Nhưng thực ra cả hai đều mong người kia sống tốt. Không biết vì điều gì nhưng chúng ta đều hi vọng người kia có thể sống lâu hơn, mỗi ngày đều bình an, hôm sau có thể tỉnh dậy và nhìn thấy mặt trời mọc.
Có lẽ, đây cũng được gọi là thích chăng? Hoặc là càng đúng hơn nếu coi nó là một kiểu lợi ích giữa những người cùng hội cùng thuyền?
Ta đã bỏ lỡ cơ hội giết chết Cảnh Yến. Thực ra ta sớm hiểu rõ, nếu trong khoảnh khắc ấy, ngài không quay lại, ngài vẫn quay lưng về phía ta, ta có thể sẽ ra tay đến cùng.
Nhưng ngài nhìn ta. Ánh mắt ngài sâu thẳm và bộn bề quá, tưởng như trong khoảnh khắc sẽ nhấn chìm người đối diện.
Nếu như ta thực sự giết ngài, liệu ngài sẽ chịu chết không hề phản kháng? Đến tận bây giờ ta vẫn không dám suy xét kĩ câu hỏi ấy.
Bất luận thế nào, hiện tại Vãn Thược đã vào phủ. Còn ta và Cảnh Yến đã chung một thuyền.
Ta và ngài nắm chặt lấy tay nhau, như người và dao trong cuộc chiến cho dù đầu gối tay ấp bên ai.
Trong kí ức của ta, gương mặt Vãn Thược không khi nào là hết cau có. Bởi vì nàng ta luôn đố kỵ. Đây là lần đầu tiên ta thấy nàng ta chịu giãn cơ mặt, còn lộ ra vẻ yêu kiều như một đóa hoa e ấp dưới nắng ấm.
Không hiểu Cảnh Yến làm thế nào mà Vãn Thược lại thành như vậy, dỗ dành nàng ta, chắc phải dỗ như dỗ trẻ con.
Vãn Thược đã an phận hơn. Nỗi sợ lớn nhất của nàng là bị Cảnh Yến vứt bỏ, nên mấy ngày nay nàng cũng khá im ắng. Ta cũng chẳng có nỗi niềm đớn đau gì. Nàng ta được như ý hay không cũng không liên quan đến ta, chỉ cần không giở trò là được.
Cảnh Yến ghé phòng ta, nhìn ngài có vẻ ngượng ngùng lắm, dù đã viện đến kĩ năng diễn xuất thành thần cũng không che giấu nổi.
Trông ngài như vậy lại làm ta nổi hứng trêu, ta cười chòng ghẹo: “Hừm, vương gia, ngài bị người ta đuổi nên mới đến tìm thiếp phải không?”
Ngài cười bất đắc dĩ, hai tay còn xoa xoa vào nhau trông bứt rứt vô cùng: “Nguyên Nguyên, nàng tha cho ta đi, nửa đời đóng kịch mà chưa bao giờ ta thấy lúng túng như bây giờ.”
Đương nhiên ta không cho qua dễ dàng như vậy: “Nào có, vương gia giỏi lắm mà! Nếu không sao nàng ấy lại không hằn học, chịu cho ngài đến đây.”
“Thôi mà Nguyên Nguyên! Đừng chọc ta nữa. Ta nhớ nàng quá.” Ngài mong đợi ở phía ta nhưng ta lại chẳng nói gì, ngài hỏi tiếp: “Nàng còn định suy nghĩ xem bổn vương nói thật hay không sao?”
Ta không nhịn được bật cười, đành phải dỗ ngài ấy một chút: “Thiếp biết là thật, chỉ là bỗng dưng thiếp không biết phải nói gì thôi.”
“Nguyên Nguyên” Ngài thở dài, ôm lấy ta như những ngày trước: “Nàng có nhớ ta đâu, chắc chắn cũng chẳng ghen gì đâu.”
Vương gia tủi thân rồi kìa! Ngài ấy cưới vợ mà cứ làm như ta cưới không bằng.
“Ghen chứ ghen chứ, ghen quá chua hết cả người rồi đây này.” (Trung Quốc có cách nói “uống giấm” -> chua tức là ghen) Ta thấy cũng vừa vừa phai phải rồi nên chuyển qua dỗ, còn chớp chớp mắt: “Thật đấy, không tin ngài nếm thử!”
Ta không giận dỗi lại khiến ngài thấy chột dạ, chăm chút ý tứ đến từng câu chữ cứ như sợ ta sẽ đuổi ngài đi không bằng.
Đến lúc đã mất hết kiên nhẫn, ta bèn khẽ huých vào người ngài: “Sao vậy không lẽ Cảnh Yến ngài rơi vào bể tình với thiếp rồi sao?”
Ngài đơ người nhìn ta, lúc lâu vẫn không nói được câu gì.
Ta hỏi tiếp với giọng điệu chậm hơn: “Hay là ngài yêu Vãn Thược?”
Ngài lắc đầu nguầy nguậy: “Không hề có chuyện đó.”
Ta biết ý kéo ngài lại gần, vòng tay ôm ngài, thỏ thẻ: “Vậy ngài làm gì có lỗi với thiếp sao?”
Ngài bị ta quay mòng mòng, choáng váng không nói nên lời, đến khi bình thường lại mới bẹo má ta cho bõ tức. Thế này mới bình thường.
Không phải bọn ta bình thường đều thế sao? Có lúc cảm thấy mình hiểu người kia nhất, người kia cũng hiểu mình nhất. Có lúc ta không hiểu ngài, ngài cũng không hiểu ta.
Sáng hôm sau, Cảnh Yến ra ngoài, ta chạm mặt Vãn Thược. Cô ấy liếc nhìn ta, ta cũng chẳng có phản ứng gì.
“Tỷ tỷ dậy sớm vậy.”
Ta quay lại nhìn nàng, bất chợt thấy hơi buồn cười. Thực sự ta tò mò lắm! Không biết Cảnh Yến đã cho nàng ta uống bùa mê thuốc lú gì mà bỗng từ một mụ điên bây giờ lại biết điều thế này.
“Ừm, muội muội cũng vậy.”
Giữ phép lịch sự, thuận theo quy tắc vẫn ổn, ngoài ra, ta không muốn nói thêm với cô ta câu nào.
Vả lại, có thể nhìn ra được nàng ta cũng đang cố nhịn, tiếp xúc nhiều hơn e rằng nàng cũng sẽ không để yên.
Dạo này rất ít khi ta thấy Nghiêm Phong ở phủ. Xem ra, Cảnh Yến cố ý bảo hắn tránh đi. Thực ra ngày ngày hắn đều theo bên Cảnh Yến, nhưng chốn biệt viện dường như đã trở thành cấm địa đối với hắn.
Mỗi lần gặp Vãn Thược, tay hắn nắm chuôi kiếm chặt đến run cả lên.
Thỉnh thoảng ta cũng đến thăm Chức Hoan. Nàng trông đã có da có thịt hơn, nước da cũng hồng hào hơn nhiều. Nàng vẫn ít nói như trước. Giờ nàng không thêu thùa nữa mà có hứng thú trồng hoa cỏ.
Thăm nàng ta cũng tiện lấy mấy cây cẩm tú cầu về trồng trong vườn. Cẩm tú cầu yêu kiều, duyên dáng, càng nhìn càng thấy thích. Được mấy hôm, nô tỳ nói với ta người ta đào mấy gốc cẩm tú cầu vứt đi rồi, giờ ở đó trồng hoa thược dược. Ta bảo em ấy nhặt lại mang về trồng trong phòng vậy.
Em ấy giận lắm cứ đòi ta đi mách Cảnh Yến. Thành thử ta lại phải khuyên giải em ấy. Chúng ta đều sống ở cùng viện không nên chấp nhặt bọn họ làm gì.
Ta biết vì chuyện của ta mà em ấy đã nhiều lần cãi vã với nha hoàn bồi giá của Vãn Thược. Nha hoàn kia tính tình kiêu căng, thích chõ mũi vào chuyện của người khác, hễ gặp ai lại lôi chuyện của ta ra kể, rằng ta ăn may, chim sẻ đòi hóa phượng hoàng. Nô tì của ta kém mồm kém miệng nhưng không phải hạng kém về trí óc nên cũng không dễ bị bắt nạt.
Nhưng hôm nay thì khác. Trước lúc đi ngủ ta có trở ra xem thấy em ấy đang lẩm bẩm một mình.
“Hừ! Cậy chó gần nhà cậy gà gần chuồng à, dám một hai ra lệnh cho mình!”
Ta phì cười, hỏi: “Ai mà làm cho cô nương Giai Thuần nhà ta phát cáu thế này?”
Nghe vậy em ấy quay lại, mặt nhăn mày nhó kể khổ với ta: “Chủ tử vẫn cái đứa nha hoàn bồi giá phòng bên đấy. Hôm nay nó huênh hoang lắm, bảo là Vãn Thược chủ tử hứa hẹn rằng sẽ đem nó cho vương gia, tương lai sẽ được phong làm vương tần nên nó bắt em bóp chân cho nó! Đúng là xui xẻo!”