Truyện Cổ Tích Việt Nam
Sự tích ông đầu rau
Ngày xưa, có hai vợ chồng son nhà nghèo. Họ đều sinh nhai bằng nghề làm thuê làm mướn. Tuy nghèo nhưng họ rất yêu nhau. Thường buổi tối sau khi đi làm về, hai vợ chồng ngồi bên bếp lửa hay dưới ánh trăng kể cho nhau những chuyện xa gần mới nghe được, hay hát những câu tình duyên, có khi vui vẻ quên cả cơm nước.
Một năm trời làm mất mùa, hạt gạo kiếm rất khó khăn. Tình trạng đói kém diễn ra khắp mọi miền. Hai vợ chồng theo lệ cũ đi tìm việc ở các nhà giàu nhưng chả mấy ai thuê nữa. Người vay công lĩnh nợ thì đông mà gạo rất khan hiếm nên khó chen vào lọt. Hơn nữa, cổng mấy lão trọc phú lại thường đóng chặt vì chúng không muốn cho ai quấy nhiễu.
Túng thế hai vợ chồng phải đi mò cua bắt ốc, hoặc đào củ, hái rau về ăn. Tuy có đỡ phần nào nhưng tình thế vẫn không mảy may sáng sủa. Cái chết luôn luôn đe dọa họ vì trận đói còn kéo dài. Một buổi chiều, sau khi húp vội mấy bát canh rau má, chồng bảo vợ:
– Tôi phải đi một nơi khác kiếm ăn, không thể ở nhà được.
Nghe chồng nói, người đàn bà đòi đi theo để sống chết cho có bạn. Nhưng người chồng bảo:
– Tôi chưa biết sẽ đi đến đâu và sẽ phải làm những gì. Nàng ở nhà dễ sống hơn tôi, không nên theo làm gì cho vất vả. Chưa biết chừng tôi sẽ nằm lại dọc đường để cho loài chim đến than khóc. Nhưng cũng chưa biết chừng tôi lại mang những quan tiền tốt bó mo về đây nuôi nàng cũng nên! Chao ôi! Số mệnh! Nàng hãy chờ tôi trong ba năm, nghe! Hết ba năm không thấy tôi trở về ấy là tôi đã bỏ xác quê người. Nàng cứ việc đi lấy chồng khác.
Người vợ khóc lóc thảm thiết như đứng trước cảnh tang tóc thực sự. Nhưng không biết làm thế nào cả, nàng đành phải để chồng ra đi.
Sau khi tiễn chồng, người đàn bà kiếm được việc làm ở một nhà kia. Nhà họ không giàu gì nhưng thương cảnh ngộ nàng, có ý giúp đỡ cho qua những ngày thảm đạm. Ở đây, người đàn bà kiếm mỗi ngày hai bữa, trong đó có một bữa cháo bữa khoai. Nhờ lanh lẹ và xinh xắn nên nàng lấy được cảm tình của chủ. Nhưng hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng.
Thời gian trôi nhanh như nước chảy. Người ta đã bớt nhắc đến trận đói khốc liệt vừa qua. Nàng thì ngày ngày hồi hộp chờ đợi chồng. Những cây bưởi trước sân đã ba lần trổ hoa mà chồng nàng vẫn không thấy tăm dạng.
Giữa lúc ấy người chủ đã từng bao bọc nàng trong lúc đó, vừa chết vợ. Sẵn có cảm tình với nàng, người ấy ngỏ ý muốn được nối duyên cùng nàng. Nhưng người ấy đâu có hiểu được lòng của người thiếu phụ. Câu trả lời của nàng là:
– Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo.
Ba năm nữa lại trôi qua một cách chóng vánh. Không một nét chữ, một lời đồn về người xấu số. Hàng ngày, những buổi chiều tà, nàng vẫn đăm đăm nhìn bóng người đi lại trên con đường cái quan. Và rồi nàng khóc cạn cả nước mắt. Người đàn ông kia giục nàng quyết định:
– Một là chồng nàng đã chết, hai là còn sống nhưng đã lập một gia đình khác ở một nơi xa xôi hẻo lánh. Đằng nào nàng cũng khó mong tái hợp. Âu là cùng tôi lập một gia đình mới. Sức của tôi và của cải tôi đã bảo đảm cho nàng sung sướng trọn đời.
Nàng sửa lại vành khăn trắng đã ngả màu, cảm ơn hậu tình của anh ta và xin rốn chờ cho một năm nữa. Một năm nữa lại trôi qua không mang lại một tin tức gì mới mẻ. Lần này nàng mới tin là chồng mình chết thật. Sau một bữa rượu cúng chồng và đãi họ hàng làng xóm, nàng đến ở cùng người chồng mới.
*
Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương. Chàng không có vẻ gì khấm khá hơn trước. Chàng chỉ ôm một hy vọng là được gặp lại người vợ yêu. Nhưng vườn cũ nay đã thuộc về chủ mới. Chàng lẩm bẩm: – “Thế là hết. Bởi số cả! .
Việc người đàn ông đột ngột trở về làm cho mọi người ngơ ngác. Nhất là đôi vợ chồng mới cưới không còn biết ăn nói làm sao bây giờ. Người đàn bà xấu hổ không dám dàn mặt. Nhưng người chồng cũ đã tìm đến họ và an ủi họ.
– Tôi đi vắng lâu quá. Cái đó hoàn toàn là lỗi ở tôi. Nàng xử sự như thế rất đúng. Tôi chỉ cần về gặp nàng một chút. Thế là đủ. Bây giờ tôi sẽ đi khỏi núi này mãi mãi.
Mặc dầu người vợ nài nỷ hết sức, mặc dầu người chồng mới đoan xin trả lại vợ, nhưng chàng nhất quyết dứt áo ra đi. Chàng không nỡ phá hạnh phúc của họ. Mà chàng cũng không có gan đi đâu xa vì không thể quên được vợ cũ. Băn khoăn dằn vặt hành hạ tâm trí chàng. Đầu óc rối như mớ bòng bong. Chàng nghĩ đến cái chết và trong một lúc cuồng loạn, chàng tự treo cổ lên cây đa đầu làng.
Cái chết kinh khủng đó như một tiếng sét nổ vào đầu người đàn bà. Nàng cảm thấy chính mình là thủ phạm gây ra cái chết của người chồng cũ. Tại sao ta chờ chồng được bảy năm trời mà không rán chờ thêm ít lâu nữa? Tại sao thấy chồng trở về, ta không dám giáp mặt? Nàng không tự chủ được nữa. Tất cả những câu hỏi như lên án một cách âm thầm nhưng kịch liệt trong đầu óc nàng.
Thế rồi buổi sáng hôm sau, trong khi người ta sắp sửa cất đám người đàn ông bạc mệnh thì người ta lại hoảng hốt kéo nhau đi vớt tử thi người đàn bà dưới cái ao bên cạnh nhà.
Người chồng mới sau khi làm ma cho vợ, trở nên như người mất trí. Hai cái chết đánh mạnh vào đầu óc mọi người, riêng đối với chàng chưa bao giờ có một sự xúc động dữ dội đến như thế. Chàng luôn miệng kêu to: – “Tại sao ta cố ý cướp vợ của người khác!”. Rồi một hôm, sau khi đem hết gia sản chia cho họ hàng và cúng vào chùa, chàng uống thuốc độc tự tử.
Lúc xuống đến thế giới bên kia, cả ba người đều được đưa tới trước tòa án của Diêm vương để định công luận tội. Tất cả mọi người một khi đã đến đây đều phải khai rõ sự thật ôm ấp trong lòng.
Theo lời khai của người chồng cũ thì chàng không thể nào xa lìa vợ cũ. Chàng sở dĩ chết ở làng là chỉ mong luôn luôn được gần gũi nàng. Người chồng mới cũng khai rằng chàng có cảm tình rất xa đối với người vợ mới mặc dầu mới chính thức lấy nhau chỉ có ba tháng. Khi Diêm vương hỏi tình của chàng đối với người vợ cũ như thế nào thì chàng giơ ngón tay so sánh rằng một bên mười, một bên chưa được một. Đến lượt người đàn bà thì nàng thú thật rằng cái tình của nàng đối với chồng cũ choán một chỗ rộng rãi trong lòng mình, đồng thời đối với người chồng mới, nàng cũng không thể nào quên được tình cảm nồng nhiệt của chàng.
Diêm vương ngồi nghe rất cảm động. Những người như thế này cũng thật hiếm có. Cần phải làm cho bộ ba ấy sống gần nhau mãi mãi. Sau một hồi lâu suy nghĩ, Diêm vương cho ba người hóa thành ba ông đầu rau để cho họ khỏi lìa nhau và để cho ngọn lửa luôn luôn đốt nóng tình yêu của họ. Đồng thời, vua còn phong cho họ chức Táo quân trong nom từng bếp một, nghĩ là từng gia đình một trên trần thế[1].
KHẢO DỊ
Về Sự tích ông đầu rau hay Sự tích thần Bếp thì có khá nhiều, nội dung chỉ khác nhau về chi tiết. Một truyện chúng tôi đã kể trong Lược khảo về thần thoại Việt-nam, mục “Thần Bếp”:
Xưa có hai vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi lấy nhau, đã lâu mà không có con. Một hôm vợ chồng cãi nhau, chồng giở thói vũ phu đánh vợ. Vợ bỏ nhà ra đi, sau đó kết duyên với một người khác tên là Phạm Lang. Về phần Trọng Cao khi vợ bỏ đi rồi thì mới thấy hối, bèn cũng bỏ nhà đi tìm. Tìm mãi không được, hết tiền ăn đường, đành phải ăn xin lần hồi.
Một hôm Trọng Cao tình cờ đến xin tại nhà Phạm Lang. Thị Nhi nhận ra chồng cũ: nhân chồng mới đi vắng, đưa vào thết đãi, rồi vì sợ chồng mới về bắt gặp, mới dắt Trọng Cao ra nằm ở một đống rơm ngoài đồng. Nhưng nàng không ngờ rằng chỉ một lúc sau, đống rơm ấy lại bị Phạm Lang đốt đi để lấy tro bón ruộng. Cũng như truyện trên, thấy chồng cũ chết, Thị Nhi cũng nhảy vào lửa chết theo. Phạm Lang, rồi người đầy tớ lần lượt xông vào cứu cũng đều chết nốt. Họ đều được Ngọc Hoàng cho làm thần Bếp.
Một truyện khác do người Sơn-tây kể:
Có hai vợ chồng nghèo, chồng làm nghề buôn hương, vợ làm ruộng. Chồng thường xa vợ thi thoảng mới về một lần. Có lúc ông ta đi suốt năm chỉ gửi tiền về cho vợ tiêu mà thôi.
Một chuyến chồng đi biền biệt không tiền nong tin tức gì cả, người vợ chờ mãi đến gần mười năm mà vẫn không thấy tăm dạng.
Rồi đó, người vợ nối duyên với một người khác chuyên nghề săn bắn và làm ruộng. Người này có nuôi một người đầy tớ tên là Lốc. Người chồng mới rất yêu quý vợ.
Một hôm, trong khi chồng mới và đầy tớ đi săn vắng thì người chồng cũ đột nhiên trở về sau bao nhiêu năm cách biệt. Ông bị giặc bắt lưu lạc trong rừng núi mãi đến nay mới trốn thoát được. Người vợ chỉ còn biết ôm lấy chồng cũ khóc than rồi dọn cơm rượu cho ăn. Khi chồng mới sắp về, vợ đưa chồng cũ ra ngoài đống rơm để tránh tiếng không hay.
Chủ và tớ đi săn về được một con cầy. Chồng giục vợ đi sắm mọi thứ để làm một bữa chén. Trong khi người đàn bà đi vắng thì người đầy tớ đốt đống rơm để thui con cầy. Lửa vô tình đã đốt chết người bán hương đang lúc ngủ say.
Giữa lúc đó thì vợ về. Thấy thế, nàng rất đau đớn, tự coi như mình phạm tội giết chồng cũ. vội nhảy vào đống lửa. Người chồng mới thương vợ đâm đầu vào đó thiêu nốt. Người đầy tớ thương chủ, lại thêm hối hận vì tay mình đốt chết người nên cũng nhảy vào lửa chết theo.
Ba vợ chồng sau đó được Diêm vương cho hóa thành ba ông đầu rau. Còn người đầy tớ được hóa thành cái dùng để chặn đống nhấm, người ta quen gọi là thằng Lốc[2]. Trong những bức tranh Táo quân người ta không bao giờ quên về người đầy tớ có nghĩa đứng bên cạnh ba người.
Một truyện thứ tư thấy chép trong Dân Việt-nam (l948):
Người chồng cũ mắc bệnh như bệnh hủi. Chồng khuyên vợ bỏ đi nhưng người vợ không nghe. Một hôm vợ đưa tiền gạo ra cho một người ăn mày, chồng giả cách vu cho vợ có tình ý với người đó. Vợ tức mình nhảy xuống sông tự tử nhưng sau lại được người ăn mày kia cứu thoát. Nỗi oan lại càng khó tỏ, người vợ đành bỏ đi theo người cứu mình và lấy anh ta làm chồng.
Người chồng cũ một thân một mình không ai giúp đỡ, phải đi hành khất. Tình cờ một hôm đến gõ cửa nhà vợ cũ, vợ vô tình đem tiền gạo ra cho. Thấy vợ, hắn bỏ chạy rồi đâm đầu vào một đống lửa. Vợ đuổi theo không cứu kịp cũng nhảy vào để chết theo. Người chồng mới cũng đuổi theo và nhảy luôn vào lửa khi thấy vợ chết. Xuống âm phủ họ đều được làm thần Bếp.
Người Cham-pa có truyện Vua bếp trong kết cấu có sự trộn lẫn cốt truyện Sự tích thần Bếp với cốt truyện Ai mua hành tôi của ta (Số l35, tập III):
Một thầy địa lý sắp chết dặn ba đứa con “khi bố chết đừng chôn vội, cứ khiêng xác đi về phương Nam, hễ nơi nào bố tự ý hạ xuống thì chôn ở đó”. Bố chết, các con vâng lời, ba ngày vượt đồi leo núi hết hơi, xác mới rơi trên một tảng đá. Không ngờ đấy là hàm con rồng. Đêm lại rồng lần lượt báo mộng cho ba người con và xin biếu người thứ nhất một lọ bạc, người thứ hai một là vàng, người thứ ba một lọ nước thần. Nhưng cả ba nhận của biếu mà không chịu dời mộ. Trong khi hai anh giàu có thì người em út treo lọ nước lên xà nhà. Như truyện của ta, người vợ một hôm vô tình lấy xuống đổ ra tay thấy tay trắng, bèn đem tắm, người bỗng đẹp như tiên, hành và ngò mọc gần chỗ tắm lớn vổng lên lạ thường. Thấy người vợ của anh đẹp, vua bắt về cung. Anh chàng nhớ vợ bèn nhổ hành và ngò làm một gánh tiến kinh, rao: – “Ai mua hành cao năm thước hai, ngò cao ba thước sáu”. Vợ nghe, biết là chồng cũ, gọi vào tình tự. Mấy lần như thế, vua ngờ vực, dặn lính hễ thấy ai rao như thế là bắt. Khi bắt được người chồng, vua muốn thử vợ, bèn đổi áo quần cho người bán hành, rồi gánh gánh hành ngò đi rao. Không ngờ vua bị lính bắt. Kết cục khác với chuyện Ai mua hành tôi của ta là anh hàng hành đang mặc áo của vua liền ra lệnh đốt chết nhà vua trong bộ áo hàng hành, Hoàng hậu tưởng là vua giết mất chồng cũ nên nhảy vào lửa chết theo. Anh hàng hành thấy vậy cũng nhảy vào lửa chết nốt. Về sau họ được phong làm vua Bếp[3].
Người Quảng-đông (Trung-quốc) cũng thờ thần Bếp, và cũng cúng thần vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Họ có nhiều truyện thần Bếp khác với truyện của ta.
Sau đây là một truyện phần nào gần truyện của ta ở một vài tình tiết:
Xưa có Trương Lang lấy vợ là Đinh Hương. Chồng bỏ đi buôn xa không có tin về. Vợ ở nhà chăm nom bố mẹ chồng rất hiếu thảo. Sau mười năm, bố mẹ chồng lần lượt chết cả mà chồng vẫn không thấy về.
Đột nhiên một hôm chồng trở về với nhiều của cải. Vợ không ngờ chồng về đến nhà là viết tờ ly dị. Hắn cho vợ một cỗ xe, một con bò rồi đuổi đi. Vợ gạt nước mắt ra đi không biết về đâu vì bố mẹ thân thích chẳng còn ai; mới bảo bò: – “Bò ơi! Mày đi đến đâu tao sẽ theo mày tới đó”. Bò đi mãi, đưa đến nhà một bà lão. Bà lão thấy Đinh Hương tốt nết, bên hỏi cho con trai làm vợ. Hai vợ chồng rất tương đắc.
Trương Lang sau khi đuổi Đinh Hương, lấy vợ khác. Không may một hôm nhà cháy, của cải không còn lại tí gì, hơn nữa mắt lại bị lòa, đành phải đi ăn xin.
Tình cờ một hôm vào ngày 23 tháng Chạp, hắn đến nhà Đinh Hương. Người ta cho hắn một bát cơm. Ăn hết, hắn xin bát thứ hai, thứ ba. Lần thứ ba Đinh Hương nghe tiếng quen quen, nhìn ra mới biết là chồng cũ, liền đưa cho một bát miến, nhưng hữu ý bỏ cái trâm cài đầu của mình vào đáy bát. Trương Lang ăn đến đó tưởng là miếng bã đậu quẳng đi rồi xin bát khác. Đinh Hương mới lên tiếng cho hắn biết mình là ai.
Trương Lang hổ thẹn lăn ra chết. Sau đó, Ngọc Hoàng thấy hắn là người cùng họ với mình bèn phong cho làm Táo vương. Người ta nể Ngọc Hoàng đành phải cúng hắn, nhưng họ lấy lẽ rằng hắn chết sau khi ăn bát miến của Đinh Hương nên đến ngày đó chỉ cúng có mỗi một bát miến[4].
Một truyện của người miền Nam Ấn-độ về mặt hình tượng có thể xếp gần với truyện của ta:
Có hai người Sô-ma-ray-ia và Bi-ma-ray-ia trở thành bạn chí thiết, tuy họ chưa bao giờ đến nhà nhau. Một hôm Bi-ma-ray-ia thấy vợ bạn (nhưng không biết là vợ bạn) đẹp, mới tha thiết nhờ bạn giúp cho mình được sống một đêm với người đàn bà ấy. Đứng giữa hai quan hệ tình vợ và tình bạn, Sô-ma-ray-ia không dám nói thật với bạn đó là vợ mình, hắn đành hy sinh cho bạn. Vợ Sô-ma-ray-ia rất đau khổ nhưng không dám trái ý chồng, coi trái ý chồng là một tội lỗi. Nhưng lúc Bi-ma-ray-ia đến nhà thì biết người đàn bà ấy không phải là người trăng hoa, mà là một người có đức hạnh. Và sau đó, nhìn thấy gươm của Sô-ma-ray-ia treo ở buồng, hắn biết thêm nàng chính là vợ bạn.
Nhận ra lỗi lầm, hắn bèn tuốt gươm tự đâm cổ chết. Và Sô-ma-ray-ia thấy thế cho là mình cũng có tội, bèn cũng đâm cổ chết theo. Sô-ma-ray-ia khi nhìn thấy hai cái xác thì vô cùng hối hận cũng toan đâm cổ tự sát nhưng thần Xi-va đã xuất hiện và mang cả ba lên trời[5].
[1] Theo Pháp-Á tạp chí (1952).
[2] Ở nông thôn ngày xưa chưa có diêm. Thường về buổi chiều người ta thường phải đổ một mớ trấu bên cạnh bếp, trên có đè bằng một hòn đất nặn theo hình quả cân để cho nó cháy âm ỉ tới sáng, lúc cần thổi lên thành lửa mà dùng. Đống trấu đó gọi là “đống nhấm”, hòn đất dùng để đè gọi là “thằng Lốc”.
[3] Theo Vũ Lang. Cổ tích Chàm và cổ tích VIệt Nam Văn hóa Á châu, số 16 (1959).
[4] Theo tạp chí Dân gian văn học (Trung-quốc) (2-1957).
[5] Theo A-lan (Alan). Gô-pan-pua, một làng ở Nam Ấn-độ.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!