Bóng Trăng Trắng Ngà - Chương 2: Thằng cuội
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
525


Bóng Trăng Trắng Ngà


Chương 2: Thằng cuội


Tôi men theo con đường cũ để tìm đến cánh đồng cạnh bờ sông hôm qua tôi đã đi. Mải nói chuyện với Chi nên hôm qua tôi mất một đống bi cho thằng Hưng, nó bắt được hơn 3 chục con đom đóm. Đi được nửa đường tôi chợt nhớ ra lời hứa hôm qua với Chi: Mang cho cô bé ít đồ ăn vặt để nghe kể chuyện. Thế là tôi đành quay lại, rẽ qua hàng tạp hóa để mua một gói bim bim. Mẹ tôi vẫn cho tôi tiền ăn vặt hàng tuần, tôi có để ra một chút để tiết kiệm. Tôi mua xong lại chạy vụt đi.

Tính tôi tò mò từ bé, cứ có cái gì muốn biết là phải hỏi cho bằng được thì thôi. Thế là tôi cứ háo hức nhảy chân sáo trên con đường làng để đến chỗ hẹn hôm qua.

Những con đom đóm vẫn bay lượn khắp không gian, như chào mừng tôi quay lại chốn này. Từ xa xa, tôi đã nghe thấy giọng hát trong trẻo ngân nga của Chi rồi. Chi vẫn đang hát bài hát ngày hôm qua. Tôi mừng thầm trong lòng. Đứng sau bụi cây, tôi đợi Chi hát xong bài hát rồi mới nhảy ra.

“Chào cậu…” Tôi nói.

Chi ngoảnh đầu lại vẫy vẫy tôi. “Lại đây!”

Tôi lại gần Chi, chìa ra gói bim bim. “Đây nhé, công kể chuyện. Giờ kể cho tớ nghe đi.”

Chi bảo: “Đây, ngồi cạnh tớ. Bóc bim bim ra ăn đi!”.

Tôi khẽ khàng ngồi xuống mỏm đá cạnh cô bé. Bờ sông man mát, gió thổi liu riu. Chỉ có trăng là tuyệt nhiên không thấy.

“Hôm nay vẫn chưa có trăng nhỉ…” Tôi nói rồi lấy tay bóc gói bim bim ra. Tôi bốc cho Chi một ít. Chi cầm lấy và cười: “Ừ..nhiều mây quá…”

Nói xong Chi ngước lên nhìn bầu trời.

Tôi cứ ngồi bên cạnh và ngước nhìn lên theo, dáng vẻ lúng túng.

Mãi một lúc sau tôi mới mở lời: “Ờm…Chi kể chuyện đi…Bài hát đó như nào?”

“Cậu muốn nghe từ chuyện nào?” Chi quay sang hỏi tôi.

“Thì,,,từng chuyện một đi?”

“Thế kể từ chuyện thằng Cuội trước nhé?” Chi cười. Xong cô bé lại mỉm cười nhẹ, ngâm giai điệu trong cổ họng, hát lên lời bài hát đầu tiên:

“Bóng trăng trắng ngà

Có cây đa to

Có thằng Cuội già

Ôm một mối mơ

Lặng im ta nói Cuội nghe

Ở cung trăng mãi làm chi…

Bóng trăng trắng ngà…”

Tôi mừng thầm trong bụng, rồi vui vẻ nói: “À, chuyện thằng Cuội á? Tớ biết rồi!”

Chi quay sang nhìn tôi ngạc nhiên: “Sao cậu biết được? Những chuyện thế này không phải ai cũng biết đâu…”

“Sao mà không biết? Bà tớ kể cho tớ mà?” Tôi mỉm cười ranh mãnh. Tưởng gì chứ chuyện thằng Cuội bay lên cung Trăng tôi có nghe bà tôi kể hồi bé rồi. Có một lần tôi nghe một chú chỉ cho một đứa bạn tôi: “Có nhìn thấy thằng Cuội ở trên cung Trăng không?” rồi chỉ lên vầng trăng tròn trên trời. Tôi nhìn lên chẳng thấy gì nên lại sinh tính tò mò, về nhà hỏi bà ngay. Đêm hôm đó, bà đã kể cho tôi nghe sự tích thằng Cuội với cái cây thần có phép cải tử hoàn sinh. Cuội vốn là một tiều phu, sau một lần giết hổ con trong rừng, vô tình thấy được hổ mẹ mớm lá cây cho các hổ con sống lại thì mới biết được chiếc cây thần đó, bèn mang về. Điểm đặc biệt là không được tưới cây bằng nước bẩn, nếu không cây sẽ bay lên trời…Ai ngờ về sau, vợ Cuội lại tưới nhầm cây bằng nước bẩn, thế là cây bay lên trời, Cuội tiếc cây bám theo cũng bay theo cây lên tận Cung trăng luôn, không về được…

Tôi cười khúc khích thích chí lắm. Tôi tưởng câu chuyện của Chi như nào chứ…

“Bà cậu mất rồi à?” Chi quay sang hỏi tôi.

“Không….” Tôi cau mày. “Sao cậu hỏi lạ thế?”

“Tớ xin lỗi, không có gì… Thế câu chuyện cậu nghe là gì?”

“À thì cái chuyện mà Cuội tưới cây thần bằng nước bẩn nên bị bay lên trời theo cây chứ gì?” Tôi cười.

Chi chỉ im lặng lắc đầu. “Thế thì không phải đâu…Chuyện đó ai chả nghe rồi..Nhưng câu chuyện trong bài hát này không phải thế…”

“Ơ…” Tôi sững mất vài giây. “Thế cậu kể đi. Tớ ngồi nghe này…”

Bằng chất giọng trong trẻo, Chi bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện đầu tiên của cô bé.

” Cuội ở trong bài hát này không phải là thằng Cuội đã bay lên cung trăng của cậu đâu. Cuội ở đây cũng là một người đàn ông sống trong một ngôi làng. Ông ấy tên là Tân.

Tân không có vợ con, ông ta làm nghề thợ mộc.

Cả cuộc đời của ông ta luôn chăm chỉ với nghề. Ông ta xấu xí, khắc khổ lại nghèo đói nên chẳng ai lấy cả. Thế nên ông ta chỉ lấy công việc làm niềm vui thôi…

Thế rồi tới một hôm…Một tai nạn xảy ra. Ông ta bị chiếc máy tiện cứa đứt bàn tay. Đợt đó, cả gia đình ông ta phải chạy chữa cho ông ta bao nhiêu tiền của. Thế nhưng bàn tay thì không cứu được. Ông ta cụt tay từ đó.

Không có một tay, ông ta không thể làm thợ mộc được nữa. Mất việc, ông ta đâm ra chán chường, đã nghèo đói lại càng thêm nghèo đói. Bọn trẻ con trong làng gặp ông ta thì luôn luôn trêu chọc: “Tân cụt tay, Tân cụt chân, chỉ còn thân, lăn lông lốc!”

Mỗi lần nghe thấy thế ông ta đều điên dại lên, chạy đuổi theo bọn trẻ rồi về nhà đập vỡ hết đồ đạc trong nhà. Cũng có mấy lần ông trưởng làng đến tận nhà để vận động ông ta xin trợ cấp, thay đổi tính tình, làm lại cuộc đời. Thế nhưng cứ khi ông trưởng làng đến cửa, ông ta lại cầm con dao bầu ra khua khoắng làm trường làng sợ hãi. Ông ta hét lên: “Tao không phải người tàn tật, không phải thương hại tao!”. Được vài lần như thế thì ông cũng đành kệ.

Người dân trong làng ngày càng xa lánh ông ta hơn. Từ khi mất đi một bàn tay, Tân sống rất chật vật. Ông ta không quen với việc này. Những người hàng xóm xung quanh luôn nghe thấy tiếng đồ đạc của ông ta đổ vỡ trong nhà. Có thể là do ông ta vụng về hay lại lên một cơn điên dại nào đó.

Ngày này, người dân trong ngôi làng đó chỉ thấy lão Tân ngập trong men rượu. Kiếm được bao nhiêu tiền, ông ta đổ hết vào rượu. Sự tự trọng của ông ta dần dần bị ăn mòn theo năm tháng. Nhiều lần túng bấn quá, ông Tân lại sang nhà những người dân ngọt nhạt, xin mượn tiền, hứa sẽ cố gắng kiếm tiền để trả. Người dân trong làng một phần vì thương ông ta tàn tật lại thân cô thế cô, một phần vì nể tình làng nghĩa xóm nên đều cho ông ta mượn không nhiều thì ít tiền.

Thế nhưng những số tiền đó nhanh chóng biến mất trong những lít rượu ông Tân đổ vào người. Càng ngày càng ít người dám dốc hầu bao ra cho lão Tân mượn tiền. Ông ta viện đủ cớ, đủ lí do để xin tiền người dân. Nhiều lần như vậy, mọi người kháo nhau: “Ông Tân nói dối như Cuội”. Thời đó, người dân chưa biết thằng Cuội cung Trăng đâu, mới chỉ biết thằng Cuội nói dối thôi… Thế là ngôi làng đó có thêm một thằng Cuội. Không xin được tiền ở làng mình, ông ta đành phải lân la sang các khu vực khác để ăn xin. Ông ta quấn băng trắng, lê lết trên những con đường làng để ăn xin, giả như mình nghèo đói què quặt lắm.

Thế nhưng giấy không gói được lửa, dần dần người ta cũng biết ông ta đang diễn một màn kịch trước mặt mọi người. Thế là người dân những vùng lân cận không ai không biết đến tên lão “Tân Cuội”.

Thời gian cứ thế trôi qua, người dân càng không còn bận tâm đến lão ta hơn nữa. Chẳng ai nhận ra đã một thời gian rồi, lão Tân không còn xuất hiện trên con đường làng…”

“Ơ thế chuyện gì xảy ra thế?” Tôi hỏi

Chi nở một nụ cười kì quái rồi kể tiếp

“Vào một buổi sáng, có một người phụ nữ đi chợ đầu mối về sớm, đi ngang qua gốc cây đa đầu làng, thì thấy…”

“Thấy gì???”

“Thấy lão Tân Cuội đã treo cổ tòng teng ở đấy từ bao giờ.”

“Khiếp thế!!” Tôi rùng mình. “Sao tự dưng lại tự tử?”. Tôi hỏi nhưng Chi chỉ cười rồi kể tiếp

” Gốc đa đó là gốc đa thiêng của làng, người ta còn phải lập miếu ở ngay đó, thế mà lão Tân lại dám làm vậy…Người dân trong làng mang xác lão xuống rồi đêm chôn ở nghĩa địa sau làng, cũng chảng có mấy ai hương khói cả. Mọi chuyện cứ bẵng đi như thế. Và rồi một ngày, cái nhà cũ của lão Tân Cuội vốn dĩ chẳng ai ở tự dưng cháy bùng bùng trong đêm.”

“Li kì thế”. Tôi tròn môi.

“Thế là từ đấy, những sự kiện kì quái bắt đầu xảy ra ở ngôi làng đó. Có người say rượu đi đêm về tự dưng chạy loạn khắp làng, hét lên: “Cây đa cháy…Cây đa cháy…” rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh. Người dân chạy ra đầu làng thì tuyệt nhiên không thấy gì..Cây đa vẫn đứng đó lặng lẽ, sừng sững trong bóng đêm, mờ ảo giữa làn sương.”

Câu chuyện bắt đầu đi theo chiều hướng ghê rợn hơn, không như những câu chuyện cổ tích mà bà tôi thường kể cho tôi nghe. Nhưng tính tôi trước giờ có sợ gì đâu nữa là dăm ba câu chuyện trẻ con của một đứa con gái. Chính ra tôi tò mò nhiều hơn. Cảm giác quen thuộc giống như là những lần xóm mất điện, cả lũ trẻ con rủ nhau sang nhà một đứa thắp nến kể chuyện ma, hù dọa nhau vậy nên tôi vẫn nghe tiếp. Có khi nghe xong, tôi lại có cả tá chuyện để ba hoa chích chòe với chúng nó.

“Một đêm, có một ông hành khất từ nơi khác đến, tối mệt ngồi nghỉ dưới cây đa đầu làng thì thiu thiu ngủ mất, người dân đi qua cũng không buồn gọi dậy. Sáng hôm sau người dân cũng phát hiện ra ông ta đã chết cỏng queo từ lúc nào, toàn thân tím ngắt, mắt trợn trừng như có điều gì kinh hãi lắm…Chẳng ai hiểu có chuyện gì xảy ra, chỉ nghi ông ta trúng gió đột tử. Thế rồi đến một hôm, sự thật được phơi bày, một người đàn ông ở gần đấy, nửa đêm mất ngủ, bước ra ngoài hiên nhà mới nhìn thấy một cảnh tượng hãi hùng. Trên cành cây đa, vắt vẻo một dáng người dài thòng, gầy guộc với nước da trắng tái, đang ôm lấy cành cây, cười khằng khặc. Đu bám trên những cành đa khác là một bóng hình đen sì quắt queo. Hai bóng dáng ấy cười văng vẳng trong đêm thâu, tay cầm chiếc cốc hạt mít cụng vào nhau như đang ăn mừng. Và khi ông ta nhìn rõ hơn, thì cánh tay của con ma đu trên cây đó, bị cụt mất bàn tay…

“Thế là ông ta thành ma ở cây đa, mà quấy nhiễu dân làng?” Tôi hỏi.

“Ừ…Sau vụ ấy mọi người vẫn còn bán tín bán nghi, cho đến khi ngày càng nhiều những sự việc bất thường xảy ra: một đám trẻ con tò mò quây quanh gốc đa chơi Vòng quay socola, rồi cứ thế dính chặt vào thân cây không tách ra được…Chỉ khi mọi người đi khấn vái cúng đồ mặn với rượu thì chúng nó mới tách được nhau ra, khi ấy lũ trẻ con còn bị đòn một trận vì người lớn tưởng chúng nó bày trò nghịch ngợm. Một vài ngôi nhà trong làng trong đêm khuya khoắt bỗng bắt lửa rồi cháy lan từ nóc nhà xuống, may mà phát hiện kịp thời nên không ai thiệt mạng cả…Những ngôi nhà ở đầu xóm, nhiều đêm nghe tiếng gõ cửa, nhưng thập thò ra mở lại chẳng thấy ai…Người dân sống trong lo sợ.”

“Thế là xong hả? Giờ xử lí sao đây?” Tôi hỏi tiếp.

“Người ta mới mởi một ông thầy giỏi ở trên vùng núi xuống để trừ tà ma. Giờ mọi người đều tin rằng hồn ma của lão Tân Cuội không siêu thoát được, ở lại để nhũng nhiễu dân làng. Ông thầy ấy mới tới đầu làng, vừa nhìn thấy cây đa đã quỳ sụp xuống, tay ôm lấy cổ, mặt tím ngắt cả đi như bị ai bóp cổ chặt, người ta quýnh quá đành phải lấy nước tiểu trẻ con hắt vào thì ông ta mới lăn ra thở dốc. Vừa hồi sức cái, chẳng nói chẳng rằng, ông ta chỉ hỏi ngôi nhà cũ của Cuội, rồi chạy thẳng đến đó.”

“Chạy đến đó làm gì???”

Chi chợt thở dài rồi nói: “9 giờ rồi. Tớ phải về thôi.”

“Ơ thế còn câu chuyện đang dang dở mà???” Tôi ngạc nhiên hỏi.

“Mai, tớ kể nốt cho mà. Tớ phải về rồi. Cậu cũng về đi, tớ không về ngay, không được đâu.”

Chi vẫy vẫy tay ra chiều bảo tôi về đi. Tôi cũng chẳng biết nói sao bèn lúi húi đứng dậy.

Tôi chào Chi rồi định quay đi thì nghe thấy giọng cô bé: “Ê này!”

Tôi bèn quay lại.

“Cậu tên là gì nhỉ? Tớ quên chưa hỏi”

“À tớ tên Bảo.” Tôi nói rồi tính quay đi tiếp thì Chi lại nói:

“Tớ xin lỗi nhé. Có thể câu chuyện làm cậu sợ. Cậu có sợ ma không?”

Lúc ấy máu sĩ gái trong người tôi nổi lên, tôi soạn cho mình một vẻ mặt bình thản nhất có thể rồi quay lại: “Úi giời, đương nhiên là không rồi, dăm ba cái thứ đó sao dọa được tớ!”

Nghe thấy câu trả lời Chi lại cười hiền, ánh mắt lóe lên sự vui vẻ: “Ừ, thế hẹn Bảo mai nhé, tớ vẫn ra đây!”.

Tôi chào Chi lần nữa rồi bước đi, trong lòng vẫn ngổn ngang câu chuyện vừa rồi. Đoạn kết của nó là gì đây?

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN