Thương Hải - Chương 68: Đan Điền
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
123


Thương Hải


Chương 68: Đan Điền


Người đến chính là Cốc Chẩn, gã đi lên cầu thang, nhìn cảnh tượng trên lầu, rồi nghe hai người nọ nói những lời tử biệt, trong lòng gã quặn thắt, đến khi nghe hai câu cuối, không sao nín nhịn nổi nữa, gã lùi xuống tầng dưới, tay bám víu vào mặt bàn đá, toàn thân èo uột, gã hầu như muốn té nằm nhào trên sàn.

Đúng như lời Diêu Tình nói, lần tây hành này, Cốc Chẩn là người khổ nhất, chịu mệt mỏi nhiều nhất. Không những thân xác cực nhọc, mà tinh thần còn mệt mỏi cùng cực, gã đã phải tận sức vận dụng tài trí một đời ra sắp đặt mọi công việc nào gã thu xếp được, điều động nhân lực nào gã có thể điều động được, làm thành công một sự việc chưa tiền nhân nào làm được, chỉ trong nửa tháng trời, đã vượt qua hàng mấy vạn dặm đường, Những cái đó, cũng chưa thấm gì so với cái khổ cực nhất, là trong tình huống khó khăn đến đâu, trước mặt cả đoàn, lúc nào gã cũng phải cố giữ vẻ ung dung, cổ vũ khích lệ ý chí mọi người, không dè, trải biết bao gian khó như vậy, đến lúc này, lại nhận được cái kết quả làm vậy, trong một khoảnh khắc, mồm miệng Cốc Chẩn có cảm giác đắng nghét, lần đầu trong đời, gã nếm cái tư vị của “Vi san cửu nhận, công khuy nhất quy” (Đắp một quả núi cao trăm thước, cuối cùng thiếu mỗi một sọt đất để đạt thành công”: câu trích từ “Thư kinh – Thượng Thư của Lữ Ngao”). Vào lúc cả trí lẫn lực đều khô cạn, nản chí cùng cực, hai tay gã bấu chặt vào mặt bàn đá, siết chặt đến nỗi mấy móng tay gần bật máu tươi, trong đầu quanh đi quẩn lại vang vọng mỗi một câu “Đại ca anh của ta, có ta thật cũng như không… Đại ca là anh của ta, vậy mà ta thật vô dụng!” Gã không hay không biết, từ khoé mắt ứa ra một giọt lệ, chảy xuống gò má, rồi nó rỏ xuống mặt bàn phủ bụi, làm bụi bậm chỗ đó tan ra, lờ mờ hiện hình dạng nét khắc hoa văn nho nhỏ.

Là người tinh tế, Cốc Chẩn luôn luôn quan sát tỉ mỉ mọi vật, ngay đang lúc ấy, tâm trí gã vẫn hết sức cơ cảnh khác thường, nét chạm vừa lọt vào mắt, gã không dằn được, đưa tay phủi sơ bụi bậm, mới phát giác rằng, thứ nhất, đấy không phải những nét chạm hoa văn trang trí, thứ nhì, cũng chẳng phải văn tự, mà chính là chạm khắc một phần của bức hải đồ. Trong lòng khẽ máy động, Cốc Chẩn ra sức dùng ống tay áo phủi sạch bụi, mới thấy phía đầu bàn có khắc ba chữ “Hải trận đồ”, gã chú tâm quan sát, những nét khắc của bức hải đồ chính là biểu hiện của những gì gã đã từng gặp trong hải trận, tất cả các mỏm đá ngầm không sót mỏm nào, sáu con khỉ đá cũng thể hiện rõ ràng, đến cả phương vị của tiểu đảo, liếc sơ qua là hiểu hết.

Quan sát một hồi, Cốc Chẩn thấy vô cùng thất vọng, gã đoán hải đồ này có lẽ là chỗ ngày xưa cha con. ông cháu Tây Côn Lôn đã dùng để thao diễn trận pháp, nếu được xem qua trước khi vào trận thì hay biết mấy, bây giờ, đã qua thoát hải trận rồi, bức vẽ phá trận này xem ra vô dụng. Gã bèn thôi xem xét, ngồi xổm ngay xuống bên cạnh, nặn óc suy nghĩ “Hiện thời, cả năm đầu mối, chỉ còn mỗi “Xà Quật”, không lẽ muốn nói trên hòn đảo này còn có một ổ rắn độc nữa ư? Thế nhưng, suốt chặng đường đến thạch lâu này, gã đã chỉ gặp rặt chim biển, chẳng thấy dấu vết muông thú, hay động vật bò sát nào. Bốn đầu mối trước dều có quan hệ mật thiết, theo lẽ đó, “Xà Quật” chẳng thể là ngoại lệ, ắt phải có dính dáng lớn với “Viên Đẩu Vĩ”? Viên “Đẩu Vĩ”…

“Viên Đẩu Vĩ”? “Viên Đẩu”… Cốc Chẩn ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ, xoay chuyển ý nghĩ “Thì ra ba chữ đó mang hai ý, thứ nhất chỉ về đuôi khỉ đá, thứ nhì ám chỉ số khỉ đá phù hợp với bẩy ngôi sao của toà “Bắc Đẩu”, nhưng tới bây giờ, gã mới chỉ đã gặp có sáu con, bẩy ông sao Bắc Đẩu, hãy còn thiếu mất một, Thiên Xu, Thiên Toàn, Thiên Cơ, Thiên Quyền, Ngọc Hành, Khai Dương, Diêu Quang. Lấy phần cái gáo làm đầu, lấy chuôi gáo làm đuôi, đuôi đây chính là sao Diêu Quang, bức hải đồ này thiếu mất con khỉ vai Diêu Quang, các ông sao trong nhóm Bắc Đẩu thì phương hướng thay đổi luôn, nhưng cự ly, phương vị giữa chúng thì bất biến, mấy ngàn năm nay vẫn thế.

Ý niệm vừa nhen nhúm, Cốc Chẩn quan sát cẩn thận trận đồ, bức vẽ này quả thực có ý làm khó, gây cản trở cho người đọc nó, vị trí không ghi rõ rệt, nhưng may mắn thay, Cốc Chẩn bản thân say mê nghề hàng hải, Bắc Đẩu chỉ Bắc Cực, vốn là kim chỉ nam ngàn năm bất di bất dịch của người đi biển. Cốc Chẩn tối tối đều xem sao, hình dạng Bắc Đẩu do đó nhập tâm, bây giờ, gã dựa vào vị trí sáu ông sao đã rõ biết trên hải đồ, sao Diêu Quang nhìn qua là thấy ngay, chỉ tính toán sơ sơ, Cốc Chẩn đã xác định nó không ở đâu xa, nằm về phía tây nam của đảo.

Cốc Chẩn mừng như điên, gã chạy ào ào lên một gò cao, lấy từ trong bọc ra một cái la bàn, do gã theo nghề buôn bán lâu năm, trên đường di chuyển, phương hướng lộ trình rất quan trọng, đã tạo thói quen cho Cốc Chẩn, đem la bàn làm vật bất ly thân, dù mất tiền mất bạc, nhưng quyết không để thất lạc món đồ đó. Lúc này, nó thật cực kỳ đắc dụng, mũi kim vừa chuyển động, đã chỉ rõ lối đi về sao Diêu Quang. Cốc Chẩn, như một cơn lốc xoáy, co cẳng chạy vù vù đến chỗ ấy.

Trên đường, cây cối rậm rạp, cành lá đan xen, trước mắt thấy khe lạch nhỏ tụ tập lại chảy róc rách thành dòng suối về hướng biển cả. Bên bờ suối, trồng đại trà những cây thuốc như Dược Tài, Điền Thất, Hoàng Kỳ, Thiên Môn Đông, toàn những dược thảo của Trung nguyên. Bất giác, trong lòng Cốc Chẩn ngầm cảm khái “Những cây thuốc này nhất định đều do Hoa tổ sư đem đến đây, đáng thương, ngài là một vị lương y đại thánh, đã không thể tạo phúc cho cư dân Hoa hạ,không lưu danh thơm vạn cổ, mà đã phải đã trôi nổi, chết già nơi chốn xa xôi diệu vợi, đã chịu muôn ngàn nỗi tịch mịch, cái buồn khổ nhất cõi nhân gian này, không gì qua hơn được nỗi khổ đó của ngài.”

Dọc đường, con suối chuyển dòng chảy, cây cối thưa thớt dần, đàng trước bỗng thấy khoáng đãng, giữa đất bằng, xuất hiện một toà thạch đài quan sát thiên văn, phần dưới rộng, mỏm trên hẹp như hình chữ KIM (金), những bậc thang lên đài đặt ngay ngắn, đài ngoảnh mặt ra biển, tuy bị dây leo quấn chằng chịt, rậm rạp, toà thạch đài vẫn hiển hiện nét nguy nga, như thưở nào!

Cốc Chẩn đảo mắt nhìn quanh, vạch rẽ cỏ hoang rậm rạp, thì thấy ngồi chễm chệ kế bên vòm cầu quan sát thiên tượng là một con khỉ đá, chính thị con khỉ của sao “Diêu Quang” chẳng sai, đàng sau con khỉ, chỏm đuôi giơ cao chỉ về phiá xa xa. Theo hướng ấy, Cốc Chẩn dõi mắt nhìn, thì thấy mấy nấc thang trong nắng chiều, tạc bóng đen chỉ về một phiến đá cao ngất.

Cốc Chẩn dấn bước xuống đài, dọc đường đi, gã không tìm thấy chút gì, lại nghĩ đến tình trạng Diêu Tình cái chết gần kề, ruột gan nổi bức xúc, gã bèn hươi một khúc cành cây khua loạn hai bên đường, muốn làm phát hiện hoặc hang động gì đó, hoặc khua đọng làm rắn độc bò ra, vừa đi vừa chọc ngoáy, chẳng mấy chốc, đã tới mé biển, tiếp tục đi nữa, sẽ ra đến vùng nước biển lạnh ngăn ngắt.

Đứng ven bờ biển, Cốc Chẩn suy nghĩ một hồi, rồi quay gót trở về bên trên thạch đài, gã nhìn xa xa theo hướng đuôi con khỉ. Lúc ấy vầng nhật đã về tây, chân trời nổi vùn vụt lên những đám mây đỏ. Bóng những bậc thang đá mỗi lúc một ngắn lại, mỗi lúc một thanh mảnh và nhô cao lên. Lúc ấy, con tim Cốc Chẩn đập mạnh một nhịp, gã lấy làm lạ mà nhận xét rằng, vầng thái dương càng ngả về tây, bóng những bậc thang trông càng giông giống hình dạng một con mãng xà, đủ đầu đủ đuôi, linh động như rắn thật, xem kỹ thì thấy thân rắn mường tượng đang có linh tính, nó lắc lư cái đầu, quẫy quẫy cái đuôi, tựa nó muốn theo mặt nhật đang lặn, vươn ra trầm mình xuống biển cả.

Cốc Chẩn nhảy dựng lên, gã ào ào chạy đuổi, chỉ chớp mắt, đã theo kịp bóng rắn, cùng lúc, vầng dương đã dần khuất vào mé đàng sau thạch đài. Bóng rắn mỗi lúc một thu nhỏ lại, cuối cùng chỉ còn gọn ghẽ một điểm, điểm đó hạ xuống, nhắm vào bên dưới một khối đá, rồi mất tích.

– Xà Quật… Xà Quật… Thì ra là vậy!

Cốc Chẩn tận sức vận chưởng, đẩy mạnh một cái, khối đá lập tức chuyển động! Thấy có biến chuyển, Cốc Chẩn mừng rộ, gã bèn đem hết sức đẩy mạnh thêm một lần nữa, khối đá cuối cùng bị tạt sang bên, rồi rầm rầm rơi đụng mặt biển. Mé dưới tảng đá, xuất hiện một cánh cửa đá hình tròn, có gắn khoen đồng đã bị hoen rỉ loang lổ.

Cốc Chẩn chụp mạnh vào khoen, tận lực kéo, khung cửa mở rộng hẳn, một luồng hàn khí toả tấp vào mặt. Bất giác, Cốc Chẩn lùi lại một chút, gã chăm chú nhìn, thấy bên trong khung cửa, có những bậc thang quanh co uốn lượn dẫn về một chỗ xa xăm tối ám mé dưới.

Tầng lầu yên ắng, thỉnh thoảng nghe vọng vào tiếng chim hót, hai người Lục Tiệm, Diêu Tình ngồi dựa vào nhau, tay trong tay, nhìn bóng nắng qua song cửa, họ cùng cảm giác tuy thời gian ngắn ngủi, nhưng mỗi khắc mỗi giây đang hưởng đều thật đáng quý.

Bóng nắng nhạt dần, qua song cửa, thấy man mác một màu máu hồng nhàn nhạt. bỗng Diêu Tình khe khẽ gọi:

– Lục Tiệm!

Lục Tiệm hỏi:

– Gì thế?

Diêu Tình bảo:

– Đưa ta ra mé biển đi.

– Mé biển? – Lục Tiệm đáp – Ở đấy gió máy dữ lắm!

Diêu Tình run rẩy, cô khăng khăng:

– Ta phải ra đấy!

Lục Tiệm liếc nhìn cô, gã không muốn cãi lời, bền ôm cô, đứng dậy ra khỏi toà thạch lâu, phi thân đi, ra đến mé biển, khi thấy đơn độc chiếc tam bản buộc vào một tảng đá, bất giác Lục Tiệm tự hỏi “Cốc Chẩn đi đâu rồi vậy kia?”. Ý nghĩ đang mơn man trong đầu, bỗng gã nghe tiếng Diêu Tình thì thầm bên tai:

– Lục Tiệm, mặt trời lặn mau rồi kia!

Lục Tiệm ngoảnh trông vầng nhật, giọng bùi ngùi:

– Đúng thế! Lặn nhanh thật!

Diêu Tình bảo:

– Ta thấy đẹp đấy chứ!

Lục Tiệm gật đầu, ôm cô, ngồi xuống. Dõi mắt về phương tây, Diêu Tình chăm chú nhìn một hồi, bỗng cô hỏi:

– Buổi hoàng hôn này đẹp không?

Lục Tiệm đáp:

– Đẹp! Trông đẹp lắm!

Diêu Tình cười cười, bỗng cô tìm đâu được một khí lực mạnh mẽ, lớn giọng kêu:

– Mặt trời tất phải lặn thôi!

Giật mình, Lục Tiệm ngẩn ngơ ngó cô. Nhưng, hé nở một nụ cười buồn, Diêu Tình lầm thầm:

– Thực tình, là không cam lòng đâu!

Lục Tiệm lại bỡ ngỡ lần nữa, Diêu Tình gắng gượng nét cười, cô se sẽ nhắm mắt, khẽ nói:

– Lục Tiệm, mặt trời lặn xuống, ta.. ta cũng phải ra đi thôi!

Lục Tiệm nỗi đau không sao đè nén được, gã thở hắt ra, giọng thê thảm:

– A Tình, cô đúng là phải ra đi rồi, thôi, được rồi, tôi cũng đi theo cô!

Diêu Tình hốt hoảng, cô la lớn:

– Đừng!

Cô muốn mở mắt, nhưng thần trí chợt mù mịt, cô lơ mơ thấy Lục Tiệm đứng thẳng người dậy, gã tiến bước ra vùng biển khơi.

Mặt trời đã xuống ngang tầm mặt nước, mặt biển mênh mang nhuốm một màu đỏ tựa máu, trông kinh tâm động phách, Chân Lục Tiệm lội xuống vùng nước đỏ au đó, gã chăm chú nhìn vầng nhật đang lặn, bỗng trong trí vụt kéo trùng trùng về những khúc phim cả cuộc đời gã, vui có, buồn có, giận có, thù hận có, người thân thích có, kẻ thù địch có, làm người ta khóc có, làm người ta cười có, làm người ta vướng mắc, cũng làm người ta mất mát, tất cả những cố sự trọn cuộc đời gã xuất hiện trong tâm tư.

Mực nước biển càng lúc càng sâu, đầu tiên ở ngang mắt cá chân, rồi đến nơi đầu gối. Trong lòng trống rỗng, cặp mắt đỏ quạch, nữ tử gã ôm trong lòng sao nhẹ hẫng, mường tượng cô đã hoá thành một làn gió nhẹ, gã không cách chi nắm níu, không cách chi giữ rịt lại được.

Chớp mắt, nước biển dâng đến ngang eo lưng, vị mằn mặn của nước biển vụt thấm đậm hơn lên, bỗng Lục Tiệm cảm giác nơi đầu vai bị ai đó bíu chặt vào, bị người ta hốt hoảng túm giật, thủ pháp cũng như cách dùng sức rất khéo léo, đã bất ngờ kéo gã lui về sau hai bước.

Lục Tiệm còn chưa cử động thân mình, trên mặt đã hiện thoáng một vẻ đau gắt như da thịt đang bị thiêu đốt. gã vừa nhìn rõ người ấy, đã tức tối hỏi:

– Cốc Chẩn, sao ngươi đánh ta?

Trên mặt đầy nét giận dữ, Cốc Chẩn lại tung ra một quyền nữa đập vào gò má gã, thét to:

– Đệ phải đánh cái thứ hồ đồ nhà huynh!

Lục Tiệm rúng động toàn thân, ngẩn ngẩn ngơ ngơ, bỗng gã há to miệng, gào khóc, rít giọng:

– Ta hồ đồ thì đã sao! A Tình sắp phải chết, cô ấy đang chết kia!

Cơn giận sấm sét của Cốc Chẩn đến như thế, một nửa là vì bực tức, một nưả vì quá lo sợ, vừa rồi, chỉ cần gã đến muộn một khoảnh khắc, là Lục Tiệm thế nào cũng đã ôm Diêu Tình vĩnh viễn trầm mình nơi đáy biển. Gã ban sơ quá sức giận dữ, đã tính to tiếng chửi mắng Lục Tiệm một chập, nhưng khi nhìn thấy Lục Tiệm oà khóc, cơn giận cành hông bỗng hoá thành lòng thương hại, gã bèn lặng thinh, giật lấy Diêu Tình, co cẳng chạy vào bờ.

Đang cơn ngơ ngơ ngẩn ngẩn, Lục Tiệm hốt nhiên bị cướp mất Diêu Tình, trong lòng gã vụt phát rét, nhưng nhờ đó cũng làm gã tỉnh trí một chút, bất giác gã la lớn:

– Ngươi chạy đi đâu thế?

Cốc Chẩn cũng chẳng thèm lý tới gã, cứ chạy ào ào. Lục Tiệm lo lắng, theo sát sau lưng gã, cả hai người trước kẻ sau chạy như sao xẹt, phút chốc đã về đến chỗ đài quan sát thiên tượng. mặc kệ Lục Tiệm la hét, Cốc Chẩn vẫn không trả lời, gã bung người lên, biến dạng vào sau một tảng loạn thạch.

Bấy giờ, Lục Tiệm đã hoàn toàn tỉnh táo, thấy sự lạ, gã cũng phóng mình tới, khi vừa trông thấy cửa vào mật đạo, gã không cần biết bên trong có gì quái lạ hay không, cũng đưa người vượt qua, mật đạo đó đi về phía dưới, từ gót chân loáng thoáng một thứ tiếng động bủn rủn cuả tâm ý, gã chạy được hơn hai chục trượng, bỗng nghe bên tai tiếng ì ầm liên miên không dứt, giống tiếng dã thú gầm rú, lại có phần giống tiếng giận dữ của mưa gió sấm sét, có khi nghe như tiếng thở hít, tiếng ngáy của một con quái vật khổng lồ đang ngủ. Nghe âm thanh quái lạ đó, thần trí gã có hơi núng, đúng lúc ấy, âm thanh im bặt, bốn bề tĩnh lặng, nghe rõ cả tiếng thở của mình. Yên lặng chẳng được lâu, âm thanh lại trỗi dậy, càng đi tới trước, âm lượng càng lớn, nghe kinh tâm động phách, lần đâu tiên họ Lục nhà gã được gặp, gã chưa khi nào thấy một tiếng đọng thái thậm như lần này.

Cứ như thế, động một lúc, tĩnh một lúc, thay nhau diễn ra trong khi gã đi được trăm bước. Mé trước đường bỗng hiện ra một ánh sáng xanh xanh nhàn nhạt. Bước dấn thêm mấy bước nữa, Lục Tiệm hốt nhiên thấy vách tường chung quanh hoá trong suốt, mé ngoài sóng nước gờn gợn, từng đàn cá tung tăng bơi lội. Lúc ấy, Lục Tiệm mới ngạc nhiên nhận ra rằng gã đang ở sâu dưới đáy biển, kinh dị đến khó tin, âm thanh quái dị kia vẫn không ngưng, mỗi bận nó vang lên, bốn bên tường vách như bị rung động theo, lũ cá dường như cũng bị một cỗ đại lực thu hút, chúng biến mất dạng, cho đến khi yên tịnh, mới xuất hiện trở lại. tưởng chừng như chúng bị một dòng chảy nào đó đưa đẩy, kiểu cách giống các cây rong biển, có tiếng động thì rạp mình xuống, lúc im ắng thì lại vươn thẳng lên như cũ. Bỗng chốc, bóng tối ập tới, Lục Tiệm cảm giác có một bóng hình khổng lồ lướt ngang trên đầu, gã ngẩng trông lên, chẳng khỏi ngạc nhiên khi thấy đó là một con mực ma cực to, các vòi xúc tu vươn ra, cái miệng rộng mở đóng bất định, Lục Tiệm thấy nó đang định bơi vào gần, bỗng không dè âm thanh quái dị lại cất lên, trong nuớc biển nảy sinh một luồng đại lực vô hình, đẩy bắn con mực ma mất dạng, không rõ nó bị đưa về đâu.

Đứng giưã cung điện thuỷ tinh đó, Lục Tiệm nhất thời ngẩn ngơ, dừng bước một lúc, gã vụt nhớ ra mục tiêu xuống đây, bèn ổn định thần trí, xốc cao tinh thần, rảo bước tiến ra trước. Đi chưa được mười trượng, đàng trước vụt tối sầm, mờ mờ mịt mịt trông không rõ năm đầu ngón của bàn tay, duy âm thanh kỳ quái kia mỗi lúc một to, tựa hồ cơn giận lôi đình của thần sấm, hai bên thông đạo toàn là nham thạch, giá lạnh thấu xương, cứng rắn tựa sắt thép. Lại đi thêm gần trăm bước nữa, gã thấy mé trước lấp loá một chút ánh sáng. Lục Tiệm bất giác gia tăng cước lực, qua thêm dăm ba bước nữa, dẫn đến một chỗ đại sảnh rộng rãi. Diêu Tình nằm ngang trên sàn, không rõ cô còn sống hay đã chết Trong tay Cốc Chẩn là viên “Trường Minh châu”, toả ánh sáng ra hơn trượng, bên ngoài vùng ánh sáng đó thì tối như hũ nút, không trông rõ được gì.

Sau một thoáng lặng yên, Lục Tiệm hỏi:

– Đây là chỗ ấy, phải không?

Cốc Chẩn đáp:

– Đúng!

Lục Tiệm hỏi:

– Đây cũng là Tiềm Long ư?

Cốc Chẩn thở ra một hơi dài:

– Tiềm Long là Đan Điền của đại hải, chỗ này đúng là Đan Điền của Tiềm Long.

Lục Tiệm ngạc nhiên:

– Sao ngươi biết?

Cốc Chẩn giơ cao hạt minh châu, nó choá sáng, cho thấy bên ngoài mười trượng, một cái ao nước hình tròn, với một vách ngăn ở giưã chia nó làm hai như hình thái cực, mực nuớc mỗi bên chợt cao, chợt thấp, khi sôi sùng sục, lúc kết băng giá, vào lúc âm thanh quái dị trỗi dậy, mớn nước bên tả dâng cao, bên hữu hạ thấp, bên trái đóng băng, bên phải sôi sục, khi tĩnh lặng, thì xảy ngược lại, cứ thế mà lặp đi lặp lại, liên tục không ngừng nghỉ, hơi nước bốc mù mịt, dưới ánh sáng viên minh châu, cảnh tượng hiển hiện rõ ràng.

Trông cảnh kỳ dị đó, Lục Tiệm thất kinh, hỏi:

– Là gì vậy?

Cốc Chẩn tiến vài bước đến gần, soi rõ dòng chữ khắc bên ven bờ ao, có ba chữ triện “Âm Dương trì”, mé dưới viết thảo trên bốn hàng, mười hai chữ: “Trì thủy kiệt, Tiềm Long tử, trì thủy hoạt, vạn vật địch” (Khi cạn nước trong ao, Tiềm Long sẽ chết, khi ao còn nuớc sinh động, Tiềm Long còn là đối địch của khắp vạn vật).

Cốc Chẩn giải thích:

– Theo mấy chữ này, cái ao “Âm Dương trì” đây là then chốt của Tiềm Long, một khi ao cạn nước, cái món Tiềm Long cũng sẽ thành vật bỏ đi, nhưng nguyên lý bên trong thì đệ thật không rõ!

Lục Tiệm đạo:

– Tiềm Long là nằm dưới đáy biển?

Cốc Chẩn đáp:

– Dường như vậy!

Lục Tiệm hỏi:

– Tại sao không thấy có nước biển thâm nhập vào đây?

– Đệ cũng không biết – Cốc Chẩn bĩu môi một cái – Chuyện huynh hỏi, có khi giải đáp nằm ở trong chỗ đó!

Gã di chuyển hạt châu, soi tỏ, tại một xó xa xa, thấy một cái rương sắt, dài sáu xích, cao bốn xích, trên mặt có then chốt bằng sắt, nhưng không thấy ống khoá. Con tim Lục Tiệm bỗng đập mạnh, gã tiến nhanh đến, gỡ then, mở rộng nắp rương.

Cốc Chẩn chạy đến trước một bước, ánh sáng viên minh châu toả rọi một thanh trường kiếm, lưỡi kiếm khá dài, đặt nằm trong một hộp đá xanh, dài cỡ năm xích, dưới thanh kiếm có sắp xếp nhiều sách vở, do rương sắt đóng kín, không khí bên trong rương bị phong toả, tuy đã quá lâu, nhưng sách vở và kiếm vẫn được bảo trì cực tốt.

Mấy ngón tay run run, Lục Tiệm nhấc nó lên, cảm giác nó nặng nề khác thường, gã kiểm tra sơ các sách vở, thấy ngoài sách toán, còn lại toàn là sách y khoa, lật qua dăm quyển, bỗng nhìn thấy một tập, bìa ghi ba chữ thảo “Tương Vong tập”.

Lục Tiệm mừng muốn phát điên, la lớn:

– Ở đây này!

Cốc Chẩn cũng chỉ hừ một tiếng, Lục Tiệm nghe được, có cảm giác vừa bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, gã quày lại nhìn, thấy Cốc Chẩn mặt nặng chình chịch, thần sắc lạnh nhạt. Lục Tiệm bất giác rầu rĩ hỏi:

– Cốc Chẩn, ngươi hãy còn bực mình ta đấy à?

Cốc Chẩn cười nhạt:

– Huynh là “Đại tình thánh”, đệ đã dám ngăn cản huynh tự tận vì tình, nghĩ lại thấy mình lỗi lầm còn chưa chữa xong, có đâu dám bực tức huynh!

Mặt mày ửng đỏ đến mang tai, Lục Tiệm nói:

– Ta… Ta vừa rồi quá sức hồ đồ, không gặp ngươi, thật tự ta không có một chủ đích nào hết!

Cốc Chẩn lườm gã, bỗng tai quái vung tay tống cho gã một quyền, cười, mắng:

– Bỏ đi! Hành động đó của huynh thiệt dễ ghét… nhưng cũng đáng thương, đệ mà còn đôi co cùng huynh chuyện đó, thấy chẳng đáng công sức!

Lục Tiệm cười xoà, gã cúi đầu đọc sách, các trang ghi chép dầy đặc những chữ nhỏ xíu, xem qua vài trang, Lục Tiệm không hiểu được gì cho thấu đáo, gã càng lộ vẻ hoảng hốt, nhưng không dám nói năng câu nào.

Cốc Chẩn cười gã:

– Huynh đọc kiểu đó, có mà tìm ba ngày cũng chẳng thấy được gì!

Gã giật quyển sách, xem qua phần tổng mục, quả nhiên có một chương viết về “Đại cương về Nội Thương”, lật đến trang “Đại cương – Nội thương”, xem phần liệt kê, thấy có một mục bàn về “Mạch hủy”.

Tìm đến trang ấy, Cốc Chẩn lướt qua vài dòng, gã bỗng lẩm nhẩm đọc:

– Cao thủ không tự giác mức độ nội lực của minh, hiếu thắng sính cường, sử dụng chân lực ẩu tả, sẽ chẳng tránh khỏi hoạ bị tổn thương kinh mạch, nội tạng hư hỏng, tệ hại nữa là có thể bị huỷ hoại hết trăm mạch, làm ngũ tạng trống rỗng, cho dù dùng linh chi, nhân sâm lâu đời cũng không thể nào phục hồi kinh mạch, cho dù là người mang nội công cao siêu, cũng vô lực tự chữa, ngay cả có bậc thày thuốc thánh thủ hết sức điều trị, người bệnh sau không quá dăm tháng đau đớn cùng cực, lúc tinh cạn khí kiệt, sẽ chết vì hư nhược. Thấy chuyện này, mới hiểu, bạo vũ là chết chắc, cho nên, vạn sự, hãy giảm bớt tranh cạnh. Kẻ nào sính cường chính là kẻ yếu… Kẻ nào làm vẻ yếu kém, chính là kẻ mạnh đấy. Muốn giải trừ cái ách nạn này, chẳng gì hay bằng tự đề phòng trước, tự mình chẳng tranh đấu cùng người, đấy mới là chân lý!

Đọc ngang đấy, Cốc Chẩn bất giác cười rộ, tự nhủ “Từng nghe nói vị Hoa tổ sư đó thật có tâm tư vô cùng từ ái, sáng suốt, mình thấy rõ, không lúc nào bà không quên răn dạy hậu thế.”

Lục Tiệm quá bứt rứt lo lắng, bèn hỏi:

– Chỉ vậy thôi ư?

Cốc Chẩn vui vẻ bảo:

– Đừng nôn nóng! Hãy còn nữa đây!

Rồi gã đọc tiếp:

– Bệnh này hiểm nghèo, y học không có cách chữa, nhưng tập sách này là bàn luận theo óc tưởng tượng, không nói về cách chữa trị đã từng thực hiện! Trời sinh sự tinh tế cơ thể con người thật ảo diệu vô cùng, nhưng hiểu biết về nó thì lại rất thô thiển, chưa được quá một phần trong muôn một, tỉ như, người ta, ngoài kinh mạch ngũ tạng, lại còn có ba mươi mốt ẩn mạch, cực kỳ tinh vi, cực kỳ áo diệu, chưa ai có hiểu biết sâu rộng về chúng. Thế nhưng, những ẩn mạch đó, tự chúng là một tập hợp, tinh khí chuyển dịch liên miên, không giống hiển mạch, nói ra có vẻ nghịch lý, khi hiển mạch bị hư hỏng, ta có thể dùng những ẩn mạch ấy thay thế, kiểu như khi sông hồ bị khô kiệt, cây cỏ héo úa, ta có thể dùng nước ở những mạch chảy ngầm dưới đất tưới táp giúp thảo mộc tươi tốt trở lại, chuyển sự chết trở về đất sống…

Cốc Chẩn đang đọc râm ran ngang đấy, gã bỗng nín bặt, đưa mắt liếc qua, thì thấy sắc diện Lục Tiệm tái mét, ánh mắt vô thần! Cốc Chẩn bất giác thở hắt ra, rầu rầu nói:-

– Không sao ngờ nổi, cách chữa trị nói trong “Tương vong tập” lại là cách tu luyện kiếp lực?

Lục Tiệm khẽ sựng sờ, gã run giọng:

– Thế thì… Thế thì không có cách nào khác sao?

Cốc Chẩn liếc sơ qua, rồi lắc lắc mái đầu:

– Phần sau là viết về cách tu luyện do Hoa tổ sư suy nghĩ ra, bà còn chua thêm một câu, thảng hoặc có người bệnh nguy ngập, có thể dùng “Hoạt tham lộ” (nước sâm duy trì sự sống) cất ở trong “băng nhãn” (mắt băng) bên đáy hồ bên tả duy trì kiếp sống bệnh nhân thêm được dăm ngày.

Gã vừa nói, vừa rảo bước đến bên mé tả ao “Âm Dương trì”, nước trong đó đang sôi, Cốc Chẩn đặt quyển sách xuống, vận bát kình hộ thân, gã thò tay xuống chỗ nước sôi, bàn tay lần mò, quả nhiên dò thấy một hốc đá lớn cỡ vài tấc tay, nói cũng lạ, mặt nước bên trên sôi ầm ầm, nóng khôn tả, bên trong hốc đá lại lạnh ngắt như giá băng. khiến Cốc Chẩn bất giác nghĩ thầm “Trong mỗi con cá của Thái Cực đồ, con âm phải có mắt dương, con bên dương phải có mắt âm, trong âm có dương, trong dương hàm chứa âm, toàn âm một mình thì không sống sót, toàn là dương thì không bền lâu. Cái ao “Âm Dương trì” này cứ liên tục hết đầy lại vơi, đúng là tuân theo quy luật ấy chăng? Chưa kể, vạn vật đều có sự biến hoá kỳ lạ, vậy mà càng biến đổi thì lại càng bất biến, vậy thì, hai bên ao này khi nóng sôi sục, khi kết băng giá, cái ao bên tả thì có âm nhãn, trong đó nhất định ngàn năm không khi nao nóng, còn bên hữu có dương nhãn, không chừng luôn luôn chẳng khi nào lạnh!

Trong lúc gã suy ngẫm, nước ao bên tả vụt chuyển sang lạnh, trong đầu Cốc Chẩn biết rằng chẳng mấy chốc nữa, nước ao bên ấy sẽ đóng thành băng, muốn lấy món đồ cất trong hốc đá thì phải nhanh tay, quả nhiên gã mò được trong hốc một cái hộp bằng bạc, bèn lấy ra, đem đặt bên bờ ao, nhìn sơ qua, thấy bên trong hộp có chứa một bình bằng ngọc, sờ vào thấy lạnh ngắt. Cốc Chẩn gỡ bỏ nút niêm phong, lập tức từ bình ngọc bốc lên một mùi thơm ngát, Cốc Chẩn mừng rơn, đem bình đưa cho Lục Tiệm. Lục Tiệm nâng Diêu Tình dậy, rót thứ nước trong bình vào miệng cô.

Tính mạng Diêu Tình mong manh như tơ, sinh cơ đã dứt cạn, món thuốc “Hoạt Tham lộ” này dẫu là linh dược, nhưng đã để quá hai trăm năm, chẳng biết có còn giữ được công dụng nữa không, hai người Lục, Cốc chả có gì bảo đảm, họ chỉ đành chăm chú nhìn không chớp mắt vào gương mặt Diêu Tình, chẳng mấy chốc, thấy thân thể cô ấm dần lại, vầng trán giãn ra, hô hấp dần dà nhẹ nhàng ổn định, không còn thoi thóp bất định như vừa rồi. Quá sức mừng rỡ, Lục Tiệm níu chặt vào tay Cốc Chẩn, xúc động nói:

– Cốc Chẩn… Ta… ta thực không biết phải cám ơn ngươi như thế nào cho đủ!

Cốc Chẩn vui vẻ bảo:

– Cám ơn đệ làm quái gì? Muốn cảm ơn, huynh hãy cảm ơn Hoa tổ sư, tấm lòng bà tràn trề nhân hậu, hết sức mẫn cảm.

Lục Tiệm đáp:

– Dĩ nhiên phải cảm ơn Hoa tổ sư rồi, thế nhưng nếu không có ngươi tìm ra chốn này, thì làm sao đã có thể xoay chuyển được tình thế…

Gã bỗng hiện nét đau khổ trên mặt, rầu rĩ nói:

– Thế nhưng theo sách nói, linh dược này chỉ có thể duy trì tính mạng được dăm ngày, không trừ tuyệt tận gốc rễ cơn bệnh, muốn trừ cho tuyệt thì phải…

Nói ngang đấy, gã nhíu tít hàng chân mày, bặm môi. đầy vẻ khổ não.

Cốc Chẩn âm thầm gượng một nét cười, gã hiểu rõ, đối với việc luyện nô, Lục Tiệm mang một vết thương lòng cực lớn, với gã, chuyện tối kỵ nhất đời là phải đem người gã thương yêu nhất luyện thành kiếp nô! Trước giờ, gã chưa khi nào có ý niệm đó trong đầu, bây giờ càng quyết không dám nghĩ tới.

Lục Tiệm lặng yên một lúc, gã ngẩng đầu hỏi:

– Cốc Chẩn, sao ngươi không nói năng gì hết vậy?

Cốc Chẩn đáp:

– Việc đó là chuyện của hai người, đệ nói năng gì được đây? Nếu phải làm kiếp chủ cho đại mỹ nhân, ngoài huynh ra, đừng nghĩ có thể tìm được người thứ hai trong thiên hạ. Cho dù là thế, mình còn phải xem chủ ý của đại mỹ nhân ra sao, nếu cô ấy thà chết không làm kiếp nô, huynh sẽ hành xử thế nào?

Lục Tiệm bất giác run người, gã cứ nghĩ tìm được “Tương Vong tập” là giải quyết được tất cả vấn nạn, đâu có ngờ y thư lại đề xuất cái nan đề còn khó khăn hơn trước nhiều, đưa người ta đến mâu thuẫn cùng cực.

Cốc Chẩn nhăn mày nhíu mi, gã cầm sách lên, đưa ngón tay lật, đọc qua thêm dăm ba trang trong “Tương Vong tập” nữa, rồi gã buồn bã nói:

– Thì ra là vậy!

Lục Tiệm vội hỏi:

– Là sao?

Cốc Chẩn đáp:

– Đọc qua phần dẫn ở đầu sách, những gì ở đây là Hoa tổ sư lúc về già viết nên, lúc ấy, bà ở cách xa Trung thổ, bà bị tách xa khỏi họ hàng thân thích, mà không một cơ hội đoàn tụ, đúng theo câu nói của Trang Tử, “Đẫ không thể đem sức mọn ra giúp rập được người vào lúc họ đang cần được giúp, thì chỉ đành tìm quên lãng chốn giang hồ”. Đọc trong sách này, toàn là những gì về y học bà nghiền ngẫm được trong lúc tuổi già, tỷ như chuyện đem thay óc, thay tim, hoán chuyển kinh mạch, tẩy rửa tuỷ sống, cũng là những gì bà đã không thể điều trị trong quãng đời trước kia, đến lúc phải sống cách xa nhân loại, bà mới tưởng tượng ra, đề nghị phương thức điều trị mà không sao kiểm chứng bằng thực nghiệm. Tất nhiên toàn là những suy tưởng của bà, thực khó mà lấy đó làm chuyện có cơ sở đích xác. Tư Cầm tiên sanh đã đốt rụi sách này, có khi ông muốn tránh lưu truyền hậu thế những ý tưởng dễ đưa đến suy nghĩ sai lầm.

Lục Tiệm không dằn được, gã hỏi:

– Thế nhưng chuyện tu luyện ẩn mạch đích xác có thật, chuyện luyện nô, Hoa tổ sư cùng Tư Cầm tiên sinh đều không nghĩ tới, nhưng chúng là sự thật.

Gã còn chưa dứt lời, bỗng nghe tiếng kêu yếu ớt của Diêu Tình

– Lục Tiệm!

Lục Tiệm nhô mình ra, Diêu Tình gắng mở mắt, khi cô thấy gương mặt Lục Tiệm, cô thầm thì:

– Ngươi… ngươi đừng làm chuyện ngờ nghệch, đừng có đi theo ta!

Nói xong, không chờ gã trả lời, cô đã nhắm nghiền đôi mắt, chìm vào hôn mê.

Lục Tiệm chăm chăm nhìn vào Diêu Tình, gã ngơ ngẩn một lúc, tròng mắt đỏ quạch, gã thở ra một hơi dài, rầu rầu nói:

– Cốc Chẩn, lòng ta hiện rất khó chịu, ta dẫu không chết theo cô ấy, cũng không có cách nào khác đứng nhìn cô ấy chết đi!

Cốc Chẩn đưa mắt liếc gã, hỏi:

– Huynh đã lấy quyết định rồi ư?

Lẳng lặng gật đầu, Lục Tiệm đưa một đạo chân khí truyền vào cơ thể Diêu Tình, đồng lúc, gã gọi lớn tên cô.

Diêu Tình mở bừng mắt, nhìn trừng trừng vào Lục Tiệm, sau một lúc, cô hiểu ra, bèn cười, bảo:

– Ngươi chưa chết! Ta cũng chưa chết à?

Lục Tiệm gật gật đầu, gã ngồi thụp xuống, đem những điều viết trong “Tương Vong tập” trình bày ra, rồi nói:

– A Tình, phương pháp này thật khó mà tin được, nhưng qua những gì suốt đời tôi từng trải, nó cũng không hoàn toàn phi lý, chỉ là làm theo hay không, toàn do cô quyết định, cô không muốn, tôi cũng đành chịu thôi!

Diêu Tình nghe giải thích, cô không nói gì, rủ thấp hàng mi suy nghĩ, rồi cô ngước nhìn Lục Tiệm, từ đồng tử đen nhánh hiện nét thê lương, cô rầu rĩ hỏi:

– Thảng hoặc luyện nô xong, vẫn không sống sót được, thì sao?

Lục Tiệm bất giác nghẹn lời, không sao trả lời.

Diêu Tình nở nụ cười, vẻ bất đắc dĩ, cô nhắm mắt, buồn bã:

– Đến nước đó, chẳng bằng chết ngay cho xong. Thế nhưng, ta thật tình không muốn chết đâu!

Nói đến đấy, cô lại mở to mắt,:

– Lục Tiệm, ngươi khi làm kiếp chủ ta rồi, liệu có khi phụ ta hay không?

Lục Tiệm cảm giác lồng ngực phát nóng, gã giơ tay, thề:

– Tôi thề trước trời đất, nếu tôi mà khi phụ cô, thể nào…

Diêu Tình ngắt ngang:

– Được rồi! Ngốc tử ạ, buông lời thề nguyền làm gì, ta tin ngươi là xong, nếu ngươi khi phụ ta mà ta không sao cự lại, thì ta sẽ nhảy xuống biển chết phứt cho xong!

Lục Tiệm nhăn nhó:

– Cô lo lắng quá đấy thôi, tôi làm sao có thể khi phụ cô cho được?

Diêu Tình bĩu môi, còn chưa kịp trả lời, bỗng Cốc Chẩn cười ồ:

– Được rồi… Được rồi… Diêu đại mỹ nhân, cô muốn nói gì thì cũng đã nói hết cả rồi, đã giữ được đầy đủ thể diện rồi, cô biết chắc rõ gã không khi nào khi phụ cô, mà cô cứ còn khổ sở nói tới nói lui kiểu đó, làm gã bấn lên, nếu cô còn chưa yên tâm, để tôi đứng ra bảo đảm, gã mà dám khi phụ cô, tôi sẽ thay cô đá cho gã một đá vào đít, được chưa?

Diêu Tình lườm Cốc Chẩn, bảo:

– Rồi… Đã có xú hồ li đứng ra đảm bảo vậy, ta cũng đành miễn cưỡng mà tin lời ngươi, thế nhưng, nếu phải luyện nô… như thế nào, ta hổng biết, ngươi chớ có mà biến ta ra hình dạng quái đản, kiểu như một lũ Tiết Nhĩ, Mạc Ất… thà không luyện… hay hơn.

Thấy cô đồng ý, Lục Tiệm trong lòng buồn vui lẫn lộn, mắt gã cay cay, trào lệ lai láng. Hiểu rõ những mâu thuẫn trong gã, Diêu Tình không nói lời nào, cô rúc đầu vào lòng Lục Tiệm.

Cốc Chẩn đưa quyển “Tương Vong tập” cho Lục Tiệm, nói:

– Lục Tiệm, cái này kêu là đọc nhiều thì biết nhiều, những phương pháp của Hoa tổ sư có khi hữu dụng, huynh cũng nên đọc qua!

Đón tập sách, Lục Tiệm đọc sơ qua, gã phát giác cách tu luyện kiếp lực mà Hoa Hiểu Sương tưởng tượng ra, cùng “Hắc Thiên thư” rõ ràng khác nhau, bà đề xuất cách thức mới lạ, nhiều thủ pháp kỳ thú khác thường. Phép luyện nhập môn của “Hắc Thiên thư”, là phải tu luyện nhằm trục mạch, đến khi luyện xong cả ba mươi mốt ẩn mạch, thì “Kiếp Hải” tự động xuất hiện, thế nhưng xuất hiện ở đâu, còn tuỳ theo người luyện, mỗi kiếp nô một khác, thế nhưng trong “Tương Vong tập”, Hoa Hiểu Sương lại làm ngược hẳn lại, bà đem ẩn mạnh cũng như kiếp lực đánh đồng với hai dòng chảy âm dương trong biển cả, bà lại nói ẩnmạch không hoàn toàn giống kinh mạch con người, chuyện khẩn yếu nhất của tu luyện ẩn mạch, là trong vùng của ẩn mạnh, phải tạo trước một cái khí hải Đan Điền, tức là cái mà “Hắc Thiên thư” gọi là “Kiếp Hải “.

Bàn luận đến đấy, Hoa Hiểu Sương đem đặt tương quan giữa việc chế tạo Tiềm Long với tu luyện kiếp lực tu luyện ngang nhau: “Tiềm Long nguyên là một khối trùng trùng những cơ quan trên đảo, Lương Tiêu dựa theo lý thuyết về kinh mạch con người, trong từng tảng đá, đã cho đục khoét nhiều rãnh, nhiều lỗ, muôn rãnh, ngàn lỗ, kết nối nhau, giữa chúng lại đặt các loại cơ quan khác nhau, tổng thể đó sau khi được cho dẫn nhập các dòng âm dương của biển, nước sau khi xuyên qua các rãnh, lỗ, sẽ thoát ra ngoài, hệt như phép thở hít của cao thủ, tích luỹ năng lực lớn, rồi sau đó được nạp trở lại các cơ quan, dẫn tới “Âm Dương trì”, vận chuyển vài vòng như vậy, đem tống ra ngoài các lỗ hổng, lúc ấy, lực lúc ra mạnh hơn lực lúc vào, đã có thể dùng cho chảy ngược với dòng nước, theo dương lưu mà phát sinh biến hoá, thế nhưng, chu trình không chỉ làm một lần, mà phải lặp đi lặp lại không ngừng. biến năng lực càng lúc càng tăng trùng trùng điệp điệp, đến kết quả cuối cùng có thể dùng nó hô phong hoán vũ, làm nghiêng lệch biển cả, làm đảo lộn sông hồ.

Giải thích theo lẽ ấy, đại hải có thể xem như một cao thủ võ học, Tiềm Long là huyệt Đan Điền của cao thủ. Còn nếu đem Tiềm Long ví như một cao thủ võ học, cái ao “Âm Dương trì” sẽ là huyệt Đan Điền, đưa ba thức hợp nhất vào một, cộng thêm tương quan nội ngoại. Cái mà Hoa Hiểu Sương gọi là “Đan trung chi Đan, Điền trung chi Điền”, chẳng phải phép tu luyện nội công, mà cách chính thống là phải trước hết tạo dựng Đan Điền. Đem Đan Điền làm cốt yếu tổng cương, đem kinh mạch làm mắt cá, vận chuyển kinh mạch cho phần Đan Điền, đưa phần tổng cương lên, cái trước thúc đẩy cái sau, ắt sẽ đạt thành tựu. (Chú: phì… khúc này khó hiểu quá, đành dịch lược qua!)

Những nguyên lý ấy, vừa hàm chứa triết lý, lại ngầm chứa y lý, gốc gác thực huyền ảo khôn cùng, Lục Tiệm lĩnh hội dần, ban đầu cực kỳ gian nan, nhưng nhờ gã có luyện qua “Hắc Thiên thư” trước đó, sau lại đả thông các hiển mạnh cùng ẩn mạch, trong quá trình gẫ gặp đầy dẫy kiếp nạn, gã hiểu rõ về chân khí, lại cũng có hiểu biết vững vàng về kiếp lực, mỗi mỗi đều sâu rộng, trên đời này không kiếm được người thứ hai như gã. Lúc này, gã đem ấn chứng những gì gã từng trải với sách vở, đã thu được lợi ích không ít, làm gã bất giác than thầm “Cái sai lầm của “Hắc Thiên thư” là đây! Kiếp Hải làm cái cốt lõi của ẩn mạch, mà cốt lõi đó lại không do Kiếp nô tự điều động, thì làm sao Kiếp nô lại có thể vận dụng theo ý muốn! Cái gọi là định mạch, chỉ là sự bổ cứu đến sau, mà không được đem ra làm bước đầu nhập môn, khi đã sắp đặt Kiếp Hải xong xuôi rồi, đem Kiếp Hải thống lĩnh ẩn mạch, chẳng phải hay gấp mười lần sử dụng phép “định mạch” sao!”

Suy nghĩ đến đấy, đầu óc Lục Tiệm bừng hiểu hoàn toàn, thấu rõ quan hệ trọng đại của “Hắc Thiên thư”, gã nhất thời mừng đến phát điên, nét hoan hỉ hiện tràn đầy trên mặt, gã khó khăn lắm mới trấn tĩnh được tâm thần, rồi gã suy ngẫm, giản lược những ý niệm, đem trình bày trọn vẹn cho Diêu Tình nghe.

Diêu Tình sợ nhất khi luyện nô sẽ biến dạng kỳ quái, cô nghĩ đến hình dạng Mạc Ất, Tiết Nhĩ, Tô Văn Hương, tự dưng không rét mà run, sau khi cô nghe những lời giải thích ấy, cô vui mừng vô cùng, lập tức quyết định sẽ đặt “Kiếp hải” tại ngón út bàn chân trái. Cô cho rằng, cho dù chỗ ngón chân ấy biến dạng kỳ lạ ra sao, dài ra cũng được, ngắn đi cũng xong, đều chẳng có gì đáng e ngại lắm. Thấy cô nghĩ ra biện pháp thích hợp khôn khéo ấy, Cốc Chẩn không dằn được, cả tiếng cười ha hả, gã thừa cơ chọc ghẹo Diêu Tình một hồi, làm Diêu Tình tuy hết sức bực tức, nhưng cô vô lực mắng chửi lại gã, chỉ đành nuốt món hận bị chọc phá đó xuống, nhờ Lục Tiệm thi triển thần thông, tạo cho cô một “Kiếp hải” trong vùng ẩn mạch của cô.

“Kiếp hải” là chỗ tụ họp của kiếp lực, trước khi tạo nên nó, phải ra sức gom các kiếp lực lại, mà kiếp lực cũng tương tự thần, trước giờ người ta chỉ dùng thần mà ngự khí, không thể dùng khí ngự thần. Những gì là chân khí hay thần lực, đều không thể dùng để chế ngự kiếp lực, muốn chế ngự chúng, là phải dùng kiếp lực chế ngự, là cần một kiếp chủ thuộc loại cao thủ nhất lưu về luyện thần. Loại người này hiếm thấy, cả trăm năm mới gặp một lần, ngược lại, số kiếp nô rất nhiều, nhưng chân khi kiếp nô lại do kiếp chủ chủ trương, kiếp nô mà đi luyện nô, tât phải mượn kiếp lực đem biến thành chân khí, thể theo luật thứ hai của “Hắc Thiên thư”, sẽ rất dễ đưa kiếp nô đến vong mạng. Bởi lý do đó, chưa hề thấy có kiếp nô nào nghĩ đến chuyện luyện nô. Từ sau khi được Thiên Độc, các mạch hiển và ẩn của Lục Tiệm tương thông, chuyện mượn kiếp lực tạo chân khí với gã không phải là vấn đề to tát gì, nhưng chế tạo “Kiếp Hải” lại là việc lớn, quan hệ đến sống chết, cần sự tập trung tinh thần. Cơ thể Diêu Tình lại rất hư nhược, khi mở ẩn mạch, cô cần thu hút chân khí từ hiển mạch, trong tình huống đó, tay tả Lục Tiệm chuyển kiếp lực, chế tạo kiếp hải, tay hữu truyền nội lực, để bổ sung tinh nguyên của hiển mạch trong cô, một lúc hai công việc, gã thật không dám lơ là chút nào.

Cốc Chẩn làm hộ pháp cho hai người, trong lúc rảnh rang, gã xem kỹ bên trong rương sắt, trước tiên lấy thanh trường kiếm ra, chẳng dè, kiếm ra khỏi vỏ, thấy thân kiếm sét rỉ loang lổ, rất không ưa nhìn. Cốc Chẩn khẽ than thầm:

– Đây mà là thanh kiếm đỉnh đỉnh đại danh “Thiên Phạt kiếm” sao?

Gã chém một nhát, nền đá cứng đã bị lưỡi kiếm chặt đứt đôi, tựa như ta đem dao cắt vào đậu hũ.

Thấy thế, Cốc Chẩn hoảng đến líu lưỡi, gã nghĩ bụng “Có câu ‘Đánh giá người không thể bằng nhìn qua dung mạo’, thì ra cũng chẳng thể đánh giá thanh kiếm này bằng vào hình dạng bên ngoài của nó. Coi thì thiệt xấu xí, mà có uy lực nhường ấy!’ Nghĩ thế, gã đút kiếm đánh xoẹt trở vào vỏ, nhìn trở lại đáy rương, gã thấy một tập “Ngự Long sách” cùng một quyển trục xếp cạnh nhau.

Mở rộng quyển trục ra xem, Cốc Chẩn vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, thấy đó là bản vẽ “Vạn Quốc hải đồ”, trong ấy ghi tường tận tên các lục địa, các hòn đảo, các dòng chảy của đại dương, mỗi mỗi đều rõ ràng đầy đủ, có nhiều địa danh mà Cốc Chẩn chưa từng nghe đến, với gã hệt như những vùng đất hoang. Mé sau bản đồ có ghi chép mấy dòng “Con đi du lịch phương xa, được chứng kiến nhiều cảnh vật, địa lý, đều đem ghi chép vào tấm bản đồ này, làm món quà mọn dâng chúc thọ cha. Đứa con bất tiếu là Lương Ẩm Sương kính trình.”

“Lương Ẩm Sương là ai nhỉ?”, Cốc Chẩn thoáng ngẫm nghĩ, bỗng gã nhìn ra, ông Lương Ẩm Sương nhất định là con trai Tây Côn Lôn, bố thân sinh của Lương Tư Cầm. Xem tình hình, ông này đam mê nghề đi biển, nếu không, sao lại có thể vẽ nên một bức hải đồ như thế. Chỉ có điều, Tây Côn Lôn, Lương Tư Cầm đều dương danh nơi Trung thổ, ông này lại viễn du các vùng đất lạ xa xôi, tên tuổi đã không lưu truyền đời sau. Thế nhưng, coi vậy, ba đời họ Lương, người này lại hợp tì vị Cốc Chẩn nhất.

Cốc Chẩn cầm bức hải đồ xem tới xem lui, thích thú đến không muốn rời tay, một lúc thật lâu sau mới đặt xuống, gã mở tập “Ngự Long sách”, bên trong chính là giải thích cách xử dụng Tiềm Long. Đại khái nói “Tiềm Long tròn tựa quả bóng, bên trong có bốn trăm chín mươi hai lỗ, một trăm hai mươi tám mạch, một cưả vào, sáu mươi bốn cơ quan, cách thao tác rất rắc rối, chỉ cần làm sai một chút, sẽ thành muốn chỉ đàng đông lại lạc về đàng tây, muốn đi nam lọt tuốt về bắc, tạo nên đại hoạ khủng khiếp. Còn về uy lực mà nói, tổng cộng Tiềm Long có bẩy trạng thái: “Tĩnh, Thủ, Hành, Kinh, Thương, Phá, Diệt”, cường độ tăng lên theo thứ bậc đó, trạng thái “Diệt” ở mức uy lực mạnh tuyệt đối, chưa từng thử qua, mới chỉ thử đến trạng thái “Phá”, đã hủy diệt mất ba hòn đảo. Uy lực của Tiềm Long cũng có liên quan đến điều địa lợi, nếu được dùng vào chỗ hai dòng hải lưu ấm lạnh giao hoà, uy lực của nó sẽ mạnh mẽ khôn cùng. Vào lúc đó, nếu dìm Tiềm Long quá nửa trong nước, nó sẽ tạo nên xoáy nước xuyên khỏi mặt biển, mang một lực hấp hút không đứt đoạn.

Hiện thời, Tiềm Long đang trong trạng thái “Thủ”, nếu muốn làm bình lặng hải trận bên ngoài đảo, chỉ cần đưa nó về trạng thái “Tĩnh” là xong.

Vừa đọc, Cốc Chẩn vừa suy ngẫm “Uy lực của Tiềm Long có dính dáng nhiều đến các hải lưu, một khi đem phối hợp cùng tấm “Vạn Quốc hải đồ”, sức mạnh của nó sẽ lớn đến mức độ nào đây? Hèn chi cả sách chỉ dẫn cùng hải đồ đều được tàng trữ cùng một nơi, rõ ràng có thâm ý lớn”. Gã lại xoay chuyển ý nghĩ, cho rằng, với Tiềm Long, ba đời họ Lương đúng là vừa yêu vừa hận, yêu ở chỗ thiên tài bên trong, bỏ không dùng thì đáng tiếc, hận vì uy lực nó quá to tát, dùng sai chỗ sẽ gây đại hoạ, cái tâm tư ấy truyền suốt ba đời, đến hậu thế mà chủ ý vẫn hãy còn bị khốn quẫn, bất định! Nếu không vì thế, Tư Cầm tiên sinh đâu đã chẳng khổ công nhọc trí tạo tám bí ngữ giấu trong tám bức hoạ đồ?” Gấp sách lại rồi, gã trầm ngâm suy nghĩ, tâm tình gã cứ theo âm thanh quái dị lúc vang lúc tắt của Tiềm Long mà lên lên xuống xuống, mãi không quyết định được!

Bỗng nhiên, trong tim Cốc Chẩn rộ lên một loạt, trong đầu gã thoáng hiện hình ảnh Vạn Quy Tàng. Lần này, sự việc xảy quá đột ngột, nhưng Cốc Chẩn trên Nữ Vương hiệu từng trải qua trạng thái đó, gã biết, dấu hiệu ấy là do Vạn Quy Tàng khởi động thần thức, dùng môn “Đồng Khí tương cầu” dò tìm gã, trong một sát na, cái dị cảm ấy mỗi lúc một mạnh, Cốc Chẩn mường tượng “thấy” Vạn Quy Tàng chân trụ trên chiếc tam bản, nhờ chút ánh sao, lão đưa thuyền di chuyển thẳng hướng hòn đảo này.

Cũng lúc ấy, hình ảnh Vạn Quy Tàng hốt nhiên biến mất, Cốc Chẩn thở hắt một hơi, đưa tay áo quệt mặt, trán gã đẫm ướt mồ hôi lạnh, gã vụt hiểu, Vạn Quy Tàng do nắm được huyền cơ cuả thủy trận, đã thoát khỏi sự kiềm toả của nó, đang chạy thẳng đến đây. Nếu gã còn tiếp tục lưu lại chốn này, ắt sẽ bị lão dò tìm ra, khi đó, không những tính mạng của ba người gã không sao bảo đảm nổi, mà cả Tiềm Long cũng sẽ lọt vào tay Vạn Quy Tàng.

Nghĩ đến đấy, bất giác Cốc Chẩn nhẩy nhổm lên, gã đảo mắt một vòng, thấy hai người Lục, Diêu đang lúc mặt nhăn mày nhíu, thần sắc sầu thảm, đỉnh đầu Lục Tiệm lẩn quẩn một vừng bạch khí tụ mãi không tan, hiển nhiên gã đang hành công đến chỗ sinh tử quan đầu. Cốc Chẩn hiểu rõ, sự tu luyện nội công này ưa tĩnh kỵ động, một khi bị quấy nhiễu, sẽ làm tan tành những thành quả đạt được trước đó, mà còn là mối nguy cho tính mạng. Mà Diêu Tình yếu ớt lụn bại ngang mức đó, cô càng không thể bị náo loạn.

Ý niệm xoay chuyển đến đấy, Cốc Chẩn lập tức lấy quyết định, gã thi triển thân pháp, chạy ào ào qua thông đạo. Thông đạo ấy là lối vào duy nhất đến chỗ Tiềm Long, dẫn đến chỗ đường hầm vách thuỷ tinh. Muốn khởi động Tiềm Long, lối vào ấy là phải đóng kín, từ chỗ hầm thuỷ tinh vào ắt là địa điểm ba đời họ Lương đã trù liệu trước, dành cho các trí giả đời sau. Lúc này, thân hình Cốc Chẩn di chuyển nhanh như sấm chớp, trong nháy mắt, gã đã ra đến bên ngoài cửa động, nghe gió thổi ù ù, da mặt chớm lạnh, gót chân Cốc Chẩn vẫn không ngừng nghỉ, gã chạy thẳng ra biển.

Bóng dáng cây cối nhạt dần đàng sau, lòng nóng như bị lửa đốt, Cốc Chẩn vừa hộc tốc chạy, vừa suy nghĩ trong đầu, đoán xem Vạn Quy Tàng hiện đang ở đâu, đâu dè, ý niệm vừa phát xuất, hình ảnh Vạn Quy Tàng đã hiện trong óc, gã nhìn rõ mặt mày, râu tóc, cho đến nỗi một thoáng sầu muộn của lão gã cũng thấy rành rành trên ánh mắt. Do đó, Vạn Quy Tàng thân mình đang ở chỗ nào, xa hay gần, Cốc Chẩn đều nắm vững, hiểu rõ mồn một.

Cảm giác này kỳ diệu khôn tả, từ khi Cốc Chẩn luyện Chu Lưu lục hư công đến giờ, gã toàn bị Vạn Quy Tàng dùng mánh này truy tầm gã, khống chế được gã bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, lão đã làm Cốc Chẩn bị quẫn bách, đánh gã thua tơi bời. Không ngờ, hôm nay gã vừa mới ngưng trụ tâm thần một chút là đã dò được hành tung của Vạn Quy Tàng, cái kỳ diệu của cảm giác này, gã chưa khi nào nếm qua! Lòng Cốc Chẩn mừng tựa nở hoa, gã đoán, một phen khổ luyện công phu trên thuyền ắt đã đưa gã vượt qua Vạn Quy Tàng, nếu không, làm sao gã có được rất rõ rệt sự tương thông kỳ diệu này!

Lúc ấy đêm đã khuya lắm, sao trời thưa thớt, một dải ngân hà treo trên cao, toả khá sáng, nhìn hệt một mũi tên bạc, đang đâm xuyên qua tầng mây loa loá tinh quang, mũi tên tưởng chừng muốn xuyên thẳng vào mặt gã. Cốc Chẩn chạy nhanh chừng nào, mũi tên bạc dường như gấp rút phóng đến gã mau chừng nấy, Chu Lưu bát kình trong Cốc Chẩn mang cảm giác tương ứng đồng thanh cùng thứ kình khí tương tự, nó phát phấn khích, vụt khởi động mạnh mẽ hẳn lên. Từ luồng chân khí mãnh liệt trong nội thể, Cốc Chẩn cảm giác hưng phấn bột phát tột độ, gã chẳng nhịn được, bung người vọt lên không trung, vượt quá khỏi rừng rậm, cú nhảy đó đạt chiều cao đến độ tạo ảo giác trong đầu Cốc Chẩn, ảo giác các mảnh tinh tú đang áp sát vào gã, khiến gã sảng khoái, tay giương bổng, cất giọng hú thanh thoát tựa một tràng cười dài. Lập tức, vầng mây cuồn cuộn đùn mạnh lên, các thân cây đàng sau lưng trút lá ào ào, trong ánh sáng trăng bàng bạc, mảnh lá tung chói ngời tựa ngọc thạch, chúng bay phơi phới như tuyết.

– Giỏi!

Từ phía sau vọng đến một tiếng cười rộ, Cốc Chẩn kinh hoàng tột độ, vừa rồi, gã cảm nhận rõ rệt thân mình Vạn Quy Tàng còn đang nổi trôi trên mặt biển khơi, chẳng dè, trong khoảnh khắc một tràng cười của gã, lão đã hiện tới ngay sau lưng, thân pháp nhanh nhẹn đạt mức độ thần sầu quỷ khốc đó làm người ta sợ đến thót tim.

Nhanh như cắt, Cốc Chẩn xoay mình, gã thấy Vạn Quy Tàng thân ảnh đen như mực, đứng trên đỉnh một cây cao, phần dưới thân mình lão phập phù bất định, đàng sau lưng, gió xoáy vụt xoàn xoạt, thổi tốc tà áo lão, loang loáng như ánh gươm đao. Hơi thở phập phồng gấp gáp, Cốc Chẩn nhận định chỗ lão đang đứng, đối phương đã chiếm được chiều gió, điạ thế vô cùng tuyệt diệu. Trong năm điểm cốt yếu của Chu Lưu, ai đoạt được bốn sẽ vô địch, vào lúc khẩn trương này, hai điểm đã bị lão chiếm mất, chỉ còn “Pháp”, “Thuật” và “Khí”, nếu chiếm thêm một điểm nữa, coi như lão định đoạt được tính mạng Cốc Chẩn.

Ánh mắt xoay chuyển, Cốc Chẩn vỗ tay, la lớn:

– Lão đầu tử, bình sinh lão rất ưa khích bác Khổng Phu tử, tại sao bữa nay lại đổi tính nết, chẳng học được gì hay, mà lại đi cóp theo cái tệ hại của lão Phu tử đó?

Vạn Quy Tàng “hừ” một tiếng, cười, hỏi lại:

– Ta cóp cái gì của lão, ngươi nói coi thử coi!

Cốc Chẩn vui vẻ đáp:

– Khổng Tử dạy học trò “Chiêm chi tại tiền, hốt yên tại hậu” (Liếc sơ nơi trước mặt, lỉnh liền ngay ra đàng sau lưng), Phu tử vốn dĩ một thứ mánh mung đệ nhất, lão từng dạy ta điều đó, sao giờ lão giở mánh khóe đó ra với ta? Rõ rành rành, lão đang ở trước mặt ta, thoắt cái, đã lẻn ra ngay đàng sau lưng tức thì!

Vạn Quy Tàng cười, bảo:

– Thứ con nít nhà ngươi mà cũng muốn chơi trò khích tướng ư? Ngươi thấy ta chiếm lĩnh địa thế tốt, sợ thua, đã giở cái giọng đó ra kích bác ta, ô ồ… ngươi nghĩ lão phu đây dễ bị ngươi đưa vào tròng hay sao?

Cốc Chẩn cười:

– Trò vặt vãnh của ta, thực không sao qua mặt được tôn ông, phục lắm… phục lắm!

Vạn Quy Tàng bật cười ha hả, tiếng cười chưa dứt, luồng khí bên dưới lão bốc vụt lên, thân ảnh Vạn Quy Tàng đột nhiên biến mất, lúc xuất hiện trở lại giữa thinh không, táy áo lão đã tóm gọn lại, thế xông đến còn nhanh hơn chim cắt.

Vạn Quy Tàng mượn tràng cười để ngầm tung đòn quỷ quyệt, nhưng Cốc Chẩn cũng không phải hạng ngốc nghếch, gã đã sớm ngầm vận chuyển tâm thần, theo dõi khí cơ, Vạn Quy Tàng vừa biểu lộ một thoáng sát cơ, Cốc Chẩn hay biết lập tức, thân mình Vạn Quy Tàng vừa chuyển động, Cốc Chẩn cũng di chuyển theo, thân trên không nhúc nhích, tả cước lại đã lùi một bước dài ra sau, đưa thân mình gã lui về một trượng sáu xích năm thốn ba phân, vừa sát vào mé nước.

Trong con mắt người ngoài quan chiến, bước lùi đó của Cốc Chẩn trông thật tầm thường, nhưng không dè, với hai người trong cuộc, cự ly ấy lại vi diệu khôn cùng, nếu gã lui thiếu đi mất một phân, cái khí thế giữa cả hai sẽ tăng nhiều tựa dây cung kéo thẳng hết cỡ, giúp Vạn Quy Tàng đoạt lợi thế của mũi tên giương sẵn trên dây cung, thế và lực lão gom góp tới mức đó sẽ không có gì đương cự nổi, còn nếu Cốc Chẩm lui dư thêm một phân, khí thế trong thể nội gã sẽ toát ra, tạo sơ hở, ắt sẽ bị lãnh gọn một chiêu lăng lệ tiếp theo của Vạn Quy Tàng. Nhưng khoảng cách đôi bên lúc này không dài, không ngắn, nó đã không cho Vạn Quy Tàng tom góp thế và lực đủ mạnh, đồng thời nó giúp Cốc Chẩn tránh bị phát tiết chân khí nội thể, gã vẫn còn giữ được cơ hội phản công.

Tuy thân mình đang lưng chừng trên không, Vạn Quy Tàng cũng nhận biết điều ấy, lão đang bực tức muốn há miệng chửi rủa bỗng kềm lại được, thế đang bay tới chợt hoà hoãn, nhè nhẹ đáp chân xuống đứng trên đỉnh một tảng đá lớn, cười vang, giọng sang sảng:

– Thằng nhóc con này đạt buớc tiến triển lớn… nhanh thật!

Vừa rồi, đà bay cuả lão mà đưa lão tiến tới thêm chừng một xích nữa, Cốc Chẩn đã có cách phản công rồi, nhìn tình hình, bụng gã than thầm “Uổng quá”, nhưng miệng vẫn vui vẻ nói:

– Đó là đã được lão đầu tử ông dạy dỗ thật giỏi cho!

Vạn Quy Tàng khẽ hé môi cười, vuốt râu, nói:

– Bớt vuốt đuôi đi, trò “Thiên Tử vọng khí, đàm tiếu sát nhân”, đừng tưởng ta vừa qua đã không nhìn ra rõ!

Vừa rồi, đích thực Cốc Chẩn trổ thuật “Thiên tử vọng khí”, bỗng bị Vạn Quy Tàng lật tẩy, gã bất giác không khỏi thót tim, chân khí nội thể vụt rộ lên, tạo cảm giác sắp rối loạn to, lập tức gã lùi nhanh hai bước thật dài, đôi gót chân đã nhấn chìm sâu trong nước biển.

Bước lùi đó, Cốc Chẩn đã bộc lộ sơ hở, vừa ranh ma khuấy phá làm loạn được khí cơ của Cốc Chẩn, Vạn Quy Tàng lập tức xuất thủ, nhanh như ma như quỷ, lão áp sát vào. Cốc Chẩn vung chưởng quét xuống, nuớc biển bắn tung lên, đẩy một cơn sóng to nhanh như sấm sét ập vào Vạn Quy Tàng.

Vạn Quy Tàng khẽ khàng vỗ một chưởng, coi thì tưởng là lão tuỳ tiện đánh ra, nhưng kình lực lão chặn vào cơn sóng, gặp nước thì sẻ nước, gặp đ

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN