Giết Con Chim Nhại
Chương 20
“Đi vòng qua đây, con trai, ta có thứ làm cho dạ dày cháu ổn thôi.”
Vì ông Dolphus Raymond là người xấu nên tôi nhận lời mời của ông một cách miễn cưỡng, tôi theo sau Dill. Không hiểu tại sao tôi nghĩ chắc bố Atticus sẽ không vui nếu thấy chúng tôi kết thân với ông Raymond, và tôi biết bác Alexandra cũng không thích.
“Nè,” ông ta nói, đưa cho Dill một túi giấy có những ống hút trong đó. “Nhấp một ngụm đi, nó sẽ làm cho cháu êm lại.”
Dill nút ống hút, mỉm cười và kéo một hơi dài.
“He, he,” ông Raymond nói, rõ ràng vui thích trong việc làm hư một đứa trẻ.
“Dill, coi chừng đó,” tôi cảnh báo.
Dill buông ống hút ra và nhe răng cười. “Scout, chỉ là Coca-Cola.”
Ông Raymond ngồi dựa lưng vào thân cây. Nãy giờ ông nằm trên cỏ. “Giờ tụi nhỏ các cháu sẽ không mách ta đấy chứ? Nó sẽ hủy hoại thanh danh ta nếu các cháu làm vậy.”
“Ông muốn nói là thứ mà ông uống trong cái túi đó là Coca-Cola sao? Chỉ là Coca-Cola thôi hả?”
“Phải, cô bé,” ông Raymond gật đầu. Tôi thích mùi của ông ta: đó là mùi da, mùi ngựa, mùi của hạt bông vải. Ông ta mang đôi ủng cưỡi ngựa kiểu Anh duy nhất tôi từng thấy. “Đó là tất cả những gì ta uống, lúc nào cũng vậy.”
“Vậy ông chỉ giả bộ ông nửa ….? Cháu xin lỗi, thưa ông,” tôi kiềm mình lại. “Cháu không có ý….”
Ông Raymond cười khúc khích, không chút phật lòng, và tôi cố nghĩ một câu hỏi kín đáo. “Tại sao ông cứ làm vậy hoài?”
“Ờ…. à phải, ý cháu là tại sao ta giả bộ hả? Thật đơn giản,” ông nói. “Một số người không…… thích lối sống của ta. Bây giờ ta có thể mặc xác họ, ta không quan tâm họ có thích chuyện đó không. Ta nói ta không quan tâm chuyện họ có thích hay không ….. nhưng ta không mặc xác họ, hiểu không?”
Dill và tôi nói, “Hiểu, thưa ngài.”
“Ta cố cho họ một lý do, các cháu thấy đó. Nếu họ có thể bám vào một lý do thì rất có ích cho họ. Khi ta vào thị trấn, chuyện đó hiếm lắm, nếu ta đi hơi xiêu vẹo và uống trong túi này, người ta có thể nói Dolphus Raymond nghiện rượu … bởi thế chả sẽ không thay đổi lối sống của chả. Chả không dừng lại được, nên chả sống theo kiểu đó.”
“Vậy là không trung thực, ông Raymond, làm cho mình xấu hơn sự thực…..”
“Nó không trung thực nhưng nó hữu ích cho người ta. Bí mật nghen cô Finch, ta không phải là kẻ say sưa, nhưng cô thấy họ không thể nào, không thể nào hiểu rằng ta sống theo kiểu đó bởi vì đó là cách ta muốn sống.”
Tôi có cảm giác rằng tôi không nên ở đây nghe người đàn ông đầy tội lỗi này, người vốn có những đứa con lai và không quan tâm đến việc có ai biết điều đó hay không, nhưng ông ta thật quyến rũ. Tôi chưa từng gặp một ai cố ý lừa chính bản thân minh. Nhưng tại sao ông ta lại tiết lộ cho chúng tôi bí mật sâu kín nhất của ông ta? Tôi hỏi ông ta lý do.
“Bởi vì các cháu là trẻ con và các cháu có thể hiểu nó,” ông ta nói, “và bởi vì ta nghe nói rằng một….”
Ông ta hất đầu vào Dill, “Mọi chuyện chưa bắt nhịp với bản năng của cậu này. Cứ để cậu ta lớn thêm chút nữa thì cậu ta sẽ không phát bệnh và khóc lên. Có lẽ cậu ta sẽ thấy mọi chuyện như chúng vốn dĩ là thế…. Không hẳn thế, chẳng hạn, nhưng cậu ấy sẽ khóc, không khóc nữa khi cậu ấy lớn thêm vài tuổi.”
“Khóc về cái gì, ông Raymond?” Nam tính của Dill bắt đầu khẳng định.
“Khóc về sự bất hạnh đơn giản mà người này gây ra cho người kia…. mà không hề suy nghĩ. Khóc về điều bất hạnh do người da trắng gây ra cho người da màu, mà không hề dừng lại để nghĩ rằng họ cũng là con người.”
“Bố Atticus nói lừa gạt một người da màu còn tệ hại gấp mười lần lừa gạt một người da trắng,” tôi lầm bầm. “Bố nói đó là điều tệ hại nhất mà người ta có thể làm.”
Ông Raymond nói, “Ta không cho rằng nó là vậy…. Cô Jean Louise, cháu không biết bố của cháu không phải người tầm thường, phải mất vài năm để thấm nhuần điều đó…. cháu chưa biết nhiều về giới này. Thậm chí cháu chưa biết hết về thị trấn này, những điều các cháu phải làm là trở vào tòa án thôi.”
Câu đó nhắc tôi nhớ chúng tôi đã bỏ lỡ gần như toàn bộ phần chất vấn của ông Gilmer. Tôi nhìn mặt trời, nó đang khuất nhanh đằng sau những nóc cửa hàng mé Tây quảng trường. Kẹt giữa hai làn đạn, tôi không quyết định được mình muốn nhảy vào bên nào: ông Raymond hay Tòa tư pháp lưu động số 5. “Nào Dill,” tôi nói, “mày ổn chưa?”
“Rồi. Rất vui được gặp ông, ông Raymond và cám ơn nước uống, nó thật dễ chịu.”
Chúng tôi trở vào phòng xử án, lên các bậc thang, lên hai lượt bậc thang nữa, và len lỏi dọc theo tay vịn ban công. Mục sự Sykes đã giữ chỗ cho chúng tôi.
Phòng xử án vẫn im lặng, và một lần nữa tôi tự hỏi các em bé đâu rồi. Điếu xì gà của quan tòa Taylor chỉ còn là một đốm nhỏ màu nâu giữa miệng ông ta; Ông Gilmer đang viết lên một trang của xấp giấy vàng trên bàn ông ta, cố vượt qua người ghi biên bản vẫn đang múa tay như gió. “Nhanh lên,” tôi làu bàu, “mình bỏ lỡ mất.”
Bố Atticus đang nói giữa chừng với bồi thẩm đoàn. Rõ ràng ông đang rút mấy tờ giấy trong chiếc cặp bên cạnh ghế ngồi của ông, bởi vì chúng đã ở trên bàn ông. Tom Robinson đang lơ đãng lật xem chúng.
“…….. bởi vì thiếu chứng cứ chứng thực, người đàn ông này bị buộc tội chết và bây giờ đang bị tòa xét xử cái mạng mình….”
Tôi thúc Jem. “Bố nói bao lâu rồi?”
“Bố chỉ mới lược qua phần chứng cứ,” Jem thì thầm, “và chúng ta sẽ thắng, Scout. Anh thấy dứt khoát chúng ta sẽ thắng, không thể nào khác được. Bố đã nói khoảng năm phút rồi. Bố làm cho nó rõ ràng và dễ hiểu như… ở, như anh giải thích nó cho em vậy. Cả em cũng hiểu rõ được mà.”
“Ông Gilmer có……?”
“Suỵt. Không có gì mới, như thường lệ. Giờ thì im đi.”
Chúng tôi lại nhìn xuống. Bố Atticus đang nói một cách thoải mái, với cái kiểu thản nhiên xa cách ông thường có khi đọc một lá thư cho người khác chép. Ông bước đi từ tốn tới lui trước mặt bồi thẩm đoàn, và bồi thẩm đoàn có vẻ chăm chú: đầu họ ngẩng lên, và họ theo dõi bước đi của bố Atticus với vẻ thán phục. Tôi đoán đó là do bố Atticus không phải là loại ăn to nói lớn.
Bố Atticus ngừng lại, rồi ông làm một động tác mà bình thường ông không làm. Ông tháo đồng hồ và dây đeo để lên bàn, nói, “với sự cho phép của tòa…….”
Quan tòa Taylor gật đầu, và sau đó ông làm một điều mà trước đây tôi chưa từng thấy ông làm, trước công chúng hoặc ở chỗ riêng tư: ông cởi áo gile, cởi nút cổ, nới lỏng cà vạt và cởi áo khoác. Ông chưa từng nới lỏng một phần nào của trang phục cho tới khi ông cởi quần áo đi ngủ, và đối với Jem và tôi, điều này giống như việc ông đứng trước chúng tôi hoàn toàn trần truồng. Chúng tôi trao nhau cái nhìn kinh hoàng.
Bố Atticus đặt hai tay vào túi, và ông quay lại phía bồi thẩm đoàn, tôi thấy nút cổ áo cùng đầu bút mực và bút chì của ông lấp lánh dưới ánh đèn.
“Thưa quý vị,” ông nói. Jem và tôi lại nhìn nhau: tưởng như bố Atticus vừa nói, “Scout.” Giọng ông đã mất vẻ khô khan, xa cách, và ông nói với bồi thẩm đoàn như thể họ là những người ngay góc bưu điện.
“Thưa các quý vị,” ông nói, “tôi sẽ nói ngắn gọn, nhưng tôi thích sử dụng thời gian còn lại của tôi để nhắc các vị rằng vụ này không phải là vụ án khó, nó không đòi hỏi phải xem xét kỹ các sự kiện phức tạp, mà nó đòi hỏi quý vị phải chắc chắn vượt qua mọi nghi ngờ có vẻ hợp lý về tội của bị cáo. Trước hết, vụ này không cần phải đưa ra xem xét. Vụ án này đơn giản như đen và trắng.”
“Bên công tố đã không đưa ra được chút chứng cớ ý học nào có thể cho thấy rằng tội lỗi mà Tom Robinson bị cáo buộc đã từng xảy ra. Thay vào đó nó dựa vào lời khai của hai nhân chứng với chứng cứ không chỉ hết sức đáng nghi ngờ qua chất vấn, mà nó còn hoàn toàn mâu thuẫn với bị cáo. Bị cáo không có tội, nhưng ai đó trong phòng xử án này thì có.”
“Tôi không có gì ngoài việc lấy làm tiếc cho nhân chứng chính của bên nguyên, nhưng lòng thương xót của tôi không bao dung được đối với hành động đặt một người vào chỗ chết của cô ta, một việc mà cô ta ráng sức làm nhằm gạt bỏ tội lỗi của chính mình.”
“Tôi nói tội lỗi, thưa quý vị, bởi vì chính tội lỗi đã thúc đẩy cô ta. Cô ta không gây tội ác, cô ta chỉ phá vỡ một quy ước cứng ngắc và lâu đời của xã hội chúng ta, một quy ước quá khắt khe đến độ bất cứ ai phá vỡ nó đều sẽ bị loại khỏi cộng đồng chúng ta như một kẻ không thích hợp để sống chung. Cô ta là nạn nhân của sự nghèo khổ và ngu dốt cao độ, nhưng tôi không thể thương hại cô ta: cô ta là người da trắng. Cô ta biết rất rõ tác hại nghiêm trọng của việc vi phạm luật lệ của cô ta, nhưng vì những thèm muốn của cô ta mạnh mẽ hơn quy ước mà cô ta đang phá vỡ, nên cô ta nhất quyết phá vỡ nó. Cô ta kiên quyết, và phản ứng sau đó của cô ta là điều mà tất cả chúng ta đã biết vào lúc này hay lúc khác. Cô ta đã làm điều mà mọi đứa trẻ đều làm – cô ta đã giấu nhẹm chứng cớ về sự vi phạm luật lệ của cô ta. Nhưng trong trường hợp này cô ta không phải là một đứa trẻ giấu hàng lậu ăn cắp: cô ta đánh thẳng vào nạn nhân của cô ta – cô ta nhất thiết phải tống khứ anh ta xa khỏi cô ta – anh ta phải bị biến mất khỏi tầm mắt của cô ta, biến khỏi thế giới này. Cô ta phải tiêu hủy chứng cứ về sự vi phạm luật lệ của cô ta.”
“Chứng cứ về việc vi phạm luật lệ của cô ta là gì? Chính là Tom Robinson, một con người. Cô ta phải tống khứ Tom Robinson xa khỏi cô ta. Tom Robinson là điều hàng ngày nhắc nhở cô ta về những gì cô ta đã làm. Cô ta đã làm những gì? Cô ta đã quyến rũ một người da đen.”
“Cô ta là một người da trắng, và cô ta quyến rũ một người da đen. Cô ta đã làm một điều không tiện nói ra trong xã hội chúng ta: cô ta đã hôn một người da đen. Không phải là một ông bác già, mà là một chàng trai da đen khỏe mạnh. Không một luật lệ nào là quan trọng đối với cô ta trước khi cô ta phá vỡ nó, nhưng sau đó nó lại giáng xuống cô ta.”
“Cha cô ta đã thấy điều đó, và bị cáo đã khai về những lời lẽ của ông ta. Cha cô ta đã làm gì? Chúng ta không biết, nhưng có chứng cớ gián tiếp cho biết rằng Mayella Ewell đã bị đánh một cách dã man bởi một người hầu như đặc biệt thuận tay trái. Chúng ta hầu như phần nào biết được ông Ewell đã làm: ông ta đã làm điều mà hầu như người da trắng đáng trọng, kiên định, biết kính Chúa nào cũng sẽ làm trong tình huống đó – ông ta đã đòi trát tống giam, rõ ràng là ký nó bằng tay trái, và Tom Robinson hiện đang ngồi trước quý vị, đã tuyên thệ với bàn tay duy nhất còn cử động được của anh ta – bàn tay phải.”
“Và thế là một người da đen hèn mọn, đứng đắn, trầm lặng, người hết sức liều lĩnh khi ‘cảm thấy tiếc’ cho một người phụ nữ da trắng đã đưa ra lời khai chống lại những lời khai của hai người da trắng. Tôi không cần nhắc nhở quý vị về thái độ và cách cư xử của họ trên bục nhân chứng – tự quý vị đã thấy. Các nhân chứng của bên nguyên, trừ vị cảnh sát trưởng của hạt Mycomb, đã trình diện trước mặt quý vị, trước tòa án trong niềm tin ích kỷ rằng lời khai của họ sẽ không bị nghi ngờ, tin rằng quý vị sẽ đồng ý với họ về giả định này – giả định xấu xa- rằng mọi người da đen đều nói dối, ràng mọi người da đen cơ bản là những kẻ đồi bại, rằng mọi đàn ông da đen đều không được phép đến gần những phụ nữ của chúng ta, một giả định gắn liền với não trạng của loại người như họ.”
“Thưa quý bị, chúng ta biết rằng giả định đó là một lời dối trá đen tối như nước da của Tom Robinson vậy, một lời nói dối mà tôi không cần chỉ ra cho quý vị. Quý vị biết sự thật, và sự thật là điều này: một số người da đen nói dối, một số người da đen đồi bại, một số người đàn ông da đen không được phép đến gần phụ nữ – đen hoặc trắng. Nhưng đây là một sự thật đúng với cả loài người chứ không riêng với một chủng tộc cụ thể nào. Trong phòng xử này không có một người nào chưa từng nói dối, chưa từng làm điều gì đồi bại, và không có người đàn ông đang sống nào nhìn phụ nữ mà không có ham muốn.”
Bố Atticus ngừng lại và móc khăn tay ra. Rồi ông gỡ kính xuống, lau nó, và chúng tôi thấy một “điều đầu tiên” khác nữa: chúng tôi chưa từng thấy mặt ông đổ mồ hôi, nhưng bây giờ nó bóng sáng màu đồng.
“Còn một điều nữa, thưa quý vị, trước khi tôi rời bục. Thomas Jefferson từng nói rằng tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, một cụm từ mà bọn miền Bắc và cánh nữ của ngàng Hành pháp ở Washington 1 thích quát vào mặt chúng ta. Có một xu hướng trong năm nay, 1935, một số người thích sử dụng từ này tách khỏi ngữ cảnh, để thỏa đáp mọi tình huống. Ví dụ buồn cười nhất tôi có thể nghĩ đến là chuyện những nhà quản lý nền giáo dục công lập khuyến khích kẻ ngu ngốc và lười biếng học cùng với người siêng năng – bởi vì tất cả con người sinh ra đều bình đẳng, các nhà giáo dục sẽ long trọng nói với quý vị rằng những đứa trẻ bị bỏ lại đằng sau sẽ phải chịu đựng cảm giác khủng khiếp về sự kém cỏi. Chúng ta biết tất cả mọi người sinh ra không bình đẳng theo cái nghĩa mà một số người thường muốn chúng ta tin – rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số người có cơ hội hơn bởi vì họ sinh ra với nó, một số đàn ông kiếm ra nhiều tiền hơn những người đàn ông khác – một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người.”
“Nhưng có một cách thức đến đất nước này mà trong đó mọi người sinh ra đều bình đẳng – có một thể chế của con người khiến một người dân nghèo bình đẳng với một Rockefeller 2, một kẻ ngu ngốc bình đẳng với một Einstein, và một kẻ dốt nát bình đẳng với bất cứ vị hiệu trưởng trường đại học nào. Thể chế đó, thưa quý vị, chính là tòa án. Nó có thể là Tòa án tối cao của nước Mỹ hay tòa sơ thẩm tầm thường nhất của đất nước này hay chính cái tòa án danh giá mà quý vị đang phục vụ này. Các tòa án của chúng ta có những lỗi lầm của nó, như bất cứ thể chế nào của loài người, nhưng trên đất nước này các tòa án của chúng ta là những kẻ công bằng vĩ đại, và trong các tòa án của chúng ta tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng.
“Tôi không phải là người lý tưởng tin một cách kiên định vào sự chính trực vào các tòa án của chúng ta và vào chế độ bồi thẩm đoàn – với tôi nó không là lý tưởng, nó là một thực tế sinh động, hữu hiệu. Thưa quý vị, tòa án chẳng tốt gì hơn mỗi quý vị ngồi đây trước mặt tôi trong bồi thẩm đoàn này. Một tòa án chỉ lành mạnh bằng mức bồi thẩm đoàn của nó, và bồi thẩm đoàn cũng chỉ lành mạnh bằng những người tạo nên nó. Tôi tin rằng quý vị sẽ xem xét lại mà không để tình cảm chi phối các chứng cứ mà quý vị đã nghe, đi đến một quyết định, và trả bị cáo này về với gia đình anh ta. Nhân danh Chúa, hãy làm nhiệm vụ của quý vị.”
Giọng của bố Atticus chùng xuống, và khi quay đi rời khỏi chỗ bồi thẩm đoàn ông nói điều gì đó tôi không nghe được. Ông nói điều gì đó với chinh ông hơn là với tòa. Tôi thúc Jem, “Bố nói gì vậy?”
” ‘Vì Chúa, hãy tin anh ta’ anh nghĩ chắc bố nói vậy.”
Bất chợt Dill chồm qua tôi và kéo Jem. “Nhìn kia kìa!”
Chúng tôi dõi theo ngón tay cậu ấy và giật thót người. Calpurnia đang len lỏi giữa lối đi giữa phòng xử án, tiến thẳng về phía bố Atticus.
——————————–
Câu nói Atticus trích dân là từ Tuyên ngôn đọc lập của Mỹ do Thomas Jefferson soạn thảo. “Ngành hành pháp” ám chỉ tổng thống; ‘cánh nữ của ngành hàng pháp’ ám chỉ vợ tổng thống đương thời, bà Eleanor Roosevelt, người bị dân miền Nam chỉ trích gay gắt vì những quan điểm ủng hộ dân quyền của bà.
Tức John D. Rockerfeller (1839-1937) vua dầu hỏa, một trong những người giàu nhất nước Mỹ thời đó.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!