Thiên Cổ Hận
Chương 17
Thu tiết, Bính Tuất kỷ
Huệ Quang đại sư viên tịch tại chùa Chân Giáo hưởng 33 năm thọ mệnh, di thể được hỏa táng tại phường Yên Hoa còn hài cốt đặt tại tầng thứ bảy của tháp Liên Hoa trong chùa Bảo Quang. Tuy rằng Huệ Quang đại sư đã là người Phật môn, nhưng Thái thượng hoàng cảm thông trước tấm lòng hiếu thảo của Chiêu Thánh Hoàng hậu đã phê chỉ cho phép Chiêu Thánh Hoàng hậu tới chùa Bảo Quang giữ đạo hiếu 3 năm.
Một thoáng 3 năm trôi qua nhanh như bóng ngựa câu vụt qua cửa sổ, mệnh người dài ngắn cũng chỉ trong cái chớp mắt của nhân sinh.
Cửa chính điện Bảo Hùng nặng nề mở ra, nhũ mẫu đi đằng trước khẽ nhón chân đến bên bàn thờ Phật châm lên nụ hương trầm, khói trầm lượn lờ mang theo vị đắng cay thơm ngọt. Nhìn thấy ánh mắt hoài nghi đang nhìn về phía mình, nhũ mẫu cười nhẹ giọng giải thích:
– Đầu năm nay Hoàng thượng đến chùa có phân phó nội thị đem tới một hộp Kỳ Nam hương, bên trong có 5 nụ. Mụ nghe đâu Kỳ này vô cùng quý hiếm, đất Nông Giang tiến cống 10 nụ thì Hoàng thượng đem đến cho nương nương 5 nụ.
Lý Chiêu Hoàng nhìn làn khói xanh nhạt bay thẳng lên không trung, đánh mũi hít hà thật lâu mới nói:
Trong sách có ghi chép về loại Trầm Hương tên gọi Kỳ Nam, Kỳ này là phần gỗ thơm hình thành trên thân cây Dó Bầu còn gọi là nhựa cây biến tính mà thành. Lại nói trong hộp này quả là Bạch Kỳ có màu trắng đục, mềm, mịn cực kỳ quý hiếm tỏa hương thơm ngào ngạt, the mát như lá bạc hà.
– Nương nương thật thông tuệ ạ, thật là khiến cho mắt chó của nô tỳ được khai sáng hơn – Đặng nhũ mẫu tươi cười khả ố nịnh nọt.
Nàng vươn ngón tay nhỏ bấu lấy một chút bụi nhỏ đặt lên đầu lưỡi, đầu lưỡi tê rát khó chịu khiến nước mắt trực trào, lát sau lại cảm nhận được vị đắng, ngọt, chua cay quanh quẩn chót lưỡi kẽ răng.
– Chậc… chậc… nhìn xem, hắn đúng là bỏ được một vật quý hiếm như thế này. Chắc chắn là trộm mang tới đây đấy.
Nhũ mẫu biểu tình cứng đờ không dám tiếp lời. Từ phía sau lấy ra tọa cụ đặt xuống đất, rồi xếp bồ đoàn lên trên. Bồ đoàn hình trụ tròn may hai lớp, bên trong là lớp vỏ đỗ được phơi sấy cẩn thận vẫn còn thơm mùi vỏ đỗ xanh. Như muốn giải thích gì đó, bà nói:
– Kỳ có công dụng tĩnh tâm dưỡng thần giúp thần trí tỉnh táo, nói vậy còn được nhân gian cho là lá bùa hộ mệnh, trừ tà khí nhưng số lượng có hạn ngày thường không dám đem ra dùng. Hôm nay là năm thứ ba kể từ ngày Đại sư viên tịch, chúng tăng làm lễ siêu độ tại bái đường nên mụ mới cả gan đem ra đốt… xin nương nương xá tội cho.
Lý Chiêu Hoàng không nói gì, nàng vén tay áo rồi đốt lên ba cây hương bái lạy trước hương án. Nàng quỳ gối trên bồ đoàn, hai tay chắp trước ngực hình búp sen, hai mắt khép hờ nhìn mũi, mũi nhìn tâm. Trong đầu một mảnh thanh tịnh thành kính.
Nhũ mẫu mặt mày tái nhợt lui xuống, bà vừa đi vừa dùng tay áo lau mồ hôi trên trán. Thật may Hoàng hậu không trách phạt bà, bà cũng mới theo hầu nương nương ba năm này mà thôi. Về cảm tình làm sao so được với vị nhũ mẫu họ Dương kia được cơ chứ. Nghe đâu ba năm trước khi Chiêu Thánh Hoàng hậu tới chùa Bảo Quang giữ đạo hiếu thì bà ấy xin ở lại coi sóc điện Trường Xuân, công việc chăm sóc nương nương như một miếng thịt đột nhiên rơi xuống đầu của bà ta. Aizz… miếng thịt này là miếng thịt tươi hay ôi còn phải xem vị trong cung kia quyết định nữa. Bà ta chỉ có thể cun cút theo hầu vị Phật sống này là được rồi. Đến nỗi cơm ngon canh ngọt cũng không thể thiếu một bát của bà ta đi chứ. Nghĩ tới đó cũng đủ để an ủi tâm hồn khô héo của bà ta bấy lâu, bà ta mỉm cười tự an ủi chính mình.
Trên hành lang kéo dài từ bái đường đến chính điện, đi đầu đoàn người là một vị phu nhân ăn mặc hoa quý. Trên đầu búi tóc phượng kế cài trâm quý, cổ tay trắng nõn đeo xuyến vàng, trên thân khoác áo Giao lĩnh màu tím khói may bằng sa đơn lại quấn Thường ngắn thêu hoa phù dung nở rộ, hương anh thắt bên hông càng làm nổi bật vòng eo tinh tế nhỏ nhắn. Nhũ mẫu dụi dụi mắt vì choáng váng, tuy ở trong cung đã lâu nhưng hình như bà ta chưa từng gặp qua người trước mặt. Phải chăng đây là vị phu nhân quan lại nhà nào đến thắp hương bái Phật? Ngẫm lại cũng không đúng, vì ngày hôm nay quân lính phong tỏa khắp các cửa chùa Bảo Quang ngăn mọi người không được lên núi. Nhìn kỹ lần nữa mới thấy mặt vị phu nhân này như hoa đào tháng hai, mắt phượng mày ngài rực rỡ vẻ hoa thật là hiếm có. Xương cốt bên trong lộ vẻ mị ý chúng sinh mà không mất đi vẻ quý phái ung ung của thiếu phụ hai mươi. Trong lòng không khỏi cảm khái mấy câu, ngay đến một bà già còn không kìm lòng ngắm nhìn nhiều hơn một lát, thì thử hỏi trượng phu trên đời này có mấy ai bỏ được đây.
Đoàn người đi tới trước mặt nhưng nhũ mẫu không phát hiện ra vì còn chìm đắm say mê trước vẻ đẹp kia.
– Trưởng công chúa có lời muốn hỏi, Hoàng hậu nương nương có ở trong chính điện hay không?
Đợi một vị cung nữ đến gần nhún người hành lễ mới khiến cho nhũ mẫu giật mình tỉnh lại, hốt hoảng quỳ rạp xuống đất dập đầu thật mạnh mới lắp bắp:
– Nô cẩn khải Trưởng công chúa muôn muôn năm, nô nhìn Trưởng công chúa mà nhất thời ngây ngẩn tưởng mình gặp được tiên mới lỗ mãng không kịp hành lễ. Nô biết mình tội nặng, dám xin Trưởng công chúa thứ nô tội bất kính.
Chúng cung nhân bụm miệng cười ngặt nghẽo, ngay cả Thiên Cực công chúa cũng không nhịn được chỉ tay vào nhũ mẫu cười mắng:
– Hay cho cái miệng dẻo ngọt như bôi đường của mụ, thôi thôi mau đứng lên đi.
Nhũ mẫu xoắn xuýt lồm cồm bò dậy, hai mắt nheo nheo tỏa sáng rồi khom lưng nghiêng người tránh qua một bên. Hai tay vò xoa vào vạt áo sam, miệng cười toe toét khiến khuôn miệng nhăn nheo như hoa cúc. Vừa đi vừa nói:
– Khải bẩm Trưởng công chúa, Chiêu Thánh hoàng hậu còn tại trong điện kia từ sớm ạ.
Thiên Cực công chúa thu lại nét mặt, nhàn nhạt phân phó:
– Dẫn đường đi.
– Thưa vâng.
Mùi hương trầm phảng phất như dẫn người lạc vào cõi u minh, đầu thu tiết trời đã se se lạnh thấm vào ruột gan. Thiên Cực công chúa hơi rùng mình, đã bao lâu rồi bà không bước chân tới chốn này. Hình như kể từ ngày vị kia đi về cõi vĩnh hằng bà có tới một lần nhưng lại bị con gái ruột thịt ngăn ngoài cửa thì bà chưa tới thêm một lần nào cả. Nay kỳ hạn 3 năm đã đến, bà lần nữa đến đây đón nàng về. Thế gian này sinh sinh tử tử có mấy hồi đau thương ai rồi cũng phải trải qua. Bà đã qua cái thời nhìn xuân tiếc thu rồi, không phải tâm ý đã sớm hao mòn mà là kẻ sống trên đời này ắt phải hướng về phía trước để đi. Đưa mắt nhìn cây bồ đề trước cửa chính điện chùa Bảo Quang lại tới một mùa trút bỏ lá vàng thật khiến lòng người than thở.
Phất tay cho lui đám người hầu, Thiên Cực công chúa tự mình đẩy cửa bước vào. Tiếng cửa kẽo kẹt cũng không khiến cho người bên trong quay đầu lại. Lòng dạ bà dù có sắc bén lạnh nhạt bao nhiêu thì đứng trước tình mẫu tử cũng sẽ hóa thành một hồ nước êm đềm. Mắt phượng nổi lên một tầng hơi nước mờ mịt cay cay, bà nhìn nàng không chớp mắt. Thân tình chính là kỳ diệu đến như thế, từ nhỏ không thân thiết lại ba năm xa mặt không nhìn đến nhưng trong lòng không thể phủ nhận đó chính là máu mủ thịt xương.
Hương trầm còn thoang thoảng vấn vít trong đại điện, dáng người thướt tha đi tới trước hương án đốt lên một cây hương, mắt nhắm lại liễm diễm che đi ánh sáng trong mắt. Người quỳ gối đằng kia vẫn im ắng bất động như cố ý hay vô tình không nhận ra hơi thở của người mới đến vậy.
– Thiên Hinh… – người kia vẫn không lên tiếng.
– Thiên Hinh… – bà lại cất tiếng gọi lần nữa.
Thiên Cực công chúa bất đắc dĩ xoay người với lấy bồ đoàn đặt xuống đất rồi quỳ gối lạy ba lạy xong mới đứng lên. Bà không đi ra khỏi điện mà đứng dựa lưng vào cây cột gỗ sơn son gần đó, nhìn thiếu nữ đang quỳ gối đằng kia. Thiếu nữ mảnh mai như nụ hoa đầu cành e ấp giữa trời đông giá rét không muốn nở vì sợ gió sương. Nhìn đến trán tròn đầy no đủ, tới hàng mi dài cong vút khẽ động như cánh bướm mềm mại trong mưa giật mình bất cứ lúc nào cũng có thể bay đi mất. Cánh mũi cao thẳng tắp có vẻ ngạo mạn bướng bỉnh, cánh môi không son mà đỏ, kiều diễm ướt át lại tươi mới. Ngay cả phần cổ cao cao như đóa hoa loa kèn vươn mình trong nắng cũng là một sự khéo léo của tạo hóa. Không biết… không biết từ khi nào đứa bé đỏ hồng nhăn nhúm nằm trong vòng tay bà đã trở thành một nàng thiếu nữ xuân thì. Bà cố tìm lại trong đầu những hình ảnh tươi đẹp về con bé nhưng dường như chỉ đọng lại là những vẻ mặt nàng lúc sợ hãi, bất lực cùng không cam lòng để rồi một ngày kia chợt hóa thành oán hận.
Còn chìm trong hoảng hốt và tự hỏi, Thiên Cực công chúa không thấy được khi ánh mắt kia mở ra là một mảnh lạnh như băng không độ ấm, vẻ mặt hờ hững thản nhiên.
– Quốc mẫu có biết hôm nay là ngày gì không? Kẻ hầu không nói cho người biết hôm nay cấm người lạ không được đến chùa sao?
Thiên Cực công chúa giật mình nhìn Lý Chiêu Hoàng, không tin vào mắt mình đó chính là con gái bà dùng giọng điệu lạnh lẽo mang bảy phần mỉa mai chế giễu để nói chuyện với mình.
– Thiên Hinh… mẹ… mẹ đến đón con về.
Đổi lấy là nụ cười nhạt nhẽo của nàng:
– Hừ… không nhọc lòng Quốc mẫu lo lắng.
Thiên Cực công chúa giận quá hóa cười, vừa nói vừa đi về phía nàng:
– Con nhìn xem ta là ai? Ta là mẹ của con a.
– Từ lâu đã không phải! – Lý Chiêu Hoàng cắn răng khẽ gầm lên.
Bước chân chợt nặng như đổ chì khiến bà không thể bước tiếp được nữa. Từ lâu… từ lâu đã không phải ư? Ba năm trước bà đã gả cho người, chồng trước xuất gia ngày viên tịch cũng là ngày bà lên kiệu loan mặt mày vui sướng gả cho người khác. Mà người kia… người kia một tay đẫm màu máu tanh. Thử hỏi làm một hoàng hậu của một thời đại sớm sụp đổ bà còn lựa chọn nào khác đây. Thế gian nói bà lật tay làm gió phủ tay làm mưa, nhưng có ai hiểu bà cũng đã một thời ao ước trở thành đóa hoa nhỏ cất trong tay áo người yêu. Cũng là thế nhân đẩy bà đi đến bước đường này mà thôi. Không đập đi triều đại thối nát mục ruỗng há có thể xây mới lại một thời đại huy hoàng. Đó là chính đạo, thời thế ắt phải lựa chọn thế. Cả bà, cả Lý Sảm đều phải lựa chọn con đường cho riêng mình. Hết thảy mọi sự hôm nay đều là nhân quả tuần hoàn lúc trước, nhưng thật sự không thể cứu vãn nữa sao?
– Thiên Hinh, mẹ thừa nhận mình là tội nhân họ Lý. Là mẹ phụ cha con, hổ thẹn với tông tộc họ Lý. Nhưng mẹ có sai hay sao? nếu như con là mẹ thì con cũng sẽ chọn như mẹ thôi.
Có một câu mà từ lâu nàng đã muốn hỏi bà ấy rằng trong lòng bà ấy có từng hổ thẹn một chút nào không. Nhưng xem ra mọi chuyện tới ngày hôm nay dường như không còn quan trọng nữa rồi. Nàng đứng lên, gót sen nhẹ bước.
Không!… Lời ấy của Quốc mẫu sai rồi. Nếu Thiên Hinh là Quốc mẫu ắt sẽ dùng ba thước lụa trắng tuẫn tiết theo phu mà không phải áo đỏ khăn hồng nằm trong vòng tay người đàn ông khác. Chim quyên còn có đôi có bạn, tình nghĩa vợ chồng khi cạn khi đầy. Chết vinh còn hơn sống nhục kia mà. Tại sao Quốc mẫu không chịu chết đi đây?
– Câm miệng!
Thiên Cực công chúa Trần Thị chỉ vào Lý Chiêu Hoàng thở hổn hển quát lên.
Lý Chiêu Hoàng tiến lên từng bước từng bước ép sát khiến cho Thiên Cực công chúa lùi dần về phía sau, vẻ mặt trở nên trắng bệch không còn màu máu. Nàng nhìn thẳng vào mắt của Thiên Cực công chúa cũng thốt lên lời lẽ gay gắt cực độ:
– Quyến rũ quân vương ngày ngày mê đắm trong tình tình ái ái mà quên đi đại sự là tội bất chính, cấu kết ngoại thần giảo lộng triều cương là tội bất trung, bỏ chồng quên con là tội bất nghĩa, tái giá gả cho người trong ngày chết của chồng trước là thất tiết bất chinh. Một kẻ bất chính, bất chinh, bất trung, bất nghĩa thử hỏi có tư cách gì dạy dỗ ta, lại càng không xứng đáng có được tình yêu của cha ta.
– Chát!
Ngây người.
Lòng bàn tay nóng lên bỏng rát mới khiến cho Thiên Cực công chúa hồi thần, bà nhìn móng tay sơn đỏ rồi lại nhìn lên khuôn mặt nhỏ nhắn trắng bệch kia, giọng run rẩy:
– Con… con không nên bất kính với ta. Ta… ta mới là mẹ ruột của con…
Bọn người hầu đứng ngoài hành lang đã đồng loạt quỳ lạy từ bao giờ, không hẹn mà cùng cúi ngằm mặt che mắt che tai không nhìn không nghe thấy. Nhất là Đặng nhũ mẫu còn đang run run không ngừng, mồ hôi túa ra như tắm. Bà ta thật không ngờ chủ nhân của mình cũng có thể thốt ra lời cay độc như thế, dám cả gan chất vấn mẹ ruột của mình. Đến lúc này còn điều gì mà bà ta không rõ nữa đây. Vị phu nhân phục trang hoa quý kia đích thực là Thiên Cực công chúa Trần Thị đã gả cho Thái sư Thượng phụ Trần Thủ Độ. Bà ta thầm hận mình ngu dốt có mắt không thấy Thái Sơn lúc trước cả gan nhìn chằm chằm quý nhân. Nhưng cũng thầm thở phào vui vẻ trong lòng vì chính mình nhanh chí ứng đáp trôi chảy. Như nghĩ tới điều gì khiến bà ta không khỏi thở dài. Vị kia… cũng thật khổ mà, chẳng tránh ngày thường trầm buồn u uất lại lạnh nhạt thờ ơ. Chỉ có khi Hoàng thượng tới thăm mới nở nụ cười, hoặc như nhận được thư từ Hoàng thành gửi tới thì trên khuôn mặt băng sương mới có biểu tình của người thường.
Không khí trở nên nặng nề ngột ngạt không thể hô hấp, lồng ngực nặng trịch như đá tảng. Sự tức giận dồn nén bấy lâu như rắn độc cuốn lấy trái tim nàng, vùi lấp lý trí dưới sự khủng hoảng nặng nề. Mặc cho cảm giác đau đến tê dại trên mặt, nàng ngồi thụp xuống đất, đôi bàn tay mảnh khảnh che lại hai mắt cười khanh khách như kẻ loạn trí:
– Mẹ… ha ha… hỡi người mẹ yêu dấu bao năm nay mà lòng ta vẫn khao khát. Khao khát cũng giống như chị gái ta được sà vào vòng tay ấm áp, ngửi trên người mùi sữa dịu nồng. Nhưng than ôi… mẹ ta chỉ nhìn ta bằng ánh mắt lạnh lẽo nghiêm khắc khiến cho ta muốn tiến lên một bước cũng không thể. Chỉ dám đứng nhìn xa xa thèm muốn đến hèn mọn. Ta sai ở đâu sao?
Thiên Cực công chúa nhào lên ôm lấy Lý Chiêu Hoàng lấp đầy cõi lòng, bàn tay mềm mại nhè nhẹ vuốt lên tóc nàng trấn an sự hoảng loạn như con thú hoang lạc bầy của Lý Chiêu Hoàng. Ánh mắt bà trở nên mông lung như tìm kiếm thứ gì đó vừa mới vụt qua, là từng sợi ký ức sắc mảnh cứa qua tròng mắt đau buốt. Người thiếu nữ vô tư trong sáng năm xưa từng rơi vào bể tình không tự thoát ra, cho tới một ngày nàng nhận ra đó chỉ là một cạm bẫy khiến con người bất tri bất giác tự sa chân. Ngỡ rằng bí mật ấy sẽ chôn vùi cho tới lúc mắt kia nhắm lại tay kia buông xuôi, nhưng bà lại không muốn con gái bé nhỏ cứ trách móc rồi sinh lòng thù hận. Từng câu từng chữ kể ra chậm rãi cũng như sự đau đớn âm ỉ bấy lâu nay lại bị phơi bày.
Cô gái làng chài tài mạo song toàn nọ lớn lên trong sự yêu chiều của cha anh, nàng ấy như ánh mặt trời buổi sớm ấm áp quang mang. Chàng trai đất kinh kỳ thông minh tài chí hơn người, phong tư trác tuyệt khiến ai sinh lòng ngưỡng mộ. Rồi một ngày “chàng như ngọc, thiếp tựa hoa”, cô gái nhà bên đẹp như hoa ấy đem lòng yêu mến chàng trai, họ hẹn ước dưới trăng trước hoa và cùng mong đợi vào tương lai tươi sáng. Cũng ngày ấy, gió táp phong ba nổi lên cuốn tan mọi ước nguyện. Nàng mang theo nỗi niềm đau đáu gả cho người, còn lại chàng ngày đêm tuyệt vọng gửi nỗi nhớ vào rượu với trăng. Người đến sau cam tâm tình nguyện vì nàng chống đỡ tất cả, dùng yêu thương của mình cung dưỡng trái tim đã chết của nàng. Những tưởng một lần nữa khát vọng về tình yêu giúp nàng quên đi quá khứ mà vui vẻ với thực tại thì âm mưu hoàng quyền lại lỡ tay bóp chết tất cả. Từ đó chỉ còn lại hờ hững xa cách mà thôi. Họ sống với nhau là nghĩa vụ và trách nhiệm, là toan tính quyền mưu. Để rồi xem nhau như kẻ xa lạ, thậm chí quên đi mọi thứ đã từng.
Lý Chiêu Hoàng lẳng lặng tựa vào lòng bà, nghe tiếng con tim trong lồng ngực bên trái kia cũng hờ hững chậm rãi như lời tâm sự của bà. Vòng tay ấy rõ ràng ấm áp nhưng từng lời kia lại khiến người ta tâm lạnh đến vô cùng. Nàng hiểu ra thứ tình cảm của “nàng” và “người kia” cũng từng có quấn quýt si mê, nhưng cuối cùng vẫn lại mơ hồ mỏng manh đến vậy.
Nàng chớp chớp đôi mắt long lanh đầy nước, ngước đầu lên hỏi khẽ:
– Mẹ… khi mẹ sinh ra con có từng ân hận không?
Thiên Cực công chúa mỉm cười, nụ cười đầy cay đắng:
– Cũng từng…
Chính điện lại lần nữa rơi vào trong im lặng, một lát sau Lý Chiêu Hoàng mới rời khỏi vòng tay của Thiên Cực công chúa, nàng đứng lên vòng qua hương án lật mở tìm thứ gì đó. Thiên Cực công chúa không nhìn đến nàng, bà thẫn thờ nhìn vòng tay trống rỗng dường như con gái bé bỏng chưa từng nằm trong lòng bà, cảm giác mất mát xót xa ập tới khiến bà trở nên vô lực, bất động ngồi thật lâu ở đó.
Lý Chiêu Hoàng trở lại, trên tay nàng cầm một cuộn giấy đã ngả màu vàng xỉn và một phong thư chưa mở. Nàng nhìn lớp hồ dán bên trên còn vẹn nguyên, ngón tay nhỏ lưu luyến khẽ vuốt lên dòng chữ “gửi ái thê Trần thị”. Nét bút ngay ngắn dứt khoát không giấu được vẻ phong tao tinh tế, đúng là nét chữ do đại sư Huệ Quang chấp bút. Lý Chiêu Hoàng trao lại toàn bộ cho Thiên Cực công chúa xong nàng lại xoay người trở về bồ đoàn quỳ xuống.
Thiên Cực công chúa bần thần đón nhận, bà như đã đoán được hai vật ấy do ai kia để lại. Cuộn giấy tròn buộc lụa đỏ kia chắc là một bức tranh, vật còn lại có lẽ là di thư chưa ai mở có đề tên Trần thị. Xưa kia, vị hoàng đế tiền triều Lý Huệ Tông tặng cuộn giấy cho bà đều sẽ là do ngài tự họa hai người hoặc vẽ vợ mình là hoàng hậu Trần thị. Đó là Trần thị tựa lưng bên gốc hoa lê, là khi ngồi vẽ mi bên bàn trang điểm ngay dưới cửa sổ mà nhìn thẳng sang phòng sách của ngài trong những ngày chạy loạn, nàng ngồi bên lương đình khóc khi bị hàng xuống Ngự nữ, nàng chân trần nhảy múa trong vườn thượng uyển ngay trước mặt ngài, là chỉ khi có hai người uống rượu ngắm hoa nở chờ trăng lên…Nhưng khi cuộn giấy Dó mở ra trống không, chỉ đơn thuần là một cuộn giấy màu nâu vàng xỉn mà thôi. Thiên Cực công chúa thật sự ngạc nhiên, vốn lúc đầu bà đoán đó là một cuộn tranh vẽ nhưng lần này sai thật rồi. Bỏ qua sự hụt hẫng bẽ bàng, Thiên Cực công chúa lại đọc hết từ đầu tới cuối phong thư kia nhưng vẫn nhìn trân trân vào khoản lạc bút bên dưới:
“… Núi non làm sính lễ
Sông kia hóa khăn hồng
Giang sơn ta đem tặng
Hỏi em có bằng lòng…”
Giọt giọt nước mắt đứt đoạn như hạt châu rơi trên giấy Xuyến Chỉ, thấm vào màu mực loang lổ cả. Trong điện khe khẽ vang lên tiếng nức nở nghẹn ngào.
– Thế nhân đều biết duyên vốn cạn, cớ gì trách móc tình chẳng sâu?
Xoẹt xoẹt tiếng xé giấy khô sắc tới rợn người như thể cứa qua cứa lại tới đầm đìa máu tươi.
Thiên Cực công chúa lấy xấp giấy tiền trên giá gỗ rồi lại với lấy cây nến còn đang cháy trên bàn thả vào chậu đồng, tay trái cầm cuộn giấy ố vàng kẹp phong thư đã xé thành nhiều mảnh vụn không do dự thả vào chậu lửa còn đang cháy dở. Ngọn lửa màu vàng bỗng chốc phừng phừng liếm lên thiêu rụi tất cả, chỉ để những tàn giấy bay lơ lửng trong không khí, vấn vương cuốn lên rồi dừng lại trên bức hoành phi. Lý Chiêu Hoàng nghiêng đầu nhìn thấy nhưng nàng ấy không nói gì, ánh mắt trở nên bình tĩnh không gợn sóng.
Cho tới khi ngọn lửa nhỏ trong chậu đồng trở nên yếu ớt rồi tắt hẳn nàng mới nói bằng chất giọng khô khốc:
– Quốc mẫu vẫn là Quốc mẫu, thứ cho Thiên Hinh có việc hiếu không thể tiếp đón chu đáo. Sau ngày hôm nay vong phụ sẽ được đưa về đền Cổ Pháp nhập thổ vi an, hưởng vượng khí linh thiêng vương tộc để an ủi vong linh, âu cũng là tránh tai ương bị kẻ hèn hãm hại sau khi chết thành cô hồn dã quỷ.
Thiên Cực công chúa cả kinh, trên mặt trắng bệch như cắt không còn giọt máu. Hai mắt đỏ đậm nói lời mê sảng:
– Cũng đúng… cũng vậy… chàng vẫn là hoàng đế họ Lý.
Trong điện chợt vang lên tiếng mõ thủng thẳng cùng tiếng than:
– Than ôi cũng một kiếp người
Lên non xuống biển biết ngày nào thôi
Than ôi duyên đã hết rồi
Tơ tình dễ đoạn kiếp này dễ ly
Than ôi một kiếp sầu bi
Đêm ngày ân hận đổi gì cho cam?
– “Đêm ngày ân hận đổi gì cho cam?”… đổi gì cho cam?
Bước chân lảo đảo đi về phía cửa, trong miệng còn lặp đi lặp lại thời than kia. Thiên Cực công chúa như thất hồn lạc phách mang theo người rời đi rồi.
Chùa Bảo Quang u tĩnh nằm giữa những đồi thông bát ngát vô tận, người ta chỉ còn nghe thấy đâu đó vang lên tiếng chuông chùa trầm buồn như khúc tiễn biệt người đi về chốn xa xăm diệu vợi.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!