Sự Im Lặng Của Bầy Cừu
Chương 3
Người tên Alan mặc loại đồng phục của những người bị giam giữ. Anh ta đang lau một cái gạt tàn bằng vạt áo của mình.
Anh ta liếm môi trong khi tiếp nhận cái áo của cô.
– Hân hạnh được phục vụ cô. Thế cô đi tiêu bao nhiêu lần trong một ngày?
– Tôi xin lỗi?
– Khi nó bắt đầu lòi ra, nó thật dài – dài phải không?
– Tự tôi sẽ cất lấy nó ở đâu đó cũng được – Starling gằn giọng.
– Không có chỗ nào đâu… người ta cúi xuống nhìn nó chui ra để xem nó thay đổi màu khi ra ngoài không khí, cô có làm như thế không? Nó giống như người ta có một cái đuôi màu nâu vậy. – Anh ta nắm chặt cái áo khoác, không muốn bỏ nó ra.
– Bác sĩ Chilton gọi anh vào văn phòng của ông ta kìa.
– Không đâu – vị bác sĩ đáp lại – Anh hãy cất cái áo khoác đó vào trong tủ đi Alan, và nhớ là anh không được đụng vào nó trong khi chúng tôi không có mặt ở đây. Hiểu không? Tôi có một cô thư ký riêng nhưng với việc giảm ngân sách khiến cô ta phải nghỉ việc. Thế mấy cô thư ký đã biến mất đâu hết rồi cô Starling? – Ông ta ném một cái nhìn giận dữ – Cô có mang súng không?
– Không.
– Tôi có thể xem cái xách tay và cái cặp của cô được không?
– Tôi đã xuất trình giấy tờ tùy thân của tôi rồi.
– Mà chúng lại báo cô là một sinh viên. Xin cô làm ơn đưa những thứ đó cho tôi đi.
Clarice Starling bỗng giật mình khi cánh cửa đầu tiên bằng lưới thép được đóng lại sau lưng cô và then được cài lại. Chilton dẫn đường trong hành lang màu xanh nặc mùi phoocmon, và người ta nghe tiếng cửa đóng lại ở đâu đó. Cô tự trách mình sao đã để ông giám đốc kiểm tra cái túi xách của mình, nhưng cô phải nuốt cơn giận dữ để có thể tập trung vào công việc. Mọi thứ đều suôn sẻ. Cô nhận thấy mình đã tìm lại được sự tự chủ giống như một lớp đá cuội nằm dưới đáy dòng nước chảy xiết vậy.
– Ông Lecter tạo ra quá nhiều rắc rối cho chúng tôi. – Chilton nói – Mỗi ngày phải mất hơn mười phút để cho người nhân viên tháo hết các kim kẹp trong mớ tài liệu mà ông ta nhận được. Chúng tôi đã cố gắng hạn chế hoặc giảm bớt số lượng báo ông ta đặt mua, nhưng ông ta có gửi một thỉnh cầu lên ông chánh án và vị này đã đưa ra một phán quyết chống lại chúng tôi. Lúc đầu ông ta nhận rất nhiều thư tín. Nhưng cảm ơn Trời, số này đã giảm bớt rất nhiều khi ông ta bị các trường hợp khác trên các phương tiện thông tin đại chúng hạ bệ. Có lần, một sinh viên cao học ngành tâm lý học muốn đưa một trích dẫn của Lecter vào trong bài luận án của anh ta. Cánh báo y khoa vẫn còn đăng nó, nhưng chỉ để gây sự chú ý nhờ tên đó mà thôi.
– Tôi thấy ông ta viết một bài chuyên đề rất hay về các thói quen kỳ quặc của các cuộc phẫu thuật trong tờ Journal of Clinical Psychiatry.
– Cô thấy thế sao? Chúng tôi đang cố phân tích Lecter. Chúng tôi nói với nhau “Đây là cơ hội tốt để làm một cuộc nghiên cứu nhớ đời đây…” thật quá hiếm khi túm được một tên còn sống.
– Một cái gì?
– Một tên bệnh tâm thần thù ghét đặc trưng xã hội, ông ta đúng là một người như thế. Nhưng ông ta quá bí hiểm, quá hoàn thiện đối với các trắc nghiệm thông thường. Và Chúa ơi, chắc ông ta thù ghét chúng ta lắm! Vì ông ta xem tôi như là thiên thần xấu của ông ta. Crawford thật tinh ranh khi dùng cô.
– Ông muốn ám chỉ gì thế, bác sĩ?
– Một thiếu nữ trẻ để “khêu gợi” ông ta. Tôi tin chắc Lecter không hề thấy bóng dáng người phụ nữ nào từ nhiều năm nay… Cùng lắm là một nữ lao công, thỉnh thoảng nhìn thấy từ xa. Thường ở đây chúng tôi không tuyển dụng phụ nữ, bởi vì họ chỉ đem đến rắc rối mà thôi.
Ông cút xéo cho tôi nhờ, ông Chilton, Starling thầm rủa.
– Thưa bác sĩ, tôi có cấp bằng của trường đại học Virginie với hạng tối ưu. Tôi không hề theo học một khóa quyến rũ đàn ông.
– Như thế cô có đủ khả năng nhớ lại quy định: không được đụng vào song sắt và đưa tay vào bên trong. Cô chỉ cho ông ta giấy mà thôi, không có bút máy hoặc bút chì. Ông ta có loại bút nỉ rồi. Những văn kiện cô đưa cho ông ta không được có kim bấm, kẹp giấy hay kim gút. Người ta chuyền những thứ đó cho ông ta qua mâm đựng thức ăn và các giấy tờ ấy cũng sẽ đưa trở ra bằng lối đó. Không có ngoại lệ. Cô không cầm lấy bất cứ thứ gì mà ông ta cố đưa cho cô qua song sắt. Cô có hiểu không?
– Vâng, tôi hiểu.
Họ vượt qua hai cánh cửa nữa, ánh sáng mặt trời lùi dần sau lưng họ. Cũng như căn phòng chung mà các bệnh nhân tâm thần có thể gặp mặt nhau, và bây giờ không còn có cửa sổ, không có các quan hệ nhân bản. Một tấm lưới dày che đậy các bóng đèn hành lang, giống như trong phòng máy trên tàu thủy. Bác sĩ Chilton đứng lại ngay dưới một bóng đèn. Khi tiếng chân của họ dừng hẳn, Clarice nghe ở đâu kia bức tường có những tiếng rên cuối cùng của một giọng bị khàn vì đã cố hét.
– Lecter không bao giờ được ra khỏi phòng mà không mang áo trói và một loại khóa miệng. Tôi sẽ cắt nghĩa cho cô tại sao. Trong năm đầu tiên ở đây, thái độ ông ta rất đàng hoàng, nên sự canh chừng có phần lỏng lẻo… đương nhiên việc đó xảy ra dưới thời ông quản đốc tiền nhiệm. Vào buổi trưa ngày 8 tháng bảy năm 1976, ông ta than bị tức ngực; người ta đưa ông ta đến trạm xá và tháo tay ra để làm điện tâm đồ. Khi cô y tá cúi xuống và đây là những gì ông ta đã làm với cô y tá – Ông Chilton đưa cho Clarice một tấm hình bị rách góc, và trầm ngâm nói tiếp – Các bác sĩ đã kịp cứu được một con mắt của cô y tá. Trong suốt thời gian đó Lecter vẫn bị cột dính vào các máy theo dõi nhịp tim. Ông ta đã đánh bể hàm cô ta và định cắn lưỡi cô ta trong khi nhịp tim ông ta không hề tăng hơn tám mươi lăm nhịp.
Clarice không biết điều gì tệ hại hơn, bức ảnh hay cặp mắt hau háu của Chilton đang nhìn cô. Nó giống như một con gà đang khát nước, sẵn sàng uống ngay cả nước mắt nó.
– Tôi giữ ông ta trong này – Chilton nói trong khi nhấn vào cái nút cạnh một cái cửa hai cánh bằng kính an toàn. Một viên giám thị to lớn mời họ bước vào.
Sau một thoáng quyết định đầy khó khăn, Clarice đứng lại.
– Thưa bác sĩ, chúng tôi thật sự cần đến những kết quả của các trắc nghiệm này. Nếu ông Lecter xem ông như một kẻ thù, nếu ông ta đã có một ấn tượng khắc sâu về ông như ông nói, thì tôi nghĩ tốt hơn tôi nên gặp ông ta một mình tôi thôi. Ông nghĩ thế nào?
– Điều đó hoàn toàn hợp ý tôi. Cô nên đưa đề nghị này lúc còn ở trong phòng làm việc của tôi thì hơn. Tôi sẽ cho một thanh niên giúp việc dẫn cô đến đấy để tôi khỏi mất thời giờ.
– Tôi sẽ đề nghị với ông như thế nếu ông cho các chỉ thị tại đó.
– Tôi chắc chúng ta không gặp lại nhau nữa – Ông ta quay sang viên giám thị – Này Barney, khi nào cô ta làm việc xong với Lecter, anh hãy gọi điện cho một ai đó đến đưa cô ta về.
Chilton bỏ đi mà không thèm nhìn lấy cô một cái.
Bây giờ chỉ còn lại người trợ giúp to lớn dửng dưng và cái đồng hồ im lặng. Sau lưng Barney là cái tủ đựng vật dụng có lưới có một bình xịt thuốc mê, các áo trói, các khóa miệng và khẩu súng bắn thuốc ngủ. Một ống hình chữ U để treo một bệnh nhân hung tợn lên tường được đặt trên kệ.
Barney nhìn cô lên tiếng:
– Ông Chilton có nói là cô không được đụng vào song sắt không? – Giọng anh ta khàn khàn nhưng rất lớn.
– Có, ông ta có nói với tôi.
– Tốt rồi. Là căn phòng ở trong cùng bên phải. Cô hãy đi giữa hành lang và đừng nhìn bất cứ ai. Cô có thể đem thư tín cho ông ta để lấy cảm tình. Cô chỉ cần để nó lên cái mâm và đẩy nó vào bên trong. Nếu như cái mâm đang ở bên trong, cô có thể kéo sợi dây để lôi nó ra, hoặc chính ông ta đẩy nó ra cho cô. – Người trợ giúp đưa cho cô hai cuốn tạp chí được tháo rời, ba tờ nhật báo và nhiều lá thư đã được mở ra.
Hành lang dài khoảng ba mươi mét với hai dãy phòng giam ở hai bên. Vài phòng được nhồi nệm và có một cửa nhỏ dài và hẹp. Những phòng khác thì giống như những phòng của các nhà tù bình thường, được đóng bằng các thanh ngang. Bằng khóe mắt, Clarice thoáng thấy những hình bóng, nhưng cố không xoay đầu qua để nhìn. Cô đi được nửa đường khi có một giọng thì thầm “Anh ngửi được mùi da thịt em”, nhưng cô vẫn bước tới như không nghe gì cả.
Căn phòng ở trong cùng đèn được bật sáng. Clarice đi về phía bức tường bên trái để có thể thấy rõ bên trong khi cô tiến lại gần, ý thức được tiếng chân đã báo trước sự hiện diện của cô.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!