Dưỡng Tính - Chương 41
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
18


Dưỡng Tính


Chương 41


Editor: SQ 

_____________________ 

Hai người lái xe sáu tiếng đến thành phố A, Đường Thi đã báo trước với ông Đường rằng Kỳ Bạch Nghiêm muốn đến nhà. Khi hai người cầm quà vào sân nhà Đường Thi, bố Đường đang trong sân chơi cờ tướng với ai đó, thấy hai người thì không chơi cờ nữa, vội đi đến nói: “Lái xe mệt lắm đúng không? Ăn trưa chưa? Ăn chút gì trước không hay nghỉ ngơi trước?”

Mẹ Đường cũng bước ra từ trong nhà, mỉm cười nhìn hai người, “Nghỉ ngơi một lát đi đã, hai tiếng nữa là đến giờ ăn cơm chiều rồi.”

Bốn người cùng đi vào nhà, ban đầu Kỳ Bạch Nghiêm còn định nói “xin lỗi vì đã làm phiền”, nhưng thấy bố mẹ Đường thế này, anh không nói ra được, đành áy náy tặng quà cho bà Đường, hơi mất tự nhiên nói: “Chút tấm lòng thôi ạ, không đáng là bao.” 

Nói chung thì anh hơi căng thẳng.

Thấy món quà hơi nặng, chưa để mẹ Đường vươn tay ra nhận, anh đã đặt hộp quà lên bàn, phần quà to thì đặt dựa vào bàn.

Bà Đường cười, “Này là chuyển nhà hả.”

Kỳ Bạch Nghiêm bình tĩnh lại chút ít, nói: “Cũng không phải đồ quý giá gì ạ.”

Ông Đường nói: “Đừng đứng nói chuyện nữa, ngồi đi.”

Bà Đường đi gọt trái cây, Kỳ Bạch Nghiêm ngồi xuống với ông Đường, Đường Thi vừa về đến là bị mấy đứa trẻ gần nhà kéo đi, rất được chào đón.

Bà Đường trong nhà bếp hài lòng gật đầu, hơi có cảm giác mẹ chồng đang quan sát con rể – càng nhìn càng thấy hài lòng. 

Để xem một người có chu đáo hay không, không có cách nào tốn hơn cách nhìn món quà mà người đó tặng. 

Lúc nãy bà chỉ mới nhìn sơ qua.

Không phải quà giá trị và không thực dụng, mà là những món tuy không thường được mua trong cuộc sống hằng ngày nhưng nếu có thì vẫn tốt hơn. 

Chẳng hạn như những loại rượu dưỡng sinh mà nam nữ già trẻ ai cũng uống được, chẳng hạn như sốt bò cay – đặc sản của thành phố C mà ông Đường thường nhắc đến, chẳng hạn như bánh ngọt vùng Tô Châu mà bà Đường cực kỳ thích, hợp lý và hợp lòng người.

Ở Trung Quốc, dân lấy cái ăn làm trọng, dịp Tết này thì càng là mùa lễ chuẩn bị cho những bữa ăn thịnh soạn, tặng đồ ăn thức uống sẽ tốt hơn tặng bất kỳ món nào khác. Ít nhất là trong nhà Đường Thi, những món ăn đặc biệt và không dễ tìm mua này chính là sự chuẩn bị chu đáo nhất cho khách khứa.

Tất nhiên, bà Đường nhìn sơ qua nên chỉ thấy được những món này, có vài hộp quà không nhìn ra đồ bên trong, cũng không biết là tặng gì.

Đường Thi về nhà, nói với ông Đường: “Bố ơi, chú Dương đang cằn nhằn kia kìa, nói sao bố có thể để lại một bàn cờ xấu cho chú ấy, không biết nên đánh tiếp thế nào luôn.”

Ông Đường giận dỗi nói: “Ván đó sắp thắng cơ mà, sao mà xấu được?” Ông đứng dậy, nói với Đường Thi, “Con dắt Bạch Nghiêm đi nghỉ ngơi đi, bố qua đó xem.”

Đường Thi gật đầu, đợi ông Đường đi rồi, cô nói nhỏ với Kỳ Bạch Nghiêm: “Bố mê cờ tướng lắm, bố không có ý làm lơ anh đâu, anh đừng để ý nhé.”

Kỳ Bạch Nghiêm cười, “Đâu có, anh không nghĩ vậy đâu.” Rồi nói, “Anh biết chơi cờ tướng, có thể chơi với bố em một ván.”

Đường Thi dắt anh về phòng, nghe vậy thì quay đầu lại, lè lưỡi cười nói: “Thôi đừng làm mấy chuyện nịnh nọt tốn công này.” Con rể chơi cờ với bố vợ, nên thắng hay thua đây? Thắng thì thắng thế nào? Thua thì lại phải thua ra sao? Đây mới thực sự là nước đi tệ nhất, thua hết cả ván cờ. 

Kỳ Bạch Nghiêm nghĩ ngợi một chốc, cười nói: “Nhưng rồi bác trai cũng sẽ hỏi anh biết chơi hay không thôi.”

Đường Thi nghĩ, cũng phải nhỉ. Kỳ Bạch Nghiêm không trốn được, nói dối càng không tốt, cô bèn nói: “Đừng để bố em thua thảm quá là được.”

Kỳ Bạch Nghiêm cười, “Ai nói ông Đường sẽ thua? Anh biết chơi, nhưng chơi không giỏi, so với bác trai thì không bằng bác đâu.”

Đường Thi lại thấy lo lắng, bố Đường hay nói cờ như người, một Kỳ Bạch Nghiêm biết chơi cờ nhưng lại thua thê thảm, chắc bố sẽ rất không hài lòng đúng không? Đường Thi mím môi nhìn anh, lo lắng nói: “Vậy, vậy anh đừng để thua thảm quá.”

Kỳ Bạch Nghiêm không kìm mà nựng cô chốc lát, cười nói: “Ừm, cố hết sức.”

Đường Thi nghĩ rằng anh chỉ đáp loa qua, nói: “Bố em thích nhất là nhìn người trong lúc chơi cờ đó.” Nói hơi quá một chút, thì là nhìn người hoàn toàn qua ván cờ.

Hai người vào phòng cho khách, Kỳ Bạch Nghiêm kéo cô vào lòng, hôn cô, nói: “Đang lo cho anh không được bố vợ đồng ý hả?”

Đường Thi đỏ mặt, “…….” Trong lòng anh biết là được rồi nha.

“Đừng lo.” Kỳ Bạch Nghiêm nói, “Anh sẽ để bác trai cực kỳ yên lòng.” 

Mặt Đường Thi càng đỏ hơn nữa, cô thoát ra khỏi vòng tay anh, nói: “Lái xe suốt sáu tiếng, mệt lắm rồi, anh nghỉ ngơi đi.”

Đường Thi ra khỏi phòng của Kỳ Bạch Nghiêm, lấy vài quả táo tàu, chạy xuống phòng bếp trò chuyện với bà Đường.

Bà Đường thấy cô vào đây, hỏi: “Sao không đi nghỉ?”

“Con đâu có mệt.” Kỳ Bạch Nghiêm lái xe suốt hành trình, Đường Thi còn bị bắt phải ngả ghế ra sau ngủ ba tiếng, bây giờ rất có tinh thần. Cô đút mẹ Đường một quả táo tàu, đút mình một quả, nhìn mẹ Đường cắt rau củ. 

Tất nhiên bà Đường nhìn thấy chiếc nhẫn trên tay Đường Thi, nhưng chưa nói gì cả.

Lúc dùng bữa, bà Đường nhìn thấy chiếc nhẫn giống y như đúc trên tay Kỳ Bạch Nghiêm. Hai vợ chồng nhìn nhau, ông Đường nói: “Quyết định rồi hả?”

Đường Thi sửng sốt, không biết vì sao đột nhiên bắt đầu chủ đề này.

Còn Kỳ Bạch Nghiêm thì rất bình tĩnh, như thể biết hai ông bà sẽ hỏi, đáp lại: “Vâng. Nhưng mà thế hệ trước có rất nhiều tập tục và kiêng kỵ, con không hiểu rõ lắm, có phải phải xem ngày không ạ?”

Bà Đường nói: “Mấy chuyện này để bác lo là được. Hai đứa ——” Bà liếc nhìn Đường Thi, thấy con gái như vẫn không tập trung, âm thầm thở dài một hơi, “Tính tổ chức thế nào?” 

Kỳ Bạch Nghiêm im lặng một lúc, nhìn sang Đường Thi, nói: “Con thế nào cũng được, theo ý Thi Thi.”

Ba người cùng nhìn sang cô.

Đường Thi lắp bắp nói: “…….Con chưa, chưa nghĩ tới.” Trời ơi, bây giờ là đang bàn chuyện kết hôn của hai người hả?

Ông Đường nói: “Vậy thì không phải gấp. Con cứ nghĩ kỹ càng.”

Đường Thi gật đầu, rồi vùi đầu ăn cơm, trong lòng nói thầm: Thực ra vẫn gấp lắm, không làm lễ cưới cũng được mà.

Sau bữa cơm, Kỳ Bạch Nghiêm thực sự bị ông Đường gọi đến phòng sách chơi cờ, Đường Thi đi rửa chén với mẹ. 

Bà Đường hỏi: “Con chưa nghĩ tới chuyện làm đám cưới thật hả?”

Đường Thi “Dạ” một tiếng, “Có hơi không dám nghĩ tới.”

Bà Đường thở dài, “Hai đưa sắp thành vợ chồng rồi, còn dám hay không dám gì nữa? Rốt cuộc con kính trọng nó hay yêu nó đây? Quan trọng nhất giữa hai vợ chồng là giao tiếp, con đừng có cái gì cũng không dám nói, không có sống lâu dài được đâu.”

“Vừa kính vừa yêu.” Đường Thi nói, “Con biết mà mẹ.”

Bà Đường vẫn có chút lo lắng, lại dặn dò lần nữa: “Tuy không phải chuyện gì cũng nói được, nhưng nên nói thì phải nói ra, nên nghĩ thì phải nghĩ. Con sắp lấy nó, nghĩ mình muốn đám cưới như thế nào là hết sức bình thường. Nó có phải là người không bằng lòng cho đâu. Chuyện cả đời, dù có phô bày đi nữa cũng không quá đáng chút nào. Huống hồ đàn ông mà, suy cho cùng thì suy nghĩ cũng không thể kỹ tính bằng phụ nữ, dù có chu đáo đến cỡ nào, có vài chuyện cũng sẽ không nghĩ đến. Có rất nhiều chuyện nếu con không nói ra thì nó không bao giờ biết được. Phụ nữ vừa nghĩ kỹ vừa nghĩ nhiều, con muốn nó biết hết con đang nghĩ gì, để nó đoán mọi thứ, nó mệt mỏi con cũng không vui, đôi khi thà nói thẳng ra luôn còn tốt hơn.”

Đường Thi nghe rất cẩn thận, gật đầu, nghiêm túc nói: “Con biết rồi, những gì nên nói con sẽ nói mà.”

Tối đó hai người ra công viên đi dạo, Đường Thi nghĩ đi nghĩ lại, nói: “Về đám cưới….”

“Ừm, nghe em hết.”

Đường Thi đỏ mặt: “Anh không có ý kiến gì hả?” 

Kỳ Bạch Nghiêm suy nghĩ một lúc, nói: “Trước giờ anh chưa từng nghĩ đến chuyện kết hôn. Sau khi có em, cảm thấy chỉ cần là em, những chuyện khác không có cũng được.”

Đường Thi thầm đáp lại trong lòng: Em cũng vậy.

Đi được một lúc nữa, Đường Thi mới lên tiếng: “….. Làm đám cưới vừa tốn thời gian vừa tốn sức lực. Nửa năm đầu này anh phải dịch kinh Phật, phải đi dạy, phải viết bài luận, còn phải phụ đại sư Diệu Giác quản lý chùa Pháp Định, em thì phải tham gia một dự án nghiên cứu khúc Nguyên, nghĩ đi nghĩ lại ai cũng bận… Tụi mình không làm đám cưới cũng được.”

“Vậy chờ đến nửa cuối năm.” Kỳ Bạch Nghiêm nhíu mày, “Cả đời người phụ nữ chỉ có một cái đám cưới thôi, không làm sao được?”

Đường Thi mím môi nhìn anh: “Anh để ý chuyện không làm đám cưới lắm hả?”

Kỳ Bạch Nghiêm lắc đầu, “Anh không. Chỉ cần là em là được. Nhưng em thì không được, bác trai mong con gái mình vẫn nên tổ chức một đám cưới.” 

Mười ngón tay đan vào nhau, Đường Thi nhúc nhích tay, nói: “Em cũng không để ý. Bố sẽ tôn trọng lựa chọn của em.”

Kỳ Bạch Nghiêm nhìn cô, “Tại sao?” Phụ nữ ai cũng mong chờ lễ cưới mà.

Đường Thi dựa vào anh, nhìn mái nhà chòi lục giác đằng xa, nói nhỏ: “Không muốn chờ.” Em không mong chờ lễ cưới, em chỉ mong chờ anh.

Kỳ Bạch Nghiêm thở dài, ôm cô chặt hơn, “Vậy vẫn phải mời người của hai bên dùng bữa.”

“Dạ.” Đường Thi nói, “Vậy là tốt lắm rồi.” Hai người xem như đã thống nhất với nhau.

Về đến nhà, Đường Thi nói với mẹ Đường rằng không muốn làm linh đình, nhờ mẹ Đường tìm một ngày tốt mời vài thân thích quan trọng cùng ăn một bữa là được. 

Bà Đường nhìn cô, “Ý này của con hay của Bạch Nghiêm?”

“Ý của con.” Đường Thi nói, “Anh ấy nói phụ nữ vẫn phải có một đám cưới, nhưng con thực sự chưa từng nghĩ đến mấy chuyện này, cũng không muốn phô bày. Hôn nhân là cuộc sống của hai người, cần gì phải tốn nhiều tâm sức tâm huyết cho đám cưới chứ. Thế này là tốt lắm rồi.”  

Sau khi im lặng một lúc lâu, cuối cùng mẹ Đường cũng đồng ý, “Hai đứa thấy ổn là được.”

Hôm đó là giao thừa, mấy đứa trẻ gần nhà đến chúc Tết, đứa nào cũng được mẹ Đường cho một bao li xì. Đến tối đón giao thừa, bố Đường cho Đường Thi và Kỳ Bạch Nghiêm mỗi người một bao lì xì.

Kỳ Bạch Nghiêm ngạc nhiên.

Bố Đường cười nói: “Ở nhà này, ai chưa có gia đình thì vẫn được lì xì.”

Đây là lần đầu tiên Kỳ Bạch Nghiêm được nhận lì xì sau khi thành niên, thực sự rất lạ lẫm.

Đường Thi mở bao lì xì ra nhìn, mẹ Đường đứng cạnh cười nói: “Bao lì xì cuối cùng rồi á nha.” Đường Thi dụi vào người mẹ, “Bởi vậy cho nhiều chút á nha.” Mẹ Đường trừng mắt với cô.

Kỳ Bạch Nghiêm nói: “Chọn được ngày rồi ạ?”

“Ngày gần nhất sau Tết là 7 tháng 2, sau nữa là có 13 tháng 5 với 17 tháng 7 cũng tốt.” Bà nói, “Hai đứa không làm đám cưới, ngày gần nhất là tốt lắm rồi.”

Kỳ Bạch Nghiêm gật đầu, “Vậy ngày 7 tháng 2.” Anh nhìn Đường Thi, “Em thấy sao?”

“Dạ.”

Cô thầm đếm ngón tay tính toán: 7 tháng 2, còn mười một ngày nữa, cô sẽ là vợ của Kỳ Bạch Nghiêm.

Bố mẹ Đường đã lớn tuổi, tầm 10 giờ là đã về phòng nghỉ ngơi, những người trẻ tuổi ngoài kia vẫn chơi rất hăng say, sang nhà rủ rê Đường Thi và Kỳ Bạch Nghiêm ra chơi cùng.

Sau khi trưởng thành, mấy cô gái trong cùng khu nhà mỗi người một nơi, mỗi người có cách sống riêng, mỗi năm về đoàn tụ một lần vào dịp Tết. Năm nay Đường Thi dẫn Kỳ Bạch Nghiêm về, một cô gái trong đó nhìn Kỳ Bạch Nghiêm, nói với Đường Thi: “Ánh mắt cực cao.” 

Đường Thi mỉm cười.

Sắp đến 12 giờ, mọi người lên sân thượng xem pháo hoa. Ánh lửa sáng rồi tắt, muôn màu muôn vẻ, Kỳ Bạch Nghiêm nắm tay Đường Thi, thì thầm với cô: “Giờ phút này mới cảm thấy không còn cô đơn.”

Đường Thi nhìn anh, ánh sáng trong mắt thay đổi theo pháo hoa, vô cùng rực rỡ, “Sau này em sẽ luôn bên anh.”

Mười giây cuối cùng, hai người không kìm được mà hôn nhau, đầu lưỡi mềm mại quấn lấy nhau, từ năm cũ qua năm mới. Chỉ có khi ở bên anh, cái mới và cái cũ mới mang ý nghĩa hân hoan vui sướng thế này.

Em sắp lấy anh rồi đó, Kỳ tiên sinh.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN