Cuối tháng 11 rất nhiều nhà trong thôn bán heo và mổ heo, mỗi ngày đều nghe thấy tiếng heo kêu éc éc.
Đây là khúc dạo đầu của những ngày ăn tết.
Toàn thôn đều tràn đầy cảm xúc hưng phấn, người lớn và trẻ nhỏ đều không tự giác mang theo tươi cười trên khuôn mặt.
Lái buôn tên Vương Thuận kia nhớ rõ ân tình của Đào Tam gia nên mỗi lần tới thôn đều dò hỏi xem nhà họ có cần mang cái gì hắn sẽ mang giúp.
Gần đây hắn luôn qua lại giữa trấn trên và mấy thôn xung quanh vì thế mang theo đồ cũng tiện.
Đào Tam gia cũng không khách khí mà để Vương Thuận mua giúp mình một ít muối để ướp thịt khô sau đó giữ mấy người họ ở nhà mình ăn cơm.
Cứ thế qua lại hai người cùng cũng dần thân quen, số lần Vương Thuận ăn cơm ở nhà Đào Tam gia cũng nhiều hơn, ngược lại hắn sẽ giúp ông mua mấy hộp trà, lá thuốc lá gì gì đó, còn mang theo ít kẹo và điểm tâm cho bọn trẻ con.
Tới 28 tháng 11 Đào Tam gia hẹn đồ tể Trịnh tới nhà mổ heo, trong thôn cũng có hai nhà khác cũng hẹn ông ta hôm nay.
Đồ tể đúng hẹn mang theo dụng cụ tới.
Lý thị nhiệt tình nấu một bát mỳ thật lớn, bên trên để vài miếng thịt khô thật dày đưa cho ông ta.
Đồ tể vui vẻ ăn xong bát mỳ mới lau miệng đi làm việc của mình.
Mọi người đều nói việc mổ heo cuối năm cần phải chú ý nhiều, nhất định phải chiêu đãi đồ tể thật tốt, để hắn ăn no thì mới có sức một đao khiến heo mất mạng, như vậy mới cát lợi.
Nếu một đao không thọc đúng chỗ hiểm vậy heo sẽ kêu thảm và chậm chạp không chết, còn phải thêm đao nữa.
Người của Đào gia thôn cho rằng như thế cực kỳ không may mắn, năm sau mọi việc sẽ không thuận lợi.
Đồ tể Trịnh là đồ tể được mọi người trong Đào gia thôn cực kỳ tin tưởng, hơn nữa giá ông ta đưa ra cũng phải chăng.
Mổ một con heo thu 200 văn, cổ heo và bốn cái móng thuộc về ông ta.
Với giá thế này các thôn dân đều chấp nhận được.
Đào Tam gia dọn hai băng ghế dài đặt song song ở trong viện sau đó cùng đồ tể hợp lực dọn một thùng gỗ lớn tới vị trí đã định.
Lưu thị và Trương thị thì canh đun nước sôi để làm lông, Trường Phú và Trường Quý thì đi tới chuồng heo đuổi con heo béo kia ra ngoài.
Con heo kia bụng lép kẹp, khác với những con mang đi bán, con này không cần cho ăn nhiều làm gì.
Làm như thế lúc mổ heo xong không cần mất công làm sạch nội tạng vậy nên trước hai ngày người nhà đã giảm bớt đồ ăn của nó.
Con heo béo lắc lư đi ra từ chuồng heo tới sân trước.
Nó nhàn nhã cực kỳ, hoàn toàn không cảm nhận được nguy hiểm sắp tới.
Từ lần trước xem mổ heo Nữu Nữu đã có bóng ma vì thế lần này nàng sớm trốn vào trong phòng.
Vừa lúc hôm nay học đường cho nghỉ nên Đại Bảo và Nhị Bảo hứng thú bừng bừng vây xem.
Trường hợp máu me thế này chẳng ảnh hưởng gì tới đám con trai, ý nghĩ trong lòng chúng nó cực kỳ đơn giản: mổ heo xong là có thịt ăn, là tới ăn tết.
Trong thôn cũng có một đống trẻ con chạy tới xem náo nhiệt, tiết mục giải trí vui vẻ nhất của tháng 11 và tháng chạp chính là xem mổ heo.
Không lâu sau đồ tể Trịnh đã xử lý xong một con heo lớn, việc chia thịt còn lại thì càng không phải nói.
Ông ta dùng dao róc xương, lại mài soàn soạt sau đó đi vòng quanh và nhanh chóng phân xong cả con heo.
Đồ tể Trịnh có kỹ thuật thành thạo chuẩn xác vì thế danh tiếng cực kỳ vang dội.
Cái sàng lớn lúc này đặt thịt chân giò, thịt ba chỉ và xương sườn, đầu heo và đuôi thì bỏ vào một thùng riêng, phần nội tạng bỏ vào một thùng khác.
Đồ tể Trịnh phân thịt cực kỳ xinh đẹp lại sạch sẽ, Đào Tam gia vừa lòng pha một ấm trà Hoa Mao Phong và đưa 200 văn tiền đã chuẩn bị cho ông ta rồi cười ha hả nói: “Trịnh lão đệ, vất vả, vất vả!”
“Không có gì.” Đồ tể Trịnh cười và nhận tiền, sau khi kiểm xong ông ta ngồi uống trà nghỉ tạm.
“Trịnh lão đệ, kỹ thuật của ngươi đúng là càng ngày càng tốt!” Đào Tam gia khen.
“Ha ha, tam ca quá khen, ta đây chỉ là quen việc thôi, cũng coi như kiếm bát cơm ăn!” Đồ tể Trịnh mở nắp bát trà thấy mùi trà nồng phả vào mặt, nước vàng vàng xanh xanh thấp thoáng mấy bông hoa nhài thì nói, “Tam ca cũng thích uống Hoa Mao Phong à? Ta cũng cảm thấy trà này uống tốt!”
“Ta là một kẻ thô lỗ, làm gì biết trà gì với trà gì, chỉ là ta quen uống trà này, giá rẻ mùi lại nồng, pha thêm vài lần vẫn không bị nhạt.
Ta nghe người ta nói càng là người chú ý càng coi thường trà có vị quá nồng, nhưng cái này lại hợp ý ta.
Trà nhạt nhẽo quá còn không bằng uống nước sôi để nguội!” Đào Tam gia cười nói.
Đồ tể Trịnh gật đầu đồng ý, vì ông ta cũng tự nhận mình là một người thô lỗ.
Hai kẻ thô lỗ bình phẩm trà ư? Thôi miễn đi! Vẫn nên đàm luận chuyện làm lạp xưởng, thịt khô mới thực tế.
Đào Tam gia cùng đồ tể Trịnh nghỉ ngơi một lát người kia mới đứng dậy cáo từ sau đó cõng dụng cụ muốn đi thôn đông.
Ở đó còn hai nhà đang chờ ông ta tới mổ lợn đó!
Đào Tam gia tiễn đồ tể Trịnh ra tận cửa và chỉ chỉ hướng, “Ngươi đi hướng đông, đến bên kia hỏi người ta là được.
Thôn của chúng ta không lớn, tùy tiện hỏi ai cũng biết.”
Đại Bảo nhảy ra reo lên: “Ông nội, để cháu dẫn đường cho!”
“Đi đi!” Đào Tam gia đồng ý.
Sau đó là cảnh một đám nhóc con chạy tới thôn đông, như thế còn xem được nhà khác mổ heo, quá hưng phấn! Đại Bảo thì đi theo bên cạnh đồ tể Trịnh làm hết chức trách của người dẫn đường.
Đào Tam gia trở lại chính phòng thì đã thấy Lý thị mang theo con dâu bắt đầu thu dọn xử lý thịt heo.
Lý thị lấy xương lớn ra, lại để riêng một miếng thịt có mỡ làm cơm trưa, lại chọn chút thịt có nạc mỡ đan xen để dùng làm lạp xưởng.
Phần thịt còn lại vừa béo vừa lớn thì bà ta hớn hở chia làm miếng nhỏ, Lưu thị và Trương thị lấy muối ra cẩn thận bôi lên những miếng thịt đó.
Thịt heo mới vừa mổ xong không thể dính nước, cần phải bôi muối lên luôn.
Sau đó thịt được giao cho Trường Phú và Trường Quý dùng sức xoa bóp, cố gắng để muối ngấm vào miếng thịt.
Làm xong bước này chúng được bỏ vào một cái lu cao nửa người, tiếp theo là xương sườn, thịt thủ, lỗ tai, lưỡi, chân giò, cái đuôi cũng đều được ướp và bỏ vào lu.
Chờ xong xuôi thì cái lu cũng đã đầy.
Lu thịt muối được đặt ở phía sau chính phòng, Trường Phú và Trường Quý dùng sức đè thịt muối xuống và đậy một cái sàng trúc lên như thế vừa thông khí lại che được mùi.
Chờ qua 10 ngày là coi như hoàn thành.
Lý thị và con dâu lại vội vàng đi xử lý nội tạng còn Trường Phú và Trường Quý thì vội gánh nước.
Người một nhà vội đến trưa mới thu dọn xong nội tạng.
Lúc này làm canh xương hầm thì không kịp rồi vì thế Lý thị cắt chút gan heo làm một âu gan heo xào, lại làm một âu thịt kho tàu, miếng nào cũng vừa béo vừa to.
Bà còn xào cải trắng, làm canh củ cải, thêm ít bánh bột ngô.
Cơm trưa đều bưng lên rồi nhưng ngoài Nữu Nữu ngoan ngoãn ở nhà thì bốn con khỉ kia vẫn đang ở thôn đông xem mổ heo!
Lý thị để con dâu bưng đồ ăn lên còn mình chống nạnh đứng ở cửa cao giọng gào về phía thôn đông gọi tên Đại Bảo.
Đại Bảo và mấy thằng em đang chăm chú xem đồ tể chia thịt thì bị Thiết Đản ở bên cạnh huých khuỷu tay nói, “Đại Bảo, bà nội ngươi gọi ngươi kìa!”
Đại Bảo lắng nghe thì thấy đúng giọng Lý thị vì vậy vội lôi Nhị Bảo, Tam Bảo và Tứ Bảo phóng như bay về nhà.
Mấy cái bảo nghĩ tới giữa trưa có thịt ăn thì hận không thể chắp cánh bay về luôn.
Lý thị canh ở ngoài cửa, trong tay cầm một nhánh cây khô chờ mấy cái bảo về là cho một trận.
Nhưng bọn nhỏ đều mặc tròn vo, cả đám vọt qua như cơn gió thế nên cái gậy trong tay bà chỉ kịp đập vào mông đứa đi cuối là Tứ Bảo.
Ai biết chỉ một roi này mà gậy gãy đôi, còn Tứ Bảo vẫn không hay biết gì chạy về phía nhà ăn.
Lý thị tức quá ném gậy xuống quát: “Sao không rửa tay, bẩn thế mà đã ăn cơm là sao?!”
May Đại Bảo còn nghe lời nên mau chóng mang mấy đứa em đi ra hậu viện rửa tay xong mới quay lại nhà chính.
Nữu Nữu cười tủm tỉm gào lên: “Ca ca, thịt mỡ, ăn thịt mỡ!”
Lý thị phân phát xong bánh bột ngô mới hô lên một tiếng ăn đi thế là đám trẻ con lập tức duỗi đũa ra gắp thịt.
Hôm nay là mổ lợn nhà mình vì thế Lý thị làm cực kỳ hào phóng, người lớn cũng không cần nhường con trẻ nữa mà ăn thoải mái.
Nữu Nữu cầm đũa xuyên qua một miếng thịt kho tàu béo núc sao đó đưa tới bên miệng chậm rãi liếm, chậm rãi cắn.
Lưu thị thỉnh thoảng cầm khăn tay lau miệng cho đứa nhỏ.
Ăn xong hai miếng thì Nữu Nữu ngán thế là Lưu thị lại đút cho nàng mấy miếng gan và thận heo khía hình hoa mãi tới khi nàng lắc đầu như trống bỏi mới để kệ cho nàng tự ăn củ cải trắng.
Sau khi ăn xong Lý thị cắt đống mỡ heo trắng như tuyết thành miếng nhỏ chậm rãi nấu chảy tới khi toàn bộ chúng nó tan thành nước mỡ trong suốt và một đống tóp mỡ màu vàng.
Bà dùng muôi trúc vớt tóp mỡ ra để vào một cái bát riêng, còn mỡ heo nóng thì múc vào bình để nguội là thành hỗn hợp trắng.
Tóp mỡ giòn giòn, một phần nhỏ được bỏ ra bát khác rải thêm chút đường trắng cho bọn nhỏ ăn đỡ thèm, còn phần lớn để lại hầm đồ ăn, quả thực ngon cực kỳ..