Giông Tố - Chương 10
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
182


Giông Tố


Chương 10


Long đã đi qua những cảnh nguy nga choáng lộn trong ấp Tiểu Vạn trường thành. Chàng cũng có hồi hộp lo sợ về cái thế lực ghê gớm của kim tiền ấy, nó khiến cho chàng như thấy hiện ra trước mắt một bọn người nhỏ bằng cái đầu tăm là gia đình vợ chồng chàng, mà lại đương muốn khiêu khích với một ngọn núi hùng vĩ cao cả là Nghị Hách vậy. Trong cái trận kỳ lạ, mà sức của hai bên chênh lệch nhau đến vậy. Long thấy trong lòng băn khoăn… Cái sợ sệt, cái nhút nhát. Với cái nản chí, đã hợp lực nhau đến lũng đoạn sự căm hờn, cái thú bất cộng đái thiên trong lòng chàng.

Long đã đi qua những dãy hành lang dài như không bao giờ hết, trèo những cái thang và cũng như trong một tòa khách sạn lớn ở bên Tây phương.

Một tên người nhà đã bảo Long ngồi chờ ở một căn phòng để báo trước cho ông chủ biết đã.

Giữa lúc ấy, Nghị Hách đương ngồi làm việc trong phòng giấy riêng. Một căn phòng rộng rãi thênh thang có những đồ đạc tối tân, một tủ sách to tát, y như phòng của một ông tổng trưởng.

Nghị Hách ngồi trên ghế tròn xoay, chân đi giầy da, mặc áo khoác dài, trên cổ có một cái khăn quàng lông chiên tua tủa. Thị Tín một cô nàng hầu trẻ nhất và đẹp nhất của lão, thì nằm… trong lòng lão, hai cánh tay mềm mại vòng vào cổ lão, đôi chân duỗi thẳng cẳng trên bàn.

Chợt một hồi chuông điện kêu ran lên… Nghị Hách cứ để nguyên như vậy, khoan thai cầm lấy ống điện thoại.

– Allo! Allo! Phải! Chính ông chủ đây… À, thế nào nữa?… Được… Sao nữa?… Sở than hòn Gay hạ giá than xuống dưới năm đồng? Được! Thế than nắm, nó bán bao nhiêu? Allo, được rồi! Phù goòng phải cho làm đêm, được. Thế cai thầu với hãng tàu biển Năm Sao ra làm sao?… Thế à! Thế thì ông phải cố mà tranh lấy bốn đồng rưỡi một tấn thôi vậy… phải, cứ hạ hẳn giá xuống. Nếu sợ lỗ thì hạ lương kíp phu ngày xuống hào hai… Không sợ! Allô allô Thằng nào phản đối thì đổi nó vào kíp đêm… Không thì loại vợ con chúng nó ra… Ừ! Trên một nghìn nghỉ việc, được… Được đấy, thằng nào kỳ kèo thì đuổi hẳn… Sao nữa? Ừ, được rồi!… Bảo là đầu tháng sau ông chủ xuống. Thôi!

Nghị Hách bỏ ống điện thoại xuống, quay về… mỹ nhân…

Hai mắt lão đỏ ngầu lên, vì lúc ấy con người đã tránh mặt đi, để cho con quỉ dâm dục xuất hiện.

Chợt có ba tiếng gõ nhẹ vào cửa…

Nghị Hách bực mình ngửng lên hỏi:

– Cái gì?

Bên ngoài cánh cửa có tiếng nói vào:

– Bẩm quan lớn, ông Tú Anh có người lên hầu chuyện quan lớn đấy ạ.

– Đàn ông hay đàn bà?

– Bẩm một cậu con giai.

– Bảo ngồi ở phòng tĩnh tâm mà đợi.

Giữa lúc ấy, tên người nhà đưa Long vào một căn phòng rồi khép cửa lại. Trên tường, không biết bao nhiêu hoành phi, câu đối, màu son, màu vàng chói lọi. Những cái đĩa cổ rất quý giá, to, nhỏ, đủ thứ, làm cho bốn phía tường có cái vẻ chi chít những mắt kính như đầu một con sư tử Tàu của những dịp tết Trung thu. Sừng hươu và sừng bò rừng, điểm vào những dẫy đĩa ấy làm chỗ để mũ, mắc áo.

Trên cái tủ chè có một dãy ngà voi. Trên sập gụ có một khay đèn. Hai bên khay đèn là hai cái da hổ mà đầu hổ là gối. Rồi thì… những tủ, ghế, kỷ con, kỷ lớn, yên gụ.v.v… nghĩa là một trăm thứ đồ đạc kỳ lạ và sang trọng vô cùng.

Long ngồi chờ độ nửa giờ thì cánh cửa bị đẩy… Nghị Hách bước vào, có Thị Tín vừa đi vừa xếp lại vành tóc rối loạn trên đầu, theo sau…

– Lạy cụ ạ, chào cụ ạ.

Nghị Hách không đáp lời chào chỉ hỏi:

– Anh là người làm công trường Đại Việt?

– Vâng.

– Anh lên có việc gì?

– Bẩm có nhiều việc, bẩm cụ xem thư đây.

Nghị Hách cầm lá thư, lại hỏi:

– Anh có biết tiêm thuốc phiện đấy chứ?

– Bẩm vâng.

– Thế anh cởi giày ra, lên sập.

Nghị Hách nói xong nhìn Thị Tín một cái mà lắc đầu. Cô ả này ra khỏi gian phòng khép cửa lại. Mãi lúc ấy Nghị Hách mới nhìn xuống phong thư.

Hai người nằm đối diện nhau. Long thì tiêm thuốc mà Nghị Hách thì xem thư… Xem xong một lá, Nghị Hách vội hỏi:

– Tại sao thằng Vạn nó lại biết rõ chuyện như thế được?

– Chúng tôi cũng không rõ.

Đến đấy, Nghị Hách cau mày nghĩ ngợi, vỗ trán mấy cái rồi nói:

– À phải! Đây là tại thằng tài Nhì vào tiệm hút kháo chuyện đây!

Rồi lão lại bóc nốt mấy lá thư sau. Xem xong, lão kéo điếu thuốc do Long mồi, rồi lại trầm ngâm nghĩ ngợi, Long hỏi:

– Bẩm thế bây giờ cụ định thế nào ạ?

Nghị Hách cười nhạt mà rằng:

– Tao thì tao chẳng bận tâm gì về việc ấy cả. Nghĩa là chủ mày cứ bắt tao phải lấy con bé ấy, chứ tao có thiết gì đâu!

Long rất lấy làm ức về cách xưng hô ấy, song chỉ tươi cười:

– Chúng tôi tưởng thế nào cũng là tùy ý cụ chứ… Nghị Hách nói:

– Mày không biết rõ chủ mày. Ông ấy là một người đứng đắn lắm, tao có thể trông cậy vào ông ấy được nhiều điều lắm. Nếu trái ý ông ấy thì sẽ hại to nhiều việc về sau. Mà theo ông ấy thì khó lắm, vì bà Nghị dưới cảng ghen lắm. Như mày bảo tao nên làm thế nào?

– Chúng tôi tưởng cụ cứ việc đền tiền cho người ta!

– Nhưng mà chúng nó thua kiện rồi.

– Đã đành vậy. Nhưng mà đó là ông Anh muốn, chứ có phải tòa xử cho cụ thua kiện mà phải lấy người ta làm vợ đâu!

– Ừ nhỉ! Thế mà tao không nghĩ đến đấy. Kìa mày tiêm to nữa vào… Mấy điếu thuốc vừa rồi bé quá, không ăn thua gì cả. Thế mày bảo đền thì đền độ bao nhiêu?

– Cụ cứ cho người ta vài ba trăm bạc.

Nghị Hách ngồi nhổm lên mà rằng:

– Chết! Vài trăm bạc! Mày điên! Mày có biết những nàng hầu của tao ở đây, đáng giá bao nhiêu mỗi thị không? Cái đứa đẹp nhất, tao cũng chỉ mua của bố mẹ nó có bảy chục. Còn phần nhiều không mất xu nào. Có bảy chục bạc còn phải về hầu hạ người ta suốt đời, huống chi… chỉ có một lần mà những vài trăm bạc!

– Cụ nên biết cho là cô gái quê ấy sắp lấy chồng. Cụ làm cho người ta mất tiết trước khi lấy chồng thì số tiền tưởng cũng chẳng là bao.

Nghị Hách cười ha hả một hồi, cứ vỗ mãi vào vai Long, cười như cười một điều gì thú vị lắm. Sau cùng lão mới vừa nấc nấc, vừa nói.

– Mày còn ngu lắm! Mày có biết ở những nơi phồn hoa độ hội như Hà Nội, Hải Phòng, người ta bán chữ trinh của người ta bao nhiêu không? Đến đây, lão xòe bàn tay ếch ra. Năm đồng! Vợ một ông trạng, vợ một phán thường thua bạc, phải kiếm xu thì đi ngủ săm với tao mà cũng chỉ lấy một đồng là cao nhất rồi.

– Xin lỗi cụ, ông chủ con cho cái việc chơi ngông của cụ là đáng phải trả đắt lắm. Đấy cụ xem ông chủ con chả cứ buộc mãi cụ lấy người ta làm vợ đó là gì!

– Ông ấy hủ lậu thì ông ấy mới có những cái cẩn thận vô ích thế.

Làm như không nghe thấy câu ấy, Long cứ nói tiếp: – Đằng này cụ đã hưởng cả cái chữ trinh của người ta như thế, thì hai trăm bạc với một lá thư cũng chẳng là bao. Còn hơn lấy về làm vợ lẽ, một là điều đình với người ta và với người mà mình là sự rất khó, hai là ngộ sau này có con thì nào con vợ cả, con vợ lẽ, sẽ có mối đáng lo về phần gia tài. Cụ cứ viết một lá thư cắt nghĩa rõ như thế rồi tôi xin quay về nói khó với ông chủ tôi.

– Ừ! Mày nói nghe được! Thế hợp ý tao lắm. Hai trăm bạc…

– Với một lá thư…

– Lá thư như thế nào?

Long ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:

– Nguyên ông chủ tôi lại để ý đến chỗ cô gái quê ấy sắp lấy chồng… Nếu viết cho họ một lá thư nói về việc nài hoa ép liễu, để cho người ta có chứng cớ với chồng người ta là không phải lỗi người ta hư, thì người ta không lo bị chồng ghen và hành hạ. Được vậy, vì chị vợ có hai trăm bạc đền thì anh chồng sẽ vì thấy của tối mắt mà không còn bực mình về chỗ vợ đã mất tân. Mà có lẽ còn sung sướng nữa.

– Ừ, mày nói nghe được đấy.

Nghị Hách đỡ dọc tẩu kéo điếu thuốc xong, nhắm nghiền mắt lại khoan khoái. Nhưng bỗng lại mở choàng mắt ra mà rằng:

– Ồ! Không được! Viết thư thế ngộ nó kiện cho thì bỏ mẹ!

– Đời nào bọn ấy còn dám đi kiện.

– Phải, nhưng mà cái gì cũng đề phòng thì hơn.

– Nếu thế thì cụ chỉ còn cách lấy người ta thôi.

– Lấy thì nhiễu lắm, tao không muốn.

– Mà không lấy, không được?

– Ừ. Không lấy thì ông chủ nhà mày lại không bằng lòng!

– Phiền thật!

– Chó lắm!

Long nghe xong ngẫm nghĩ một lúc. Chàng chỉ nằm tiêm thuốc mà không bàn tính gì thêm. Rồi chàng lôi ở túi áo ra hai số báo Lưỡng kỳ.

– Đây này, việc của cụ làm cho dư luận Bắc Kỳ rất xôn xao. Cụ đừng tưởng là không hệ trọng và không ai bình phẩm về việc ấy đâu.

Nghị Hách vồ lấy hai tờ nhật trình. Khi xem xong cả hai số báo rồi, lão ta tái mặt, trên trán thấy toát mồ hôi ra như giữa lúc mùa nực vậy. Lão bấm cái chuông ở đầu giường.

Một lát, cô Kiểm mở cửa bước vào.

– Quan lớn đòi gì?

– Gọi thằng tài Nhì và thằng Xuân lên đây ngay.

Năm phút sau, tài Nhì và Xuân cùng kéo nhau vào Nghị Hách ngồi lên, bảo:

– Thằng Xuân, mày lấy cái roi cá đuối lên đây.

Tài Nhì bỗng tái xanh cả mặt mũi. Anh ta run run hỏi:

– Bẩm quan lớn, thế con có tội gì ạ?

Nghị Hách lạnh lùng:

– Mày cứ chờ đây thì biết.

Đến lúc thằng Xuân xách cái roi cá đuối lên rồi và đã đứng khoanh tay chờ lệnh rồi Nghị Hách mới hỏi.

– Tài! Mày có biết rằng khi tao cho mày về làm với tao thì mày đã thề rằng mày sẽ không nói một chuyện gì của tao, mày không được tiết lộ một điều bí mật gì ở nhà này cho một người nào nghe, có thế không?

Tài Nhì run rẩy:

– Bẩm đã.

Nghị Hách hỏi Long:

– Thầy có biết khi một ông quan để bại lộ việc nước thì nhà vua phải trị tội ông quan thế nào không?

Long muốn đáp… Nhưng Nghị Hách lại hỏi thằng Xuân ngay:

– Xuân! Mày có còn nhớ là khi xưa, mày đi theo rạp xiếc thì mày vẫn được quật roi điện vào sống lưng những loài hổ báo, và mày đã vì ăn cắp mà phải đuổi không? Mày có nhớ là nếu tao không thương mày thì mày phải tù rồi không?

Thằng Xuân cau đôi lông mày chổi sể, nhăn cái má có sẹo, làm một câu:

– Có ạ!

Tức thì Nghị Hách đứng lên, cầm lấy cái roi.

– Thằng Tài! Mày đã trót nhỡ nói chuyện tao cho thằng Vạn ở Hà Nội hôm xưa thì hôm nay mày chịu cái vạ miệng ấy. Muốn khỏi chết thì tức khắc ra đứng quay mặt vào tường!

Tài Nhì vâng lời ra đứng quay mặt vào tường rồi thì Nghị Hách giơ cao roi vụt thằng xuân một cái vào ngang lưng. Tiếng roi đập xuống đánh đét một cái, nghe đến rùng mình. Thằng Xuân co quắp cả người, nhăn mặt chịu đau. Nghị Hách từ tốn đưa cho nó cái roi cá đuối rồi lên ngồi sập.

Lúc ấy, thằng Xuân cầm roi rồi. Nó mím môi lại, giơ cao tay. Từ đây trở đi, người ta chỉ thấy tiếng đen đét luôn hồi của cái roi. Người ta tưởng đương xem một đám đua ngựa.

Tài Nhì, đương cái cơn mưa roi vọt ấy, oằn mình đi như một sợi tóc bị hơ trên ngọn lửa. Long không dám nhìn phải nhắm mắt lại. Vậy mà những tiếng đen đét vẫn không thôi giáng xuống lưng Tài Nhì như mưa…

Oai nghiêm trên sập, Nghị Hách vẫn chưa có lệnh cho ngừng.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN