Chị Em Song Sinh - Phần 8
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
1147


Chị Em Song Sinh


Phần 8


Trước khi mất đi ý thức Diệp vẫn kịp nghe tiếng con Bích cất lên:

– Nhanh đi, cởi hết quần áo chúng nó ra đi, cô Xuân cao tay thật, không cần đao to búa lớn cũng bức chết được mẹ chị ta. Đợt này mẹ chị ta chết, cô đường hoàng mà được ở cạnh chú Thắng rồi. Chả cần áy náy làm gì cô ạ, bà ta cũng chẳng sống được lâu, chết sớm hơn một chút lại là hay.

Trên đời này cảm giác tuyệt vọng nhất không phải là chết đi, tuyệt vọng nhất chính là cảm giác sống không bằng chết. Dù có ngàn lần nguyền rủa cũng không còn một từ ngữ nào có thể bẩn thỉu, tởm lợm hơn đám người ấy. Đám người mà Diệp đã tin tưởng, yêu thương, dành trọn toàn bộ thanh xuân cung cúc hầu hạ. Vì sao họ lại có thể độc ác như vậy? Mợ có lỗi gì chứ? Mợ làm gì sai chứ? Vì sao chỉ vỏn vẹn trong vài tháng mà mợ thấy như một cơn ác mộng, cơn ác mộng chẳng hề có lối thoát. Giờ tỉnh lại mọi thứ lại như xưa được không?

Thế nhưng không! Khi Diệp tỉnh lại thấy mình vẫn nằm trong căn phòng quen thuộc của hai vợ chồng. Vốn ngỡ rằng là mơ nhưng Diệp bỗng nghe thấy những tiếng ồn ào lao xao, tiếng mấy người họ hàng bên nhà chồng cất lên:

– Trời ơi, không thể tin được con Diệp lại dắt trai về nhà luôn đấy.
– Thế bà không biết gì sao? Bốn năm nay nó toàn ở phòng khám thằng kia, chẳng biết thụ tinh nhân tạo hay là cùng thằng kia thụ tinh tự nhiên.
– Vậy thì chắc gì đứa con trong bụng con Diệp bị sẩy đã là con thằng Nhân.
– Con này nhìn vậy mà lăng loàn, đúng là thứ mất nết, cô giáo cái mẹ gì chứ, kiểu này phụ huynh nào dám cho con đi học?
– Đợt này thằng Luân đến đây suốt, chắc nhân cơ hội không có ai ở nhà mà ngoại tình. Khổ thân thằng Nhân, chăm lo cho vợ, cho cả gia đình vợ mà giờ con vợ lại làm thế này đây.

Đầu Diệp đau như búa bổ, dường như đã mấy tiếng trôi qua. Cả đám người giương mắt nhìn mợ, chỉ trỏ, đột nhiên, mợ như sực bừng tỉnh nhớ lại câu nói của con Bích trước khi ngất đi. Bên cạnh là anh Luân cũng đang ngồi dậy, cả hai người đều trần trường chẳng một mảnh vải che thân, mùi rượu nồng từ họng còn bốc ra. Bà Hà thì đứng một góc khóc sụt sùi:

– Mấy năm nay gia đình này làm gì có lỗi với cô, sao mà cô lại làm cái trò mèo mả gà đồng này? Tôi mời bác sĩ quen của chị về thăm khám cho chị, vậy mà chị nhân lúc cả nhà đi giỗ cụ cố lại làm chuyện này! Nếu không phải thím Đào bắt được thì chị sẽ lừa dối cái nhà này đến bao giờ?

Diệp nhìn bà Hà, nếu như có thể được, mợ chẳng màng điều gì mà lao ra xé xác bà ta thành trăm mảnh. Thế nhưng Nhân làm gì để mợ hành động, hắn lao vào vung tay đấm anh Luân như thể hắn ta thật sự bị cắm sừng, vừa đấm hắn vừa gân cổ tức giận gằn lên:

– Thằng chó chết này, mày dám ngủ với vợ tao. Hai chúng mày lừa tao bao lâu rồi, bảo sao đến đứa con của tao chúng mày cũng không muốn giữ, ép nó chết bằng được.

Đ!t mẹ! Diệp không còn nhớ mình là giáo viên. Mợ chửi thề, túm lấy chiếc váy mặc vào rồi lao ra ngoài. Mợ phải về nhà, mợ phải đi tìm bà Quyết! Mặc cho ai hiểu nhầm, mợ phải về, mợ không thể để đám người này bức mẹ mình chết! Thế nhưng mợ không sao lách được đám người, còn bị con Bích đẩy vào chỉ vào mặt mắng:

– Chị định đi đâu? Chị bôi tro trát trấu vào cái nhà này còn định đi đâu?

Diệp ngước lên nhìn con Bích, ánh mắt đỏ ngầu long sòng sọc, hai tay mợ bóp lấy cổ nó, nếu bà Quyết có mệnh hệ gì, mợ nhất định sẽ ngay lập tức giết nó. Có điều mình Diệp không thể chống nổi với đám người quá đông. Người ta cho rằng mợ ngoại tình với anh Luân, làm xấu mặt gia tộc họ Hồ nên lôi mợ ra. Mợ nhìn đám người, nhìn bà Hà, con Bích gầm lên:

– Bà sống như vậy không sợ trời cao vật chết hay sao? Bao nhiêu năm tôi chưa làm gì có lỗi, bà vì chút tài sản mà sẵn sàng làm ra những chuyện tàn độc thế này, sẵn sàng vấy bẩn thanh danh con dâu mình. Bà không sợ nghiệp quật sao?

Nhân nghe đến đây liền lao vào vả lên mặt Diệp một cái rồi nói:

– Cô đi ngoại tình còn đứng đây mắng mẹ tôi. Lúc cô sẩy thai mẹ tôi hầu hạ cô hơn cả người ở, còn nhờ thím họ mua bao nhiêu đồ về cho cô bồi bổ, cô điên rồi sao? Cô hỏi người ta xem mẹ tôi thương yêu cô ra sao, ngày ngày hai bữa sợ đều đặn đi chợ chọn từng con gà, con cá ngon, cô ăn cho cố rồi cắm lên đầu tôi cặp sừng dài.
– Tôi cắm sừng anh hay anh năm lần bảy lượt cắm sừng tôi, tôi ngoại tình hay anh ngoại tình? Các người dùng thuốc an thần tiêm vào người tôi tạo dựng hiện trường giả, các người sao có thể nghĩ ra những thứ tởm lợm như vậy? Tôi không ngoại tình, tôi không ngoại tình.

Thế nhưng mặc cho mợ nói, chẳng một ai tin. Người ta chỉ tin vào cảnh trước mặt, vào việc mợ và anh Luân trần như nhộng ngủ với nhau. Vả lại lúc nãy bà Hà, con Bích và cả Nhân quả thực đều có mặt ở đám giỗ vả lại chẳng ai điên mà tự bôi than vào mặt mình. Dù cho Diệp hét bở hơi, dù cho mợ giải thích người ta càng chỉ trỏ, cười khinh bỉ mợ. Thứ cảm giác bất lực, tuyệt vọng khiến mợ như bị đày xuống ải địa ngục. Mợ vừa khóc vừa van xin đám người tránh ra, cho mợ đi tìm mẹ, van xin đám người hãy tin mợ. Nhưng có khóc nữa, khóc mãi, có van xin cũng vô vọng. Bà Hà rấm rứt lau nước mắt tỏ ra cao thượng:

– Các cô chú thím về đi. Chuyện nhà tôi tôi sẽ đóng cửa bảo ban nhau. Chỉ xin các cô chú đừng nói ra bên ngoài, mấy tấm ảnh ban nãy các cô chú chụp xin hãy xoá hết đi, đừng phát tán ra.
– Bà ngậm mồm đi! Bà ép tôi uống thuốc phá thai, phá bỏ cháu bà, bà gọi bác sĩ Luân đến tiêm thuốc cho chúng tôi để tạo hiện trường chúng tôi ngoại tình hòng bức chết mẹ tôi. Làm gì có con ngu nào ngoại tình còn mang trai về đây. Tôi ngoại tình tôi đã đi khách sạn.
– Chị thôi đi! Chị thấy gia đình tôi đi ăn giỗ hết nên tranh thủ, đi khách sạn thì kiểu gì chẳng bị phát hiện, mang về đây mới là cao thủ. Thôi các cô các chú về đi, chuyện nhà cháu không tốt đẹp gì, đừng có đem ra bàn tán!

Than ôi! Khốn kiếp làm sao! Diệp bị con Bích, bà Hà và cả con Giang lôi vào rồi đóng sầm cửa lại. Mợ như con thú bị thương dồn đến chân tưởng, hai tay túm lấy tóc bà Hà gào lên:

– Bà buông tôi ra, đồ thất đức buông tôi ra. Tại sao các người làm thế với tôi? Các người giết con của tôi, còn muốn giết mẹ tôi, tại sao lại làm như vậy? Tôi gọi một tiếng mẹ chồng, một tiếng em chồng, vì sao lại có thể đối xử với tôi như vậy.

Anh Luân thì nhìn Nhân vẫn đang định đánh mình ngước lên trời cười lớn:

– Hoá ra là thế này, hoá ra cuộc sống hào môn là thế này. Các người không bằng cả đám súc sinh.

Luân không thể ngờ rằng mình lại bị giăng cái bẫy đáng sợ đến vậy. Một người bác sĩ thanh cao như anh sao có thể nghĩ ra trên đời này lại có những loại người tởm lợm như vậy, người ta dùng anh làm công cụ để bôi xấu cô ấy, vấy bẩn thanh danh cô ấy. Tất nhiên Nhân không dám đánh anh Luân quá mạnh, hắn biết nếu để anh Luân thương tích nặng sẽ phản tác dụng nên chỉ đánh vài cái rồi để anh đi. Hắn biết trai trên gái dưới thế này, cả họ đã bắt gặp thì dù có trăm ngàn cái miệng cũng chẳng giải thích được. Tuy bản thân cũng hơi áy náy với anh Luân biết chuyện này sẽ ảnh hưởng đến công việc, danh dự của anh Luân nhưng hắn tặc lưỡi không để tâm, công ty giờ khó khăn, hắn rất cần căn biệt thự kia. Và để đá văng con vợ đần độn không biết đẻ một cách danh chính ngôn thuận hắn chẳng màng sự tanh tưởi của đôi tay mình. Hắn lôi cổ anh Luân ra ngoài gầm lên chửi bới cho đám người đang tò mò thêm tin rằng hắn bị cắm sừng, sau đó hắn đuổi tất cả những người không sống trong biệt phủ đi ra ngoài.

Cậu Vũ đi nước ngoài công tác cả tháng nay, đợt này mợ Linh cũng cùng bé Min đi du lịch, thế nên tảng băng chìm trong nhà này quỷ không biết, thần không hay.

Diệp bị con Giang, bà Hà, con Bích lôi vào trong. Bà Hà nhìn mợ cười đắc ý:

– Diệp, nhà này có làm gì tệ với chị không mà chị lại đi ngoại tình? Thằng Nhân nó có lỗi gì với chị?

Có người mẹ nào nhìn cảnh con dâu ngoại tình lại đắc ý như bà ta không? Bà ta còn hỏi con trai bà ta có lỗi gì ư? Mợ không kìm được nước mắt, uất ức nghẹn tận cổ họng. Một gia đình thối nát từ trên xuống dưới, một gia đình quá kinh tởm. Mợ ghê tởm cả bản thân, ghê tởm bởi mợ đã sống cùng những con người như thế. Thế nhưng mợ biết lúc này đây mợ không thể chửi bới đám người này. Mợ chỉ có thể nín nhịn, quỳ xuống cầu xin đám người này tha cho hai mẹ con mợ một đường sống. Mợ hi vọng rằng đám người này còn chút tình người, rủ lòng thương đến một người đàn bà thất bại như mợ, cho mợ được về nhà với mẹ. Con mợ đã mất, mợ chỉ còn mẹ thôi. Thế nhưng dù là chồng, mẹ chồng, em chồng hay con người ở như con Giang chỉ nhìn mợ cười lớn, chứng kiến cảnh mợ quỳ xuống thật giống một con chó. Con Bích nhìn mợ cười cợt:

– Không ngờ có ngày chị cũng phải quỳ xuống chân tôi. Chị nói gia đình tôi ác độc, vậy chị hại tôi suýt mất hai đứa con thì là gì? Những gì hôm nay chị nhận là điều xứng đáng, xứng đáng với quả báo chị gây ra.

Diệp nhìn con Bích đáp:

– Tôi không hề hại con cô, là con Hiền sai con Hồng hại. Tôi xin cô, xin các người tha cho tôi, tha cho mẹ tôi, tôi còn 15% cổ phần công ty, sẽ để lại hết cho các người.

15% công ty? Bà Hà bĩu môi, thứ bà cần là toàn bộ gia tài chứ không phải 15% ít ỏi kia. Tha rồi thì Diệp có chắc không lật lọng, bà không đời nào tin. Diệp không biết phải làm thế nào, mợ chẳng còn ai trên cõi đời này ngoài mẹ, mợ dập đầu bám vào chân bà Hà khóc tức tưởi:

– Bao nhiêu nay tôi thật tâm coi bà như mẹ của tôi, tôi xin bà tha cho mẹ tôi, bà ấy cũng chẳng còn sống được bao lâu, xin hãy tha cho mẹ con tôi một con đường sống.
– Không sống được bao lâu thì chết luôn cũng được. – con Bích lạnh lùng nói.

Diệp nhìn miệng nó chuyển động, từng lời sao mà tàn nhẫn. Mạng người trong nhà họ Hồ thì là vàng bạc, kim cương, còn mạng người khác nó coi như cỏ rác. Diệp không còn nghĩ thông được, mợ chỉ nghĩ đến người mẹ đang bệnh tật nằm ở nhà. Đám người còn chẳng muốn nghe mợ van xin, trò tiêu khiển đã chẳng còn gây cười lôi xềnh xệch mợ vào phòng ngủ khoá trái cửa. Mặc cho mợ gào thét, đập cửa vẫn không một ai cho mợ thoát ra. Năm năm trước khi mợ bước chân về biệt phủ này, người ta nói rằng số mợ sướng, mợ quả là chuột sa chĩnh gạo. Thế nhưng giờ mợ mới hiểu mợ đã tự đặt cuộc đời mình vào một địa ngục tăm tối. Hai tay mợ đập vô vọng lên cánh cửa gỗ, dù dùng sức lực cánh cửa vẫn không hề chuyển động. Mợ thậm chí còn dùng cả tivi để ném hòng phá cánh cửa ra. Có điều… tất cả đều vô ích.

Diệp dựa lưng vào tường lạnh lẽo, từ từ ngã xuống đất khóc tức tưởi. Vì sao phải hại mợ thê thảm đến vậy? Trong căn phòng tối tăm, điện cũng bị đám người ngắt đi, mợ nằm co quắp trên nền đất, nhớ lại khoảng thời gian thơ ấu. Khi ấy mợ và con Hiền đã hạnh phúc ra sao, mợ đã nghĩ mợ là người hạnh phúc nhất trên đời này, cuối cùng mợ mới hiểu mợ chẳng có gì cả.

Chiều con Giang ném vào khe cửa cho Diệp mấy mẩu bánh quế. Nó còn khoe khoang với Diệp giờ mợ đã thành người nổi tiếng. Mấy tấm ảnh họ hàng nhà chồng chụp truyền tay nhau giờ phát tán cả lên mạng. Mợ đang là nhân vật hot nhất ở khu này, ai ai cũng nhắc đến mợ. Cuối cùng điều Diệp lo sợ nhất cũng đến. Mợ hiểu đám người này không dám giết bà Quyết, nhưng vì bà Quyết mang bệnh tim nặng, chỉ cần một cú sốc cũng có thể mang bà đi. Mợ cầm cốc nước thuỷ tinh vỡ cứa lên bản lề, lên mặt gỗ, dù biết chẳng có tác dụng vẫn hi vọng rằng có thể mở được cánh cửa. Vừa cứa mợ lại điên dại gào lên:

– Mở cửa, mở cửa. Các người mở cửa cho tôi. Tôi xin các người. Giang, tôi xin cô… mở cửa cho tôi, cô muốn gì tôi đều cho cô.

Con Giang bên ngoài đáp:

– Tôi không giúp mợ được đâu, mở cửa cho mợ tôi bị bà đánh chết đấy. Mợ đừng gào thét nữa, vô ích thôi.

Hai hàng nước mắt Diệp giàn giụa, con Giang lại nói tiếp:

– Vả lại giờ mợ ra được thì có ích gì, đống ảnh mợ ngủ với anh Luân cũng bị phát tán rồi, mẹ của mợ thì mất rồi, ra càng bị xã hội ném đá khinh bỉ thôi.

Như một luồng sét đánh ngang tai, toàn thân Diệp sững sờ lại. Mợ tưởng tai mình ù đi… hỏi lại:

– Mày nói… mẹ tao… mẹ tao làm sao?
– Bà ấy mất từ trưa rồi, từ trước cả lúc mợ bị nhốt trong này, ai đó đã nhanh tay phát tán ảnh mợ cho bà ấy từ trước khi người trong nhà này kịp phát.

Cả người Diệp bất động hoàn toàn rồi cuối cùng đổ gục xuống. Con Giang đứng bên ngoài, chưa kịp rời đi đã nghe một tiếng hét, tiếng hét chói tai như xé nát cả cổ họng. Không có một nỗi đau nào trên cuộc đời có thể diễn tả được nỗi đau Diệp đang gánh chịu. Mợ đâu hay con mụ Xuân đã mang đống ảnh kia rời đi, mụ ta đến gặp bà Quyết với cái bụng bầu khệ nệ. Mụ ta nói mụ ta đang mang thai con trai của ông Thắng, còn nói rằng mụ ta và ông Thắng bên nhau đã được sáu năm rồi, trước kia có một đứa bé khác mà sẩy mất giờ mới có lại. Bà Quyết hoá đá, cơn đau tim ập đến, còn chưa kịp bình tĩnh lại mấy người họ hàng bên chồng Diệp được mụ ta “nhờ vả” còn sang chửi bới bà Quyết, còn đem đống ảnh chụp được cho bà xem, còn dùng những từ ngữ bẩn tưởi nhất nói về Diệp, còn chửi bới bà Quyết không biết dạy con, còn bịa đặt ra rằng đứa con trong bụng Diệp là con của anh Luân mà ông trời có mắt đã mang nó đi. Bà Quyết sốc đến độ không thở nổi, lúc đem vào bệnh viện đã không kịp cứu, trút hơi thở cuối cùng vào lúc Diệp bị tống vào căn phòng này.

Diệp không khóc được nữa, nỗi đau quá dã man và tàn bạo, mợ chỉ la thét như một kẻ tâm thần. Hai tay mợ cào xuống nền gạch, bật cả máu nhưng mợ chẳng cảm nhận được, hai mắt trợn lên phát ra những tiếng thét cuồng nộ. Mất con, mất mẹ chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi. Mợ đã thực sự bị bức cho đến điên dại, bị đả kích đến tê liệt, đầu óc đã không còn biết trước mắt là gì. Sự thật man rợ này khiến mợ thật sự không còn khả năng chịu đựng.

Buổi tối, khi Diệp đang nằm co quắp dưới nền đất cánh cửa cũng mở ra. Mùi khói hương thoang thoảng. Diệp mở mắt ra nhìn, dưới ánh đèn lờ mờ con Hiền cũng bước vào. Vừa thấy nó mợ liền lao lên, túm lấy cổ nó, dù cho nó không hề xuất hiện mợ cũng thừa biết cái chết của mẹ liên quan đến nó. Bởi con mụ Xuân sáu năm nay không dám ra mặt, kiểu gì cũng có người đứng sau, mợ có hoá điên vẫn nghĩ được ra điều ấy. Thế nhưng vừa túm lấy nó mợ đã bị nó đạp một phát vào bụng rồi cười:

– Thật đáng thương cho chị. Mẹ chết mà chỉ có thể nằm đây khóc thương còn bị mang tiếng là bất hiếu, còn đứa con chẳng phải ruột thịt gì như tôi lại quỳ gối suốt mấy tiếng đồng hồ.

Dù Diệp đã lờ mờ đoán ra con Hiền không phải bà Quyết đẻ ra, nhưng khi nghe chính tai nó nói mợ vẫn choáng váng không sao mà chấp nhận được. Vì sao từ khi còn nhỏ bà Quyết, ông Thắng đã nói với mợ nó là em gái ruột? Diệp đâu biết rằng, năm Diệp năm tuổi bà Quyết gặp ông Thắng, một người đàn ông có vẻ ngoài đạo mạo, hiền lành, đức độ. Sau năm năm thờ chồng, bà Quyết bị đánh gục bởi sự tử tế của ông Thắng, cộng thêm việc ông ta kể lể khổ sở rằng ông ta vì chữa bệnh cho vợ mà bán hết tài sản, cuối cùng vợ ông ta vẫn chết, để lại đứa con nhỏ thơ dại. Vì thương cảm nên bà Quyết đã lấy ông Thắng, con Hiền năm ấy vừa tròn ba tuổi. Sau khi lấy nhau ông Thắng luôn tỏ ra thương yêu Diệp, thậm chí còn thương hơn cả con Hiền, kể cả sau lưng bà Quyết ông ta vẫn hết mực chiều chuộng, chăm sóc Diệp, không có chút vụ lợi gì. Bà Quyết thấy ông Thắng như vậy thì dần càng tin tưởng và mở lòng, sau này năm Diệp bảy tuổi thì bị tai nạn giao thông. Tuy không sao chỉ để lại vết sẹo ở bụng nhưng Diệp mất toàn bộ ký ức trước đó. Ông Thắng một tay chăm lo cho Diệp ở viện, hằng ngày dù cách năm cây số vẫn về tự tay nấu nướng cho Diệp rồi mang vào viện. Sau đó ông đề nghị với bà Quyết đừng nói chuyện Hiền là con riêng của ông, mà hãy để cả hai đứa trẻ nghĩ rằng chúng là chị em ruột, như vậy vừa tăng tình cảm, vừa khiến chúng có trách nhiệm đùm bọc lẫn nhau hơn. Thế nên ngoài việc cho Diệp biết Diệp có người cha và một người chị em song sinh đã mất thì bà Quyết vẫn nói với Diệp rằng Hiền và Diệp là chị em ruột, bà là người sinh ra Hiền. Có điều bà không hề hay khi con Hiền có nhận thức, ông Thắng lại nói với Hiền nó không phải con ruột bà Quyết, từ nhỏ ông ta đã dạy nó phân biệt rõ quan hệ của nó và mẹ con Diệp, khắc cốt ghi tâm những điều ông ta nói, bề ngoài hãy tỏ ra yêu thương chị và mẹ nhưng đừng dùng tình cảm thật để đối xử.

Từng lời, từng lời con Hiền nói khiến Diệp lạnh buốt, cả người run lên. Cuối cùng thì Diệp cũng vỡ lẽ. Vì sao con Hiền không chút áy náy khi ngoại tình với Nhân, vì sao con Hiền lại sẵn sàng đứng sau giật dây hại chết bà Quyết. Bởi nó máu lạnh như người cha ruột của nó, bởi nó không hề chung dòng máu với Diệp. Là hai mẹ con mợ bị hai cha con nó lừa một cách ngoạn mục. Một màn kịch kéo dài tận hai mươi năm. Một con chó nuôi vài năm đến lúc chết đi vẫn thương xót, vậy mà mẹ mợ nuôi nó hai mươi năm, nó vẫn sẵn sàng tìm cách hại chết bà. Hai mươi năm nay cha con nó sống nhờ những đồng tiền bà Quyết kiếm được, giờ bà Quyết mất trong tay nó, nó còn đến cười cợt chọc ngoáy nỗi đau tuyệt vọng của Diệp.

– Chị có biết bốn năm nay vì sao chị không có con không? Không phải đống thuốc tôi và thầy cắt đâu. Đống thuốc ấy chẳng có vấn đề gì cả… mà bởi con Hồng hằng ngày đều pha thuốc tránh thai vào bình nước lọc xịn xò nhà chị. Chị biết vì sao con Hồng mua Acnotin không? Tất nhiên không phải để trị mụn, mà để con chị bị dị dạng quái thai, kiểu gì cũng phải bỏ đi thôi. Chị có biết lẽ ra mẹ chị còn sống thêm được vài năm nữa nhưng thầy tôi đã làm cách nào để mẹ chị yếu nhanh thế không?

Cầm thú! Súc sinh! Diệp hét lên. Tội ác của cha con con Hiền nó đã vượt quá sức chịu đựng của Diệp. Sống hai mươi mấy năm, ngay cả ăn trộm một cây kim sợi chỉ Diệp cũng chưa từng, cả đời Diệp làm gì có dã tâm nào trái luân thường đạo lý. Từ khi còn nhỏ Diệp đã được bà Quyết dạy phải sống lương thiện, tuy rằng năm mười bảy tuổi gia đình có chuyện nhưng cũng chưa từng khiến mợ phải sống sai trái với lương tâm. Vậy mà cha con con Hiền đã lên cả âm mưu cướp tài sản, hại chết mẹ mợ, hại chết đứa con gái còn chưa kịp nhìn thấy ánh mặt trời. Hoá ra từ đầu đến cuối vận mệnh hai mẹ con mợ đã nằm trong tay họ. Ngay cả xem phim, mợ cũng chẳng dám xem những bộ phim có người quá ác, và mợ cũng tin rằng những người ác ấy chỉ có trên phim ảnh. Không ngờ rằng cuộc sống này còn có người ác hơn cả phim. Đây chính là ác táng tận lương tâm! Mà không, lũ súc vật này làm gì có lương tâm?

– Chị có biết tôi và anh Nhân yêu nhau mấy năm nay không? Mỗi chuyến đi công tác là một lần chúng tôi đi du lịch với nhau. Chị làm sao mà biết được? Chị có biết vì sao con Bích ghét chị? Vì sao nó gây khó dễ cho chị, vì sao con Giang nó coi thường chị, vì sao con Hồng lại cho thuốc kích sinh vào bát phở của con Bích rồi đổ cho chị không? Con Hồng thực ra chẳng phải mồ côi gì, nó được thầy tôi thuê từ năm mười tuổi, được thầy tôi dạy dỗ rồi mới mang về đây.

Diệp ôm ngực, con Hiền nói với mợ những lời này để làm gì? Nói với mợ vào lúc mợ bị đả kích nhất để làm gì? Mợ thấy lồng ngực mình quặn đau, tay trong tay ngoài đều là người của cha con con Hiền.

– Đứa bé đầu tiên của chị và anh Nhân đâu phải tự dưng mà sẩy. Mỗi ngày một ít thuốc thôi, lâu dần thì sẩy mà chẳng ai phát hiện ra. À nói cho chị thêm một chuyện, đứa con thứ hai của chị… không phải con gái đâu, là con trai đấy.

Đầu Diệp như quả bom phát nổ, lắc lư vì liên tiếp là những trận đả kích. Mợ không nghĩ rằng đây là sự thật, không thể tin rằng vở kịch này tàn độc và man rợ như vậy.

– Còn nữa. Năm ấy thầy tôi muốn chị học sư phạm, chị biết vì sao không? Vì thầy không muốn công ty dính líu gì đến chị. Thực ra công ty chưa bao giờ làm ăn lụi bại, chưa từng gần phá sản như thầy nói. Chẳng qua người trong công ty vài phần chủ chốt đã bị thầy mua chuộc. 35% của chị ấy à, cũng là khối tài sản lớn. Đáng tiếc chị lại mang kính biếu chồng chị. Mà cũng không sao, của chồng chị cũng là của tôi. Bà Hà năm ấy nhìn trúng chị, chứ bà ta đâu biết cuối cùng tôi mới nắm phần nhiều. Mấy năm nay chị tưởng bà ta tốt với chị sao? 20% cổ phần công ty kia đầu tư sang bất động sản mang lại bao nhiêu lợi lộc cho Hoàng Hà. Bà ta còn muốn 15% còn lại chứ không chị nghĩ xem sao tôi lại suôn sẻ, dễ dàng từng bước hành động trong nhà này như vậy? Bao nhiêu năm nay chị sống sung sướng cạnh anh Nhân, giờ đến lúc chị trả lại anh ấy cho tôi. Người tài giỏi như anh ấy, chị không xứng.

Từ hôm bị sẩy thai đến giờ Diệp cũng đã biết bà Hà chẳng tốt đẹp gì, khốn nạn và độc ác. Chỉ là không ngờ bà ta nhắm mợ ngay từ đầu vì tài sản. Cứ tưởng nhà giàu sẽ không ham tiền, hoá ra càng giàu càng tham. Còn nói cái gì mà mợ không xứng với Nhân? Hắn ta là cái chết tiệt gì? Một thằng đàn ông đạo mạo nhưng bẩn tưởi, một thằng đàn ông lăng nhăng, tởm lợm, nó thích mợ dâng. Loại đó cho mợ mợ cũng phỉ nhổ vào. Mợ ngửa cổ lên trời cay đắng nghĩ đến mẹ. Giờ mẹ nằm ở nơi nào, lạnh lẽo biết bao nhiêu. Nước mắt ướt mang tai, mợ đau đớn, nghĩ đến cái chết tức tưởi được báo trước mợ không sao mà ngừng khóc được. Sống cùng nhau hai mươi năm, không chung huyết thống cũng không nghĩa lý gì sao?

– Tại sao? Tại sao mày lại làm như vậy? Hai mươi năm nay mẹ coi mày như con ruột, tao thương mày như em ruột, vì sao mày lại ác độc như vậy? – Diệp khóc như mưa, tiếng nấc nghẹn ngào như dao sắc nhọn tự đâm vào tim mình.
– Coi tôi như con ruột? Mẹ chị chưa từng coi tôi như con ruột, nếu coi tôi như con ruột thì tại sao biệt thự chia cho chị, 35% cổ phần cũng là cho chị, từ nhỏ đều dành cho chị điều tốt đẹp hơn… tôi chưa từng được gì cả?
– Thế thì sao? – Diệp ngắt lời gào lên – Nếu không có mẹ tao thì cha con mày chỉ là lũ khố rách áo ôm, mẹ tao để toàn bộ cổ phần cho ông ta, vậy mà mày sẵn sàng bức chết bà ấy, mày có còn là con người không?
– Là chị bức chết mẹ chị! Là mẹ chị xem xong ảnh của chị mà chết. Vả lại bà ta có sống thêm vài tháng vài năm cũng chẳng để làm gì, chết sớm đi cho đỡ đau khổ, tôi đang giải thoát cho bà ta đấy!

Một lũ người bệnh hoạn điên rồ. Sao có thể mở mồm nói mấy lời này? Diệp không còn nghĩ gì lao vào bóp cổ nó. Nó đang có thai sao? Được! Hôm nay mợ cho mẹ con nó cùng chết! Đứa bé không có tội sao? Nó hại mẹ con mợ mợ cũng sẽ hại con nó. Sống lương thiện để làm gì? Đứa con sinh ra bởi người cha người mẹ như nó và Nhân đã là một tội to rồi. Thế nhưng còn chưa kịp làm gì bên ngoài cũng có tiếng bước chân. Có người túm cổ mợ lôi ra, là bà Hà và Nhân. Con Hiền khóc lóc dựa vào lòng Nhân, trưng ra bộ mặt thảo mai giả tạo. Diệp nhìn đám người, mặc cho vừa bị họ lôi ra đáp xuống đất, mợ lồm cồm bò dậy. Mợ biết đám người này có dã tâm hại mẹ của mợ, con của mợ thì cũng sẽ không tha cho mợ. Mợ cũng chẳng còn sức lực mà chửi bới, chỉ ngước lên nhìn Nhân rồi nói:

– Mẹ tôi chết rồi. Các người đã đạt được mục đích rồi đúng không? Tiền bạc, biệt thự gì tôi không cần, chỉ xin anh cho tôi về nhìn mẹ lần cuối. Giờ đêm rồi cũng chẳng có ai, tôi cũng chẳng trốn thoát được. Các người cứ canh tôi 24/24, sau đó tôi sẽ làm thủ tục sang tên biệt thự cho các người.

Cứ nghĩ rằng hắn ta không đồng ý, không ngờ hắn ta lại gật đầu. Diệp cứ đinh ninh rằng họ hại mợ thì cùng lắm là ép mợ sang tên mảnh đất, tung ảnh mợ và anh Luân để hạ nhục mợ, bắt mợ ra đi tay trắng thôi, bỏ nghề, bỏ xứ đi nơi khác thôi. Với mẹ mợ chúng hại chết là bởi bà Quyết bị bệnh tim, vì sốc trước chuyện mợ ngoại tình bà lên cơn đau tim chết thì cũng chẳng có gì đang nghi ngờ. Nhưng mợ là người sống đàng hoàng, chắc chắn đám người này sẽ không dám nhúng tay vào máu mà giết mợ đâu. Thế nhưng có lẽ Diệp đã đánh giá quá thấp bọn chúng! Bọn chúng đời nào tin mợ sẽ sang tên cổ phần cho chúng, sang tên biệt thự cho chúng, bọn chúng muốn diệt cỏ thì phải diệt tận gốc, không mầm mống nào có thể sinh sôi nảy nở. Nhân giục Diệp vào thay bộ quần áo rồi nói:

– Tôi cho cô về đám tang mẹ cô. Nhưng xong việc phải quay lại biệt phủ luôn. Những gì cô nói như ban nãy cô phải làm.

Diệp gật đầu, cố nén nỗi đau thương thay bộ quần áo. Mợ cần ra khỏi nơi này, chỉ cần ra được đến đường dù có tai nạn giao thông mợ cũng sẽ lao thẳng vào một chiếc xe taxi. Mợ phải trốn thoát, mợ phải trả thù, trả thù cho mẹ, cho con mợ và chính bản thân mợ.

Thế nhưng mợ không tính được rằng đám người này đã lên kế hoạch sẵn. Khi vừa đến vườn hoa đột nhiên mợ thấy có một lực đập thẳng vào gáy mợ khiến mợ ngất lịm đi. Đến khi tỉnh lại thấy mồm ngậm giẻ lau không sao có thể nói được lời nào, hai tay mợ bị trói, tiếng con mụ Xuân cất lên:

– Tôi tính kỹ lắm rồi, tàu cũng sắp đến, đến giữa lòng đại dương thì ném nó xuống biển, chết vì vượt biên thì chẳng có cảnh sát nào người ta truy đâu. Hằng năm có đến cả trăm ngàn người vượt biên, trong số ấy thiếu gì kẻ rơi xuống biển mà chết chứ? Cô ta vừa ngoại tình, trốn đi với nhân tình chẳng phải hợp lý quá sao?

Diệp nghe đến đây mở mắt mới biết mình bị trói trong một cái bao tối tăm. Giờ đến ngay cả kêu mợ cũng không thể kêu. Ngay cả nhìn mặt người mẹ quá cố lần cuối cùng không thể. Họ giết mợ sao? Họ dám sao? Đi được một đoạn tiếng mụ Xuân lại cất lên:

– Đi được một đoạn thì cởi trói cho nó, phòng khi sau chẳng may cảnh sát tìm thấy xác nó trong trạng thái trói điều tra lại rách việc. Nhớ khi sang hẳn nước khác, đến hẳn giữa đại dương hãy ném nó đi.

Diệp ngồi nghe, cả người ớn lạnh từng cơn. Ớn lạnh vì chiếc áo mỏng manh, ớn lạnh cả bởi sự thú tính của những con quỷ đột lốt người. Mợ thật sự đánh giá chúng quá thấp. Chúng không dám giết mợ nhưng sẵn sàng tạo cho mợ cái chết hợp lý, chúng đẩy mụ Xuân làm con tốt thí. Mợ gào lên nhưng chẳng ai nghe được, chỉ thấy gã đàn ông to béo cởi cái bao ra, mợ lờ mờ nhìn gã, gã cũng trợn mắt nhìn mợ rồi ném thẳng xuống tàu. Cả người mợ lại ngất lịm, cái chết… đang đến rất gần!

Yêu thích: 4.4 / 5 từ (8 thả tim)
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN