Sứ Giả Của Thần Chết
Chương 14
Khi phi cơ của họ đáp xuống sân bay Dulles tại Washington, Mary và các con được một thanh niên tại Bộ Ngoại giao ra đón.
– Chúc mừng bà đã đến Washington, bà Ashley. Tên tôi là John Burns. Ông Rogers yêu cầu tôi đón và đưa bà đến khách sạn của bà an toàn. Tôi đã giữ chỗ cho bà tại Riverdale Towers. Tôi nghĩ rằng bà và các cháu đều được thoải mái ở đấy.
– Cám ơn ông.
Mary giới thiệu Beth và Tim.
– Xin bà trao cho tôi vé hành lý của bà, bà Ashley, tôi sẽ lo liệu mọi việc cho.
Hai mươi phút sau, tất cả đều ngồi trong một chiếc xe hòm hướng về trung tâm Washington.
Tim nhìn ra cửa xe, bàng hoàng.
– Nhìn kìa, – nó la lên – Kia là đài kỷ niệm Lincoln.
Beth nhìn ra cửa sổ bên kia.
– Đài kỷ niệm Washington mà.
Mary nhìn John Burns bối rối.
– Tôi chắc rằng bọn trẻ không rành mấy, – nàng lên tiếng xin lỗi. – Ông thấy đấy, chúng nó chưa bao giờ đi xa… nàng liếc ra cửa sổ và mắt nàng mở to.
– Nhìn kìa! Toà Bạch Ốc đấy?
Chiếc xe hòm di chuyển lên Đại lộ Pennsylvania, được bao bọc bằng một số mốc giới hạn rắc rối nhất thế giới. Mary phấn khởi nghĩ: “Đây là thành phố cai trị thế giới. Đây là nơi của quyền lực. Và ở một khía cạnh nhỏ, mình sẽ là một phần của nó.
Khi chiếc xe hòm tiến dần đến khách sạn, Mary lên tiếng hỏi:
– Khi nào tôi được gặp ông Rogers nhỉ?
– Ông ấy sẽ tiếp xúc với bà ngay sáng nay.
***
Peter Connors, trưởng Kudesk, ban phản gián của CIA, làm việc khuya và ngày làm việc của ông đã chấm dứt từ lâu rồi, mỗi buổi sáng, lúc ba giờ, đều có một toán báo cáo để chuẩn bị danh sách kiểm tra tin báo hằng ngày cho Tổng thống đã được thu nhập qua các công điện trong đêm. Bản báo cáo mật danh là “pickles” phải chuẩn bị xong lúc 6 giờ sáng để đưa lên bàn giấy của Tổng thống vào lúc khởi sự ngày làm việc của ngài. Một người văn thư võ trang mang danh sách đến Toà Bạch Ốc vào bằng cổng phía Tây. Peter Connors thích thú trở lại việc nghe trộm các điện đài đánh đi từ Đông Âu, bởi vì đa số liên quan đến việc bổ nhiệm Mary Ashley làm Đại sứ Mỹ tại Rumani.
Liên Xô lo rằng kế hoạch của Tổng thống Ellison là một thủ đoạn để xâm nhập vào các quốc gia anh em trong khối, để theo dõi hoặc dụ dỗ họ.
– Bọn cộng sản không lo lắng như ta, – Peter Connors suy nghĩ một cách giận dữ. – Nếu ý kiến của Tổng thống thành công, cả quốc gia này sẽ là một cái nhà trống cho những tên gián điệp quái quỷ của họ.
Peter Connors đã được thông báo lúc Mary Ashley đáp xuống Washington. Ông đã nhìn thấy ảnh của nàng và hai đứa con.
– Họ sẽ tuyệt đấy, – Connors vui vẻ nghĩ thế.
Riverdale Tower, cách khu nhà máy nước Liên Hợp một dãy nhà, là một khách sạn gia đình nhỏ có những dãy phòng tiện nghi trang trí đẹp.
Một người trực tầng mang hành lý đến và trong lúc Mary bắt đầu mở ra, chuông điện thoại reo. Mary nhấc ống nghe.
– A-lô.
Một giọng nam lên tiếng:
– Bà Ashley đấy à?
– Vâng!
– Tên tôi là Ben Cohn. Tôi là phóng viên của tờ Washington Post. Không biết tôi có thể nói chuyện vài phút không?
Mary ngần ngại.
– Chúng tôi vừa đăng ký xong và tôi…
– Sẽ chỉ mất 5 phút thôi. Thật ra tôi chỉ muốn chào bà!
– À, tôi cho rằng…
– Tôi đang lên đây.
Ben Cohn lùn và chắc nịch, có thân hình vạm vỡ và khuôn mặt méo mó của một võ sĩ đoạt giải. Ông ta trông giống một phóng viên thể thao, – Mary nghĩ.
Ông ngồi trên một chiếc ghế có tay đối diện với Mary.
– Bà đến Washington lần đầu chứ, bà Ashley? Ben Cohn hỏi.
– Vâng! – Nàng nhận thấy ông chẳng có sổ sách hoặc máy ghi âm nào cả.
– Tôi sẽ không hỏi bà câu hỏi ngốc nghếch nào đâu?
Nàng cau mày.
– Thế nào là câu hỏi ngốc nghếch?
– Bà thích Washington như thế nào? Mỗi khi một nhân vật nổi danh bước ra khỏi một chiếc phi cơ ở đâu đấy, việc đầu tiên họ được hỏi là, ngài thích địa điểm này như thế nào?
Mary cười.
– Tôi không phải là một nhân vật nổi danh, nhưng tôi nghĩ tôi sẽ rất thích Washington.
– Bà là một giáo sư tại Trường đại học tiểu bang Kansas phải không?
– Vâng. Tôi dạy một lớp có tên là Đông Âu: Chính sách ngày nay.
– Tôi hiểu rằng Tổng thống lần đầu tiên được biết đến bà khi ngài đọc một quyển sách của bà về Đông Âu. Và các bài viết ở tạp chí.
– Vâng!
– Và phần còn lại, như họ nói, là lịch sử.
– Tôi cho rằng đấy là một cách bất thường để…
– Không phải bất thường đâu. Jeane Kirpatrick được Tổng thống Reagan chú ý cũng bằng cách ấy và ngài đã bổ nhiệm bà ta làm đại sứ tại Liên Hiệp Quốc. – Ông ta mỉm cười với nàng. – Vậy bà thấy đấy đấy là tiền lệ. Đấy là một trong những lời đồn đại lớn tại Washington. Tiền lệ. Ông bà của bà là người Rumani à?
– Ông tôi. Đúng đấy!
Ben Cohn ở lại thêm 15 phút nữa lấy tin về gốc gác của Mary.
Mary hỏi:
– Khi nào cuộc phỏng vấn này sẽ đưa lên báo? – Nàng muốn biết chắc để gửi các phó bản về cho Florence và Douglas và những bạn bè khác của nàng tại quê nhà.
Ben Cohn đứng dậy và nói mơ hồ:
– Lúc này thì tôi giữ nó lại. – Có một cái gì đấy về tình hình làm ông bối rối. Vấn đề là ông không hiểu đấy là cái gì. – Chúng ta sẽ nói chuyện sau.
Sau khi ông đi, Beth và Tim vào phòng khách.
– Ông ta tử tế không mẹ?
– Ừ, – nàng ngần ngại, không xác nhận. – Mẹ nghĩ thế.
Sáng hôm sau, Stanton Rogers gọi điện.
– Chào bà Ashley. Stanton Rogers đây.
Giống như nghe giọng nói của một người bạn cũ. Có lẽ vì ông là người duy nhất trong thành phố mà mình biết, Mary nghĩ thế. – Chào ông Rogers. – Cám ơn ông đã cho ông Burns đón chúng tôi tại sân bay và thu xếp khách sạn cho chúng tôi!
– Tôi tin là bà hài lòng! Thật đáng yêu!
– Tôi nghĩ rằng sẽ là một ý kiến hay nếu chúng ta gặp nhau để thảo luận một số thủ tục mà bà sẽ phải trải qua.
– Tôi muốn thế đấy.
– Tại sao chúng ta hôm nay không dùng cơm trưa tại Grand nhỉ? Không xa khách sạn của bà đâu! Một giờ nhé?
– Tốt thôi!
– Tôi sẽ gặp bà ở phòng ăn dưới lầu nhé!
Bắt đầu đấy.
***
Mary thu xếp cho con nàng ăn trong phòng vào lúc một giờ, một chiếc taxi đưa nàng đến khách sạn Grand. Mary nhìn nó sợ hãi. Khách sạn Grand là trung tâm quyền lực của thành phố. Các Bộ trưởng Ngoại giao và các nhà ngoại giao khắp thế giới ở đấy và lý do thật dễ thấy: Đấy là một toà nhà thanh nhã có một hành lang uy nghi và những tầng lầu bằng đá cẩm thạch ý, những cây cột duyên dáng đứng dưới trần nhà hình vòng cung.
Có một sân cây cảnh, một vòi phun và một hồ bơi lộ thiên. Cầu thang đá cẩm thạch đưa xuống nhà hàng dạo mát, nơi Stanton Rogers đang đợi nàng.
– Chào bà Ashley!
– Chào ông Rogers!
Ông cười.
– Nghe trịnh trọng quá. Bà nghĩ thế nào về việc ta gọi nhau là Stan và Mary nhỉ?
Nàng hài lòng.
– Hay đấy!
Stanton Rogers có vẻ khác khác thế nào ấy và Mary khó mô tả sự thay đổi ấy. Tại thị trấn Junction, ông có vẻ xa cách, hầu như là một sự căm ghét đối với nàng. Bây giờ điều ấy hình như đã tan biển hoàn toàn. Ông nồng nhiệt và thân mật. Sự khác biệt là ông ấy đã chấp nhận mình! – Mary nghĩ một cách sung sướng.
– Bà muốn dùng một ly rượu chứ?
– Không, cám ơn.
Họ gọi bữa ăn trưa. Những món khai vị hình như quá đắt đối với nàng. – Không như giá cả tại thị trấn Junction đâu. – Giá phòng khách sạn của nàng là 250 đô-la một ngày.
– Dù thế nào, tiền của mình sẽ không kéo dài được mấy, – Mary nghĩ thế.
– Stan, tôi không muốn có vẻ thô lỗ, nhưng ông có thể cho tôi biết lương đại sứ được bao nhiêu không?
– Ông bật cười. – Đấy là một câu hỏi thú vị.
Lương của bà sẽ là 65.000 đô-la một năm cộng với phụ cấp nhà cửa.
– Khi nào thì bắt đầu?
– Lúc bà tuyên thệ.
– Và từ bây giờ đến lúc ấy!
– Bà sẽ được trả 75 đô-la một ngày.
Tim nàng chùng xuống. Số tiền ấy sẽ không lo được ngay cả phiếu thanh toán tiền khách sạn của nàng, chưa kể đến những khoản chi tiêu khác nữa.
– Tôi sẽ ở lại Washington có lâu không? – Mary hỏi.
– Độ một tháng. Chúng tôi sẽ làm mọi việc theo khả năng để xúc tiến công việc của bà. Bộ trưởng Ngoại giao đã gửi điện đến chính phủ Rumani để xin chấp thuận sự bổ nhiệm của bà. Nói riêng với bà nhé, đã có những cuộc thảo luận riêng tư giữa hai chính phủ. Sẽ chẳng có vấn đề gì với người Rumani cả, nhưng bà vẫn còn phải được Thượng nghị viện thông qua!
Vậy là chính phủ Rumani sẽ chấp nhận mình – Mary ngạc nhiên suy nghĩ. Có lẽ mình có đủ điều kiện hơn là mình nhận thức được.
– Tôi đã hội ý không chính thức về việc bà với chủ tịch Uỷ ban liên hệ ngoại giao của Thượng viện. Bước kế tiếp sau đấy sẽ là một cuộc tường trình công khai của toàn thể Uỷ ban. Họ sẽ hỏi bà về gốc gác của bà, về sự trung thành của bà với quốc gia này, nhận thức của bà về công việc, và bà hy vọng hoàn thành những gì.
– Sau đấy thế nào?
– Uỷ ban bỏ phiếu và khi họ nộp báo cáo, toàn thể Thượng viện sẽ bỏ phiếu.
Mary chậm rãi nói:
– Các việc bổ nhiệm đã được bổ nhiệm từ trước phải không?
– Uy tín của Tổng thống còn chưa rõ với điều này. Bà sẽ được sự ủng hộ hoàn toàn của Toà Bạch Ốc. Tổng thống tha thiết tiến hành việc bổ nhiệm bà càng nhanh càng tốt. Bỗng nhiên tôi nghĩ rằng bà và các cháu có thể thích đi xem phong cảnh trong ít ngày tới, nên tôi đã thu xếp một chiếc xe và một tài xế cho bà và một chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch ổc.
– Ồ, cám ơn ông nhiều.
Stanton Rogers mỉm cười.
– Rất hân hạnh.
***
Chuyến tham quan riêng tại Toà Bạch Ốc được thu xếp vào sáng hôm sau. Một người hướng dẫn đi theo họ. Họ được đưa qua vườn hồng Jacqueline Kennedy và khu vườn Mỹ kiểu thế kỷ 16 gồm một cái ao, cây cối và rau cỏ dùng cho nhà bếp của Toà Bạch Ốc.
– Trước mặt! – người hướng dẫn thông báo, – là cánh Đông: Đấy là các văn phòng quân sự, các liên lạc viên của Quốc hội với Tổng thống, một phòng khách và văn phòng của Đệ nhất phu nhân.
Họ đi qua cánh Tây và nhìn vào Văn phòng Bầu dục của Tổng thống.
– Họ có bao nhiêu phòng ở đây? – Tim lên tiếng hỏi.
– Có 132 phòng, 69 chiếc tủ, 29 lò sưởi và 17 phòng tắm.
– Chắc họ phải đến phòng tắm nhiều đấy!
– Tổng thống Washington đã coi sóc việc xây cất Toà Bạch Ốc. Ngài là vị Tổng thống duy nhất không bao giờ ở đây.
– Tôi chẳng trách người đâu! – Tim lẩm bẩm. – Nó quá lớn.
Mary thúc khuỷu tay và nó đỏ mặt.
Chuyến tham quan mất gần hai giờ và lúc chấm dứt, gia đình Ashley mệt lừ và xúc động.
Đây là nơi tất cả đã khởi đầu. – Mary nghĩ thế. – Và giờ đây mình là một thành phần của nó.
– Mẹ à!
– Gì đó Beth?
– Mặt mẹ có vẻ buồn cười đấy.
***
Cú điện thoại từ văn phòng Tổng thống đến vào sáng hôm sau.
– Chào bà Ashley. Tổng thống Ellison không biết liệu bà có thể có mặt chiều nay để gặp ngài không?
Mary nhẫn nại.
– Vâng. Tôi… dĩ nhiên.
– Ba giờ thích hợp chứ?
– Tốt đấy!
– Một chiếc xe hòm sẽ đợi bà dưới lầu lúc 2 giờ 45.
Paul Elhson đứng lên trong lúc Mary được đưa vào Văn phòng Bầu dục. Ông tiến đến bắt tay nàng, cười cởi mở và nói:
– Gotcha.
Mary cười:
– Thưa Tổng thống, tôi hài lòng. Đây là một đặc ân lớn cho tôi đấy!
– Ngồi xuống đi, bà Ashley. Cho phép tôi gọi bà là Mary chứ?
– Xin ngài tự nhiên!
Họ ngồi xuống trường kỷ.
Tổng thống Ellison lên tiếng.
– Bà sẽ là doppelganger của tôi đấy. Bà biết đấy là gì không?
– Đấy là một loại tinh thần tương đồng của một con người sống!
– Đúng. Và đấy là chúng ta. Mary, tôi không thể nói cho bà biết tôi đã phấn khởi như thế nào khi tôi đọc bài báo mới nhất của bà. Dường như tôi đang đọc lại điều tôi đã viết vậy. Có nhiều người không tin rằng kế hoạch giữa các dân tộc của chúng ta có thể thực hiện được, và tôi sẽ đùa họ đấy.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!