Bộ Bộ Kinh Tâm - Chương 21
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
100


Bộ Bộ Kinh Tâm


Chương 21


Hôm sau gặp nhau, nếu ánh mắt có thể giết người được, ắt hẳn Thập Tam không chết cũng trọng thương rồi. Bị Nhược Hi nhìn ghê quá, gã không dám nhìn thẳng vào nàng nữa, len lét đưa mắt đi nơi khác. Nhược Hi trừng trừng ngó gã một lúc, chợt thấy gai gai người, liếc ra mới biết Tứ a ca đang lãnh đạm nhìn mình, nàng chột dạ, vội cụp mắt xuống ngoan ngoãn đứng gọn một bên.

Nhân khi mọi người đều chăm chú xem thái tử bắn cung ngoài bãi, Nhược Hi giả vờ đi thay nước. Lúc ngang qua Thập Tam, nàng vẫn bước đều chân, nhưng gằn giọng bảo:

– Tối nay tôi gặp anh một tí.

Nói xong, lại tỉnh bơ bước tiếp.

oOo

Lúc Nhược Hi đến lán Thập Tam, hầu cận của gã đã đợi sẵn đón nàng:

– Thập Tam gia đang chờ ạ!

Nhược Hi cười đáp:

– Phiền cậu quá!

Tên nọ vội cười đưa đà:

– Cô nương đừng nói thế! Là việc nô tài nên làm thôi.

Nhược Hi cười cười, tự đi vào trong.

Thập Tam a ca đang ngồi trên thảm lông cừu, tựa vào đệm mềm đọc sách. Thấy Nhược Hi, gã vội bỏ sách xuống. Nhược Hi trừng mắt nhìn, đoạn vớ hai cái đệm kê ngồi cho thật thoải mái, xong vươn sang bàn tự rót trà uống. Thập Tam xích lại gần, giả lả:

– Rốt cục ta có lỗi gì với cô đây?

Nhược Hi hừ mũi:

– Một a ca như anh, nếu không muốn dạy tôi, thì kẻ làm nô tỳ này cũng chẳng dám oán thán nửa lời. Nhưng hết lần này tới lần khác, anh giở trò giỡn cợt.

Thập Tam nghiêm túc nói:

– Cô hiểu lầm rồi! Tối đầu tiên ta bị Nhị ca gọi sang, tuy chỉ chuyện phiếm, nhưng mình cũng không thể làm bẽ mặt thái tử, đành sai một đứa nhỏ đi nhờ Tứ ca. Tối thứ hai là bị… – Gã bỗng nín bặt, không giải thích hết, chỉ nói – bận việc thật mà, không hề lừa cô.

Nhược Hi hừ mũi:

– Ngoài Hoàng thượng và Thái tử gia, còn ai đủ sức cầm chân anh đây?

Thập Tam a ca ra chiều khó xử, rồi cười lúng túng:

– Mẫn Mẫn cách cách.

Nghe vậy, lại thấy mặt gã bối rối, Nhược Hi đang giận điên mà không nén được buồn cười. Phiền trách đầy một bụng không biết trút vào đâu, nàng đành ngửa cổ hậm hực uống một ngụm tướng trà.

Thấy nàng tin rồi, Thập Tam lại uể oải ườn mình ra đệm, cười hỏi:

– Nhưng, lẽ ra cô nên vui mừng mới phải chứ! Sao lại tức thế?

Nhược Hi ngoảnh sang trừng mắt, giọng hầm hầm:

– Vui mừng? Vui vì lẽ gì?

Thập Tam nhích tới trước, chăm chú nhìn nàng:

– Chẳng phải trong lòng cô có Tứ ca đấy sao?

Nhược Hi nghe mà sửng sốt, giận đến không giận nổi nữa, nàng bật cười khan:

– Tôi bảo anh là trong lòng tôi có Tứ gia lúc nào vậy hả?

Thập Tam a ca lắc lắc đầu:

– Từ lúc cô vào lo việc trà nước cho Hoàng a ma, ta đã cảm thấy cách cô đối xử với Tứ ca không bình thường rồi. Thái tử gia thì cô dửng dưng, trong khi lại dè dặt cẩn thận với Tứ Bối lặc, ta vốn đã thắc mắc sẵn. Nửa năm trước, cô được thăng làm nữ quan, còn hỏi ta Tứ ca thích gì ghét gì. Hằng ngày trà bánh dọn mời đều là những món đúng ý anh ấy. Ba năm nay, cô luôn luôn lưu tâm đến lời lẽ cử chỉ của Tứ ca. Nếu không phải vì thương tưởng Tứ ca, thì ta thật không nghĩ ra lý do nào nữa, nhất là khi cô không hề đối xử đặc biệt như thế với các a ca khác.

Nhược Hi càng nghe, cơn giận càng nguôi bớt, cảm thấy đúng là “mua dây buộc mình”, chẳng biết vin cớ gì mà oán trời trách người nữa. Thập Tam nói một hơi, thấy Nhược Hi chỉ cúi đầu ngồi lặng thì nhe răng cười đắc ý, giơ tay đẩy khẽ nàng:

– Đừng xấu hổ! Ta thấy Tứ ca cũng hơi thích cô đấy. Sau này mời ta một chén tạ ơn mai mối là được. Ta sẽ thường xuyên ca ngợi cô trước mặt Tứ ca – Gã ngừng cười, giọng chân thành – Tứ ca là người ngoài lạnh trong nóng, cô nhìn anh ấy đối xử với ta là biết rồi.

Nhược Hi không tiếp chuyện, cứ ngồi lặng hồi lâu, đến một lúc đột ngột đứng lên:

– Tôi về! – Nàng nhìn Thập Tam, nghiêm nghị bảo – Nhân tiện, trong lòng tôi không có Tứ gia.

Rồi quay mình đi nhanh.

Trên đường về, Nhược Hi miên man nghĩ ngợi. Thực ra khi bắt đầu tìm hiểu Tứ a ca thích gì, ghét gì, nàng đã lo bị người ta chú ý rồi, bởi vậy cũng hỏi luôn sở thích uống trà ngày thường của tất cả các a ca. Song le, một người được chăm chút đặc biệt, những người khác lại chỉ qua loa, ai ở ngoài trông vào không nhận ra điều bất thường chứ Thập Tam sớm chiều cặp kè Tứ ca, lại thân với Nhược Hi thì nhất cử nhất động của nàng dành cho Tứ a ca làm sao lọt khỏi mắt gã, chả trách gã tưởng lầm. Thập Tam đã nghĩ như thế, thì việc Tứ a ca suy đoán sai cũng chẳng có gì là lạ. Nhược Hi còn cho rằng có bị ngờ vực chăng nữa thì cũng chỉ ở việc hỏi han thôi, nào ngờ thái độ cẩn thận dè dặt và sự lưu tâm quan sát suốt ba năm qua của nàng cũng bị Thập Tam chú ý, rồi suy ra nguyên nhân khác. Nàng biết giải thích mối hiểu lầm lớn dần lên theo thời gian suốt ba năm qua này bằng cách nào đây?

oOo

Từ bữa ấy trở đi, Nhược Hi quyết định dứt khoát bỏ học cưỡi ngựa. Có lần Thập Tam a ca nhắc tới, nàng lập tức đánh trống lảng. Thập Tam cười cười nhìn nàng, cũng không đả động đến nữa.

Một hôm, Nhược Hi đang làm việc trong trướng của Khang Hy thì có tay binh sĩ hấp tấp chạy vào, đưa cho Lý Đức Toàn một lá thư hỏa tốc. Lý Đức Toàn không dám chậm trễ, trình ngay cho Khang Hy. Nhược Hi tự hỏi, có phải là việc liên quan đến thái tử không nhỉ, bởi nàng chỉ biết thái tử sẽ bị phế trong chuyến du hành biên tái này, nhưng cụ thể vấn đề gì khiến Khang Hy phải ra quyết định như thế thì nàng không rõ lắm.

Khang Hy xem thư, vẻ mặt mỗi lúc một nặng nề, cuối cùng đứng bật dậy bảo:

– Nhắc khoái mã, phải cấp báo tình hình mới mỗi ngày.

Tên lính đang quỳ đợi bên ngoài cao giọng đáp: “Vâng!”, đoạn khấu đầu rồi quay gót chạy đi.

Khang Hy ngồi trở lại ghế, trầm giọng bảo:

– Truyền chỉ!

Lý Đức Toàn liền quỳ xuống.

– Thập bát a ca Dận Giới bệnh nặng, chuẩn bị ba ngày nữa về kinh – Lại tiếp – Trẫm muốn gặp Tô Hoàn Qua Nhĩ Giai.

Lý Đức Toàn run lên, dập đầu lĩnh mệnh rồi vội vã chạy đi.

Cung nữ thái giám đang chực trong trướng đều không dám thở mạnh, ai nấy đứng im phăng phắc. Nhược Hi phấp phỏng trong dạ, tuy biết trước kết cục, nhưng chi tiết diễn biến thế nào thì hoàn toàn không đoán được. Nàng vắt óc ngẫm nghĩ hồi lâu mà không nhớ ra nổi bất kỳ sự việc gì dính dáng đến Thập bát a ca, đành tự nhắc bản thân phải cẩn thận hết sức. Đợi mãi mới đến lúc thay ca, Nhược Hi bước đi thì phát hiện người mình đã tê cứng, hẳn là tại đứng bất động quá lâu.

Ban nãy Khang Hy tiếp kiến vương gia Mông Cổ Tô Hoàn Qua Nhĩ Giai, có báo phải hồi kinh sớm hơn dự định. Ngày kia người Mông Cổ sẽ rời đi, nên bây giờ họ cũng bắt đầu thu dọn đồ đạc. Trên đường về, Nhược Hi cũng gặp nhiều người qua lại khẩn trương chuẩn bị hành trang, nhưng ai nấy đều đi nhẹ nói khẽ, không còn nhộn nhịp như mấy ngày trước nữa. Nhược Hi lặng lẽ về lán, nghĩ phải mau chóng soạn hết những thứ cần đóng gói ra.

Vừa làm việc bình thường, vừa bận sắp xếp hành lý, nhưng có lẽ là vì liên tục nhắc nhở bản thân nhất quyết không được để xảy ra sai sót vào thời điểm này, nên tuy có mệt, tinh thần Nhược Hi vẫn rất nhanh nhẹn. Tối hôm sau, nàng đang trông coi mấy thái giám đóng gói ấm chén đĩa bát cho cẩn thận, chợt nghe đằng xa có tiếng huyên náo, không rõ xảy ra việc gì, bèn để tâm lắng nghe, đồng thời tiếp tục công việc.

Một lát sau, không còn huyên náo nữa, xung quanh lấy lại vẻ yên tĩnh lúc trước. Nhược Hi cũng thôi để ý, đóng gói đồ sứ xong xuôi, lại sắp xếp đâu ra đấy rồi mới trở về lán riêng.

Nhược Hi vừa vào lán, Ngọc Đàn đã nghiêm nghị chạy ra đón, kéo nàng ngồi xuống, thì thào:

– Xem ra chị chưa biết chuyện.

Nhược Hi ngẩn người, vội chăm chú lắng nghe.

– Thái tử gia đem ngự mã vương gia Mông Cổ cống tặng ra cưỡi, khiến trại bên kia nhộn nhạo hết cả lên. Họ nói đây là vật ngự dụng dâng riêng cho Hoàng thượng mà thái tử lấy để đùa nghịch thì thật là bất kính, thật xem thường bọn họ.

Nhược Hi “A” một tiếng, sao lại quên bẵng vụ này nhỉ? Đúng thế, hình như có chuyện ấy thật. Nàng vội hỏi:

– Hoàng thượng bảo sao?

Ngọc Đàn thì thầm:

– Còn bảo sao? Để xoa dịu người Mông Cổ, Hoàng thượng đã trách mắng thái tử ngay trước mặt họ. Nhưng tôi thấy ngoài tức giận ra, Hoàng thượng còn rất đau lòng. Chắc bởi ai nấy đều đang tỏ rõ buồn thương về việc của Thập bát a ca, Thái tử gia lại nhè đúng lúc để đi cưỡi ngựa đùa nghịch.

Cô thở dài, không nói nữa. Nhược Hi nghe xong cũng thẫn thờ, bụng bảo dạ đây mới chỉ là bắt đầu thôi. Trầm ngâm chốc lát, nàng dặn Ngọc Đàn:

– Mấy ngày này, bất kể mệt đến đâu cũng phải gắng tập trung tinh thần. Nhược bằng sơ suất, chỉ e sẽ có họa lớn.

Ngọc Đàn gật đầu:

– Chị yên tâm, tôi cũng biết thế. xem tại TruyenFull.vn

Hai người ngồi nín lặng thêm chốc lát rồi rửa mặt đi nghỉ. Nhược Hi vẫn thấp thỏm trong lòng, không biết vụ việc này ảnh hưởng ra sao đến mấy a ca ở đây. Tuy nắm được đại khái kết quả nhưng tình tiết thì hoàn toàn mù mờ, không sao yên dạ mà ngon giấc được. Nàng còn ai oán nghĩ, nếu biết có ngày quay về thời nhà Thanh thì đã học thuộc làu cuốn Thanh sử rồi, song nghĩ kỹ lại cho rằng, học thuộc cũng vô dụng, lịch sử Thanh triều toàn “xấu khoe tốt che”, thích tô son điểm phấn, chỉ e chệch hướng sự thật hết. Ngọc Đàn cũng trở mình liên tục, chắc hẳn trong lòng cũng không yên ổn gì.

Bạt ngàn trướng lớn lán nhỏ lục tục nhổ lên, tin khẩn gửi tới cho biết tình hình Thập bát mỗi ngày một xấu. Khang Hy buồn đau ra mặt, thái giám cung nữ thị hầu đi đứng đều nem nép, hết sức chú ý trong việc phục dịch. Các a ca cũng lộ vẻ ưu sầu. Thái độ của thái tử là phức tạp nhất, hằn học, hậm hực xen lẫn vẻ phiền muộn không rõ thật hay giả. Khang Hy hết sức lãnh đạm với y, khiến khuôn mặt y còn thêm vẻ e dè.

Một sáng tinh sương, đang mơ mơ màng màng thì nghe tiếng Vân Hương gọi ngoài lán, Nhược Hi Ngọc Đàn cùng bật dậy, mời cô vào. Vân Hương vào rồi, cũng không kịp chào hỏi gì, đã chạy ngay đến bên Nhược Hi. Ngọc Đàn vớ lấy áo choàng vào mình rồi ghé lại gần. Vân Hương chừng như chưa hết sợ:

– Đêm qua Vạn tuế gia nổi cơn thịnh nộ.

Nhược Hi Ngọc Đàn khẽ “A” một tiếng. Vân Hương lại tiếp:

– Đêm qua Thái tử gia xé vách trướng nhìn trộm Vạn tuế gia, bị Vạn tuế gia bắt gặp. Người vừa bị một phen giật mình, vừa nổi trận lôi đình, bèn gạt phăng mọi thứ có trên bàn xuống đất. Lý an đạt vội vàng điều thêm thị vệ đứng gác ngoài trướng.

Nhược Hi Ngọc Đàn nghe xong, đều có vẻ không tin nổi, thái tử điên rồi chăng? Tại sao dám làm một việc đại nghịch bất đạo như thế? Vân Hương lại hấp tấp nói:

– Lý an đạt bảo, tuy hôm nay không phải phiên trực của chị, nhưng chị vẫn nên sang đại trướng thị hầu.

Nhược Hi nghe vậy, lập tức mặc áo rửa mặt. Vân Hương nán lại giúp nàng làm vệ sinh và ăn bận cho xong. Đang lúc khẩn cấp, Nhược Hi cũng không từ chối.

oOo

Đi gấp rút mấy ngày đường, cả đoàn đến được hành cung Bố Nhĩ Cáp Tô Đài, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm, chắc mẩm cuối cùng cũng được nghỉ ngơi chút ít. Nhưng Nhược Hi thì càng thêm căng thẳng, bởi nhớ rằng lần đầu Khang Hy tuyên bố phế thái tử chính là ở một hành cung nơi biên tái. Bởi vậy nàng đi lại nói năng càng thêm nghiêm cẩn.

Buổi tối, Lý Đức Toàn đang định hầu Khang Hy đi ngủ thì lại có tin khẩn tới. Khang Hy xem xong, cúi đầu lặng lẽ vo tờ giấy thành một cục, bàn tay bóp cục giấy nổi gân xanh. Nhược Hi thầm thở dài, xem ra Thập bát a ca mệnh yểu rồi, mới tám tuổi đầu!

Lý Đức Toàn quỳ dưới đất, không dám hé nửa lời, cung nữ thái giám xung quanh cũng đứng lặng. Khang Hy ngồi mãi một tư thế ấy trên ghế, chẳng mảy may nhúc nhích. Nhược Hi thầm nghĩ, trước đây lóa mắt vì uy nghiêm thiên tử, không nhận ra Khang Hy đã quá ngũ tuần. Người đàn ông trầm mặc trên ghế rồng đêm nay khiến người ta thực sự cảm nhận được độ tuổi năm mươi lăm của ông.

Ngồi một lúc, Khang Hy khẽ bảo Lý Đức Toàn:

– Cho về hết đi!

Các cung nữ thái giám đều vội vàng lui ra, chỉ còn Lý Đức Toàn ở lại thị hầu. Các a ca nghe phong thanh cũng đã đến chầu sẵn bên ngoài, ai nấy cùng một vẻ mặt lo lắng bồn chồn xen lẫn buồn đau. Trông thấy mấy người trong trướng đi ra, họ đổ dồn mắt lại. Nhược Hi ngoái ra sau dặn Ngọc Đàn và các cung nữ:

– Tuy Vạn tuế gia cho về, nhưng vẫn cần người trực đêm ở đây xem có sai bảo gì không. Tối nay tôi và Ngọc Đàn sẽ đợi ngoài trướng, những người khác cứ về nghỉ, sớm mai cùng đến nghe việc.

Các cung nữ vâng dạ rồi lặng lẽ rời đi.

Phía Vương Hỉ cũng chỉ có hắn và một thái giám nữa trực ngoài trướng đợi cắt đặt, bọn còn lại ai về chỗ nấy cả. Vương Hỉ nhìn Nhược Hi, rồi tới bên nàng khẽ hỏi:

– Nói sao với các a ca này đây?

Nhược Hi ngập ngừng một lát rồi đáp:

– Chắc bây giờ không thể vào trong xin ý kiến được đâu. Chi bằng bảo bọn họ về trước, có việc gì sẽ sai người đến báo.

Vương Hỉ ngẫm nghĩ, đoạn gật đầu tiến ra, khom mình thưa:

– Thái tử gia, Bối lặc gia, các vị a ca! Hoàng thượng đã đi nằm. Mong các vị về cho! Nếu có việc gì, tiểu nhân xin sang thông báo.

Các a ca nhìn nhau, nhất thời cũng không biết quyết định thế nào. Tứ a ca và Thập Tam a ca nhìn về phía Nhược Hi, vẻ dò hỏi. Nhược Hi né ánh mắt Tứ a ca, chỉ gật đầu khẽ với Thập Tam. Thập Tam bèn nói với thái tử:

– Chúng ta cứ về nghỉ đã. Ngày mai Hoàng a ma lên đường còn cần người hộ giá nữa.

Tứ a ca gật đầu, định bước đi thì Thái tử gia nhìn trừng trừng vào Vương Hỉ, căn vặn:

– Lý Đức Toàn đâu? Bảo Lý Đức Toàn ra đây nói cho rõ.

Nhược Hi cả kinh. Thái tử đúng là càng lúc càng xốc nổi! Lý Đức Toàn theo hầu bên mình Khang Hy bấy nay, được Khang Hy rất tin cẩn, đối nhân xử thế lại công bằng nhân hậu, người trong ngoài cung bất kể bụng nghĩ ra sao, nhưng ngoài mặt đều răm rắp gọi “Lý công công”, “Lý an đạt”. Hôm nay thái tử lại dám lôi thẳng tên tục của hắn ra gọi trước mặt bao người thế này.

Vương Hỉ cũng sửng sốt, lưỡng lự đôi hồi rồi đưa đà:

– Sư phụ tôi đang hầu hạ Hoàng thượng, e rằng không rảnh rỗi mà ra được.

Thái tử hừ một tiếng:

– Chẳng phải vừa nói Hoàng a ma đã đi nằm rồi sao? Chủ nhân đã nghỉ thì hắn ra nói một hai câu có vấn đề gì?

Vương Hỉ đứng ngây đuỗn, không biết nên đối đáp thế nào, bèn ngoái đầu nhìn Nhược Hi. Nhược Hi rút lại sau, cau mày với hắn, ra ý mình cũng không có cách nào. Nàng không muốn dây dướng gì với thái tử hết.

Vương Hỉ đành ngoảnh mặt lại, định khuyên nhủ vài câu, nhưng chưa kịp mở miệng thì thái tử đã sấn sổ tiến tới, hùng hổ bảo:

– Ta phải xem xem rốt cuộc đám nô tài các ngươi đang giở trò ma gì?

Thị vệ hai bên liền ùa vào chặn y ở cửa, thái tử quát:

– Tránh! Một lũ mắt chó, không nhận ra ta là ai sao?

Thị vệ cương quyết không nhường đường, các a ca đều biến sắc, vội tiến tới khuyên giải thái tử, nhưng không được sốt sắng cho lắm.

Đương lúc nhộn nhạo thì Lý Đức Toàn kéo cửa ra. Khang Hy xuất hiện, vẻ người tiều tụy nhìn các a ca vừa im bặt quỳ thụp xuống đất, mệt mỏi bảo:

– Gọi hết văn võ bá quan đi theo lại đây!

Vương Hỉ đáp vâng, rồi tất tả chạy đi.

Khang Hy nhìn chằm chằm thái tử, vẻ mặt im lìm như chết, khiến thái tử kinh hoàng tột độ, cúi gằm đầu, ép mình dưới đất không nhúc nhích. Một lát sau, các quan văn võ có mặt trong chuyến đi đến đủ, cũng quỳ la liệt.

Khang Hy chậm rãi đưa mắt một vòng, rồi ánh nhìn dừng lại ở thái tử. Ông quan sát y hồi lâu, vừa đau đớn, vừa phẫn nộ, vừa buồn rầu, cuối cùng trầm giọng buông từng tiếng:

– Dận Nhưng giẫm đạp giáo huấn, khinh thường quy củ, trẫm bao dung hơn hai mươi năm, y không những không hối cải, lại mỗi ngày một nhơn nhơn, thực khó kế thừa đại nghiệp tổ tông – Chưa nói hết, nước mắt đã ròng ròng.

Đại thần bên dưới chỉ biết khấu đầu, lao nhao tấu lên:

– Hoàng thượng, xin cân nhắc!

Khang Hy bắt đầu chậm rãi vạch tội Dận Nhưng:

– Năm hai mươi chín, trẫm thân chinh đi dẹp Cát Nhĩ Đan, trên đường về mắc bệnh, vô cùng thương nhớ Hoàng thái tử Dận Nhưng, bèn đặc chỉ triệu y tới hành cung. Trong lúc hầu hạ ở hành cung, y không hề tỏ vẻ âu lo, trẫm đã nhận ra Hoàng thái tử không biết trung với vua, hiếu với cha, thực là bất nghì. Nay lại trơ lì trước cái chết của Thập bát hoàng tử Dận Giới, không màng tình cảm anh em, thực là bất nghĩa. Bình thời đối với muôn dân trăm họ, hễ có chỗ nào không vừa lòng, Dận Nhưng lại tùy ý đánh đập. Thuộc hạ y thì càn rỡ, ỷ thế chủ tham ô của cải, cậy quyền trên bắt nạt người ngoài, chẳng ai thấy mà không căm phẫn.

Khang Hy vừa rơi lệ, vừa đau xót liệt kê, cuối cùng uất nghẹn trào tim, lại thêm mấy ngày buồn bã, ông ngất lịm đi. Khung cảnh tức thì hỗn loạn, kẻ gọi thái y, người kêu hoàng thượng. Về sau, Khang Hy dần dần hồi tỉnh, nhưng không còn sức lực để nói gì nữa, chỉ bảo giam Dận Nhưng lại, giao cho Đại a ca cắt người canh gác, rồi phất tay, cho tất cả lui về.

Nhược Hi đứng lặng bên ngoài, lòng đầy ưu tư. Kết cục này, nàng đã biết trước, hồi xưa đọc sách thì chỉ coi như một câu chuyện cho qua thì giờ. Thậm chí, lúc ấy nàng còn cảm thấy Khang Hy xử lý không mấy sáng suốt những việc liên quan đến thái tử, biết rõ Dận Nhưng khó kham nổi việc lớn mà vẫn không dứt khoát, ngần ngừ hết lần này tới lần khác. Nếu ông quyết định sớm hơn thì cũng chẳng đến nỗi xảy ra thảm cảnh Cửu long đoạt đích.

Bây giờ được tận mắt chứng kiến, không hiểu vì theo hầu Khang Hy đã lâu nên sinh dạ quý mến, hay vì cảm nhận được tấm lòng yêu thương và cả những đau xót, bất lực, ai oán của một người cha đối với con mà nàng xúc động sâu sắc trước giọt lệ của ông. Ở cương vị hoàng đế, có thể Khang Hy giải quyết chưa thấu tình đạt lý, nhưng với vai trò người cha, thì thật không còn gì để chê trách.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN