Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt - Chương 1
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
114


Vương Quốc Những Kẻ Lạ Mặt


Chương 1


Mười chín. Đó là số tử thi được phát hiện ngoài sa mạc. Tất cả đều là phụ nữ. Thủ phạm có thể chỉ là một người, và hắn đã giết hại những người phụ nữ này từ mười năm về trước mà cảnh sát không hề hay biết.

Với bối cảnh là Jeddah, thành phố lớn thứ hai của Ả Rập Xê-út và là cửa ngõ tới thánh địa Hồi giáo Mecca, Zoe Ferraris đã dẫn dắt người đọc bước vào vương quốc những kẻ lạ mặt qua những tình tiết chắp nối và đan xen như những mảnh ghép hình của một bức tranh bí ẩn.

Sự hồi hộp và lôi cuốn của cuốn tiểu thuyết đến từ những mâu thuẫn và căng thẳng trong cuộc sống dưới một chế độ thần quyền, với niềm tin tôn giáo gần như tuyệt đối và đặc biệt là nỗi ám ảnh cực đoan về phẩm hạnh của người phụ nữ. Một xã hội bị cách ly về giới tính: có ngân hàng, có khu mua sắm dành cho nữ giới, phụ nữ phải đi cửa riêng, ngồi ở khu vực riêng trong nhà hàng. Một xã hội với luật pháp hà khắc: ăn cắp sẽ bị chặt một bàn tay, ngoại tình có thể bị chặt đầu và phụ nữ bị hiếp dâm cũng phải chịu tội như người hiếp dâm mình vì cô ta đã phạm điều giáo huấn khi tiếp xúc với đàn ông lạ. Vấn đề tình dục cũng được đề cập một cách thẳng thắn thông qua mối quan hệ giữa Thanh tra Ibrahim Zahrani và Sabria, một phụ nữ nhập cư đã từng bị lam dụng như rất nhiều những cô gái trẻ nhập cư khác. Thậm chí Ferraris không ngần ngại khi đề cập đến khía cạnh gai góc qua những trường hợp quan chức cấp cao của chính phủ, của lực lượng cảnh sát có dính líu tới những vụ lạm dụng tình dục và giết người.

Dưới góc nhìn hiện thức của một phụ nữ phương Tây tự do, Ferraris phê phán nhưng đồng thời khắc họa chân dung nhân vật, dù là chính hay phụ, thông qua những quan sát tâm lý chân thực và rất người. Họ có một cuộc sống bên ngoài xã hội và một đời sống nội tâm với những bí mật cần che giấu, dù đó là đàn ông hay đàn bà, là người quyền chức, giàu sang hay người lang thang, nghèo khó. Trên hết, Farraris thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với thân phận của người phụ nữ trong xã hội Ả Rập và Hồi giáo. Đó là Amina al-Fouad, một mẫu phụ nữ nội trợ điển hình nhưng bất hạnh dù có một ông chồng giàu có. Một cô gái trẻ như Saffanah, dám liều mình thách thức mọi điều luật về đức hạnh vì đam mê tình ái nhất thời, và rồi bị bỏ rơi trước khi nhận ra mình đã mang thai. Và những cô gái nhập cư, ngưỡng vọng và tìm mọi cách để đến Ả Rập Xê-út với mong ước đổi đời nhưng đã bị lừa gạt, bị lạm dụng và thậm chí bị giết hại một cách tàn bạo. Sự đồng cảm đó được Ferraris gửi gắm qua nhân vật Katya Hijazi, một nữ nhân viên pháp y với ước mơ trở thành một thám tử điều tra, là người đã chứng kiến số phận của những nhân vật đó trong câu chuyện, và cũng chính là hình tượng của một mẫu phụ nữ dám ước mơ và dám vượt qua định kiến của xã hội để biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Am tưởng sâu sắc những phương thức của tội phạm giết người hàng loạt, thấu triệt trong phân tích tâm lý nhân vật và tài năng trong tạo dựng những mâu thuẫn và đẩy xung đột lên cao trào, tuy không phải là mới lạ đối với thể loại này, nhưng tất cả đã được Ferraris khéo léo sắp đặt bằng những kỹ năng của một nhà biên kịch lão luyện.

Sinh trưởng trong một gia đình quân nhân Mỹ, nhưng đã từng sống ở nhiều quốc gia khác nhau nên Ferraris có một sự cảm thụ văn hóa vô cùng nhạy bén và tinh tế. Chín tháng trải nghiệm cuộc sống ở Jeddad cùng gia đình chồng là người Ả Rập Xê-út là nền tảng cho sự thành công của ba cuốn tiểu thuyết về chủ đề xã hội Ả Rập của Zoe Ferraris. Đó cũng là lý do tại sao trong Vương quốc những kẻ lạ mặt, người đọc sẽ có cảm giác chân thực và gần gũi như được dẫn dắt bởi một người trong cuộc. Xin mượn lời đánh giá của trang The Guardian để thay lời kết: “Với những phân tích văn hóa không hề gượng ép, đây là cuốn tiểu thuyết trinh thám thú vị bậc nhất đã phá vỡ những hạn chế vốn có của thế loại tiểu thuyết này.” (1)

(1) Robin Yassin-Kassab, “Kingdom of Strangers by Zoe Ferraris – review”, The Guardian, http://www.guardian.co.uk, Friday 27 July 2012 (Tất cả các chú thích trong cuốn sách này là của Dịch giả).

Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý độc giả.

***

Gió cát bụi mù cuốn lấy chiếc SUV khiến nó trượt dài rồi dừng lại giữa lòng đường. Bốn viên cảnh sát của Đội Trọng án mặc thường phục bước ra khỏi xe, áo sơ mi nhàu nhĩ, mặt nhăn nhó vì nắng. Chỉ một người có mang theo khăn chùm đầu, những người còn lại đều đeo kính râm.

Cảnh sát địa phương tiến lại gần bọn họ. Người đàn ông Bedouin đã phát hiện ra xác chết có thể ngay lập tức nhận ra ai là người chịu trách nhiệm chính qua sự khác biệt khá tinh vi về ngoại hình của những viên cảnh sát. Trung tá Thanh tra Ibrahim Zahrani không tự giới thiệu về mình. Người Bedouin kia tiến về phía ông, với vẻ bất an thuật lại việc chiếc xe tải của mình đã chệch lái khỏi đường như thế nào, khiến một con cừu văng ra khỏi khoang chứa hàng và buộc ông ta phải dừng lại. Khi ông ta đi tìm con cừu thì phát hiện ra cái xác. Mọi người đi theo ông ta trong đám cát bụi tung mù.

Rất khó để ngay lập tức nhận ra cái xác là nam hay nữ. Có năm dấu giày tạo thành hình vòng cung xung quanh khuôn mặt đã bị rạch nát. Cằm và mắt bên trái đã bị mất – có lẽ là vết thương bởi đạn bắn – phần da còn lại đã khô xám ngoét và bị bao quanh bởi một lớp cát. Từ những sợi đen nhỏ li ti nhô ra từ phần cổ áo Ibrahim đoán đây là một phụ nữ.

Ý nghĩ đầu tiên của ông là một gã trai sa mạc nào đó đã bắn vào đầu chị hắn vì một “tội ác” có liên quan đến danh dự gia đình. Còn có thể là kẻ nào khác được khi chôn xác người như thế này chứ? Quá xa về phía nam Jeddah, đây là một dải cát đã bị lãng quên nằm sâu trong lãnh thổ đến tận mười sáu dặm tính từ trục đường chính, mà trục đường đó cũng không thể trở thành xa lộ được. Bọn họ đã bị lạc tới hai lần trên đường đến đây và đã phải chờ cảnh sát địa phương đến hỗ trợ.

Viên thanh tra nhìn lại khuôn mặt đó lần nữa. Không phải gương mặt của một người sinh sống ở vùng sa mạc. Cho dù nó đã bị hủy hoại, người ta vẫn có thể nhận ra nét mặt người châu Á.

Ibrahim liếc nhìn đồng hồ đeo tay: đã một giờ rưỡi chiều. Nếu may mắn, bọn họ có thể xong việc trước khi đến khoảng thời gian kinh khủng nhất trong ngày. Đã đầu thu, thực ra là cuối mùa hè. Cái nóng đã cắt đứt mạch tư duy của ông như một kẻ lắng nghe thiếu kiên nhẫn. Viên cảnh sát địa phương, Hattab al-Anzi, trông không có vẻ gì giống với một nhân viên cảnh sát hoạt động tại khu vực sa mạc cả. Da xanh xao, mắt lác xệch, nhễ nhại mồ hôi. Ông ta bấm còi rồi lái xe đi, có lẽ là để lấy lòng các nhân viên điều tra, hoặc đội pháp y, những người mà chắc hẳn cũng đã lòng vòng cả mấy đoạn đường mà đám người của Ibrahim đã phải nguyền rủa chúng biến xuống địa ngục cho rồi.

Phía sau họ lúc này, lũ cừu đang be be kêu trong khoang chứa của chiếc xe tải. Nửa con đường đã bị cát phủ kín. Chỉ ngay trước điểm đỗ chiếc SUV vài mét, con đường không thể nào đi qua được nữa. Thật đúng là một nơi biệt lập. Gió cát hẳn đã xuất hiện hàng tuần rồi mà không ai để ý.

“Ông có cho rằng việc này mới xảy ra gần đây không?” Ibrahim hỏi người Bedouin. “Vâng, đêm qua có bão. Một cơn bão kinh khủng. Tất nhiên là đủ để thổi tung cả đụn cát phủ đầy con đường.”

Khi nhắc đến đụn cát, ông ta ra hiệu về phía cái xác. Tất cả những gì mà Ibrahim có thể nhìn thấy là khung cảnh cát bụi bị xé thành từng lớp bởi những vỉa đá nhô lên. Ông thấy những làn cát bay tứ tung, một số quấn lại trên đường trước khi ông nhận ra khu vực xung quanh cái xác đã hơi dày cát lên. Hẳn đã có một đụn cát ở đó – không quá cao, có lẽ là hình lưỡi liềm, cong theo hướng gió thổi phía đông.

Ông quan sát thấy nhân viên của mình đi lại trên hiện trường vụ án và nghe tiếng sĩ quan cấp dưới Waseem Daher nhắc nhở họ. “Lùi lại con đường ngay! Các anh đang đạp lên bằng chứng đấy!” Chẳng ai nghe theo, nhưng bọn họ đứng gần anh ta và quay sang khi anh ta nói, lúc nào cũng với vẻ háo hức. Daher không hẳn nhận thức được quyền hạn của mình đối với những người đó.

Ánh nắng gay gắt bao trùm lên họ như những lưỡi lửa liếm ngang từ một bó đuốc. Cuối cùng thì những chiếc xe cũng đã đến với cách thức của một đám tang. Một cuộc diễu hành xe cứu thương của Trăng lưỡi liềm Đỏ, xe cảnh sát điều tra, hai chiếc Yukon của đội pháp y. Viên cảnh sát địa phương, Hattab, đỗ xe ở cuối hàng.

“Tay đần độn.” Ai đó lên tiếng. “Có ai nói với hắn là người ta không thể dẫn đường nếu đi từ phía sau không?”

“Anh ta muốn chắc rằng nếu có bão nữa thì anh ta sẽ là người đầu tiên chạy thoát.” Daher nói.

Chỉ trong vài phút, cảnh tượng đã trở nên hỗn loạn bởi đám người. Mấy tay pháp y cô lập khu vực xung quanh xác chết bằng những chiếc gậy dài và một cuộn băng màu xanh dương. Ibrahim liền can thiệp; ông muốn khoanh vùng toàn bộ đùn cát, để họ có thể mở rộng khu vực và đẩy những người kia lùi ra xa hơn. Hai viên cảnh sát trẻ đến cùng nhân viên điều tra cũng có tên là Ibrahim, nhưng mọi người thường gọi là Abu-Musa, tức “cha của Musa.” Thực ra ông ta là cha của Kareem, nên đáng lẽ phải gọi là Abu-Kareem mới đúng, nhưng một buổi chiều tại một cửa hàng cà phê, ông ta đã ra sức giải thích với Chánh Thanh tra Riyadh rằng musa, tên của nhà tiên tri Moses, cũng là tên của loài cây họ chuối. Chúng được đặt tên như vậy vì mẹ của Moses đã nhét một quả chuối vào miệng con trai trước khi đặt nó vào giỏ sậy rồi đẩy xuống sông Nile. Quả chuối có nhiều chất dinh dưỡng, nhưng chủ yếu là giữ cho đứa trẻ im lặng để người Ai Cập không phát hiện mà giết nó. Chánh Thanh tra Riyadh, vốn không ưa mấy cái chuyện pha nửa lịch sử nửa thần thoại như vậy, chỉ bập bập chiếc tẩu và lầm bầm. “Thế anh thì biết chuyện à, hả cha của Musa?” Vậy là cái tên Abu-Musa có từ đó.

Thanh tra Ibrahim trước đây chưa từng làm việc với Abu-Musa, nhưng bản tính nóng nảy cũng như sự chính trực hống hách của ông ta đã trở thành huyền thoại. Giờ thì Abu-Musa đang đợi các nhân viên pháp y hoàn thành việc khám nghiệm nửa thân trên. Hai nhân viên của Trăng lưỡi liềm Đỏ tiến vào định giúp các nhân viên pháp y lắp đặt chiếc mày hút bụi sẽ sử dụng để loại bỏ lớp cát, thì Abu-Musa quát họ: “Quay lại đây ngay! Các anh không được đụng đến cô ta!”

“Cô ta chết rồi mà.” Một nhân viên đáp.

“Không ai được động vào cô ta hết! Giờ thì biến ngay khỏi đây đi.” Abu-Musa đẩy người đó sang bên. Ông ta không hề để tâm đến việc có thể phá vỡ mất bằng chứng, ông ta chỉ đang cảnh giác một tội ác đạo đức, đàn ông đụng chạm vào cơ thể phụ nữ, hủy hoại thanh danh của cô ta dù cô ta đã chết.

Tiếng lách cách quen thuộc của bánh xe lăn trên đường nhựa và đám bụi nhỏ cuộn lên đã báo hiệu sự xuất hiện của một chiếc SUV khác, chiếc xe chở Thám tử Osama Ibrahim. Osama bước ra khỏi xe, khảo sát hiện trường, rồi đi thẳng về phía thanh tra Ibrahim. Hai người bắt tay nhau, và Osama cáo lỗi vì đã không đón tiếp ông trước ở Sở được.

Ai nấy đều cư xử rất lễ độ, Ibrahim đã làm việc ở Sở được hai tuần rồi, sau khi thuyên chuyển từ Đội Điệp vụ. Ông được kính trọng không chỉ bởi, ở cái tuổi bốn mươi hai, ông lớn hơn hầu hết các sĩ quan khác, mà còn bởi ông đã làm việc trong lĩnh vực trọng án từ rất nhiều năm trước, và cũng vì ông có quan hệ với hoàng gia. Ông chắc chắn rằng chẳng bao lâu các rạn nứt sẽ xuất hiện.

“Một người Bedouin địa phương đã tìm thấy xác một người phụ nữ vùi trong cát.” Ông nói. “Anh đến xem sao.”

Osama rời bước.

Hai nhân viên Trăng lưỡi liềm Đỏ lúc này đang càu nhàu về Abu-Musa và bàn luận về một sự việc được đưa trong mục tin tức. Có một nữ sinh tại trường Cao đẳng Sư phạm ở Qassim đổ bệnh. Trường đó đã phải gọi cho Trăng lưỡi liềm Đỏ, nhưng khi nhân viên của họ đến nơi thì những người có thẩm quyền đã cấm họ động vào cô ta. Mặc dù họ rất lo ngại cô ta có thể chết nhưng hình như họ còn lo ngại hơn việc để đàn ông lạ mặt đụng chạm vào cô gái và làm cô ta mất phẩm giá. Trong khi bọn họ còn đang tranh cãi thì cô gái đó đã chết. Hai nhân viên của Trăng lưỡi liềm Đỏ có vẻ kinh hãi trước toàn bộ sự việc này và cảnh giác với những điều tương tự có thể xảy ra với họ.

“Ông ta nghĩ chúng ta là cái quái gì chứ – một đám ma cô dẫn khách à?” Một người lớn tiếng.

Osama quay lại trông có vẻ bàng hoàng. Ibrahim nhận thấy vẻ mặt đó của ông ta. Anh cho rằng mình đã miễn dịch với cái chết, đã chứng kiến cả thảy mọi điều xảy ra với con người – và rồi chỉ một gương mặt phụ nữ đã đánh gục anh lần nữa. “Vụ rắc rối ở địa phương thôi, anh nghĩ vậy không?”

“Chắc vậy.” Ibrahim nghiên cứu hiện trường. “Nhân viên điều tra của anh thường hung hăng như vậy sao?”

“Vâng, nhưng chỉ khi nạn nhân là nữ giới.”

“Điều đó cũng dễ hiểu.”

Bỗng có tiếng vật gì đó gãy. Tiếng kêu rất nhỏ nhưng cũng đủ tạo ra một bầu không khí im lặng đầy tò mò. Một nhân viên của Trăng lưỡi liềm Đỏ đã dẫm lên phần cát mềm, đạp phải thứ gì đó cưng cứng, khiến nó gãy vỡ. Ibrahim tiến lại và quát lớn: “Không ai được cử động!” Ngạc nhiên thay, tất cả mọi người đều tuân lệnh.

Người kia đã nhấc chân ra khỏi đám cát, và qua gương mặt anh ta Ibrahim có thể nhận ra anh ta đã tìm được thứ gì.

“Nghe có vẻ giống xương bị gãy.”

“Chính vậy.” Chỗ đất lún vì dấu giày của anh ta đã bị cát phủ đầy. Ibrahim quan sát xem còn có ai khác không.

Bọn họ đều đứng cách xa cái xác năm mét.

“Mọi người giữ nguyên vị trí hiện tại.” Ibrahim lớn tiếng. “Trừ anh.” Ông chỉ tay về phía người chụp ảnh pháp y. “Chụp ảnh tất cả mọi người tại đúng vị trí hiện giờ của họ.” Người đó nhoài người ra để thực hiện theo. Rồi Ibrahim chỉ sang Daher. “Anh ra chỗ tay cảnh sát địa phương bảo anh ta liên lạc bằng bộ đàm để cử mấy người tìm dấu vết đến đây. Nhóm Murrah ấy, nếu anh có thể liên lạc được với họ, và hãy cố gắng nhanh hết sức vào.” Daher nhảy vào chiếc xe cảnh sát mà Hattab ngồi tận hưởng máy điều hòa.

Ibrahim đứng gác, cái nhìn chăm chú của ông khiến đố ai dám di chuyển chỉ một mi-li-mét. Giống như lũ trẻ đang chơi trò, bọn họ đứng bất động một cách ngượng nghịu, trên khuôn mặt họ lúc này đã biến mất cái vẻ chịu đựng vì cái nóng mà bừng sáng lên sự háo hức, một niềm vui thích kỳ lạ khi được chỉ bảo phải làm gì trong khi thực ra đó là điều bắt buộc.

Đám nhân viên của ông thanh tra đã dẫm đạp lên khu vực này tương đối nhiều, nhưng đến cái xác thứ ba bọn họ vẫn chưa phát hiện được quy luật nào.

Nhóm tìm dấu vết Murrah đã đến – một người ông và đám cháu của ông ta – và phải mất đến hàng giờ đồng hồ đi lại quanh địa điểm để ghi nhớ các dấu giày, loại bỏ từng người bằng những kỹ xảo kỳ diệu. Bọn họ thậm chí không cần tham khảo ảnh nhân viên pháp y đã chụp. Sau đó, bọn họ bắt đầu lại từ đầu, dò tìm những vật gì không nằm trong phạm vi đó. Họ khảo sát kỹ lưỡng mặt đất, hết bò, ngồi xổm, lại quỳ, chăm chú quan sát các điểm giống nhau trên mặt cát đến hàng phút theo những vệt dài rất khó hiểu. Họ đã tìm được sáu cái xác với những cánh tay theo hình chữ Y thần thánh, nhô lên mặt cát như đang cảm nhận không gian hình học thần bí, và chỉ đến khi đó thì dạng như một quy luật mới bắt đầu định hình.

Tất cả những cái xác đều là phụ nữ. Bọn họ bị chôn ở phía lưng của một đụn cát hình lưỡi liềm. Có một nền đá đặt ở dưới để giữ cho vùng cát được ổn định, giúp cho tên sát nhân, giả sử như vậy, nếu muốn có thể quay trở lại mà vẫn tìm được địa điểm chôn cất trong trường hợp bão cát đã thổi tung đụn cát của hắn lên con đường. Một điểm lún nhẹ từ phía con đường trở xuống cho thấy dù có bao nhiêu cơn bão quét qua đây đi chăng nữa thì cát vẫn sẽ tích tụ tại chính điểm này. Trong khoảng vài tháng, cát sẽ tạo thành một đụn khác nhờ gió vẫn đều đều thổi. Nếu gặp bão, nó sẽ bị thổi tung phủ lên mặt đường, giống như chuyển động từ từ của những con sóng xô vào bãi biển. Rồi con đường sẽ lại quang sạch và cát sẽ lại tích tụ thành đụn.

Con số xác chết giờ đã tăng lên khiến Ibrahim không ngừng băn khoăn: tại sao lại là chỗ này?

Họ phải gọi xe tải chở nước, và một nhà hàng địa phương (chỉ cách đó ba mươi hai cây số) chuẩn bị cho họ những đĩa cơm khổng lồ cùng thịt cừu, đúng như một đám cưới, và họ ăn hết sạch, nếu không muốn nói là ăn một cách điên cuồng. Những làn gió nóng như lửa bắt đầu cuộc chơi chết chóc với cơn thèm ăn của những người đàn ông. Hai người đã ngã gục và phải đưa trở về Jeddah bằng xe của Trăng lưỡi liềm Đỏ.

Ibrahim cúi xuống từng cái xác một, cái nóng như lưỡi dao cắt ngang lưng ông. Mồ hôi đầm đìa khiến giày ông ướt nhẹp. Ngay cả nhóm Murrah có vẻ cũng bắt đầu kiệt sức.

Hiện trường mở ra về phía sa mạc như một khu khai quật khảo cổ học, ngôn ngang trên mặt đất nào vải bạt, nào cọc dựng, đèn sáng được mang đến khi mặt trời chuyển sang màu đỏ ối và khuất dần phía chân trời. Mười chín cái xác tất cả. Ibrahim thấy khiếp sợ khi nghe nhân viên điều tra báo cáo lại. Abu-Musa đến nói chuyện với ông, đây là lần đầu tiên trong ngày ông ta làm vậy. Ánh hoàng hôn khiến mái tóc hoa râm của ông ta đẹp lạ lùng.

“Ông có nghe những gì tôi nói không? Mười chín cái xác.” Abu-Musa nói. “Mười chín. Ông hiểu điều đó có nghĩa là gỉ chứ?”

“Và trên cả đó là mười chín?” Ibrahim trích đọc.

Abu-Musa gật đầu với vẻ đồng tình lặng lẽ. Câu thơ đó được trích trong kinh Koran, là một câu thơ huyền bí không ăn nhập gì với những nội dung khác, nhắc nhở con người từ hàng bao thế kỷ nay gợi tưởng đến những hình dung hoang dại về tầm quan trọng của con số mười chín. Những lần nhập thân gần đây nhất ở Mỹ, Tucson, Arizona, một nhà hóa sinh người Ai Cập tên là Rashad Khalifa tuyên bố tổng lãnh thiên sứ Gabriel đã tiết lộ với ông ta rằng trong văn tự kinh Koran có một mã số toán học bí ẩn có thể giải mã bằng cách sử dụng con số mười chín.

Nhưng câu thơ tiếp theo trong kinh Koran đã đưa ra một lời giải thích giản đơn cho con số đó: Và chúng ta không sắp đặt ai khác ngoài các thiên sứ như những người gác lửa, và chúng ta đã ấn định con số của họ.

Điều đó nghĩa là có mười chín thiên sứ canh gác Địa ngục.

“Có thể là trùng hợp thôi.” Ibrahim nói.

“Anh có chắc không?” Abu-Musa cười mỉm, vẻ thờ ơ. “Tôi tin là anh sẽ không tìm thấy thêm thi thể nào nữa đâu. Dù là kẻ nào đã làm chuyện này thì hắn cũng có lý do của mình.”

“Cũng vậy cả thôi.” Ibrahim nói. “Có thể chỉ vô tình là mười chín.”

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN