nữa,
đầu chàng cũng không cạo phía trước như phần đông các thanh niên đã
trưởng thành mà buộc tóc thành cái chỏm tựa đuôi gà bằng một dải lụa
cũng màu đỏ. Cách ăn mặc không khác gì trẻ thơ, tuy thế nhìn nét mặt thì trang nghiêm, cương nghị rõ ràng là của một thanh niên trạc ,. Làn da
tươi sáng, mắt đen mà sắc, môi đỏ tựa thoa son, thân thể vạm vỡ tràn đầy sinh lực có một cái gì toát ra làm mọi người kiêng nể nhưng vẫn không
giấu được vẻ ngây thơ của một thiếu niên mới bước vào đời.

Cũng không ai đoán được chàng ta thuộc về giai cấp nào trong xã hội.
Quần áo tuy sặc sỡ nhưng không phải là hàng đắt tiền, gã cũng mang dép
cỏ như mọi người. Phong thái có uy nghi đĩnh đạt nhưng đối với hành
khách trên thuyền, kể cả với những chân sào rách rưới, gã tỏ ra khiêm
cung không có gì hách dịch. Người ta chỉ có thể tạm liệt gã thanh niên
vào loại kiếm sĩ giang hồ nhưng thuộc hạng cao, có tư cách nhờ thanh
kiếm dài quá khổ gã đeo sau lưng. Thanh kiếm đã cũ, đốc và chuôi lên
nước bóng loáng như đồng đen. Kiếm tuy dài nhưng phần chuôi và phần lưỡi cân đối, trông không kỳ dị. Bao kiếm chạm trổ tinh vi. Người sành kiếm
thoạt trông phải nhận ngay là một báu vật.

Hồ Định đứng gần chàng thanh niên không khỏi tấm tắc khen thầm. Thanh
kiếm đẹp dường ấy dễ gì mua được ở Osaka này; ngay cả ở Kyoto, nơi sản
xuất kiếm nổi danh cũng khó ! Hắn tò mò muốn biết chủ nhân nó là ai,
thuộc hạng người nào.

Sau nhiều ngày du thuyết khắp vùng Osaka và Kyoto, Hồ Định thấy mệt mỏi. Tình hình tài chánh võ đường Hoa Sơn mỗi ngày một sa sút mà Hoa Sơn Sĩ
Khánh chẳng lưu tâm gì đến. Trình sổ sách lên, Sĩ Khánh chỉ nói cho có
lệ:

“Thế à ? Ta không ngờ tồi tệ quá !”. Vậy thôi, rồi bỏ đi chơi. Phòng trà tiệm rượu, không nơi nào là không có mặt. Số môn sinh đóng niên liễm
không tăng mà nợ cứ chồng chất, viên chấp quản đề nghị cắt mười mẫu đất
bán để trả nợ. Cứ như thế này, nếu không có biện pháp gì sửa đổi, tất
phá sản mất.

Sau nhiều lần thảo luận, hàng huynh trưởng đồng lòng áp dụng một kế
hoạch vừa kiếm được thêm tiền vừa mở rộng môn phái. Họ dự định phát
quang khu vườn rộng lớn phía sau trại, xây thêm một võ sảnh nữa và cổ
động rầm rộ để tuyển võ sinh mới. Nhưng muốn thi hành kế hoạch, phải có
tiền. Hồ Định được cử mang thư của chưởng môn Sĩ Khánh đến các môn đệ cũ đã thành danh yêu cầu giúp đỡ.

Không biết số trời bắt Hoa Sơn chịu cảnh mạt kiếp hay sao mà kết quả không ra gì!

Đi đến đâu cũng vậy, Hồ Định toàn gặp những phản ứng tiêu cực. Mặc dầu
đã trổ hết tài hùng biện, hắn chỉ nhận được những lời hứa suông:

“Để đệ xét xem” hoặc “tại hạ sẽ phúc đáp sau”, v.v … làm hắn chán nản. Thành ra số tiền quyên được không đáng là bao, chỉ đủ chi phí cho cuộc
hành trình mà thôi.

Hồ Định là kẻ có lòng, nhưng trong cái không khí ăn chơi phóng đãng của
phái Hoa Sơn thời bấy giờ, kể từ chưởng môn Sĩ Khánh trở xuống, một mình hắn không thể làm gì được. Hắn nghĩ đến Ôkô, tự hỏi không biết bức thư
hắn nhờ chuyển cho nàng tuần trước đây đã đến tay nàng chưa. Nếu đến rồi tất Ôkô phải ra bến chờ hắn. Khuôn mặt Ôkô hiện ra trong trí. Nàng đã
đứng tuổi nhưng trang điểm vào vẫn còn xinh đẹp lắm. Nhất là những kinh
nghiệm chốn phòng the của nàng, hắn nghĩ mà xốn xang trong bụng.

Hồ Định đến gần gã thanh niên, cười cầu thân:

– Chào thiếu hiệp ! Thiếu hiệp đi Osaka ?

– Dạ phải. Kính chào đại hiệp.

– Chắc thiếu hiệp về thăm nhà ?

– Không. Gia đình tại hạ không ở đó.

– Vậy chắc ở Awa ?

– Không.

Lời đáp chắc nịch, xem chừng thanh niên không muốn bắt chuyện. Hồ Định quay đi nhìn trời. Vài con hải âu bay xa xa:

những chấm trắng trên nền mây xám vần vũ. Hắn thử gợi chuyện lần nữa:

– Thiếu hiệp có thanh kiếm đẹp quá ! Hẳn là báu vật ?

Thấy có người khen kiếm, thanh niên mau miệng hẳn lên:

– Cảm ơn đại hiệp. Kiếm này là vật gia bảo, tiên tổ phụ tại hạ vẫn dùng
xung kích khi ra trận. Phải cái nó hơi dài nên tại hạ đến Osaka định tìm thợ khéo nhờ sửa lại đeo bên sườn cho tiện.

– Quả có hơi dài thật.

– Hơn ba thước cơ đấy. Nhưng tại hạ thiển nghĩ, đã gọi là kiếm sĩ thì không thể không biết dùng kiếm này !

– Dĩ nhiên rồi, kiếm dài hơn cũng dùng được. Tuy nhiên muốn sử dụng cho
xảo diệu tất phải là tay tinh thục. Ngày nay có những kẻ đeo kiếm dài
nghênh ngang, khinh thế ngạo vật, tài chẳng bằng ai, gặp chuyện gì nguy
hiểm thường co cẳng chạy trước. Hà hà … Thế thiếu hiệp thuộc môn phái
nào ?

Nói đến kiếm thuật, Hồ Định không giấu vẻ tự mãn. Hắn nhìn thanh niên ra dáng miệt thị, tuy không nói ra nhưng ý khinh rẻ lộ rõ trên khóe mắt.

– Tại hạ theo Vạn Mai kiếm.

– Vạn Mai kiếm dùng kiếm ngắn, đâu có dài như thế này !

Hồ Định hách dịch làm ra vẻ hiểu biết.

– Đúng ! Tại hạ theo kiếm chiêu Vạn Mai nhưng không dùng kiếm ngắn như
đệ tử phái ấy. Thấy kiếm dài lợi thế hơn, tại hạ tập luyện bằng kiếm
dài, bị sư phụ bắt được và trục xuất.

– Chà, thanh niên ưa phản kháng lắm nhỉ ! Rồi sao nữa ?

– Nghe nói vùng Echizen có Nhiễm Chúc là bậc dị nhân phát huy nhiều
đường kiếm tinh diệu, bèn đến xin nhập môn. Sau bốn năm khổ luyện, tại
hạ được sư phụ cho nhập võ lâm, vừa hành hiệp vừa thu thập kinh nghiệm.

– Hừ ! Cổ Tư Nhiễm Chúc ? Ông ta là người có chút danh vọng, sao cấp chứng chỉ bừa bãi thế ?

Nghe giọng khinh mạn của Hồ Định, thanh niên tức lộn ruột nhưng vẫn giữ bình tĩnh:

– Bình sinh, sư phụ tại hạ chỉ mới cấp chứng chỉ cho đệ nhất môn sinh là Y Tô Gia Nghĩa mà thôi. Tại hạ là người thứ hai được chấp nhận, thực ra chưa có chứng thư vì khi mới được phép thì có tin huyên đình lâm bệnh
phải về săn sóc.

– Ở đâu vậy ?

– Ở Iwakumi, tỉnh Suo.

Nói đến đó, thanh niên ngừng lại, mắt lơ đãng nhìn ra xa, tay vuốt nhè
nhẹ trên lưng con khỉ. Hồ Định đợi một lát, không thấy kể tiếp, bèn khẽ
nhắc:

– Thiếu hiệp đang kể đến lúc về phụng dưỡng từ mẫu …

Thanh niên như chợt tỉnh:

– Ờ … Ờ … phải. Lưu lại quê nhà ít lâu, tại hạ thường giải khuây
bằng cách ra bờ sông múa kiếm chơi và chém én bay thấp khi trời sắp dông bão hay tập chẻ đôi những nhành liễu nhỏ rũ ven bờ. Dần dần luyện thêm
được nhiều chiêu kiếm đặc biệt riêng của tại hạ, rất tinh xác. Trước khi quy tiên, gia mẫu có lấy ra thanh kiếm này trao cho, dặn phải giữ gìn
cẩn thận, vì nó do chính tay nhà luyện kiếm danh tiếng Tư Dưỡng Trai đặc chế.

Thanh niên tháo kiếm, đưa cho Hồ Định xem. Hắn cầm ngắm nghía, quan sát
rất kỹ những nét chạm trổ trên bao rồi rút ra khỏi vỏ. Kiếm quang sáng
lòa, ánh thép xanh biếc làm hắn tấm tắc:

– Tốt thật ! Tốt thật ! Nhưng sao không thấy khắc tên kẻ luyện kiếm ?

– Không khắc tên nhưng đích thực là kiếm Tư Dưỡng Trai đấy ! Ở vùng tại
hạ, không ai còn hồ nghi gì. Nó còn có hỗn danh là “cây sào phơi”.

Chàng thanh niên lúc trước ít lời, bây giờ thao thao bất tuyệt, lan man
kể cả những chuyện đáng lẽ không nên nói với người lạ buổi sơ kiến.

– Khi ở quê nhà, được tin sư phụ đau nặng rồi mất, tại hạ buồn rầu khôn
tả. Cháu của người, tên Tử Kỳ, được giao phó trách nhiệm chuyển chứng
thư và một số tiền cùng kiếm phổ đến tay tại hạ nhưng cho đến nay vẫn
không thấy tin tức gì. Anh ta, ngoài kiếm thuật ra, còn nghiên cứu về
kiến trúc. Không biết bây giờ lang bạt đâu, tại hạ đang để tâm tìm kiếm.

– Vậy ư ? Sao khi được tin lệnh sư mất, thiếu hiệp không tới chịu tang ?

– Sư phụ tại hạ ẩn cư tại một vùng hẻo lánh và xa xôi lắm. Vả bấy giờ
cũng trùng vào dịp gia mẫu quy tiên nên không bỏ đi được. Thật ân hận.
Thế còn đại hiệp, chắc ở Osaka ?

– Không, ta ở Kyoto.

Hai người đứng lặng hồi lâu, nhìn sóng biển rập rình đánh vào mạn
thuyền, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Hồ Định là người đầu tiên
phá tan sự yên lặng đó:

– Vậy ra thiếu hiệp có ý góp mặt với võ lâm, dùng kiếm đạo lập công danh đấy ?

Câu hỏi nghe như vô hại, nhưng trong giọng nói hàm ý khinh bỉ chế giễu.
Mặc cảm gì đã làm Hồ Định có thái độ ấy, không ai biết. Phải chăng vì đã hai mươi năm phục vụ Hoa Sơn phái, hắn vẫn chưa lập được thành tích gì
đáng chú ý ? Hay vì thấy thanh niên kia còn trẻ mà đã huênh hoang, nào
kiếm chiêu nào kiếm phổ, hắn bực mình mỉa vài câu cho bỏ ghét ?

Thanh niên không đáp, chỉ đăm đăm nhìn màu nước biển xanh đen. Đột nhiên ngẩng lên nhìn Hồ Định:

– Đại hiệp ở Kyoto, vậy có biết Hoa Sơn kiếm phái không ? Nghe nói Sĩ
Khánh, con trưởng Hoa Sơn Khổ Bích làm chưởng môn. Phái ấy còn hoạt động gì không ?

Hồ Định nhếch mép cười. Hắn muốn đùa thanh niên này chơi.

– Biết chứ ! Hoa Sơn kiếm phái đang thời hồi thịnh. Thiếu hiệp đã đến thăm bao giờ chưa ?

– Chưa, nhưng tại hạ mong có dịp tới Kyoto gặp Sĩ Khánh lãnh hội mấy chiêu kiếm xem sao !

Hồ Định giả vờ ho, đưa tay lên che miệng giấu nụ cười. Hắn thương hại gã thanh niên chẳng có kinh nghiệm giang hồ gì. Nếu biết hắn là ai và địa
vị của hắn tại võ đường Hoa Sơn, chắc gã thanh niên sẽ hối hận vì nói
câu ấy. Hồ Định vẫn nửa nạc nửa mỡ:

– Thiếu hiệp có chắc sau khi gặp Sĩ Khánh không bị sứt mẻ gì không ?

– Sao không chắc ?

Lần này Hồ Định không nhịn được nữa. Hắn phá lên cười ha hả.

Thanh niên không để ý, tiếp:

– Hoa Sơn là môn phái lớn và hình như Hoa Sơn Khổ Bích đã một thời danh
chấn giang hồ. Nhưng hai người con ngày nay không ra gì cả. Phải thế
không ?

– Chưa gặp thì làm sao biết được ?

– Ấy, tại hạ thấy kiếm sĩ khắp nơi đồn đại như vậy. Cũng không tin lắm, nhưng đa số cứ bảo là Hoa Sơn hết thời rồi.

Hồ Định muốn nói toạc ra cho thanh niên kia biết mình là ai nhưng nghĩ lại thôi.

Nói ra mất mặt. Hắn cố dằn cơn giận:

– Bây giờ chỗ nào cũng thấy những kẻ ra vẻ ta đây thạo tin nên không thể trách thiên hạ đã đánh giá quá thấp phái Hoa Sơn. Phái này đâu đến nỗi
thế ! Nhưng thôi, ta nói chuyện khác thì hơn. Lúc nãy thiếu hiệp bảo vẫn dùng kiếm chém én đang bay để giải khuây, phải thế không ?

– Tại hạ quả có nói vì sự thật như thế.

– Bằng thanh kiếm dài này ư ?

– Đúng vậy !

– Nếu thế chắc thiếu hiệp cũng có thể dùng kiếm này hạ vài con hải âu đang bay để anh em coi chơi chứ ?

Thanh niên không đáp. Chàng vừa nhận ra ý mỉa mai của kẻ cùng thuyền nên đăm đăm nhìn thẳng không chớp vào mắt Hồ Định:

– Được, nhưng chém làm gì, vô ích !

Hồ Định phưỡn ngực, dằn giọng:

– Thiếu hiệp chưa biết phái Hoa Sơn mà đã giở giọng chê bai …

– Ồ, thì ra tại hạ đã làm đại hiệp giận.

– Ta đâu có giận gì. Nhưng là dân Kyoto, không ai muốn nghe những lời nói xấu Hoa Sơn phái.

– Tại hạ chỉ nhắc lại lời thiên hạ đồn đại đấy thôi. Tại hạ không có, hoặc chưa có ý kiến gì về phái này.

Hồ Định lên giọng kẻ cả:

– Này thiếu hiệp !

– …

– Ngươi hiểu câu “bất tri tự lượng” là thế nào không ? Tuổi trẻ hay khoe khoang, ta thông cảm mà tha thứ, nhưng cái gì cũng phải có giới hạn. Vì lợi ích cho ngươi, ta khuyên hậu sinh các ngươi đừng khoác lác thái
quá. Ngươi tưởng ai cũng thộn cả hay sao? Cái gì mà chẻ liễu với chém
nhạn, làm như không ai biết sử kiếm, chỉ một mình ngươi biết !

– Kìa, sao đại hiệp vội nóng quá thế ? Đại hiệp cho những lời tại hạ là khoác lác cả chăng ?

– Hẳn đi rồi chứ còn gì nữa ! Nghe chuyện ngươi, ta đã nhịn không muốn
xưng danh. Bất quá ngươi chỉ là một thiếu niên miệng còn hôi sữa, chẳng
chấp làm gì, nhưng thấy ngươi huênh hoang quá sức, mạt sát cả phái Hoa
Sơn chúng ta nên phải cảnh cáo.

Ngươi biết ta là ai không ? – Hắn vừa nói vừa chỉ tay vào mũi – Hồ Định, đệ nhất cao thủ kiếm phái Hoa Sơn Kyoto đây ! Còn nói bậy, ta mổ ruột !

Cơn giận dồn ép từ nãy, bây giờ bùng ra ! Hồ Định mặt đỏ như gấc, nói
một hơi không nghỉ, sùi cả bọt mép. Khách trên thuyền nghe to tiếng,
dừng tay chơi bài, quay đầu nghểnh cổ về phía hai người chỉ trỏ.

Hồ Định bỏ đi, bước những bước dài ra đằng cuối thuyền, khoanh tay ngẩng mặt giương giương tự đắc. Thanh niên nín lặng một lúc rồi nghĩ sao,
thong thả bước theo.

– Đại hiệp ?

– Gì ?

– Vừa rồi, trước mặt bá chúng, đại hiệp bảo tại hạ là khoác lác. Vì danh dự, buộc lòng tại hạ phải chấp nhận điều đại hiệp thách làm, mặc dầu
thấy vô ích. Tại hạ muốn đại hiệp chứng kiến.

– Ta thách điều gì ?

– Đại hiệp quên rồi ư ? Nghe tại hạ nói vẫn dùng kiếm này chém nhạn
chơi, đại hiệp có ý chế giễu và thách tại hạ chém một con hải âu đang
bay.

– Ờ phải, vậy ngươi làm được không ?

– Nếu làm được, đại hiệp chịu thua chứ ?

– Ờ … Ờ … đương nhiên !

– Vậy tại hạ sẽ làm.

– Tốt lắm ! Hồ Định cười gằn ác độc. Nhưng nếu thất bại, ta mổ ruột ngươi !

Thanh niên không đáp, gật đầu. Rồi vụt một cái, gã nhảy phắt lên mặt
chiếc thùng gỗ gần chỗ Hồ Định đứng, tay để vào đốc kiếm, hét lớn:

– Gọi hải âu xuống, ta hạ cho xem !

Hồ Định thấy mình như bị lừa, đưa cổ vào tròng làm trò cười cho thiên
hạ. Hắn nhớ đến mẩu chuyện xưa của Vô Ngại thiền sư nội dung cũng tương
tự, nên ấp úng:

– Vô lý ! Ngươi chém hải âu được thì cũng gọi hải âu được chứ ?

– Biển mênh mông hàng ngàn dặm, mà kiếm ta chỉ dài hơn ba thước, nếu hải âu không có, làm sao ta giết ?

Hồ Định bước tới một bước:

– Này cậu nhỏ kia, ta bảo thật:

Đừng hòng giở thói láu cá để tìm cớ thoát thân.

Nếu không giết được thì nói thẳng đi, quỳ xuống xin lỗi, ta tha cho không chấp.

Thanh niên cười ha hả:

– Sao không giết được ? Không có hải âu ta dùng vật khác. Trông đây !

Một tiếng soạt. Ánh kiếm lóe lên. Hồ Định cảm thấy lạnh ở đỉnh đầu vội
trầm mình xuống. Lưỡi kiếm như một lằn chớp hình vòng cung phóng ra rồi
lẫn ngay vào màu áo đỏ. Trong nháy mắt, thanh niên đã tra kiếm vào vỏ,
chiếc áo bào tía chưa hết rung động. Kiếm dài ba thước mà thanh niên sử
dụng nhanh không khác gì một lưỡi trủy thủ.

Hồ Định kinh hãi tột đỉnh. Hắn đưa tay lên sờ đầu, không thấy đau đớn.
Nhưng quái lạ, một cảm giác kỳ dị khiến hắn đoán có sự khác thường xảy
ra.

Đột nhiên Hồ Định để ý đến một vật nhỏ màu đen to bằng ngón tay cái nằm
run rẩy bên đống dây chão, gió thổi như sắp hất xuống biển. Một đầu vật
đó buộc sợi dây lụa đỏ. Hắn sờ tay lên đầu lần nữa, tóc bung ra:

chỏm tóc hắn đã bị lưỡi kiếm của gã thanh niên kia chém đứt ! Trời ơi !
Chỏm tóc yêu quý của hắn ! Chỏm tóc mà không một kiếm sĩ nào biết tự
trọng không gìn giữ cẩn thận như gìn giữ chính sinh mạng mình. Hồ Định
thét lên một tiếng đau đớn, tay để vào đốc kiếm.

Thình lình một cơn gió thổi mạnh làm rung chuyển cả thuyền. Tiếng chân
người rầm rập, những tiếng kêu “Bắt nó ! Bắt nó !” cùng tiếng sóng vỗ
rào rào, tiếng gió hú qua cách bành giấy bổi xếp hàng trên sàn, tiếng
kẽo kẹt của dây chão căng như sắp đứt tung dưới sức mạnh của gió biển
làm không khí trong thuyền sôi động hẳn lên.

Hồ Định tay để vào đốc kiếm, sắp rút gươm thì một ý tưởng vụt hiện. Sau
cuộc hành trình vừa qua, hắn đã thấm mệt, nội lực hẳn nhiên sút kém. Lại gã thanh niên kia, tuy thân thế và tài năng chưa lộ hẳn nhưng đường
kiếm trảm nhạn gã vừa thi triển đã chứng tỏ gã quả là tay địch thủ đáng
ngại. Bậy hơn nữa, Hồ Định đã dại dột tiết lộ danh tính, cả thuyền đều
nghe, chẳng may trong lúc giao tranh, nếu thất thế thì còn gì là thể
diện phái Hoa Sơn nữa !

Hồ Định rất thực tế và biết tự lượng. Hắn ý thức rõ so kiếm với gã kia
trong lúc này, bất cứ vì lý do gì, cũng là vọng động. Nắm ngay lấy cơ
hội cả thuyền nhốn nháo, hắn to miệng mắng gã thanh niên hòng giữ thể
diện:

– Giỏi lắm ! Lên bờ ta sẽ cho ngươi một bài học. Bây giờ xem chuyện gì đã !

Nói xong quay vội đi, nhưng không ra mũi thuyền mà bước xuống khoang dưới, kéo vạt áo lên đầu che chỏm tóc mới bị hớt.

Ngoài mũi thuyền, tiếng la hét, tiếng chân người chạy rầm rập vẫn không giảm.

Con thuyền chòng chành vì sóng lớn, bây giờ theo dòng người hỗn độn chạy dọc ngang càng chòng chành hơn. Có tiếng gọi chủ thuyền. Một người béo
lùn chạy ra, thấy bọn khách thương đang la hét đuổi theo một con khỉ.
Hỏi duyên cớ mới biết con khỉ đã nhân lúc mọi người vô ý, nhảy vào chiếu bạc ôm trọn cỗ bài chạy. Bây giờ nó đang ngồi trên cuộn dây chão kêu
khẹc khẹc nhe răng ra hăm dọa bọn người đuổi bắt. Nó chuyền cỗ bài trên
tay, bắt chước cử chỉ của những con bạc. Dáng điệu nó vụng về thật tức
cười càng chọc giận thêm những người đuổi.

Đột nhiên con vật bỏ cuộn dây, tót lại phía cột buồm, thoăt thoắt trèo
lên rồi ngất ngưởng đánh đu trên đó. Cột buồm cao có đến bốn năm trượng, gió thổi lồng lộng. Con khỉ con như không, lại còn ra vẻ thích thú,
nhảy qua nhảy lại nhạo báng những kẻ đứng dưới.

– Á à ! Kìa, nó xé bài rồi ! Nó xé bài rồi !

– Chủ nó đâu ? Gọi nó xuống đi chứ !

Mọi người nhìn gã thanh niên, chờ đợi. Nhưng gã lờ đi như không nghe
thấy. Chủ thuyền xem chừng cũng biết chủ nhân con khỉ là ai, nhưng không rõ vì ngại dáng dấp cao lớn của gã hay vì thanh trường kiếm gã đeo trên vai mà không nói gì, chỉ hỏi bâng quơ:

– Ai là chủ con khỉ đó ?

Không có tiếng trả lời. Thanh niên vẫn điềm nhiên đứng dựa bục gỗ, lơ đãng nhìn bọt nước.

– Vùng rừng núi Awaji nhiều loại khỉ lông vàng như con này lắm. Nếu
không ai nhận là chủ, tất nó là dã hầu lạc đàn, ta sẽ có cách đối phó.

Bèn chạy vào khoang, một lát mang ra cây hỏa mai đã nạp đạn sẵn. Hắn vừa liếc nhìn thanh niên vừa khum tay mồi lửa, miệng phân bua:

– Đã nói rồi đấy nhé ! Các vị Ở đây làm chứng cho, thú vô chủ là dã thú, bắn chết đừng có trách !

Mọi người bớt ồn ào. Có người tỏ thái độ bất bình. Một số hồi hộp như sắp được xem màn kịch đến hồi gay cấn.

Chủ thuyền nâng súng đặt lên vai. Một tiếng “bùm !”, mùi thuốc súng bay
tỏa khét lẹt. Nhưng viên đạn không trúng con vật. Gã thanh niên bào tía
đã nhảy đến bên chủ thuyền từ lúc nào, đưa tay gạt chếch mũi súng:

– Thuyền chủ làm gì vậy ? Ngươi định bắn con khỉ bằng thứ đồ chơi này đấy hả ?

– Sao không ?

– Con khỉ có tội gì ?

– Nó lẫy cỗ bài của người ta.

– Lấy cỗ bài mà đáng tội chết ư ? Ngươi tàn nhẫn quá !

– Tàn nhẫn hay không, không cần biết. Ta đã cảnh cáo rồi. Tráng sĩ có phải là chủ con vật đó không ?

– Chính thị.

– Vậy phải đền cỗ bài.

Thanh niên cười ha hả:

– Này thuyền chủ ơi, đừng có hàm hồ ! Ta không xúi con khỉ lấy cắp cỗ
bài. Nó là con vật, không biết phân biệt phải trái, nhìn người chơi thì
cũng bắt chước, sự thiệt hại đáng là bao mà định giết nó ? Huống chi
ngươi không phải là chủ cỗ bài, bắt ta đền sao được ? Mấy người kia chơi bài hay con khỉ chơi bài thì cũng thế ! Nào, ai là chủ cỗ bài, muốn ta
bồi thường, nói lên !

Không nghe tiếng đáp. Toán khách thương trước đây miệt thị phái kiếm sĩ, bây giờ đứng im thin thít giữa tiếng cười gằn của gã thanh niên ngạo
ngược. Chỉ duy viên nho sĩ khẽ nhếch mép mỉm cười rồi lại tiếp tục cúi
đầu xuống trang sách bỏ dở, trong khi các chân sào rộn rịp sửa soạn để
thuyền cập bến.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN