Con Nhà Nghèo - Chương 6c
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
135


Con Nhà Nghèo


Chương 6c


Lúa cấy xong rồi hết. Vợ chồng Hương sư Cu rảnh rang nên bàn tính với nhau bữa nào mướn một cái xe lô-ca-xông rồi mời vợ chồng Bưởi về Gò Công thăm Kinh lý Hai và Ba Rạng chơi một chuyến. Mới tính bữa trước, kế bữa sau tiếp được thơ của quan Kinh lý.

Hương sư không biết chữ, nên sai đứa ở, ra đường đón học sanh đi học về mà mượn học trò vô nhà đọc thơ giùm. Học trò mở phong thơ ra mà đọc như vầy:

“Con trọng kính gởi lời về thăm cha với má, sau thăm cậu Hai mợ Hai và mấy anh mấy chị hết thảy được mạnh. Con ở trên nầy làm việc bình an như thường.

Trong mấy bức thơ trước, con đã có thưa cha với má hiểu cách ăn ở của con trên nầy. Tuy con ở tại nhà việc của làng mà con ăn cơm tháng của người ta nấu, song thân con cũng sung sướng thong thả chẳng có sự chi nhọc lòng, vậy xin cha với má đừng lo cho con!

Hôm nay con viết thơ nầy gởi cho cha với má là vì con có một việc riêng cần phải tỏ cho cha má hay. Số là từ ngày con lên ở tại làng Vĩnh Lợi, con có quen với vợ chồng Hương chủ Khanh. Hai vợ chồng đều trọng mà lại thương con lung lắm. Bà chủ Khanh là con của ông Cai tổng Hiếu mà vợ chồng ông Cai tổng khuất đã lâu rồi, bây giờ bà còn người anh cả, là thầy Hội đồng Nghĩa có hai người con gái, người lớn đã có chồng rồi, còn người nhỏ mới 17 tuổi chưa có chồng.

Bà chủ Khanh thấy con chưa vợ nên bà muốn làm mai cháu của bà, là cô 17 tuổi đó cho con. Con thưa thiệt với cha má, con đã ngó thấy cô nọ rồi, còn vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa muốn gả con đến nỗi chưa có gì mà đã tỏ ý hễ con cưới vợ rồi thì mua xe hơi cho con và ngày sau sẽ để sự nghiệp lại cho con chớ không chia cho người rể lớn. Không phải con nghĩ nghe nói xe hơi hay là gia tài đó mà ham, bởi vì nhơn nghĩa mới đáng quý chớ đồ đó theo con thì không quý gì. Nhưng mà con nghĩ vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa là người giàu có tử tế, còn người con gái ấy con coi cũng xứng với con, bởi vậy con tưởng nếu con cưới vợ chỗ nầy, thì không lẽ con đến nỗi vô phước.

Tuy vậy mà áo mặc sao qua khỏi đầu, bề nào con cũng chờ lịnh cha với má. Con xin cha má nghĩ coi như được thì con mời cha má lên trên nầy ở chơi ít bữa đặng định cuộc tóc tơ cho con, còn như cha má không bằng lòng thì cũng xin trả lời cho con biết.

Con suy nghĩ cẩn thận rồi con mới viết bức thơ nầy, nếu con còn có điều chi lầm lỗi thì con xin cha má dung thứ.

Sau chót con kính dưng cha má bốn chữ: Khương, ninh, phước, thọ.”

Nghe đọc dứt bức thơ rồi vợ chồng Hương sư Cu nhìn nhau trân trân, không biết sao mà nói được. Hương sư ngẫm nghĩ một hồi rồi gãi đầu mà nói:

– Vợ chồng mình vui vẻ hơn 20 năm rồi, bây giờ trời biểu mình chịu buồn rầu thì mình phải chịu chớ chạy đâu cho khỏi. Mình tính giấu nhẹm việc xưa, mà trời biểu phải đem ra, thì mình phải vưng chớ cãi sao được.

Bà Hương sư lau nước mắt rồi sai một đứa ở chạy đi mời Cai tuần Bưởi. Cai tuần Bưởi nghe em mời gấp thì lật đật đi liền. Thị Tố muốn biết coi việc gì cũng đội khăn đi theo chồng. Hương sư thấy anh với chị bước vô cửa thì lắc đầu nói:

– Việc nhà tôi rối lắm, anh Hai chị Hai ôi!

– Tại sao mà rối?

– Tôi mới được thơ của thằng Hai nó gởi về nó nói vợ chồng cậu Hai Nghĩa muốn gả con cho nó. Nó thấy con gái của cậu Hai Nghĩa nó cũng đành rồi, nên nó xin vợ chồng tôi lên coi rồi nói mà cưới cho nó.

– Ủa! Nếu vậy thì ngộ lắm chớ, có gì đâu mà rối. Hồi nào họ hủy bạc nó, bây giờ mình cho nó lộn vào nhà họ chơi.

– Nói như anh vậy sao được!

– Sao lại không được? Con của dượng làm tới chức Kinh lý, chớ phải tầm thường sao. Còn dượng làm tới chức Hương sư rồi, nay mai đây dượng sẽ lên Chủ. Cả hai vợ chồng dượng đứng làm sui với vợ chồng cậu Hai Nghĩa lại không xứng đáng hay sao? Làm sui như vầy mới ngộ chớ, chịu đi, đừng dục dặc chi hết. Dượng nghe lời tôi đi mà.

Thị Tố nghe chồng nói vậy, chị ta liền tiếp theo mà xúi:

– Ờ, nhà tôi nói đó phải lắm đa, dượng Tư. Người ta muốn gả, mình sợ nỗi gì mà không dám cưới. Không biết cậu Hai Nghĩa con đông hay không?

Hương sư đáp:

– Trong thơ thằng Hai có nói cậu có hai đứa con gái mà thôi, con lớn có chồng rồi, bây giờ cậu muốn gả con nhỏ.

– Được lắm! Ngày trước cậu thấy mẹ con thằng Hai nghèo, cậu không nhìn nhận thằng Hai là con. Bây giờ mình phải cho nó vô đó đặng hưởng gia tài của cậu chớ. Gia tài đó là gia sản của nó, dại gì mà để người khác hưởng cho uổng.

– Chị cứ lo về phía tiền bạc hoài. Người phải mới quý, chớ tiền bạc mà quý gì đó, chị Hai. Phải mà vợ chồng tôi ham tiền bạc, hồi trước vợ chồng tôi lấy tiền rồi giao thằng Hai cho cô Ba Nhơn, thì bây giờ vợ chồng tôi làm sao có con sang trọng làm tới chức Kinh lý đó.

– Dượng nói kỳ quá, tiền bạc sao lại không ham. Mà trong việc nầy mình ham tiền bạc, mình có quấy đâu. Dượng nghĩ kỹ mà coi theo thói thường cậu Hai Nghĩa phải nhìn thằng Hai rồi cậu chia cho nó một phần ăn. Cậu không thèm nhìn, nghĩa là cậu muốn cắt phần ăn của nó. Bây giờ trời khiến cậu muốn gả con cho nó, nghĩa là trời biểu cậu phải trả phần ăn cho nó chớ gì. Dượng chịu là dượng vâng theo ý trời mà đòi phần ăn cho con dượng, có tham lam chi đâu mà dượng ngại.

– Vợ chồng tôi tuy không giàu, song cũng có chút đỉnh để cho con. Đã vậy mà con tôi nó làm quan rồi, bề nào nó cũng không đến nỗi đói rách. Nó có cần gia tài của ai làm chi.

– Dượng nói như vậy cũng phải. Nhưng ý tôi muốn thằng Hai cưới con cậu Hai Nghĩa đặng người biết chuyện cũ họ cười cậu chơi. Hồi trước cậu không chịu nhìn nó là con, bây giờ nó cũng kêu cậu bằng cha được vậy. Dượng với cô Tư nghe lời vợ chồng tôi mà chịu đi.

Hương sư Cu dòm thấy vợ ngồi mặt mầy buồn xo, thì nói:

– Việc nầy khó lắm, thôi để thủng thẳng rồi sẽ tính.

Vợ chồng Cai tuần Bưởi về rồi, Hương sư Cu mới hỏi vợ:

– Con nó gởi thơ nói như vậy, má nó liệu lẽ nào? Sao nãy giờ ngồi lặng thinh, không nói chi hết?

– Tôi biết nói sao bây giờ. Mình liệu thế nào phải thì thôi. Nhưng mà tôi xin mình đừng có nghe lời anh Hai, chị Hai lắm không được. Mình nghe hơi ảnh chỉ nói hồi nãy đó thì mình biết ảnh ham danh vọng còn chỉ chuộng gia tài, chớ không kể phải quấy chi hết.

– Tôi biết lắm chớ sao lại không biết. Nãy giờ tôi suy nghĩ gần bể trí khôn. Nếu mình để cho thằng Hai nó cưới con của cậu Hai Nghĩa thì mình làm cho anh em một cha mà lấy nhau; tội ác đó to lắm, ngày sau thằng Hai nó biết được nó còn coi tôi với mình ra giống gì nữa. Mà nếu mình ngăn cản, không cho nó cưới, nó hỏi tại duyên cớ nào mà mình cản, thì mình nói làm sao. Nếu nói thiệt thì còn gì là tình con thương yêu cha, còn gì sự con kính trọng mẹ. Ý hị! Vợ chồng mình có tội lỗi gì sao trời khiến cho gia đạo phải rắc rối như vầy không biết! Mình mong có một lòng thương con mà coi trời không cho mình thương!

Ông nói dứt lời rồi ông ngồi khoanh tay thở ra. Bà lau nước mắt mà nói:

– Thà là tôi chịu hổ thẹn với con, chớ tôi không nỡ để cho con phạm tội loạn luân đâu.

Ông gật đầu nói:

– Má nó nghĩ như vậy là phải lắm. Tôi cũng vậy; thà là tôi mất con, chớ muốn con còn mà phải để cho nó lấy em nó như vậy sao được. Mà vợ chồng mình ở nhà bàn tính lăng xăng mệt bụng vô ích. Con mình nó có hiếu lắm. Má nó nhớ lại coi, cách mấy tháng trước mình biểu nó coi chỗ nào được thì mình nói mà cưới cho nó. Nó không chịu, nó nói hễ mình bằng lòng chỗ nào thì nó chịu chỗ nấy, nó để quyền ấy cho mình chớ nó không dám lựa chọn. Vậy tôi nói với má nó phải lên Gò Công trước thăm con, sau kiếm thế mà bắt bẻ con của cậu Hai Nghĩa. Không biết chừng mình cản nó được khỏi nói thiệt việc xưa cho nó biết.

– Bề nào mình cũng phải lên mà nói cho giáp mặt, chớ gởi thơ không tiện. Nhưng mà tôi đi khó lắm, tôi muốn mình đi một mình.

– Phải đi cho đủ vợ chồng chớ.

– Không phải tôi sợ thất công. Tôi không muốn đi là vì tôi sợ lên đó dần lân, rủi bể chuyện rồi tôi hổ thẹn với con quá, tôi chịu không nổi.

– Má nó nói như vậy, thì tôi phải đi một mình chớ biết làm sao.

– Sáng mai mình mướn một chiếc xe hơi mà đi. Đi vài ba bữa mình về, tốn hao chừng năm bảy chục hoặc một trăm, chớ bao nhiêu đó mà hà tiện.

Hương sư Cu nghe lời vợ, chiều lại lên chợ Hòa Bình mướn một cái xe hơi lô – ca – xông. Chủ xe chịu đi mỗi ngày tính 12 đồng, tiền mua dầu, xăng, nhớt, về phần người mướn chịu. Giá cả định xong rồi mới hẹn nhau sáng bữa sau xuống Vĩnh Mỹ mà rước.

Vợ chồng Cai tuần Bưởi hay Hương sư Cu mướn xe hơi đi lên Gò Công, thì đòi đi theo, đặng về thăm quê quán, vợ chồng Hương sư Cu không lẽ dám ngăn trở, nên phải cho đi, song cứ theo căn dặn lên gặp Kinh lý Hai thì phải giấu, chớ đừng thổ lộ chuyện xưa. Thị Tố gật đầu đáp:

– Vợ chồng tôi nói chuyện nghe chơi vậy thôi. Việc nhà của dượng tính thế nào tự ý dượng, ai xía vô làm chi.

Sáng bữa sau xe hơi đem xuống nhà, Hương sư Cu từ giã vợ rồi lên xe mà đi với vợ chồng Cai tuần Bưởi. Thị Tố được về quê quán mà thăm em lại về bằng xe hơi thì chị ta đắc ý lắm, bởi vậy đi dọc đường chị ta nói chuyện không dứt tiếng; chị ta chê bà Hương sư nhút nhát không dám về mà đứng làm sui đặng lấy gia tài lại cho Kinh lý Hai. Ông Hương sư phải giải lợi hại về luân lý, tình nghĩa cho vợ chồng Bưởi nghe. Bưởi hiểu nên không dám đốc làm việc quấy nữa; còn Thị Tố tuy cũng hiểu, nhưng không biết chị ta cố oán vợ chồng cậu Hai Nghĩa hay là chị ta muốn cho Kinh lý Hai hưởng gia tài của bà Cai Hiếu mà chị ta không chịu nghe, cứ nói Kinh lý Hai phải cưới con gái của cậu Hai Nghĩa mới hiệp ý trời.

Vì trên xe đã có bàn soạn trước rồi, và Hương sư Cu nghĩ ở nhà việc khó nói chuyện riêng được, nên xe lên tới ngã ba vô chợ Giồng Ông Huê thì Hương sư Cu biểu sốp – phơ quẹo vô chợ đặng rước Kinh lý Hai rồi sẽ trở ra nhà Ba Rạng mà trù liệu.

Xe vô nhà việc Vĩnh Lợi thì đã 4 giờ chiều. Bữa ấy ông Kinh lý Hai có hẹn ăn cơm bên nhà Hương chủ Khanh nên đi đo đất về tắm rửa thay áo đổi quần sửa soạn mà đi. Thình lình ông nghe xe hơi ngừng ngoài cửa, ông dòm ra ngó thấy cha với cậu mợ thì lật đật chạy ra mừng. Ông mời hai người vô nhà việc, mừng rỡ lăng xăng và hỏi cha:

– Sao má không lên chơi vậy cha?

– Má con ể mình nên không đi được.

– Má đau sao? Đau nhiều hay ít?

– Nhức đầu sổ mũi chút đỉnh, vài bữa thì hết, không sao đâu.

– Cha có được thơ của con hay không?

– Có. Cha được thơ của con hôm qua, nên cha mướn xe đi đây.

– Con ở nhà việc lôi thôi quá. Để con biểu bầy trẻ sửa soạn mua đồ đặng dọn cơm cho cha với cậu mợ ăn.

– Không. Cha không ăn cơm đâu. Cha đi thẳng vô đây là vô đặng rước con ra ngoài làng Bình Phú Tây chơi. Để ra ngoải rồi sẽ ăn cơm.

– Ra nhà ai? Cha có quen với ai ở đó hay sao?

Thị Tố cười và rước mà đáp:

– Mợ có người em ruột ở ngoải.

– Vậy hay sao? Trời ơi Sao mà từ hồi nào cho tới bây giờ mợ không nói cho cháu biết.

– Thằng em của mợ có nghèo, nên nói cho cháu biết làm chi.

– Bà con mà nghèo giàu lại sao.

– Thôi cháu sửa soạn đặng đi. Ra đó biểu nó làm gà làm vịt dọn cơm ăn. Ra ngoải chơi, chớ ở đây nói chuyện giống gì được.

– Chiều nay ông Chủ trong làng mời cháu ăn cơm. Cháu có hẹn lỡ rồi; vậy để cháu viết ba chữ mà từ rồi cháu đi mới được.

Ông Kinh lý vô phòng lấy giấy viết ít chữ rồi sai một tên dân canh nhà việc cầm qua nhà mà đưa cho Hương chủ. Việc ấy xong rồi ông mới đội nón lên xe đi với cha và cậu mợ ra làng Bình Phú Tây.

Ba Rạng có một miếng đất, lại vợ chồng biết chuyện và lo củi đục làm ăn nên bề gia tư tuy chưa được tiếng “giàu”, song cũng đã được tiếng “có ăn”. Nhà cũng còn ở tại chỗ cũ, cũng lợp lá, nhưng mà cất bằng cột giông kê tán, cửa ván, vách bổ kho, trong nhà có tủ áo, có ván gõ hẳn hòi, coi thảnh thơi hơn xưa nhiều lắm. Ba Rạng biết chữ Quốc Ngữ khá, nên làng có cử làm Hương chức, ban đầu làm Chánh lục bộ lần lần rồi lên tới chức Hương giáo. Tuy năm nay đã nghỉ, không can dự đến việc làng nữa, song người trong làng cũng còn do chức cũ mà kêu là Hương giáo Rạng hoài.

Xe hơi ra tới Bình Phú Tây, vừa mới ngừng, thì Thị Tố bươn bả chạy vô nhà. Vợ chồng Hương giáo Rạng thấy chị thì mừng rỡ hết sức, lật đật bước ra sân mà tiếp khách. Vợ Hương giáo Rạng ứa nước mắt mà nói:

– Dữ quá! Đi hơn 20 năm mới về thăm! Sắp nhỏ ở dưới mạnh giỏi hết hả? Sao cô Tư không về chơi vậy chị Hai?

Hương giáo Rạng thấy Kinh lý Hai y phục đoan trang không biết là ai, nên ngó Cai tuần Bưởi mà hỏi:

– Thầy đây là ai?

– Con của con Tư đó đa.

– Té ra mông – xừ Hai đây sao? Dữ hôn! Bây giờ tới bây lớn lận.

– Nó đi học, bây giờ nó làm quan Kinh lý. Nó ở trong chợ Giồng nó đo đất xưa rày.

– Vậy hay sao? Phải. Tôi nghe có quan Kinh lý xuống ở trong chợ Giồng đo đất mà tôi có dè mông – xừ Hai đâu. Bất nhơn quá! Sao anh không gởi thơ cho tôi hay?

Cai tuần Bưởi nheo mắt lắc đầu mà không chịu trả lời, rồi bà con dắt nhau vô nhà. Thị Tố về được quê quán thì trong lòng khấp khởi, nói nói cười cười không ngớt, kêu ba đứa cháu ra mà coi đứa nào được bao lớn, hỏi thăm những người trong làng, trong xóm coi người nào mất người nào còn, hỏi Hương giáo Rạng còn làm làng hay không, rồi lại khoe việc làm ăn của mình và của vợ chồng Hương sư Cu ở dưới Vĩnh Mỹ.

Vợ chồng Hương giáo Rạng nghe bà con đi xa đều khá hết thì trong lòng mừng không kể xiết nên cứ theo hỏi việc nầy tóm thuật việc kia hoài. Cai tuần Bưởi phải chận mà hỏi:

– Nầy mợ Ba, tụi nầy chưa ăn cơm đa. Mợ phải biểu bầy trẻ nấu cơm ăn, rồi có sức sẽ nói chuyện.

Vợ chồng Hương giáo Rạng cười ngất rồi bỏ chạy xuống nhà dưới hối con bắt nước làm vịt nhúm lửa nấu cơm. Thị Tố đi theo xuống nhà dưới nói chuyện om sòm, mỗi người đều có sắc vui, duy Hương sư Cu có hơi lo ra và Kinh lý Hai hơi bợ ngợ.

Lúc ấy mặt trời đã khuất dạng. Cai tuần Bưởi ra đứng trước cửa rồi kêu Hương sư vừa chỉ vừa nói:

– Dượng Tư, hồi trước nhà tôi cất chỗ đó phải không dượng?

Hương sư Cu gật đầu mà thôi, chớ không nói chi hết. Hương giáo Rạng hỏi Bưởi:

– Chú Ba Cam bây giờ chú còn ở trên Sài Gòn hay không, anh Hai?

– Nó chết lâu rồi.

– Ủa, bao giờ vậy mà tôi không hay chớ.

– Mấy bức thơ gởi cho cậu, tôi không có nói chuyện đó hay sao?

– Không.

– Nếu vậy thì tại tôi quên.

– Tôi ưa chú Ba Cam quá. Chú xử sự thiệt là đúng. Mấy vết dao của chú từ hồi đó cho tới năm nay mà thẹo cũng còn hoài.

Hương sư liếc mắt khoát tay. Hương giáo Rạng hiểu ý nên ngó Kinh lý Hai rồi nói bắt qua chuyện khác.

Qua 8 giờ mới dọn cơm cho khách ăn. Bữa cơm duy có thịt vịt luộc nấu cháo với thịt gà, thứ xào mặn, thứ nấu ca – ri chớ chẳng có vật chi quý, nhưng mà phần thì đói bụng, phần thì gặp nhau vui mừng nên khách ăn coi ngon lắm.

Cơm nước xong rồi, Hương sư Cu nói với Hương giáo Rạng:

– Tôi về đây trước thăm anh chị, sau nói chuyện riêng với con tôi một chút.

– Được, được. Dượng muốn nói chuyện với quan Kinh lý thì cứ nói đi. Nhà tôi cũng như nhà dượng, đừng ngại chi hết.

Hương sư châu mày mà nói với con:

– Nầy con, cha được thơ con hôm qua, cha sợ con trông nên cha lật đật mướn xe lên đây. Chuyện con nói đó cha với má con liệu không được. Cưới vợ xa xôi quá không tiện. Cha với má con đã có lựa con thầy Ban Biện dưới Cà Mau cho con rồi, đợi có dịp con về, cha dắt con đi coi cho giáp mặt, hễ con đành, thì cha nói mà cưới liền.

Kinh lý Hai ngó sững cha, thấy cha vừa nói vừa day mặt chỗ khác, lại coi bộ buồn lắm, thì ông ngẩn ngơ ngẫm nghĩ một hồi rồi nói:

– Con đã có thưa với cha má, việc cưới vợ cho con, cha má định nơi nào con cũng chịu hết, con không dám cãi. Cha chê trên nầy xa cha tính để cưới dưới Cà Mau cho gần, cái đó cũng phải. Nhưng mà theo ý con nghĩ đời nay dưới sông thì tàu bè, trên bờ thì xe hơi xe lửa, không có chỗ nào mà xa hết. Chỗ nầy coi bộ người ta thương con lung lắm, mà con nhắm cô nọ cũng xứng với con, tại vậy đó nên con mới gởi thơ cho cha và má.

– Không được đâu con. Con phải nghe lời cha mẹ.

– Thưa cha, con đâu dám cãi, cha với má biểu chết con cũng vâng lời nữa. Nhưng mà con không hiểu tại sao cha với má chưa biết nhà, chưa thấy mặt người ta, mà cha với má lại nói không được.

– Cha với má con muốn con cưới con thầy Bang Biện ở dưới Cà Mau cho gần, chớ có tại sao đâu.

– Dầu cưới con ai cũng vậy, hễ cưới rồi thì dắt con đi, chớ có ở nhà đâu mà cha với má lựa gần chê xa.

– Ý má của con muốn làm sui ở dưới mình cho dễ.

– Ở trên nầy người ta cũng dễ lắm. Họ nói hễ cha với má đành thì họ cho cưới một lễ, không đòi lễ vật chi hết.

– Tại sao mà con muốn cưới vợ chỗ đó dữ vậy?

– Con xin thưa thiệt với cha vì con thấy tánh tình vợ chồng thầy Hội đồng con mến, mà con thấy cô nọ con cũng thương lỡ rồi.

Hương sư nghe mấy lời ấy chẳng khác nào sét đánh bên tai. Ông giựt mình, ông la “ý”, ông ngó con trân trân, mặt ông biến sắc, nước mắt chảy rưng rưng. Kinh lý thấy bộ cha như vậy thì lo sợ, nên đứng dậy thưa rằng:

– Thưa cha, con không dè việc con làm đó mà đến nỗi phiền lòng cha. Vậy con cúi xin cha tha lỗi cho con.

Hương sư Cu lắc đầu, day mặt vô trong, không nói chi hết.

Kinh lý Hai lấy làm ái ngại không biết liệu lẽ nào, nên bước trái ra ngoài sân chắp tay sau lưng đi lên đi xuống mà suy nghĩ.

Thị Tố ngồi nghe cha con Hương sư nói chuyện nãy giờ chị ta ngứa họng lắm, ngặt vì Hương sư đã có dặn trước nên chị ta không dám hở môi. Bây giờ chị ta thấy Kinh lý Hai bước ra ngoài sân, lén kêu Kinh lý mà nói nhỏ:

– Cha cháu bày đặt chuyện, chớ không có con Bang Biện nào hết. Cháu cứ đòi riết tự nhiên cha má cháu phải cưới chỗ nầy cho cháu. Mợ biết vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa nhiều lắm, người ta giàu có xứng đáng quá, còn chê nỗi gì?

Kinh lý Hai đương buồn, đương tức, mà nghe mấy lời của Thị Tố thì lấy làm kỳ. Tại sao cha mẹ mình không chịu mà mợ dâu mình lại đốc vô? Tại sao cha mình lại dối mình sự con Bang Biện làm chi vậy? Ông suy nghĩ hết sức mà tìm không ra nổi. Ông trở vô nhà, thấy cha ngồi buồn hiu, thì lấy làm bực bội trong trí chịu không được, nên rón rén thưa cha:

– Thưa cha, xưa rày con tưởng cưới vợ đặng làm cho vui lòng cha mẹ, chớ con không dè cưới vợ mà phải làm cha mẹ buồn như vậy. Nếu cha mẹ không muốn thì thôi, con cưới chỗ khác. Thà là con chịu buồn, chớ con không nỡ để cha mẹ vì con mà buồn. Nhưng mà con nghĩ chắc tại duyên cớ chi đây nên cha với má mới không chịu nói mà cưới con gái của thầy Hội đồng Nghĩa cho con. Con đã nên người rồi, nếu có chuyện chi, xin cha tỏ thiệt cho con hiểu. Nãy giờ con thấy cha buồn, thì con buồn lắm. Nếu cha giấu con thì cha buồn hoài, rồi con làm sao mà vui được.

Hương sư Cu châu mày đáp:

– Nếu cha có sự chi mà muốn giấu con, ấy là vì cha thương con, chớ thiệt cha không có ý chi khác.

– Cha nói như vậy thì càng thêm giục lòng con phải năn nỉ mà xin cha tỏ thiệt sự che giấu con đó cho con biết.

Hương sư Cu bổn tâm đã muốn tỏ thiệt cội rễ của con cho nó biết từ ngày con thi đậu, nhưng vì ông sợ phạm danh giá của vợ nên ông phải nín khe. Hôm nay gặp cảnh rất rắc rối, mà con lại theo năn nỉ hoài, ông lấy làm khó liệu. Một đàng là danh giá của vợ, một đàng là cốt nhục của con, ông không biết bên nào là nặng. Ông đương bối rối, ông sực nhớ lời vợ nói:

– Thà tôi chịu hổ thẹn với con, chớ tôi không nỡ để cho con phạm tội loạn luân.

Ông bèn ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi đáp:

– Sự cha giấu con đó nó can hệ đến danh giá nhiều người, nên cha không có phép nói.

– Con xin cha cho con biết coi người nào có phép nói, đặng con tìm đến mà hỏi, chớ để như vầy con chịu không được.

– Má con mới có phép nói.

– Má con ở dưới nhà, con làm sao đi về dưới nhà mà hỏi cho được bây giờ. Cậu Hai đây cũng như mẹ. Vậy cậu biết việc gì xin cậu làm phước nói giùm lại cho cháu hiểu.

Thiệt Cai tuần Bưởi muốn cho cháu cưới con Hội đồng Nghĩa đặng rửa hờn chơi chớ không có ý muốn phanh phui chuyện cũ, nhưng vì anh ta thấy cháu buồn bực năn nỉ quá, anh ta cầm lòng không được, nên nói:

– Chuyện xưa nếu nói ra thì cháu thêm buồn, nói làm giống gì.

– Cháu đã lớn rồi, dầu buồn dầu vui cũng không hại gì. Buồn mà hiểu chuyện, chớ buồn mà không hiểu thì chịu sao nổi.

– Đã hai mươi năm nay cha mẹ cháu giấu cháu. Bây giờ cháu muốn biết, thôi để cậu nói phứt cho cháu nghe.

Cai tuần Bưởi bèn ngồi thuật hết đầu đuôi việc trước lại cho Kinh lý Hai nghe. Anh ta bắt đầu kể chuyện Hai Nghĩa ỷ quyền áp bức lấy Lựu cho đến đẻ Kinh lý Hai rồi bỏ không thèm nhìn, mà lại còn để cho mẹ với vợ hún hiếp bắt Thị Tố đóng trăng lấy ruộng lại và đuổi Bưởi phải dỡ nhà mà đi. Ba Cam rửa nhục cho em phải bị bắt giải Tòa. Cu là con nhà nghèo, mồ côi cha mẹ ra thân ở đợ mà có lương tâm, thấy Lựu đẻ mà đau thì giúp tiền mua thuốc, nghe Cam bị bắt thì ráng sức chung lo, đến sau vì tình nặng nghĩa dày, không kể tiếng thị phi, xướng ra xin cưới Lựu làm vợ, chịu nhìn Hai làm con, cho Lựu khỏi tiếng hư, cho Hai có người nuôi dưỡng.

Cai tuần Bưởi thuật thiệt là kỹ nhưng mà có sơ sót chút nào thì Thị Tố xen vô mà nhắc, rồi chỉ rõ ràng mấy chỗ đê tiện của Nghĩa và mấy chỗ tử tế của Cu cho Kinh lý Hai nghe.

Kinh lý Hai nghe rõ chuyện xưa rồi thì ngồi trơ trơ như người không hồn không trí, cứ chống tay trên trán mà gục mặt xuống đất, chớ không nói một tiếng chi hết. Trong nhà lặng trang, ai cũng có ý chờ coi Kinh lý Hai biết gốc gác rồi chàng liệu lẽ nào. Hương sư đợi không được; ông bèn nói rằng:

– Tuy cha dốt nát, song cha cũng biết phải quấy chớ chẳng không. Ngày cha nói mà cưới má con thì má con vì con nên ái ngại. Cha có hứa: con không có cha, thì cha thế làm cha. Trót hai mươi năm trường cha giấu mà nuôi con, một là vì cha thương con, hai vì cha sợ má con buồn, nên cha không dám nói cho con biết. Ngày con thi đậu, cha nghĩ nếu giấu nữa thì cha quấy, nên cha tính tỏ căn nguyên của con cho con biết. Má con khóc lóc nói rằng nếu con biết việc xưa thì chắc con hết kính trọng má con nữa. Cha vì tình mẫu tử của con, nên cha phải nghe lời mà nín luôn. Cha không dè trời không muốn cho nhà mình được thảnh thơi yên ổn nữa, nên mới khiến cho có cái chuyện hôn nhơn như vậy. Cha được thơ con thì cha với má con hết hồn hết vía không biết liệu lẽ nào. Nếu nói thiệt cho con biết thì bối rối đạo nhà, còn nếu a ý theo con thì mang tội đại ác là khiến cho con phải loạn luân. Má con không lên đây là tại sợ hổ mặt với con chớ không có ốm chi hết. Tại con năn nỉ hỏi hoài, cực chẳng đã cha phải nói thiệt cho con biết, chớ cha cũng hiểu hễ con biết rõ chuyện xưa thì chắc con bớt kính trọng má con mà cũng bớt thương cha như xưa rày nữa, cha có muốn nói làm chi đâu.

Kinh lý Hai ngước mắt lên, nước mắt chảy chan hòa, chàng ngó Hương sư Cu mà nói:

– Thưa cha, con biết được căn nguyên của con rồi thì con càng thương má, kính cha bằng mười hồi trước nữa. Người như cha má mà con không thương yêu kính trọng thì con có phải là loài người đâu. Chẳng nói tới công sanh thành của má, công dưỡng dục của cha làm chi, nội một sự cha má cản hôn nhơn của con đây thì cũng đủ cho con thương yêu kính trọng đời đời kiếp kiếp.

Hương sư Cu động lòng nên ngồi rấm rứt. Kinh lý Hai cũng òa khóc theo. Hương giáo Rạng nãy giờ không dám can dự đến việc nhà của người ta, chừng thấy cha con cảm tình như vậy, thì mới dám xen vô mà nói:

– Người ở như dượng Hương sư thiệt là đáng kính phục lắm. Nếu không có dượng thì mông – xừ Hai làm sao mà được làm quan Kinh lý.

Kinh lý Hai sợ ngồi lâu nữa chẳng khỏi nghe người ta bình phẩm tới cử chỉ của cha đẻ mình, nên đứng dậy nói:

– Trời đã khuya khoắt. Con xin cha trở về chợ Giồng nghỉ với con. Con không dám mời cậu Hai mợ Hai, là vì con ở tạm nơi nhà việc nên không có giường hoặc ván xứng đáng mà tiếp khách. Mà cậu Hai mợ Hai lâu ngày mới gặp cậu Hương giáo, có lẽ muốn ở ngoài nầy nói chuyện nên con không dám mời.

Hương sư Cu muốn để cho con thong thả trí mà suy nghĩ việc riêng nên ông nói để cho ông ngủ ngoài nầy đặng đàm đạo chơi với Hương giáo Rạng. Ông kêu sốp – phơ mà biểu đưa Kinh lý Hai về Vĩnh Lợi; ông hứa ở chơi vài bữa và ông dặn chiều mai sửa soạn đặng ông vô rước đi xuống chợ Gò Công chơi.

Hương chủ Khanh tiếp được thơ của Kinh lý Hai xin lỗi không qua ăn cơm được, vì có cha ở dưới Bạc Liêu lên, nên phải đi ra Bình Phú Tây với cha. Ông kêu bà mà nói lại cho bà hay. Bà Chủ nghe nói thì mừng. Bà kêu chú dân canh đem thơ mà hỏi thì chú nói chú thấy khách đi xe hơi, một người đờn bà với hai người đờn ông. Bà lại hỏi vậy chớ có nghe ra Bình Phú Tây mà ra nhà ai hay không. Chú dân canh lắc đầu thưa không biết, rồi xá ông Chủ bà Chủ mà về. Bà chủ Khanh ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói:

– Kỳ dữ hôn! Ở Bạc Liêu mà quen ai ngoài Bình Phú Tây kia! Mình không hay thì thôi, chớ mình hay người ta lên mà mình không mời người ta qua nhà sao cho phải. Lên có đờn ông đờn bà đủ, chắc là người ta chịu rồi, nên lên đặng coi con Thục. Để sớm mai tôi đi với ông qua nhà việc mà mời hết qua đây, chớ để ở bên nhà việc rồi cơm nước đâu mà ăn.

Hương chủ gật đầu. Bà thấy chồng hiệp ý với bà thì bà cười và nói tiếp:

– Ông già của quan Kinh lý có xe hơi đó thấy không. Tôi nói dưới Bạc Liêu họ giàu lắm, chớ không phải như trên mình đâu.

Hai vợ chồng đều mừng, khách cáo từ không ăn cơm mà không phiền.

Sáng bữa sau vợ chồng Hương chủ Khanh sửa soạn rồi lối chừng 7 giờ 30 dắt nhau qua nhà việc. Trọn đêm ấy Kinh lý Hai nằm không nhắm mắt, cứ trăn trở mà suy xét việc đời hoài. Tuy vậy mà sáng ông lại thức dậy sớm nữa, rửa mặt thay đồ cũng như thường ngày. Phần thì mệt, phần thì buồn nên ông nhứt định nghỉ đi đo đất một bữa.

Hai vợ chồng Hương chủ bước vô nhà việc không thấy ai hết, duy có một mình quan Kinh lý ngồi dựa bàn, chống tay lên trán, mặt buồn hiu. Quan Kinh lý lật đật đứng dậy chào hỏi nhắc ghế mời ngồi, coi bộ không được vui vẻ như trước.

Bà Chủ vừa ngồi xong thì bà hỏi:

– Nghe nói có ông bà dưới nhà lên, nên vợ chồng tôi lật đật qua thăm rồi mời qua nhà tôi nghỉ cho tiện. Ông bà đi đâu mà không thấy ở đây?

– Thưa không có má tôi lên. Cha tôi với cậu Hai mợ Hai tôi lên mà thôi. Cha tôi dắt đi ra ngoài Bình Phú Tây.

– Ra nhà ai đó vậy quan Kinh lý?

– Thưa, nhà của Hương giáo Rạng.

– Hương giáo Rạng ở xóm nào kia?

Quan Kinh lý mắc đi kêu người ta đem nước đãi khách. Hương chủ rước mà trả lời với vợ:

– Hương giáo Rạng ở gần ngã ba chợ Dinh, xóm phía bên tay trái đó.

Bà Chủ ngồi ngẫm nghĩ, chừng thấy quan Kinh lý trở lại, bà bèn hỏi tiếp:

– Ổng ở dưới nhà lên, vậy mà quan Kinh lý có thưa việc đó lại cho ổng hay rồi chưa?

– Thưa có. Tôi thưa rồi.

– Ổng định thế nào? Ông có tính bữa nào đi ra nhà anh Hội đồng chơi đặng thấy con nhỏ hay kông?

– Thưa, không được. Cha tôi không chịu.

– Ủa! Sao vậy?

– Thưa, cha tôi nói má tôi có hứa làm sui với thầy Bang Biện phía dưới Cà Mau rồi.

– Bất nhơn dữ hôn! Làm lở dở công chuyện hết. Cha chả! Mấy làng gần đây họ đã hay hết trọi rồi, nếu mà việc không thành, anh Hai chị Hai tôi mang tiếng biết chừng nào, mà vợ chồng tôi cũng mắc cỡ với họ nữa. Báo hại quá!

– Hai ông bà có lòng thương tôi, thật tôi mang ơn nhiều lắm. Nhưng mà việc không thành là tại trời, chớ không phải tại tôi. Vậy xin hai ông bà thứ lỗi giùm cho.

Hương chủ nói:

– Vậy mới thấy căn duyên thiệt là trời định. Có người đến gần ngày cưới, mà không phải căn duyên, rồi ông trời khiến xa, tự nhiên phải xa nhau.

Quan Kinh lý cười gượng mà đáp:

– Ông Chủ nói nghe phải lắm. Không biết chừng ông trời khiến xa như vậy đó mà ổng cũng thương hại cả hai đàng.

Bà Chủ ngồi buồn xo. Cách một hồi lâu bà thở ra mà than:

– Cha chả! Con nhỏ nó hay đây chắc là nó rầu lắm. Bộ nó thương quan Kinh lý quá, biết nói làm sao với nó bây giờ.

Bà Chủ ngẫm nghĩ thế nào không biết mà bà lại hỏi quan Kinh lý:

– Vậy chớ quan Kinh lý thưa với ông mà xin hồi ở dưới rồi cưới trên nầy không được hay sao?

– Sao cho được?

– Quan Kinh lý nói quan Kinh lý đã thương lỡ con nhỏ nầy rồi, sao lại không được?

– Tôi đâu dám như vậy. Làm con cái phải để cho cha mẹ định đôi bạn cho chớ. Hồi ban sơ tôi đã có tỏ sự ấy với bà; vậy bà quên hay sao?

Bà Chủ không biết dùng kế nào ép cho được nữa, bà cứ ngồi đó hoài không về. Bà hỏi chuyện dông dài một hồi rồi bà nói:

– Thôi, dầu việc thành hay là không thành cũng vậy, bề nào tôi cũng mời ông thân của quan Kinh lý với ông cậu bà mợ đến nhà tôi chơi cho biết, chừng nào ổng trở vô đây?

– Thưa, cha tôi không có nói. Tôi sợ không vô nữa.

Gần 10 giờ, hai vợ chồng Hương chủ mới từ mà về. Bà Chủ gả cháu không được, bà ngồi không yên. Đến trưa bà xúi ông ra nhà Hương giáo Rạng làm quen với khách Bạc Liêu rồi mời vô nhà chơi. Ổng là người ít lời, ông không dám đảm nhận công việc khó khăn như vậy nên ông không chịu đi, bà cùng thế, bà không thèm kể lễ nghĩa chi nữa, nên bà kêu một cỗ xe ngựa bà đi với một con nhỏ ở.

Xe chạy tới ngã ba ra chợ Dinh, bà Chủ thấy có một cái xe hơi đậu dựa mé lộ, bà biết là xe hơi của khách Bạc Liêu. Bà ngừng xe dựa bên đường kế xe hơi mà hỏi thăm sốp – phơ, rồi bà leo xuống mà đi thẳng vô nhà Hương giáo Rạng.

Buổi sớm mai Hương sư Cu với vợ chồng Cai tuần Bưởi đi xuống Đập Ông Canh mà thăm mấy người quen cũ và viếng mồ mả ông bà cha mẹ. Về ăn cơm rồi, Thị Tố đội khăn đi dạo xóm chơi. Cai tuần Bưởi nằm trên võng dưới nhà dưới mà ngủ. Hương sư Cu với Hương giáo Rạng thì nằm ngang trên bộ ván giữa mà bàn luận chuyện đời. Hai người thấy bà Chủ Khanh sập dù bước vào cửa, không biết là ai nên lồm cồm ngồi dậy tiếp chào mà bộ coi bợ ngợ lắm. Bà Chủ hỏi:

– Không biết phải nhà ông Hương giáo ở đây hay không?

Hương giáo Rạng gật đầu đáp rằng:

– Thưa phải. Nhà tôi, xin lỗi mà, không biết bà ở đâu lại?

Bà Chủ vừa cười vừa nói:

– Tôi là vợ Hương chủ Khanh ở trong chợ Giồng. Tôi nghe quan Kinh lý nói có ông thân của ngài ở dưới Bạc Liêu lên, nên tôi kiếm đặng thăm cho biết, phải ông hay không?

Hương sư Cu nghe xưng là vợ Hương chủ Khanh, ông ngó kỹ lại thiệt quả là cô Ba Nhơn, bây giờ tuy lớn tuổi hơn trước, song gương mặt coi cũng không khác cho lắm. Ông liền cúi đầu đáp:

– Thưa, phải. Tôi là cha của Kinh lý Hai. Té ra cô là cô Ba, con của bà Cai mà. Vì tôi bỏ xứ đi hai mươi mấy năm rồi, tôi không có dịp gặp cô nữa nên gặp thình lình quá tôi quên, vậy xin cô tha lỗi, mời cô Ba ngồi.

Bà Chủ chưng hửng, không biết cha của quan Kinh lý ở Bạc Liêu mà sao lại biết mình. Bà đứng nhìn ông trân trân rồi hỏi:

– Ông biết tôi hay sao?

– Thưa, tôi biết lắm. Cô cũng biết tôi nữa chớ, tại lâu quá nên cô quên.

– Ông nói kỳ dữ hôn!

– Thưa, tôi nói thiệt chớ. Hồi nhỏ tôi ở dưới Đập Ông Canh chớ đâu, chừng tôi cưới vợ rồi tôi mới về chỗ nầy đây. Cô nhớ lại coi, cách hai mươi năm về trước, cô có ghé tại nhà nầy mà hỏi thăm vợ chồng tôi. Hồi đó tôi ở cái nhà lá nhỏ phía sau đây. Kinh lý Hai mới được chín mười tháng. Tôi bồng nó tôi ngồi trước cửa, cô bước vô hỏi rồi cô bồng nó; cô hỏi vợ chồng tôi đặng xin làm con nuôi, vợ chồng tôi không chịu cho, cô quên hay sao?

– Húy! Té ra quan Kinh lý là con của. . .

– Thưa, con của tôi. Hồi đó cô biểu vợ chồng tôi để cho cô nuôi, cô sẽ cho vợ chồng tôi hai ba trăm đồng bạc gì đó, vợ chồng tôi không chịu. Cô nhớ không?

– Té ra quan Kinh lý là con của. . . Lựu hay sao?

– Thưa, phải. Con của Tư Lựu, ở dưới Đập Ông Canh, cháu kêu Cai tuần Bưởi bằng cậu ruột.

Bà chủ Khanh biến sắc, bà ngồi sề nơi góc ván tay mặt, ngó ra ngoài sân, thấy bộ bà thì biết bà bối rối trong trí lung lắm. Hương sư Cu cắc cớ hỏi:

– Tôi về đây mới nghe nói bà Cai đã mất rồi. Bà mất hồi nào vậy cô Ba?

– Má tôi mất đã lâu rồi.

– Còn cậu Hai mợ Hai mạnh giỏi, cô Ba há?

– Mạnh.

– Dữ quá! Tôi đi gần 25 năm mới trở về đây. Tôi nghe trong bà con ai còn mạnh giỏi, tôi mừng hết sức.

Bà chủ Khanh liệu thế ngồi lâu người ta hỏi dần lân càng thêm thẹn thùa chớ không ích gì, nên bà đứng dậy cáo từ mà về. Hương sư Cu thấy bà bợ ngợ thì tội nghiệp không dám cầm bà ở chơi mà cũng không nỡ nói tiếng chi nữa hết.

Bà Chủ khi ra đi hăng hái bao nhiêu, thì bây giờ trở về bà cũng ngơ ngẩn bấy nhiêu. Khi mới về tới nhà, bà nói dối với chồng: ông thân của quan Kinh lý mắc đi chơi dưới chợ Gò Công, nên bà không gặp được. Nhưng mà tối lại, bà tỏ thiệt gốc tính của Kinh lý Hai cho chồng biết, rồi bà hỏi chồng vậy chớ có nên nói rõ lai lịch ấy cho vợ chồng thầy Hội đồng Nghĩa hiểu, hay là giấu.

Hương chủ Khanh là người vô sự, không muốn lo tính việc chi hết mà ông nghe rõ đầu đuôi rồi ông châu mày nói:

– Việc nầy khó lắm, chớ không phải chơi đâu. Tưởng là ai kia, té ra ông Kinh lý với con Thục là anh em một cha mà cưới gả sao được. Hồi trước tôi nói với bà hay không hả? Tôi nói vợ chồng mình không có con, làm mai không có được. Bà cãi tôi, bây giờ bà thấy chưa? Còn bà tính nói thiệt anh Hai, chị Hai, cái đó không dễ đâu. Tánh chị Hai khó lòng lắm. Bà nói lậu ra cho chỉ biết đây chỉ làm giặc với ảnh cho mà coi. Bà phải kiếm chuyện nói cha mẹ ông Kinh lý đã nói vợ lỡ dưới Bạc Liêu cho ổng rồi. Như anh Hai có chất vấn lắm, thì nói thiệt cho một mình ảnh biết mà thôi, chớ đừng cho chị Hai với con Thục hiểu.

Bà Chủ khen chồng nói phải, nên bà tính bà sẽ làm theo ý chồng.

Chiều bữa đó Hương sư Cu đem xe vô chợ Giồng rước Kinh lý Hai đi Gò Công chơi với Hương giáo Rạng và Cai tuần Bưởi. Đêm ấy Kinh lý Hai ở ngủ nhà Hương giáo Rạng rồi sáng bữa sau Hương sư Cu với vợ chồng Bưởi trở về Bạc Liêu. Tánh Hương sư kỹ lưỡng, ông không muốn khêu cái buồn của con nên ông chẳng nhắc chuyện cũ nữa, mà ông cũng không chịu thuật chuyện bà Chủ Khanh ra Bình Phú Tây kiếm ông lại cho quan Kinh lý Hai nghe. Ông đưa Kinh lý Hai vô chợ Giồng rồi ông từ giã mà về. Kinh lý Hai nói:

– Cha với cậu mợ về dưới mạnh giỏi. Con kính gởi lời về thăm má con. Xin cha làm ơn nói giùm với má con đừng có buồn. Ngày nay con rõ được gốc tích của con rồi, con càng kính mến cha và thương yêu má gấp bội phần hồi trước. Thôi, cha về để lâu lâu con sẽ xin phép về thăm cha má.

Sốp – phơ mở máy cho xe chạy. Kinh lý Hai đứng ngó theo, hai hàng nước mắt chảy rưng rưng. Từ ấy Kinh lý Hai ban ngày lo làm việc, ban đêm nằm coi sách, không thèm đi chơi với ai nữa hết.

Bà Hội đồng muốn có rể làm quan Kinh lý quá, nên bà bôn chôn vô chợ Giồng hoài. Hôm trước bà nghe bà Chủ nói quan Kinh lý đã gởi thơ về Bạc Liêu rồi, nên bữa nay bà dắt con Thục vô có ý lóng nghe coi cha mẹ quan Kinh lý trả lời hay chưa. Bà đã có tánh thị đời, mà bà lại không thạo cách giao thiệp, bởi vậy bữa nay bà Chủ tiếp rước không được vui vẻ như mỗi lần trước, nhưng bà không hiểu, vừa mới ngồi thì bà nói ngay:

– Cô có nghe ông già bà già của quan Kinh lý trả lời hay chưa vậy cô Ba?

Bà Chủ giả không nghe, kêu trẻ lấy trầu chế nước cho khỏi trả lời câu ấy. Bà Hội đồng nói chuyện sơ sịa ít lời rồi cũng hỏi qua sự đó nữa. Bà Chủ không thể không trả lời nữa được nên bà nói:

– Dưới Bạc Liêu họ có lên.

– Có lên hay sao? Cô có mời họ bữa nào ra ngoài nhà hay không? Lên đủ hai ông bà hả?

– Không có. Lên có một mình cha của quan Kinh lý.

– Bộ đường xa quá bả đi không được chớ gì. Cô tính bữa nào mời ổng ra nhà?

– Ổng về mất rồi mà mời giống gì.

– Ủa! Sao vậy?

– Ổng lên nói với quan Kinh lý rằng ổng đã nói con Bang Biện nào ở dưới Cà Mau cho quan Kinh lý rồi.

– Hứ! Bậy dữ không?

Bà Hội đồng sững sờ không nói tiếng chi nữa được. Lúc ấy cô Tư Thục đương đứng gần đó, cô nghe rõ mấy lời của bà Chủ mới nói, thì cô cũng ngơ ngẩn bàng hoàng, nên đứng ngó bà Chủ trân trân. Bà Chủ liếc thấy chị có sắc giận, cháu có sắc buồn, thì bà giả vui mà nói:

– Mình thương ổng, mà cha mẹ ổng không hay, nên nói vợ khác cho ổng thì thôi, có cần gì đâu. Thiếu gì chỗ khác còn tử tế hơn nữa. Con Thục, cháu đừng lo, gả cho quan Kinh lý không được, thôi để gả cho Trường Tiền, cho thầy thuốc, không biết chừng gả cho Huyện Phủ nữa đa! Đời nầy có tiền lo gì ế chồng.

Cô Tư Thục không trả lời, lại ngoe nguẩy bỏ đi lại cái cửa hông, đứng dựa cửa mà ngó mong ra vườn. Bà Hội đồng vừa rọc trầu mà têm vừa nói rằng:

– Không phải mình sợ con mình ế chồng. Mình gả con bằng mười nữa, chớ vậy mà sang gì đó hay sao. Nhưng họ làm như vậy bỉ mặt mình quá, nếu họ không đành, thôi thì bữa cô khởi chuyện làm mai đó họ nói phứt chuyện đó đi, chớ sao lại gạt người ta rồi bây giờ kiếm chuyện mà hồi.

Bà Chủ đáp:

– Không phải tại quan Kinh lý đâu, chị Hai. Tại ông già bà già của ổng chớ.

– Nếu ổng thương con Thục, ổng không chịu chỗ nào hết, thì cha mẹ ổng ép ổng sao được. Vợ chồng tôi thấy người tánh nết dễ thương, nên mới chịu gả, chớ phải ham giàu ham sang gì đó hay sao mà họ làm núng. Thiên hạ đời nay thấy dễ ghét quá. Chắc là người ta nghe Bang Biện nào ở dưới đó giàu lắm người ta mê, nên người ta bỏ con Thục đó chớ gì?

– Đó là tại cha mẹ, chớ ổng có thấy ai đâu nên mình dám chắc ổng ham giàu.

– Thứ đồ dại nên mới chê con Thục. Tưởng đâu con Thục lôi thôi a. Phải, tôi có ít trăm mẫu điền, chớ tôi không có nhiều như họ ở dưới miệt Cà Mau. Mà ruộng tôi năm sáu trăm đồng một mẫu, chớ phải ruộng đồ bỏ như họ vậy đâu. Họ chê con Thục để họ cưới vợ khác coi bực nào.

– Ối! Mà gả con cháu đi xa quá, tôi nghĩ lại thiệt tôi cũng ngán. Ổng chê chỗ đó mình cũng cầu. Mình ít con ít cháu, thôi để kiếm chỗ nào gần gần mà gả, đặng đi thăm nom cho dễ.

Bà Hội đồng nói ít lời mà xả hơi giận, rồi bà từ mà về. Cô Tư Thục đội khăn theo mẹ mà bước lên xe, cặp mắt cô đỏ chạch.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN