Thập Niên 60: Làm Giàu, Dạy Con
Chương 160: Nghỉ đông
Lâm Thanh Hoà cứ hay than thở sợ nhất ông chồng nghỉ làm, không phải là giỡn chơi, cô sợ thật!
Người đàn ông này được tôi luyện trong môi trường quân đội, cho nên anh có được sức khoẻ và sự dẻo dai vượt trội.
Sau khi xuất ngũ, thay vì huấn luyện trên thao trường anh chăm chỉ lao động tăng gia sản xuất.
Một điều hơn người nữa là anh có một cô vợ cả ngày chỉ lo anh làm việc nặng nhọc dẫn tới giảm sút sức khoẻ cho nên rất chịu khó tẩm bổ, chú trọng cân bằng dinh dưỡng.
Chính vì thế, cho dù làm việc từ sáng tới tối thì đêm về anh vẫn thừa sức lăn giường vài hiệp.
Huống chi bây giờ nghỉ đông, cả ngày không dùng tới sức, tất nhiên là bao nhiêu tinh lực dành trọn cho buổi tối rồi.
Cô vợ nhỏ bé được hưởng hết!
Từ đó trở đi, buổi sáng mở mắt ra là cô nàng nào đó eo đau lưng mỏi, đi một bước là chân run lên một bước.
Vừa lết vào bếp Lâm Thanh Hoà vừa rủa thầm nên để tên cáo già này ăn bánh nướng uống nước lạnh cho biết tay.
Nhưng mà mấy chị phụ nữ là điển hình của khẩu thị tâm phi*, đi đến cửa bếp là đã mềm lòng rồi, thương chồng chẳng hết làm sao nỡ bắt anh ăn uống đạm bạc, thế là bao nhiêu thức ăn ngon lần lượt dọn lên.
(*Khẩu thị tâm phi: nghĩ một đằng nói một nẻo)
Đêm đến, người đàn ông nào đó lại ra sức hưởng thụ thế giới thần tiên.
Hạt lúa mì vụ đông được gieo xuống đất cũng là thời khắc hạnh phúc nhất của toàn thôn.
Mổ heo chia thịt!
Chu Thanh Bách cũng bắt tay vào công tác chuẩn bị cho mùa đông. Một thứ cực kỳ quan trọng không kém gì lương thực đó chính là củi lửa.
Không phải hôm nọ Lâm Thanh Hoà nói giỡn đâu mà là mùa đông năm nay lạnh thật sự. Mọi năm tầm này mới hơi se se thôi thế nhưng năm nay cô đã phải lôi áo bông ra mặc rồi.
Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa cũng phải tăng cường thêm áo len giữ ấm.
Lâm Thanh Hoà hỏi ông bà Chu: “Quần áo lạnh của cha mẹ có đủ không? Nếu không đủ nhất định phải nói với con một tiếng đấy.”
Bà Chu cười nói: “Đủ mà, đủ mà. Năm ngoái con cho ba cân len, mẹ đan hai cái áo cho mẹ với ông già, năm nay vẫn còn mặc tốt lắm.”
Không thể không nói, vợ thằng tư hay vung tay quá trán nhưng lại rất chu đáo với cha mẹ chồng.
Một cân len có giá hơn hai mươi đồng, đắt khủng khiếp, làm gì có người nào chịu bỏ tiền ra mua thế mà vợ nó chẳng nói chẳng rằng nhét vào tay bà tận 3 cân.
Đúng là đắt sắt ra miếng, áo len giữ ấm rất tốt, mặc lên người là gió lạnh không chạm được vào da thịt.
Lâm Thanh Hoà: “Con thấy phải đan thêm hai cái quần nữa mới đủ.”
Mùa đông, băng thiên tuyết địa (*), một ngày phải thiêu giường đất 3 lần mới đủ, nếu không chỉ có nước chết cóng.
(*) Băng thiên tuyết địa: Đất trời đều là băng tuyết, lạnh lẽo âm u bao phủ vạn vật.
Bà Chu vừa xua tay vừa lắc đầu: “Không cần, không cần.”
Lâm Thanh Hoà cố tình nói khẽ: “Đan hai cái đi, mẹ cứ yên tâm, trong nhà còn tiền.”
Bà Chu cười cười: “Mẹ biết con hiếu thuận nhưng vẫn nên tiết kiệm một khoản đặng lo cho tương lai tụi nhỏ.”
Lâm Thanh Hoà vừa nghe lời này thi hết sức kinh ngạc: “Tới bận giờ mẹ vẫn còn lo sau này Đại Oa không có tiền cưới vợ?”
Bà Chu cười nói: “Cẩn tắc vô áy náy.”
Lâm Thanh Hoà: “Mẹ đừng có nói với con là mẹ với cha đang tích cóp tiền cưới vợ cho ba anh em Đại Oa nha?!”
Bà Chu chỉ cười không nói gì.
Lâm Thanh Hoà cảm động tới mức không biết nên nói gì cho phải.
Hèn chi chị hai Chu suốt ngày âm dương quái khí nói cha mẹ chồng thiên vị nhà cô. Nghiêm túc mà nói trước giờ cô chẳng cảm nhận được gì, nhưng mà bây giờ mẹ chồng đã khiến cho một người luôn sống bằng lý trí như cô phải xúc động.
Lâm Thanh Hoà: “Mẹ, con rất cảm kích tình cảm cha mẹ dành cho ba đứa nhà con nhưng mà hôm nay con tâm sự thật với mẹ là con muốn nuôi cho chúng ăn học đàng hoàng, cả ba anh em cùng vào đại học. Vì thế tương lai của bọn nhỏ, cuộc sống hay hôn nhân chúng hoàn toàn có thể tự lo liệu, không cần chúng ta phải phiền não.”
Bà Chu cũng thấp giọng nói: “Mẹ nghe cha con nói qua rồi, nhưng mà mẹ lo lắng thi đại học quá khó, ngộ nhỡ…”
Tất nhiên nói tới chuyện này phải nhỏ giọng, tránh để người ngoài nghe thấy rồi đàm tiếu chê cười, sau này rủi thi rớt thì không dám ngẩng đầu nhìn dân làng nữa.
Lâm Thanh Hoà tự tin: “Có con ở đây làm sao rớt được. Con nói thật đấy, không phải nổ đâu. Nếu không phải tại con quá lười khiến cho thanh danh tệ hại thì giờ này con đã đi học Đại Học Công Nông Binh rồi.”
Bà Chu không nhịn được bật cười: “Con lo toan cho cả một gia đình có lớn có nhỏ, làm sao lại nói là quá lười, rất chăm chỉ, rất chăm chỉ!”
Lâm Thanh Hoà: “Mẹ không cần an ủi con, con người con thế nào trong lòng con hiểu rõ.”
Ngoài miệng nói vậy thôi chứ trong thâm tâm cô chưa bao giờ thấy mình lười…à, theo quan niệm của người thời nay thì chắc là lười!
Nhưng mà để ý tới miệng lưỡi thiên hạ là xuẩn ngốc nhất. Việc lớn việc nhỏ trong nhà cô đều xử lý gọn gàng ngăn nắp, một ngày 3 bữa cứ đúng giờ là thức ăn được dọn lên bàn, cô không thẹn với lòng, nếu như thế rồi mà vẫn bị nói là lười thì còn có thiên lý nữa hay không?!
“Mẹ về nói với cha, hôn sự của cả ba đứa Đại Oa, Nhị Oa, Tam Oa thật sự không cần cha mẹ nhọc lòng. Kể cả tụi nó không thi đậu đại học cũng thế. Phí xuất ngũ của Thanh Bách là 1500.” Câu cuối cùng Lâm Thanh Hoà đè thấp giọng chỉ đủ hai người nghe được.
Bà Chu trợn trừng hai con mắt: “Một ngàn rưỡi?”
Thú thực bà biết là thằng tư có cầm về phí xuất ngũ nhưng chỉ đoán tầm trên dưới 500 thôi, không nghĩ tới con số 1500.
Lâm Thanh Hoà: “Mẹ đừng giống như người ta nghĩ oan cho con là mụ đàn bà hoang phí. Chi tiêu mấy năm nay, hiện tại vẫn còn dư lại 1300. Chỗ này đủ cho cả ba anh em nó cưới vợ. Cha mẹ có bao nhiêu cứ chi tiêu thoải mái, muốn mua gì cứ mua cái đó đi.”
Bà Chu cảm khái: “Mẹ cũng không biết con có nhiều tiền như thế.”
Lâm Thanh Hoà nhướng mày: “Con mua lương thực…chắc mẹ hiểu mà.”
Bà Chu cố tình ho to lên át tiếng cô rồi thì thầm: “Đừng để người ngoài nghe được.”
“Con chỉ nói với mình mẹ thôi. Mẹ đã biết rồi thì đừng cản con nữa. Cứ quyết định vậy đi để con đi mua thêm len về cho cha mẹ đan cái quần mặc cho ấm. Con cũng chỉ mua cho cha mẹ thôi chứ ông bà Lâm bên kia đừng hòng.”
Nghe được câu cuối cùng, bà Chu sung sướng muốn bật cười thành tiếng.
Nhớ trước đây, vợ thằng tư đối xử tối với cha mẹ đẻ chỉ thiếu điều đào tim đào phổi, ai ngờ Lâm gia bên đó lại là một đám bạch nhãn lang. Chắc khi nhận ra sự thật này nó đau lòng lắm nên mới chịu quay đầu nhìn thấy sự ưu ái của nhà chồng dành cho nó. Bây giờ bao nhiêu sự quan tâm lo lắng nó chuyển hết lên người hai ông bà già này. Ai da, con bé này thật là người yêu ghét rõ ràng.
Nhưng mà lần này bà sẽ ra tiền mua len, làm sao để nhà thằng tư chịu hết được.
Lâm Thanh Hoà thấy mẹ chồng một hai nhất định phải trả tiền nên cô không từ chối, nhận luôn.
Cô thấy người ở đây có một sở thích là đẩy qua đẩy lại “chị cầm lấy đi, thôi em không cầm đâu chị mang về đi, thôi chị cứ nhận đi……”. Cô cực ghét cái trò này, rất mất thời gian và vô nghĩa.
Năm nay chỉ cần mua len đủ đan hai cái quần cho ông bà Chu là được. Ba anh em Đại Oa có rồi, Chu Thanh Bách thì từ chối mặc với lý do không quen.
Đàn ông sức dài vai rộng chịu lạnh tốt, vả lại cô đã đan cho anh hai cái áo len, còn có áo khoác bông dày bịch nữa, bất chấp thời tiết luôn.
Hơn nữa thân nhiệt của anh cực cao, cứ như cái lò sưởi ấy, buổi tối ôm anh ngủ là sướng nhất trần đời.
Chưa gì hôm nay tuyết đã rơi, sớm hơn mọi năm rất nhiều. Chu Thanh Bách mới đi kiếm củi được có 7 ngày, may mà được phát nhiều rơm rạ, chắc cũng đủ dùng.
Nhìn thấy tuyết rơi sớm, các bô lão trong làng rất phấn khởi, thiên nhiên ưu ái, lúa mì vụ đông chắc chắn phát triển tốt, người dân đỡ được công chăm sóc, có thể gác cuốc thực sự nghỉ ngơi rồi.
Trước đó, Lâm Thanh Hoà đã tích trữ rất nhiều gừng.
Củ gừng là thực phẩm giữ ấm thiết yếu trong mùa đông. Nấu trà gừng uống hoặc pha nước gừng nóng ngâm chân, người lớn trẻ nhỏ đều hữu dụng.
Đây là cách Lâm Thanh Hoà tăng cường sức đề kháng cho mọi người trong gia đình, tất nhiên bao gồm cả ông bà Chu.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!