Thiền Của Tôi - Chương 25
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
148


Thiền Của Tôi


Chương 25


Một phần tình yêu biến mất ở Buenos Dù giường bạn có lớn bao nhiêu, có mềm mại bao nhiêu, có ấm áp bao nhiêu, bạn vẫn phải xuống giường.

– Grace Slick –

Xin nhớ rõ, tất cả chúng ta trên thế giới này đều cô độc một mình

– Lily Tomlin –

Vạn vật dưới thiên hạ đều biến hóa không ngừng.

– Kinh dịch –

Buenos Aires – Mùa hè.

Tất cả mọi người ở đây đều nhiệt tình và thân thiện. Dù nguy cơ kinh tế không thể thảm hại hơn được nữa, nom mọi người vẫn lương thiện và vồn vã. Nhưng người ta càng khát khao được đọc. Trong đêm tối lành lạnh, đốt ngọn đèn dầu, đọc một cuốn sách. Thứ tình cảm kiểu cổ điển đó như được sống lại trong bối cảnh xã hội có nền kinh tế sa sút. Thật đúng là may mắn trong bất hạnh.

Trong cái thành phố tràn ngập cây cổ thụ và bầu trời xanh, trong khách sạn Marriott năm sao do nhà xuất bản đặt sẵn, tôi bận rộn mất hai ngày.

Tất cả các cuộc phỏng vấn đều được diễn ra trong tiệm cà phê ở tầng trệt, đôi khi có sang công viên bên cạnh chụp một số hình. Trong bầu không khí chân thành và thương cảm rất cổ điển như vậy không cho phép bất kỳ sự giả tạo nào. Tôi phát hiện thấy mình dùng trái tim, chứ không phải dùng trí não khi giao lưu với mọi người xung quanh.

Tôi bị mê mẩn bởi ánh mắt buồn rầu và lóe sáng của mọi người, bởi những cây cổ thụ chọc trời chỉ vốn có ở vùng Nam Mỹ trong công viên, bởi bầu không khí như trong giấc mộng, bởi giáo đường đối diện không xa và bởi thảm cỏ bên ngoài căn phòng tôi.

Thậm chí, đôi khi tỉnh giấc giữa đêm, tôi cũng có cảm giác nhiều linh hồn đang đi lại, nhảy múa, thì thào tâm sự trên thảm cỏ. Có lẽ họ đến từ giáo đường kia. Họ cô đơn tới phát điên, muốn giao lưu với con người. Họ hiếu kỳ đi lại bên ngoài của phòng một cô gái trẻ Trung Hoa. Ở đây rất hiếm hoi được nhìn thấy người Trung Quốc. Giới báo chí ở đây còn gọi tôi là nhà văn Trung Quốc đầu tiên tới đây.

Sáng ngày thứ ba, tôi vẫn còn đi dạo trong một giấc mơ kỳ bí, chợt nghe thấy tiếng cửa phòng mở. Thuốc ngủ còn sót lại trong đầu khiến tôi không tài nào mở nổi mắt, nhưng tôi biết ai tới.

Anh dừng lại ở phòng khách một lát, trả tiền boa cho nhân viên. Rồi nghe thấy tiếng anh vào phòng tắm, sau một hồi xối nước, tôi nghe thấy tiếng cửa phòng ngủ được kéo ra. Anh nhẹ nhàng đi tới bên giường, cúi xuống hôn tôi. Trên môi anh còn đọng lại hơi sương sớm mát lạnh như bạc hà.

Tôi vẫn nhắm nghiền mắt, giơ hai tay ra ôm chầm lấy anh.

Muju mang theo mấy hộp trà xanh Nhật Bản làm quà tặng cho ban biên tập và lãnh đạo nhà xuất bản. Chỉ giữ lại một hộp cho chúng tôi dùng buổi sáng để tỉnh táo đầu óc. Trà Nhật Bản và trà Trung Quốc hầu như không có gì khác biệt. Chỉ có điểm khác là người Nhật thích nghiền nát các là trà thành vụn cám.

Những lúc tôi bận rộn công việc ở tiệm cà phê, Muju một mình vác ba lô, cầm bản đồ và máy quay phim mini đi thăm thú các hang cùng ngõ hẻm ở Buenos.

Vào lúc chiều tối, anh quay về, ngồi ở một góc xa trong tiệm cà phê, vừa uống trà vừa nhìn tôi. Đây là lần đầu tiên anh ngắm tôi trong lúc tôi đang làm việc. Tôi có thể thấy rõ tình yêu chứa chan trong mắt anh. Anh tự hào về tôi.

Sau khi công việc kết thúc, một đám người ngồi trên xe, rồi lại ngồi thuyền nhỏ ra nhà hàng bên hồ ăn cơm. Khi đi băng qua khu nhà giàu, Lucy – cô gái đi cùng chúng tôi chỉ về một biệt thự lộng lẫy chiếm gần hết dãy phố, nói: “Mọi người nhìn kìa, tổng thống của chúng tôi sống ở đó”. Một người khác tiếp lời: “Thực ra, tổng thống của chúng tôi luôn ở phòng làm việc. Ông bận rộn biến cái đất nước này thành một bãi hổ lốn”.

Chúng tôi tới bên hồ, ngồi trên con thuyền nhỏ. Tôi không nhớ rõ tên hồ, nhưng trong lòng người dân ở Buenos, đó là một kỳ tích. Lucy kể, rừng cây rậm rạp bên hồ từng che chở không ít chiến sĩ cách mạng bị truy sát trong thời kỳ cách mạng Nam Mỹ. Trong đó có không ít nhà thơ, nhà văn, các nghệ sĩ tiến bộ. Ở đây giao thổng không thuận lợi, khúc sông ngoằn nghèo đan xen, địa hình phức tạp, gần như tuyệt giao với thế giới bên ngoài. Quả thực là vùng đất lý tưởng cho chốn nương thân tránh nạn.

Chúng tôi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ có tiếng mô tơ đập ùm ùm, chăm chú quan sát những căn nhà rải rác và đám cây cối kín mít h ai bên bờ. Chúng giăng mắc trập trùng, tĩnh lặng vô bờ. Trên trời có một vầng trăng vừa to vừa tròn, soi bóng xuống hồ. Sóng nước dập dờn, lắc lơ, như thể khẽ đưa tay cũng có thể chạm tới. Bầu trời ở Nam bán cực vừa sáng rỡ vừa sà thấp.

Thuyền đưa chúng tôi tới một tiệm ăn, neo lại ở cái bến đơn giản được làm từ gỗ, rồi tắt động cơ.

Trong tiệm ăn có tên là “Mèo hoa” có một con mèo hoa béo phị và hai anh phục vụ. Một anh thấp, mập, đầu trọc, mặt mũi rất kịch tính. Cái mũi ngắn và bành lên đặc biệt khiến người ta rất chú ý, y hệt nhân vật nào đó trong tranh hoạt họa khiến bạn phải bật cười. Một anh khác lại cao lỏng khỏng, đầu tóc cũng nhẵn thín. Trên đầu như thể đang bị thương, quấn một lớp băng dầy. Mặt có vẻ không vui. Bạn sẽ không thể nhịn nổi phán đoán mối quan hệ giữa hai con người khá đặc biệt này.

Chúng tôi là khách duy nhất trong tiệm, ngồi ăn bên ban công lộ thiên ở lầu trên.

Nghe nói món pho mát nướng của họ ngon nhất Buenos. Do răng lợi không tốt, tôi ăn cứ như nhai cao su, liền đem phần ăn của mình cho luôn con mèo hoa. Nó liếm tắp lự vào bụng chỉ mất có vài giây, thảo nào mập như vậy. Hai anh phục vụ, một cao, một thấp, lần lượt mang đồ ăn lên. Họ không ngừng cúi xuống dọa con mèo đang ăn ngấu nghiến bên cạnh bàn chúng tôi, khiến nó chạy mất hút.

Lúc này ở Buenos đang vào mùa thu. Buổi tối ngồi ngoài trời cảm thấy rõ từng đợt gió mát lạnh. Hơi nước bốc lên từ mặt hồ dần thấm vào áo quần, dính trên da thịt, như một kiểu kí ức rất lâu trước đây.

Người dẫn đường cho chúng tôi đang hút thuốc. Muju trò chuyện với họ dăm đề tài về tình hình đất nước. Tôi và Lucy nói về Susan ở Tây Ban Nha. Lucy từng sống ở Madrid mười năm, đã quen Susan từ lâu.

Gió đêm từng cơn, bốn bề tĩnh mịch. Đám người ngồi bên hồ, như thể đang ngồi bên cạnh thời gian. Mặt nước trống trải chảy lướt qua chúng tôi, lặng lẽ tuôn về phía trước, mãi cho đến khi hòa vào biển lớn. Nhưng không thể tan biến được. Đó chính là cuộc sống, là giấc mơ.

Tất cả mọi người đều thích Muju. Nụ cười ấm áp của anh, trái tim rộng mở của anh khiến anh tới đâu đều có thể kết giao bạn bè. Anh là dạng người lấy “bốn bể làm nhà, quảng giao kết bạn”, luôn khiến tôi liên tưởng tới những hiệp khách “xách kiếm đi tận chân trời góc biển” trong thời cổ đại phương Đông. Loại đàn ông đó lời nói nghìn vàng, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè, thậm chí dám xả thân vì bạn. Với họ, bạn bè còn quan trọng hơn phụ nữ rất nhiều. Thậm chí trong tiểu thuyết cổ đại Trung Quốc còn kể về một người đàn ông vì muốn cứu đám bạn của mình đang bị chết đói trong thành do kẻ thù vây hãm, cuối cùng đã giết ái thiếp yêu quý của mình cho các bạn ăn.

Muju luôn mặc những bộ đồ thời trang nhất, ấn tượng nhất. Trong cơ thể anh luôn ẩn chứa một linh hồn xưa cũ. Đối với phụ nữ, với bạn bè, anh luôn có thái độ truyền thống tới hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm trước. Sự tồn tại của anh là sự pha trộn giữa thời gian và bùn đất. Anh như một chú báo vừa tò mò vừa không cam tâm, lười nhác xuyên qua cánh rừng công nghiệp hiện đại, để rồi nhanh chóng phát hiện ra thời thơ ấu hạnh phúc của loài người đã kết thúc.

Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi trên thảm cỏ bên ngoài khách sạn, uống trà Nhật Bản, đọc báo tiếng Anh buổi sáng. Bài thứ ba có liên quan tới nguy cơ kinh tế của Argentina, viết rằng hôm qua là lần đầu tiên sau một tháng người Argentina có thể mở lại tài khoản rút tiền. Bên ngoài mấy ngân hàng, người ta xếp hàng dài đến kinh người. Khi đến giờ ngân hàng quy định đóng cửa, người ta phát hiện được xác của ba người già đã chết gục trong đám người xếp hàng vì đói và kiệt sức.

Đồng peso từng trị giá một đô la Mỹ trước đây, nay trượt giá tới mức một đô la Mỹ có thể đổi được ba peso. Lucy nói với tôi: đây mới chính là thời cơ mua sắm được nhiều thứ ở Argentina. Marriott cũng ngập tràn người Mexico và người Mỹ tranh thủ cơ hội đi du lịch để mua sắm. Người Argentina có lẽ cũng cần có thu nhập. Ở đây, người nước ngoài luôn ngửi thấy mùi bi thương và tiêu điều trong không khí, bởi vậy cũng cảm thấy áy náy khôn nguôi.

Sau khi người phục vụ mang đồ ăn sáng ra bãi cỏ và nhận ít tiền boa, tôi và Muju đột nhiên nói với tôi: “Tại sao em lại nhìn cậu phục vụ như thế?”.

Muju nhấp một ngụm trà, thủng thỉnh: “Có lẽ em chưa bao giờ ý thức được điều này, nhưng mọi cử chỉ hành vi của em luôn toát lên một vẻ kiêu ngạo không cần thiết”.

Suýt nữa tôi nôn cả miếng bánh mỳ trong miệng ra, lắp bắp, “Em hoàn toàn không hiểu anh nói gì”. Giọng nói của tôi run rảy, hai tay xoắn lấy nhau, như thể cố gắng kìm hãm bởi nếu mở tay ra, tôi ném ngay bất cứ thứ gì bên cạnh.

Muju tránh ánh mắt của tôi, thái một lát thịt nướng đặt vào đĩa của tôi, “Anh nói thật lòng. Đó chỉ là cảm nhận của anh. Từ lâu, anh đã có cảm giác đó, nhưng giờ đây nói ra vẫn hơn. Có lẽ cách nói của anh quá thẳng thắn. Xin lỗi em”. Tôi vứt khăn ăn xuống, đứng lên đi về phòng.

Tôi rửa mặt bằng nước lạnh, nhìn gương. Đột nhiên cảm thấy có thứ gì đó trong tôi đang tan vỡ, như thể nền kinh tế nước này đang vỡ bung vậy. Đây là lần đầu tiên Muju phê phán tôi thẳng thắng như thế, lại đúng vào thời gian và địa điểm mà tôi không ngờ tới. Đau đớn nhất là khi anh nói đã có cảm giác đó từ rất lâu. Điều này khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Tại sao lâu như vậy mà tôi không hề hay biết? Trong đầu tôi không ngừng lặp đi lặp lại cảnh tôi mỉm cười với người phục vụ và cho cậu ta tiền boa. Không tài nào hiểu nổi có chỗ nào đáng để Muju phải phê phán gay gắt tới vậy.

Tôi ghét cách xin lỗi của anh. Mỗi lần anh nói xin lỗi đều khiến tôi có cảm giác một khoảng cách không tài nào xóa nổi. Anh không thực sự nói xin lỗi với tôi, mà chỉ cảm thấy có lỗi đối với những sự việc không chính xác xảy ra trước mắt anh. Không chỉ một lần, tôi thấy anh là một người đàn ông hoàn hảo. Nhưng lần này cũng chính vì anh quá hoàn hảo, tôi đâm thấy tuyệt vọng và phẫn nộ. Chính anh mới là kẻ luôn mang dáng vẻ ngạo mạn trước mặt tôi. Anh có thể nói với phụ nữ rằng “Em không yêu anh nhiều”, nhưng không thể dễ dàng nói “Em có thái độ ngạo mạn không cần thiết với người khác”. Chỉ có thần thánh mới dùng kiểu nói đó.

Hay là do tôi sai nhỉ? Bởi vì tôi luôn tán thưởng cách thẳng thắng của anh, luôn coi anh như thần tượng, như một sức mạnh giúp tôi trưởng thành hơn.

Tôi thay quần áo, xuống tiệm cà phê dưới lầu. Anh vẫn ở lại trên bãi cỏ chờ thầy giáo dạy tiếng Tây Ban Nha do mấy người bạn Argentina thích anh tìm hộ.

Tôi đau đầu suốt buổi sáng, thường trả lời được một nửa lại không nhớ nổi phóng viên vừa hỏi gì.

Buổi chiều, tôi có ba tiếng đồng hồ rảnh rỗi. Tới chiều tối tôi mới có một cuộc giao lưu với hơn ba ngàn quan khách tại Hội trường Triển lãm Sách quốc tế đang tổ chức tại Buenos.

Trong ba tiếng đồng hồ đó, để bù đắp lại những điều không vui do anh tạo ra trong buổi sáng, theo chỉ dẫn của bên du lịch, Muju sắp xếp một chuyến xe tới một nhà hàng ở một bến cảng.

Thật không may, xe bị lạc đường, cứ vòng đi vòng lại trên những con đường nhỏ ở bến cảng. Thật không thể tin nổi một tiếng đồng hồ trôi qua một cách lãng phí như thế. Anh tài xế chỉ biết dăm từ tiếng Anh xem chừng bất lực. Muju cố giấy vẻ sốt ruột, không ngớt dùng thứ tiếng Tây Ban Nha giả cầy cùng bản đồ chỉ dẫn cho anh tài xế.

Tôi nhìn ra cửa xe bằng bộ mặt vô cảm. Khi chiếc xe đi qua một khu dân nghèo, tôi nhìn thấy một đám nhóc mặc quần áo thể thao bẩn thỉu đang gào thét, đuổi theo trái bóng trên một khoảng đất trống. Trở thành Maradona như thể là hy vọng giúp chúng thoát ly khỏi khu phố nghèo đói này.

Nửa tiếng sau, vẫn không tìm được nhà hàng mà Muju muốn tới. Đột nhiên, tôi nói với anh tài xế: “Xin lỗi, xin dừng xe lại”. Anh ta không hiểu tiếng Anh, khiến tôi phải làm động tác tay, rồi lặp lại lần nữa.

Ba người ngồi phía ngoài một tiệm ăn sạch sẽ như vừa được dội rửa bằng nước nhưng khá bủn xỉn. Trên đường cũng có khách du lịch qua lại. Cách đó không xa có một đôi nam nữ đang biểu diễn tango dưới ánh mặt trời. Cô gái rất xinh đẹp, chân dài, ngực nở, mọi thứ đều hoàn mỹ. Nếu ở Thượng Hải, nhất định cô ta có thể biểu diễn tại câu lạc bộ tốt nhất hoặc lấy được một gã rất giàu có. Điệu nhảy vừa kết thúc, chàng trai chìa mũ ra xin tiền, mọi người đứng xem lập tức giải tán.

Tôi trầm ngâm không nói.

Muju đột nhiên lại cất tiếng: “Em thấy chưa? Cử chỉ ban nãy của em đối với tài xế cũng rất kiêu ngạo”. Khi nói câu này, đôi mắt anh đầy thẳng thắng và ngập tràn vẻ hấp dẫn mê người.

Tôi bật khóc. Tôi giấu mặt dưới chiếc mũ hiệu Chanel và cặp kính râm to hiệu Armani. Nước mắt ngập tràn, tan nát tả tơi.

Mặt trời ở Nam bán cực chiếu rọi xuống con người và đường phố ở một khoảng cách rất gần. Dưới ánh nắng chứa chan, tôi cảm nhận được nỗi thương tâm và oan uổng không lời. “Đừng khóc nữa, em yêu. Chúng ta ăn cơm đi, nếu không buổi giao lưu của em sẽ bị trễ đấy. Những chuyện khác, chúng ta có thể để sau buổi giao lưu thảo luận tiếp”, anh thử an ủi tôi bằng giọng dịu dàng.

Tôi vẫn không hé răng lấy một tiếng, như thể một người tuyết đang không ngừng tan ra và dần biến mất dưới ánh mặt trời.

Muju không ngừng ôm tôi, hôn tôi, dỗ dành và an ủi tôi, nói rất nhiều lần xin lỗi, nhưng đều không có tác dụng. Tôi không còn bất kỳ cảm giác gì, chỉ thấy khiếp sợ và bi thương. Tôi nhận thấy tình yêu đang bỏ tôi đi ngày càng xa và tôi không còn đủ hơi sức để giữ chân nó lại.

Đó là một buổi chiều trống rỗng nhất, đầy ắp cảm giác hụt hẫng trong ký ức tôi.

Trong buổi chiều đó, thần đã cảnh cáo tôi rằng: dù đó là một người thực lòng yêu con, trân trọng con, dù đó là một người nồng nàn và có trí tuệ “gần như hoàn hảo”, vẫn có thể trở thành địa ngục, thành khắc tinh của con trong một thời khắc nào đó. Bởi vì cuộc đời con người luôn không hoàn hảo. Vì anh ta chỉ là một con người. Và con người vẫn mãi chỉ là con người mà thôi, vĩnh viễn không thể biến thành thần thánh. Đã là con người, ắt có làm hại nhau, hiểu lầm hoặc nhìn nhận phiến diện.

Tôi không ăn gì, vội vã đến kịp trước buổi giao lưu đúng năm phút. Nhóm Lucy đang cuống lên như sắp phát điên. Tôi cũng không nhớ rõ đã nói những gì trước hơn ba ngàn người.

Tôi chỉ thấy thấp thoáng trong góc trên hàng ghế đầu một người đàn ông quen thuộc đang giơ máy quay mini lên quay tôi. Tay trái của anh có một ngón khuyết. Anh rất yêu tôi, nhưng đôi khi không cẩn thận làm tôi bị tổn thương. Tôi rất yêu anh, nhưng đôi khi không hiểu nổi anh.

Vào ngày cuối cùng ở Buenos, chúng tôi tới sân vận động xem một trận đấu bóng. Người đông như kiến, hò hét nhảy múa cuồng loạn. Nơi đây có lẽ là nơi có sức sống duy nhất ở đất nước này.

Cuối cùng chúng tôi cũng đến một siêu thị tốt nhất Buenos. Tôi ngồi nghỉ ở tiệm cà phê dưới tầng hầm. Anh một mình đi ngó nghiêng các tiệm thời trang. Khi anh về, tay xách lỉnh kỉnh mấy cái túi, từ đầu tới chân đã thay giầy mới và quần áo mới.

Anh rút một gói nhỏ ra đưa tôi. “Tặng em”, anh trìu mến. Trong túi có một cái hộp nhỏ hơn một chút. Trong hộp lại có hộp khác nhỏ hơn nữa. Mở ra xem, té ra là một đôi hoa tai bằng ngọc đỏ và một dây chuyền vàng trắng có mặt trái tim bằng ngọc đỏ.

Chúng lấp lánh dưới ánh điện. Màu đỏ như giọt máu trinh nữ, tuyệt đẹp.

Tôi nhìn anh, “Cám ơn anh”.

“Em làm việc vất vả quá rồi”, anh nói, “Em đáng được hưởng chúng”

Lucy tiễn chúng tôi ra sân bay. Trước khi máy bay cất cánh, chúng tôi lục lọi mọi túi quần áo và túi xách, tiêu sạch tiền peso và tiền lẻ còn sót lại tại siêu thị ở sân bay. Mua được hai gói trà đắng đặc sản của Argentina và một hộp kẹo cao su.

Trong túi chỉ còn lại đô la Mỹ. Cuối cùng chúng tôi quay về nước Mỹ.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN