Mùa Hoa Thứ Hai Mươi Tư
Chương 25: Du viên
“Chúng ta chẳng phải ái luyến kiếp trước
Lại phiền lụy nửa mặt bình sinh
Nói rằng kiếp sau xuất hiện
Kiếp này bỗng chợt mơ thấy.”
(Trích hồi”Tầm mộng” trong vở”Mẫu Đơn đình”)
…..
Miên Nhi ngủ gật trong vườn xuân, mơ thấy một giấc mộng lạ kỳ.
Trong giấc mộng xuân ấy, nàng dường như đã trông thấy nghĩa phụ thuở thiếu thời.
Người ấy bạch y tao nhã, mặt đẹp tựa quan ngọc, giọng nói êm như tiếng cầm, đứng dưới gốc liễu xanh mướt. Người hái một nhánh liễu xanh, tặng cho nàng. Người đưa nàng dạo quanh khu vườn, hai người nắm tay lưu luyến đi qua từng phong cảnh, có lúc ngồi ở lương đình chơi cờ, có khi lại người bên lan can đọc sách, đưa mắt nhìn bầy cá tung tăng lượn bơi dưới ao nước xanh biếc một màu, tâm tình thư thái, tình ý dạt dào.
Đến khi ánh hoàng hôn buông xuống phía cuối chân trời, nàng tựa đầu vào vai người, cùng ngắm những tia nắng cuối cùng. Người hôn lên tóc nàng, khẽ nói:
“Chỉ nguyện làm uyên ương, chẳng mơ tiên.”
Nàng nắm lấy tay người, cúi đầu đỏ mặt, lại vẫn chẳng buông tay.
Đâu đó từ góc hí viện cạnh bên vẳng lại tiếng hát du dương:
“Chỉ vì người
Như hoa mỹ quyến
Tự thủy lưu niên.”
…..
Lúc tỉnh mộng, Miên Nhi thấy mình đang nằm trong tẩm thất, nghĩa phụ ngồi bên cạnh, trông thấy nàng đã tỉnh lại, lập tức lo lắng hỏi:
“Miên Nhi tỉnh rồi à? Có thấy khó chịu ở đâu không?”
Khóe mắt đã in hằn vết thời gian, mái tóc có đôi chỗ bạc, tuy rằng vẫn dung mạo tuyệt đại phong hoa ấy, nhưng nàng biết, đây không phải là người trong mơ, mà là đời thực.
“Tại sao Miên Nhi lại ở đây?” Nàng tựa đầu vào vai người, khẽ hỏi.
Thẩm Bạch thở dài, nói:
“Miên Nhi ngủ gật ở góc vườn, may là ta tìm thấy kịp lúc, nếu không đã ở bên ngoài cả đêm, chắc sẽ ngã bệnh mất.”
Miên Nhi ngước mắt nhìn người, bỗng nói:
“Lúc nãy Miên Nhi ngủ thiếp đi, rồi đã nằm mơ.”
Thẩm Bạch điểm nhẹ lên trán nàng, bật cười nói:
“Nha đầu mê ngủ này, ngủ gật ở ngoài vườn cũng nằm mơ được sao?”
Miên Nhi hé miệng cắn nhẹ vào đầu ngón tay của người, hắng giọng nhắc nhở:
“Miên Nhi còn chưa quên việc người làm đâu.”
Thẩm lão gia cười khổ, ôm nàng vào lòng, chậm rãi nói:
“Tử Khâm không phải muốn trêu đùa nàng, chẳng qua lo nghĩ quá nhiều, lòng dạ bất an mà thôi. Miên Nhi vẫn đương độ niên hoa, tuổi xuân rực rỡ, mà ta thì đã qua tuổi bất hoặc, chỉ sợ ngày nào đó nàng nghĩ lại sẽ hối hận. Ta không muốn ép buộc nàng, lại càng không dùng ân tình mấy năm nay hay bối phận trưởng bối để bắt nàng phải nghe theo mình. Ta muốn Miên Nhi được quyền tự lựa chọn tương lai của mình. Ví như Miên Nhi vui vẻ gả cho Tạ công tử… thì ta cũng sẽ buông tay chúc phúc. Miên Nhi có chịu tha thứ cho tấm lòng của người già lo nhiều nghĩ nhiều như Tử Khâm chăng?”
Nàng quàng tay ôm chặt lấy cổ người, nghiêm túc nói:
“Miên Nhi chỉ muốn gả cho Tử Khâm, từ đầu đến cuối vẫn luôn là Tử Khâm. Mặc kệ Yến vương hay là Tạ công tử, đều là người ngoài, Miên Nhi không để tâm đến họ. Miên Nhi yêu thích Tử Khâm không phải vì vẻ ngoài, chẳng phải là gặp người tốt hơn, ưu tú hơn thì lập tức thay lòng đổi dạ. Mặc kệ thế gian có bao nhiêu người tốt đẹp, trong mắt Miên Nhi chỉ có một mình Tử Khâm, không ai có thể thay thế.”
Nàng nói ra nhiều như thế, chẳng hề ngại ngùng, chỉ một lòng muốn trấn an nam nhân đang ôm mình trong vòng tay. Thẩm Bạch cúi xuống nhìn nàng, đáy lòng thoáng chốc thấy bình yên lạ thường. Trên đời này lại có một cô nương một lòng một dạ yêu người như vậy, đến từng chân tóc khóe mi của nàng cũng tràn đầy tình ý, thời thời khắc khắc đều không ngừng muốn bày tỏ tình thâm ý trọng.
Có được thê tử như thế, phu lang còn cầu mong gì hơn?
Người ôm nàng trong lòng, nhu tình triền miên, chỉ mong mãi mãi không rời, cho tới khi trời tàn đất tận.
Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão.
…..
Qua ngày hôm sau, trời xuân ấm áp, Miên Nhi mới có tâm tình dạo quanh khu vườn trong tòa biệt viện này.
Thẩm Bạch xây nên nơi này đã chọn một nơi rất vắng lặng u tĩnh, ba mặt giáp sông, chỉ có một con đường nhỏ thông với bên ngoài, cửa chính lại đối diện với tường thành Cô Tô cao vợi, chẳng khác chi một cô đảo cách biệt trần gian.
Nàng nhìn người, cười trêu:
“Tử Khâm đây là chán ghét hồng trần, muốn lánh xa thế tục hay sao? Quả là: Nhất khứ hồng trần tam thập lý, bạch vân hoàng diệp cộng du du.”
Thẩm Bạch lắc đầu cười, bảo:
“Tử Khâm quả là không thích thế tục huyên náo, nhưng cũng không muốn lánh xa thế tục. Miên Nhi chẳng nghe câu nói “tiểu ẩn vu dã, đại ẩn vu thị” (1) ư? Cảnh giới cao nhất của ẩn sĩ là giữa chốn đô thành huyên náo tìm thấy cho mình một góc thế ngoại đào viên.”
(1) Nghĩa là: Ở ẩn trong núi rừng là sự ẩn dật nhỏ bé, ở ẩn giữa phố thị mới là sự ẩn dật lớn lao.
Người vuốt tóc nàng, dịu dàng nói:
“Nơi nào có Miên Nhi, nơi đó chính là thế ngoại đào viên vậy.”
Miên Nhi nhẹ đẩy người ra, đỏ mặt nói:
“Văn nhân các người chỉ biết nói lời đường mật.”
Hai người khoác tay đi dạo một vòng quanh. Biệt viện này chia làm hai gian, viện Đông và viện Tây, ở giữa chính là khu vườn nho nhỏ đẹp đẽ tinh tế, đặt là Ngẫu viên, nối hai viện với nhau. Thẩm Bạch đưa nàng đến từng nơi, giới thiệu từng tên, có Song Chiếu lâu, Ngô Ái đình, Liên Châu kiều, Bích Hợp các,… Kiến trúc lại luôn sóng đôi, đối xứng, có đôi có cặp, hạn chế những thứ chỉ một mình đơn chiếc, rõ ràng là từng nhành cây ngọn cỏ, từng lầu các góc vườn, đều toát lên cảm giác phu thê ân ái, thần tiên quyến lữ, tỏ rõ là chốn quy ẩn của tình nhân.
Hành lang ở đây có vẻ dài và hẹp, trên đường đi cảm giác nặng nề thâm u, men theo hành lang cửu khúc đi về phía trước, bỗng nhiên bắt gặp một sảnh lớn rộng rãi, ánh sáng tràn vào, khiến người ta có cảm giác như người chìm vào mộng ảo hư hư thực thực.
Thẩm Bạch đứng bên lan can, đưa mắt nhìn nàng, khẽ nói:
“Mấy năm nay ta luôn dốc lòng xây dựng nơi này, nhưng tâm trạng u uất, cho nên mọi thứ đều có vẻ âm u ủ dột. Nhờ có Miên Nhi, mới có sảnh lớn này. Cũng giống như Tử Khâm ta, bao năm chìm trong bóng tối, bỗng nhiên tìm thấy ánh sáng nơi cuối đời, như người trong cảnh mộng chẳng biết thực hay ảo.”
Miên Nhi liếc mắt nhìn hòn giả sơn ở xa xa, thì thầm hỏi:
“Ban đầu người xây nơi này là vì nàng ấy ư? Thoạt nhìn rất có cảm giác ân ái hòa hợp, nhưng có đôi chỗ lại như phảng phất buồn thương, giống như hoài niệm ký ức đẹp đẽ.”
Thẩm Bạch nắm lấy tay nàng, khẽ giọng đáp:
“Vì nàng ấy, cũng là vì nàng.”
…..
*Tác giả: Nói một chút về Ngẫu viên. Tô Châu có vô số viên lâm cổ, nhưng khu vườn khiến mình ấn tượng nhất không phải là Chuyết Chính viên, Sư Tử viên hay Thương Lang đình nổi tiếng, mà lại là Ngẫu viên – một khu vườn tương đối nhỏ, không quá bề thế đồ sộ, nhưng lại tinh tế vô cùng. (Mình sẽ không nói là vì nó gần ở ĐH Tô Châu nhất, đi bộ cũng tới được đâu ha ha.:v Hồi đó tra xem viên lâm nào gần trường nhất, ra Ngẫu viên này, mình search hướng dẫn đi tàu điện ngầm thì Baidu map nó bảo gần quá đi bộ đi. (´д`ι))
Chủ nhân xây dựng nên Ngẫu viên là Thẩm Bỉnh Thành – một vị quan dưới thời nhà Thanh (là nguyên mẫu gợi ý cho mình tạo nên Thẩm đại thúc:v). Năm Đồng Trị thứ mười ba, ông cùng vợ về Tô Châu, xây nên khu vườn này. Ngẫu viên không tính là rộng, nhưng có nhiều địa danh với tên gọi rất đặc biệt: Song Chiếu lâu, Ngô Ái đình, Quan Ngư hạm, Thính Lỗ lâu,… Lại thêm lối kiến trúc thành đôi thành cặp, song song đối xứng, nơi nào cũng tràn đầy cảm giác phu thê ân ái, tỏ rõ là nơi phu thê quy ẩn điền viên. Thẩm phu nhân cũng là một tài nữ tài hoa phong nhã, trên tường ở viện phía Đông Ngẫu viên còn khắc bài thơ của vị phu nhân này: “Ngẫu viên trụ giai ngẫu, Thành khúc trúc thi thành.”
Ngẫu viên cho người ta tưởng tượng về khung cảnh phu thê ân ái nắm tay nhau thong thả ngoạn cảnh, vịnh thơ, bàn luận thi ca, nghe từ xướng khúc… Quả là cuộc sống thần tiên quyến lữ trong ước mơ của bao người. (≧▽≦)
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!