Tùy Đường Diễn Nghĩa
Chương 96: Liều trăm mạng, Quách Tử Nghi báo nghĩa, Thu hai kinh, Quảng Bình Vương dâng công.
Từ rằng:
Bậc anh hùng mang ơn lo to báo
Dẫu gian nguy điên đảo không quên
Ân nhân gặp vận oan khiên
Trăm mạng người thân trải lòng một tấm
Tình bằng hữu như son như gấm
Đạo vua tôi trung thấm nghiã đền
Khải hoàn nhờ sức tôi hiền
Văn mưu võ lược, nước bền dân yên.
Theo điệu: “Hạ thánh triều”
Từ Xưa đến nay, người làm ơn, không phải ai cũng nghĩ đến việc được báo. Nhưng kẻ đã lo được việc đền ơn, thì mấy ai đến nỗi phụ ơn. Thời Chiến Quốc, Hậu Sinh nói với Tín Lăng Quân rất hay rằng:
– Công tử mà có ơn với người khác, xin công tử hãy quên đi. Nhưng người ta có ơn với công tử, lại xin công tử đừng bao giờ quên.
Không quên ơn người khác, tất lo liệu tới việc báo, chẳng sớm thì muộn vậy!
Khổng Tử cũng nói rằng:
– Hãy lấy lẽ công bằng ngay thẳng mà báo oán, còn phải lấy đức mà báo đức vậy thôi!
Ô hô! Việc báo ơn không nói được bằng sự ngay thẳng, công bằng, mà phải nói là ơn nghĩa, ơn tình. Báo đức với báo oán là hai việc khác nhau. Báo oán thì không được quá khắc nghiệt, chỉ cần ở mức công bằng là đủ rồi. Ngay trong những oán thù đó, có cái phải báo, có cái không nên báo, gặp thời nên báo thì báo, có thời không báo cũng không báo. Tất cả đều bởi lẽ chính trực, công bằng cả vậy. Nhưng đã là ơn thì phải báo, không những thế mà còn phải báo rất hậu, không thể nói tới chuyện ơn đền thế nào thì báo thế ấy. Ơn một bát cơm, lấy nghìn vàng mà báo, nào phải chuyện đếm đong mua bán ở đây Ta đương gặp lúc nguy khốn, người xả thân cứu ta, trong tình cảnh bức bách hiểm nguy như thế, dẫu có thể công việc không thành, cũng phải nhận ở đây lòng tốt của người, mà suốt đời nhớ ơn. Huống chi lại thực đã cứu ta khỏi cảnh hoạn nạn, chẳng khác gì nghĩa ruột thịt tử sinh còn gì. Ta nay làm nên công nghiệp thế nào chăng nữa, cũng đều từ ơn đó mà ra. Với cái ơn lớn đến thế, dẫu có xả thân, bỏ nhà mà báo cũng thực chẳng quá.
Từ chuyện báo ơn đền nghĩa trên đây, đến việc của vua của bầy tôi tuy không thể nói chuyện thí ơn đền nghĩa, nhưng kẻ bề tôi có công định yên xã tắc, cứu khốn phò nguy, lập nên công huân hiển hách cho buổi thịnh thời, chẳng lúc nào quên ơn thánh chúa, ra sức hết lòng mưu đồ xã tắc, cũng nào phải là nghĩ đến chuyện được đền ơn đâu!
° ° °
Lại nói chuyện Túc Tông từ ngày lên ngôi ở Linh Vũ, liền phong Quách Tử Nghi làm Vũ bộ thượng thư, trưởng sử Linh Vũ là Lý Quang Bật làm Hộ bộ thượng thư bắc bộ lưu thú, kiêm Đông bình chương sự. Lại sai người triệu Lý Bí về triều. Lý Bí tự là Trương Nguyên, vốn người Kinh Triệu, sinh ra đã khác thường, mang vẻ tiên phong đạo cốt, ngay từ lúc nhỏ vẫn như nghe có tiếng nhạc tiên ở trên không đến đón rước, người như động đậy muốn bay lên trời để theo đi, người nhà phải cùng nhau ôm chặt lấy. Mỗi lần nghe tiếng nhạc, người nhà phải giã nhiều tỏi rồi vẫy tung lên trời như mưa tưới vậy về sau tiếng nhạc mới thưa dần. Đến năm bảy tuổi, đã biết làm phú ngâm thơ, thông minh, dị thường.
Đời Khai Nguyên thời Huyền Tông, có lần hạ chiếu triệu về kinh những người già cả, hiểu biết dạo Phật, đạo Lão, để cùng nhau đàm đạo. Có một tiểu đồng họ Viên, tên Thục, tuổi vừa mới lên mười, cùng mọi người tranh luận mãi mà vẫn không thua kém. Huyền Tông vô cùng khâm phục, nhân đó mới hỏi Viên Thục:
– Ở ngoài cung cấm còn có trẻ nhỏ nào thông minh như khanh không?
Nguyên Viên Thục vốn là con của cô ruột Lý Bí, với Lý Bí chính là anh em con cô con cậu, cúi lạy mà tâu:
– Con của người cậu thân, tên gọi Lý Bí, kém thần ba tuổi, thế nhưng thông tuệ gấp mười lần!
Huyền Tông liền sai sứ đi triệu, Lý Bí vâng mệnh có mặt, từ cử chỉ bái lạy, đến lời thưa bẩm, đều rất đoan chính. Gặp giữa lúc Huyền Tông đang đánh cờ dịch với Yên Quốc Công Trương Duyệt, bèn sai Trương Duyệt ra đề thử tài. Trương Duyệt bảo làm một bài thơ về chuyện: “Vuông tròn, động tĩnh”. Lý Bí tâu rằng ý quá đại lược, từ chối không làm. Trương Duyệt phải chỉ bàn cờ trên án mà giải thích thêm rằng:
Vuông như bàn cờ
Tròn như con cờ
Động như cờ sống
Tĩnh như cờ chết.
Đọc xong, Trương Duyệt còn nói sợ Lý Bí bằng ấy tuổi, chắc gì đã hiểu, liền nói luôn:
– Đây chính là ta mượn chuyện đánh cờ mà bàn chuyện vuông tròn, động tĩnh, túc hạ hãy nói rõ ý đó, không cần phải tả chuyện đánh cờ vậy.
Lý Bí thưa:
– Tiểu sinh hiểu rồi!
Liền ứng khẩu đọc ngay:
Vuông như làm việc nghĩa
Tròn như rèn luyện chí
Động như trổ đại tài
Tĩnh như vừa đắc ý.
Trương Duyệt nghe xong, vô cùng kinh ngạc mà thưa với Huyền Tông:
– Người này thực là người bạn ít tuổi của thần vậy.
Nhân đó lạy mừng triều đình được bậc thần đồng.
Chính là:
Bậc lão thần nhận làm bạn nhỏ
Mừng thánh chúa nay có thần đồng.
Huyền Tông thưởng cho rất hậu, lại cho phép Lý Bí được vào Hàn lâm viện đọc sách, đợi đến lúc tuổi trường thành, sẽ ban quan chức. Lý Bí ba bốn lần từ tạ. Cho làm bạn áo vải với thái tử, được thái tử rất yêu kính. Lúc bấy giờ Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung đều ghét, Lý Bí vì vậy xin cáo về ở ẩn vùng Dĩnh Dương.
Mãi đến nay, Túc Tông nhớ đến bạn thuở xưa, sai sứ mời về hành tại, lấy lễ chủ khách mà đãi, đi ra thì cùng sóng ngựa đôi, ngủ thì cùng chung giường, từ chuyện lớn đến việc nhỏ đều cùng bàn bạc, muốn phong làm tả thừa tướng, nhưng Lý Bí cương quyết từ chối, chỉ xin mặc áo trắng theo bên ngự giá.
Một hôm Túc Tông cùng Lý Bí sóng ngựa ra khỏi cung, đi một vòng trong doanh, quân lính chỉ trộm mà nói rằng:
– Ngài mặc áo vàng là bậc thánh nhân, còn người mặc áo trắng là người trong núi đấy!
Túc Tông nghe được, nhân nói với Lý Bí:
– Trong lúc giặc giã như thế này, quả không dám lấy chức tước để khuất phục. Nhưng cũng nên mặc áo tía để tuyệt hẳn những lời dị nghị, nghi ngờ của mọi người.
Liền ra lệnh lấy áo bào tía ban cho, Lý Bí đành phải bái tạ mà nhận. Túc Tông liền sai tả hữu hầu hạ Lý Bí thay áo mũ. Thay xong, Lý Bí đang định tạ ơn, Túc Tông cười mà phán rằng:
– Khoan đã, khoan đã, ăn mặc như thế thì cũng phải xưng hô như thế nào cho xứng chứ?
Liền lấy ngay trong tay áo một đạo sắc thư, phong cho Lý Bí làm Tham mưu quân quốc nguyên soái phủ hành quan trưởng sử. Lý Bí cố từ, Túc Tông khuyên:
– Không phải trẫm định ràng buộc gì khanh đâu, nay đang lúc gian nan, đợi lúc nào thiên hạ thái bình, thì xin tùy theo chí của khanh vậy!
Lý Bí tạ ơn mà nhận. Túc Tông muốn phong Kiến Ninh Vương Lý Dạm làm Đại nguyên soái. Lý Bí thưa:
– Kiến Ninh Vương quả có thể làm nổi chức nguyên soái, nhưng hiện Quảng Bình Vương là con cả, mai kia Kiến Ninh Vương công thành danh lớn, sẽ xử với Quảng Bình Vương ra sao.
Túc Tông đáp:
– Quảng Bình Vương vốn đã có chức phận nối ngôi xã tắc, thì chức nguyên soái liệu có đáng gì?
Lý Bí thưa:
– Quảng Bình Vương thì chưa chính vị làm Đông cung, nay đang lúc khói lửa, lòng người hướng về nguyên soái. Nếu khiến Ninh Vương thành công nghiệp, bệ hạ lại không lấy làm Đông cung, thì với công tích lớn như vậy, liệu có chịu yên. Chuyện mới rồi từ Thái Tông, đến thượng hoàng đều thế cả đó sao?
Túc Tông gật đầu:
– Khanh nói phải lắm! Để trẫm nghĩ thêm nữa!
Lý Bí lui ra. Kiến Ninh Vương đón gặp, tạ ơn rằng:
– Vừa rồi được nghe những lời tâu của ngài, chính là rất hợp với ý ta. Ta thật biết ơn vậy!
Lý Bí thưa:
– Điện hạ. đã hiếu hạnh như thế, thật là phúc cho quốc gia vậy!
Vì vậy Túc Tông bèn phong cho Quảng Bình Vương Lý Thục làm thiên hạ binh mã Đại nguyên soái. Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật cùng quân đội của họ đều thuộc quyền thống lãnh của nguyên soái.
Lúc này Lý Quang Bật đóng giữ ở Thái Nguyên, bao nhiêu quân sĩ phần lớn đều đã đi canh giữ ở phương bắc, ở Thái Nguyên chỉ còn khoảng một vạn người. Tướng giặc là Sử Tử Minh dẫn hơn mười vạn lính đến đánh thành Thái Nguyên.
Các tướng đều xin tu sửa thành trì để đợi giặc. Quang Bật nói:
– Thành Thái Nguyên này chu vi có tới bốn mươi dặm, tu sửa không phải dễ, quân giặc sắp tới mới lo chữa chạy, thì chưa trông thấy giặc đã mệt mỏi rồi!
Liền lệnh cho quân sĩ đào hầm hố, đào rãnh sâu dài hàng mấy nghìn thước. Đến khi quân giặc đánh ngoài thành, Quang Bật liền lệnh cho lấy ngay bùn đất ở các lũy mới đắp thêm vào bên trong thành, để chống giữ lâu dài. Quân giặc đánh phá hơn một tháng, chẳng có chỗ nào sụt lở. Quang Bật lại tìm được ở xưởng đúc tiền, ba anh em thợ đúc rất giỏi việc đào khoét địa đạo, liền gọi đến thưởng cho rất hậu, rồi sai dẫn thêm nhiều người, đào thật nhiều địa đạo để chờ giặc. Có một tên giặc đang ngửa mặt lên thành mà chửi, Quang Bật sai người từ địa đạo giơ tay kéo chân tên này xuống, giải lên mặt thành mà chém đầu. Từ đó quân giặc làm gì cũng cứ chằm chằm nhìn xuống chân mình.
Quang Bật làm pháo lớn, bắn đá to, mỗi một phát bắn ra là chết hàng chục tên giặc, nên Sử Tử Minh phải lui trại quân ra phía ngoài thành hàng mấy chục bộ nữa. Quang Bật lại sai người sang trại giặc nói dối là lương thực trong thành đã cạn, hẹn với quân giặc ngày giờ ra hàng. Tử Minh tin lời, nên không phòng bị gì nữa. Quang Bật ngầm sai người đi trong địa đạo, đến doanh trại quân giặc, đem theo những tấm gỗ che chống. Đến hẹn rồi, sai hơn hai nghìn người, cưỡi ngựa ra khỏi thành, giả dạng như kiểu ra hàng. Quân giặc trông thấy từ xa, hoa chân múa tay đón, thình lình đất dưới chân sụt xuống sâu, chận chết vô số, lũ giặc kinh hoàng. Quan quân cứ trống dong cờ mở mà xông hết ra khỏi thành, chém quân giặc kể có hàng vạn. Tử Minh đành phải dẫn quân sĩ bỏ chạy.
Quang Bật dâng biểu báo tin thắng trận. Quảng Bình Vương thấy Thái Nguyên vốn là yếu địa, nay bị vây hãm, định sai tướng đến giải vây nhân nghe thắng trận mới thôi. Quách Tử Nghi thấy Hà Đông nằm giữa hai kinh, chỉ cần lấy được Hà Đông thì có thể thu lại. Lúc này tướng giặc là Thôi Càn Hựu đang đóng giữ Hà Đông. Tử Nghi mật sai người lẻn vào Hà Đông, tìm đến các tướng sĩ quan lại nhà Đường bị giặc bắt theo, hẹn ước làm nội ứng để trong ngoài cùng đánh. Thôi Càn Hựu vì vậy không chống đỡ được, phải bỏ thành mà chạy. Tử Nghi dẫn quân đuổi theo, chém đầu rất nhiều. Càn Hựu may mà chạy thoát, Hà Đông về với triều đình.
Chính là:
Tướng tài Quách Lý hai người
Tiên công phòng thủ trong ngoài thắng to.
Túc Tông liền lấy Tử Nghi làm Thiên hạ binh mã phó nguyên soái giao cho lo khôi phục hai kinh. Bỗng nghe tin Vĩnh Vương Lý Lân ở Giang Lăng tiếm nghịch xưng hoàng đế. Nguyên là Lý Lân đã ra trấn giữ Giang Lăng từ trước, cậy mình giầu có, nhiều người ngựa, khí giới, kiêu ngạo không phục ai, nghe tin Túc Tông lên ngôi ở Linh Vũ bèn cùng bộ tướng, liêu thuộc bàn bạc, rằng thái tử có thể tự xưng ngôi báu, thì ta có cả một vùng Giang Lăng, sao lại không thể làm chúa một vùng, để tính chuyện khởi nghiệp riêng.
Túc Tông sợ chuyện tranh giành, mới xuống chiếu sai sứ bãi chức bắt ngay về Thục, Lý Lân không chịu, quyết chí phản nghịch, tự xưng hoàng đế, ý muốn chiêu nạp các hiền tài, để cho dân chúng trông vào. Nghe tin Lý Bạch lui về ẩn ở Lưu Sơn, cách Giang Lăng không xa, sai sứ mời đến. Lý Bạch chối từ không đến. Lý Lân bèn sai người rình sẵn, chờ Lý Bạch ra khỏi nhà, bắt đưa về Giang Lăng, buộc nhận quan chức, Lý Bạch cố từ không chịu, Lý Lân không thể nào thay đổi ý của Lý Bạch, chỉ đành như giam lỏng, không cho Lý Bạch trở về.
Túc Tông nghe tin Lý Lân làm phản, một mặt làm biểu dâng lên thượng hoàng rõ, một mặt sai Hoài Nam Tiết độ sứ Cao Thích, cùng phó sứ Lý Thành Vũ dẫn quân hỏi tội.
Lúc này nội giám Lý Phụ Quốc luồn lách trong cung, cùng với Trương Hoàng hậu chuyên quyền. Lại thêm nội giám Biên Lệnh Thành, nhân bị giặc ghét bỏ, bèn từ phía giặc chạy trốn về hành tại, nhờ cậy Lý Quốc Phụ để được dùng. Lý Bí bèn tâu rằng:
– Lệnh Thành là hoạn quan, may được chúa thượng giao cho việc lớn, ngoài thì cầm binh quyền, trong thì quản cung cấm, mà giặc tới hàng, đem tất cả chìa khóa cung cấm giao cho giặc, rõ ràng là phản nghịch. Tội thật đáng giết.
Túc Tông liền sai giải Lệnh Thành ra chém đầu, để làm gương cho những kẻ theo giặc. Lúc này Lý Quốc Phụ cũng tâu rằng:
– Hàn lâm học sĩ Lý Bạch hiện đang là kẻ bày mưu tính kế cho phản nghịch Lý Lân. Lẽ nên sai binh quan ghi vào sổ những kẻ theo giặc, đợi đến khi thái bình, án theo quốc pháp mà trị tội.
Tại sao Phụ Quốc lại bỗng nói tới chuyện này? Chỉ vì lúc Lý Bạch còn ở triều, làm thơ uống rượu rất ngang tàng, phẩm hạnh cao thượng, không thèm để ý đến bọn hoạn quan, nên bọn này đều ghét Lý Bạch. Nay Phụ Quốc tâu thế, một phần cũng hợp ý triều đình đang tìm những kẻ theo giặc để trừng phạt, phần nữa là bực tức chuyện Lý Bí tâu xin nhà vua giết mất Lệnh Thành. Nay y kể tội Lý Bạch để mọi người thấy rằng, hạng văn nhân danh tiếng, được hoàng thượng thương yêu đến thế, cũng vẫn theo giặc như thường, nào dâu chỉ kẻ hoạn quan mới xấu thôi đâu!
Túc Tông làm theo lời tâu, truyền ngay lệnh xuống pháp ty. Việc này làm kinh động Quách Tử Nghi, Tử Nghi nghĩ ngợi: “Năm trước Lý Bạch cứu tính mạng ta, ơn lớn chưa đền, nay há có thể ngồi nhìn hay sao?”. Liền ngay trong đêm viết biểu, sáng hôm sau phủ phục trước sân rồng dâng lên.
Tờ biểu đại lược như sau:
“Hạ thần trộm xét thấy Lý Bạch xưa là bề tôi hầu việc thơ văn được thượng hoàng gia ơn, đặc cách bổ dụng, nhưng cố ý xin về nghỉ, nằm không ở Lư Sơn. Coi đó cũng đủ biết tư cách làm người của họ ra sao. Nay không may bị nghịch tặc ở cõi xa ức hiếp. Hạ thần nghe rằng lúc đầu Lý Bạch cố ý chối từ, kế đó bị thúc bách nhiều, bắt buộc phải nhận quan chức của giặc mà vẫn không đổi.
Thế mà các quan xét cho Lý Bạch là phản nghịch, thần e rằng quá nặng. Hạ thần xin đem tính mạng cả gia quyến, hơn một trăm người bảo lãnh cho họ Lý. Hạ thần đã từng chịu ơn sâu của họ Lý ngày trước, nhưng thật không dám vì ơn riêng mà dâng lời bênh vực cuồng xiên. Sau này mọi sự yên ổn, sẽ có trăm tai nghìn mắt dân chúng làm chứng điều phải trái. Nếu thần nói sai, gia quyến một trăm mạng cam chịu phép nước.
Cẩn tấu!”
Túc Tông xem biểu, lệnh cho pháp ty hãy để án này lại đó, đợi ngày yên hàn rồi sẽ quyết. Về sau Vĩnh Vương Lân đại bại phải tử, quan lại sở tại bắt giải lũ người theo Lý Lân về chờ ngày xử quyết. Lý Bạch vì thế cũng bị giam trong nhà ngục ở Tầm Dương. Triều đình nhân có Quách Tử Nghi đã viết biểu tâu, đặc sai quan đến tra xét. Quan trở về tâu rằng: Lý Bạch quả có bị Lý Lân ức hiếp, không như những kẻ theo giặc khác, tội đáng được giảm. Vì vậy có thánh chỉ truyền Lý Bạch đi đày dài hạn ở Dạ Lang 1, còn lại lũ theo giặc kia, tất cả đều phải tội chết.
Năm Càn Nguyên, ban chiếu đại xá thiên hạ, Lý Bạch mới được tha trở về, đến địa giới huyện Đương Đồ, ngồi trên thuyền vừa ngắm trăng vừa uống rượu say sưa, muốn vớt ánh trăng dưới đáy nước nên đâm dầu xuống sông rồi chết. Người hai bên bờ, lúc này bỗng thấy Lý Bạch cưỡi cá chép lớn, bay lên trời mà đi mất 2. Đó là chuyện sau này.
Chính là:
Mang ơn lắm báo tay hào kiệt
Vô lội đi đày, khổ Trích Tiên
Anh hùng đem nhà đền nghĩa cũ
Trích Tiên chán sống bỏ thăng thiên.
Hãy nói chuyện khác, Túc Tông lấy Quảng Bình Vương làm nguyên soái, ý muốn lập luôn làm thái tử. Lý Bí tâu:
– Bệ hạ tức vị ở Linh Vũ, chính là do việc quân bức bách, phải gấp rút có chính danh phân xử mọi việc. Nhưng nay muốn lập thái tử thì lại nên thỉnh mệnh thái thượng hoàng. Nếu không hậu thế sẽ không hiểu hết cái thế bất đắc dĩ của bệ hạ vậy.
Quảng Bình Vương cùng từ chối mà thưa:
– Hiện nay bệ hạ cũng chưa được sớm hôm chăm sóc thượng hoàng, thần đâu dám lĩnh ngôi Đông cung.
Túc Tông vì vậy tạm để ngôi thái tử chưa định vội. Kiến Ninh Vương nói riêng với Lý Bí rằng:
– Anh em ta đều bị bọn Lý Phụ Quốc, Trương Hoàng hậu ghen ghét. Hai người này chuyên tâu những lời bài xích. Ta phải sớm trừ cái họa này mới xong.
Lý Bí đáp:
– Điều này thì thần chưa nghe thấy. Xin hãy cẩn thận, đừng bàn luận rộng rãi vội!
Kiến Ninh Vương không nghe, nhiều lần trước mặt Túc Tông, kể tội họ Lý, họ Trương. Hai người này cùng bàn cách xiểm nịnh, vu cho Kiến Ninh tìm cách hãm hại Quảng Bình Vương, để mưa đoạt ngôi thái tử. Túc Tông vội vàng tức giận, truyền chỉ giết chết Kiến Ninh Vương. Lý Bí muốn can thì việc đã rồi. Khá tiếc một người hiền như thế, chỉ vì những lời bịa đặt, đến nỗi bỏ đời. Nhớ lúc Túc Tông còn ở ngôi Đông Cung, bị Lý Lâm Phủ ghen ghét, chịu bao nhiêu kinh hoàng, mà vẫn không lấy đó làm răn. Nay giặc lớn chưa diệt, mà đã giết mất con hiền, sao lại nhẫn tâm đến thế. Người đời sau có thơ than:
Giá con vì nghe gièm
Thượng hoàng đầu têu đó
Túc Tông thật nhẫn tâm
Kiến Ninh chết xấu số
Nhớ chăng thuở Đông cung
Nơm nớp sợ tai ương
Nay sao theo vết cũ
Để miệng chúng vào ra
Vua cha không sáng suốt
Tôi con chịu oan gia
Lũ đàn bà ghen tuông
Cùng hoạn quan nịnh nọt
Tội băm vằm không tha.
Năm thứ hai đời Chí Đức, Túc Tông ngự giá tới Phượng Tường, lệnh cho Quảng Bình Vương cùng Quách Tử Nghi hưng binh khôi phục hai kinh.
Quách Tử Nghi xin được nhờ kỵ binh rất tinh nhuệ của Hồi Hột giúp thêm cho. Khả Hãn Hồi Hột liền cho con trai là Diệp Hoạch, kéo một vạn quân đi trước tiếp ứng. Túc Tông hứa sẽ trọng thưởng. Diệp Hoạch xin là khi nào chiếm được thành, đất đai, sĩ dân thì thuộc về triều đình, vàng lụa cùng đàn bà con gái thì thuộc về Hồi Hột. Túc Tông trong lúc muốn mau thắng trận nên đành phải nghe theo. Lại tập hợp thêm các lính cưỡi ngựa phương bắc, cùng Tây Vực, cộng tất cả được mười lăm vạn người.
Lý Bí hiến kế, trước nên đánh vào Phạm Dương, lật nhào sào huyệt của giặc.
Túc Tông phán:
– Đại quân đã tập hợp, lẽ nên đánh thẳng vào Trường An, chẳng nên làm khổ binh lính, lại phải đánh vào Phạm Dương trước.
Lý Bí thưa:
– Nay phần lớn binh sĩ đều người phương Bắc quen với rét buốt mà ngại nóng bức. Hãy thừa lúc họ vừa mới đến còn đang hăng hái, đánh vào nơi đã suy yếu, thì hai kinh cũng thu về. Nay nếu đánh hai kinh trước, giặc sẽ chạy về sào huyệt, quen thuộc vùng Quan Đông, mùa xuân kịp về, quan quân tất nhớ nhà, giặc lại có thời gian dưỡng nuôi người ngựa để chờ quân triều đình kéo lên, hoặc lại tự ý kéo xuống, thì chiến trận chẳng biết đến bao giờ mới xong. Chi bằng kéo ngay lên phương Bắc, khử trừ sào huyệt, giặc chẳng còn nơi quay về. Sau đó nhóm toàn quân mà vây giặc, thì gì mà chẳng tóm gọn.
Túc Tông phán:
– Lời bàn của khanh hay lắm, nhưng trẫm lâu nay chẳng được thăm hỏi thượng hoàng, ý cũng muốn khôi phục ngay hai kinh, để đón thượng hoàng về, chẳng nên chờ lâu hơn nữa.
Liền không nghe theo kế của Lý Bí, cho binh mã tiến về Tây Kinh.
Quân đội kéo đến phía tây thành Trường An, bày trận ở phía đông Lễ Thủy. Lý Tự Nghiệp dẫn tiền quân, Quảng Bình Vương, Quách Tử Nghi, Lý Bí dẫn trung quân, Vương Nguyên Lễ dẫn hậu quân. Quân giặc mấy vạn, bày trận ở phía Bắc Lễ Thủy. Tướng giặc là Lý Quy Nhân cưỡi ngựa khiêu chiến, Quách Tử Nghi dẫn tiền quân đối địch. Quân giặc ùa cả ra, quân triều đình ít hơn, Lý Tự Nghiệp cởi trần vác giáo, xông lên trước hàng quân, miệng gào lớn kêu gọi, giết ngay được mấy chục tên giặc. Quan quân vì vậy phấn chấn hẳn lên, đều cắp trường thương, như bức thành mà xông lên, quân giặc đương không nổi. Có Đô tri binh mã là Vương Nam Đắc, bị quân giặc bắn trúng mí mắt, thịt lòi hắn ra, che kín cả mắt lại. Nam Đắc tự mình rút ngay mũi tên, dứt cả miếng thịt, máu chảy đầy mặt mà vẫn xông lên không chịu lùi.
Quân giặc phục sẵn đội kỵ mã tinh nhuệ ở phía Đông trận địa, hòng để tập kích vào quân sĩ triều đình lúc bất ngờ sau này, Quách Tử Nghi dò biết được, liền sai ngay Sóc Phương tả sương binh mã sứ Bộc Cô Hoài dẫn quân Hồi Hột, đột ngột kéo đến chận ra mà đánh, chém giết gần hết, Lý Tự Nghiệp lại dẫn binh Hồi Hột, vòng ra phía sau quân giặc, cùng công kích với toàn quân. Vương Nguyên Lễ cũng dẫn hậu quân ập tới, ra sức chém giết. Từ giờ ngọ cho tới giờ dậu 3, chém cả thảy được hơn sáu vạn thủ cấp. Quân giặc thua to, tàn quân chạy trốn vào trong thành, suốt cả đêm chiến trận vẫn nghe vang dội khắp vùng.
Cho tới sáng hôm sau, quân thám mã về báo, tướng giặc Lý Quy Nhân, An Thủ Trung, Điền Cần Chân, Trương Thông Như đều đã bỏ chạy. Quảng Bình Vương liền dẫn quân sĩ vào Tây Kinh. Trăm họ già trẻ ra đầy đường mà đón rước. Diệp Hoạch đòi theo như lời hẹn, cứ thế mà cướp vàng lụa, con gái.
Quảng Bình Vương xuống ngựa, lạy trước ngựa của Diệp Hoạch mà rằng:
– Nay vừa mới thu được Tây Kinh, nếu mà cứ kiểu cướp bóc thế này, thì dân chúng Đông Kinh tất theo giặc mà cố thủ, khó mà lấy được. Xin hãy chờ khi lấy được Đông Kinh rồi, sẽ theo lời ước hẹn vậy.
Diệp Hoạch cũng hoảng hết xuống ngựa, nâng Quảng Bình Vương dậy mà ôm lấy chân thưa rằng:
– Vậy xin theo điện hạ tới Đông Kinh.
Liền cùng Bộc Cố Hoài dẫn quân bản bộ cùng binh mã Tây Vực, qua cửa nam của Trường An, không hề dừng lại, kéo về Đông Kinh.
Dân chúng thấy Quảng Bình Vương vì trăm họ mà phải xuống ngựa lạy đều rơi nước mắt thán phục.
Vì dân mà chịu khuất thân
Người người thán phục mà dân được nhờ
Lính Phiên cảm nghĩa nhà vương
Buông tay cướp của, bớt lòng dục dâm!
Quảng Bình Vương ở Trường An ba ngày, rồi kéo đại binh đi Đông Kinh, dâng thư về hành tại báo tin đại thắng, trăm quan đều tới chúc mừng. Túc Tông ngay hôm sau dâng biểu, sai sứ Đạm Đình Giao, vào Thục tâu lên thượng hoàng, mời xa giá về Tây Kinh trở lại ngôi báu. Lại sai thân vương về ngay Tây Kinh, tế cáo tôn miếu, phủ dụ bách tính, mặt khác lại sai người phi ngựa như bay đến quân doanh, triệu ngay Lý Bí về. Lý Bí ngày đêm về Phượng Tường ra mắt Túc Tông, hỏi nguyên cớ triệu về. Túc Tông đáp:
– Trẫm nghe Tây Kinh báo tin đại thắng, đã lập tức dâng biểu lên thượng hoàng, mời xa giá về Tây Kinh trở lại ngôi báu, trẫm nguyện quay về phủ Đông cung, để trọn đạo làm con. Chưa rõ ý khanh nghĩ ra sao, nên muốn gặp mặt hỏi ngay.
Lý Bí ngạc nhiên hỏi:
– Thế biểu bệ hạ đã gửi đi chưa?
Túc Tông đáp:
– Gửi rồi?
Lý Bí tiếp:
– Có thể lấy lại được chăng?
Túc Tông đáp:
– Đã đi xa lắm rồi. Nhưng sao lại phải lấy lại?
Lý Bí xuýt xoa mà thưa:
– Thượng hoàng chẳng chịu về đâu!
Túc Tông kinh ngạc hỏi tại sao. Lý Bí thưa:
– Bệ hạ đã lên ngôi, đổi niên hiệu đã được hai năm, nay bỗng dâng biểu như vậy, trong lòng thượng hoàng nghi hoặc, không chút yên lòng, thì làm sao lại bằng lòng về cho được!
Túc Tông chợt nhận ra, dậm chân mà than:
– Trẫm xin lui về giữ ngôi thái tử vốn là thành tâm, nay như lời khanh nói, thì thật là làm lỡ việc mất rồi. Biểu đã dâng lên, làm thế nào bây giờ?
Lý Bí bèn thưa:
– Nay bệ hạ hãy làm ngay một tờ biểu khác do trăm quan đứng ra mừng đại thắng, nói rõ từ khi bệ hạ được giữ lại ở trạm Mã Ngôi, lên ngôi vua ở Linh Vũ, nay hai kinh đã sắp thu về, lúc nào lòng những mong được sớm hôm chăm nom thượng hoàng, nên xin mời về cung, để tròn chữ hiếu thuận. Như thế thì thượng hoàng sẽ yên lòng mà vừa ý quay về chăng!
Túc Tông lia lịa khen phải, lệnh cho Lý Bí thảo ngay biểu, rồi lập tức sai trung sứ Thôi Hoắc Quang vào Thục dâng lên.
Chẳng cần phải nói cũng biết ngay là Đạm Đình Giao từ Thục quay về, truyền lời phán của thượng hoàng rằng:
– Hãy để cho ta riêng một quận Kiếm Nam, ta tự cung phụng lấy. Ta không về đâu!
Túc Tông bàng hoàng không biết xử trí ra sao. Chờ mấy ngày sau, Thôi Hoặc Quang quay về thưa tiếp:
– Thượng hoàng lúc đầu nghe bệ hạ dâng biểu xin lui gót ngôi thái tử, băn khoăn bỏ cả ăn ngủ, nhất định không chịu về đông. Mãi đến khi có biểu mừng của trăm quan tới, mới chịu ăn cơm, uống thuốc, hạ tờ cáo định ngày quay về Trường An.
Túc Tông nghe ra, cả mừng, gọi Lý Bí vào cung kể rõ cho nghe, rồi phán:
– Tất cả đều do công của khanh đấy!
Nhân đó mời bày tiệc cùng ngồi. Đêm ấy giữ lại cùng ngủ một giường ở trong cung.
Chính là:
Ghế chúa chuyện trò Vương Trọng phụ
Giường vua thức ngủ Hán Nghiêm Lăng. 4
Lý Bí vốn không ham gì chuyện quan chức, từ lâu đã có ý bỏ quan mà về. Nhân lúc này mới đưa lời tâu:
– Thần đã ít nhiều báo được ơn thánh đế, nay xin hãy theo lời hứa cũ mà tha cho thần về nghỉ ngơi.
Túc Tông đáp:
– Khanh từ lâu đã cùng trẫm lo lắng trong cơn hoạn nạn, nay trẫm đang định cùng khanh hưởng chuyện yên vui. Sao khanh đã vội tính chuyện bỏ đi cho đành?
Lý Bí thưa:
– Thần có năm điều không thể ở: Thần gặp bệ hạ sớm quá, thần được bệ hạ yêu quá, thần được bệ hạ tin cậy quá, công thần lớn quá, hành tung của thần cũng khác người quá: Vì năm điều đó nên dù thế nào cũng không ở lại vậy!
Túc Tông cười đáp:
– Thôi hãy ngủ ôi! Ngày khác sẽ bàn?
Lý Bí vẫn chưa chịu:
– Bệ hạ nay với thần chung giường cùng ngủ, còn chẳng nghe lời xin của thần, huống chi ngày khác ngay trước án rồng. Bệ hạ ngồi trên chín tầng điện cao, không cho thần về quê cũ thì thật là giết thần vậy!
Túc Tông kinh ngạc hỏi:
– Sao khanh lại nghi ngờ trẫm đến thế? Trẫm có khi nào định giết khanh đâu?
Lý Bí thưa:
– Giết thần không phải bệ hạ, mà chính là năm điều đã nói. Bệ hạ lâu nay đãi thần hậu đến thế, thần không thể nào nói hết mọi điều để thờ bệ hạ. Huống chi mai kia thiên hạ thái bình rồi, thần còn mong gì được thánh thượng mời đón, nói gì đến chuyện khác nữa.
Túc Tông phán:
– Những lời của khanh có phải vì vừa rồi trẫm không nghe theo lời khanh đánh Phạm Dương chăng?
Lý Bí thưa:
– Thần đâu có nhân việc đó. Thần suy từ việc Kiến Ninh Vương mà thấy vậy!
Túc Tông nói:
– Kiến Ninh định giết anh, trẫm bất đắc dĩ phải trừ đi vậy!
Lý Bí thưa:
– Kiến Ninh Vương nếu có lòng như thế, thì Quảng Bình Vương đã vô cùng căm giận rồi. Nay mỗi lần nói chuyện với thần, Quảng Bình Vương đều nhận là oan uổng, thường sa nước mắt. Huống chi bệ hạ lúc ấy còn muốn dùng Kiến Ninh Vương làm nguyên soái, thần xin dùng Quảng Bình Vương. Nếu như Kiến Ninh Vương có ý giết anh, thì phải rất ghét thần mới đúng, nhưng ngay hôm đó, lại khen thần tận trung, ngày càng thân thiết. Cứ như thế cũng đủ thấy tấm lòng Kiến Ninh Vương ra sao.
Túc Tông nghe nói, bất giác rơi nước mắt mà rằng:
– Khanh nói như thế, trẫm thấy mình sai rồi. Những chuyện đã qua, biết chữa như thế nào được!
Lý Bí thưa:
– Thần không phải để ý gì đến lỗi lầm đã qua, mà chính là để nhắc bệ hạ hãy thận trọng những việc sắp tới. Nhớ thuở xưa, Thiên Hậu 5 đánh thuốc độc giết chết thái tử Hoàng, để đến nỗi người con thứ là Hiền lo lắng, mà làm bài từ “Hoàng đài qua”, quả dưa ở dưới suối vàng, có hai câu rằng:
Lan đầu hái một quả dưa
Lần sau quả nữa, dễ chưa vừa lòng?
Nay bệ hạ cũng đã hái một quả, xin hãy đừng hái thêm nữa.
Lý Bí biết Trương Hoàng hậu rất gờm công lao của Quảng Bình Vương, thường ngày vẫn không ngớt dèm pha, chỉ sợ lúc nào đó Túc Tông lại nghe theo, nên cố tình nói thế. Lúc này Túc Tông nghe xong, bèn thổn thức mà phán rằng:
– Làm sao lại có chuyện thế được. Nhưng những lời dặn chân thành của khanh, trẫm xin luôn đeo ở bên mình một cách cẩn thận vậy!
Lý Bí lại nói việc xin về nghỉ. Túc Tông đáp:
– Hãy chờ Đông Kinh báo tin thắng trận, trẫm vào Tây Kinh đã rồi sẽ bàn.
Mấy ngày sau, tin mừng ở Đông Kinh đưa tới, nói rõ rằng, quân giặc sau khi thua to ở Tây Kinh thu thập tàn binh về giữ Thiểm Thành. An Khánh Tự sai Trang Nghiêm đem binh cứu viện. Quách Tử Nghi đón giặc ở Tân Điếm, Diệp Hoạch dẫn binh bản bộ truy kích, trước sau cùng ập đánh giặc thua to thây chất đầy đồng, phải bỏ Thiểm Thành mà chạy. Tử Nghi liền chia quân làm nhiều đường đuổi theo. Trang Nghiêm quay về Đông Kinh, khuyên An Khánh Tự bỏ Đông Kinh, dẫn quân sĩ chạy về Hà Bắc, sắp bỏ thành, còn kịp giết hơn ba mươi tướng nhà Đường bị bắt, trong đó có Kha Thư Hãn. Chỉ riêng có Hứa Viễn thì đâm cổ mà tự tử.
Quách Tử Nghi đưa Quảng Bình Vương vào thành Đông Kinh, lấy tất cả của kho giao cho Diệp Hoạch. Lại lệnh cho dân gian thu nạp hơn một vạn tấm lụa gấm đưa cho Diệp Hoạch, để xin đừng giở chuyện cướp bóc. Trăm họ đều hoan hỉ mà theo.
Chính là:
Tướng giỏi dùng lính Phiên
Vua sáng cậy tới hiền
Thu phục lại đất nước
Vua tôi cùng đáng khen.
Túc Tông nghe tin mừng lắm, liền sai ngay Vi Kiến Tố đem biểu vào Thục dâng tin thắng trận. Theo đó phái Tần Quốc Mô, Tần Quốc Trinh cũng đi ngay Thành Đô để đón hoàng thượng. Chọn ngày tốt, Túc Tông lên xe rồng đi Tây Kinh, chờ ngày hoàng thượng hồi loan.
Lý Bí cũng dâng biểu, xin được như lời ước, cho về núi cũ. Túc Tông biết chí Lý Bí đã quyết, liền ban lời an ủi, rồi tạm cho về nghỉ. Ngay ngày hôm sau, Lý Bí tạ ơn lui tới sân rồng, tìm đến ẩn cư ở dãy Hành Sơn. Sau này khi Quảng Bình Vương lên ngôi, lại có mời Lý Bí ra một lần nữa, thế là thờ vua qua hai triều, chính tích có nhiều lời hay việc tốt. Chuyện không nói nữa.
Đáng tiếc Túc Tông chẳng nghe theo kế sách đánh ngay vào Phạm Dương, để đến nỗi tuy đã thu phục hai kinh, nhưng giặc vẫn chẳng trừ hết, sau loạn của cha con họ An, lại kể đến sự phản nghịch của cha con họ Sử, khổ quân hại dân, mãi về sau vẫn chưa yên. Cũng may cuối cùng, Lộc Sơn bị con là Khánh Tự giết, rồi Khánh Tự lại bị bề tôi là Sử Tử Minh đâm chết, thần phản loạn, con nghịch tử, dằng dai báo ứng. Nhưng đó là những chuyện sau này cả, nay hãy theo gót thượng hoàng về Kinh Đô xem sao.
Chính là:
Ngày nào đường Thục gian nan
Nay mừng đất cũ hồi loan thái hòa.——————————–
1Dạ Lang: nay thuộc huyện Đồng Tử, tỉnh Quý Châu. 2Tất nhiên đây chỉ là huyền thoại. Theo “Lịch sử văn học Trung Quốc”, Quyển 2, của Viện khoa học Trung Quốc, thì Lý Bạch chết bệnh ở nhà ông chú họ là Lý Dương Bằng, làm huyện lệnh Đương Đồ, thọ 62 tuổi, vào năm 762. 3Giờ ngọ: từ 11 giờ đến 1 giờ. Giờ dậu: từ 17 giờ đến 19 giờ. Như vậy chiến trận kéo dài bảy giờ liền. 4Vương Đạo: giúp ba đời vua nhà Tấn, được tôn xưng là trọng phụ. Nghiêm tăng: bạn thân của Hán Quang Vũ. Nghiêm tăng không chịu làm quan. Quang Vũ mời đến chơi, giữ lại đêm, ngủ chung giường. Nghiêm Lăng gát chân lên bụng. Quang Vũ vẫn cười không nói gì (Tẩm nguyên từ điển) 5Tức Vũ Tắc Thiên.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!