Chúng Ta Chia Tay Đi - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
3135


Chúng Ta Chia Tay Đi


Phần 8


Nằm viện thêm mấy ngày không có ai đến thăm, chỉ có anh Thành thỉnh thoảng sang kiểm tra vết thương của tôi rồi thôi. Đến hai hôm sau thì tự nhiên nhận được điện thoại của mẹ tôi.

Mẹ bảo:

– Tuần này hai đứa có về ăn cơm không con?
– Tuần này con chưa biết được nữa mẹ ạ. Dạo này con hơi bận, nếu rỗi thì thứ bảy con sang.
– Thế Thái thì sao con? Dạo này nó thế nào?
– Anh Thái vẫn bình thường mà mẹ.
– Ý mẹ là chuyện hai đứa ấy, vẫn chưa định sinh đẻ gì à?
– Con chưa thấy gì cả.

Mẹ tôi thở dài một hơi, giọng buồn buồn:

– Hôm qua mẹ thấy cô Thanh bảo gặp thằng Thái chở con bé nào đi ăn ấy. Hai đứa tình cảm lắm. Chẳng biết có đúng không.
– Công việc thì phải đi đây đi đó xã giao mà mẹ, những việc đó không tránh được. Với cả nhiều khi họ nhìn thấy thế nhưng không phải thế đâu.
– Mẹ cũng nghĩ thế, thằng Thái bình thường hiền lành tử tế, cũng không phải là loại trăng hoa gì. Nhưng mà mẹ thấy hai đứa lâu có con, đàn ông nó sốt ruột con ạ. Nhiều khi rượu vào rồi bạn bè khích bác, không muốn nhưng vẫn tự ái rồi sa ngã đấy.
– Vâng. Con biết rồi.
– Hay là hai đứa thử đi khám rồi làm thụ tinh đi. Vừa nhanh lại vừa dễ được con trai.
– Bọn con mới lấy nhau hai năm mà mẹ, đi làm thụ tinh bây giờ vẫn còn sớm.
– Sớm gì nữa, phải giữ chồng chứ con. Với cả bố mẹ có sống mãi mà chờ hai đứa được đâu. Bố mẹ già rồi, chỉ mong có cháu bế thôi.
– Con biết rồi, để tối nay anh Thái về, con bàn với anh ấy xem sao.
– Ừ. Rỗi thì bảo nó về ăn cơm nhé.
– Vâng.

Cúp máy xong, tôi tiện liếc qua thời gian trên màn hình điện thoại, thấy đã là ngày 13 tháng 11 rồi, vừa tròn 2 năm 6 tháng ngày tôi kết hôn. Chừng ấy thời gian không có con cái, không có mái ấm, không có tình yêu,… với tôi đơn giản chỉ là sống trong bóng tối nhưng đối với cha mẹ, 2 năm 6 tháng đó là nỗi chờ đợi quá dài.

Tôi biết tương lai sẽ không có kết quả nên không trông chờ, nhưng còn bố mẹ tôi thì mỗi ngày đều hy vọng sớm được bồng cháu ngoại trên tay, nếu tôi cứ tiếp tục kéo dài như vậy thì sau này đổ vỡ, nỗi buồn của cha mẹ lại càng nhiều hơn.

Nhưng mà hiện tại thì tôi cũng chưa thể nghĩ ra cách gì để nhanh chóng kết thúc những chuyện rối ren này cả.

Tôi lặng lẽ thở dài một hơi, đặt điện thoại xuống giường. Đang đau đầu suy tính xem bước tiếp theo phải làm gì thì bỗng nhiên nghe tiếng cửa mở, anh Thành bước vào, thấy mặt tôi ỉu xìu như bánh đa ngâm nước thì khẽ cười:

– Sao thế?
– À, không sao. Anh xong việc rồi à?
– Ừ, mới đi khám hết các phòng xong, giờ đến phòng em.
– Vâng.
– Em thấy sao rồi?
– Hôm nay em có cảm giác mấy bọng nước căng lên ấy, có sợ vỡ ra không anh nhỉ?
– Nằm xuống để anh chích bọng nước ra cho.
– Có nhiễm trùng không hả anh?
– Không sao đâu, căng như thế này thì sớm muộn gì cũng vỡ thôi.
– Vâng.

Tôi ngoan ngoãn nằm xuống để anh chích mấy bọng nước bỏng trên mặt, vì khoảng cách giữa mặt tôi và mặt anh rất gần nên lúc đầu tôi cũng hơi xấu hổ. Nhưng lát sau thấy anh chỉ chuyên tâm làm việc nên tôi cũng không ngại nữa, với cả mình càng lúng túng thì lại càng ngượng nên tôi chọn cách nhìn thẳng vào mặt anh.

Ở vị trí này có thể nhìn thấy từng sợi lông mi của anh vừa dài vừa cong, mũi thẳng tắp, môi đàn ông đã đỏ lại không vương chút mùi thuốc lá nào, dù không muốn phải công nhận một điều mà ai cũng công nhận, nhưng thật sự là nhìn môi anh tôi muốn thử chạm đến quá.

Muốn hôn…

Tôi điên rồi… điên thật rồi…

Chỉ vì cái ý tưởng điên rồ bỗng nhiên xuất hiện trong đầu mà mặt tôi đã rát còn nóng ran lên, đang không biết làm thế nào để anh không phát hiện ra thì lại nghe anh nói:

– May lần này bỏng không sâu lắm, da mặt em cũng hồi phục nhanh, sắp khỏi đến nơi rồi.
– Tại vì được bác sĩ mát tay điều trị đấy. Tình hình thế này, khỏi mặt xong em phải cảm ơn anh lần nữa thôi.
– Anh ăn ba bữa lẩu không nổi đâu.
– Thế ăn kem ốc quế nhé? Em hay ăn kem ốc người ta đạp xe chở bán rong trên đường ấy, không sạch sẽ lắm nhưng mà ngon.

Khi tôi nói câu này, anh bỗng nhiên ngẩng lên nhìn tôi. Trong ánh mắt có một chút phức tạp, cũng phảng phất một chút tiếc nuối, giống như đã bỏ lỡ một thứ gì đó rất quan trọng trong đời.

Tôi không hiểu được ánh mắt này là gì, nhưng cũng nhận ra là mình lỡ lời nên không nói nữa. Qua một lát sau, anh Thành bảo tôi:

– Mùa đông người ta không bán rong kem ốc đâu. Nhưng nếu như em mời kem socola thì anh sẽ suy nghĩ.

Nghe xong câu này, tôi đang ngượng cũng phải phì cười, gật đầu:

– Được luôn.

Vừa dứt lời thì có tiếng người mở cửa, không hiểu sao chồng tôi lại biết tôi nằm phòng này mà đến. Anh ta nhìn thấy anh Thành ngồi bên giường, tôi thì nằm dưới giường, cả hai lại ghé sát mặt nhau vừa cười vừa nói chuyện, tư thế trông rất ám muội, sắc mặt bỗng chốc sa sầm xuống.

Tôi cứ nghĩ anh Thành sẽ ngại chồng mình hoặc tỏ ra lúng túng, thế nhưng thái độ của anh vẫn rất bình thản, giống như chẳng quan tâm đến sự xuất hiện của chồng tôi. Anh chỉ nhẹ nhàng cầm bông gạc lau đi chỗ bọng nước vừa chích trên mặt tôi rồi nói:

– Được rồi, em cứ tiếp tục uống kháng sinh nhé.
– Vâng ạ.

Nói rồi anh cầm khay dụng cụ đứng dậy rồi đi ra ngoài, khi ngang qua Thái còn lịch sự gật đầu chào một cái. Chồng tôi thấy thế, không những không nói năng một tiếng mà mặt mày còn hằm hằm như kiểu muốn đánh nhau đến nơi.

Sau khi anh Thành đi rồi, anh ta mới bực bội quát tôi:

– Đang ở bệnh viện mà cô với thằng bác sĩ kia làm cái trò gì đấy? Ngồi sát như thế để gạ gẫm nhau à?
– Anh thích nói tôi sao cũng được nhưng đừng đụng đến người ta. Anh không thấy bác sĩ đang chích bọng nước trên mặt tôi à?
– Chích mà còn vừa cười vừa nói à? Mắt cô nhìn nó thắm thiết thế cơ mà?
– Khi làm việc thì bác sĩ thường hay trò chuyện để giảm áp lực cho bệnh nhân. Cũng như lần trước anh bị gãy chân, lúc bác sĩ nắn xương để bó bột cho anh cũng nói chuyện kiểu đấy đấy.
– Cô…
– Nếu anh đến để gây sự thì về đi, tôi mệt lắm, không có sức cãi nhau. Mà cũng không có hứng cãi nhau.

Tôi khó chịu quay đi chỗ khác, không buồn nhìn mặt anh ta nữa. Chồng tôi thấy tôi không quan tâm đến mình thì càng nổi điên, cau có bảo:

– Cô quay lại đây nói tử tế xem nào. Tôi đến thăm cô mà cô còn thái độ thế với tôi à?
– Thế anh muốn tôi phải làm sao?
– Ít ra cũng phải quay lại nói chuyện cho đàng hoàng.
– Tôi chẳng có việc gì để nói với anh cả. Mấy hôm trước thì còn muốn nói, nhưng giờ thì không.

Tôi cố ý nói lấp lửng như thế, vừa để anh ta nghĩ mình giận dỗi vì bây giờ anh ta mới đến, vừa để anh ta phải tò mò xem mấy hôm trước tôi muốn nói gì.

Chồng tôi nghe thế thì im lặng vài giây, sau đó cũng bắt đầu dịu giọng dần. Anh ta đi lại gần giường tôi, ngồi xuống rồi đặt hộp cherry lên bàn, bảo:

– Mấy hôm rồi việc ở công ty bận tối mắt tối mũi, không đi đâu được. Thế cô muốn nói gì?
– Không có gì đâu.
– Có gì thì nói đi, cứ lấp la lấp lửng thế là sao?

Tôi hít sâu một hơi, uể oải ngoái đầu lại rồi cố tình chuyển sang chủ đề khác:

– Hợp đồng kia anh ký được chưa?
– Bên họ hẹn sang tuần ký.
– Tôi đi cùng được không?

Chồng tôi nhìn mặt tôi vài giây rồi đáp:

– Mặt cô thế thì đi cái gì?
– Hôm nay chích bọng nước thì hai hôm nữa kịp lành rồi. Tôi nghe nói ở công ty mọi người bảo tôi không có năng lực, anh để tôi đi xã giao vài lần cho quen. Sau có việc gì còn giải quyết được, đỡ làm mất mặt anh.
– Ai bảo cô mọi người nói thế?
– Không cần ai bảo, tự tôi cũng nhìn thấy mà.
– Thôi được rồi, cô muốn đi thì đi. Cứ khỏi mặt đi đã.
– Cảm ơn anh.

Lần đầu tiên tôi nói cảm ơn, anh ta có vẻ hơi ngạc nhiên, tôi còn bắt gặp một tia bối rối sượt qua ánh mắt của Thái. Anh ta quay đi chỗ khác, hắng giọng mấy cái rồi mới nói:

– Thế nãy cô bảo định nói gì?
– Mấy hôm trước định bảo hôm nay là hai năm sáu tháng ngày đám cưới của tôi với anh.

Vẻ mặt anh ta hơi sửng sốt, giống như trước giờ không hề để ý đến chuyện này, nhưng với tôi thì luôn đếm từng ngày một kể từ khi chúng tôi kết hôn. Tôi cố ý nói vậy chỉ vì muốn cho anh ta biết tôi cũng là phụ nữ, tôi cũng muốn được yêu thương và quan tâm. Thư ký của anh ta thích lạt mềm buộc chặt thì tôi cũng mềm nắn rắn buông, để xem cuối cùng thì ai mới là người thắng.

Chồng tôi ngẩn ra mấy giây rồi hơi lúng túng đáp:

– Ừ, nhanh thế rồi cơ à?
– Anh chưa bao giờ để ý nên không nhớ cũng đúng thôi. Với cả đằng nào tôi với anh cũng ly hôn mà, không cần nhớ cũng được. Tại tôi hay có thói quen đếm lịch nên mới nhớ.
– Tôi đã bảo cô đừng nhắc đến chuyện ly hôn trước mặt tôi mà cô không nghe à?
– Tôi nghĩ rồi, thật ra giờ bố tôi thế, không quản lý được công ty. Tôi thì cũng không có năng lực như anh nên không tiếp quản được. Dù sao công ty này cũng là tài sản gia đình tôi gây dựng nên, tôi không muốn nó bị hủy hoại trong tay tôi. Nếu anh muốn cổ phần, muốn làm giám đốc, tôi đồng ý. Khi ly hôn tôi không đòi chia tài sản cũng không cần gì cả, tất cả là của anh. Tôi chỉ có một điều kiện thôi.

Tôi ngẩng đầu lên, buồn bã nhìn anh ta, hạ quyết tâm dấn thêm một bước nữa:

– Anh đừng làm khó gia đình tôi. Bố tôi giờ già yếu rồi, cổ phần công ty là vốn liếng để ông dưỡng già, với cả nếu công ty phát triển, không những gia đình tôi có lợi mà anh cũng có lợi. Thế nên chúng ta ly hôn, 20% cổ phần vẫn là của anh, anh vẫn làm giám đốc, bố tôi vẫn là chủ tịch hội đồng quản trị. Chúng ta nước sông không phạm nước giếng, không đụng vào cuộc đời nhau, được không?

Anh ta im lặng rất lâu, ánh mắt dò xét từng biểu hiện trên gương mặt tôi, cố ý muốn tìm xem tôi có chút nào giả dối không. Thế nhưng mấy năm nay tôi tự luyện được cho mình kỹ năng nói dối không chớp mắt rồi, thêm nữa da mặt vẫn còn bỏng, anh ta nhìn mãi cũng không phát hiện ra điều gì. Cuối cùng một lúc sau mới trả lời:

– Cô muốn ly hôn thế kia à?
– Ừ. Từ hôm nằm viện lần đầu đến giờ tôi đã suy nghĩ đủ rồi. Nếu không có hạnh phúc thì giải thoát cho nhau. Tôi còn trẻ, còn muốn tìm người để dựa dẫm. Mà anh cũng cần đến với tình yêu của anh. Tôi nghĩ chúng ta tốt nhất không nên tiếp tục giày vò nhau làm gì.
– Ly hôn cô không đòi cổ phần? Không đòi gì hết?
– Tôi đã soạn sẵn đơn ly hôn kèm điều khoản rồi. Không đòi cổ phần, không đòi tài sản, nhà đang ở cũng sang tên cho anh. Tôi ra đi tay trắng. Chỉ cần anh với tôi nói với bố mẹ là không hợp rồi ly hôn trong nhẹ nhàng, thế thôi.
– Cô không sợ bố cô lên cơn nhồi máu cơ tim à?
– Sợ. Nhưng tôi nghĩ là anh sẽ thuyết phục được bố tôi thôi.

Trước giờ tôi nói ly hôn nhưng lại luôn miệng đòi lấy lại tài sản của gia đình mình, anh ta thì xuất phát từ một nhân viên quèn, có được ngày hôm nay rồi thì nhất định sẽ không chịu được cái cảm giác lên voi xuống chó. Thế nên bao lâu nay mới cố sống cố chết không ly hôn.

Nhưng giờ tôi nghĩ khác rồi, nếu như tôi giả vờ không cần gì cả, chỉ cần ly hôn. Anh ta sẽ vừa cảm thấy không có lý do gì để nghi ngờ, lại vừa yên tâm về vị trí của mình trong công ty, thêm nữa nếu suy nghĩ kỹ thêm một chút thì nhất định sẽ thấy khó chịu vì từ đầu đến cuối tôi chỉ nuôi một tâm niệm muốn rời xa anh ta.

Thứ không có được thì sẽ muốn đuổi theo, cuộc đời này chẳng phải vẫn luôn như vậy đó sao?

Qua vài phút sau, chồng tôi nói:

– Để tôi suy nghĩ đã. Giờ tôi có việc phải về công ty, cô nghỉ đi.
– Ừ.

Tối hôm đó tôi khó chịu nên không sao ngủ được, lăn đi lộn lại trên giường mãi, cuối cùng bức bối quá nên đành đứng dậy, đi xuống sân của bệnh viện ngồi.

Tầm này trời bắt đầu có sương muối, vừa lạnh vừa buốt nhưng tôi cảm thấy ra ngoài này hít thở chút không khí còn dễ chịu hơn ở trong phòng bệnh với bốn bức tường kia nhiều. Mấy năm nay ru rú trong nhà suốt làm tôi đã đủ sợ và ám ảnh rồi, giờ chỉ bị kìm chân vài ngày thôi cũng đã ngột ngạt phát điên.

Tôi tìm một ghế đá vắng người, ngồi xuống nhìn mây nhìn trời một lát, lúc sau nghĩ sao lại đứng dậy đi bộ ra căn tin, mua mấy lon bia rồi quay lại chỗ cũ, mở nắp ra ngồi uống một mình.

Hôm nay tôi đã bước thêm một bước, dấn thân sâu thêm vào kế hoạch kia rồi. Mặc dù mạo hiểm bởi vì trong cuộc đấu đá này không có hòa hoãn, chỉ có thành công hoặc thất bại, nhưng dù kết quả ra sao thì so với mấy năm trước đây, tôi đã trưởng thành hơn, mạnh mẽ và kiên gan hơn rất nhiều rồi.

Nhưng có phải là con người ta càng mạnh mẽ thì càng cô đơn không? Càng trưởng thành thì lại càng thấy cuộc đời này đơn điệu, ngay cả cười cũng không thể cười thật thoải mái được, phải không?

Tôi biết, dẫu tôi có trả thù thành công hay thất bại đi nữa thì sau tất cả, người thiệt thòi và đau khổ vẫn luôn là tôi, là gia đình tôi… Nhưng tôi chẳng còn cách nào cả.

Tâm trạng nặng nề nên tôi chỉ muốn uống bia đến lúc say rồi ngủ cho dễ, thế nhưng uống hết một lon, hai lon, đến nửa lon thì ba thì tự nhiên có một bàn tay vươn đến, giữ lấy lon bia trên tay tôi.

Sân bệnh viện giờ này vắng người, bệnh nhân thì đã ngủ mà bác sĩ cũng đang trực khoa. Chỉ có mình tôi ngồi dưới này mà bỗng nhiên có người xuất hiện làm tôi giật mình, ngẩng đầu lên nhìn thì thấy anh đã đứng trước mặt từ bao giờ. Trên người vẫn khoác áo blouse trắng, vẫn vẻ mặt ôn hòa sạch sẽ, vẫn mùi khử trùng thoang thoảng trong lành.

Anh hơi nhíu mày nhìn tôi:

– Đang điều trị, sao em lại uống bia?
– Không được hả anh?
– Y tá không dặn em trong thời gian đang điều trị thì không được dùng các chất kích thích à?

Tôi ngơ ngác ngẫm nghĩ, cuối cùng nhớ ra đúng thật hôm trước chị y tá đã nhắc tôi rồi nhưng tôi quên mất. Bị bác sĩ bắt gặp làm việc xấu, tôi chẳng có cách nào cả, đành miễn cưỡng nở nụ cười:

– À y tá có nhắc rồi nhưng em quên mất. Sao anh lại ra đây?
– Anh vừa từ trên khu cấp cứu về.
– Tối nay lại có ca mổ hả anh?
– Ừ. Vừa mổ xong rồi.

Anh cầm lấy lon bia của tôi rồi ngồi xuống, lúc này sương muối rơi càng lúc càng dày, mấy hạt nước nhỏ xuyên qua ánh đèn vàng, rơi đầy trên mái tóc ngắn của anh.

Tôi sợ anh ngồi đây sẽ cảm nên vừa muốn bảo anh lên khoa đi, nhưng lại vừa sợ cảm giác anh đi thật, tôi lại ngồi một mình ở đây, không có người ở bên. Trong lúc tôi ngần ngừ thì bỗng nhiên lại nghe anh nói:

– Tâm trạng lại không tốt à?
– Vâng. Ra ngoài hít thở không khí cho dễ chịu anh ạ.
– Hít thở không khí kèm uống bia.
– Lúc đầu em xuống đây hít thở không khí thật, nhưng sau lại mua thêm bia uống cho dễ ngủ.
– Em nghe câu này chưa?
– Câu gì hả anh?
– Mười năm sau những chuyện buồn ngày hôm nay rồi cũng trở thành chuyện trà dư tửu hậu.

Nghĩa là dù hôm nay có trải qua chuyện gì, thì mười năm sau mọi thứ cũng sẽ trở thành chuyện cũ trên bàn trà. Thứ gì rồi cũng sẽ qua.

Tôi cười cười:

– Anh thì sao? Có chuyện buồn gì không?
– Có, nhưng mỗi lần nghĩ đến câu nói kia thì không cảm thấy buồn nhiều nữa.
– Để em đoán nhé. Công việc thuận buồm xuôi gió, không có gì đáng buồn. Sự nghiệp tốt đương nhiên tài chính cũng tốt, không phải suy nghĩ chuyện tiền bạc. Thế thì chỉ còn một thứ thôi, chuyện tình cảm.
– Bao giờ em mở tiệm bói thì nhớ thông báo trước, anh đặt lịch đầu tiên nhé.
– Giá hơi đắt đấy bác sĩ nhé.
– Một nồi lẩu.
– Thế còn được.

Một cơn gió lạnh thổi qua, làm cành hoa phía trước mặt khẽ lay động. Tâm trạng của tôi bởi vì một người, vì những lời động viên đơn giản của người ấy mà dịu đi rất nhiều. Hơi men bắt đầu ngấm dần, tôi luyên thuyên nói chuyện:

– Trên đời này những chuyện xảy ra là những chuyện nên xảy ra mà. Anh cũng đừng buồn, anh là mẫu đàn ông lý tưởng của con gái bọn em đấy. Người thích anh nhiều như cá diếc ngang sông, vơ bừa cũng tóm được một nắm.
– Nhiều thế cơ à?
– Vâng. Em thấy mấy chị y tá với bác sĩ trong khoa hay nói về anh mà. Anh hơi bị nhiều Fan đấy. Thần tượng của bao nhiêu người.

Anh khẽ cười, bảo với tôi:

– Sao anh không biết nhỉ?
– Các chị ấy bảo anh có bàn tay vàng, vừa đẹp trai vừa giỏi chuyên môn, hiền nữa. À, còn được đi Nhật học, sau tương lai kiểu gì cũng rộng mở. Ai mà lấy được anh thì sung sướng cả đời.
– Em đừng nịnh anh, có nịnh thì ngày mai anh vẫn chưa duyệt cho em xuất viện đâu.
– Em nói thật mà, không nịnh nửa câu. Nhưng mà nếu ngày mai anh cho em xuất viện thì tốt quá.
– Chưa đủ ngày thì không được xuất viện đâu. Nịnh nọt vô ích.

Nghe xong câu này, tôi cũng phì cười. Nhưng sau khi cười lại bỗng nhiên nhớ ra một chuyện, cho nên tôi nói:

– Chuyện sáng nay, chồng em có hơi bất lịch sự, anh đừng để ý nhé.
– Anh không sao đâu. Em có sao không?
– Anh nghe câu này chưa?
– Câu gì em?
– Cuộc sống vốn là do từng chuỗi tiếc nuối tạo thành, quen rồi tự khắc sẽ không tính toán nữa.
– Đừng để nó thành thói quen, khắc phục được mới tốt.

Tôi quay sang nhìn anh, ánh mắt dừng ở bờ vai rộng lớn của anh, lúc đó thật sự chỉ muốn nói: “Anh cảm thấy nếu em ly hôn thì còn có cơ hội làm lại cuộc đời không? Tìm một người tốt như anh?”.

Thế nhưng tôi chưa đủ say để nói ra những điều đó, cho nên chỉ im lặng nhìn anh vài giây rồi quay đi.

Chúng tôi không ai nói chuyện nữa, không khí trầm mặc nhưng không có cảm giác gượng gạo, đơn giản chỉ là cứ ngồi cạnh nhau như vậy thôi.

Qua rất lâu sau đó, bỗng nhiên anh nói với tôi:

– Có chuyện gì thì cũng phải đối xử tốt với bản thân mình trước. Đang ốm thì đừng uống bia, ngồi ngoài này lâu cũng không tốt đâu. Sức khoẻ của mình là quan trọng nhất, nhớ không?

Yêu thích: 4.9 / 5 từ (87 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN