Tôi và Trì Dã trở thành bạn cùng bàn, nguyên nửa học kỳ đầu tiên cả hai đều không nói với nhau câu nào.
Anh không thích học tập, sau khi tan học chẳng bao giờ thấy anh có mặt ở chỗ ngồi.
Ngay cả bài tập về nhà cũng có người viết giúp anh, trong tiết tự học không phải là nằm sấp xuống ngủ thì cũng là trốn học đi quán net chơi.
À, lại còn luôn có người tới tìm anh nói chuyện nữa chứ, ồn ào.
Tiết tự học hôm đó anh không tới lớp. Bởi vì tối hôm qua thức đêm nên tôi hơi buồn ngủ, cho nên đã gục mặt xuống bàn thiếp đi một lát.
Cũng chẳng biết đã qua bao lâu, đợi tới lúc tôi mơ mơ màng màng mở mắt ra thì lập tức liền đối diện với một đôi mắt đang bình tĩnh vọng lại đây.
Trì Dã không biết đã về từ lúc nào, đang cùng tôi đối mặt, anh cũng nằm sấp trên bàn để ngủ bù.
Nhưng anh không nhắm mắt, tóc đen rối bời, mày rậm mi dài, đôi ngươi sâu thẳm sáng ngời như sông sao.
Anh vẫn không nhúc nhích mà nhìn chằm chằm vào tôi, bốn mắt nhìn nhau làm tôi giật mình, nhưng anh lại không sợ gì cả.
Đầu lưỡi anh đẩy quai hàm, chậm rãi nói với tôi: “Trên mặt cậu có sợi lông mi rớt xuống.”
Đây là câu đầu tiên anh nói với tôi.
Tôi không nghi ngờ lời anh nói, vội vàng lấy chiếc gương nhỏ trong hộp đựng bút ra soi, quăng luôn sợi lông mi kia đi.
Đồng thời còn không quên khẽ nói với anh: “Cảm ơn cậu.”
Anh cười một tiếng, một tay chống đầu, một tay xoay bút, giọng nói đầy hứng thú: “Khách khí quá, bạn cùng bàn.”
Lại sau nữa, mặt tôi chợt ửng hồng, không dám nhìn anh thêm, vội vàng mở sách giáo khoa ra.
Tôi là đứa trẻ thành thật, tất cả tinh lực trong cuộc đời này đều dùng cho việc học.
Thành tích đứng thứ nhất trong lớp, top đầu toàn khóa, ai cũng lòng đầy kỳ vọng đối với tôi.
Duy chỉ có mẹ tôi Trần Mậu Quyên.
Bà ta chẳng quân tâm tôi giây phút nào, một lòng nhào vào bàn mạt chược, có thể rút ra chút thời gian trống để về nhà thăm ba đã là sự nhân từ lớn nhất đối với tôi.
Cô tôi thường nói: “Gia đình như chúng ta, học tập là đường ra duy nhất của con.”
Anh họ cũng nói: “Người ở tầng chót của xã hội không có nhiều cơ hội để thay đổi số phận, học tập và làm việc là điều quan trọng nhất.”
Vậy nên lúc nào tôi cũng căng như sợi dây đàn, ba năm cấp ba sớm tối đều lao vào học tập.
Tôi sống mệt mỏi như thế, nhưng trong lòng lại tràn đầy hy vọng, ngóng trông tương lai vận mệnh sẽ xoay chuyển, giúp tôi thoát khỏi cái bể khổ này.
Trì Dã là một sự bất ngờ đã xông vào cuộc đời của tôi.
Tôi rất ít nói chuyện với anh, nhưng anh lại bắt đầu chẳng biết vô tình hay cố ý để tâ m đến tôi.
Lúc trời trở lạnh, dưới lớp áo đồng phục của tôi là một chiếc áo len đã cũ, có hơi sứt chỉ.
Trên lớp học anh vô cùng buồn chán, chợt liếc thấy sợi len trồi ra dưới áo tôi, thế là vươn tay ra túm một cái.
Gia cảnh của anh rất tốt, một đôi giày thôi cũng trị giá cả ngàn tệ, nghĩ có lẽ anh cũng không hiểu rõ lắm ý nghĩa của sợi len này là gì.
Đợi đến khi cả hai chúng tôi đều ý thức được không ổn thì trong tay anh đã quấn không ít sợi len, còn chiếc áo len dưới đồng phục của tôi đã ngắn đi một đoạn.
Anh lúng túng nói: “Xin lỗi cậu.”
Tôi cũng đỏ mặt: “Không sao đâu.”
Một tuần sau lúc tới trường tôi mới phát hiện trong ngăn bàn bị nhét một túi mua hàng vào.
Mở ra xem mới thấy đó là một chiếc áo len mới màu hồng nhạt, mác áo vẫn còn ở đó.
Nhất thời tôi hoảng hốt cực kỳ, vội nhét cái túi đó lại vào ngăn bàn của anh.
Lúc vào học anh phát hiện ra nó, nhích lại gần tôi một chút rồi thấp giọng hỏi: “Size áo không đúng sao? Mình nhờ mẹ mình mua ở trung tâm thương mại đó.”
Tôi cảm thấy vành tai mình đã nóng bỏng, vô cùng quẫn bách: “Không cần đâu.”
“Sao lại không cần? Áo của cậu không mặc được nữa mà.”
“Thật sự không cần đâu, cảm ơn cậu.”
Anh nhướng mày, lúc đang muốn tiếp tục nói chuyện với tôi thì tôi đã im lặng không lên tiếng nữa, kéo ra một khoảng cách với anh, nhìn lên bảng đen không chớp mắt.
Trì Dã cười khẽ một tiếng.
Sau đó, lần đầu tiên tôi được chứng kiến sự ngang ngược của anh.
Vừa tan học tôi đã xách cặp về, lúc đi tới cổng trường, anh đứng giữa đám đông hô to lên với tôi: “Hứa Đường! Hứa Đường!
Tôi kinh ngạc quay đầu nhìn lại, anh nhìn tôi rồi cười, trực tiếp đi tới cầm chiếc túi đựng áo len kia nhét vào tay tôi: “Bạn cùng bàn, cậu quên cầm áo này.”
Sau lần đó trong lớp bắt đầu có lời đồn đãi, nói rằng Trì Dã đang theo đuổi tôi, còn mua cho tôi một chiếc áo len nữa.
Tôi cảm thấy sợ hãi.
Đối với một học sinh ngoan ngoãn và thành thật mà nói thì yêu sớm giống hệt như là hồng thủy mãnh thú vậy.
Cũng may thành tích học tập của tôi rất tốt, cũng rất được thầy cô quan tâm nên trong lớp không có ai nói ra nói vào gì với tôi.
Chỉ nghe nói Trần Giai Ny từng đứng trước mặt Trì Dã, hỏi bằng giọng điệu hơi chua chát: “Cậu thích Hứa Đường ở điểm nào thế? Không phải cậu ấy chỉ được cái học giỏi thôi à?”
Trì Dã cười, hỏi lại: “Học giỏi còn chưa đủ sao?”
“Nhưng cậu ấy cứ như đứa ngốc ấy.”
“Cậu mới như đứa ngốc nhé, như Hứa Đường không gọi là ngốc, người ta gọi là ngoan.”
Thế là cả trường ai cũng biết, Trì Dã thích cô bé ngoan Hứa Đường.
Lúc lời đồn truyền đi khắp nơi cũng tạo ra không ít bối rối cho tôi.
Nhưng cũng chỉ là bối rối mà thôi, tôi đã học được cách làm lơ mọi thứ từ lâu rồi rồi.
Mỗi khi Trì Dã bắt chuyện với tôi, tôi đều cố gắng xa cách, rất ít khi phản ứng anh.
Anh cũng biết điều, chậm rãi khôi phục lại trạng thái trước đó với tôi.
Học kỳ hai năm lớp mười một, cô chủ nhiệm lớp tìm tôi, cô hỏi là trong trường có hai vị trí làm việc ngoài giờ ở nhà ăn, tôi có muốn tới làm không.
Cô biết hoàn cảnh của tôi, mỗi lần nhà trường trợ cấp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô luôn cố gắng xin cho tôi.
Các cô gái ở độ tuổi đó ai cũng muốn có sĩ diện, nhưng tôi không thể muốn.
Bởi vì tôi không có tiền.
Tôi muốn cắt một cặp kính cận, bởi lúc nhìn bảng đen luôn cảm thấy chữ nghĩa không rõ lắm.
Vì thế cứ vào buổi trưa mỗi ngày, tôi và một bạn học nam lớp mười hai sẽ đeo băng tay trực ban lên tay áo rồi bắt đầu thu dọn khay đồ ăn trên bàn trong căn tin của trường.
Thực ra cũng chỉ có một tiếng rưỡi mà thôi.
Căn tin to như vậy, giờ cơm trưa rộn ràng nhốn nháo, đông đúc náo nhiệt cực kỳ.
Gặp được bạn cùng lớp, bất kể là bọn họ nhìn tôi bằng ánh mắt như thế nào tôi cũng đều giữ im lặng, học được cách chấp nhận tất cả.
Cuộc đời của Hứa Đường, đã học được cách cúi đầu trước sinh hoạt từ lâu.
Tôi không chỉ vừa học vừa làm ở trường học, vào các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè tôi cũng thường nhờ anh họ hỗ trợ tìm giúp vài công việc làm thêm.
Tôi từng làm việc ở chợ bán quần áo và tiệm bán thức ăn nhanh, cũng đã từng làm ở trung tâm trò chơi dưới tầng ngầm của các khu đô thị, từng phát tờ rơi ở ngoài đường, thỉnh thoảng còn sẽ bán sỉ một ít đồ chơi nhỏ, mang tới công viên bán cho trẻ con vào các ngày nghỉ lễ.
Tôi có thể chịu đựng gian khổ rất tốt, cũng đã quen với cực nhọc.
Cho nên lúc ở căn tin trong trường học, có một bạn nam cố ý ném một khay đồ ăn qua, khiến cả người tôi lấm lem đầy nước canh thì tôi vẫn giữ im lặng, không nói thêm gì.
Nhưng vạn không thể ngờ được rằng, cảnh tượng này đã bị Trì Dã nhìn thấy.
Anh không vui, trực tiếp đi qua đè cái đầu của tên kia xuống, nghiêm khắc nói: “Xin lỗi cậu ấy ngay!”
Trì Dã là tên côn đồ, nhưng tên kia cũng không phải là loại lương thiện gì cho cam, há miệng liền mắng: “Nói con mẹ mày ấy!”
Trì Dã tức giận cực kỳ, đạp một cước qua khiến bàn ghế trong căn tin đổ ngã một mảnh.
Ngay sau đó căn tin lâm vào một cuộc hỗn chiến.
Tên kia người ít không đánh lại người nhiều, tính cả mấy đứa đi cùng cậu ta cũng bị đánh cho mặt mũi bầm dập.
Tôi đứng ở một bên sợ tới mức phát run, nhìn Trì Dã hung hăng đánh người, nghẹn ngào nức nở tiến lên cản anh lại—
“Đừng đánh nữa! Cậu đừng đánh nữa mà!”
Sau đó ngay cả tôi cũng bị gọi tới phòng giáo vụ.
Tôi vẫn luôn khóc, nức nở gạt lệ.
Trì Dã đứng ở một bên, cũng chẳng biết tại sao mà giọng nói trở nên hơi nôn nóng: “Đừng khóc mà Hứa Đường, không có chuyện gì đâu, không liên quan gì đến cậu cả, cậu cứ yên tâm.”
Tôi rất sợ, cũng hơi oán trách anh: “Ai bảo cậu đánh người?!”
“Nó bắt nạt cậu, không nên đánh sao?”
“Mình không thèm để ý, ai cần cậu xen vào việc của người khác!”
“Nhưng mình để ý, mình không thể nhìn người khác bắt nạt cậu được.”
Trong mắt bọn họ, Hứa Đường tuổi nhỏ nhất định là một người không biết tốt xấu.
Nhưng lúc đó tôi thật sự có rất nhiều oán giận với Trì Dã.
Tôi thành thật, hướng nội, một lòng một dạ đâm đầu vào học tập, thật sự không muốn gây chuyện thị phi.
Tôi càng sợ hãi hơn là chuyện này sẽ truyền tới tai Trần Mậu Quyên, sau đó sẽ bị bà ta chỉ vào mặt mắng chửi bằng những lời tục tĩu nhất.
Cũng may việc này không có lớn chuyện.
Về sau tôi và Trì Dã cùng bị gọi tới văn phòng của thầy hiệu trưởng.
Tôi chính tai nghe thấy Trì Dã gọi thầy hiệu trưởng là chú Lý.
Cũng nhìn thấy thầy hiệu trưởng luôn luôn nghiêm túc hừ một tiếng, mắt nhìn về phía tôi rồi khiển trách Trì Dã: “Thằng nhóc này khó lường thật, không yên ổn được ngày nào, đánh nhau yêu sớm, đầy đủ không thiếu thứ gì.”
“Chú đừng oan uổng cháu, nói cháu đánh nhau thì cháu nhận, nhưng nói cháu yêu sớm thì chú có bằng chứng không?”
“Người đều đã đứng ở chỗ này rồi mà nhóc mày còn muốn bằng chứng gì nữa?”
“Chú đừng nói vậy mà, Hứa Đường người ta là học sinh ngoan, học giỏi lắm đấy.”
“Nói nhảm, nếu con bé không phải học sinh ngoan thì chú đã gọi phụ huynh của hai đứa lên từ lâu rồi.”
“Đừng phiền phức vậy, chú mời ba mẹ cháu đến là được rồi, xem coi trường mình còn thiếu gì không để họ đóng góp thêm chút?”
“Thằng nhóc thối, đừng có cợt nhả, chú nói cho mày biết, mày học dốt thì thôi đừng làm ảnh hưởng tới người khác. Nếu thành tích của con bé trượt xuống thì thể nào chú cũng phải cho mày một cái tát đấy nhé.”
“Đúng rồi, nếu cậu ấy thi được top 1 toàn khối thì có phải chú cũng nên khen thưởng cho cháu cái gì không?”