Chúng Ta Chia Tay Đi - Phần 7
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3110


Chúng Ta Chia Tay Đi


Phần 7


– Ôi chị có sao không? Sao tự nhiên lại giằng cốc café của em? Chị có sao không? Để em xả nước lạnh cho chị.

Trong lúc còn choáng váng, tôi suýt nữa thì bị cô ta kéo đến vòi nước nóng lần nữa, may sao khi đó tôi mắt nhắm mắt mở nhưng vẫn nhìn thấy cái van màu đỏ, biết cô ta cố tình chơi mình đến hỏng mặt nên điên tiết vằng ra, sau đó vung tay tát thẳng một cái khiến Thủy nổ đom đóm mắt.

– Tránh ra chỗ khác.
– Ơ… sao chị lại đánh em?

Tôi không có thời gian đôi co với con điên đó, chỉ vội vàng xả nước lạnh tạt liên tiếp lên mặt để sơ cứu. Khi đó mặt vừa đau vừa rát, hốc mũi bị café sặc vào nhức không thể tả, Thủy đứng bên cạnh thấy tôi thế thì cứ xông lại lôi kéo tôi ra chỗ khác để tôi không ngâm nước lạnh được, mồm loa mép dải gào lên:

– Chị thấy sao rồi, có đau lắm không chị? Em đưa chị đi bệnh viện nhé.
– Biến.
– Đi, em đưa chị đi bệnh viện.

Đến nước này thì tôi hết chịu nổi, quay lại túm lấy tóc cô ta rồi giật ngược về phía sau, tiện tay tát thêm mấy cái nữa:

– Mày thích chơi tao phải không? Tao bảo mày tránh ra trước khi tao nổi điên nhé, cút ra.
– Á chị ơi.. em xin lỗi, chị ơi em không cố ý, chị đừng đánh em.

Cô ta vừa dứt lời thì phía sau bỗng nhiên vang lên tiếng của chồng tôi, anh ta nói:

– Cô làm gì thế? Bỏ ra.
– Sếp ơi cứu em với, chị Trà hình như phát bệnh rồi. Sếp cứu em với sếp ơi.

Nhìn thấy Thái xuất hiện ở đây, máu nóng trong người tôi càng bốc lên ngùn ngụt, khi đó chỉ muốn nhấn đầu cả hai đứa khốn nạn này vào vòi nước nóng luôn cho bõ tức. Thế nhưng chỉ trong một giây thôi, vì nghĩ đến kế hoạch trả thù của tôi, nghĩ đến cả một đoạn đường còn dài phía trước, tôi lại quyết định nuốt hết mọi uất ức vào trong lòng, từ từ thả bàn tay đang nắm tóc Thủy ra.

Cô ta được thả thì vội vàng lao lại phía chồng tôi, giả vờ uất ức ôm lấy cánh tay anh ta, nước mắt thi nhau rơi xuống:

– Sếp ơi, em không cố ý đụng mặt chị ấy. Tự nhiên chị ấy không nói không rằng câu nào đã nổi điên đánh em. Huhu, sếp ơi em sợ lắm.
– Đây là công ty, các người bị làm sao đấy, không giữ thể diện cho ai nữa à?
– Huhu. Em không làm gì cả. Em xin lỗi.

Tôi ngẩng đầu nhìn chồng, lúc này cảm giác hai má nóng rát vẫn còn nguyên như cũ, thậm chí càng lúc càng đau hơn trước. Ban đầu, anh ta vẫn còn hằm hằm quát tôi, tuy nhiên khi nhìn kỹ gương mặt tôi lúc đó, chồng tôi ngay lập tức khựng lại.

– Mặt cô làm sao đấy?

Tôi không giải thích, cũng không nói ra sự thật cho anh ta biết, chỉ bình thản nói đúng một chữ “Bỏng”, sau đó quay lưng đi thẳng về phòng.

Từ khi kết hôn, tôi có chuyện gì cũng tự mình chịu đựng, nhưng là chịu đựng trong nhu nhược và ấm ức, chưa bao giờ gặp chuyện mà tôi lại tỏ thái độ bình thản như thế này. Cũng vì thế mà tôi đoán kiểu gì chồng tôi cũng sẽ tò mò, sau đó thì sẽ suy nghĩ và đuổi theo mình, cho nên lặng lẽ về phòng ngồi đợi cá cắn câu.

Quả nhiên một lúc sau thì tôi nghe tiếng bước chân của anh ta vang lên ngoài hành lang, vài giây sau thì cửa đột ngột bị mở ra. Chồng tôi cau mày quát:

– Cô bị bỏng kiểu gì? Bỏng thế nào?
– Bị bỏng nước café nóng.
– Bị bỏng kiểu thế mà còn ngồi đấy à? Đứng lên đi viện.
– Tôi về lấy túi xách rồi đến viện ngay đây.
– Nhanh cái chân lên, tôi đi lấy xe.

Khi ra đến thang máy, tôi cố ý liếc sang chỗ hành lang chỗ phòng giám đốc thì thấy Thủy đang ngồi ở bàn làm việc. Cô ta đầu bù tóc rối, bị ăn mấy cái tát nhưng thương tích không nặng bằng tôi cho nên Thái lựa chọn đưa tôi đến viện trong lúc này là đúng rồi.

Cô ta nghe tiếng bước chân đi ra cũng ngẩng lên nhìn tôi, hai mắt gườm gườm đầy cay cú. Tôi không nói gì, cũng không hành động gì, chỉ tặng lại cho cô ta một ánh mắt cảnh cáo rồi bước vào thang máy.

Thái chở tôi đến thẳng bệnh viện ngay sau đó, lúc vào khoa cấp cứu, các bác sĩ nhìn khuôn mặt của tôi đỏ ửng như hai quả cà chua thì trợn mắt bảo:

– Bệnh nhân này bỏng gì đây? Đã sơ cứu chưa?
– Cháu rửa nước lạnh được mấy phút rồi ạ. Cháu bị bỏng nước nóng.
– Nước bao nhiêu độ?
– Nước sôi ạ. Bị nước sôi hắt thẳng vào mặt.

Lúc nói câu này, tôi cố ý liếc sắc mặt của chồng, thấy trong một thoáng chốc anh ta hơi cau mày. Trong lúc các bác sĩ chuẩn bị dụng cụ sơ cứu, tôi run rẩy hỏi:

– Mặt cháu bỏng có nặng không hả bác sĩ? Có chữa được nữa không ạ?
– Phải kiểm tra xem đã. Da mặt không giống các vùng da khác, bị bỏng có thể sâu hơn các vùng da thông thường. Cứ nằm yên để xử lý vết bỏng đã nhé.
– Vâng.

Nói rồi, họ xịt cho tôi thuốc gì đó để làm dịu cảm giác đau rát, truyền nước và bôi thuốc mỡ vào vết thương. Lúc ấy, không hiểu sao tôi rất có niềm tin là mặt mình sẽ không sao cả, bởi vì cảm giác đau rát chỉ đơn giản là đau rát thông thường chứ không hề nhức nhối. Trước đây vì học nấu nướng tôi đã bị bỏng nhiều rồi, tôi biết mức độ thế nào là nặng, mức độ nào sẽ không bị sao. Hôm nay lúc Thủy cố ý hắt café vào mặt tôi, nước cũng đã để ở ngoài một lát nên cũng nguội bớt rồi, không phải là nước sôi 100 độ.

Tuy nhiên, dù thế nào thì cũng là cô ta rắp tâm hại tôi hỏng cả gương mặt, cho nên thù này không trả, tôi không nuốt trôi được.

Loại đàn bà rắn rết như cô ta, sớm muộn rồi cũng sẽ bị quả báo thôi…

Tôi truyền xong một chai nước thì nhận được kết quả của bác sĩ, họ bảo rất may vết bỏng của tôi không nặng lắm, chỉ bị bỏng ở cấp độ 1, tuy nhiên vẫn phải nhập viện để theo dõi vì vết thương sẽ bị nhiễm trùng.

Trong suốt quá trình tôi truyền nước, chồng tôi đều ở cạnh, không nói gì nhưng cũng không đi đâu cả. Khi nhìn đồng hồ thấy đã hơn hai giờ chiều mà anh ta vẫn chưa có ý định đi, tôi mới quay sang bảo:

– Chiều nay còn hợp đồng với công ty kia, sao giờ anh vẫn còn ở đây?
– Ừ, đang định đi đây. Cô thấy sao rồi?
– Tôi không sao đâu. Anh đi gặp người ta đi. Họ là công ty lớn, mình cũng phải uy tín thì họ mới có thiện cảm được, việc quan trọng thế thì anh phải đích thân đi chứ. Anh đi đi.

Chồng tôi có vẻ hơi ngần ngừ, có vẻ như so với lần trước thì anh ta đã bắt đầu quan tâm đến tôi hơn. Thế nhưng thời điểm này tôi thấy chưa nên dễ dàng tiếp nhận sự quan tâm đó của anh ta, cho nên vẫn nhất quyết nói:

– Giờ tôi chỉ muốn ngủ một giấc thôi, anh đi ký hợp đồng đi.
– Ừ, thế cô ở lại đây. Có gì thì gọi tôi.
– Tôi biết rồi.

Sau khi truyền nước xong, tôi được chuyển lên khoa ngoại để theo dõi, vì thích phòng cũ ngày trước nằm nên tôi đăng ký ở luôn phòng VIP đó. Cuối giờ chiều bỗng nhiên có người đến gõ cửa, ban đầu cứ tưởng y tá đến phát thuốc hay gì đó, thế nhưng lát sau lại thấy một bóng dáng đàn ông cao cao, mặc áo blouse trắng bước vào.

Lúc ấy mặt tôi vừa bẩn vừa xấu, thật sự là không muốn gặp ai cả, mà gặp anh Thành trong lúc này thì tôi lại càng ngượng, đành vội vàng quay đi chỗ khác rồi lí nhí chào:

– Anh ạ.
– Sao lại bị bỏng, anh xem nào.
– Không sao đâu ạ.
– Ngẩng lên anh xem.

Tôi cứ sợ anh cười mình, nhưng bác sĩ bảo chẳng lẽ bệnh nhân lại không nghe, cuối cùng đành ngẩng lên cho anh kiểm tra. Mặt tôi lúc đó không nổi bọng nước nhưng đỏ tấy, lại bôi thuốc nên nhìn thảm kinh khủng. Thế mà anh không hề cười cợt, cũng chẳng tỏ ra thương hại, chỉ nói:

– Không sao cả, bỏng không sâu lắm, chỉ khoảng một tuần là lành thôi.
– Có để lại sẹo không anh?
– Nếu không nhiễm trùng thì không có sẹo đâu.
– Vâng, em cảm ơn anh.
– Cảm ơn gì nhiều thế, vẫn còn nợ một bữa ăn lẩu, giờ thêm lần cảm ơn này thì thành hai bữa lẩu hả?
– Mời bác sĩ đi ăn hai bữa thì bác sĩ có đi không?
– Nếu không trực thì đi.

Tôi bật cười, lần nào cũng vậy, ở trước anh tôi không thể duy trì cảm giác gượng gạo quá mười giây, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì anh cũng đều có thể khiến người ta cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Tôi nói:

– Sao anh biết em ở đây nhanh thế? Em vừa nhập viện được mấy tiếng thôi.
– Anh vừa xem bệnh án, thấy tên quen quen, với cả cũng phải đến kiểm tra bệnh nhân.
– À… vâng.
– Em được phát thuốc chưa?
– Chưa ạ.
– Đợi chút có người phát thuốc đấy. Buổi tối ăn xong rồi uống vào, thấy sốt thì báo y tá hoặc gọi anh nhé.
– Vâng. Hôm nay anh trực ạ?
– Ừ, tối nay anh trực.
– Vâng, em biết rồi.

Tối hôm đó hình như đi gặp đối tác xong, bên kia có mời ở lại ăn cơm nên chồng tôi không đến. Anh ta có gọi điện cho tôi, hỏi vài ba câu, sau đó khi tôi nói Thu mang cơm đến cho tôi rồi nên anh ta cũng ậm ừ rồi cúp máy.

Thực ra thời điểm đó con bạn tôi đi công tác ở Huế, không có ai mang cơm nên tôi đành oder đồ ăn trên mạng, nhưng mà lúc đó miệng sưng đau nên nhai gì cũng không được, cuối cùng ăn được hai ba miếng rồi cũng thôi.

Tối hôm đó, bụng thì đói, mặt thì đau rát, cuối cùng tôi sốt thật. Mãi mười giờ đêm mới bắt đầu thấy người ngợm nhâm nhẩm nóng. Trên tủ đầu giường có thuốc, tôi định bò dậy uống rồi ngủ nhưng vừa mới lồm cồm ngồi dậy thì lại nghe tiếng gõ cửa.

Anh Thành nói vọng vào:

– Anh vào được không?
– Vâng, anh vào đi.

Lúc anh bước vào thấy trán tôi lấm tấm mồ hôi, con mắt bác sĩ nên vừa nhìn đã biết tôi sốt rồi, thế nên anh bảo:

– Sốt rồi hả?
– Hình như thế anh ạ. Em thấy người nóng nóng.
– Sốt hai mắt đỏ lên hết rồi. Cặp nhiệt độ đi anh xem sốt bao nhiêu độ.

Lúc rút nhiệt kế ra thấy kim thủy ngân trên đó chỉ tận 38 độ 5, sốt cao thế chẳng trách người tôi oải, chẳng còn tý sức lực nào cả. Anh nhìn nhiệt độ xong thì cau mày nói:

– Nằm xuống đi, đợi tý nhé.
– Phải truyền hả anh?
– No bụng mới truyền hoặc uống thuốc được.

Tôi ngơ ngác chẳng hiểu anh nói thế là gì, nhưng mệt nên vẫn ngoan ngoãn nằm xuống giường. Lúc sau thấy anh quay lại, trên tay cầm theo một hộp cháo còn nóng, bảo tôi:

– Ăn tạm cái này trước đi, bụng no rồi mới uống thuốc hạ sốt được.

Những ngày còn nhỏ, mỗi lần ốm tôi đều tủi thân chui vào một góc ấm ức khóc, khi mẹ đến dỗ dành thì càng khóc to hơn. Sau khi lấy chồng rồi, dù ốm đau hay thậm chí bị đánh đến mức phải khâu mấy mũi ở đầu, tôi học được thói quen không tỏ ra yếu đuối trước mặt cha mẹ nữa, xảy ra chuyện gì cũng đều im lặng chịu đựng.

Thế nhưng hôm nay, lần đầu tiên có một người quan tâm đến việc tôi ốm, có một người biết tôi đói bụng nên mang cháo đến cho tôi. Trong lúc này, bởi vì cô đơn quá lâu nên cảm giác tủi thân của tôi càng bị nhân lên gấp bội, sống mũi tôi bỗng chốc cay xè, phải hít sâu mấy hơi mới không rơi nước mắt, lí nhí nói:

– Cảm… ơn anh.
– Không có gì, em ăn đi. Anh sang phòng bệnh khác một lúc, tý nữa quay lại sau nhé.
– Vâng.

Tôi biết anh cố ý đi ra ngoài cho tôi ăn tự nhiên, thế nên để không phụ lòng tốt của anh, tôi ngoan ngoãn ngồi dậy ăn hết sạch tô cháo, cũng may cháo mềm, không phải nhai nên cũng dễ nuốt. Xong xuôi, anh quay lại đưa cho tôi mấy viên thuốc, dặn cách uống từng loại. Tôi uống thuốc hạ sốt xong thì hai mắt bắt đầu ríu lại, sau đó mê man đi lúc nào không biết.

Tôi ngủ đến chín giờ sáng hôm sau mới tỉnh dậy, cả người đau nhức như vừa bị ai dần một trận, chật vật lắm mới bò được xuống giường rửa mặt. Lúc sau, vừa từ phòng tắm đi ra thì thấy Thủy đã đứng trong phòng của tôi rồi.

Tôi biết thừa cô ta đến thăm tôi chẳng có mục đích gì tốt đẹp, chẳng qua chỉ là muốn xem mặt tôi có bị hỏng hay không thôi. Nhưng đây là bệnh viện nên tôi không muốn làm ầm ỹ lên làm ảnh hưởng đến mọi người, chỉ nhìn chằm chằm chứ không nói gì. Cô ta thì mặt trơ mày trẽn, đặt giỏ hoa quả lên bàn giả vờ tử tế bảo:

– Chị thấy sao rồi, có đau lắm không hả chị?
– Cô đến đây làm gì?
– Em đến đây để xin lỗi chị. Chuyện hôm qua em không cố ý, chị bỏ qua cho em chị nhé. Em biết em sai rồi, lúc đó là em trượt chân nên mới thế.
– Thế à? Sao tôi lại thấy cô cố ý nhỉ?
– Chị đừng giận em nhé. Thật sự là lúc đó em không cố ý đâu. Anh Thái bảo sáng nay em với anh ấy đến thăm chị, nhưng tối qua anh ấy làm việc mệt quá nên nay không đi được chị ạ. Chị thông cảm nhé.
– Từ bao giờ người ngoài phải dạy tôi thông cảm cho chồng tôi thế? Cô hết hắt nước nóng vào mặt tôi rồi giờ lại đến khiêu khích tôi đấy à?
– Em đâu dám khiêu khích chị, em thật lòng muốn đến thăm chị mà. Chị không có chồng ở cạnh chăm sóc, em thương lắm. Là đàn bà thì chuyện gì cũng nên dựa dẫm vào đàn ông, đằng này chị thì… có chồng mà cũng như không. Em cũng thấy buồn thay cho chị.
– Cô có vẻ hả hê vì ve vãn được chồng tôi nhỉ?
– Chị nói gì thế, em có hả hê gì đâu, em chỉ nói sự thật thôi.
– Tôi nói cho cô một chuyện nhé.
– Vâng, chị nói đi.

Tôi cầm quả cam trong giỏ hoa quả mà cô ta mang đến, nhìn chằm chằm một lúc rồi cười cười:

– Tôi có giấy chứng nhận tâm thần đấy. Nếu tôi đánh người gây thương tích hoặc thậm chí giết người thì tôi cũng không phải đi tù đâu, cùng lắm là vào trại tâm thần ở vài năm thôi. Sức chịu đựng của kẻ điên thì có hạn, cô muốn thử không?

Bản mặt nhơn nhơn của cô ta lập tức tái xanh, vô thức lùi về phía sau một bước

– Em chỉ đến thăm chị bình thường, chị cần gì phải thế?
– Cút ngay trước khi tao nổi điên, cút.

Nhìn thấy tôi dùng sức bóp nát quả cam, cô ta có lẽ cũng sợ tôi lên cơn thần kinh thật nên không dám ở lại thêm nữa, vội vàng lấy túi xách rồi quay người bỏ đi. Trước lúc rời khỏi phòng, Thủy còn cố ý buông lại một câu:

– Điên như thế chẳng trách chồng ngán đến tận cổ.

***

Lời tác giả: Ngày mai là thứ 7, một tuần căng thẳng vì tình hình dịch bệnh càng ngày càng phức tạp rồi mọi người nhỉ?

Tớ biết là thời gian này ai cũng tập trung theo dõi tin tức về dịch bệnh nên ít đọc truyện, thật ra bản thân tớ cũng thế, vẫn đang trong thời gian cách ly và tâm trạng cũng chưa thể toàn tâm toàn ý đặt vào truyện được. Nhưng tớ sẽ tiếp tục cố gắng.

Nhân đây cũng chẳng mong gì nhiều, chỉ mong mọi người đọc xong thì tương tác cho tớ thêm chút động lực để tiếp tục thôi. Đây là giai đoạn rất khó khăn về tinh thần của tớ, cho nên chỉ mong mọi người động viên thôi. Cảm ơn nhiều!!!

À mà ngày mai tớ nghỉ nhé, chúc cả nhà cuối tuần vui vẻ, bình an và may mắn.

Yêu thích: 4.3 / 5 từ (14 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN