Con Nhà Nghèo - Chương 6b
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
145


Con Nhà Nghèo


Chương 6b


Tánh bà Chủ Khanh mau mắn nhậm lẹ, đi về dọc đường bà đã muốn trổ mặt làm mai, ngặt vì xe bánh sắt khua rầy tai, lại bà ngồi cách quan Kinh lý, nên bà không nói được. Về đến nhà rồi thì bà liền khuyên chồng phải liệu thế nào mời quan Kinh lý qua đặng cho bà nói chuyện. Không phải Hương chủ trái ý với vợ, nhưng vì ông mời nhiều lần quá, bây giờ ông ái ngại, nên dục dặc đến ba bốn bữa mà ông chưa chịu đi.

Thình lình một buổi tối, quan Kinh lý rảnh việc lại thấy trời thanh bạch, ông bận đồ mát đi lên cầu đứng hứng mát rồi ông đi luôn xuống thăm vợ chồng Hương chủ. Bà Chủ hết sức mừng rỡ lật đật hối bầy trẻ đốt đèn măng – sông, chế nước trà mới. Quan Kinh lý chưa nói chuyện với ông Chủ được mấy câu thì bà Chủ đã hỏi rằng:

– Bẩm quan Kinh lý, ông nhắm coi nhà của anh Hội đồng mà ông ra chơi bữa hổm đó được hay không?

– Được là sao? Nhà cửa rộng rãi đồ đạc đẹp lắm, coi được chớ sao lại không được.

– Không. Tôi muốn hỏi chuyện kia kìa.

– Ý bà muốn hỏi chuyện chi?

– Ông nghĩ vợ chồng ảnh thế nào?

– Hai ông bà là người giàu có, tuy ở đồng ở ruộng, song tiếp khách tử tế lắm.

– Còn con gái nhỏ của ảnh, ông nghĩ thế nào?

– Tôi đâu dám nghĩ đến sự đó. Có lẽ nào đến nhà người ta tiếp đãi trọng hậu rồi về dị nghị con gái người ta.

– Có hại chi đâu. Theo ý quan Kinh lý thì con nhỏ đó coi được hay không?

– Cô dạn dĩ, không trắng mà gương mặt coi đẹp, nhứt là cặp con mắt cô lanh lắm.

– Quan Kinh lý coi thiệt là kỹ.

– Tôi ở chơi gần một ngày, cô ra vô qua lại trước mặt tôi hoài, tự nhiên tôi phải ngó thấy, chớ có phải là tôi chú ý cô đâu.

– Tôi muốn làm mai nó cho quan Kinh lý quá; không biết quan Kinh lý chịu hay không?

– Bà hỏi câu đó tôi không dám trả lời.

– Sao vậy?

– Bởi vì việc đó quan hệ, tôi trả lời bất tử vậy sao được.

– Hôm quan Kinh lý mới đến, quan Kinh lý có biểu vợ chồng tôi coi có chỗ nào tử tế thì chỉ giùm đặng quan Kinh lý cưới vợ. Tôi nghĩ tôi có một đứa cháu đó, tuy nó quê mùa thiệt thà, nhan sắc coi vừa được chớ không ngộ cho lắm, song nó là con nhà giàu có tử tế, có lẽ làm bà Kinh lý cũng xứng đáng. Bẩm quan Kinh lý bữa nay tôi xin tỏ thiệt với quan Kinh lý, vợ chồng tôi muốn cho quan Kinh lý thấy con nhỏ đó, nên vợ chồng tôi tọc mạch nói với anh Hai chị Hai tôi mời quan Kinh lý ra nhà chơi đó.

– Trời ơi! Vậy mà ông Chủ không thèm nói trước cho tôi biết chớ! Ông nầy thiệt là bất nhơn!

Hương chủ Khanh cười hì hì và đáp:

– Nói trước làm chi, để tự nhiên cho ông coi chớ. Nói cho ông biết trước, rồi ông mắc cỡ, ông ngó chán chường đâu.

Quan Kinh lý ngồi lặng thinh suy nghĩ. Bà Chủ ngồi ăn trầu, bà xỉa thuốc sống ngoài rạch mà nói:

– Cách đi coi vợ phải làm như vậy đó, chàng rể coi mới kỹ lưỡng được. Tôi thấy họ coi vợ làm sao mà con dâu ở trong buồng nó xẹt ra như tên bắn, nó xá vài cái rồi xây lưng đi vô liền. Có nhiều chàng rể vô ý thấy cái mặt không kịp, thấy có cái lưng mà thôi.

Quan Kinh lý châu mày thở ra mà nói:

– Hai ông bà báo hại cho tôi mang lỗi nhiều quá!

Hương chủ cười và hỏi:

– Có lỗi chỗ nào đâu?

– Lỗi với cha má tôi nhiều lắm.

– Sao vậy?

– Chẳng giấu hai ông bà làm chi, cha mẹ tôi bây giờ có trâu có ruộng, chớ hồi tôi còn nhỏ thì trong nhà không mấy gì khá cho lắm. Tuy vậy mà cha mẹ tôi sanh một mình tôi, quyết chí cho tôi ăn học đến nơi đến chốn, đặng ngày sau tôi trở nên người phải nối nghiệp tổ tông. Tôi đi học mười mấy năm trường, cha mẹ tôi tốn hao với tôi không biết bao nhiêu mà kể, lớp bánh hàng, lớp quần áo, lớp sách vở, lớp thuốc men. Nay tôi học đã nên rồi, nghĩ lại công ơn cha mẹ tôi lớn không biết chừng nào mà nói. Hôm bữa tôi thi đậu rồi về thăm nhà thì cha mẹ tôi tính việc cưới vợ cho tôi. Vả việc hệ chồng là việc hệ trọng, đạo làm con phải để cho cha mẹ định cho vui lòng cha mẹ, bởi vậy tôi có thưa với cha mẹ tôi, muốn định nơi nào tôi cũng bằng lòng hết thảy, chớ tôi không dám tự chuyên. Hôm nay tôi không có thưa cho cha mẹ tôi hay, mà tôi đi coi vợ, là sái lễ nghĩa quá. Việc nầy thiệt tôi ăn năn không biết chừng nào cho hết.

– Ông giữ theo xưa quá. Phải, việc cưới vợ cho mình thì phải để cho cha mẹ đứng cưới. Mà mình chọn lựa vừa con mắt mình rồi mình thưa cho cha mẹ hay, đặng cha mẹ đi nói mà cưới cho mình, làm như vậy có lỗi gì đâu.

– Sao lại không lỗi? Chớ chi tôi gặp ngoài đường, hay là tình cờ tôi tới nhà chơi mà ngó thấy, thì chẳng nói làm chi. Ngặt vì ông Hội đồng bày ra một cái lễ hẳn hòi, nghĩ lại thiệt rõ ràng là lễ coi vợ. Tôi làm con mà coi vợ trước cha mẹ, thiệt tôi quấy nhiều lắm. Tôi trách ông Chủ bà Chủ, tại hai ông bà mà tôi mang lỗi với cha mẹ tôi. Chớ chi hai ông bà nói trước cho tôi biết, đặng tôi thưa cho cha mẹ tôi hay, như cha mẹ tôi bằng lòng thì dắt tôi đi coi, làm như vậy mới trúng lễ nghĩa.

Ông Chủ không cãi được nữa. Bà Chủ bèn thay chồng mà trả lời:

– Quan Kinh lý nói như vậy thì phải lắm. Nhưng theo ý tôi thì việc nầy cũng chẳng hại gì. Bây giờ quan Kinh lý gởi thơ cho ông bà dưới nhà mà thưa rằng quan Kinh lý nghe một chỗ tử tế người ta muốn gả con cho quan Kinh lý nên mời ông bà lên coi. Ông bà lên đây rồi tôi dắt đi coi, quan Kinh lý thấy thêm một lần nữa, thì càng rõ ràng hơn, chớ có hại chi đâu.

– Có lý nào mà tôi dám nói dối với cha mẹ tôi. Làm con mà giả dối với cha mẹ như vậy sao cho phải.

– Nếu quan Kinh lý có ngại thì thưa thiệt rằng quan Kinh lý đi chơi, ngó thấy con nhỏ đó rồi, quan Kinh lý ưng bụng, nên mời ông bà lên coi, tôi tưởng cũng không có lỗi gì.

– Tôi trách hai ông bà lắm.

– Quan Kinh lý trách thì vợ chồng tôi phải chịu. Nhưng mà lời trách nầy oan cho vợ chồng tôi lắm. Xin quan Kinh lý nhớ lại coi ngày quan Kinh lý mới đổi lại, vợ chồng tôi hỏi thăm thì quan Kinh lý nói chưa có vợ và cậy vợ chồng tôi chỉ giùm. Tại quan Kinh lý nói như vậy nên vợ chồng tôi mới dám làm mai chớ.

– Tôi xin chỉ giùm, thì bà chỉ, chớ sao dắt tôi đi coi, mà không nói trước cho tôi biết. Tôi phiền là phiền chỗ đó. Nếu nói trước thì tôi thưa cho cha mẹ tôi hay, như cha mẹ tôi không lên được, và cho phép tôi đi coi thì tôi mới dám.

– Thôi, bây giờ tôi hỏi thiệt quan Kinh lý, vậy chớ quan Kinh lý coi con cháu tôi đó được hay không?

– Bà hỏi câu đó khó cho tôi trả lời quá. Được hay không được tự ý cha mẹ tôi chớ tôi đâu dám nói.

– Không. Đã biết việc cưới vợ thì để cho cha mẹ định, nhưng mà quan Kinh lý nói thử nghe chơi, coi quan Kinh lý có chê chỗ nào hay không chớ.

Quan Kinh lý ngồi suy nghì một hồi mới đáp rằng:

– Tôi thấy là thấy tướng mạo mà thôi chớ tôi có biết tánh tình thế nào đâu mà dám chê hay khen.

– Tướng mạo nó đó coi được không?

– Theo tướng thì tôi không chỗ nào chê được, nhưng mà cưới vợ cần phải chọn lựa tánh tình, chớ tướng mạo không can hệ gì cho lắm.

– Con cháu tôi nó thiệt thà lắm. Con nhà giàu có, mà nó không kiêu hãnh, nó không hỗn láo với ai hết, bởi vậy tá điền tá thổ ai cũng yêu mến. Nó cũng không chịu a dua như con người ta, cha mẹ sắm cho vật gì thì sắm, nó không đòi vật gì hết. Tôi là cô nó không lẽ tôi thêu dệt nhiều lời. Chừng quan Kinh lý cưới nó rồi, thì sẽ thấy mấy lời tôi nói đó có quả thiệt như vậy hay là lời chuốt ngót.

Quan Kinh lý nghe nói mấy lời thì ông chúm chím cười hoài. Bà Chủ muốn buộc cho mau nên bà lại nói rằng:

– Hai vợ chồng anh Hội đồng của tôi khó lắm, kén rể thất kinh. Mấy chỗ đi nói rồi, chỗ nào cũng xứng đáng quá chớ, mà ảnh chỉ không chịu gả. Không biết trời khiến hay sao mà ảnh chỉ thấy quan Kinh lý lại đem lòng thương. Tôi dọ ý rồi, hễ quan Kinh lý nói thì ảnh gả liền. Còn con nhỏ hễ tôi hỏi nó thì nó cười rồi nó bỏ đi. Cách con gái hễ nó làm như vậy đó nghĩa là nó ưng rồi.

Tánh quan Kinh lý ưa nói pha lửng, nhưng mà đến việc hôn nhơn, là viêc quan hệ, ông lại dè dặt, cứ ngồi mà cười, không tỏ một lời nào cho vợ chồng Hương chủ Khanh biết ông chịu hay là không chịu. Ông bắt nói qua chuyện khác rồi thừa dịp đứng dậy cáo từ mà về, làm bà Chủ sợ ông chê cháu mình, nên trong lòng bà không an.

Sáng bữa sau bà Hội đồng vô thăm bà Chủ, tuy nói đi thăm, chớ kỳ thiệt là bà muốn dọ coi quan Kinh lý thấy con của bà rồi ông về ông có tỏ ý chịu hay không. Bà Chủ vừa gặp chị, thì bà nói:

– Ông Kinh lý vui vẻ, mà ý ổng kín đáo lắm đa chị, chớ không phải như người ta vậy đâu. Hổm nay ông Chủ dọ hết sức, tôi cũng có hỏi ổng nữa, mà ổng không chịu nói coi ổng đành con Thục hay không. Để thủng thẳng đợi ít ngày nữa coi.

Bà Hội đồng nghe nói như vậy thì bà ngồi buồn xo. Người có tiền mà kiến thức hẹp hòi, tưởng ai dòm thấy nhà mình là tốt, ai nghe nói ruộng mình nhiều, cũng đều mê hết thảy, bởi vậy hễ nghe ai không ái mộ cái tiếng “giàu” của mình thì trong bụng không vui. Bà Hội đồng Nghĩa thuộc hạng người ấy. Từ bữa bà tính gả cô Thục cho quan Kinh lý Hai thì bà chắc mẩm rằng hễ quan Kinh lý thấy nhà cửa bà, thấy con gái của bà, thì quan Kinh lý mê mẩn rồi năn nỉ cầu khẩn mà xin cưới, chớ chẳng đợi bà Chủ làm mai. Hôm nay bà hay bà Chủ đã xuống làm mai mà quan Kinh lý dục dặc, bà không hiểu tâm tánh quan Kinh lý, nên bà suy nghĩ một hồi, rồi châu mày mà nói:

– Thứ đồ làm khách! Cha chả đụng con nhỏ tôi cũng như chuột rớt trong hủ nếp, khéo làm bộ.

Bà Chủ cười và đáp:

– Ấy, chị đừng có nóng mà hư việc. Ổng không có chê con Thục, ổng khen tướng mạo nó chớ. Song người học giỏi người ta dè dặt biết không? Ổng nói nghe cũng phải, ổng nói việc cưới vợ là viêc quan hệ, để ổng thưa lại cho cha mẹ ổng hay coi cha mẹ ổng định lẽ nào, rồi sẽ hay. Vậy để chờ ít ngày coi, chớ gả con mà chị gấp quá vậy sao được, nhứt là muốn con mình làm bà “Kinh lý ” thì phải chậm chậm mà tính chớ.

– Nói chuyện mà nghe vậy thôi, chớ có gấp chi đâu.

– Ờ, để chậm chậm một chút rồi tôi tính. Chị để đó tôi lo cho, bề nào tôi gả con Thục cũng được mà. Tôi thấy tánh ý quan Kinh lý sao tôi thương quá.

– Hai vợ chồng tôi cũng thương nên mới chịu gả, chớ phải mê chức Kinh lý đó hay sao. Hổm nay tôi tính hễ chồng cưới con Thục rồi tôi mua một chiếc xe hơi tôi cho vợ chồng nó đi chơi. Vợ chồng con Thục đi xe hơi mới xứng đáng, chớ thằng Kỉnh mà nó đi xe hơi, thiệt tôi thấy ghét quá.

– Cha chả! Quan Kinh lý cưới con Thục rồi chị dám mua xe hơi cho lận sao?

– Sao lại không dám. Hai ba ngàn đồng bạc chớ bao nhiêu.

– Ý, họ nói tới bốn năm ngàn chớ.

– Mua xe lớn làm chi. Mua xe nho nhỏ, đủ hai vợ chồng nó đi thì thôi, tốn chừng hai ba ngàn chớ bao nhiêu.

– Chị nầy cưng rể lớn đa. Ruộng của anh và của chị đứng bộ tính chung hết thảy được bao nhiêu vậy chị?

– Ổng có tính thử một lần, ổng nói được hai trăm tám mươi mấy mẫu đó tôi không nhớ chắc.

– Nếu vậy thì ngày sau hai thằng rể của chị chia ra mỗi đứa cũng hơn 140 mẫu.

– Ý! Thằng Kỉnh ai mà chia cho nó.

– Nó cũng là rể, chị không chia sao được.

– Ruộng đất của vợ chồng tôi, vợ chồng tôi muốn cho ai thì cho, không muốn cho thì thôi, ai mà cãi được, cô.

– Chị nói như vậy, con Diệu nó làm giặc chớ. Con cũng đồng con mà nó là con lớn nữa, chị cất phần ăn của nó sao được.

– Chia cho nó đặng chồng nó bán mà đánh me, chớ chia làm gì. Tôi mới tính với ổng hồi hôm, tôi nhứt định ngày sau tôi cho con Diệu chút đỉnh đủ nuôi con nó mà thôi, còn bao nhiêu tôi cho hết vợ chồng con Thục.

– Nếu vậy hễ quan Kinh lý cưới con Thục thì ổng no lắm.

– Vậy chớ cô không biết tánh ý tôi hay sao? Hễ tôi thương ai thì người đó ăn ngập mặt, còn hễ tôi ghét ai thì người đó phải mạt.

– Nếu ông Kinh lý biết như vậy chắc là ổng ưa lắm.

– Tôi nghe ổng dục dặc sao tôi phát ghét. Chắc là ổng không dè vợ chồng tôi giàu, ổng không dè con Thục sẽ hưởng một cái gia tài lớn, nên ổng mới làm bộ như vậy chớ gì.

– Chị nói phải lắm. Tôi làm mai mà tôi quên nói chuyện đó cho ổng biết. Để bữa nào ổng có qua chơi rồi tôi sẽ nói. Còn con Thục, chị có dọ ý coi nó ưng hay không?

– Con nhỏ thì nó ưng rồi, cần gì phải dọ. Nó khoe với con chị nó, nó nói nó lấy chồng làm quan rồi đây nó được đi xứ nầy xứ kia nó chơi, chớ không phải lục đục ở nhà như con chị nó vậy. Hồi hôm nầy con Diệu mét với tôi, nó nói con Thục lo thêu khăn đặng cho chồng nó.

– Nếu vậy thì ưng rồi. Thôi chị để đó mặc tôi.

Bà Hội đồng nói chuyện chơi đến trưa bà mới về.

Ông Kinh lý Hai từ nhỏ chí lớn mắc lo ăn học, ông cố tâm học cho thành danh mà thôi, chớ ông không tính cưới vợ. Ngày ông thi đậu rồi về thăm nhà, cha mẹ nói tới chuyện cưới vợ thì ông mới để ý đến. Tuy ông để ý, ông gặp ai ông cũng pha lửng cậy làm mai giùm, nhưng trong trí ông chưa nhứt định coi người vợ phải thế nào. Tình cờ bà chủ Khanh tỏ sự bà muốn làm mai cô Tư Thục, là người ông đã thấy chán chường trót hai phần ngày thì ông lấy làm bối rối, ông vừa sợ lỗi với cha mẹ, vừa lo nỗi duyên phận trăm năm. Sợ lỗi với cha mẹ, thì ông nói với vợ chồng Hương chủ Khanh được, chớ còn lo nỗi duyên phận trăm năm thì không thể nói ra, bởi vậy cho nên hôm nọ ông cứ ngồi mà cười hoài, không nỡ từ chối mà cũng không dám ưng chịu.

Ông về bên nhà việc đêm ấy ông ngủ không được, cứ suy tới tính lui hoài. Đi coi vợ mà không chờ lịnh mẹ cha, tuy là lỗi song cái lỗi ấy không phải không có chỗ đổ được. Cái điều khó tính hơn hết là không biết có nên nói mà cưới cô Tư Thục hay không.

Nhà thầy Hội đồng Nghĩa là nhà giàu có danh giá, vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa coi bộ là người tử tế thiệt thà. Cô Tư Thục tuy là gái ở đồng, nhưng mà bề nhan sắc dễ coi, cách tiếp khách cũng được. Bề ngoài là vậy đó, còn bề trong ra thế nào? Vợ chồng thầy Hội đồng tiếp khách thiệt là hậu, vậy mà đối với kẻ bề dưới ở trong làng hàng xóm hai ông bà có lấy lòng nhơn huệ mà thương xót nhà nghèo hay không? Cô Tư Thục nhan sắc thiệt là đẹp, vậy mà tánh tình có đẹp như nhan sắc đó không? Cái nhà ấy có đáng cho mình vào làm con rể, cô ấy có đáng cho mình kết tóc trăm năm không?

Ông Kinh lý Hai suy nghĩ như vậy hoài, vừa muốn chịu rồi lại nghĩ, không biết liệu lẽ nào cho phải. Ông bàng hoàng không quyết định, mà hễ nằm nhắm mắt thì ông thấy hình dạng cô Tư Thục trước mặt hoài. Trót ngày sau đi đo đất ông cũng nhớ chuyện cô Tư Thục mà về ăn cơm ông cũng nhớ chuyện cô Tư Thục, lại hễ nhớ cô Tư Thục thì trong lòng ông khoan khoái dường như ông trông cho có dịp gặp mặt trao lời với cô chơi. Sợi dây ái tình đã vương vấn trong lòng ông rồi mà ông không dè, mấy bữa đầu tuy là khoan khoái mà ông còn vui cười, lần lần rồi sự khoan khoái ấy nó pha lộn sự buồn bực, làm cho ông lửng đửng lờ đờ, nằm ngồi không yên.

Một buổi chiều, ông lấy làm khó chịu trong lòng, ông muốn có người nói chuyện cô Tư Thục cho ông nghe chơi, nên ông lấy nón mà đội, rồi mon men đi qua nhà Hương chủ Khanh.

Vợ chồng Hương chủ thấy ông Kinh lý thì mừng rỡ cũng như mấy bữa trước. Bà Chủ có tánh mau mắn, nên ông Kinh lý vừa ngồi thì bà nói:

– Hổm nay quan Kinh lý suy nghĩ rồi hay chưa? Tôi chắc quan Kinh lý đã viết thơ về dưới nhà rồi.

Quan Kinh lý mỉm cười và đáp:

– Xin bà để chậm chậm một chút.

– Còn dục dặc giống gì mãi không biết. Gởi thơ thưa cho ông bà dưới nhà hay rồi lên đặng tính phứt cho rồi. Tôi dám bảo kết với quan Kinh lý, cháu tôi nó có hư chỗ nào tôi chịu hết thảy. Nếu cháu tôi nó không xứng đáng, vợ chồng tôi đâu dám làm mai.

Quan Kinh lý ngồi cười.

Bà Chủ thiệt là lanh, bà thấy bộ của ông thì bà biết ông đã đành rồi. Bà nhơn cơ hội ấy bà cứ đốc riết tới; bà đem mà thuật cho ông nghe những chuyện bà Hội đồng tính mua xe hơi cho vợ chồng ông đi chơi và chuyện bà Hội đồng nhứt định lấy phần ăn của rể lớn để giao hết cho rể nhỏ. Luôn dịp bà lại học sự cô Tư Thục đương thêu khăn mà cho chồng mới.

Quan Kinh lý đã cảm tình cô Tư Thục rồi, nay ông hay vợ chồng ông Hội đồng yêu mến trọng hậu ông, mà cô Tư Thục lại cũng đoái hoài đến ông nữa, thì ông lấy làm đắc ý.

Ông đi thăm vợ chồng Hương chủ Khanh chuyến nầy về ông hớn hở trong lòng, ông không dụ dự như hổm nay vậy nữa, bởi vậy sáng bữa sau ông thức dậy sớm, ông viết một bức thơ mà tỏ tâm sự cho cha mẹ hay. Ông niêm thơ và sai người đi gởi rồi, ông mới rảnh trí mà đi đo đất.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN