“Tần gì mà tần! Nó còn không tự soi gương tự nhìn lại mình xem, có khác gì con cá mè không.” Em ấy đi theo ta đã lâu khi nói chuyện với ta cũng không mấy giữ kẽ: “Em nói á nó còn không xứng làm nha hoàn thông phòng, thế mà cứ tưởng mình là mỹ nhân.”
Em ấy tức tối thực ra trông hơi buồn cười. Ta lại hỏi tiếp: “Nha đầu kia không được hay là em thế chỗ đi? Giai Thuần, vương gia vừa hào hoa vừa phong độ. Nếu như em nguyện ý, ta sẽ nói tốt cho?”
“Tha cho em đi mà chủ tử. Não có bị lừa đá mới muốn làm thông phòng cho vương gia.” Em ấy nói xong mới chợt nghĩ đến xuất thân của ta, lập tức bụm miệng: “Ôi, chủ tử ơi, em lỡ lời.” (“não bị lừa đá” – tương tự như não bị úng nước)
Ta không giận mà chỉ thấy em ấy buồn cười.
“Chủ tử, em đã quan sát từ lâu và đúc rút ra,” Em ấy ra chiều thần bí: “Người thông minh sắc sảo nên biết đâu là giới hạn, bằng không… Ôi thôi, những nữ nhân phải lòng vương gia, ai có kết cục tốt?”
Hai người bọn ta đang nói chuyện, vừa dứt lời thì có tiếng ho khe khẽ từ phía sau lưng. Em ấy quay ra sau, sợ hãi quỳ rạp xuống đất.
“Vương, vương gia…” Sợ đến nỗi nói còn không xong, lắp ba lắp bắp: “Nô tỳ, nô tỳ…”
Cảnh Yến chắp tay sau lưng, trưng ra bộ mặt nghiêm túc chuẩn mực, trông đáng sợ vô cùng: “Chủ ngươi không dạy ngươi sao? Nói xấu người khác phải đóng cửa vào.”
Nha đầu này từ trước đã vậy. Hễ bị ai xét hỏi là lại dập đầu rõ mạnh, ta nghe mà thấy đau thay em ấy.
“Được rồi, Giai Thuần chỗ này hết việc của em rồi, em lui xuống nghỉ ngơi đi.” Ta giải vây, đợi em ấy đi rồi mới kéo Cảnh Yến ngồi kề bên mình: “Vương gia, ngài cứ dọa con bé thế, dọa mình thiếp còn chưa đủ sao.”
“Nguyên Nguyên, câu vừa nãy nô tỳ kia nói nàng thấy có đúng không?”
Ta biết ngài muốn nhắc đến câu “ai có kết cục tốt”, nhưng vẫn giả đò ngơ ngác, chống cằm hỏi: “Câu nào cơ?”
Ngài ấy cũng biết ta đang giả bộ, búng nhẹ vào trán ta, nhưng cũng chịu mở cho ta đường lui: “Nói là não nàng bị lừa đá ấy.”
“Không phải bị lừa đá, mà là bị “lừa” búng.”
Ngài ra vẻ định phạt ta, ta lập tức xin tha: “Thôi mà vương gia. Ngài nghe được mỗi câu em ấy chê ngài, còn lúc thiếp khen ngài anh tuấn ngời ngời, phong độ hào hoa mà ngài lại chẳng hay!”
Ở với ngài đã lâu, ta cũng hiểu cơ bản tính khí của ngài, biết ngài ưa nghe gì, không ưa nghe gì. Ngài ấy cũng biết vậy: “Đúng là con sói con, chỉ biết dẻo miệng.”
Ta nắm lấy tay ngài, cười tươi rói hôn ngài, tỉ tê: “Vương gia, đi, Nguyên Nguyên nói tiếng dịu dàng ngài nghe.”
Khi ta với ngài vừa vào phòng trong, bên ngoài có người gõ cửa. Nói là gõ cửa vẫn là nói tốt quá, chứ phải nói phá cửa mới đúng.
Giai Thuần nghe thấy tiếng động chạy đến, ta xua tay tỏ ý em ấy lui xuống, không sao.
Mở cửa ra, ta thấy có một nha đầu đứng trước đó. Dòm thấy ta, nha đầu độp thẳng một câu: “Chủ tử nhà ta thấy trong người không khỏe, mời vương gia đến thăm.”
Ta nghe vậy không nhịn được bật cười, dựa vào cửa dán mắt vào nha hoàn nọ.
Thấy ta cứ nhìn chòng chọc, nha đầu chột dạ mới nói thêm vào một câu: “Nguyên Nguyên chủ tử.”
Ta cười giả lả: “Hóa ra ngươi đang nói chuyện với ta à, có chuyện gì?”
“Chủ tử nhà ta thấy trong người không khỏe muốn mời vương gia đến thăm.”
“Chủ tử nhà ngươi là ai?”
Nha đầu nhìn ta với ánh mắt hoài nghi: “Là Vãn Thược quận chúa.”
Ta hỏi tiếp: “Vãn Thược quận chúa? Là vị Vãn Thược quận chúa của hầu phủ sao?”
“Vâng!”
Ta vẫn cười, hỏi cô ta: “Quận chúa hầu phủ chạy đến vương phủ làm chủ tử gì cơ?”
Bị ta hỏi dồn, nha đầu sững người, mở mồm nhưng mãi không nói được câu nào.
Ta liếc mắt: “Ngươi học ăn học nói trước đi rồi hẵng đến gõ cửa phòng ta!”
Ta chuẩn bị đóng của thì cô ta mở miệng, lần này nói năng có phép tắc hơn nhiều: “Nguyên Nguyên chủ tử, Vãn Thược chủ tử không khỏe, bảo ta, bảo nô tỳ đến mời vương gia đến xem sao.”
“Ai nghe được còn tưởng vương gia là lương y cơ đấy, chữa được cả bệnh khó chịu của chủ tử nhà ngươi mà.” Ta cười, nói tiếp: “Vương gia có chân ngài ấy không đi ta cũng không lôi ngài ấy đi được. Ngài ấy đến đây ta cũng đâu thể đuổi ngài đi đúng không?”
Nô tỳ kia không biết nói sao nhưng vẫn cắm rễ ở trước cửa không chịu rời. Càng nhìn càng chướng mắt, ta nạt: “Truyền đạt lại thôi mà cũng không biết sao? Ta nói thế nào thì ngươi truyền đạt lại y như vậy cho chủ tử ngươi.”
Nói xong ta liền đóng cửa lại, nhưng cửa gần đóng hẳn thì lại nghe thấy cô ta lầm bầm một câu: “Một nha hoàn thông phòng ăn may mà cứ ra vẻ ta đây!”
Tai ta rất thính, nghe rõ từng chữ một. Ta túm cổ nha đầu kia lại, hạ giọng nói với nó một câu.
Nha hoàn kia chạy trối chết về phòng đến nỗi suýt ngã.
Về phòng đã thấy Cảnh Yến đang đứng ngoài cửa, thấy ta về ngài cười tủm tỉm trêu ghẹo ta: “Trắc vương phi của bổn vương học được cách dương oai diễu võ rồi.”
Ta cũng tiếp lời: “Thực lòng, vương gia à, nếu mà còn ức hiếp thiếp, thiếp sẽ cho ngài cuốn gói sang phòng cách vách kia mà làm khổ sai.”
Hai người câu qua câu lại đùa giỡn một hồi. Sắp ngủ Cảnh Yến hỏi ta: “Nguyên Nguyên, phút cuối nàng nói gì mà nha hoàn kia sợ bạt vía thế?”
Ta cười giòn tan, sau đó ghé vào tai ngài thì thầm lần nữa câu ấy.
“Ngươi chính là nô tỳ muốn làm vương tần kia sao? Có tin ta giết ngươi không?”
Cảnh Yến nghe xong cười nói với ta: “Nguyên Nguyên, bổn vương có dạy nàng vậy đâu, sao động một tí là đòi giết người thế?”
“Vương gia, Nguyên Nguyên phải nói rõ với ngài, như bây giờ là tình thế bắt buộc, một Vãn Thược thiếp còn chấp nhận được. Nhưng nếu mà lại nhét thêm cho thiếp một vương tần, có thế nào thiếp cũng phải khiến cô ta bước vào mà khiêng ra.”