Thăng Long Nổi Giận - Chương 19
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
147


Thăng Long Nổi Giận


Chương 19


Sau ngày hội quân với ngụ ý biểu giương lực lượng, thống nhất ý chí bảo vệ bờ cõi, gương mặt phố phường Thăng Long dường như đổi khác. Theo lệnh quan đại an phủ sứ của kinh sư, các viên câu đương cùng các bậc trưởng nghề ở các phường đã hội họp toàn dân trong phường để bàn việc giúp quân đánh giặc. Mở đầu là phường Lò Rèn, nhận đem tất cả số sắt có trong các lò bễ của mỗi nhà, rèn đúc thành khí giới để cấp cho dân binh trong phường; số còn dư hiến cho các vệ quân bảo hộ kinh thành. Ngoài ra, phường Lò Rèn còn nhận đúc binh khí giúp các phường khác, không lấy công…

S

Phường Hàng Buồm, các nhà góp vải may một trăm lá buồm, cung hiến cho quân thủy. Và nhận may buồm không lấy công cho bất cứ vệ nào, quân nào cần may. Phường Hàng Vải, mỗi nhà đều hiến vải để may đủ mười chiếc áo ấm cho binh sĩ. Nhiều nhà giàu có, còn may đủ áo ấm cho cả một quân.

Phường Hàng Chĩnh, các nhà gom hết số chum to vại lớn để chia cho các phường tích chứa lương khô, phòng khi quân sĩ vãng lai dùng đến. Lại số gạo sấy khô của quốc khố gửi trong nhà dân từ ba bốn năm nay, dân cũng xin được đổi hạt kẻo để lâu ngày không còn dùng được nữa. Đại khái những việc giúp quân hoặc lập ra các đội dân binh, dân phòng, ngừa khi giặc đến là có thể ứng phó được ngay, dân kinh thành đều nhất đán làm trước các lộ, các trấn trong toàn cõi.

Lại nói về sĩ tốt, sau khi nghe xong lời “Hịch”, tinh thần trong quân đội như một bể dầu sôi, ai nấy đều sẵn sàng sả thân vì nước. Lòng căm giận quân giặc dữ phát khởi, khiến nhiều đám lính tụ tập nhau thích hẳn hai chữ “Sát Thát” lên cánh tay mình. Trước còn lác đác, nhưng chỉ vài ngày sau, sĩ tốt trong quân hầu như không một người nào lại không có chữ “Sát Thát” màu chàm bên cánh tay mặt. Ấy là người lính tự biểu hiện lòng tức giận của mình đối với quân Mông-Thát. Ấy là người lính tự bày tỏ lòng trung với nước. Việc thích chữ thật không dễ. Vì trong quân ít người biết chữ. May ra trong một đô, chỉ có viên đô trưởng biết ít chữ nghĩa. Do vậy, quân lính phải xếp hàng chờ đến lượt được viết hai chữ bằng mực tầu lên cánh tay. Đợi cho mực khô họ mới săm lẫn cho nhau. Cánh tay người lính nào cũng rỉ máu. Và họ kiếm tìm các lá có chất nhựa chàm, xát đi xát lại trên da cho nhựa thấm đẫm các lỗ kim châm trong da thịt.

Đường phố lính tráng đi lại nhộn nhịp, họ đổ về các chợ Cầu Đông, phường Hà Khẩu để mua kim. Hoặc kéo nhau vào các dải rừng ven hồ Dâm Đàm để kiếm tìm các loại lá chàm.

Cũng sau ngày hội quân, quốc công tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn đã điều binh và cắt cử các tướng trấn giữ những miền trọng yếu trong nước. Nhất là vùng Lạng Châu, binh lực được tăng thêm dọc các đồn ải cho tới Chi Lăng. Điện tiền Phạm Ngũ Lão và một số tướng như Hưng Vũ vương, Hưng Trí vương, Hưng Hiếu vương, Hưng Nhượng vương, phó đô tướng quân Trần Khánh Dư cùng nhiều tướng khác được điều lên trấn suốt một dải dài biên thùy phía bắc và vùng biển đông. Quản quân Nguyễn Lộc là một thổ hào có thế lực cũng được Hưng Đạo sai trấn ở châu Thất Nguyên (Vùng đất thuộc huyện Tràng Định Lạng Sơn ngày nay).

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật trấn giữ lộ Đà Giang. Chiêu Quốc vương Trần ích Tắc cùng Văn Chiêu hầu Trần Lộng chẹn giữ vùng Tam Đái là cửa ngõ phía tây bắc của kinh thành Thăng Long. Thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, lưu trấn tại kinh sư, có Chiêu Thành vương và tiểu tướng quân Trần Quốc Toản phụ trấn.

Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang cùng một số tướng khác như Trần Đạo Tái, Trần Kiện đặc trấn mặt nam, ngăn giữ không cho quân của Toa-đô đóng ở vùng Ô Lý, Việt Lý, Chiêm Thành đánh tràn qua vùng đất Nghệ An.

Các tướng Trần Bình Trọng, Nguyễn Khoái cùng quân thủy, chẹn các mặt sông bao quanh kinh thành. Vùng Bình Than – Vạn Kiếp sẽ là nơi ác chiến với quân Mông – Thát, cũng được quốc công điều quân các lộ khác về hợp trấn. Đại bản doanh của Trần Hưng Đạo đóng ở ải Nội Bàng (Vùng đất thuộc huyện Lục Ngạn Bắc Giang) để ngăn giặc và tiện việc chỉ huy, điều động toàn quân.

Lại nói về việc truyền “Hịch”. Sau ngày đại duyệt toàn quân, các xuất nạp quan của triều đình đã về tận các trấn, lộ kể cả các đạo xa xôi trên biên thùy phía bắc để khẩu truyền. Các trấn, lộ, đạo lại truyền về các châu, quận. Các châu, quận truyền về đến xã, thôn, ấp. Suốt ngày đêm, tiếng “Hịch” truyền rộn ràng trong khắp cõi. Từ kinh thành đông đúc tới thôn cùng xóm vắng, cả các vạn chài heo hút trong các đầm rạch cho tới các dân tận rừng sâu núi thẳm, không ở đâu người dân không được nghe tiếng “Hịch” truyền.

Lời “Hịch” như lời nguyền sắt đá của muôn dân, thề cứu mảnh giang san gấm vóc, do tổ tiên để lại cho cháu con Lạc- Hồng. Lời “Hịch” không bay theo gió mà đọng lại trong máu thịt, trong tim óc từng người. Lời “Hịch” hùng tráng thiết tha như hồn thiêng sông núi từ ngàn xưa gọi về, khích lệ lòng người với tinh thần tự trọng cao vời: “NINH THỌ TỬ, BẤT NINH THỌ NHỤC” (Thà chết chứ không chịu nhục).

Thường ngày trong các làng bản, người già có chữ nghĩa lại đọc rồi giảng giải các điều sâu kín trong “Hịch văn” cho cháu, con nghe hiểu. Lời “Hịch” cứ được nhắc đi nhắc lại mãi như thế trong quân, trong dân, khiến không một ai có thể nguôi quên lòng trung với nước, mà vơi vợi nỗi oán hờn quân Mông – Thát.

Chia quân chẹn giữ các ngả thủy, bộ xong, hai vua Trần Thánh tôn, Trần Nhân tôn thường lui tới úy lạo quân dân trong nước. Nhất là vua Nhân tôn, sức trai tráng, lòng đầy nhiệt huyết, ngài muốn đích thân dò tìm sự nghĩ hiểu của người dân, người lính như thế nào với cuộc đối đầu lịch sử sắp diễn ra giữa quân dân Đại Việt cùng quân Mông – Thát xâm lăng. Khi thì ngài xúc tiếp với các người dân tận nơi sâu vắng, hoặc với đám quân thú chốn biên thùy. Khi thì với cương vị một hoàng đế, khi thì giả trang vi hành lẫn vào trong dân, trong quân nghe ngóng hoặc luận bàn. Hết thảy những điều Nhân tôn nghe được đều làm nhà vua hài lòng, bởi không có một người dân nào lại tỏ ra run sợ trước sức mạnh của quân thù. Vậy là triều đình đã cố kết được lòng dân. Việc còn lại chỉ là đánh giặc, giữ nước. Nhưng đánh thế nào để vừa thủ thắng, vừa không thiệt hại nhiều lắm tới máu xương binh sĩ, ngăn sao không cho giặc tàn sát đám lê dân. Càng căm giận quân giặc dữ bao nhiêu, nhà vua lại thương đám dân chúng và sĩ tốt bấy nhiêu.

Trong khi Nhân tôn bận mải đốc thúc việc quân, việc lương, thì Thánh tôn lại chuyên lo việc bang giao với nhà Nguyên. Phương sách của ngài là còn nước còn tát. Tức là nếu không ngăn được cuộc chiến, thì cùng gắng làm cho nó chậm nổ ra ngày nào hay ngày ấy. Tranh chiến là một hạ sách, là một chọn lựa cực kỳ bất đắc dĩ. Trong thâm tâm thượng hoàng Thánh tông vẫn nghĩ Hốt-tất-liệt lòng tham không đáy, kiêu mạn không cùng. Y vẫn thường nói với sứ thần các nước đến đại đô Yên Kinh rằng: “ Ngọn cờ của thiên tử nhà Đại Nguyên trỏ về phương nào thì phương ấy phải thành tro bụi…”. Cho nên, Hất-tất-liệt không thể chấp nhận dưới cõi trời này, lại có một tiểu quốc như Đại Việt dám chống lại sự nội thuộc. Các sứ thần nước ta tới Yên Kinh thường bị Hốt-tất-hệt đập án thét mắng: “Ý ta là ý trời! Chống lại ta là chống lại trời! Ta sẽ cử đại binh bắt cha con Nhật Huyên về bêu đầu trước cửa khuyết. Ta sẽ làm cỏ nước Nam để nêu gương cho những kẻ nào, những nước nào dưới gầm trời này dám trái ý ta. Ta sẽ…”

Thánh tông lại nghĩ: chắc rằng sứ ta trở về không dám nói hết các lời Hốt-tất-liệt lăng mạ vua tôi Đại Việt. Cứ suy ra thì biết, sứ giặc ở Thăng Long còn dám hỗn hào đến nỗi vào bệ kiến ta, chúng còn không cả cúi chào. Xông xáo trong nội điện, nói năng xấc xược, khạc nhổ thô bỉ như ở chỗ không người. Chúng hạch sách đủ điều, đòi hỏi đủ thứ quý hiếm khó tìm, khó mua như vuốt hổ, sừng tê, ngà voi, nọc rắn, mật chuột… Ra đường gặp dân ta, chúng nạt nộ đánh mắng, gây án mạng là thường. Ta đã nhiều phen khuyến dụ dân chúng nhún nhường, hoặc lánh xa bọn chúng. Đại khái những chuyện như thế đám sứ giặc nhãi nhép còn dám làm, huống hồ vua nó mãi tận Yên Kinh thì tiếc gì lời lẽ mạt sát ta, mạ lị ta.

Ấy vậy mà ta vẫn cứ nhịn nhục chống đỡ bằng các biểu chương với lời lẽ kính cẩn ôn hòa, bằng các đồ sang quý tiến cống Hốt-tất-liệt và đút lót cho bọn sứ thần nhà Nguyên.

Ta biết Hốt-tất-liệt đã cử binh sang xâm lấn, nhưng ta vẫn cố nhún cầu hòa. Tháng bảy vừa rồi ta sai thiện trung đại phu Trần Khiêm Phủ sang hành tỉnh Kinh Hồ xin Thoát- hoan hoãn binh. Đầu tháng tám, ta lại sai Đoàn Án, Lê Qúy sang Yên Kinh trần tình với Hốt-tất-liệt xin bãi binh. Cuối tháng tám, ta tiếp sai Nguyễn Đạo Học sang Nguyên không ngoài mục đích cầu hòa. Tất cả đểu chưa có hồi âm. Lòng ta nóng sôi như lửa đốt. Ta biết, sự thể rồi sẽ tan hỏng. Vì rằng ta thì không thể nhịn nhục hơn nữa, mà kẻ kia lại quyết không nhường một ly. Tranh chiến là điều ta không muốn? Ta không muốn nhưng không có một chọn lựa nào khác hơn. Bởi chưng cha con Hốt-tất-hệt buộc Đại Việt ta phải cầm binh khí.

Thánh tông tự thấy bụng nóng khác thường, như báo trước một điềm gì quan yếu lắm. Nhà vua bèn xốc áo bước ra hành lang, mắt đăm đắm nhìn về phía vườn thượng uyển. Chợt một cơn gió tạt qua khiến nhà vua thấy se se lạnh. Biết là tiết trọng đông đã tới. Thánh tông vừa toan trở lại cung, thì một viên quan nội hầu đã hấp tấp bê chiếc áo hồ cừu ra dâng vua. Thượng hoàng định di dạo về phía vườn ngự uyển cho đầu óc thông thoáng; chợt nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếp đó là Chiêu Thành vương với đội quân thánh dực xuất hiện. Đám quân tản ra, còn Chiêu Thành vương tiến lại rập đầu lạy. Thượng hoàng vừa nâng Chiêu Thành vương dậy thì Trần Nhân tông và Nguyễn Đạo Học tiến vào cúi lạy. Thánh tông phảy tay miễn lễ. Lòng mừng khôn xiết, ngài nắm bả vai Nguyễn Đạo Học mà lắc, và nói:

– Ta mong khanh quá. Ta lo cho tính mệnh của khanh vô cùng. Thôi thì cũng vì nước cả.

Rồi săm săm, thượng hoàng đi trước về cung Thánh từ.

Mọi người vừa yên vị xong, Thánh tông liền hỏi:

– Nào, Đạo Học kể ta nghe việc khanh sang sứ nhà Nguyên ra sao? Nhìn vua Nhân tông và Chiêu Thành vương, Thánh tông lại hỏi:

– Quan gia cùng Chiêu tướng quân gặp Đạo Học ở đâu?

Chiêu Thành vương liếc nhìn Trần Nhân tông như ngầm xin lệnh chỉ. Vua Nhân tông phục lạy và tâu:

– Bẩm phụ vương, đức quốc công tiết chế mật báo cho con rằng sứ thần Nguyễn Đạo Học đã được Thoát-hoan cho về nước, cùng với hai tướng người Mông Cổ đem thư của y sang dụ ta. Được tin, con vội cải trang đi cùng tướng quân Chiêu Thành vương lên đón sứ nhà, và cũng là để xem xét việc bố phòng quân cơ trên mạn bắc. Hai tướng Mông Cổ đã có người tiếp rước, chắc nay mai cũng về tới đây thôi.

Nghe con nói xong, Thánh tông hơi nhíu đôi hàng mi đã có mấy sợi bạc xám, dài rủ cong xuống mắt. Thượng hoàng dằn lòng nói với vẻ như an ủi, vẻ như trách móc:

– Thế nước đang nghìn cân treo sợi tóc, cuộc tranh chiến sẽ nổ ra trong sớm tối. Sao quan gia khinh xuất thế. Phải bảo trọng tấm thân muôn quý để dùng cho nước.

Nhân tông cúi đầu tựa như người biết hối lỗi, nhà vua nói khẽ:

– Bẩm, con xin lĩnh ý phụ vương.

– Khanh, nói đi. Thánh tông vừa nói vừa chỉ vào Nguyễn Đạo Học.

– Muôn tâu thượng hoàng, hạ thần đi đến địa giới tỉnh Hồ Nam ít lâu thì gặp tiền quân của Thoát-hoan. Chúng giữ lại và dẫn ngược đường về ra mắt Thoát-hoan mất đúng năm ngày ngựa. Thần bèn dâng thư của hoàng thượng cùng các đồ tiến lễ. Mặt y hằm hằm tức tối, hẩy đổ án thư, quát mắng thần không tiếc lời. Y còn thóa mạ cả vương triều ta rồi đe lôi thần ra chém. Bộ tướng của y là Quy-lê (Kulá) và Ta-khai Xa-ric (Tagai-sariq) bước ra can. Y dọa cả hai cận thần kia và cử chúng đem thư sang dụ Đại Việt. Dạ muôn tâu, cứ theo ngu ý của thần thì bọn Thoát-hoan dùng quỷ kế đấy thôi ạ.

Vua Thánh tông và cả Nhân tông cùng gật gật đầu, vẻ như chấp thuận lời bàn của Nguyễn Đạo Học.

– Thư của Thoát-hoan đâu? – Thánh tông hỏi.

– Muôn tâu, Nguyễn Đạo Học đáp – Thư do hai viên tướng giặc là Quy-lê và Ta-khai Xa-ric cầm. Quan gia sai cho chúng đi cáng, để che tai bịt mắt, lại cũng để cho hành trình chậm lại, chắc rồi ngày một ngày hai sẽ đến Thăng Long. Chúng phải đích thân dâng thư Thoát-hoan lên thượng hoàng cùng các lời nhắn bảo của y.

Hai hôm sau, sứ của Thoát-hoan dâng thư. Trong thư, Thoát-hoan cao giọng răn đe hết sức hỗn hào. Và y buộc triều đình Đại Việt phải: “Chở lương thực đến Chiêm Thành tiếp tế cho quân Toa-đô. Quốc chủ phải đón Trấn Nam vương tại địa đầu biên ải. Mở đường cho quân ta mượn qua đánh Chiêm Thành… “.

Mặc dù kẻ kia kiêu hỗn, Thánh tông vẫn một mực mềm mỏng, sai tiếp sứ thật ưu hậu. Thôi thì các món nem công chả phượng không thiếu một thứ gì ngon, quý mà không đưa ra thết sứ. Lại vàng bạc châu báu, lại đồ biếu tặng riêng, nhiều khôn kể xiết. Hai quan chánh phó sứ nhà Nguyên tối mắt lại trước đống vàng bạc ngọc ngà được biếu tặng, mà quên phắt việc dò tìm manh mối, chắp nối tin tức xem binh lực của Đại Việt mạnh yếu thế nào, cùng các nơi hiểm yếu đã bố phòng ra sao, thảy đều sao nhãng. Chúng chỉ cốt hưởng trọn các cuộc truy hoan, nào rượu ngon, nhắm tốt, gái đẹp, hát hay, múa giỏi…

Lưu giữ sứ giả tại Thăng Long chừng non nửa tháng thì bọn Quy-lê nhất quyết đòi vua nhà Trần phải có thư phúc đáp Trấn Nam vương Thoát-hoan, và phải chấp nhận các việc như nộp lương, mượn đường…

Trần Thánh tông một mặt an ủi sứ giặc rằng, các việc xin với thiên tử và Trấn Nam vương như thế nào, hết thảy đã nói trong biểu; một mặt nhà vua lại sai quan trung lương đại phu Trần Đức Quân và quan triều tân lang Trần Tự Tông mang biểu chương sang sứ nhà Nguyên. Trong biểu nhà vua từ chối: ” Nước thần năm trước mất mùa, dân đang đói, nên không có lương phụng thượng quốc. Còn việc đến Chiêm Thành, từ nước tôi, đường thủy, đường bộ đều không tiện”

Trước khi các ông Trần Đức Quân, Trần Tự Tông lên đường, Trần Nhân tông còn lựa lời an ủi:

– Vì mệnh vua, các khanh phải xông vào đất giặc. Chuyến đi này là muôn khó, lành ít dữ nhiều. Kẻ kia đã rắp tâm đánh ta, thì sự cầu hòa chẳng khác gì việc rủi may trên chiếu bạc. Các khanh liệu mà đối đáp, mềm, cứng tùy lúc, tùy thời, nhưng quyết không để nhục cho vua, cho nước như bọn Trần Di Ái năm trước. Các khanh đi rồi, việc cha mẹ, vợ con ở nhà, triều đình sẽ lo chu tất.

Hai quan chánh phó sứ gạt nước mắt mà lĩnh mệnh. Họ cùng lên đường với hai viên sứ giặc trở lại đất Nguyên.

Tin từ Yên Kinh, từ hành tỉnh Kinh Hồ, từ Lưỡng Quảng do bọn Đỗ Vỹ, Đỗ Hựu đưa về tới tấp: “Quân Nguyên ngày đêm đi như nước chảy xuống phía nam. Tiền quân hiện đang ở… đang ở.. Việc chúng xâm lấn Đại Việt là điều không tránh khỏi. “.

Hai vua Trần Thánh tông, Trần Nhân tông lại cho triệu quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn và thái sư thượng tướng Trần Quang Khải về nội điện bàn quốc sự.

Mở đầu Trần Quốc Tuấn tâu:

– Khí thế trong quân hiện thời là khá thuận cho việc kình chống giặc Mông – Thát. Lòng căm giận tới mức không ai là không thích hai chữ “Sát Thát” lên cánh tay. Trong dân thì hồ hởi, nhà nhà đều dốc lòng đưa chồng, đưa con xung quân. Nhờ quốc sách của triều đình, khiến người dân đã có ruộng, lại mấy vụ nay được mùa, dân chúng no đủ, dư dật, cho nên chiến cuộc có nổ ra thì mỗi người dân sẽ là mỗi người lính tự bảo vệ thôn ấp. Ấy là nói về lòng người. Còn việc phân bố binh lực, cắt đặt tướng tài; trấn, chẹn các nơi hiểm yếu, thần đã làm xong xuôi kín nhẹm, xin thượng hoàng và bệ hạ yên tâm. Ngừng một lát, nhìn sắc mặt hai vua, Quốc Tuấn nói thêm – còn một việc nữa xin thượng hoàng cùng bệ hạ lượng xét. Tức là khi quân giặc nhất đán tràn vào cõi, không phải bất cứ nơi nào ta cũng đủ quân đủ lực ngăn giữ. Cho nên sức cho dân chúng, nếu thế không ngăn được giặc thì cho phép lẩn tránh vào rừng rậm hang sâu. Nhưng phải cất giấu lương thực và các đồ vật dụng cần thiết, để khi quân kia có tới cũng không lấy gì mà ăn được. Lại khi gấp quá chẳng kịp cất giấu thì được phép đốt đi. Kế ấy gọi là “KẾ THANH DÔ – tức là vườn không nhà trống. Khiến quân thù đi bất cứ nơi nào trong đất ta, cũng như đi trên sa mạc.

Trong khi hai vua rất mực khen ngợi diệu kế của Hưng Đạo vương thì thượng tướng Trần Quang Khải thầm nghĩ: – “Anh Quốc Tuấn quả là một nhân tài kiệt hiệt, không phải thời nào cũng có được. Từ “Phú quốc cường binh sách” đến “Vạn kiếp tông bí truyền thư”, từ “Dụ chư tì tướng hịch văn” nay lại đến kế “Thanh dã”. Tất cả những mưu thuật đó, cấu thành quốc sách chống giặc Nguyên – Mông của nhà nước Đại Việt mà chỉ xuất phát từ cái tâm của Quốc Tuấn thời thật là việc thế gian hy hữu.

– “Thanh dã!” – vua Nhân tông nhắc lại hai tiếng đó, và khen – Kế ấy thực dễ làm mà thành tựu thì lớn lắm. Tức là ta hãm địch vào đất chết – Ý chú Chiêu Minh thế nào? – Nhà vua quay ra phía Trần Quang Khải, hỏi:

– Tâu hoàng thượng, thần cũng nghĩ như vậy, Quang Khải đáp, và ông thêm – Thần đang ngẫm về các binh pháp và sách lược của Hưng Đạo vương, đã dâng lên hai vua để cứu nước. Thần cứ nghĩ: hay là Trời cho Đại Việt ta một bậc thần tướng để chống lũ cuồng khấu phương bắc?

Trần Thánh tông vuốt râu cười khà khà – Em ta dễ tính quá, vội quy công cho trời. Ta nói thật, nếu không có Yên Sinh vương tốn công nhọc sức tìm thầy giỏi từ bốn phương về giáo dưỡng; lại nếu không có thượng phụ thái sư Trung Vũ vương sớm nhận ra tài năng của anh Quốc Tuấn mà đưa về kinh sư rèn cặp; và nữa, nếu Hưng Đạo không khổ công trau dồi suốt cuộc đời thì làm sao có được sự kiêm thông văn võ. Âu cũng là mệnh trời! Trời thí phúc cho hoàng triều ta. Có nhẽ ý chú Chiêu Minh đúng chăng.

Thánh tông dứt lời, mấy anh em chú cháu nhà vua cùng cười vui Riêng Hưng Đạo đỏ mặt, vì các lời khen mà ông cho là hơi quá.

Tiếng cười vừa dứt, không khí trở lại thật là trang nghiêm ủa một cuộc luận bàn về quân quốc trọng sự.

Vua Nhân tông lại hỏi:

– Quốc phụ và quốc thúc có còn kế sách gì thật hoàn hảo cho công cuộc phòng bị đất nước?

Quang Khải bèn tâu:

– Bẩm thượng hoàng, bẩm quan gia, theo ý thần thì các kế sách từ việc binh, việc lương, đến việc bố phòng binh lực, việc bang giao thảy đều đã có phương lược rõ ràng. Thần dân trong nước đều được vỗ về. Đám sĩ tốt và trai trẻ vừa đây lại được lời “Hịch” của Quốc công khích lệ, khí thế đang hăng. Duy chỉ còn các bậc cao niên trong thôn ấp là chưa được vỗ về. Đám người này tuy không nhiều, nhưng họ lại có tiếng nói thật là hệ trọng trong các tộc họ và trong thôn ấp. Nên chăng, thượng hoàng cho tuyên triệu các bậc bô lão về triều để yên ủi…

Quang Khải vừa tâu về một đại hội các bô lão, Quốc Tuấn đã hiểu ngay tầm rộng lớn của nó. Ông thầm so sánh: Nếu như Đại hội Bình Than tháng mười năm Nhâm ngọ (1282) là để bàn kế sách chống giặc, thì Đại hội bô lão lần này sẽ là quyết sách thắng giặc, bởi nó thể hiện ý chí vua tôi đồng lòng.

Sau một đôi giây ngần ngừ, Thánh tông bèn hỏi:

– Ý anh Quốc Tuấn thế nào? Ý quan gia thế nào?

Nhân tông nói:

– Bẩm phụ hoàng, các vị bô lão trong các trấn, lộ, thôn, ấp, họ sẽ truyền cho con cháu trong các làng xã lòng phấn khích bội phần trong công cuộc chống giặc giữ nước này. Việc thực nên làm, thành tựu sẽ lớn khôn lường. Có điều con đang băn khoăn, ta nên lấy danh nghĩa gì để tuyên triệu. Vì từ thượng cổ, chưa hề có các cuộc hội nghị toàn dân như thế.

Thánh tông lại đưa mắt về phía Quốc Tuấn, như muốn ông cho một lời đoan quyết.

Quốc Tuấn bèn tâu:

– Triều đình lấy danh nghĩa vấn kế các bậc bô lão là hợp lẽ nhất. Xưa nay các việc lớn, không việc gì các triều đại không hỏi ý các bậc cao niên. Vả lại, nếu việc trước chưa có ai làm, nay ta làm, thời nó sẽ đi vào lịch sử như là một việc không tiền khoáng hậu. Hơn nữa, nếu thượng hoàng chấp thuận lời tâu của quan tướng quốc thái úy tưởng cũng nên khai triển cấp kỳ, kẻo không kịp.

Trần Thánh tông nhẩm tính:

– Nay là hạ tuần tháng một. Quân giặc đang ở…

– Dạ tâu, quân giặc đang ở huyện Linh Lăng tỉnh Hồ Nam – Hưng Đạo vương tiếp lời. Và ông nói thêm – Nhanh ra cũng phải hơn một tháng nữa chúng mới tới được biên thùy nước ta. Nếu triều đình mở hội vào đầu tháng chạp, thì mọi việc đều êm đẹp cả.

Quốc Tuấn vừa dứt lời, Quang Khải lại nói:

– Tâu hoàng huynh, tâu quan gia, việc phải làm gấp. Trong lúc này còn làm kíp được việc gì khích lệ cho thế nước nổi lên, thì không nên trì hoãn. Vả lại nếu hoàng huynh cùng quan gia vì một số ít các bô lão mà tuyên triệu về nghị bàn việc nước, lại vì họ mà thết đãi yến tiệc, thì các bô lão sẽ vì thượng hoàng mà khích lệ trăm họ nhảy vào bể lửa để cứu lấy giang san. Đấy chẳng phải là kế đánh vào lòng người sao?

Thấy hai vua đã chấp thuận tới tám chín phần rồi, Quốc Tuấn lại hối thúc thêm:

– Gọi là tuyên triệu các bô lão về triều bàn việc nước, về triều để vua vấn kế, là sách lược triều đình nhún mình để thu phục thiên hạ. Kỳ thực các bô lão về triều là để nghe vua tuyên cáo việc nước, là để thiết chặt mối rường từ thứ dân đến bậc quân trưởng đều đồng lòng giết giặc, cứu nước. Hai vua lấy làm đẹp ý, và việc mở đại hội bô lão được nhà vua lượng định vào đầu tháng chạp, lại chọn điện Diên Hồng, là cung điện to lớn và sang đẹp nhất của hoàng triều làm nơi hội họp.

Cuộc chiến đã gần kề. Bước đi của tử thần ngày mỗi ngày lại nhích thêm lên. Công cuộc kình chống giặc ngoài, toàn dân đã được triều đình dẫn dắt từng bước thật thấu đáo. Nhưng càng gần tới ngày cuộc chiến khai mào, tinh thần dân chúng càng thêm hồi hộp, lo lắng. Và không ít người từ quan đến dân ngấm ngầm khiếp sợ. Chưa ai có thể hình dung ra khuôn mặt gớm ghiếc của chiến tranh. Dẫu rằng toàn dân Đại Việt lấy hết can đảm gồng người lên mà đón đợi nó; song không phải vì thế mà coi thường nó. Vả lại, trong mỗi con người đều có nửa phần phấn khích, và nửa phần kia là lo sợ, là cầu mong cho nó đừng xảy ra. ấy là nói về lòng dân, chớ sĩ tốt thì khí thế bừng bừng, chờ đón, háo hức. Ai ai cũng mong lập chút công với nước. Mấy bữa nay có chiếu của triều đình ban xuống về kế “Thanh dã”. Người ta treo bảng ở khắp các trấn, lộ, châu, quận hoặc giấy dán la liệt khắp nơi, mấy câu lệnh chỉ, ngắn gọn mà đầy đủ, của kế sách kia: “Tất cả các quận, huyện trong nước, nếu có giặc ngoài đến, phải liều chết mà đánh. Nếu sức không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, không được đầu hàng. Lại phải cất giấu hết lương thực cùng các đồ có thể dùng vào việc hỏa thực, hoặc nếu không kịp cất giấu thì cho phép đốt phá… khiến quân giặc tới đâu cũng phải chịu cảnh đói khát, khốn đốn”..

Lại nữa, lời tuyên triệu các bậc bô lão về triều hội vào ngày mùng bảy tháng chạp, tại điện Diên Hồng cứ vang lên từ làng nọ sang xã kia. Khắp thôn cùng xóm vắng, không ở nơi nào trên mảnh đất Đại Việt mà không nghe thấu lời “Hịch” truyền, và chiếu tuyên triệu bô lão về Đại hội Diên Hồng. Càng gần tới ngày mùng bảy, các đoàn người túa về Thăng Long càng đông. Các trấn, lộ, thôn, ấp, giáp kinh thành, các cụ tự đi lấy. Cụ nào cụ ấy đều râu tóc bạc phơ, lông mi trắng xóa, da nhám đồi mồi, tay chống gậy trúc, tay xách nải thâm. Các cụ từ sáu bảy mươi tuổi thường mặc áo dài màu thâm hoặc màu nâu, quần dài nâu, dây lưng đen hoặc nâu, gút thắt về một bên sườn. Vành lưng trước bụng giắt một vuông khăn trầu. Trên đầu, các cụ quấn khăn vành dây bằng lượt màu hồng hoặc bằng nhiễu tím trùm lên búi tóc tròn phía sau gáy; chân thường đi giày cỏ bện hoặc dép mo cau, quai ngang. Với các cụ tuổi xấp xỉ tám mươi hoặc trên tám mươi, làng cử đinh tráng võng đi. Các cụ nằm cáng thường vận áo dài đỏ, quần đỏ, mũ trùm đầu cũng màu đỏ. Khi các cụ bỏ mũ ra, tóc có màu trắng phau như màu nấm mốc, nên trong dân gian quen gọi các cụ bằng một cái tên chung, vừa kính cẩn vừa quen thuộc thân tình: cụ mốc. Các cụ nằm cáng, miệng bỏm bẻm nhai trầu, cây gậy trúc đùi gà, các gióng đốt được hun khói màu nâu đen đặt một bên cáng, bên kia là tráp trầu.

Quan đại an phủ sứ của kinh sư đón khách ở cửa đông và cắt cử các quan chức sắc dưới quyền đón khách về dự Đại hội Diên Hồng tại các cửa tây, nam, bắc. Khách về nườm nượp. Dân chúng kinh kỳ ùa ra đường chào đón khách. Nơi các ngã ba, ngã tư, dân trong phường tự nấu nước chè xanh vào các nồi mười lăm, hai mươi đặt trên các giá gỗ, có cả những chiếc mâm đồng bầy chén tống; lại thêm hàng rá trầu têm cánh phượng, cau tươi bổ tư, hạt bánh dày trắng muốt sẵn sàng mời khách.

Tháng chạp, Thăng Long lạnh giá, cây cối lá rụng thưa dần. Các cây bàng, cây sầu đông lấp ló phía sau những mái nhà tranh, cành trơ trụi như đang thu mình sưởi hơi ấm từ các mái rạ bốc lên mờ mờ như sương, như khói. Từ bến Đông Bộ Đầu bước vào, khách đã nhìn khắp một dặm dài những cây hòe thân mốc trắng, và những chùm quả teo khô trên cành màu nâu cháy. Rặng bưởi nhà quan đại an lóa lên một màu quả vàng au, sai lúc lỉu. Vườn nhà kia đào trụi hết lá, nụ chúm chím đầu cành như báo hiệu một mùa hoa nở rộ, như báo hiệu tết đang về.

Thăng Long rộn lên vì đón khách. Các nhà khá giả thì chăng đèn, kết hoa, nhà ít lực hơn cũng treo trước cửa chiếc đèn lồng hoặc đèn kẻo quân. Các nhà quan, các công đường lại càng nguy nga, rực rỡ bởi đèn, hoa, cờ, phướn. Ngoài những lâu đài, những điện các sang trọng của kinh sư được mở ra đón khách; vua Nhân tông còn cho mở thêm cửa Quốc học viện và cung Cảnh Linh để tiếp rước các bô lão khắp nước về triều hội. Lại đặc ân cho các bô lão tuổi từ tám mươi trở lên được vào nghỉ trong điện Tập Hiền.

Các bô lão đến từ nơi thôn ấp hoặc tận rừng xanh núi thẳm lần đầu tiên được về Thăng Long, lần đầu tiên trong cuộc đời bảy, tám mươi, thậm chí cả trăm tuổi mới được thấy cảnh phồn hoa đô hội. Lần đầu tiên được mục kích những điện các nguy nga, cung thất tráng lệ. Lại được dặt chân lên thềm những lâu đài, điện, các, cung thất kia thì thật ngay trong mơ các cụ cũng không dám ao ước. Thế nhưng, đấy lại là sự thật. Thành thử khi bước lên thềm điện, các cụ vẫn cứ còn ngập ngừng, trông trước trông sau xem có ai quát tháo chửi mắng không.

Vua Nhân tông đã cải dạng lẫn vào với đám quân cấm vệ để nghe ngóng, để dò biết tình thực lòng người. Thấy các cụ cứ đứng vón lại trước thềm cung Cảnh Linh, nhà vua ghép tai viên đô úy nói nhỏ:

– Ngươi cho lính dẫn các cụ vào nghỉ trong cung.

Cùng với đám quân cấm vệ, nhà vua vừa nói vừa thở hổn hển:

– Lão trượng quê ở đâu ta?

– Bẩm ông, tôi ở lộ Hải Đông.

Đến bậc thềm cuối cùng, các cụ mệt quá, đều dừng lại nghỉ. Quân cận vệ bê nước tới mời từng cụ. Tay cầm chén nước nóng bốc khói, mùi trà hương thơm phức. Nhẽ ra trong lúc mệt, khát thì phải uống ngay, nhưng xem ra chưa thấy một cụ nào nhắp môi mà cứ xoay đi xoay lại chiếc chén trong tay, ngắm nghía từ màu men đến các đường hoa văn trang trí, và cả những cảnh vẽ bốn mùa mai, lan, trúc, cúc hoặc sen, le hoặc Bát tiên quá hải…

Nhà vua hiểu được cái gì đang diễn ra trong lòng các cụ, bèn hỏi:

– Thưa các trưởng lão, các trưởng lão về triều hội có vui không, hay vì lệnh vua bắt thì phải đi thôi?

– Đâu có thế. Đâu có thế. Các cụ gần như đồng thanh đáp lời và lắc đầu quầy quậy. Một cụ ngồi cạnh nhà vua đặt chén nước xuống, và tựa cây gậy trúc ngả vào vai rồi nói:

– Bẩm ông, đây là nhà vua cho gọi đám bô lão chúng tôi về dự hội, chớ nhà vua có bắt phải về đâu. Vui lắm! Vui lắm! Vì từ thượng cổ chưa có chuyện này.

– Từ thượng cổ chưa có chuyện này! Một cụ khác nhắc lại.

Các cụ xúm nhau lại góp chuyện thật là vui vẻ, cởi mở.

Nhân tông lại hỏi:

– Các trưởng lão đã biết vua triệu về có việc gì không?

Các cụ nhao nhao trả lời:

– Bẩm ông, chắc đức vua cho bàn quốc sự.

– Sao lão trượng biết vua cho bàn quốc sự?

– Bẩm ông, khắp bốn phương lúc nào cũng vang lên lời “Hịch” truyền. Thế thì ai mà chẳng biết giặc Mông – Thát kia sắp lấn xâm vào cõi.

– Dân tình ta ở nơi thôn ấp có hãi sợ lũ giặc Mông – Thát này không? – Vẫn nhà vua hỏi.

– Sao lại sợ? Ai sợ lũ giặc Mông – Thát? – Các cụ trả lời với vẻ bực bội – Dân vùng tôi ấy à, họ còn muốn moi gan móc mắt lũ giặc kia ra mới hả.

Nhìn gương mặt các cụ đều hiện lên nét hân hoan rạng rỡ, nhà vua biết họ thật lòng, ngài lại lẩn vào trong đám quân cấm vệ rồi lui ra lúc nào không ai biết. Và mãi mãi không ai biết người lính cấm vệ kia lại chính là đức vua của họ.

Sớm ngày mùng bảy tháng chạp năm Giáp thân (1284) từng toán xe ngựa tề chỉnh tới các cung đón bô lão vào điện Diên Hồng. Nhà vua cho bày sẵn tiệc yến ở thềm điện để thết các bô lão.

Thượng hoàng Trần Thánh tông uy nghi trong triều phục hoàng đế, tay cầm cây tích trượng đứng đón các phụ lão ngay trước thềm. Xế một chút, vua Nhân tông cũng mặc một chiếc đại hoàng bào lộng lẫy, nom gương mặt nhà vua rực sáng như thiên thần.

Đại hội này nhà vua gia ân cho các phụ lão không phải rập đầu lạy mà chỉ cúi chào. Lại khi nói cũng cho miễn lễ, không phải quì.

Hai vua thân nắm tay từng bậc cố lão và nói lời an ủi. Các cụ vừa lóa mắt trước cảnh vàng son rực rỡ, vừa lóa trước lung linh ánh bạch lạp. Nhưng xúc động nhất là được tận mắt nhìn thấy hai đức vua mặt rồng rạng rỡ, như thế nước đang lên. Không những thế, vua còn tay bắt mặt mừng, cho nên không cụ nào cầm được nước mắt. Song đó là những giọt nước mắt hiếm hoi trong cuộc đời già nua của các cụ. Bước vào thềm điện rồi, nhiều cụ vẫn còn bàng hoàng như mơ. Nhiều cụ cứ rờ rờ mãi lên những cây cột son to tướng. Có chỗ tới bốn cụ nối vòng tay nhau ôm vẫn chưa khít cây cột, to hơn rất nhiều so với cột đình làng. Những hàng cột tròn sơn son, khắc họa những con rồng vàng quấn quanh cột từ chân tới nóc điện, miệng phun đầy châu ngọc đang ở thế vút bay lên.

Khi các cụ đã an tọa gần xong, thì Chiêu Thành vương dẫn một cụ già do người của thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đưa từ lộ Đà Giang về. Ấy là cụ già người Man độc nhất trong Đại hội. Cụ vận quần áo với nhiều màu sặc sỡ tựa bộ lông công. Vua Nhân tông vội đỡ cụ tới ngồi cạnh hai cụ già khác trên một hàng ghế lộng lẫy gần vua. Đó là cụ Mốc người Thanh Hóa chín mươi chín tuổi, và cụ Mốc người miền biển lộ Hải Đông, một trăm lẻ sáu tuổi, là người cao tuổi nhất nước; cụ người Man mới có chín mươi bảy tuổi.

Ban nhạc cung đình vừa tấu xong khúc nhạc thiều, thì vua Trần Thánh tông bước lên đài can vẫy chào các bô lão. Rồi vua dời gót đi về phía ba cụ Mốc cao tuổi nhất, và ban cho mỗi cụ một chiếc áo đỏ, một chiếc mũ đỏ bằng vóc đại hồng. Các cụ vừa reo hò vừa hô: Đức vua vạn tuế!… Vạn vạn tu… ế…! Nhà vua mời các cụ vừa ăn yến vừa nghe nói, bàn quốc sự. Đức vua không giấu giếm tình thế quân Mông – Thát sắp tràn vào cõi, và lực lượng hùng mạnh của chúng đã làm nghiêng đổ biết bao thành trì, hủy diệt biết bao quốc gia to lớn từ đông sang tây, từ bắc tới nam. Mênh mông như nước Trung Hoa cũng bị chà nát dưới vó ngựa Hồ. Vua tôi bị giết, bị cầm tù, thần dân cúi đầu làm nô lệ. Nhà Tống tiêu vong.

Dừng lại, nhà vua nhìn khắp các bô lão, thấy gương mặt các cụ nhất loạt hướng về ngài. Không khí triều hội im phăng phắc. Các cụ mải nghe tới mức đức vua đã mời dùng yến hai ba lần, vẫn chưa có cụ nào cầm đũa.

Trần Thánh tông lại nói:

– Đội quân hùm sói Mông – Thát kia nay đã gần kề biên ải nước ta, sớm tối chúng sẽ tràn vào tàn phá cõi bờ ta. Sức quân, sức dân trong nước thế nào ta đã nói, và các trưởng lão đây cũng đã biết. Liệu ta có kháng được giặc mạnh không? Các bậc trưởng lão đây thay mặt cho toàn thể quốc dân, triều đình xin hỏi: “TA NÊN HÒA HAY NÊN ĐÁNH?!” – giọng Thánh tôn dằn xuống, nghe xót đau thống khổ.

Có người ấn vào tay cụ Mốc lộ Thanh Hóa bát yến sào.

Chợt nghe tiếng hét như sấm bên tai, cụ đánh đổ cả bát yến sào trên bàn ngà, liền đứng dậy hô theo:

– Đánh! – Muôn người như một vút lên tiếng thét – Xin bệ hạ cho đánh!

Đánh! Đánh! Đ… á… nh! Tiếng hô ầm vang thống thiết như sóng cồn bão tố. Điện Diên Hồng – nơi biểu hiện ý chí của muôn dân đang nổi cơn thịnh nộ.

Giữa lúc đó, quan hàn lâm học sĩ Quốc sử viện Lê Văn Hưu đang tựa lưng vào cột điện quan sát, bỗng cúi xuống, tay run run mở tráp, lấy giấy bút chép sự việc này vào quốc sử.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN