Thụy Du Thiên Miên
Chương 11: Thuyết thư lâu
Bửu gia chưa bao giờ đón nhiều khách đến như vậy.
Phó Kiện Đàm om sòm suốt ngày uống rượu tìm vui, lại đi cùng với hai người tính cách đối lập; một người là Mộc Hải tiên sinh thâm trầm ít nói nhưng cũng biết giữ phép đối đáp cho người ta mặt mũi, người còn lại là Mặc Cảnh, nam tử mặt lạnh kiệm lời hơn cả Mộc Hải tiên sinh. Mặc Cảnh không muốn tiếp xúc với người khác, chỉ trừ hôm đầu tiên đến còn lưu lại vài lời chào hỏi xã giao với Bửu đại lão gia, còn không thì xa cách khó gần.
Thuỵ Miên không thấy điều này có gì lạ. Phải là người kín kẽ cậy răng không được nửa lời mới có thể đi cùng với Phó Kiện Đàm thích bát quái bao năm như vậy được, thật đúng là quy luật bù trừ.
Còn hai huynh đệ Cát Uy và Đắc Di thì trừ mấy hôm đầu còn lưu tại Bửu phủ, mấy ngày nay mất hút không thấy bóng dáng. Bửu Toại chỉ biết họ ra ngoài du ngoạn, còn du ngoạn ở đâu cũng không ai rõ.
Hứng khởi nhất trong phủ phải kể đến đám nữ tì a hoàn. Lúc nào cũng tụm năm tụm ba bàn tán nam sắc. Thuý Như trong sáng ngây thơ thì đem tất cả kể lại với Thuỵ Miên:
“Miên tỷ biết không? Ta nghe bọn A Đào nói chuyện, tranh cãi xem trong bốn nam nhân đang ở phủ, ai là công tử đẹp nhất đó. A Nở thì bảo rằng Bửu Toại công tử vẫn là anh tuấn phi phàm, A Mơ thì ủng hộ vẻ sĩ khí cương trực của Cát Uy công tử, trong khi A Mận tín ngưỡng vẻ thâm trầm ít nói của Mặc Cảnh tiên sinh. A Đào thì cho là bọn họ sai hết rồi. Nàng ta mê đắm Đắc Di công tử. Ta nghe A Nở bảo mấy hôm trước Đắc Di công tử gặp A Đào ở đình viện, không biết hai người nói gì làm nàng ta sung sướng cả đêm không ngủ, sáng hôm sau dậy còn dặm mặt họa phấn, trông rất kinh người.
Chẳng mấy chốc đám người này cắn xé tranh đấu đến người được ta mất cho mà xem. Mấy vị khách này, không mau đi nhanh cho phủ chúng ta yên ổn. Mễ Lang còn kêu với ta là đám nô tài đang vô cùng bực dọc vì từ khi các công tử ngự phủ, chẳng có nô tì nào thèm để ý đến họ nữa.
Chuyện kinh khủng hơn nữa là hôm nay khi ta vào bếp lấy bánh rán cho tỷ, thấy Bát nương đang mắt mơ màng, tay bâng quơ nặn bột làm bánh, mân mê cục bột thế nào mà lại nặn ra tên của Mộc Hải tiên sinh đấy. Thấy ta vào lấy bánh Bát nương liền giật mình giấu miếng bột có tên tiên sinh sau áo, còn đút lót ta một bát canh gà hầm nấm, bảo ta đừng nói cho ai hết. Ta mang canh đến cho tỷ ăn nè, tỷ thử xem có ngon không?”
Thuỵ Miên vừa được nghe truyện, lại nhất là vừa được lộc ăn ngon, nên vô cùng hài lòng với cái tính bà tám của Thuý Như, thầm nghĩ nếu tiểu nữ nhân này ở thời hiện đại, vô cùng có năng khiếu làm điệp viên hoặc nghiên cứu sinh lịch sử.
Buổi chiều nhàm chán, Thuỵ Miên đang tính dắt Thuý Như và Bửu Khang ra thành dạo chơi thì Bửu Toại tìm đến, rủ nàng đi coi hát: “Thuỵ Miên, lần trước ta thấy muội rất thích nghe Hồng cô nương ca hát, hôm nay ta dẫn muội đến Thuyết Thư Lâu nghe kể chuyện, muội có muốn đi không?”
“Sao không đi Liễu Ngọc Bích tìm Hồng cô nương? Lần trước ta đã hẹn khi nào rỗi sẽ tìm đến đó.” Thuỵ Miên đề nghị.
Lập tức Bửu Toại nhẹ cười lắc đầu: “Liễu Ngọc Bích là nơi nào chứ, muội đây thân phận không hợp. Nếu muội thích, ta mời Hồng cô nương đến đây là được. Còn hôm nay ở Thuyết Thư Lâu có Thuyết thư tiên sinh, vừa từ Kỳ quốc trở về, nghe nói tiên sinh đã thu thập được vô số truyện mới, đều là truyện trong giang hồ, đảm bảo muội sẽ hứng thú.”
“Được, huynh nói sao thì nghe vậy đi. Nhưng ta cho huynh biết, ta vẫn sẽ đi tìm Hồng cô nương đó. Ta biết Liễu Ngọc Bích là nơi nào, nghề gì thì cũng là nghề. Chẳng phải ai cũng có phụ mẫu lo cho đầy đủ. Con người nhiều khi cũng vì bất đắc dĩ mới phải phong ba. Không phải đến nơi lầu xanh thì có tà tâm, cũng không phải không đến nơi lầu xanh thì đều là thánh nhân. Chỉ cần chuyện mình thấy thích mà không tổn hại đến ai, không ngại gièm pha.” Thuỵ Miên nhẹ nhàng nói với Bửu Toại.
Nàng hiểu xã hội phong kiến coi trọng lễ tiết như thế nào, nên biết Hồng Nhi cô nương phải chịu thành kiến ra sao. Chẳng qua nàng không đến từ nơi này, lại càng không phải người trong cuộc, sao có thể biết Hồng Nhi cô nương thân bất do kỷ thế nào, nên không có quyền đánh giá phán xét.
Bửu Toại nghe thấy Thuỵ Miên nói vậy, không những không tức giận, mà còn gật đầu thấu hiểu: “Thuỵ Miên muội nói rất hay, ta cũng nên tiếp thu. Nếu lần sau muội muốn đi Liễu Ngọc Bích, hãy gọi ta một tiếng, nhất định sẽ cùng muội đi một chuyến.”
Thuỵ Miên thấy Bửu Toại coi trọng ý kiến của mình, càng thêm hài lòng. Nàng liền dắt Thuý Như và Bửu Khang cùng Mễ Lang cùng đi nghe truyện. Ra ngoài cửa phủ, cả bọn lại gặp đúng Phó Kiện Đàm quần áo màu đỏ trông như cây pháo, ra ngoài mua rượu vừa về. Phó Kiện Đàm nghe mọi người nói đi nghe kể chuyện, liền nằng nặc đòi theo, không buông không rời. Thế là cả đoàn sáu người dắt nhau đến Thuyết Thư Lâu.
Thuyết thư lâu là một tòa nhà lớn, nằm giữa con phố bận rộn nhất trấn thành. Dưới biển hiệu Thuyết Thư Lâu là hai câu thơ được khắc đục tinh xảo:
Thiên nhai hải mã giác cùng thì
Bát quái miên miên vô tuyệt kỳ(1)
(1) Chân trời góc biển có giới hạn
Chuyện đàm tiếu bát quái của nhân gian là vô hạn
Ngoài sân khấu được dựng lên ở giữa, xung quanh hai tầng bầy đầy bàn ghế. Lúc đoàn người của Bửu Toại vừa đến, một lão nhân liền nhanh nhẹn tiến vào cung kính dẫn họ đến một bàn trà đã được chuẩn bị sẵn trên tầng hai, chỗ ngồi cạnh lan can gỗ nhìn ngay xuống chính giữa sân khấu. Trên bàn đã bày đủ mọi loại đồ ăn, lại có bình trà bích hoa xuân mà Thụy Miên thích nhất.
“Ta đã chuẩn bị sẵn những đồ ăn vặt muội thích, nếu không đủ, muội cứ gọi thêm.” Bửu Toại nhìn Thụy Miên nuông chiều nói.
Phó Kiện Đàm không vừa ý, lại gọi tiểu nhị bê ra thêm một bình rượu Tửu Hoa. Hai sư thầy này người ăn kẻ uống, vô cùng hợp ý.
Không lâu sau đó, khi tất cả các bàn ghế trong thuyết thư lâu đã chật kín người ngồi, từ từ bước lên sân khấu là một lão nhân trung tuổi, râu đen lún phún, dáng người gầy gò, trên gương mặt nâu sạm còn có một nốt ruồi to đen gần mép miệng.
Lão nhân cúi tay chào mọi người, lúc mở miệng nói chuyện, kèm theo nước miếng phun như mưa thì nốt ruồi duyên cùng được dịp đi lên đi xuống với nhịp độ thoăn thoắt làm người khác hoa mắt.
“Các vị, chuyến này ta chu du, nghe được nhiều chuyện hay, thâm cung bí sử cũng học được không ít, hôm nay xin được góp vài câu chuyện giúp mọi người thưởng tâm lạc sự(1).
(1) Thưởng tâm lạc sự: làm cho mọi ngươi vui.
K quốc gia có nhiều tài nguyên khoáng vật, người ở K Quốc không những giàu có mà còn văn võ song toàn. Làm vua của một quốc gia hùng mạnh, người dân lại tinh thông như vậy, nào có vị hoàng tử nào không mong muốn. Chuyện ta kể ở đây, là chuyện về hoàng tộc nước K. Nói về hoàng tộc, không phải hậu cung tranh đấu thì cũng là hoàng vị tranh ngôi. Chuyện mà ta nghe được, liên quan đến cả hai.”
Nói đến đây, thuyết thư tiên sinh dừng lại, khoát tay phía sau, người lắc hình tròn, làm bên dưới xôn xao chờ đợi.
“Hoàng đế nước K có hậu cung đông đảo, nhưng ai cũng biết trong hậu cung chỉ có một nữ nhân được độc sủng. D Quý Phi là quốc sắc thiên hương, nổi danh tài hoa vẹn toàn, lại là sư muội độc nhất của T Thái Úy, nắm toàn quân cơ đương triều. D Quý Phi là nữ nhân tài sắc vẹn toàn, lại có gia thế hiển hách, đi bên Đế vương, cũng chính là giai nhân sánh bước anh hùng. D Quý Phi không phụ lòng yêu thương của Hoàng thượng, nhanh chóng có tin vui, được thái y chuẩn đoán là mang thai long bào. Đế vương mừng vui, cả cung hoan hỉ.
Tuy nhiên, chỉ có Hoàng hậu nước K, trưởng nữ của M Tể tướng, là người tâm can ủ rũ nhất. Chức vị Hoàng hậu tuy là oai danh vô ngần, nhưng không hạ sinh được hoàng tử, thì cũng chỉ hữu danh vô thực. Bất khả chung nhật(1), A Hoàng Hậu thấy D Quý phi sắp có trưởng tử, chỗ ngồi chủ tử của tam cung lục điện khó nói có thay đổi gì không. Lòng không cam thì tâm bất chính.
(1) Bất khả chung nhật: trong lòng đầy lo toan
Trước khi D quý phi hạ sanh hoàng tử, thì hỷ sự được trông đợi biến thành bi sự: Hoàng thượng gặp bệnh hiểm nghèo, qua một đêm quy tiên bái tổ.
A Hoàng Thái hậu đứng đầu tam cung lục viện, lại nhận Hoàng tử thứ năm của Hoàng đế mới năm tuổi, sinh ra bởi C nương nương, muội muội của chính mình làm hài tử. Nghiễm nhiên ngũ hoàng tử biến thành thái tử. Dưới sự trợ giúp của phụ thân mình là M tể tướng, A Hoàng Thái hậu nhanh chóng đưa vị ngũ hoàng tử này lên làm Hoàng đế chấp trưởng chính sự, cùng A Hoàng Thái Hậu buông rèm nhiếp chính.
Để phòng ngừa hậu họa, A Hoàng Thái Hậu muốn nhổ bỏ cái gai trong mắt, muốn ép D Thái Phi và hài tử mới sinh đến đường cùng, nhưng còn ngại T Thái Úy đang nắm trong tay quân cơ. Kế hoạch đen tối của Hoàng Thái Hậu được tướng gia giúp đỡ chưa thực hiện được thì đã không cần chỗ dùng tới.
Vị D Hoàng tử nhỏ tuổi của D Thái Phi không biết do đâu mà mới sinh ra thì khí chất đã chậm chạp, thường xuyên đau ốm, làm D Thái Phi vô cùng thất vọng. Nói không quá, nếu D Hoàng tử tài tuấn anh minh, với sự trợ giúp của bên ngoại của D Thái Phi là T Thái Úy, không khỏi đe dọa hoàng vị còn non trẻ do A Hoàng Thái Hậu ra sức củng cố. Việc này khiến A Hoàng Thái Hậu và M Tướng gia hân hoan yên tâm vô cùng.
Tân hoàng đế lên ngôi, nhưng tài trị vì yếu kém, lúc nhỏ thì ham chơi, lúc lớn thì háo sắc, ngày đêm chỉ biết vui vẻ với giai nhân, làm văn võ bá quan phiền lòng. M tể tướng càng được dịp chính trị lung lay mà nắm quyền lộng chức. Tuy nhiên T Thái Úy cầm quân cơ là người quân tử thực tài, chấn giữ nội an, lại làm ngoại quốc khiếp sợ mà không dám mơ tưởng. Không thể loại bỏ được T Thái Úy, M Tể tướng phải giữ mình nể mặt không dám ngang nhiên thái quá.
T Thái Úy là huynh trưởng của D Thái Phi lại có hai vị công tử, nổi danh là hậu sanh khả uý(1), nên được dì ruột là D Thái Phi nhất lòng yêu thương, nhất là vị trưởng tử của T Thái Úy, thường xuyên được cho triệu vào cung, được D Thái Phi ban cho món ngon vật lạ. So với vương tử của mình không có phúc phận, D Thái Phi thương yêu hài tử của ca ca mình cũng là lẽ thường tình.
(1) Hậu sanh khả uý: tuổi trẻ có năng lực
Truyện đến đây thì không có gì để bàn, nhưng trong cung biển muốn lặng mà sóng nào có yên.” Dừng lại, thuyết tiên sinh vung hai tay ra tạo khí thế, ngẩng mặt hỏi ông trời như mình chính là tiểu phi tử đang trải qua những tháng ngày uất ức sống trong hoàng cung vậy.
“Tương truyền D Thái Phi có tình cảm đặc biệt với trưởng tử của ca ca mình là do có mối quan hệ bí mật.
Đồn đại rằng khi D Thái Phi hạ sinh một hoàng tử trắng trẻo xinh xắn, lanh lợi đáng yêu, bảy phần giống Hoàng thái thượng đã tạ thế, thì chị dâu của mình cũng sinh hạ được một hài tử, nhưng mặt mũi khác lạ, yếu ớt bệnh tật. D Thái Phi thông minh biết nhìn xa, vì biết Hoàng hậu ghen ghét, lại có tể tướng là gia quyến, Hoàng thượng giờ đã mất, dù còn có huynh trưởng đương quyền thái uý thì mình và hài nhi trong tường cao cung cấm cũng hiểm nguy sớm tối, nên D Thái Phi đã nghĩ ra thượng sách: tráo long đổi phụng. Vương tử do mình sinh ra được đổi thân phận, làm trưởng tử của ca ca, còn đứa con bị bệnh của ca ca được đưa vào thay thế.”
Thính giả trong thuyết thư lâu người người há mồm kinh ngạc, có kẻ không kiềm được bất ngờ lại đánh rơi cả đồ uống trên tay. Thụy Miên nẫy giờ đã lấy giấy bút ra hí hoáy nãy giờ, ghi lại tư liệu, để giành đưa vào tuyển tập truyện ngắn của mình. Đến lúc nghe đến đoạn tráo long đổi phụng, nàng không khỏi ngạc nhiên mà vỗ bàn cái đét kêu to “Hay, thật là chi tiết huyết cẩu mà.”, làm Bửu Khang và Phó Kiện Đàm đang ngủ gật liền giật mình tỉnh dậy.
Thuyết tiên sinh hài lòng nhìn biểu cảm của thính khách khi đón nhận thông tin bát quái của mình rồi nói tiếp:
“Lời đồn này quả thật gây ra sóng to bão lớn trong triều. Quân thần chán chường vị vua chỉ biết ăn chơi hưởng lạc, giờ lại nghe đồn về thân phận của đại công tử của T thái uý, một lòng hy vọng có thể ra sức phò tá minh quân.
Chuyện chưa biết hư thực, A Hoàng Thái Hậu và M tể tướng nghe đến tai thì nào có thể để yên. Phụ tử hai người họ trở nên đa nghi, nhiều lần thử thách chọc ngoáy vị trưởng tử của T Thái Úy kia. Thế nhưng, bao lần bày mưu tính kế mà không thành, cũng chẳng tìm ra sơ hở gì. Hai người bọn họ muốn động tới người nhà của T Thái Úy, cũng phải đắn đo tự lượng nặng nhẹ.
Vị đại công tử kia thì lại tỏ rõ là người không có chí lớn. Dù là người có tài học vấn lại võ công cao cường, nhưng hắn chỉ thích thú ngao sơn ngoạn thủy, lại đa tình phong lưu, làm người người tiếc nuối.”
Nói đến đây, thuyết thư tiên sinh đã mồm khô giọng rát, phía trước ngực áo lấm tấm dấu vết của nước miếng chưa kịp khô. Tiểu nhị liền bưng ra một cốc trà, dâng lên. Tiên sinh cầm lấy uống một hơi cạn hết, rồi mới hỏi: “Các vị, câu chuyện ta kể, ai có thể nói không phải lời đồn? Lại có ai có thể nói đó là chuyện có thật? Chỉ có thể tự người trong cuộc mới rõ. Phong xuy thảo động(1), chẳng biết tương lai ra sao, đại cuộc rối loạn, phàm nhân chỉ có thể mở mắt xem ông Trời định đoạt phận số.”
(1) Phong xuy thảo động: gió thổi cỏ động, thời thế thay đổi
Người nghe kể chuyện thấy đã đến kết thúc thì đồng loạt vỗ tay, khen ngợi câu chuyện của thuyết thư sinh không nguôi. Thuyết tiên sinh gập người cảm tạ, như một nhà ảo thuật gia đại tài chính hiệu vừa hoàn thành màn biểu diễn đoạt giải thưởng quốc tế, lại thuận mồm hẹn mọi người mấy ngày tới sẽ kể đến chuyện Nương Tử của A Đóa vì chồng đi lính không về mà quyên sinh, biến thành ma cô quả phụ đi tìm tình lang khắp chốn. Thuỵ Miên vui vẻ ghi nhớ tự dặn sẽ còn quay lại nghe chuyện tiếp.
Hết truyện nhưng nhiều người vẫn chưa ra về, mấy nhóm người ở lại hào hứng túm tụm để đào sâu về những thông tin mình vừa nghe được, lại thêm mắm thêm muối, chẳng biết dẫn chuyện đi xa đến đâu.
Thụy Miên vô cùng bội phục tài kể chuyện của Thuyết tiên sinh, liền quay lại Bửu Toại mà đòi hỏi: “Thuyết tiên sinh đúng là triết gia cái thế, chuyện kể thật sự làm người ta không thể rời ra. Huynh lại dẫn ta đi nghe nữa có được không?”
Bửu Toại vui vẻ gật đầu: “Chỉ cần muội thích, ta cung kính không bằng nghe lệnh.”
Thụy Miên hài lòng bắt tay Bửu Toại mà rung lắc: “Huynh đã hứa, cứ định vậy đi.”, không để ý đến Bửu Toại mặt đã chuyển hồng, ngượng ngùng không nói gì.
Trong lúc Thụy Miên bận rộn kí kết hiệp ước đi nghe truyện lần tới với Bửu Toại thì Phó Kiện Đàm thì đã cầm tuyển tập truyện ngắn của Thụy Miên lên, ngẩn ngơ thất thần mà đọc. Thụy Miên quay lại thấy lão sư đang cầm thoại bản mình sáng tác thì hùng hổ giật lại, đang định mắng xối xả lão nhân táy máy chân tay thì lại thấy Phó Kiện Đàm gương mặt thảng thốt, vô cùng kích động nói: “Tiểu sư đồ, truyện này ngươi sáng tác? Thật là tài hoa cái thế, lão đây chưa từng đọc qua truyện nào lại kinh thiên động địa như vậy. Người cho lão nhân mượn xem tiếp được không?”
Thụy Miên ngỡ ngàng kèm theo xúc động, liền thấy Phó Kiện Đàm đúng như Bửu đại lão gia nói: là người có con mắt tinh tường, lại vô cùng biết thưởng thức tài năng của người khác, đúng là tinh thông vạn sự. Có một lão sư như thế này làm sư phụ, cũng không tồi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!