Giông Tố - Chương 03
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
193


Giông Tố


Chương 03


Cái ấp của nhà triệu phú Tạ Đình Hách thật là đồ sộ nhất tỉnh, đến dinh quan Công sứ cũng không to tát bằng. Ấp ở cách tỉnh lỵ năm cây số, làm trên một ngọn đồi cao một trăm thước, diện tích ước độ mười mẫu ta. Chung quanh ấp, nghĩa là sườn đồi, thì giồng toàn một giống cà phê, khiến cho khách bộ hành từ đằng xa đã thấy một quả núi nhỏ xanh đen mà trên ngọn là ba tòa nhà tây, tòa giữa thì ba tầng, hai tòa bên thì hai tầng, trông kiên cố và oai nghiêm như một trại binh vậy. Điểm lơ thơ bên cạnh những tòa nhà ấy, là những cây gạo, cây muỗm cổ thụ, những cây ngô đồng và những cây thông. Chung quanh ba tòa nhà có vườn hoa thì là một vòng tròn rào găng cao tới hai đầu người và dày độ hai thước. Cồng chính của ấp, xây bằng xi măng cốt sắt, là một cái thể môn kiểu Nhật Bản trên có đề bốn chữ nó tỏ rõ cái linh hồn ông chủ: Tiểu vạn trường thành. Từ cổng ấp, nghĩa là từ lưng chừng đồi mà xuống đến đường quan lộ, thì có một con đường nhỏ cũng rải đá và đổ nhựa kỹ càng cũng như đường thuộc địa.

Trong ấp cái gì cũng ngăn nắp lắm. Trước cái tòa nhà ba tầng mà người ta phải leo lên bằng mười sáu bực thềm đá là cái sân rộng rải cuội, có những luống hoa hoặc cỏ tóc tiên, có một cái bể tròn xây nền xi măng sâu ba thước, mà chung quanh là một đường lan can gỗ chạm và sơn son thiếp vàng. Trong bể thả sen, vì bể lúc nào cũng nhiều nước. Ba đường máng kẽm bắt chung quanh mái ba tòa nhà rồi ăn ngầm dưới lớp cuộc ở sân dẫn nước mưa vào bể. Chung quanh bể là một lượt liễu yểu điệu như những thiếu nữ đứng xõa tóc châu đầu nhìn xuống mặt nước. Cách ba gốc liễu một, lại có một cái ghế đá như ở những công viên. Cách năm góc một, lại có một chuồng chim, đầy những con vành khuyên, ri ca, bay ở trên để cho một đôi trĩ, lông đuôi dài lê thê từ tốn đi lại ở dưới. Những luống hoa đều đắp theo những hình vẽ kỷ hà học: tròn, bán nguyệt, lục lăng. Những cây hoa tây, ta, và tàu, trong những luống hoa, đều giống thành những hình chữ hỉ, chữ thọ, hoặc những chữ T.Đ.H là những chữ đầu về tên họ nhà đại phú. Những cái đôn sứ hình trống, hình voi phục, bày rải rác trong cái sân trước, cũng đã vào số hai trăm.

Sau tòa nhà ba tầng là sân cỏ có loáng thoáng những cây cau và thông. Giữa sân là một cái nhà giống như nhà kèn các tỉnh, mái bằng đá đen trên tám cột hình bát giác, trên nóc có ba chữ hán: Nghinh phong đình… Trong Nghinh phong đình sẵn có bàn ghế để chủ nhân giải khát với khách khứa, vào những ngày hè nóng nực.

Từ cái sân này đi mãi vào năm trăm thước nữa đến một khu bốn gian nhà gạch một tầng, xây bên cạnh một cái sân tròn, rào bằng lưới thép, bên trong inh ỏi những tiếng gà Nhật Bản, gà tây… Bốn gian nhà ấy là chỗ nuôi lợn, bò, dê, thỏ và là chỗ ở của những anh bếp, thợ vườn. Từ khu này lại đi hai trăm thước nữa thì đến một nơi cây cối um tùm phảng phất như lăng. Giữa đám lá xanh rậm rạp ấy, nhoi lên một cái sinh phần bằng cẩm thạch, lối bài trí và kiến trúc theo kiểu Xiêm La, để mai sau chủ nhân gửi nắm xương tàn.

Xem lối ăn ở như vậy thì thật là đế vương. Là vì riêng cái tòa nhà ba tầng ở giữa ấp thì tầng dưới là phòng khách, tầng gác nhì là phòng ăn, mà gác ba mới là chỗ làm việc và phòng nghỉ của nhà tư bản. Còn hai tòa nhà hai tầng ở hai bên thì một là để cho gia đình họ mạc, hoặc các bạn thân đến ăn ở, và một nữa là nhà tờ, những phòng ngủ đồ đạc rất sang trọng nhưng mà chỉ đề phòng xa. Thành thử bọn gia nhân gồm có quản gia, tài xế, thư ký ấp, đều được mặc sức tung hoành như những người nhà của ông chủ.

Tóm lại một câu thì ấp Tiểu vạn trương thanh là một tòa lâu đài hẳn hoi, vì cách ăn ở của chủ nhân khiến ta phải tưởng tượng đến cách ăn ở của những vị công hầu, khanh tướng, trong những tiểu thuyết Tàu vậy.

Buổi sáng hôm ấy, mười một cô nàng hầu của nhà triệu phú, không phải đi coi đồn điền. Bốn hôm trước, Tạ Đình Hách, trước khi ra đi, vào lúc đêm khuya, có nói với mấy người rằng sẽ không có mặt ở ấp độ một tuần lễ, vì sau khi về Hà Nội mừng ông bạn tổng đốc thì sẽ xuống Hải Phòng có việc với bà cả, rồi tiện đường đi thăm mỏ ở Quảng Yên. Vậy mà mới sáng hôm nay lại có một bức điện tín đánh về rằng nội chiều nay thì “quan” về, nên chỉ mười một cô ả kia lại được ở nhà sửa soạn hầu hạ một ông chồng mà họ khiếp sợ như một vị bạo chúa. Vì chung mỗi người đều có một cái tiểu sử về nhân duyên kỳ lạ và đặc biệt cả, nên ai cũng hiểu rõ cái địa vị của mình, thật chả khác địa vị của một cung phi, mặc lòng họ không là cung phi. Thôi thì ai cũng hết sức tự tô lục chuốt hồng, chiều chuộng nịnh hót đức lang quân, ngõ hầu được với luôn thì đã đủ là hân hạnh. Ngày thì họ là những tay quản gia đồn điền của ông chủ. Đêm đến họ là vợ… Mà những ngày chẳng may mà bà cả ở Cảng về thăm thì họ chỉ là những người đi hái chè, đi giồng cà phê, lương mỗi ngày mỗi người được 15 xu. Cách cư xử và ăn ở của họ trong ấp, thật giống với cái đời của những cô ả đào.

Trong số mười một cô ấy, có tám cô gái quê một trăm phần trăm, và ba cô là gái giang hồ lượm lặt, sau mấy cuộc dạ yến ở Hà Nội, Nam Định, hoặc Hải Phòng của nhà tư bản, có mười cô được ông chủ đặt tên cho là: Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Còn một mụ, trạc độ 40 tuổi, giám đốc bọn ấy và giữ chìa khóa két trong nhà, chi lương cho thợ gặt và gia nhân, nghĩa là người được ông điền chủ tin cậy nhất, thì vẫn giữ nguyên tên cũ là cô Kiểm, nguyên xưa cô này đã lấy một ông tây kiểm lâm một đêm, ông Nghị Hách xuống Cảng, trong một lúc rỗi việc, đã đến một khách sạn nọ thuê buồng. Thằng hồi săm gọi đến Kiểm lâm phu nhân. Thế rồi thì… Ít lâu về sau, cô Kiểm về làm cô nàng hầu cả của quan nghị.

– Gớm chửa kìa! Các bà lớn còn ườn xác ra mãi thế! Dậy đi thôi chứ! Quan cũng sắp về rồi đấy!

Tay cầm một chùm chìa khóa, tóc vấn trần, chân dép dừa quai nhung, co ro trong một cái áo len rất đẹp, cô Kiểm nói dõng như vậy, rồi đứng sừng sững trước cửa phòng, một cái phòng rộng rãi có kê tám cái giường tây gỗ, chân màn đủ cả như trong một cái phòng hộ sinh. Lúc ấy cũng chỉ còn có vài ba cô nằm ngủ li bì thôi, song cái tính nói chùm nói lớp là thói quen của cô Kiểm. Tức thì cô Tín vùng dậy, sang cái giường bên cạnh đập vào những đống chăn bông bồm bộp mà rằng:

– Các chị ơi, quá ngọ rồi mà quan cũng sắp về rồi dậy đi, mau lên!

Lúc ấy cô Quí, cô Ninh, cô Nhân đã ngồi trước bàn kẻ chải đầu, kẻ đánh phấn. Còn cô Phú, cô Thọ, cô Trí thì vẫn uể oải trong chăn với mấy tờ báo, mấy cuốn truyện ngôn tình. Riêng có cô Lễ, một cô mặt trông ngây thơ có cái vẻ đẹp nâu sồng thì ngồi riêng biệt một cái bàn và đương học: e o eo, êu êu, iu ui…

Thấy có người gọi, cô Khang và cô Nghĩa tung chăn ngồi lên ngáp dài mà rằng: “Hôm nay có phải làm lụng gì đâu mà phải dậy sớm?”

Cô Kiểm lạnh lùng:

– Thưa hai bà lớn, cũng không sớm là mấy nữa đâu ạ.

Nghe thấy vậy, hai cô ngồi nhỏm lên. Mười lăm phút sau, cảnh tượng trong phòng đổi hẳn. Đó là những cái quần trắng, áo di lê, áo len, khăn nhung, thắt lưng hoa đào, và những dép quai nhung hoạt động trong phòng trước những cái tủ áo, bàn rửa mặt, – không khí một nhà ả đào, lúc đã đến giờ trang điểm, đợi khách làng chơi. Nếu chủ nhân mà ở nhà thì dù sao cũng phải sẵn có đàn bà để chủ nhân ông sai bảo việc vặt, hoặc ngứa mồm thì hôn một cái, ngứa tay thì sờ soạng một cái cấu véo một cái…

Cô Kiểm lại đứng bên cạnh cô Lễ, khẽ hỏi:

– Thế nào, mấy hôm nay em có được sạch sẽ không?

Cô Lễ len lét thưa:

– Dạ sạch sẽ lắm ạ.

– Thế có nhớ đến hộp táo tàu đấy hay là không?

Chợt có tiếng động cơ xe hơi, trước còn văng vẳng, sau thấy mỗi phút một rõ dần. Một hồi còi điện như tiếng lợn hét, rúc vang lên. Cả phòng nhao nhao.

– Quan về! Xe quan đã về thật.

Một số đông các cô, những cô quần trùng áo dài rồi xô nhau chạy ra hành lang, nhìn xuống sân. Một cô kêu:

– Không phải xe ông. À, à! Xe cậu cả! Cậu tú lên chơi, chúng mày ạ.

Một cô khác reo:

– Cậu lên chơi đấy à? Thế có ông ở trong xe không? Ồ! Cậu tú lên chơi! Chúng ta ra đón đi, các chị ơi!

Nói rồi thì, trừ cô Lễ là chưa hiểu phong tục trong nhà nên ngồi lại, cả lũ kéo nhau xuống. Cô Kiểm, trong tay vẫn có chùm chìa khóa, đi đầu. Cô đến ngay bên xe, và trước khi người thiếu niên xuống xe, đã kính cẩn vái dài một cái.

– Lạy cậu ạ! Cậu mới lên chơi.

– Không dám, chào các cô. Ông hiện ở nhà nào bây giờ?

– Bẩm cậu, quan ông chưa về. Nhưng mà cũng sắp về rồi đấy ạ. Đã có tê-lê-gam báo là trưa hôm nay thì quan ông về.

Thiếu niên bước xuống xe. Đó là một người nhỏ nhắn, trắng trẻo, rất đẹp giai nhưng chỉ tiếc lỗi lại hơi có vẻ đàn bà. Quần áo tây lịch sự. Nét mặt như đương có sự gì không vui.

Cô Kiểm đon đả:

– Xin mời cậu Tú sang bên tòa nhà trái này kia ạ.

Thiếu niên lừ lừ theo. Đến phòng khách quay lại nói với cô Kiểm:

– Cô để tôi ngồi một mình. Không ai phải tiếp tôi cả.

– Bẩm để liệu mời cậu xơi cơm trưa với quan ông chứ? Thế…

Một câu đáp gắt gỏng cắt lời đon đả ấy:

– Vâng!

Cô Kiểm và cả bọn bẽn lẽn kéo nhau vào một phòng còn thiếu niên vào ngồi ở phòng khách, lấy ở túi áo một tờ báo Lưỡng kỳ ra, cắm mặt xuống xem, không biết lượt này đã là lượt thứ mấy.

THỜI SỰ CÁC TỈNH

Phải chăng là một vụ cưỡng dâm? Báo thì Thị M. con gái ông đồ, đêm ấy đi gặt rạ cùng với mấy người làng, đã bị nhà tai to mặt lớn (?) kia gọi đến chỗ xe hơi hòm của ông, rồi Thị bị cưỡng dâm. Sau cuộc cẩu hợp, con dê già kia vứt cho cô bé đáng thương, năm cái giấy bạc một đồng ý chừng đền bù cho cả một cuộc đời bị làm hại. Cô bé lúc ấy vì ngộ phải gió độc nên đã ốm trầm trọng. Tuần tráng nghe thấy tiếng kêu rên, chạy ra toan bắt, song con dê già phóng xe đi thẳng! Thật là một việc rất dã man. Nghe đâu con dê già kia sẽ chẳng bao lâu bị truy tố trước pháp luật, vì tuần tráng có trông thấy số xe. Bản báo chờ cuộc điều tra của nhà chức trách sẽ nêu lên đây cái tên tuổi đáng lưu truyền sử xanh của con dê già ấy. Hiện gờ cô bé bị hiếp đã được điều dưỡng tại nhà thương. Và được tin gì bản báo sẽ đăng tiếp.

Đọc xong, thiếu niên lấy khăn tay ra lau mấy giọt mồ hôi trên trán. Vừa lúc ấy, lại thấy tiếng còi xe hơi vang động lên. Thiếu niên vội cất tờ báo vào túi áo, đứng lên chắp tay sau lưng lão Tạ Đình Hách xuống xe bước vào nhà…

– Ồ, Anh đấy à? Anh ơi, thầy mong nhớ mày quá! Mày lên đây chơi thì ở cho lâu nhé! Thế nào, cái trường tư của mày có đông học trò không? Độ này mày có nhận được thư của đẻ mày không? Mày có xuống Hải Phòng đấy không? Giời ơi, tao sướng quá! Tao vừa đi Hà Nội, và có lại tìm mày mấy lượt đều không gặp. Thế mày ở đây nghỉ vài hôm nhé!

– Không! Thưa ông, tôi không phải lên đây để chơi…

Cha thấy con lãnh đạm như vậy thì đứng tưng hửng. Mãi một lúc mới hỏi:

– Thế mày lên có việc gì?

Con rút tờ báo, lạnh lùng giơ cho cha:

– Xin ông hãy đọc xem người ta nói gì ông đây!

Lão Hách chỉ đọc ba phút đã vứt tờ báo xuống đất, ra ý giận dữ:

– Những thằng làm báo là những thằng nói láo! Mày mà cũng đi tin…

Nhưng người con lão giơ tay ngăn và bình tĩnh nói một cách đáng sợ:

– Không, thưa ông! Người ta đã nói thật! Là vì ngoài cuộc điều tra của nhà báo, còn có cuộc điều tra của tôi, thằng con ông! Sau cái việc bậy bạ ấy, ông còn phái con đào Lan về, toan hối lộ lão huyện, nhưng mà ông đã thất bại. Ông có biết rằng nhiều người thù oán ông lắm rồi không? Ông muốn từ tôi thì xin cứ từ, nhưng mà để cho tôi nói vài lời đã! Tôi đã đến lúc không nín được rồi.

– Không! Tao chẳng hiếp ai, cưỡng ai. Lúc xe ăng ban tao buồn, gọi nó lại… Tao đã trả nó năm đồng.

– … Thưa ông nó đã được giấy nhận thực bị ông làm mất tân.

– Thật quả tao không ngờ nó lại là con gái tân…

– Thưa ông, ông là cha tôi, điều đó lúc nào tôi cũng nhớ lắm. Tôi chịu ơn ông đã nhiều lắm, nhưng mà ông đã làm nhiều điều bỉ ổi lắm. Ông đẻ ra tôi thì ông có quyền cho tôi sống hoặc bắt tôi chết… Thưa ông, xin ông cho tôi chết. Ông giết tôi đi.

Nhà đại phú cúi đầu hổ thẹn hồi lâu… Sau cùng ngẩng lên, cái mặt vẫn trân trân..

– Ô hay! Sao mày dở hơi thế? Thì tao mua con bé ấy làm hầu là cùng chứ gì?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN