Đào Tam gia gỡ áo khoác từ cây đào xuống mặc vào.
Trường Phú và Trường Quý cũng tròng áo lên sau đó ba cha con khiêng cuốc khoác ánh hoàng hôn chậm rãi bước trên con đường nhỏ về nhà.
Thỉnh thoảng có người cũng kết thúc công việc gia nhập đội ngũ, mọi người hỏi han tình huống ruộng của nhà khác sau đó nói chuyện bón phân.
Một đám chó trong thôn chạy trên con đường đất trống trải, nghe thấy giọng chủ nhà mình là lập tức ngoáy đuôi đi theo phía sau chủ nhân kêu gâu gâu.
Giờ phút này Hoàng Hoàng cũng đi theo phía sau Đào Tam gia, nó vọt lên trước như hiến vật quý mà quay đầu vui mừng kêu lên với Đào Tam gia.
Thấy ông chỉ lo nói chuyện với người khác không để ý tới nó thế là Hoàng Hoàng lại chạy đến bên cạnh Trường Phú và Trường Quý.
Đầu nó cọ lên chân Trường Phú, cái đuôi quét qua chân Trường Quý.
Trường Phú vỗ vỗ đầu nó thế là Hoàng Hoàng lại hăng hái nhẹ cắn tay hắn thân mật kêu gâu gâu một lúc.
Lý thị đã làm xong cơm chiều, chờ ba cha con Đào Tam gia về rửa tay, nghỉ ngơi một lát là có thể ăn.
Ban ngày có việc để làm thì buổi tối ngủ cũng thơm ngọt.
Đào Tam gia lại khôi phục trạng thái tinh thần phấn chấn, eo cũng không mỏi, răng cũng không đau, lượng cơm ăn cũng nhiều, chất lượng giấc ngủ gia tăng.
Lý thị cười mắng Đào Tam gia có mệnh lao ngực của người nghèo nhưng ông cũng chỉ cười cam chịu.
Từ hôm ấy mỗi ngày Đào Tam gia và hai đứa con trai đều khiêng cuốc đi ra ruộng lúa mạch và chậm rãi cuốc xong ruộng nhà mình.
Lúc trồng lúa mạch thời tiết quả là tốt, nhà Đào Tam gia có sáu người lớn chia làm ba tổ, một người rải hạt giống, một người đi sau lấp đất.
Luống là có sẵn, chỉ cần thả hạt giống lúa mỳ xuống luống đất thì người phía sau sẽ dùng cái quốc lật ít đất che lên đống hạt giống.
Công việc này nhẹ nhàng, nữ nhân đi trước rải hạt giống, nam nhân đi sau dùng cuốc lấp đất, người một nhà nói cười nên cũng chẳng thấy mệt lắm.
Bọn nhỏ không thể xuống ruộng nên ngồi xổm trên con đường nhỏ ở bờ ruộng chơi con kiến.
Phía cuối cánh đồng là triền núi cao cao, trên núi đa phần cây đã rụng hết lá, chỉ còn cành trơ trụi, dưới tàng cây là một lớp lá và cỏ khô vàng.
Cây bách và cây tùng vẫn xanh um như cũ, nhìn đã biết bất khuất cứng cáp.
Hoàng Hoàng là một con chó rất thích chạy như điên, vừa tới chỗ đất trống trải nó đã vung chân chạy loạn lên.
Lý thị nhặt mấy hòn đất ném nó nhưng Hoàng Hoàng vừa kích động trốn tránh vừa để lại một đống dấu chân trên luống đất đã được gieo hạt.
“Tam Bảo, đuổi Vượng Tài về nhà đi, xem nó dẫm hết lên ruộng lúa mỳ rồi đây này.” Lý thị hô.
Nữu Nữu cười khanh khách và sửa lại: “Bà nội, nó không gọi là Vượng Tài mà là Hoàng Hoàng!”
“Được, được, cháu ngoan của bà, mau lôi Hoàng Hoàng ra chỗ khác chơi đi!” Lý thị cười nói.
Tam Bảo và Tứ Bảo dùng sức gọi Hoàng Hoàng muốn hấp dẫn nó tới nhưng ai biết con chó kia chạy đến phát cuồng rồi, nó căn bản không trở về.
Lý thị chẳng biết làm cách nào chỉ có thể dùng hòn đất ném và đuổi nó ra ngoài ruộng lúa mỳ.
Hoàng Hoàng căn bản làm lơ mấy hòn đất Lý thị ném, nó hăng hái chạy vài vòng cuối cùng dừng ở một góc ruộng dẩu mông đi ị.
Sau khi giải quyết xong nó lại vọt tới chỗ chân núi và chui vào rừng.
Tam Bảo, Tứ Bảo và Nữu Nữu tiếp tục chơi con kiến, tiếng sủa vui mừng của Hoàng Hoàng thi thoảng sẽ truyền tới từ núi rừng khiến bọn nhỏ liên tiếp ngẩng đầu, tầm mắt nhìn qua núi rừng tìm bóng dáng Hoàng Hoàng.
Tam Bảo đứng lên vẫy tay vài lần về phía đó và gọi lớn: “Hoàng Hoàng, Hoàng Hoàng.”
Lý thị oán giận nói: “Nhìn con chó điên này đi, thật đúng là ai đón nó thì nó giống kẻ đó!”
Trương thị cười ha ha, Lưu thị cũng hé miệng cười hỏi: “Nương, con nhớ rõ khi ấy là Đại Bảo, Nhị Bảo và Tam Bảo cùng đón con chó này về, đến tột cùng thì nó giống ai?”
Lý thị mắng: “Giống ai nữa? Ngoài Tam Bảo ra thì còn ai trồng khoai đất này nữa!”
“Nương, ngài đúng là biết nói đùa!” Lưu thị cười nói vui vẻ.
“Hừ! Cứ thế đón con chó này về, sớm biết thế thì đã để Nữu Nữu ngoan đi đón cho rồi.” Lý thị cũng cười nói.
Đào Tam gia chống cái cuốc nói với vợ mình: “Bà đúng là lắm lý lẽ thật đó!”
Lý thị trợn mắt nhìn ông ta và lập tức phản bác: “Lão nhân, ông không tin hả, lúc ta mới gả tới đây nhà Đào lão tứ có một con chó đen cực kỳ hung hăng.
Nếu không phải nó bị buộc dây thừng thì đã sớm cắn không biết bao nhiêu người! Mà nó là do Đào lão tứ ôm về nhà, giống hệt hắn, tính tình nóng nảy như quả ớt!”
Đào Tam gia hết chỗ nói, chỉ đành cúi đầu tiếp tục cuốc đất lấp hạt lúa mỳ.
“Sao nào? Không còn gì để nói nữa đúng không?” Lý thị thừa thắng xông lên, thấy Đào Tam gia không đáp mới quay đầu tiếp tục kể cho con trai và con dâu về cái sự hung dữ của con chó đen kia.
Bên này Lý thị đang blah blah nói không ngừng thì bên kia Hoàng Hoàng đã chạy ra khỏi núi, trong miệng ngậm một thứ xám xịt.
Trường Quý mắt sắc, rất xa đã nhận ra đó là một con thỏ vì thế hắn cười nói với Lý thị: “Nương, đêm nay có thỏ để ăn rồi.”
Hoàng Hoàng chạy tới gần ném cái thứ xám xịt kia trước mặt Đào Tam gia sau đó đắc ý lắc đuôi.
Quả nhiên đó là một con thỏ hoang màu xám xịt và rất béo.
Lý thị cười khen: “Ai da, Vượng Tài quả nhiên mang tài!”
Đào Tam gia vỗ vỗ đầu Hoàng Hoàng và nhấc con thỏ kia lên ước lượng: “Con thỏ vào thu đúng là béo, con này nặng phết!”
“Nhất định là vì béo quá không chạy được nên mới bị Vượng Tài bắt được!” Lý thị nói.
“Buổi tối nấu thịt thỏ kho tàu đi!” Đào Tam gia quyết định.
Lý thị vui vẻ đón lấy con thỏ hoang treo trên cành đào.
Hoàng Hoàng lại bắt đầu chạy khắp ruộng lúa mỳ, Lý thị nể mặt con thỏ hoang nên cũng không xua đuổi nó.
Đến lúc mặt trời lặn cả nhà Đào Tam gia mới kết thúc việc và ném con thỏ vào sọt đi về nhà.
Trường Phú xử lý con thỏ, ném nội tạng cho Hoàng Hoàng ăn, da thỏ thì gột sạch máu dùng xiên tre căng ra treo dưới mái hiên cho khô.
Lý thị chặt con thỏ thành miếng nhỏ, thêm ớt cay, gừng, tỏi và tiêu làm một âu thịt kho, lại làm cải trắng bóp dấm, củ cải đỏ thái sợi xào với ớt cay, một phần canh trứng, ăn chung với bánh bột ngô.
Cơm chiều phong phú cứ thế lên bàn.
Trương thị dò hỏi xem có nên mang cho tiểu Tần thị chút thịt thỏ kho tàu không nhưng Lý thị lại lắc đầu nói: “Nếu là ngày thường thì không sao, nhưng hiện tại tiểu Tần thị có thai, ăn thịt thỏ đẻ con ra sẽ bị sứt môi.
Cái này không sợ nhất vạn chỉ sợ vạn nhất, ta không gánh nổi trách nhiệm này đâu!”
Trương thị cũng không nghĩ tới cái này nên thiếu chút nữa biến việc tốt thành việc xấu.
Người mang thai đều phải chú ý ăn uống, không ăn thịt thỏ, dê, càng không được ăn thịt lợn sề.
Ăn thịt thỏ thì lo đứa nhỏ sinh ra bị sứt môi, ăn thịt dê thì lo đứa nhỏ bị động kinh, ăn thịt lợn sề thì sợ đứa nhỏ bị bệnh heo điên.
Nhà mẹ đẻ của Trương thị có một ví dụ sờ sờ ra đó.
Có một cô con dâu tham ăn, trong lúc mang thai ăn bánh bao làm từ thịt lợn sề khiến đứa con gái sinh ra bị bệnh heo điên.
Lúc đứa nhỏ được sáu bảy tuổi mới phát bệnh, cả người đột nhiên ngã xuống tứ chi run rẩy, sùi bọt mép, còn kêu hừ hừ.
Người trong thôn đều nói đứa nhỏ bị bệnh heo điên, không trị hết được, đáng thương cho đứa nhỏ hiện tại vẫn ở nhà chưa thể gả ra ngoài.
Trương thị nghĩ mà sợ, tay bưng bát thịt thỏ đi tới nhà ăn, Lý thị và Lưu thị cũng bưng những món ăn khác.
Bọn nhỏ chưa từng ăn thịt thỏ nên lúc này vui hơn cả tết..