Nợ Đời - Chương 7: Học đặng làm bà
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
168


Nợ Đời


Chương 7: Học đặng làm bà


Phục bồng con nhỏ về nhà, con nhỏ khát sữa nó khóc, nên Phục phải vạch áo lên mà cho nó bú.

Ba Có ngó thấy thì chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng: “Không được, em cho nó bú rồi xệ cập vú còn gì!”

Phục nghe mấy lời thì lấy làm lạ, nên ngó sững Ba Có mà hỏi rằng:

– Vậy chớ nó khóc biết làm sao? Phần sữa căng khó chịu quá, nên để con bú bớt chớ.

– Qua tính cho em làm bà nầy bà kia, chớ qua có tính cho em nuôi vú đâu mà em lo cho bú. Phải tính thế nào, chớ qua không muốn cho em nuôi con nhỏ nầy chút nào hết.

– Không nuôi thì bỏ cho ai nuôi? Mình đổi con với người ta họ lại bù tiền cho mình nữa, không nuôi sao được.

– Không. Việc nuôi đó không có giao kèo. Mình muốn để nuôi cũng được, hay là muốn cho ai tự ý mình chớ. Mà em nuôi con của người ta làm chi? Nếu em nuôi nó, em cứ ở nhà ôm nó mà cho bú hoài rồi làm sao?

– Vậy chớ bỏ nó cho ai bây giờ?

– Qua tính để sáng mai qua bồng nó lên nhà nuôi mồ côi trên Tân-Định qua cho phứt rảnh.

– Chị tính sao cũng được, song em nghĩ con của mình họ đem về học nuôi tử-tế, còn con của họ giao cho mình mà mình đem bỏ nhà mồ-côi, coi cũng kỳ lắm chớ.

– Đời nầy chẳng có cái gì gọi bằng kỳ hết. Em tưởng họ đổi con của em đặng họ nuôi hay sao, đó là tại họ thương nó lắm hay sao? Có phải vậy đâu! Họ vì cái lợi trước mắt, họ muốn đoạt gia tài, nên họ mới làm như vậy chớ. Họ tính lợi thì mình dại gì mà bo-bo nhơn nghĩa. Họ bù cho em, chịu một ngàn đồng bạc, nhiều nhỏi gì đó, mà em phải thí thân đặng nuôi con cho họ. Không được đâu. Để qua đi mua một hộp sữa bò rồi khuấy mà cho con nhỏ bú đỡ tới sáng mai qua bồng nó qua đem cho nhà nuôi mồ côi. Nhan sắc của em cầu một muôn đồng bạc, biết qua chịu đổi hay chưa, có lẽ nào vì có một ngàn đồng bạc mà phải hủy cái nhan sắc ấy.

Phục sanh sản rồi thì sắc lại càng đẹp hơn trước, xinh bội phần, lưng eo, ngực nở, da trắng đỏ, mặt no tròn, cười hữu duyên, đi yểu điệu. Nó vẫn biết nó có sắc, nhưng mà nó nghe Ba Có khen, thì nó thẹn nên day mặt ngó chỗ khác.

Ba Có ngó liếc nó rồi nói rằng:

– Em đi nhà thương nằm sanh, về tiền xe, về tiền bánh hàng, về tiền đền ơn cho mụ, tốn hao không đầy 5 đồng bạc, mà mình có lợi bạc mặt được 370$. Còn 650$ nữa, để đó gắp gì mà đòi. Bề nào họ cũng trả, bởi vì qua biết họ sợ mình khai thiệt rồi hư việc của họ, bao giờ họ dám chối. Hiện bây giờ 370$ của em còn y nguyên đây, em muốn mua thứ gì em nói đi, đặng qua mua sắm cho.

– Bạc ấy là bạc của chị làm ra, chớ nào phải bạc của em mà em dám biết. Em nhờ chị mà em được no ấm lành mạnh đây, cái ơn ấy trả lớn lắm, em không biết làm sao mà đền được, có lẽ nào em dám nói tới việc bạc tiền với chị.

– Em đừng nói vậy. Qua nuôi em là muốn làm nên cho em, chớ không phải qua tính làm lợi cho qua đâu. Thiệt qua muốn có ý lợi dụng em, song lợi dụng đặng trả thù xã-hội chơi, chớ không phải lợi dụng đặng qua kiếm tiền. Để thủng thẳng ngày sau rồi em sẽ biết bụng qua. Còn em nói em mang ơn qua, em không biết làm sao mà báo đáp. Em muốn đền ơn cho qua thì không có khó gì, em cứ làm theo lời qua dạy, em không trái ý qua, bao nhiêu đó thì đủ đền ơn rồi. Qua nói trước cho em biết, qua không dạy việc hại cho em, mà qua cũng không muốn em làm không được việc đâu. Dầu lời qua dạy hay ý qua muốn, cũng đều mong làm lợi ích cho em mà thôi, nếu qua chung hưởng là hưởng cái vui được thấy trả oán trả thù đó thôi.

– Thân em nhờ có chị nên mới còn sống được như vầy. Em nói thiệt, dầu chị đem mà bán em đi nữa em cũng vui lòng. Vì chị không muốn tỏ tâm sự của chị cho em hiểu, nên em không rõ ý chị như thế nào. Nhưng mà chị dạy cách nào, chị muốn việc gì, em cũng làm theo hết thảy.

– Lời em nói đó, em phải nhớ đó.

– Em thề chẳng bao giờ quên.

Ba Có ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “ Sáng mai sẽ đem con nhỏ lên nhà mồ-côi qua cho. Còn số bạc mình kiếm được đây, mà dùng sắm chút đỉnh quần áo và nữ trang cho em, còn bao nhiêu phải để cho em học. Học chi có ích, phải học mới được”.

Phục thở dài mà đáp rằng:

– Hồi nhỏ vì cha mẹ em nghèo, nên em không đi học được. Bây giờ lớn rồi mà học giống gì?

– Nhỏ thì học theo nhỏ, bây giờ lớn thì phải học theo lớn, sao lại học không được. Em tưởng qua biểu em đi học đặng làm cô-giáo hay sao? Có phải vậy đâu. Học chi vậy cho mất ngày giờ, mà không danh vọng gì hết. Qua muốn cho em học đặng làm bà nhà giàu, hoặc làm bà Hội đồng, hay là bà Huyện, bà Phủ kìa mới sang trọng chớ.

– Có trường học như vậy hay sao?

– Trường của qua đây. Em không hiểu, để qua cắt nghĩa cho em nghe. Đời nầy đờn-ông trong xứ mình họ tấn bộ lung lắm; không phải họ tấn bộ về tài nghề, hay là về văn học, hay là về cơ xảo, hay là về đạo đức. Không, mấy khoa ấy họ không thèm ngó tới, mà nếu có ai học giỏi họ lại ganh ghét khích bác, nếu có ai mến đạo đức họ lại khinh bỉ ngạo báng. Họ tấn bộ có một khoa mà thôi, là khoa háo sắc. Tánh háo sắc của họ, không biết họ trau dồi thế nào, mà qua coi nó mạnh mẽ cực điểm, mạnh mẽ đến nỗi hễ thấy gái đẹp thì họ mết, không kể gì phẩm giá của gái son, không biết trọng chữ trinh cho đờn bà có chồng. Miễn là họ phỉ tình dục của họ thì thôi, dầu tốn hao bao nhiêu họ không cần, dầu phạm danh nghĩa thế mấy họ cũng không sợ. Cái đời như vầy đó nếu mình không nương theo mà cầu lợi cầu danh thì mình quê quá. Qua nói thiệt với em, vì cái tính háo sắc của đờn ông đó mà ngày nay thân qua mới ra như vầy đây. Nhắc tới thân phận của qua thì qua tức giận oán thù lắm. Tiếc vì qua không có sắc, mà lại trọng tuổi, nên qua không thể báo thù được. Em có sắc mà lại còn nhỏ, nên qua tính dạy em đặng trả thù cho qua, em chịu hay không?

– Em đã nói dầu chị đem em đi bán, em cũng vui lòng nữa, ấy vậy chẳng có việc gì chị dạy mà em không chịu.

– Được lắm. Qua tính dạy em học là dạy các điệu để cho đờn ông mê. Xưa rày qua đã dạy em cách đi đứng cho dịu dàng, dạy điệu nói chuyện cho thanh nhã, đã gần xong rồi. Bây giờ phải dạy cho em biết chữ quốc ngữ, đặng em đọc tiểu thuyết coi nhựt trình, rồi dạy em học đờn, học ca, học ngâm, học làm thuốc á phiện, phải dạy cho em thạo đủ mấy nghề ấy thì mới làm cho đờn ông mê được.

– Cha chả, học nhiều thứ quá, biết chừng nào mới rồi.

– Em đừng lo. Học các thứ một lượt, trong sáu tháng thì xong hết. Em cứ lo tiếp dưỡng cho thân thể cứng cáp đi, rồi khởi công mà học. Qua làm đốc học, qua cần mẩn thì chắc em học mau lắm.

Phục cười. Ba Có đi mua sữa đặng cho con nhỏ bú.

Sáng bữa sau, Ba Có kêu một cái xe kéo, biểu Phục đưa cái khai sinh của con Hai, rồi bồng con nhỏ mà đi, nói đem lên nhà nuôi mồ-côi trên Tân Định mà gởi cho họ nuôi.

Xe chạy vừa khỏi Đất-Thánh tây thì có một người đờn bà che dù đỏ, kêu mà hỏi rằng: “Chị Ba, chị đi đâu đó?”

Ba Có ngừng xe. Người đờn bà ấy đi lại, té ra là cô Năm Liêu, chị em quen biết hồi trước. Hai người mừng nhau, rồi cô năm Kiêu hỏi rằng:

– Chị bồng con đi đâu mà đứa nhỏ còn đỏ lắm-lói vậy?

– Không phải con của tôi. Con của họ, vì họ nghèo quá nuôi không nổi, nên họ mượn tôi đem cho nhà nuôi mồ côi.

– Hứ! Con đâu mà đem cho như vậy! Đâu đưa cho tôi coi thử. Con trai hay là con gái vậy?

– Con gái.

– Nè, con nhỏ ngộ quá há? Mặt dễ thương lắm chớ. Nó sanh được bao lâu rồi đây?

– Được tám, chín bữa.

– Mới sanh mà con nhỏ cứng quá. Tôi muốn xin đặng tôi nuôi chơi.

– Cô nuôi làm gì? Cô không có con hay sao?

– Đâu mà có. Bởi vậy nên tôi mới muốn nuôi chớ.

– Có muốn nuôi thì tôi cho cô nuôi, chớ để cho nhà mồ-côi cũng vậy.

– Tôi muốn xin tôi nuôi quá. Mình không có sữa, mình cho nó bú bằng sữa bò được không?

– Được lắm chớ.

– Con nhỏ nầy có khai sanh đủ phép hôn?

– Sao lại không có, đẻ nhà thương không khai sanh sao được.

– Thôi, tôi mời chị lại nhà tôi chơi, lại đó đặng tôi nói cho ở nhà tôi hay, rồi tôi lãnh tôi nuôi cho.

Cô Năm Kiêu kêu một cái xe kéo nữa, rồi dắt Ba Có về nhà ở đường Champagne. Chồng của Năm Kiêu là một tay đổ bác(#1), chớ không có nghề nghiệp chi hết, song ăn mặc sung sướng, nhà cửa hực hỡ, tuy ở một căn phố mà dọn dẹp vén khéo sạch sẽ lắm.

Cô Năm Kiêu nói chuyện mình muốn nuôi con nhỏ cho chồng nghe, thì người chồng bằng lòng, và lấy 5$ mà đưa cho Ba Có, mượn đem về đưa cho mẹ con nhỏ. Ba Có giao con nhỏ với lá khai sanh rồi lên xe trở về, nói dối với Con Phục rằng người ta có cho 5$. Phục tin Ba Có, nên không gạn hỏi chi hết.

Một tháng vừa qua, thì thân thể của Phục đã mạnh khoẻ lại như xưa, mà Ba Có cũng đã sắm vi-kiến cho nó đủ rồi hết, may áo quần thêm, mua giầy thêu, mua khăn sạt, mua một chiếc vòng cẩm thạch, mua một đôi bông nhận hột sa-lông.

Từ nay, bữa nào cũng vậy, hễ ăn cơm chiều rồi thì Ba Có trang điểm cho Phục, biểu đánh răng cho trắng, dạy thoa son làm môi đỏ, biểu chuốt móng tay rồi nhuộm phao hồng hồng, biểu dồi phấn từ mặt cho tới cổ, cho tới bàn tay bàn chưn, rồi chị em dắt nhau đi ra Bến Thành mà chơi. Chị thì cứ mặc đồ đen, còn em thì cứ bận quần trắng áo màu. Khi màu tím, khi màu hột gà, khi màu khói nhang, khi màu biếc.

Phục đã có sắc sẵn, mà bây giờ nó ra mã đờn bà, lại nhờ trang điểm khéo, y phục tốt, nên sắc đẹp càng bội phần, đẹp vì cái gương mặt có vẻ hiền từ, đẹp vì hình vóc đề đạm, má dong dãy, nhứt là đẹp về cái miệng cười rất có duyên, vì tiếng nói dịu dàng, đi đứng yểu điệu. Những trai đi chơi chẳng có mặt nào gặp mặt Phục mà không liếc ngó, chẳng trầm trồ.

Một buổi chiều, hai chị em ngồi chơi tại một cái băng, ngoài đường kính lấp. Cách một hồi có hai thầy, ở phía dưới mé sông đi lên, rồi cũng ngồi xề nơi cái băng ấy, phía đằng kia, một thầy trạc trừng 22-23 tuổi, một thầy trạc trừng 25-30 tuổi, thầy lớn bận đồ tây, thầy nhỏ bận đồ mát, song bận đồ lụa trắng mới tinh, lại chưn mang giầy hàm ếch cũng mới. Thầy lớn nói với thầy nhỏ rằng:

– Hồi hôm toa đờn bản gì hay quá, mỏa ngồi mỏa nghe cảm hết sức.

– Chắc là anh nói bản Văn Thiên Tường chớ gì.

– Mỏa không biết tên bản gì. Để bữa nào toa đờn lại, rồi tới cái bản đó mỏa sẽ chỉ cho toa.

– Hồi hôm tôi đờn cây tranh, mà anh khen hay, chắc là anh khen bản Văn-Thiên-Tường chớ gì. Anh chưa nghe tôi đờn cây kìm. Trời ơi, cầm cây kìm mà tôi đờn nam thì ngư trầm lạc nhạn nghen anh. Để bữa nào tôi đờn cho anh nghe thử coi.

– Toa đờn kìm còn hay hơn nữa sao?

– Đúng lắm. Ở đất Vĩnh Long các thầy đờn đều cho tôi tươi nhứt về cây kìm.

Hai thầy nói chuyện tới đó thì Ba Có xen vô mà hỏi rằng: “Xin lỗi thầy, không biết thầy dạy đờn thì thầy ăn bao nhiêu tiền công, một bản là bao nhiêu vậy thầy hả?”

Thầy lớn cười ngất mà đáp rằng:

– Tôi có biết đâu.

– Nãy giờ tôi nghe thầy nói chuyện đờn, tôi tưởng thầy dạy đờn chớ.

– Phải. Thầy đờn hay lắm, ngón tươi, nhịp chắc, mà thẩy làm thầy thông chớ không phải làm thầy đờn.

Thầy nhỏ bận đồ mát, kêu bằng thầy tư đó, day qua hỏi cô Ba Có rằng:

– Cô hỏi thầy đờn chi vậy?

– Tôi muốn cho con em tôi đây học ít bản đờn tranh, ít bản đờn kìm, mà không biết thầy đờn ở đâu đặng cho nó học.

Hai thầy nghe như vậy bèn liếc mắt ngó Cô Phục.

Phục ngồi nghiêm chỉnh, cứ ngó ngay trước mặt, dường như không dè người ta nhìn mình.

Thầy lớn nói với Ba Có rằng:

– Cô muốn cho cô em học đờn thì cô nói với thầy tư đây thẩy dạy dùm cho được mà. Thẩy có thua thầy đờn nào đâu.

– Thẩy làm thầy thông thầy ký, tôi đâu dám vô phép mà cậy thẩy dạy em tôi.

– Được mà. Thẩy không có vợ con, ban đêm thẩy thả đi chơi bậy cũng vậy, thẩy dạy dùm còn có ích hơn, không biết chừng thẩy dạy mà thẩy không ăn tiền công nữa.

– Nếu thẩy không ăn tiền công thì tôi đâu dám cho học. Bẩm thầy, không biết học đờn một bản phải trả bao nhiêu tiền?

Thầy nhỏ cười mà đáp rằng:

– Cái đó không có chừng, tuỳ theo tài của ông thầy, mà cũng tuỳ theo thế lực của học trò nữa. Học thành thục rồi có người họ đền ơn 3 đồng một bản, có người đền ơn 5 đồng một bản, có người tới 10 đồng.

– Xin lỗi thầy tư, không biết nhà thầy ở đâu vậy thầy Tư?

– Tôi không có dọn nhà riêng, Tôi ở đậu với anh tôi ở đường Bourdais.

– Té ra cũng gần tôi mà. Hai chị em tôi ở đường Louvani. Tôi ở dãy phố 20 căn đó, nhà tôi số 72. Mời hai thầy bữa nào có đi chơi vô ngã đó, ghé nhà tôi uống nước. Tôi ở nhà có hai chị em, chớ không có ai hết.

Ba Có nói dứt lời rồi liền đứng dậy rủ Phục xuống chợ cũ mua trái cây và cúi đầu từ hai thầy mà đi, Phục cũng chắp tay cúi đầu mà từ giã, bộ nghiêm nghị lắm.

Đi được một khúc, Ba Có nói nhỏ với Phục rằng:

– Em đừng ngó lại chỗ hai thầy ngồi đó nghen hôn.

– Sao vậy?

– Nếu mình ngó lại, thì người ta biết mình ngó chừng, rồi người ta cho mình là bọn “tứ thời” đi trêu bẹo người ta. Mình đừng thèm ngó lại, họ mới mê mà đi theo mình.

– Chị nói phải lắm.

– May quá đi chơi tầm bậy mà kiếm được thầy cho em học đờn học chữ chớ.

– Người ta làm thầy thông, người ta đương chịu dạy mình a.

– Dạy mà. Để rồi em coi, tối nay thầy sẽ lại nhà mình; lại mà dạy dùm mà không ăn tiền đâu.

– Sao chị biết? Thầy có hứa dạy đâu.

– Em quê mùa qúa! Qua thấy cặp nhãn của thẩy thì qua đã biết thẩy mê em rồi. Qua nói thẩy sẽ tới nhà mình, em muốn cá bao nhiêu qua cũng cá hết. Thẩy nói thẩy không có vợ, qua nói mình ở nhà có hai chị em, có cái gì ngăn cản đâu mà thẩy không lại nhà mình?

– Chị đoán như thầy bói.

Hai chị em đi vòng xuống chợ cũ rồi thủng thẳng trở về nhà, nhắc ghế để trước cửa mà ngồi nói chuyện chơi. Thiệt quả, lối 8 giờ tối thì thầy Tư bận đồ mát hồi chiều đó thủng thẳng đi ngang qua, day mặt vô phố dòm kiếm số nhà. Ba Có khều tay Phục mà chỉ, rồi bước ra chào thầy, mà mời thầy ghé nhà chơi.

Thầy Tư nầy tên Cao con của Hương sư Hàng ở Vĩnh Long. Thầy mới 22 tuổi, thi ra trường rồi xin đi làm việc tại phòng văn quan Đốc lý thành phố Saigon đã được một năm rồi mà chưa cưới vợ. Thầy ở đậu tại nhà một người anh nhà bác, là ông Phán Khải, làm việc sở Tạo-Tác.

Ba Có tiếp thầy Tư Cao vô nhà, mời thầy ngồi, hối Phục rót nước trà, lấy thuốc điếu mà đãi.

Thầy Tư Cao bợ-ngợ, không dám ngó Phục, thầy nghĩ không lẽ ngồi lặng thinh hoài, nên thầy nói rằng: “ Đường nầy mát quá, ban đêm tôi hay đi chơi phía trên nầy hoài mà không dè chị ở đây”.

Ba Có nghe thầy kêu bằng chị, thì hiểu ý thầy, nên cười mà nói rằng:

– Bây giờ biết rồi thì tối thầy lên chơi, tôi có chồng mà chồng tôi ban đêm về nhà lớn trên Chí Hoà, không có đây. Tôi ở nhà có hai chị em. Con Hai đây là con của dì tôi nó gốc ở dưới Cai Lậy, nó lên ở với tôi đặng học đờn học chữ cho biết chút đỉnh với người ta. Hồi chiều tôi nghe nói thầy đờn hay. Nếu thầy vui lòng dạy dùm con Hai thì tôi mang ơn thầy lắm.

– Nếu cô Hai muốn học với tôi, thì có lẽ nào tôi dám từ, song tôi mắc làm vệc, ban đêm mới rảnh được.

– Thì cầu học ban đêm cũng đủ mà. Đêm nào thầy rảnh thì lên dạy dùm nó ít giờ, cần gì phải dạy tới ban ngày. Nè, mà nó nghèo, nhưng thầy dạy thì tôi xin thầy ăn tiền công re rẻ vậy nghe hôn, chớ thầy đòi mắc quá, nó không có tiền mà trả đa.

– Không mà. Tôi dạy dùm cô Hai mà chơi, chớ tiền gạo gì.

– Thầy không ăn tiền, tôi sợ thầy dạy không hết lòng chớ.

– Không ăn tiền dạy mới kỹ đa chị.

– Thầy làm như vậy thì ơn nghĩa lớn quá, con em tôi làm sao mà đền đáp cho nổi.

– Tôi làm ơn nghĩa thì cô Hai lấy ơn nghĩa mà đáp, có khó gì.

Phục bước lại mời thầy Tư Cao uống nước, liếc mắt hữu tình ngó thầy, miệng cười như hoa bán khai mà nói rằng:

– Thưa thầy, thầy mới biết em mà thầy nói như vậy, thì em cảm-tình lắm. Song em xin tỏ với thầy, ví như thầy muốn làm ơn nghĩa với em, chẳng phải em sợ em không có đủ ơn nghĩa mà đáp lại. Ngặt vì đời nầy là đời kim tiền, nếu em dùng ơn nghĩa mà đáp ơn nghĩa, em sợ trái mùa chăng?

– Đời kim tiền, mà mình làm nhơn nghĩa, mình mới cao chớ.

– Cao thì mệt.

– Mệt mà vui.

Trai gái ngó nhau, mắt liếc miệng cười, coi tâm đầu ý hiệp lắm. Ba Có thấy vậy thì nói rằng:

– Nè mà thầy dạy nó học đờn, thầy phải tập nó ca nữa đa, nghe hôn.

– Cô Hai muốn học thứ gì tôi cũng dạy hết thảy.

– Nó muốn học chữ quốc ngữ nữa.

– Cũng được nữa.

– Chừng nào khởi công dạy?

– Nếu cô Hai muốn học gấp, thì tôi dạy liền bây giờ cũng được. Ở nhà có đờn hay không?

– Không có. Để mai đi mua mới học được.

– Chị khỏi mua. Tôi có đờn sẵn, để tối mai tôi đem lại tôi dạy.

– Thầy sẵn lòng như vậy thì con Hai mang ơn lắm.

Ba Có bỏ đi ra đằng sau, để con Phục nói chuyện với khách cho thong thả.

Thầy Tư Cao mê-mết, ngồi nói chuyện chơi tới 11 giờ khuya mới chịu về.

Đêm sau Thầy Tư đem một cây kìm với một cây tranh lên mà dạy Phục học. Ban đầu còn ké-né e lệ, dạy trong vài đêm rồi, thì tình biết tình, nghĩa thắm nghĩa, gió trăng mang mát, ong bướm vởn vơ, khi thì dạy đờn, khi thì dạy ca đến khuya tối dắt nhau ra chợ ăn mì, khi thì chong đèn trò chuyện sáng đêm, khắng khít thề nguyền tràn-trề ân ái.

Trong mấy tháng mà Phục đã đờn được ít bản tranh, ít bản kìm, biết ca trúng nhịp, lại biết đọc nhựt báo, thầy dạy đã không tính tiền công, mà lại sắm giường sắt, mùng lưới cho học trò nằm, sắm một đôi bông xoàn cho học trò đeo, sắm một bộ dây chuyền, sắm áo sắm quần, sắm giầy sắm dép, không thiếu vật chi hết.

Một đêm thứ bảy, Thầy Tư Cao mắc đi ăn tiệc với chúng bạn, thầy không lên nhà Ba Có được.

Phục nằm trên ván mà nói chuyện với Ba Có, chậm rãi nói rằng: “Thầy Tư thẩy thương em lung lắm, thầy nói hễ thẩy xa em chắc thẩy chết. Em muốn thứ gì thẩy cũng mua cho hết thẩy. Không biết tại sao mà em biểu thẩy làm hôn thú đặng vợ chồng dọn về ở chung với nhau, thì thẩy cứ làm lơ hoài”.

Ba Có nghe mấy lời thì lồm cồm ngồi dậy ngó phục mà hỏi rằng:

– Em muốn làm hôn thú chi vậy hử?

– Làm hôn thú cho chắc chắn chớ chi.

– Trời đất ơi! em quên lời qua dặn rồi sao? Qua đã có nói với em; phận mình là đờn bà, họ muốn mình là họ muốn làm cho phỉ cái tình dục của họ, chớ không có nghĩa gì hết. Qua đã có khuyên em; ở đời phải tập tánh lại, phải rèn lòng đúc trí cho cứng như sạn như đá, đừng thèm thương ai, đừng thèm giận ai thì mới khỏi bị người ta lường gạt, sao em chưa thoát khỏi cái biển nầy? Em tưởng thầy Tư thương em lắm sao? Chớ chi thẩy thương thiệt, thì thẩy đã về nói với cha mẹ thẩy mà cưới em rồi. Mà qua nuôi em, qua dạy em, có phải qua tính cho em làm cô thông thím ký đâu; qua muốn cho em làm “bà” kìa chớ. Em làm vợ Thầy Tư sang trọng sung sướng gì đó mà mong? Thẩy ăn lương một tháng ít chục đồng bạc, nếu em làm vợ thẩy thì bất quá người ta kêu em là “ cô thông” mà em phải xách rổ đi chợ, em phải vô bếp nấu ăn, rồi sau em sanh con, em phải ẵm bồng cho bú cực khổ. Qua làm lơ để cho em ân ái với thầy Tư, là qua muốn trước cho em học đờn, học ca, học chữ, sau nữa cho em có vi kiến đủ mà cao bay xa chạy. Nay em học gần thành, mà vi kiến cũng có ít đỉnh rồi, qua đương tính kế dứt dây cho em bay cao, sao em lại tính buộc chưn buộc cẳng.

– Nếu dứt dây thì tội nghiệp cho thầy lắm.

– Hứ! em quên mau quá! Tội nghiệp! Tội nghiệp! vậy chớ hồi đó họ dứt dây em đó, họ có tội nghiệp cho em hay không?

Phục nằm lặng thinh một hồi lâu rồi ngồi dậy mà nói rằng: “ Chị nói phải. Em học còn non một chút. Em hứa chắc với chị từ rày về sau em không dại như vậy nữa đâu”. Thà là em gạt thiên hạ, chớ em không để cho họ gạt em nữa.

Ba Có gặc đầu và cười.

Cái vấn đề muốn đặt cho cô hai Phục làm Bà, là một vấn đề quan hệ của Ba Có, ngày đêm chị ta chẳng hề quên. Chị ta nghĩ nếu muốn cho Hai Phục làm “Bà lớn” thì trước hết phải cho lộn vào đám giàu sang. Mà muốn đạt được cái mục đích ấy thì điều cần nhứt là phải có tiền đặng sắm áo quần cho tốt, lên xe xuống ngựa thì mới được chen lộn vào đám giàu sang được.

Tuy mấy tháng nay Thầy Tư Cao có phụ tiền cho Phục ăn xài cũng bộn, nhưng mà số bạc của cô Cai Tổng Lung đưa hồi trước nó tiêu mòn lần lần, còn không đầy một trăm. Tuy thầy Tư Cao có sắm áo quần nữ trang cho Phục nhưng mà những đồ ấy là đồ tầm thường, không đủ làm cao phẩm giá cho Phục được. Vậy phải đi Cần Thơ kiếm vợ bé của thầy Cai Tổng Lung mà đòi tiền.

Ba Có hễ tính rồi thì làm liền. Chị ta nói cho Phục hay rồi một mình tuốt xuống Cần thơ.

Lê thị Mẹo sanh cho thầy Cai Tổng Lung một đứa con trai thì thầy coi như vàng như ngọc, nên thầy đã đem mẹ con cô về ở chung tại nhà lớn, vợ lớn của thầy yếu thế nên không dám cằn nhằn ngăn cản chi hết.

Thị Mẹo thấy Ba Có đến nhà thì biến sắc, song mấy tháng nay cô dấu đút để dành đã đủ số bạc rồi. Cô nói với vợ chồng thầy Cai Tổng rằng Ba Có là người cô kết làm chị em hồi lúc cô nằm nhà thương mà sanh, nay có dịp đi Cần Thơ nên ghé thăm cô. Ba Có là tay thợ, muốn có tiền chớ không phải muốn hại ai làm chi, bởi vậy vừa thấy mặt cô cai nhỏ thì chị ta mừng rỡ, hỏi thăm lăng xăng, bồng thằng Lăng mà nựng, làm bộ coi như thân thích lắm vậy. Vợ chồng thầy Cai niềm nỡ, không nghi đều chi hết, lại cầm ở chơi bữa sau mới về.

Tối lại thừa lúc không có ai, Ba Có mới nói nhỏ với thị Mẹo rằng: “Chị em tôi nghèo quá, nên xuống đây cậy cô cho mượn tiền về xài”.

Thị Mẹo gặc đầu, ngó trước ngó sau không thấy ai, mới móc túi lấy một gói mà đưa cho Ba Có nói rằng: ”Tôi trả đủ số sáu trăm rưỡi, chị trao cái giấy cho tôi hồi trước đó lại cho tôi”.

Ba Có bước ra sàn đếm bạc, rồi trở vô giao cái giấy cho cô Mẹo. Hai người ngó nhau mà cười.

Thị Mẹo hỏi nhỏ rằng:

– Con Hai mạnh giỏi thế nào chị?

– Xổ sữa lắm. Biết trườn rồi.

– Chị làm ơn nuôi dùm nó.

Ba Có gặc đầu khoác tay, rồi hỏi nhỏ lại rằng: “Thầy cai có nghi hay không?”

Thị Mẹo lắc đầu và cười.

Sáng bữa sau, Ba Có trở về Saigon. Có tiền nhiều chị ta mới đặt may y phục, và dọn chỗ Phục ở rất đẹp đẽ. Mỗi buổi chiều chị ta buộc Phục phải ngồi xe-kéo đi chơi một vòng, và mỗi tối thứ bảy chị ta lại dắt đi coi hát Cải-Lương hoặc đi coi hát bóng.

Cô Hai Phục đã có sắc khuynh thành, mà lại còn biết đờn ca, văn nói khôn khéo, bởi vậy những ông giàu sang ăn chơi ai cũng trầm trồ gắm ghé.

Phục đã nổi danh chút đỉnh; may lúc ấy có một Hội phước thiện tổ chức một cuộc lễ để lấy tiền cứu giúp nạn lụt, lại có bày cuộc đấu sắc đẹp. Cuộc thi ấy cô giựt được giải nhứt. Các nhựt báo đều đăng tên của cô, chân dung của cô mà khen ngợi làm cho danh tiếng của cô bừng lên, từ Nam chí Bắc ai cũng đều biết mặt “Cô Hai Phục” là gái đẹp nhứt trong Lục Tỉnh.

Khách làng chơi lại càng xôn xao hơn nữa, đem xe tới dành nhau mà rước cô đi chơi, phải tốn bạc trăm mới nói chuyện được với cô. Từ rày cô Hai Phục thường có bạc ngàn trong nhà, bề ăn xài chẳng khác bực giàu sang.

Thầy Tư Cao tỏ ý không muốn cho cô đi chơi. Cô chau mày hỏi rằng: “Thầy đủ sức chịu mỗi tháng 500$ cho tôi xài hay không, mà thầy không muốn cho tôi đi đờn ca?”

Thầy Tư Cao cúi đầu, không trả lời, mà sắc mặt buồn lắm.

Chú thích:

(1-) bài bạc

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN