Truyện Cổ Tích Việt Nam
Sự tích hồ Gươm
Vào thời ấy, giặc Minh đặt ách đô hộ ở nước Nam. Chúng coi dân ta như cỏ rác, thi hành nhiều điều bạo ngược làm cho thiên hạ căm giận đến tận xương tủy. Bấy giờ, ở vùng Lam-sơn nghĩa quân đã nổi dậy chống lại chúng, nhưng buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần bị giặc đánh cho tan tác, Thấy vậy, đức Long quân quyết định cho họ mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.
Hồi ấy ở Thanh-hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ. Thận thả lưới ở một bến vắng như thường. Tự nhiên trong một lần kéo lưới, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay bắt cá. Thận mới biết đó là một thanh sắt. Chàng vứt luôn xuống nước rồi lại thả câu ở một chỗ khác.
Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay. Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lưới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba vẫn là thanh sắt ấy mắc vào lưới. Lấy làm quái lạ, Thận ghé mồi lửa lại nhìn xem. Bỗng chàng reo lên một mình:
– Ha ha! Một lưỡi gươm!
Thận về sau gia nhập quân đoàn khởi nghĩa Lam-sơn. Chàng đã mấy lần vào sinh ra tử ở nơi trận mạc để diệt lũ cướp nước. Một hôm, chủ tướng Lê Lợi cùng mấy người tùy tòng đến nhà Thận. Trong gian nhà tối om, thanh sắt hôm đó chợt sáng quắc lên ở một xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi. Song tất cả mọi người đều không biết đó là báu vật.
Một hôm bị giặc đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy ánh sáng trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là cái chuôi gươm nạm ngọc. Nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lơi rút lấy chuôi gươm giắt vào lưng.
Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn, trong đó có Lê Thận. Khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau. Lê Lợi bèn kể lại câu chuyện. Mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận nâng gươm lên ngang đầu nói với chủ tướng:
– Đây là thần có ý phó thác cho “minh công” làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo “minh công” và thanh gươm thần này để báo đền xã tắc!
Từ đó khí thế của nghĩa quân ngày một tăng. Trong tay Lê Lợi, thanh gươm thần tung hoàng trên mọi trận địa và làm cho quân Minh bạt vía. Chẳng mấy chốc tiếng tăm của quân Lam-sơn lan khắp nơi. Họ không phải trốn tránh trong rừng nữa mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như trước nữa, đã có những kho lương thực của giặc mới cướp được tiếp tế cho họ. Gươm thần đã mở đường cho họ đánh tràn ra mãi cho đến lúc không còn bóng một tên giặc nào trên đất nước.
Sau khi đuổi giặc Minh về được một năm, ngày hôm ấy Lê Lợi – bấy giờ đã là một vị thiên tử – cưỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả-vọng trước kinh thành. Nhân dịp đó, Long quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần. Khi chiếc thuyền chèo ra giữa hồ thì tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi làn nước xanh. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Vua đứng trên và nhận thấy lưỡi gươm đeo bên mình cũng đang cử động. Con rùa vàng không sợ người, nhô thêm nữa, tiến sát về phía thuyền vua. Nó đứng nổi lên trên mặt nước và nói:
– Bệ hạ hoàn gươm cho Long quân!
Nghe nói thế nhà vua bỗng hiểu ra bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát thanh gươm thần rời khỏi tay vua bay đến phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa há miệng đớp lấy ngang lưỡi. Cho đến khi gươm và rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dười mặt nước hồ xanh.
Khi những chiếc thuyền của bá quan tiến lên kịp thuyền rồng thì vua liền báo ngay cho họ biết:
– Đức Long quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, Người sai rùa lấy lại.
Và từ đó, hồ bắt đầu được mang tên là hồ Gươm hay hồ Hoàn-kiếm.
KHẢO DỊ
Người Thượng ở Tây-nguyên truyền khả nhiều về gươm thần. Tựu trung có bốn truyện có phần nào giống với truyện trên.
Trong một chuyến đi chơi xa, Po-thê bị bão đắm thuyền, may giạt vào một hòn đảo khỏi chết. Trên đảo có một cây sung (ha-ra), thường vẫn có một đàn lợn từ biển xa đến ăn quả rụng. Đàn lợn đi trên mặt biển dễ dàng nhờ có một viên đá thần (a-tao) do con lợn chúa đàn ngậm ở mồm. Nhờ có Pơ-tao O-la (vua Lười) mách cho việc đó. Pô-thê tìm cách chiếm lấy viên đá thần, khi con lợn chúa đàn đặt đá xuống gốc cây để ăn, Được đá thần, Pô-thê trở về đất liền gặp một chàng trai có quả cây thần (pô-quy) có thể làm ra mưa gió. Sau đó lại gặp một người khác có sợi dây (tơ-lây ca-a-san) gọi thì nó trói người và một cái gậy (a-cai-tha) gọi thì nó đánh người. Lại gặp một người khác có hòn đá (pôn-rô-tan pôn-rơ-lo) có thể hóa thành ngàn quân và một cái roi mây (a-tơ-rê-nông) có thể làm cho trời đất mù mịt tối tăm. Pô-thê bèn kết thân với người ấy.
Sau đó, họ đến bờ một con sông lớn. Ở đây có đủ mặt vua các dân tộc như : Chàm, Khơ-me (Khmer), Việt-nam, Lào, Ê-đê, Ja-rai (Djarai).v.v… Họ đang bận lặn xuống nước để mò một thanh gươm thần. Gươm ấy từ trên trời rơi xuống, đến đâu sáng chói khắp cả bầu trời tới đó. Lúc ấy tuy gươm còn nằm trong vỏ nhưng mà ánh sáng của nó vẫn sáng rực đáy song. Tuy lặn giỏi, nhưng đáy sông sâu thành vực, họ chỉ lặn xuống nước được một lúc rồi lại phải lên ngay, vì thế nhiều người lên tay không. Về sau chỉ có vua nước Chàm chiếm được lưỡi gươm đưa lên mặt nước.
Nhưng vua Chàm vừa lên tới bờ thì Pô-thê đã nhanh tay cướp lấy gươm thần trao cho vua Ja-rai. Giữa lúc đó thì vua Khơ-me cũng mò được vỏ gươm đưa về nước họ. Cuộc mò gươm đến đấy là kết liễu.
Tức mình vì mất gươm, người Chàm bèn gây một cuộc chiến tranh dữ dội với người Ja-rai bao nhiêu năm tháng. Họ kéo quân đến nước Ja-rai phá làng mạc, giết người, cướp của. Pô-thê nhờ có hòn đá, quả cây, sợi dây và cái gậy có phép màu nhiệm chiếm được trong lúc đi đường, nên đủ sức giúp người Ja-rai chống chọi lại với địch thủ. Nhưng phép thần của người Chàm cũng rất cao cường. Họ làm cho cuộc chiến tranh ngày càng kịch liệt. Cả hai bên đều chưa phân thắng bại.
Pô-thê bèn sai giết một con trâu trắng và một con trâu đen làm lễ cúng lưỡi gươm thần rồi nói: “Hỡi gươm thiêng! Hãy tỏ sự linh dị ra để theo về với một bên cho dứt khoát!”. Đoạn cầm gươm thần vào tay. Pô-thê xông vào giữa quân Chàm. Lưỡi gươm tự nhiên khi phun ra lửa, khi dâng đầy nước, làm cho người Chàm hoặc bị chết cháy hoặc bị chết đuối không sao kể xiết. Pô-thê lại dùng roi làm phép làm cho trời đất tối tăm mù mịt khiến người Chàm chả biết đường nào mà trốn.
Sau khi trao lưỡi gươm thần cho vua Lửa (Li Pa-tao)[1] Pô-thê ra đi, không quên dặn người Ja-rai phải luôn luôn kết hiếu với người Khơ-me là kẻ được trời giao cho nhiệm vụ giữ vỏ gươm thần[2].
Truyện thứ hai của người Ja-rai (Djarai):
Có một vị thần ở trên trời xuống trần, ngồi ở một gò đất gần đường qua lại. Có một gia đình đi qua. Thần nhìn trừng trừng vào một đứa trẻ làm cho nó khóc mãi, ai dỗ cũng không nín. Bố mẹ đứa bé cầu xin thần làm cho nó nín. Thần đòi một số sắt, bố mẹ lấy ra cho. Đứa bé quả nín. Một số gia đình khác đi qua gò, việc cũng diễn ra như vậy. Thế là thần đủ sắt rèn một cây gươm. Nhưng khi người thợ rèn rèn xong gươm không chịu nguội. Người ấy bèn vứt xuống sông Xê-xan gần thác Y-a-li.
Ít lâu sau có một người đi câu câu được một con cua, càng cua có cắp một lưỡi gươm. Khi sắp sửa lấy thì cua thả ra, lưỡi gươm lại rơi xuống nước. Các làng xa gần nghe tin này đua nhau tới lặn để mò gươm. Một người tìm được, đó là người Ja-rai. Vỏ gươm do người Việt chiếm (có người nói về tay người Lào)[3].
Truyện trên dường như là phần đầu của một truyện khác, nội dung đại lược như sau:
Một lưỡi gươm thần do vua Chàm lặn lấy được từ dưới nước lên, giao cho vua Ja-rai vì vua Ja-rai là em của vua Chàm. Lưỡi gươm chỉ vào giặc, giặc tan, chỉ vào lụt, lụt cạn, chỉ vào trời hạn thì tự dưng có mưa. Trừ vua Lửa ra, người nào nhìn vào gươm cũng sẽ bị tan xương nát thịt. Cây gươm thần được lưu truyền mãi và đã nhiều lần cứu vớt người Ja-rai ra khỏi vùng thiên tai nhân họa cho tới đời ông Tú, một trong những vua Lửa. Trong khi ông đưa gươm ra chống giặc thì bất tình lình lưỡi gươm tự lìa khỏi chuôi và văng xuống sông. Lưỡi gươm trôi về miền xuôi, người Việt giữ được. Giữa lúc đó thì giặc xâm lăng tới. Không có gươm thần, người Ja-lai đành chịu làm tôi cho giặc[4].
Truyện thứ ba của người Ba-na (Bahnar):
Dô-dăm Xết bị quỷ Hơ-manh bắt mất vợ và em gái, chưa biết làm thế nào để báo thù, Một hôm, anh lên rừng bỗng thấy trên cây cao có ánh sáng lạ lấp lánh: đó là một cây gươm và một cái khiên bằng vàng. Nhưng khi anh giơ tay lấy những vật trên thì không thể nào nhấc ra khỏi cây được. Theo lời những người già, anh giết dê làm lễ cúng, thần mới cho gươm và khiên. Khi cầm vào tay múa, chiếc khiên bỗng bay vụt lơ lửng giữa không trung, anh nhảy ngay lên khiên, khiên bay lên vùn vụt, sau đó nó đưa anh lên tận sông Ngân-hà đánh nhau với quỷ Hơ-manh. Cuối cùng anh giết chết quỷ cứu được em và vợ về[5].
Truyện thứ tư của người Mơ-nông (Menon) là một dị bản của truyện Tiêu diệt mãng xà (xem truyện 148, tập IV)
Xưa ở vùng người Mơ-nông có hai anh em tên là Pơ-rang và Dang. Một hôm Dang tìm được một hòn đá thiêng có thể ném chết bất cứ con vật gì. Thuở ấy có một con rồng thường hại người, buộc dân trong vùng phải đến kỳ nộp một mạng người mới không quấy nhiễu. Lần ấy đến lượt con gái vua là Nê-ang Pu phải nộp mạng. Nhưng Dang đã dùng hòn đá rèn thành gươm giết được rồng. Lập công xong anh dặn Nê-ang Pu đừng nói với ai rồi trốn về nhà song lại bỏ quên bao gươm lại. Tìm không ra dũng sĩ giết rồng, vua ra lệnh đem so gươm của mọi người, gươm ai bỏ vừa lọt cái bao do dũng sĩ để lại thì coi như người ấy là dũng sĩ. Không có gươm của ai vừa bao cả. Khi lính tìm đến nhà Dang, cả 200 người hè vào khiêng gươm của anh mà không nổi. Dang chỉ một tay cầm gươm lên như bỡn. gươm bỏ vừa bao. Dang được vua gả con gái, sau đó được làm vua. Bị các nước kéo nhau đến đánh. Dang thua, đi trốn, bỏ vỏ gươm ở nước người Khơ-me, cán ở Thái-lan, lưỡi ở người Ja-rai[6].
Đồng bào người Cham-pa cũng có một truyện cổ tích về lịch sử gươm thần. Truyện này được ghi chép từ thế kỷ III.
Phạm Văn nguyên là nô lệ chăn súc vật của một viên súy huyện Tây- quyền thuộc Nhật-nam. Một hôm đưa dê đi uống nước ở khe. Văn bắt được hai con cá chép mang về định nấu ăn. Lúc sắp sửa nấu thì cá bỗng hóa thành đá nảy ra ánh sáng kỳ lạ. Văn mang đến thợ rèn, rèn thành gươm. Được gươm rồi, chàng đến trước một tảng đá khấn rằng: “Nếu chặt vỡ được tảng đá này thì ta sẽ làm vua”. Tảng đá quả vỡ đôi trước nhát chém của cây gươm thần.
Rồi đó Văn xin đăng linh. Trận nào chàng cũng tỏ ra rất gan dạ và giết được nhiều giặc. Dần dần Văn được thăng chức và cuối cùng cướp ngôi Phạm Dật, làm vua nước Lâm-ấp. Chàng lại cử binh đánh các lân bang, mở rộng đất đai thành một nước lớn[7].
Truyện của người In-đô-nê-xi-a dưới đây cũng một mô-típ với các truyện trên, nhất là giống với truyện đầu của các vật ngẫu nhiên tìm được và lưỡi gươm thần:
Xưa ở In-đô-nê-xi-a mỗi một hòn đảo là một vương quốc.
Một ông vua muốn làm bá chủ, nghe nói hễ ai bắt được một con ngựa thần thì nó sẽ cho ngọc và nhờ đó có phép đi được trên mặt biển, bèn sai hoàng tử và mười võ sĩ vượt biển đi tìm. Hồi ấy có một chàng trai trẻ tuổi một hôm câu được một con cá xanh biếc bé bằng ngón tay. Cá hứa sẽ chỉ cho nơi có gươm thần vô địch và tặng cho ba vật lạ để được tha: một sợi dây có phép trói người, một cây gậy có phép đánh người nếu đọc lên câu chú, một cái nón nếu đội lên đầu thì trời tối sầm lại. Nhờ sợi dây, anh bắt được ngựa thần theo mình và bảo nó nhả ngọc quý. Ngựa còn mách cho anh có ba vật quý khác: 1. dưới đáy sông ở kinh đô một nước lớn nhất có một lưỡi gươm; 2. trên đỉnh núi cao nhất ở nước lớn thứ nhì có một chuôi gươm; 3. giữa cánh rừng rậm ở nước lớn thứ ba có một vỏ gươm. Ba vật ấy để rời nhau thì không có gì lạ, nhưng lắp vào với nhau thì trở thành một sức mạnh vô địch.
Khi thuyền của hoàng tử và 10 võ sĩ vượt biển đến, anh chàng sai sợi dây trói hoàng tử lại, rồi tha cho bọn võ sĩ, bảo hãy trở về nước lặn lấy lưỡi gươm đưa đến sẽ trả hoàng tử. Bọn họ mang gươm đến cho anh. Anh tìm đến nước thứ hai và lúc một con quỷ xông ra và bị anh thần phục. Anh bảo quỷ tùm cho mình chuôi gươm. Tìm được rồi, quỷ toan ăn thịt anh nhưng đã bị gậy thần đánh cho chết. Đến nước thứ ba, để lọt được vào khu rừng cấm có lính canh, anh đội nón cho trời tối mịt mùng, cuối cùng anh cũng tìm ra được vỏ gươm. Lắp cả ba thứ lại thì vừa như in.
Đến đây anh gặp tên vua hiếu chiến nó bắt anh dẫn đường đi chinh phục các nước. Anh gọi dây trói toàn bộ quân sĩ của vua lại, rồi bảo gậy đánh, lại đội nón làm cho trời tối mù mịt tối tăm. Vua cả sợ xin tha tội, anh bảo quân sĩ của hắn vứt cha con hắn xuống biển rồi lên làm vua. Ông vua mới cho mời vua của tất cả các vương quốc khác đến kết nghĩa, đem chia lưỡi, chuôi và vỏ gươm thần cho ba nước khác nhau, dặn họ bao giờ có giặc ngoài đến xâm lược thì đem ba thức lắp làm một, rồi cứ một người trong ba nước thống lĩnh cầm quân đi đánh.
Ngày nay không ai rõ ba thứ ấy ở đâu cả, nhưng nước In-đô-nê-xi-a thì không ai chia cắt được[8].
Tóm lại truyện cổ tích nói về gươm thần liên quan đến việc bảo vệ đất nước dường như là một đề tài khá phổ biến của một loại hình tự sự dân gian ở một số dân tộc ở vùng Đông Nam Á.
[1] Tức trong sách cũ của ta gọi là Hỏa-xá.
[2] Theo sách Những dân mọi ở Đắc-lắc của Béc-na (Bernard).
[3] Theo Pháp Á tạp chí (1951).
[4] Theo lời kể của người Ja-rai.
[5] Theo Truyện cổ Ba-na, tập I, đã dẫn.
[6] Theo Mét-tơ-rơ (Maitre), Rừng Mọi.
[7] Theo Thủy kinh chú và Đại-nam chính biên liệt truyện.
[8] Theo Đinh Tú, Truyện cổ tích Nam-dương.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!