Trần Hân cười chảy cả nước mắt.
Trình Hâm được nước, càng trêu tợn: “Thế nào, còn cười nữa không?” Trần Hân xua tay, lắp bắp: “Không, không, ha ha, tha, tha tôi đi.”
Nhìn gương mặt ửng đỏ của cậu, Trình Hâm chỉ muốn đè chặt xuống mà cấu véo một phen.
Hắn cố kiềm chế, vờ nói: “Hừ, lần sau còn cười nhạo nữa thì biết tay tôi!”
Xe ra khỏi thành phố.
Cơn mưa đã tạnh từ lúc nào, mặt trời ló dạng nhuộm hồng chân mây.
Xa xa có một cầu vồng mơ hồ xuất hiện.
Mọi người trên xe tận hưởng ánh nắng chan hòa sau cả ngày ảm đạm, chỉ riêng ánh mắt của Trình Hâm vẫn đặt trên người Trần Hân.
Hắn gợi chuyện:
“Ngày nghỉ ở nhà cậu thường làm gì?”
“Đọc, đọc sách, giúp bà.”
“Ngoan thế.”
Trần Hân cười nhẹ, dõi mắt nhìn quang cảnh ngoài cửa sổ hiện lên dưới ráng chiều vàng ươm sau khi được cơn mưa tưới gội.
Cậu nhớ bố.
Nhớ lần mấy bố con đi hái quả dại vào tiết thanh minh.
Lúc sinh thời, bố ít khi được gần anh em cậu.
Trong ký ức Trần Hân toàn là hình ảnh của bố những dịp cuối năm, đông rét, khi người về đoàn tụ với gia đình.
Chỉ có năm ấy, mọi người mới được cùng nhau trải qua một mùa xuân, đó là tiết thanh minh..
nhưng rồi sớm phải biệt ly vĩnh viễn.
Giọng Trình Hâm cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của cậu: “Cậu là con một à?”
“Còn, còn một em trai.”
“Mấy tuổi?”
“Mười tuổi.”
“Học lớp mấy rồi?”
“Lớp bốn.”
* * *
Liễu Hòa Thiễn yên lặng lắng nghe hai người tán gẫu.
Trước giờ rất ít người có thể trò chuyện như thế với Trần Hân, đơn giản chỉ vì chẳng ai đủ kiên trì mà nghe cậu nói.
Hình ảnh Trình Hâm hung hăng, ngang ngược đã thay đổi trong mắt Liễu Hòa Thiễn.
Cô bé cũng tham gia vào câu chuyện.
Mọi người dần xích lại gần nhau trên quãng đường dài.
Trình Hâm hỏi Liễu Hòa Thiễn: “Cậu ấy từ nhỏ đã nhút nhát thế à?”
Liễu Hòa Thiễn cười hồi tưởng: “Cũng không hẳn thế, chỉ là không thích lên tiếng mà thôi.
Tôi còn nhớ lần nọ được mẹ mua cho một chiếc băng cài tóc nhân ngày sinh nhật, thích lắm, liền đeo vào lớp.
Có vài đứa con trai đến chòng ghẹo, gọi tôi là con béo, rồi giật băng tóc ném vào nhà vệ sinh.
Tôi ức quá đánh nhau với chúng, nhưng làm sao mà chọi lại cả lũ con trai.
Bấy giờ chỉ có Trần Hân xông vào cứu nguy, bị chúng nó đánh đến sưng vù cả mặt..”
Việc này Trần Hân tưởng đã quên, không ngờ Liễu Hòa Thiễn còn nhớ mãi.
Lần ấy, cậu phải nói dối người nhà là bị va vào cửa.
Bà nội cứ xuýt xoa làu bàu cả buổi, lấy sống dao day day lên mặt cậu cho tan bớt máu bầm.
Cậu vẫn còn nhớ cảm giác trên mặt của cái sống dao lành lạnh ấy.
Trình Hâm xoa đầu Trần Hân: “Ha ha, không ngờ cậu mà cũng dám đánh nhau cơ đấy, trước đây xem thường cậu quá rồi.”
Liễu Hòa Thiễn gật đầu: “Cậu ấy gan dạ lắm.” Vì chuyện ấy, Liễu Hòa Thiễn và Trần Hân bị bọn trong lớp ghép đôi cả tháng trời, làm cô bé vừa thẹn thùng, vừa áy náy.
Còn Trần Hân thì vẫn bình tĩnh như không.
Trình Hâm nhìn cậu cười: “Gan dạ cũng tốt, thế nhưng những việc ấy cứ để cho người lớn thì hơn, cậu xem, cánh tay ốm yếu thế này, nhỡ gãy mất thì sao?” vừa nói hắn vừa x0a nắn.
Trần Hân không đáp.
Tính tình cậu tuy hiền hòa, thế mà có lúc rất cố chấp.
Nếu có chuyện tương tự xảy ra, chắc chắn cậu sẽ lại không tiếc thân mình ra tay hào hiệp.
Trong đầu Trình Hâm chợt có ý nghĩ mông lung.
Trần Hân nhỏ thó, yếu ớt là thế mà lại chẳng nề hà bênh vực bạn.
Còn hắn thì chỉ biết ỷ mình cao to, khỏe mạnh, từ nhỏ đến lớn lúc nào cũng hung hãn, ngang tàng, chẳng nể mặt ai, đã bao lần hiếp đáp những kẻ nhỏ yếu hơn mình.
Đi ô-tô riêng quả thật tiết kiệm được thời gian.
Chưa đến năm giờ chiều, họ đã chia tay Liễu Hòa Thiễn.
Lúc Trần Hân biết người ta muốn đưa mình về đến tận nhà liền ngại ngùng nói: “Hay, hay thôi vậy, cho, cho tôi xuống nhà, nhà ga được rồi.
Bà, bà cậu đang chờ, chờ đấy.”
Trình Hâm tất nhiên không chịu: “Sao lại thế, chỉ còn một đoạn nữa thôi mà.”
Chú Lưu cũng nói: “Cho chú biết thôn của cháu đi, chú mở phần mềm hướng dẫn, một chốc là đến ngay, đừng ngại.”
Trần Hân lo ô-tô nhà Trình Hâm sang trọng, lúc vào đến thôn sẽ thu hút không ít lời bàn ra tán vào.
Nhưng lo như thế hơi xa, vì tiết thanh minh năm nay trong xóm nhiều người về quê, có vài người đã tậu được xe trên thành phố.
Lúc về đến thôn, mọi người cứ ngỡ là mẹ của Trần Hân sau ba năm quay lại, thế nhưng không phải, chỉ có dăm ba người tụ tập nhìn một chốc rồi đi.
Trình Hâm cùng xuống xe, ngắm nhìn gian nhà nhỏ đơn sơ lợp ngói đứng thu mình khép nép giữa những căn nhà hai ba tầng bề thế chung quanh.
Trong sân nhà, một ông cụ cùng một cậu bé đang cùng nhau bê chậu nước.
Thấy Trần Hân, cả hai liền buông chậu.
Cậu bé chạy ra reo: “A, anh về, anh về!”
Trần Hân nhoẻn miệng cười: “Ông! Hi Hi! Cháu, cháu về rồi.”
Ông cụ thấy cháu trai, mừng rỡ, nhưng rồi kinh ngạc khi thấy cháu mình được ô-tô đưa về.
Nhìn sang, lại thấy một chàng trai trẻ rất cao, ăn mặc tươm tất, vừa nhìn đã biết là dân thành phố.
Trần Hi nhanh nhảu: “Anh ơi, anh này là ai thế? Ôi, ô-tô đẹp quá! Ô-tô của anh ấy à?”
Trần Hân nhìn Trình Hâm nói: “Đây, đây là, bạn, bạn học..”
Trình Hâm đỡ lời: “Cháu chào ông ạ.
Cháu là bạn học của Trần Hân.
Nhà bà cháu ở gần đây.
Cháu về thăm bà, tiện đường đưa cậu ấy về.”
Ông cụ gật gù: “Vào, vào đi, các cháu.”
Trần Hi quấn quýt: “Anh ơi, anh tên gì thế?”
“Anh tên Trình Hâm, đồng âm với tên anh em đấy!”
“Ôi, thế làm cách nào thầy cô phân biệt được?”
Trình Hâm đưa tay xoa đầu Trần Hân đi bên cạnh: “Được chứ, anh cao, còn anh em còi.”
Trần Hi nhìn đến nhìn đi, dù thấy rõ ràng sự thật nhưng vẫn cố cãi: “Ứ ừ, anh em còn cao nữa!”
Trình Hâm tại xoa đầu nó: “Ừ.”
Ông nội nói với Trần Hi: “Nào, mang, mang ghế đến.
Cháu, cháu ngồi chơi.”
Trần Hân vội ngăn: “Thôi, thôi ạ.
Cậu, cậu ấy còn, còn sang, nhà bà.”
Trình Hâm liền nói: “Ấy, chốc nữa sang cũng chẳng muộn.” đoạn gọi chú Lưu trên xe: “Chú Lưu ơi, xuống xe vào chơi một tí.”
Chú Lưu mở cửa xe bước xuống: “Ừ, giãn gân giãn cốt.” Xuống xe, chú ta vươn vai, vặn hông vài cái rồi bước vào sân, đi một vòng, hỏi cậu: “Nhà xí đây à?” sau đó đẩy cửa bước vào.
Thấy Trình Hâm cũng muốn đi, Trần Hân vội cản: “Khoan, khoan đã.
Nhà, nhà xí..
vệ sinh nhà tôi..
bẩn, bẩn lắm.
Tôi..
dẫn cậu, sang nhà, nhà bác.”
Ông nội gật đầu: “Phải, phải đấy.”
Trần Hân dẫn Trình Hâm sang một ngôi nhà ba tầng cách đấy không xa, gặp bà chủ nhà đang đứng trên thềm cửa, Trần Hân ấp úng: “Cháu, cháu chào bác, bạn, bạn cháu, muốn đi, đi nhờ, nhà, nhà vệ sinh..”
Bà ấy ngắt lời: “Ừ, đi đi.”
Trần Hân thở phào, kéo Trình Hâm vào trong.
Hắn nhỏ giọng hỏi: “Nhà bác cậu đấy à?”
“Ừ, bác họ.” Bố cậu là con trai độc nhất, nên khi bố mất đi, ông bà nội sống rất gian nan.
Xong việc, cả hai liền quay lại.
Trình Hâm thấy nhà Trần Hân rất nghèo, khắp nơi ẩm thấp, vách tường thấm nước, mái nhà đã dột hết cả, phải đặt chậu hứng trên sàn.
Giường tủ, bàn ghế đều cũ kỹ, có lẽ cũng bằng số tuổi của Trần Hân.
Trong nhà neo đơn túng quẫn, không ai dọn dẹp, đồ đạc bừa bộn chất cả tháng trời.
Điểm sáng duy nhất là bức tường dán đầy giấy khen.
Thấy Trình Hâm nhìn chăm chú, Trần Hi chạy đến khoe: “Giấy khen của anh em đấy, anh xem có nhiều không? Còn phía dưới là của em này!”
Xoa đầu nhóc con, hắn gọi: “Trần Hân, đừng dọn nữa, đến đây ngồi một tí đi!”
Trần Hân đành phải dừng tay, nhìn sắc trời nhá nhem, rầu rĩ nghĩ lẽ ra phải mời cậu ấy và chú Lưu ở lại dùng một bữa cơm, ngặt nỗi trong nhà chẳng có thứ gì đãi khách.
Trình Hâm đoán được tâm sự của bạn, cảm thấy chạnh lòng, không dám nán lại lâu.
Lúc sắp đi, hắn lấy giọng tươi vui nói: “Ở đây không khí dễ chịu thật đấy, còn có cả ao hồ nữa.
Tôi thích câu cá lắm, lần sau cậu phải dẫn tôi đi câu đấy nhé!”
Trần Hân cười mỉm, gật đầu: “Ừ.”.