Truyện Cổ Tích Việt Nam - Truyện cổ Việt Nam qua các thời đại
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
187


Truyện Cổ Tích Việt Nam


Truyện cổ Việt Nam qua các thời đại


THẦN THOẠI, TRUYỀN THUYẾT, LOẠI TRUYỆN XƯA NHẤT CỦA NGƯỜI VIỆT
Trước khi kể truyện cổ tích Việt-nam, tưởng cũng nên giới thiệu sơ qua quá trình phát triển của nó trong lịch sử văn học truyền miệng của dân tộc.
Người Việt-nam đã có sẵn tâm hồn văn nghệ từ rất xưa. Với trí tưởng tượng chất phác ngộ nghĩnh, với trình độ kiến thức còn thô sơ họ đã biết đặt câu ca lời hát cũng như đặt truyện. Chưa có chữ, họ lưu hành các tác phẩm bằng miệng. Mãi cho đến sau này, tuy chữ viết đã xuất hiện và đã nhiều lần thay đổi, nhưng vì đại đa số quần chúng nói chung đều thất học nên những truyện cũ, truyện mới hầu như vẫn từ cửa miệng này sang cửa miệng khác mà còn lại.
Cũng như các dân tộc khác, người Việt-nam ngày xưa cũng có nghệ thuật thần thoại. Và những truyện thần thoại Việt-nam tuy đơn giản nhưng khá ý nhị, lý thú. Đây là truyền thống văn học dân tộc, là tài liệu về trạng thái sinh hoạt thời kỳ xưa nhất của người Việt. Nó là nguồn gốc của sử và truyện của chúng ta sau này. Tiếp theo thần thoại, người Việt vẫn không ngừng sáng tác. Từ những truyện hoang đường đầy màu sắc thần linh chủ nghĩa, tiến lên xây dựng những truyện anh hùng lực sĩ, những sự tích về con người nhưng đã được thần thánh hóa. Điều đặc biệt là ở Việt-nam, tín ngưỡng đa thần có từ thời cổ vẫn còn lưu tàn tích mãi cho đến sau này. Nhờ đấy, chúng ta có thể dễ dàng tìm hiểu nguồn gốc một số cổ tích và truyền thuyết. Hiện nay, trong thần tích của một số làng ở Bắc-bộ có ghi sự tích một số thần như Phù Đổng thiên vương, Sóc thiên vương, Cao Sơn đại vương, Quý Minh đại vương, ba anh em Linh, Minh và Cung, ba cha con Hầu, Đông và Vực, v.v… Đây có lẽ là những anh hùng lực sĩ thời khuyết sử có công với nhân dân, hoặc tập hợp dân chúng chống xâm lăng như Thánh Gióng (Phù Đổng thiên vương hay Sóc thiên vương), hoặc bày vẽ cho mọi người phương pháp sản xuất mới như Cao Sơn và Quý Minh, nên sau khi chết, họ được nhân dân thần thánh hóa sự tích và tôn thờ. Những huyền tích đã mang dạng truyền thuyết đó được lưu truyền bằng miệng. Cho đến lúc nhân dân địa phương ghi lại được bằng chữ viết thì câu chuyện đã trải qua không phải chỉ một lần sửa chữa; trái lại, chúng đã được đắp thêm rất nhiều lớp, rất có thể đã bị biến tướng hầu hết bởi ý thức và tâm lý xã hội đời sau. Mặt khác, vì không còn nhớ đích xác thời gian xuất hiện của từng nhân vật nên đối với nhân vật nào người ta cũng có khuynh hướng đẩy lên thời kỳ xa xăm nhất của lịch sử, cụ thể là thời Hùng Vương và Thục An Dương Vương.
Đồng thời, vô số những yêu ma quỷ quái được tôn thờ từ trước do tín ngưỡng đa thần cũng trở thành những mô hình đặc thù để nhân dân từng địa phương dựa vào mà xây dựng nên hàng loạt mẩu truyện. Thôi thì những truyện thần Rồng (Chàng Cả, Chàng Hai, Chàng Ba), thần Rắn (Hổ mang đại tướng quân), thần Lợn (ông Ỷ), thần Cọp (ông Ba Mươi), truyện Quỷ Xương Cuồng, truyện Ma cà-rồng, v.v… không sao tính xuể. Nhiều truyện yếu tố tưởng tượng được sử dụng khá dồi đào và tinh tế. Nhân tố kỳ ảo làm cho câu chuyện có những kết cấu biến hóa thú vị. Người, vật, ma, quỷ đều được chuyển hóa thành thần.
Do đấy, cũng có thể dễ dàng phân biệt thần thoại với những truyện cổ nói về thần linh. Nếu thần trong thần thoại do tưởng tượng của con người nguyên thủy muốn cắt nghĩa bản thân và ngoại giới mà có; thì thần trong thần tích lại do sự thờ cúng và tín ngưỡng phức tạp tạo nên. Sự phân biệt này giúp ta xác định tính loại biệt về sắc thái và tâm lý của hai loại thần. Loại thần sau hiển nhiên sẽ có hình dạng và tâm lý như người chứ không còn chất phác và vô tư như thần của thần thoại.
Cho đến suốt cả thời Bắc thuộc, trên đà tiến triển, xâm nhập lẫn nhau của các thứ tôn giáo, tín ngưỡng phức tạp khác, càng ngày càng xuất hiện nhiều những truyện thần thánh hoang đường. Các truyện Man Nương, Cao Biền dậy non, Thần Tô-lịch, v.v… phản ánh hiện tượng đạo Phật, đạo Lão bấy giờ đã ăn sâu vào tâm lý dân tộc và dung hòa với tín ngưỡng gốc của dân gian.
Ngoài loại truyện hoang đường nói trên, người Việt lúc ấy còn có loại truyện cổ nói về lịch sử, về sự tích những anh hùng lực sĩ như Lý Ông Trọng, Hai bà Trưng, Bà Triệu, Bố Cái đại vương, v.v… Loại truyện ấy phần lớn còn lại dưới dạng những kết cấu mộc mạc, phân đoạn, có thể liệt nhập làm một với truyền thuyết lịch sử. Như trên đã nói, truyền thuyết của ta xuất hiện nhiều nhất vào thời kỳ Bắc thuộc. Truyền thuyết phản ánh cuộc đấu tranh tích cực của nhân dân nhằm giải phóng khỏi ách áp bức dị tộc. Nó là bài ca biểu dương sự nghiệp chống xâm lăng. Nó cũng là lời than vãn, là tiếng vọng buồn rầu, phẫu uất của cả bộ tộc Việt trong điều kiện sống cùng cực dưới nanh vuốt kẻ thù.
Mặc dầu ngày nay, trong quần chúng nhân dân chỉ còn truyền từng mẩu chuyện rời rạc nhưng có thể ngờ rằng đây là những truyện vốn có đầu có đuôi có hệ thống và chắc được đặt bằng văn vần như một số truyền thuyết của đồng bào thiểu số. Nếu cố gắng khôi phục cho thật đầy đủ theo đúng phương pháp văn bản học dân gian thì truyện Hai bà Trưng chắc có thể dồi dào tình tiết hơn nhiều. Đó sẽ là một truyện có đủ các nhân vật, từ hai bà cho đến một đoàn nữ tướng đông đảo và gan dạ như các bà Bát Nàn, Lê Chân, Thiều Hoa, Thánh Thiên, v.v… trong đó, diễn ra biết bao nhiêu trận ác chiến giữa các bà và tướng địch mà chỉ có thần tích là còn có ghi lại. Bà Triệu hiện lên qua một vài ghi chép như là một cô gái kỳ lạ: cưỡi đầu voi, chân đi guốc vàng (có khi vú buộc ra sau lưng), khảng khái hiên ngang, còn tài đánh trận thì thật là vô địch đến nỗi kẻ thù không dám “đối mặt”. Bố Cái đại vương trong truyền thuyết còn được gắn liền với hình ảnh một con voi có nghĩa mà các bộ lịch sử không hề nói đến, và cũng không nhất thiết phải nhắc đến, v.v…
Nói chung, tất cả những truyền thuyết sáng tác trong thời Bắc thuộc đều có gửi gắm một tinh thần bất khuất, một ý nghĩa thương yêu nòi giống, căm thù quân giặc xâm lăng giày xéo đất nước.

TRUYỆN CỔ TÍCH THỜI PHONG KIẾN TỰ CHỦ
Truyện cổ tích xuất hiện trong thời đại tự chủ có phần đột xuất hơn trước về chất cũng như về lượng. Hầu hết đều thể hiện rõ đặc điểm tính cách của người nông dân Việt-nam, nói lên quan điểm của họ về số phận và cuộc đời, về cảnh nghèo túng, nỗi đau khổ, những ước mơ và hy vọng. Bên cạnh đó là những truyện phản ánh luân lý, trí tuệ và sức mạnh của người Việt. Ngoài ra, người ta còn sáng tác những truyện cổ tích lịch sử, trong đó hoặc nói về một ông vua (Đinh Tiên Hoàng), một võ sĩ (Lê Phụng Hiểu), một tăng lữ (Từ Đạo Hạnh), hoặc là một thổ hào địa phương (Phạm Bạch Hổ tức vua Mây), v.v… So với truyền thuyết thời Bắc thuộc thì nội dung của truyện bây giờ đã khác trước. Bóng dáng những con người phóng khoáng, hiên ngang, trung thực, vô tư của thần thoại, truyền thuyết đến đây đã quá phai nhạt. Những nhân vật giữ được tầm vóc của quá khứ như ông Khổng Lồ trong truyện Khổng Lồ đúc chuông hay Sự tích trâu vàng hồ Tây[1] thật là hiếm hoi. Tất nhiên, đây không phải đơn thuần là một bước lùi. Lịch sử càng đi lên, càng mở rộng tầm thước, thì con người xây dựng nên lịch sử càng phải xuất hiện đúng với vóc dáng của hiện thực, mang sức mạnh của hiện thực.
Nói về nghệ thuật kể chuyện thì thời kỳ này được nâng lên tương đối cao. Ở nhiều truyện, cách miêu tả tuy còn đơn sơ nhưng bố cục đã khá chặt chẽ; có nhiều tình tiết có tính kịch, nhiều tình tiết éo lé, ly kỳ, khéo léo đan cài trong các truyện, có khả năng hấp dẫn người nghe ở mức cao. Truyện Từ Đạo Hạnh hay Sự tích Thánh Láng là bằng chứng cho thấy tác giả truyện cổ tích lúc này không chỉ giàu tượng tượng mà còn sành về thủ pháp biểu hiện.
Có thể khẳng định những loại truyện đó đã kế thừa tốt đẹp truyền thống của nghệ thuật thần thoại, truyền thuyết, và ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của truyện cổ tích và phật thoại nước ngoài bấy giờ chắc đã tràn vào đất Việt không hiếm gì. Tuy có một số truyện do những phần tử trí thức phong kiến sáng tác với dụng ý đề cao “đấng bề trên”, nhưng lại cũng vì được sản sinh trong thời kỳ tự chủ, chúng vẫn là tiếng vang trung thực của tinh thần độc lập, phong cách cứng cỏi, hiên ngang của cả thời đại (Tô Hiến Thành, Nguyễn Thị Bích Châu).
Đời Trần cũng như đời Lý, đạo Phật trở thành độc tôn. Có khá nhiều truyện đề cao tăng lữ, thường thường là những nhà sư có đạo đức hay có phép thần thông biến hóa (sư Giác Hải, sư Huyền Quang, cuộc đi tu của Trần Nhân Tông, v.v…). Cũng vào thời này còn xuất hiện cả một số tiên thoại, phật thoại, hay cổ tích như những luận đề nhằm chứng minh cho cứu cánh của tôn giáo (truyện con gái Sở Trang Vương, truyện Từ Thức, v.v…), góp thêm vào kho sự tích các bà Tiên ông Phật vốn đã có trong các bộ kinh tôn giáo từ rất lâu đời.
Trong thời kỳ chiến tranh chống ngoại xâm, dân gian còn lưu lại những truyện cổ đầy khí thế yêu nước diệt thù. Nào truyện Yết Kiêu, truyện Người ả đào với giặc Minh, truyện Hai nàng công chúa nhà Trần, truyện Phạm Nhan, v.v… Ngoài ra, lại thêm vô số những truyện về giặc Tàu Ô, Khách để của, nói lên thói gian ác quỷ quyệt của bọn cướp biển, bọn đô hộ, và bọn lái buôn, v.v…
Đời Lê tiếp theo đời Lý, Trần có thể tạm coi là thời kỳ toàn thịnh của truyện cổ tích. Hồi ấy, tuồng chèo tuy đã xuất hiện nhưng chưa phải là món giải trí phổ biến của mọi địa phương. Những tiểu thuyết dài ngắn của Trung quốc các đời Tống, Nguyên, Minh tuy đã tràn sang Việt-nam, nhưng hẳn cũng chưa gây cho văn học bác học của giai cấp phong kiến một trào lưu sáng tác và thưởng thức văn chương tiểu thuyết. Chỉ có truyện truyền miệng sáng tác theo truyền thống nghệ thuật dân tộc là được nhân dân ưa thích. Nhu cầu giải trí, nhu cầu khuyên răn, cảnh tỉnh, giáo dục của dân chúng ngày một lên mạnh, đòi hỏi phải có nhiều sáng tác về loại này. Sinh hoạt của nhân dân là nguồn đề tài rất phong phú của cổ tích. Cho nên, trong kho tàng truyện cổ tích chúng ta, ngoài loại cổ tích hoang đường còn có rất nhiều cổ tích thế sự phản ánh sâu sắc đời sống hiện thực.
Đời Lê và cả đời Nguyễn nữa, là thời kỳ Nho học gần như độc tôn. Người ta đã bớt đề cao vua chúa, tăng lữ mà quay sang đề cao nho sĩ và tầng lớp quan liêu xuất thân nho học. Nhiều truyện đề cao đạo Nho, tán dương việc thi cử đỗ đạt, ca tụng tài năng, đạo đức của cá nhân nhà nho. Một số sự tích của các nho sĩ được truyền thuyết hóa như Nguyễn Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Bùi Cầm Hổ, Lê Như Hổ, Giáp Hải, anh em Lê Nại, Lê Đỉnh, Trạng Me đè trạng Ngọt, Trần Miên khố chuối, Bà Nghè sáu tiền, v.v… nhiều lắm, khó mà kể hết. Tác giả, hoặc dựa trên cá tính có sẵn của nhân vật mà phóng đại lên, như truyện Lê Như Hổ với cái tài ăn hết mười tám cỗ cơm của vua Trung-quốc. Hoặc dựa vào hoàn cảnh cụ thể của nhân vật mà ảo hóa, như truyện Giáp Hải đi du lịch xuống thủy phủ. Cố nhiên, luân lý đạo đức của Nho giáo chính thống thường được dùng làm chuẩn mực để phân định thiện và ác. Phan Đình Tá trước làm tôi nhà Lê, sau làm tể tướng nhà Mạc được coi là bất trung, và vì thế, đã dẫn đến một hậu kiếp bi đát là làm nghề hành khất. Những truyện đền ơn trả oán trong trường thi hay trong giới quan lại cùng kiểu như thế rất nhiều.
Đồng thời, lúc này cũng xuất hiện nhiều truyện cổ tích có tính chất phản đề bộc lộ những mặt trái của tầng lớp nho sĩ: cá tính ươn hèn, lối sống vô dụng và cái tài “mọt sách” không làm lợi bao nhiêu cho dân giàu nước mạnh. Những truyện Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng tổng, Của Thiên trả Địa, là những truyện châm biếm tầng lớp sĩ phu chua cay và sinh động.

VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP, LĨNH-NAM CHÍCH QUÁI VÀ NHỮNG SÁCH SƯU TẦM TRUYỆN CỔ SAU ĐÓ
Vào thời Bắc thuộc đã có những viên đô hộ ghi chép một số truyện cổ của người Việt, như sách Giao-châu ký của Triệu Công và Tăng Cổn, sách Lĩnh biểu lục dị của Lưu Tuân đều ở đời Đường. Họ ghi chép một số ít truyện, do tính hiếu kỳ hơn là do ý muốn sưu tầm. Nhưng nó cũng chứng tỏ rằng truyện cổ của cha ông chúng ta xưa đã được người nước ngoài để ý trong khi tìm hiểu về đất Việt, người Việt.
Đến đời Lý, Trần, nhà văn phong kiến bắt đầu sưu tầm thần thoại, thần tích và truyện cổ tích của dân tộc. Cần để ý là tất cả những loại truyện cổ nói chung, dù truyền miệng hay đã ghi chép, của dân gian hay của thống trị, đều không được đa số tầng lớp phong kiến nho học liệt vào hàng văn chương. Tuy không coi đó là nhảm nhí, nhưng họ cũng chẳng có biểu hiện gì thật sự xem trọng. Trong giáo dục và trong khoa cử người ta chỉ nói đến thơ phú mà không thèm giảng dạy đến “truyện” dù là tiểu thuyết hay cổ tích. Nhà văn bác học sở dĩ sưu tầm truyện cổ tích, thần thoại nước nhà là vì mục đích tìm tài liệu bổ sung cho quốc sử nhiều hơn là nhằm bảo tồn văn học dân gian. Trong số những loại sách này có Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên và Lĩnh-nam chích quái của Trần Thế Pháp. Quyển sách trên chuyên ghi chép những sự tích đã thần thánh hóa về vua chúa, hậu phi và các thiên thần, nhân thần có đền thờ ở khắp nơi trong nước, dựa vào các thần tích cũ. Chẳng hạn như các truyện Bố Cái đại vương, Mị Ê, Phù Đổng thiên vương, Lý Thường Kiệt, v.v… Quyển dưới cũng thế. Quyển này tuy có một số truyện chép trùng với Viết điện u linh tập, nhưng – thật là may mắn cho hậu thế – nó lại sưu tầm được một số truyện cổ tích và thần thoại đích thực và có giá trị như: Chử Đồng Tử, Dưa hấu, Sơn Tinh Thủy Tinh, Lạc Long Quân, v.v… Nói chung tất cả các truyện đều được chép một cách sơ lược. Tuy nhiên, ngày nay, đó là những tài liệu văn học rất quý báu đối với chúng ta. Qua hai quyển sách đó ta có thể thấy được khái quát tình hình truyện truyền miệng trong thời kỳ này. Có mấy điểm đáng chú ý:
a) Những truyện thần thoại cổ tích chứa chất từ trước cho đến lúc bấy giờ quả là phong phú. Nếu Lý Tế Xuyên và Trần Thế Pháp sưu tầm truyện cổ tích với đầy đủ ý thức bảo tồn văn học dân gian thì chắc chắn sách không phải chỉ có bấy nhiêu trang, và chắc sẽ có rất nhiều truyện đã không lâm phải kiếp mai một.
b) Hầu hết các truyện đều được diễn đạt lại theo tinh thần tư tưởng của xã hội quân chủ thời tự chủ, pha trộn với các thứ quan niệm của phép thuật phù thủy, đồng bóng. Do đó, người sưu tầm đã làm giảm mất một phần nào tính chất sinh động của câu chuyện ban đầu. Đây là đoạn tả thần Cao Lỗ: “… thân dài chín thước, đội mũ đâu mâu sao vàng, mặc áp giáp sắt, tay cầm khai sơn đại phủ, đi giày da voi màu đen, thắt lưng đỉnh vàng, mặt mũi ngạo nghễ, khí thế hiên ngang, vạm vỡ khỏe mạnh, cưỡi con voi chín ngà, dẫn bộ chúng áo xanh theo gió mà đến…”[2]. Một đoạn khác kể về vua tôi Hùng Vương gặp Long Quân: “Vua Hùng nghe báo có giặc Ân bèn triệu quần thần để hỏi mẹo công thủ. Có một phương sĩ tâu: – “Chi bằng cầu với Long Quân để được ám trợ”. Vua nghe theo. Bèn lập đàn, trai giới, đặt vàng bạc, lụa là lên đàn đốt hương cúng tế. Được ba ngày, trời nổi sấm mưa, bỗng thấy một ông lão cao sáu thước, râu màu đều bạc…”[3]. Những ví dụ như thế nhiều lắm. Đủ biết không phải là hiếm những truyện cổ tích Việt-nam một khi phô diễn trên giấy mực thì phần nào đã bị biến dạng: nhiều chi tiết trong đó dễ bị người chấp bút thay đổi vì yêu cầu chính trị của thời đại, vì tâm lý, quan điểm và tư tưởng thẩm mỹ của người ghi đã khác xa so với thời điểm ra đời của câu chuyện.
c) Do chỗ có vài truyện trong sách chịu ảnh hưởng của truyện Trung-quốc, Ấn-độ, Cham-pa, hoặc một vài chi tiết, hoặc toàn phần như Việt tỉnh, Hồ tôn tỉnh, Mị Ê, Hậu Tắc, v.v… ta có thể đoán rằng trong những truyện của nước ngoài từ lâu du nhập vào Việt-nam, có những truyện đã dần dần nhập tịch vào đời sống của truyện cổ dân tộc, phá phách hoặc chuyển hóa toàn bộ thành truyện Việt.
Thế kỷ thứ XVI có Nguyễn Dữ viết bộ Truyền kỳ mạn lục gồm 20 truyện. Nên phân biệt trong đó hai loại: một loại truyện sưu tầm từ truyền thuyết và cổ tích lưu hành trong dân chúng, như truyện Liệt nữ Nam-xương, truyện Từ Thức, v.v… một loại truyện do chính Nguyễn Dữ sáng tác như truyện Nàng Tuý Tiêu, truyện Kỳ ngộ ở trại Tây, v.v… Ở phần này tác giả có chịu ảnh hưởng ít hay nhiều của truyện truyền kỳ Trung-quốc, nhất là sách Tiễn đăng tân thoại của Cồ Tông Cát. Những truyện cổ tích qua bàn tay tài hoa của Nguyễn Dữ trở nên thú vị, phảng phất như truyện ma trong Liêu trai, có khả năng thu hút người đọc khá mạnh.
Một bộ khác gồm hai quyển, tương truyền của Lê Thánh Tông, nhan đề là Thánh Tông di thảo. Đây là tác phẩm chưa mấy người biết, có thể ngờ không phải của vua Lê viết, nhưng cũng chưa hẳn như thế. Chúng tôi sẽ có dịp nói đến bộ sách này. Dầu sao thì nội dung của nó vẫn là những truyện của người Việt. Cũng như Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo có hai loại truyện. Trong số những truyền thuyết cổ tích dân gian có nhiều truyện rất hấp dẫn như các truyện Lấy chồng dê, Tinh con chuột, Hoa quốc kỳ duyên, v.v… mà chúng tôi sẽ lựa chọn kể ở phần thứ hai.
Các nhà văn phong kiến vẫn tiếp tục sưu tầm truyền thuyết và cổ tích dân gian. Sau này, hai quyển Lĩnh-nam chích quái và Việt điện u linh còn được nhiều nhà nho đời Lê nhuận sắc, bổ sung và đính chính; lại sưu tầm những truyện khác thêm vào cuối sách. Gần 200 năm sau Nguyễn Dữ, Đoàn Thị Điểm viết Tục truyền kỳ[4], nghĩa là nối vào sách Truyền kỳ mạn lục. Tác giả nhặt nhạnh được 6 truyện, trong đó có cả truyện ngụ ngôn. Quyển này với quyển của Nguyễn Dữ và quyển Thánh Tông di thảo đều cho ta thấy rõ cái sức sống, cái khả năng chinh phục mọi đối tượng của văn học truyền miệng dân gian, biểu hiện ở xu hướng tìm về truyền thuyết dân tộc của khá nhiều nho sĩ, nó tạo nên sự phối hợp giữa thể truyện dân gian và văn học chữ Hán, mở đầu một loại văn tiểu thuyết mới trên văn đàn. Tuy nhiên, nó vẫn không được đẩy lên thành một tư trào sáng tác lớn mạnh.
Vào khoảng cuối Lê đầu Nguyễn có nhiều sách vở xuất hiện, trong đó có loại truyện ký bằng Hán văn. Loại sách này có ghi chép ít hay nhiều những truyền thuyết cổ tích lưu hành trong dân gian. Có thể đếm được những quyển như Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, Tuyền văn tân lục của Nguyễn Diễn Trai, Lan Trì kiến văn lục của Vũ Nguyên Hanh (tức Vũ Trinh), Sơn cư tạp thuật của Bùi Huy Bích (?), Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án, Tân truyền kỳ lục của Phạm Quý Thích, Thoái thực ký văn của Trương Quốc Dụng, Bản quốc dị văn lục, Thính văn dị lục, Đại Nam kỳ truyện, Dã sử… đều không biết tên người làm, v.v…
Những truyện mà nhà nho sưu tầm trong các sách trên, hầu hết là những truyền thuyết hoang đường hoặc những truyện cổ lịch sử. Động cơ của người ghi chép góp nhặt thì vẫn thế, vẫn không phải với ý thức sưu tầm văn học mà chỉ là tìm tòi tài liệu cho lịch sử, hay là lưu lại một sự việc chưa rõ căn nguyên. Trong trí óc của họ trước sau vẫn cho rằng những truyện đó có thể xảy ra trên thực tế nhưng cơ hồ như không thể cắt nghĩa được. Vũ Quỳnh khi sửa lại sách Lĩnh-nam chích quái để xuất bản có viết trong bài tựa: “… Các việc ấy tuy lạ mà không đến nỗi ngoa, tuy “thần” mà không đến nỗi “yêu”, tuy hoang đường mà không đến nỗi quái dị, tung tích còn có thể làm bằng cứ”[5]. Sơn Nam Thúc là tác giả những lời phê phán trong Thánh Tông di thảo cũng nói: “Đọc truyện Lấy chồng dê mới biết đầy trời đất hễ những giống vật bay, lặn, chạy, núp đều là vật mà chưa hẳn là vật. Có kẻ tiền duyên chưa trọn, có kẻ oán cũ chưa tiêu, có kẻ thác giống vật để đón nhau, có kẻ thoát hình mà ảo hóa, như chim xanh là sứ giả của Tây vương [mẫu], như lợn đen là tiền thân của Tần Cối. [Cũng một kiểu như] hạc Linh uy, cá Bạch long từ xưa đến nay khi nào cũng có. Chúng ta nên để lòng xét kỹ, đâu có phải vì chúng là vật mà coi là vật sao”[6]. Đặc biệt là trong Lan Trì kiến văn lục hay trong Hát đông thư dị[7], cứ sau mỗi một truyện nào quái lạ, tác giả lại ghi rõ tên người đã mắt thấy tai nghe, làm như đó là chuyện thật.
Những sự việc trên một mặt chứng tỏ giá trị hiện thực hiển nhiên của văn học truyền miệng dân tộc; nhất là cái cốt lõi sự thực vẫn còn dấu vết rất phong phú trong khá nhiều truyện mà những tình tiết hoang đường kỳ ảo không sao có thể che mờ hết. Nhưng mặt khác, nó cũng chứng tỏ đầu óc giáo điều của nhà nho không thể quan niệm nổi rằng trong nhân dân vẫn có một nền văn học truyền miệng không dính dáng trực tiếp với hiện thực lịch sử. Những con người uyên bác kia chỉ nghĩ rằng đây là sự thật được “truyền ngôn” lại, không tin rằng ai đó có thể dùng tưởng tượng để đặt nên chúng. Nếu có những truyện bịa đặt thì dĩ nhiên không đáng đếm xỉa. Nho sĩ chỉ biết luyện tập thi phú, ngoài ra nữa đều coi là “mánh qué”.
Cũng vì thế mà trong khi sưu tập và dọn thành sách, họ không khỏi lược bớt ít nhiều tình tiết ly kỳ của truyện. Mặt khác, vì không ghi bằng chữ Việt nên họ đã bỏ mất cái phần tinh túy là cách diễn đạt ngôn từ rất sinh động của cổ tích.

THỜI KỲ SUY TÀN CỦA TRUYỆN CỔ TÍCH VIỆT-NAM
Trong thời kỳ cuối Lê cho đến đầu Nguyễn có bốn sự kiện lịch sử ảnh hưởng đến truyện cổ tích đương thời:
Một là, phong trào nông dân khỏi nghĩa liên tiếp xuất hiện: cuộc này chưa dập tắt đã có cuộc khác bùng nổ và đã từng có lúc tập hợp thành cuộc khởi nghĩa rộng lớn Tây Sơn, làm nghiêng đổ chế độ ruỗng nát của phong kiến thống trị. Phong trào nông dân khởi nghĩa chẳng những đã để lại những dư âm trong văn học phong kiến, trong văn học thành văn mà còn có những vang hưởng sâu sắc trong truyện truyền miệng nói chung và trong cổ tích nói riêng. Bên cạnh các loại sách tiếu lâm, truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, v.v… đã ra đời những truyện Vua Heo, truyện Nói dối như Cuội, v.v… đều là những mũi dùi sắc nhọn chĩa vào thành lũy phong kiến thống trị; và những truyện Chàng Lía, Bà Thiếu phó, Nam cường, Cố Bu, Vợ ba Cai Vàng và nhiều nữa, đều 1à những bản ca hùng tráng, trong đó người anh hùng nông dân được đề cao. Nó phản ánh ước vọng của người nông dân bị áp bức muốn quật ngã kẻ thù, ít ra là quật lại một đòn trong tưởng tượng, cho hả bớt tâm lý dồn nén căng thẳng.
Hai là, tín ngưỡng về đạo Tiên lúc này thịnh hành đến nỗi cơ hồ lấn át cả đạo Phật. Chứng cứ là ở miền Bắc, cho đến ngày nay, bên cạnh mỗi chùa thường có dựng một phủ để thờ Thánh mẫu và các vị tiên khác. Đạo Tiên thịnh hành làm cho kho tàng truyện cổ của chúng ta lại chứa đựng thêm biết bao nhiêu là truyện quái dị như Liễu Hạnh công chúa, Phạm Viên, Trần Lộc, Tú Uyên, những truyện về Cuộc giao chiến giữa Liễu Hạnh công chúa với Tam thánh tổ, Nguyễn Lộc gặp tiên, v.v… Đồng thời, những tín ngưỡng về bói toán, sấm ký, nhất là phong thủy (địa lý) cũng mặc sức tranh giành địa vị, nên trong dân gian còn đẻ ra những truyện Trạng Trình, Tả Ao, truyện Thầy địa lý đốt sách, truyện để mồ để mả, truyện báo ân báo oán…
Ba là, dân tộc Việt-nam lúc này có công cuộc mở rộng địa bàn mạnh mẽ về phía Nam. Trong xu thế di chuyển liên tiếp và dai dẳng này, kho tàng truyện cổ tích của chúng ta lại tiếp thu được khá nhiều những truyện của các dân tộc anh em và các dân tộc láng giềng như Cham-pa, đồng bào Tây-nguyên, Lào, Khơ-me (Khmer), v.v… Cũng như truyện Tấm Cám, những truyện Thạch Sanh, truyện Hai anh em và con chó đá truyện Thỏ và hổ, truyện Nàng út, truyện Người thợ săn và bà Chằng, v.v… đều có nguồn gốc có thể ngờ là từ phương Nam truyền vào. Ngày nay, trong một số truyện cổ tích có những cái tên như ông hoàng tử, mãng xà vương, bà Chằng, Ác Lai, v.v… dường như đã được nhập tịch không phải là xưa lắm.
Một hiện tượng lý thú là trong quan hệ giao lưu văn hóa tiếp liền theo cuộc “di thực” nói trên, đã có một số truyện hoặc từ Đường ngoài truyền vào Đường trong, hoặc từ Đường trong truyền ra Đường ngoài, tuy cùng là một cốt truyện, một chủ đề, nhưng mỗi miền kể khác nhau về chi tiết: những tên người, tên đất khác nhau; những sự đổi mới ngay cả về bố cục. Chẳng hạn truyện Sọ Dừa ở trong Nam với truyện Lấy chồng dê ở ngoài Bắc[8]; truyện Sự tích đình làng Đa-hòa (Bắc) với truyện Thầy Thím (Nam); hay truyện Kéo cày trả nợ (Bắc) với truyện Nợ không trông trả (Nam), v.v…
Bốn là, lúc bây giờ bên cạnh những truyện cổ được ghi chép lẻ tẻ trong các sách Hán văn, còn có những truyện được tiểu thuyết hóa và diễn ra bằng văn vần. Văn vần là hình thức dễ thuộc, dễ kể và do đó rất dễ phổ biến. Thạch Sanh, Chàng Chuối, v.v… là những truyện nôm với nhiều tình tiết của truyền thuyết, cổ tích đã được hệ thống hóa và cải biên lại. Những truyện cổ Quan Âm Thị Kính, Bích-câu kỳ ngộ, Tống Trân Cúc Hoa trở nên sống khỏe hơn là khi chưa mang hình thức thành văn. Truyện cổ tích không những chuyển hóa thành tiểu thuyết mà còn chuyển hóa thành vở chèo, như Lưu Bình – Dương Lễ, Trương Viên, Cái kiến mày kiện củ khoai, v.v…
Từ đây, nghệ thuật tiểu thuyết bắt đầu hình thành, và cũng từ đây nghệ thuật cổ tích bắt đầu bước vào thời kỳ tàn tạ. Tiểu thuyết cũng như tuồng chèo sẽ chiếm địa vị trọng yếu trước đây của cổ tích.
Trong suốt thời kỳ cận đại, nghĩa là từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nay, truyện cổ tích truyền miệng xuất hiện ít dần đi. Không phải vì các loại tiểu thuyết và các loại truyện ngắn, sáng tác và dịch thuật đầy dẫy trên văn đàn, đã làm ngừng đọng nguồn văn học truyền miệng. Văn học chữ viết đâu có thể khuynh loát, tiêu diệt, hoặc cản trở sự sáng tác văn học truyền miệng một cách dễ dàng như thế. Trái lại, nó có thể trở thành động cơ thúc đẩy cho các tác phẩm truyền miệng trong dân gian nảy nở là khác. Có điều, khi chữ viết không còn là vật gì bí mật đối với mọi người, khi nghề in và xuất bản thịnh đạt, khi tác phẩm văn nghệ đã trở thành hàng hóa, thì văn học truyền miệng sớm được cố định hóa và được lưu truyền bằng giấy mực. Mà truyện cổ tích cũng như nhiều thể loại văn học dân gian khác, một khi hình thành đều đòi hỏi phải trải qua một quá trình lưu truyền, sửa chữa bằng miệng mới đi đến hoàn chỉnh. Không như vậy thì truyện sẽ không phải là cổ tích, cũng không thuộc về văn học dân gian.
Cho nên, khi nói truyện cổ tích xuất hiện ít dần đi tức là muốn nói những truyện cổ xuất hiện lúc này không mấy truyện còn mang đủ tính chất loại biệt của cổ tích nữa. Như trên kia đã phân tích, nó thiếu đi tính chất cổ là tính chất quan trọng nhất của truyện cổ tích. Nếu muốn tìm một khái niệm tương đối hợp lý để đặt tên cho loại truyện như truyện Con ma trong nhà thương hay Bầu cọp làm hương cả, v.v… thì ta có thể gọi đó là “truyện mới” hay “truyện đời nay” chứ không thể gọi là “truyện cổ tích”. Mặt nữa, nó cũng thiếu hẳn những đặc trưng nghệ thuật của truyện cổ tích. Hầu hết các truyện mới tuy vẫn thiên về kể hơn là tả, nhưng thường khi là những truyện không đầu không đuôi, lại thường không kể trong một không gian và thời gian nghệ thuật của cổ tích như lệ thường, v.v… Thể tài của chúng giờ đây rất gần thể tài của những “truyện ngắn” hay “truyện vặt” mà ta thường gặp trên các báo chí sách vở.
Thời gian này các nhà trước thuật vẫn tiếp tục làm cái việc sưu tập truyện cổ nước nhà. Trương Vĩnh Ký có Truyện đời xưa, Jê-ni-bren (Génibrel) có Truyện đời xưa mới in ra lần đầu hết. Một nhà sưu tập vô danh có quyển Sử Nam chí dị viết bằng chữ nôm[9]. Nguyễn Thượng Hiền có Hát-đông thư dị, Phạm Đình Dực có Vân nang tiểu sử, Phan Kế Bính có Nam hải dị nhân liệt truyện. Rồi đến Nguyễn Văn Ngọc có hai tập Truyện cổ nước Nam. Và còn nhiều nữa. Phần nhiều những sách đó góp nhặt lẫn lộn ngụ ngôn, khôi hài xen với cổ tích và truyền thuyết, kể cả một số truyện chưa hoàn chỉnh. Hơn nữa, trong việc sưu tập cũng thiếu sự tìm tòi rộng rãi, thường chỉ đóng khung trong phạm vi một số địa phương. Các nhà trước thuật lúc này sưu tầm truyện với ít nhiều ý thức bảo tồn vốn cũ của văn nghệ dân tộc, nhưng lại thiếu một phương pháp tìm tòi cũng như nhận xét khoa học. Truyện cổ Việt-nam còn được góp nhặt lần lượt và tản mạn trong những quyển sách hoặc tập san viết bằng chữ Pháp, và trong các báo chí cận đại. Trong số này phải kể đến một ít công trình sưu tầm tương đối trung thực và khá phong phú, như của Lăng-đờ (A. Landes) trong tập san Du lãm và quan sát (Excursions et reconnaissances) năm 1885-1886; của một nhà sưu tập vô danh đăng rải rác trong Thực nghiệp dân báo năm 1923-1924 dưới mục “Nói chuyện cũ”; và của Trương Vĩnh Tống trong Nông công thương năm 1938-1939 dưới các mục “Truyện lạ nước Nam” và “Mỹ Ấm tùy bút”, v.v… Quyển sách này đã sử dụng chọn lọc một phần số truyện trong các công trình sưu tập trên làm tài liệu[10].
Đồng thời những truyện chép trong các sách truyện ký bằng chữ Hán trước kia cũng lần lượt được dịch ra tiếng Việt như Việt điện u linh tập, Lĩnh-nam chích quái[11], Truyền kỳ mạn lục[12], Lan Trì kiến văn lục[13], Tang thương ngẫu lục, Thoái thực ký văn[14], v.v…
*
* *
Tóm lại, truyện cổ tích truyền miệng của chúng ta cũng có giai đoạn thịnh và giai đoạn suy. Rõ ràng, thời kỳ mà chế độ quân chủ ngự trị ở Việt-nam, thời kỳ mà tín ngưỡng phúc tạp thịnh hành trong dân chúng, thời kỳ mà nghệ thuật tiểu thuyết chưa phát triển trên văn đàn, đều là thời kỳ hoàng kim của của truyện cổ tích. Tác dụng của truyện cổ tích đối với đời sống tinh thần dân tộc lúc đó chẳng khác gì tiểu thuyết ngày nay. Cho mãi đến thời kỳ cận đại, truyện cổ tích mới mất cơ sở để tiếp tục sinh thành, mặc dầu truyện truyền miệng thì vẫn còn được sáng tác.
Nếu vẫn còn một số truyện cổ tích nào đấy xuất hiện thì cũng không còn mang đầy đủ đặc trưng của cổ tích. Cho nên, theo ý chúng tôi đây là thời suy tàn của nó.
Ý nghĩa, giá trị và đặc điểm của truyện cổ tích Việt-nam thế nào? Phương pháp nghệ thuật và nội dung tư tưởng của nó có gì khác với cổ tích Đông Tây? Rộng hơn nữa, mối quan hệ giữa tiếp thu và thanh lọc, kế thừa và cách tân, du nhập và sáng tạo… của cổ tích Việt-nam đối với các mô hình quen thuộc của cổ tích thế giới là thế nào?
Sẽ xin nói tới ở một phần khác cuối bộ sách này. Nhưng trước hết, chúng tôi hãy dẫn các bạn vào xem kho tàng cổ tích phong phú của chúng ta.
Chú thích:
[1] Xem truyện số 67, tập II.
[2] Tân đính hiệu bình Việl điện u linh tập; “Truyện Lý Phục Man”.
[3] Lĩnh-nam chích quái; “Truyện Phù Đồng thiên vương”.
[4] Còn có tên 1à Truyền kỳ tân phả.
[5] Nguyễn Trọng Thuật 1à người ở thế kỷ XX cũng không phủ nhận quan điểm trên của Vũ Quỳnh. Ông cũng nhân đó nói thêm: “Nay đem mà đối chứng với di tích còn rõ ràng, thì những truyện ấy là sự thật cả, chứ không phải là những lời ngụ ngôn mà cũng không phải là những bài tiểu thuyết, mới biết lời ông Vũ Quỳnh đã có suy xét kỹ lắm rồi” (Tựa sách Quả dưa đỏ, in lần thứ ba, Văn hóa thư cục, Hà-nội; tr. 3).
[6] Những lời “phê điểm” này đều thấy ghi ở cuối mỗi truyện trong Thánh Tông dị thảo, bản chép tay của Thư viện Khoa học xã hội, ký hiệu A.202.
[7] Của Nguyễn Đỉnh Nam (tức Nguyễn Thượng Hiền). Ký hiệu Thư viện Khoa hoc xã hội: VHv.2382.
[8] Truyện Chàng Chuối cũng thoát thai từ cổ tích này mà tiểu thuyết hóa nên.
[9] Phần nhiều những truyện trong Truyện cổ tích Việt-nam của Nguyễn Bính, Nhà xuất bản Nguyễn Du, Hà- nội, 1952, đều rút từ sách này ra.
[10] Ngoài ra, cũng nên nói đến những bản khai báo của chức dịch một số làng xã trả lời những câu hỏi điều tra về phong tục Việt-nam do học giả Pháp tổ chức vào những năm 1911, 1938… Những bản khai bằng chữ nôm đó cũng thu thập được một số tài liệu về truyện cổ dân gian, trong đó số lớn dưới dạng thần tích, tuy cách khai báo quá vắn tắt và đơn điệu, và cho đến nay vẫn nằm nguyên ở Thư viện Khoa học xã hội chứ chưa được khai thác.
[11] Những truyện trong hai quyển này đã được dịch và công bố trong nhiều sách báo.
[12] Từng được dịch ra chữ nôm ở thế kỷ XVIII.
[13] Tô Linh Thảo trích dịch, lấy tên là Đại Nam kỳ nhân liệt truyện, Nhà in Ngô Tử Hạ, Hà-nội, 1930.
[14] Nguyễn Lợi và Nguyễn Đổng Chi dịch, mới công bố được tập I, Nhà xuất bản Tân Việt, Hà-nội, 1942.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN