Xác Chết Trôi Sông - Phần 4: Gặp ma?
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
764


Xác Chết Trôi Sông


Phần 4: Gặp ma?


Cậu thanh niên tên Hướng kia, ánh mắt và lời nói chẳng có gì là thiện cảm, nhìn về phía bố tôi và bác Hạnh. Sau khi nghe được câu chuyện của bố tôi và bác Hạnh kể lại đầu đuôi rằng có một vong hồn của cô gái con nhà này cho hai ông địa chỉ lên tận đây, hai ông cần sự giúp đỡ của gia đình, tất cả mọi người có mặt khi đó đều ngạc nhiên và cảm thấy rất kì lạ.

Duy chỉ có mẹ của cô gái là bà Nghĩa khóc ngất đến mấy lần bởi vì nỗi đau mất con đã khơi gợi lại. Lại biết được nguyên nhân là con gái mình bị sát hại dã man như vậy càng làm cho bà thêm thương xót. Riêng chỉ có cậu thanh niên tên Hướng, người yêu của cô gái chỉ hỏi qua loa xã giao vài câu rồi xin phép mọi người ra về. Bỗng nhiên ông Nhân lúc này nói một câu với cậu ấy khiến cho chàng thanh niên này sững người lại;

– Người mất thì đã mất rồi…Cũng đừng quá đau buồn Hướng nhé. Hai bác cảm ơn cháu vì suốt thời gian qua đã sang nhà giúp đỡ. Con về nghỉ ngơi đi mai còn đi làm.

– Vâng…Hai bác ngồi xơi nước ạ. Cháu xin phép về đây ạ.

Cậu thanh niên tên Hướng nói bằng giọng buồn buồn, lúc ra về cũng không quên liếc mắt lên nhìn di ảnh của cô gái đang đặt ở trên ban thờ giữa gian nhà.

– Khổ thân…Thằng Hướng này nó với con Hoàn nhà tôi yêu nhau lâu rồi. Nhưng chỉ vì điều kiện kinh tế quá khó khăn nên chúng nó chưa tổ chức đám cưới. Nó mới đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài về được mấy tháng nay. Từ hôm con Hoàn gặp nạn ngày nào nó cũng sang đây như người mất hồn ý. Cũng phải thôi, hai đứa đang chuẩn bị làm lễ thành hôn…haizzz. Buông tiếng thở dài thõng thượt, giọng của ông Nhân nói với bố tôi và bác Hạnh. Như muốn giải thích về sự “khó chịu” của cậu ta với hai người. Còn cậu em trai của cô gái lúc này cũng đi vào trong gian buồng. Bên ngoài nhà lúc này chỉ còn có bốn người đó là bác Hạnh, bố tôi và hai vợ chồng bố mẹ của cô gái. Thỉnh thoảng vẫn còn nghe thấy tiếng khóc nấc nghèn nghẹn của bà Nghĩa. Phút chốc bầu không khí của căn nhà mang theo một vẻ thê lương, ai oán. Bác Hạnh nhìn dáng vẻ chán chường và cô đơn tịch mịch của chàng trai vừa khuất sau cánh cổng phía ngoài sân khe khẽ ngâm lên mấy câu thơ mà chỉ một mình ông nghe thấy;

-Trời già sao nỡ phân ly
Âm trần hai lối lỡ thì của nhau
Kiếp này lỡ, hẹn kiếp sau
Ta nàng nguyện sẽ bền lâu sum vầy.

Bầu trời trên vùng cao nhanh tối, lúc này chợt đổ cơn mưa lớn. Những hạt mưa xiên xẹo rơi chéo xuống, được những cơn gió thổi mạnh khiến chúng níu vào nhau nặng nề rơi xuống, bên ngoài từng tia chớp vằn vện đang ánh lên từng chập, thỉnh thoảng có một tiếng sét đánh xuống cánh rừng phía xa xa, đinh tai nhức óc khiến cho cả mảng không gian vốn ảm đạm của núi rừng lúc này càng trở nên hùng vĩ, mang theo sự bí ẩn kỳ lạ.

Sau khi lên được nhà của gia đình cô gái trẻ. Bác Hạnh và bố tôi hỏi thăm đủ thứ về gia cảnh nhà cô gái. Hạ Hoàn vốn là một cô gái ngoan ngoãn hiền lành, chịu thương chịu khó. Thời bấy giờ ở các tỉnh phía Bắc đang có xu hướng đi xuất khẩu lao động. Người được xuất khẩu thì ra đủ các nước, làm đủ thứ nghề miễn chỉ mong sao có nhiều việc làm nhằm gửi tiền về cho gia đình trang trải nợ nần và muốn có một cuộc sống khấm khá, thoát được cái nghèo và ổn định hơn. Hạ Hoàn cũng là một người nằm trong số đó. Cô đi Đài Loan hai lần. Năm 24 tuổi cô đi lần thứ nhất, đến năm 27 tuổi thì được ký hợp đồng thêm ba năm nữa. Cô cũng chỉ vừa mới về Việt Nam được mấy tháng thì gặp chuyện không may như này. Thấy vợ chồng ông bà Nhân Nghĩa thì bảo là cô Hoàn và anh thanh niên tên Hướng kia là người cùng huyện nhưng khác xã, gặp nhau ở bên Đài Loan rồi yêu nhau. Lần này cũng có ý định về xin bố mẹ hai bên gia đình cưới xin đàng hoàng. Nhưng thật không may…Hiện tại mọi chuyện khiến cho bố tôi và bác Hạnh rất đau đầu. Muốn giúp cô ấy nhưng cũng chẳng biết nên bắt đầu tư đâu và làm như thế nào. Gia đình nhà ông Nhân bà Nghĩa cũng hiếu khách, lại biết được đây là hai người do chính oan hồn của con gái mình báo mộng và nhờ lên tận trên nhà mình xin giúp đỡ. Họ cảm thấy cần phải giữ hai vị khách quý này ở lại nhà để tiếp đãi và trò chuyện, cũng nhân tiện hai hôm nữa là cô Hạ Hoàn cúng thất tuần, bốn mươi chín ngày.

Cơm nước xong xuôi, khi ra bàn uống nước chè. Mặc dù còn khá sớm nhưng bầu trời lúc này đã tối mịt, khung cảnh hoang vu của núi rừng lại thêm cơn mưa rào bất chợt vừa ngang qua, nhà lại có người mới mất, tiếng “nam mô a di đà phật” liên tục được vang lên qua chiếc đài cassette đặt trên bàn thờ, càng làm cho không khí trong ngôi nhà này thêm lạnh lẽo. Bố tôi và bác Hạnh cũng chẳng nghĩ ngợi nhiều. Đã nhận lời hứa với oan hồn của cô gái là sẽ giúp đỡ cô nên cũng chỉ dặn dò hai vợ chồng bố mẹ cô ấy, bảo rằng là người nhà, họ hàng của ông Nhân mà thôi. Tối hôm ấy hai người nằm chung một chiếc giường được kê ở gần ngay gian giữa nhà. Căn nhà được thiết kế từ lâu lắm rồi, có nhiều dấu hiệu của thời gian, rêu phong cũ kỹ. Nó gồm năm gian hai trái, gian giữa thì gồm một bàn thờ cạnh hai cái khoái giang* nhà. Hai bên kê hai chiếc giường được đóng bằng gỗ cũ kỹ. Hai gian nhà kia có hai phòng ngủ và cũng để để ít đồ và mấy thứ lặt vặt. Có một phòng được treo rèm màu hồng, nhìn khá nữ tính. Mới nhìn ai cũng đoán được đó là phòng của con gái. Đây chính là phòng của cô Hạ Hoàn khi còn sống vẫn hay ngủ.

Nói chuyện được một lúc lâu, thì bố tôi xin phép chủ nhà rằng do mình đi xe đường dài nên mệt, lên giường ngủ trước. Vợ chồng ông bà Nhân Nghĩa cũng giữ phép lịch sự nên cũng vào buồng ngủ. Cậu con trai tối hôm đó không về nhà vì ngay từ tối đã xin phép bố mẹ đi chơi với bạn. Chiếc đài cassette trên ban thờ cũng được mẹ của cô gái đứng lên vặn nhỏ hơn bởi vì đến đêm tĩnh lặng sẽ kêu to, mọi người sẽ khó ngủ.

Đến quá nửa đêm, nằm trằn trọc mãi mà hai người không ngủ được. Mót vệ sinh nên bác Hạnh đi ra ngoài. Ông rón rén dậy mở cửa đi ra phía ngoài vườn vì không muốn gây nên tiếng động. Khung cảnh bên ngoài rất yên tĩnh, cây cối um tùm làm cho ông cũng cảm thấy hơi rờn rợn. Mặc dù đã từng đi lính ăn bờ nằm bụi và lại là một tay chài lưới chuyên nghiệp, quanh năm bến sông con nước. Nhưng lúc nãy ông cũng cảm thấy không được thoải mái cho lắm, cảm giác rờn rợn lúc này lại ùa về. Bỗng nhiên ông cảm thấy như có ai đang nhìn mình từ phía sau khiến cho lông tóc dựng ngược cả lên. Quay ngoắt lại thì chẳng có một ai cả, nhìn xung quanh cũng chỉ là những phiến lá cây rậm rạp, um tùm đang đung đưa bởi những cơn gió. Miệng lẩm bẩm khe khẽ;

– Cô ơi…Đừng có trêu chọc tôi nữa. Chúng tôi có lòng đến tận nhà muốn giúp đỡ cô rồi.

Bác Hạnh nói xong câu ấy thì vội vàng đi về phía nhà chính, cách khá xa nhà vệ sinh. Con đường được trải bằng những viên gạch lởm chởm khiến cho ông vấp chân đến mấy lần. Nhưng khi chỉ còn cách mấy chục mét nữa là vào đến nhà thì mắt ông hoa lên, tai ù đi và cảm thấy bước chân của mình bỗng nhiên chậm hẳn lại. Dường như lúc này bác đã biến thành con người khác. Hay nói đúng hơn bác Hạnh lại bị “ốp”.

Bố tôi cũng khó ngủ. Có lẽ lúc ban tối uống mấy chén rượu, nên khá trằn trọc bởi vì ông là người không uống được nhiều. Lúc bác Hạnh bước ra ngoài thì ông cũng biết, nhưng cũng mặc kệ không nói gì, nghĩ bụng là bác Hạnh đi vệ sinh mà thôi…

Có tiếng “lạch cạch” kêu lên khe khẽ, rồi tiếng “keeet” của cánh cửa bản lề vang lên, giữa đêm khuya nghe rõ mồn một. Bố tôi quay mặt về phía phát ra tiếng động thì đúng là bác Hạnh đang đi vào nhà. Nhưng lần vào này hơi khác lúc ông mở cửa.

Khi cánh cửa gỗ được mở ra thì bỗng nhiên, có một cơn gió thổi từ phía bên ngoài ùa vào trong nhà khiến cho hai cây đèn cầy đang thắp trong nhà tắt ngấm. Chỉ có chút ánh sáng lờ mờ từ bên ngoài hắt vào trong phản chiếu bóng dáng của một người đàn ông cao lớn đang đi về phía chiếc giường của bố tôi đang nằm.

– Ông Hạnh? Ông đi đâu thế?

Bố tôi khẽ hỏi, bởi vì không muốn gây tiếng động làm cho chủ nhà mất ngủ. Không nghe thấy tiếng bác Hạnh trả lời, bố tôi lại hỏi tiếp;

– Ông bị sao thế? Sao không khép cánh cửa vào cho gió đỡ thốc vào. Lạnh quá.

Vẫn không nghe thấy bác Hạnh đáp lời mà chỉ thấy bóng dáng của ông vẫn đang bước từng bước một về phía chiếc giường của bố tôi, bằng dáng vẻ khá vội vã. Đúng lúc này phía bên ngoài có tiếng quạ kêu lên dồn dập “quạ…ạ…quạ…ạ” rồi tiếng mèo gào lên thảm thiết như động dục.

Mặc dù là người cứng bóng vía như bố tôi lúc này cũng không khỏi tái mặt. Thầm nghĩ có chuyện không hay lại diễn ra rồi, nhưng giữa bóng tối lờ mờ lại thêm cái không khí quỷ dị ở cái căn nhà này, kết hợp với mùi nhang bà Nghĩa thắp lên từ tối vẫn chưa cháy hết, rồi tiếng tụng kinh liên tiếp từ chiếc đài cassette phát ra khiến cho ông cũng thấy khiếp vía.

Bóng người cao lớn cứ thế đi thẳng vào trong nhà rồi dừng lại trước tấm di ảnh đặt ở giữa nhà. Bố tôi rùng mình nhìn về phía cái bóng đó, tiếp tục theo dõi xem làm gì. Bất ngờ bóng người đó đi ngang qua chiếc giường của bố tôi nằm rồi tiến thẳng vào căn buồng có chiếc rèm cửa che màu hồng…Chính là căn phòng của cô gái đã chết Hạ Hoàn. Khi đi qua ông cảm thấy có một luồng khí lạnh lẽo làm cho ông cảm thấy vô cùng không thoải mái, cảm giác căn nhà này đang có “thứ gì đó” hiện hữu.

– Lại gặp chuyện rồi…Ông Tú lẩm nhẩm, nhưng lúc này vẫn giữ tư thế nằm im trên giường. Chiếc chăn đắp hờ trên ngực lúc này đã được bố tôi trùm kín mặt. Chỉ he hé nhìn lên nhưng bên ngoài, không gian vẫn chỉ là một màu tối nhờ nhờ. Từng cơn gió thốc vào khiến cho ông cảm thấy rờn rợn.

“Rầm” cánh cửa gỗ lúc này bị cơn gió thổi thật mạnh làm cho đập mạnh vào bức tường phía sau, rồi thanh chặn cửa cũng rơi xuống nền được láng xi măng nảy lên kêu “côm cốp”. Ông Tú đang nằm trên giường lúc này cũng không giữ nổi bình tĩnh, liền bật người ngay dậy. Vớ ngay lấy chiếc bật lửa zipper được ông giữ từ lâu lắm rồi. Mọi khi nó nhạy lắm, chỉ bật nhẹ một cái là lên nhưng lúc này bật phải đến năm, sáu lần ngọn lửa cũng không cháy. Thậm chí sự hốt hoảng còn làm cho ông suýt đánh rơi nó xuống đất.

Khi ngọn lửa vừa bùng lên, bóng tối trong căn nhà lúc này chợt bùng lên, mắt của ông Tú chưa kịp làm quen với bóng tối thì ông giật mình kinh hãi đến tột độ. Lúc này tất cả mọi thứ trong nhà đều bình thường bác Hạnh vẫn đang ngủ cạnh ông, phát ra tiếng thở đều đều. Thậm chí ngáy còn rất to. Cánh cửa chính trong nhà vẫn đang đóng cửa im ỉm và tất cả mọi thứ vẫn đang ở trạng thái rất bình thường.

Nhưng khi quay mặt về phía di ảnh cô gái trên ban thờ, ông thấy rùng mình…Hình như cô ấy đang mỉm cười. Nụ cười tuy đau đớn nhưng ẩn chứa sự biết ơn. Ông Tú lẩm bẩm nói khe khẽ chỉ đủ cho một mình ông nghe thấy;

– Chúng tôi đã lên đến nhà cô rồi. Có lẽ cô đã báo mộng cho anh em chúng tôi. Tôi xin hứa với vong linh của cô là sẽ tìm bằng được ra kẻ đã hại cô…

Bác Hạnh lúc này cũng chồm dậy hỏi;

– Ông Tú? Ông lảm nhảm gì thế?

Thế rồi bố tôi liền kể lại giấc mơ mà mình vừa gặp. Thì ra đó chỉ là giấc mơ, nhưng sao nó lại chân thực đến tận cùng như vậy? Điều kì lạ nữa là bác Hạnh cũng kể lại điều vừa gặp cho bố tôi nghe. Lúc này không khí lại rơi vào trầm tư. Hai người lính già nhìn nhau không nói gì, ánh mắt của ai cũng lộ ta vẻ không thoải mái, suy tư. Cô gái này quá linh thiêng, phải đau đớn và uất ức đến nhường nào mới có thể “dọa” cho hai người lính già từng vào sinh ra tử nhiều lần, chẳng còn điều gì khiến bản thân sợ hãi nữa mà hết lần này đến lần khác đều giật mình.

– Không thể thất hứa được ông ạ. Ông Tú nói với bác Hạnh.

– Đúng vậy. Làm gì cũng phải làm đến nơi đến chốn, không thì chính chúng ta cũng thấy lương tâm mình không thoải mái. Tôi thấy thương cô gái này…Chết đau đớn quá.

Bác Hạnh thở dài một tiếng rồi hai người nằm xuống, trằn trọc chờ trời sáng.

Ps: Tương tác với N nhé ạ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN