Dệt Kén - Chương 2: C2: Em viết anh xem nhé
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
39


Dệt Kén


Chương 2: C2: Em viết anh xem nhé


Trên xe đi về nhà, Lê Đường mở nhóm Wechat lặng ngắt như tờ.

Trường quốc tế không tự học buổi tối, trước đây vào giờ này mọi người đều tụ tập chơi chung, gọi điện thoại còn không được nữa là nhắn tin.

Chán ngán lướt điện thoại một lúc, về nhà thấy đèn đóm tối om như không có người ở, Lê Đường càng buồn bực tợn.

Vào nhà, bác giúp việc ở phòng cho người giúp việc dưới tầng âm bước nhanh lên: “Cháu đói chưa, có muốn…”

“Không ăn.”

Lê Đường lên thẳng trên tầng mà chẳng buồn ngoảnh đầu, đến cửa phòng mới sực nhớ cặp vứt chỗ cửa bèn xuống tầng lấy, đi được nửa đường thì gặp bác giúp việc xách cặp lên cho, cậu hậm hực nhận cặp, thái độ cũng mềm mỏng hơn: “Cháu ăn ở trường rồi… Không đói.”

Bác giúp việc cười: “Không sao, lúc nào đói cứ gọi bác.”

Lúc về phòng thấy căn phòng cuối hành lang đóng chặt, Lê Đường chần chừ giây lát, sau cùng vẫn không đi gõ cửa.

Lần đầu tiên trong đời tan học về nhà muộn thế này, Lê Đường vào phòng lập tức bổ nhào xuống giường, bấy giờ thần kinh căng thẳng cả ngày trời ở môi trường xa lạ mới được thả lỏng, vừa nhắm mắt là cơn mệt mỏi tức tốc bủa vây.

Trường Trung học Số 1 Tự Thành… Tự Thành…

Trong trí nhớ mình từng đến nơi này rồi, năm tuổi hay sáu tuổi nhỉ?

Vì sao? Hình như là mẹ về quê ở một thời gian ngắn, khi ấy cậu còn nhỏ, tưởng mẹ bỏ đi không cần mình nữa mới khóc thét đòi bố đưa đi tìm mẹ, bố nghiêm mặt bảo cậu đừng chạy lung tung khắp nơi, cậu chỉ đành nhờ bác giúp việc trong nhà dẫn mình đến Tự Thành, sau đó… Sau đó thì sao?

Sau đó cậu sốt một trận, quên đi rất nhiều chuyện.

Dù sao cuối cùng cậu cũng đã tìm được mẹ về.

Cũng không nhớ bắt đầu từ khi nào mà người mẹ Trương Chiêu Nguyệt rất hiếm ra ngoài, có vẻ là trước khi bị bệnh, thi thoảng ăn cơm cũng không thấy mặt.

Nhưng ít nhất mẹ vẫn còn đây, vẫn ở bên cạnh cậu.

Đương hốt hoảng chợt cảm thấy yên tâm, Lê Đường nhắm mắt chìm vào cõi mộng.

Ở một nơi khác, Tưởng Lâu đi bộ về nhà cất cặp, mặc áo khoác rồi ra ngoài.

Mùa thu ở Tự Thành sáng sớm và tối trời mát mẻ, khi gần đến nơi, Tưởng Lâu đeo khẩu trang kéo kín khóa áo khoác.

Tại vùng ngoại ô cách trung tâm thành phố hơn chục cây số, Tưởng Lâu băng qua nhà xưởng ven con đường ít người qua lại, rẽ vào một cầu thang dẫn xuống lòng đất.

Bên trong vẫn tối như hũ nút, càng đi về trước tiếng ầm vang càng to. Sau khi xuất trình thẻ thông hành với người trông có vẻ là bảo vệ ở cửa, Tưởng Lâu nắm tay vịn kim loại mở cánh cửa sắt dày nặng, âm thanh kìm nén như bị bọc trong chăn thoáng chốc hóa thành làn sóng âm cuồn cuộn ngất trời, ập vào hắn một cách dữ dội chẳng khác nào sóng thần.

Hỗn hợp đủ loại hơi thở và mồ hôi, thậm chí cả mùi máu.

Tưởng Lâu không nhìn lên sàn đấu mà len qua đám đông lúc nhúc đi sang lối khác, quành vào một nơi giống như phòng nghỉ. Hắn đi thẳng đến tủ để đồ của mình, mở tủ thay quần áo.

Trang bị của hắn rất đơn giản, đồ bảo hộ chỉ cần đeo miếng bảo vệ răng và găng tay đấm bốc.

Giữa chừng người phụ trách phòng tập quyền anh tên lão Trương đi vào, đưa cho một chiếc mũ bảo hộ: “Đội đi, chỗ mình chủ yếu là biểu diễn, không cần thiết bạt mạng quá.”

Tưởng Lâu không trả lời, nhận mũ bảo hộ bỏ sang một bên. Người ta đến đây để xem hiện thực tàn khốc, không ai muốn tốn tiền xem khoa tay múa chân như chơi đồ hàng. Lão Trương thấy hắn không nghe khuyên nhủ thì thở dài: “Đến giờ chú cũng không biết chú cho mày đến đây có phải sai lầm không nữa.”

Lão Trương từng là đồng nghiệp cùng đội xe với bố Tưởng Lâu, sau khi bố Tưởng Lâu mất, chú thương Tưởng Lâu một thân một mình nên thường hay quan tâm hắn. Về sau chú bỏ việc lái xe tải, quay lại nghề cũ mở phòng tập quyền anh, không biết Tưởng Lâu nghe nói từ đâu mà xin chú cho tham gia.

Nghề này cạnh tranh khốc liệt, không thiếu người cùng đường bí lối dám liều cả tính mạng, tất nhiên mới đầu lão Trương không đồng ý. Chính Tưởng Lâu năm lần bảy lượt đề nghị, khuyên kiểu gì cũng không chịu bỏ cuộc, hơn nữa còn hứa sẽ chăm chỉ học hành, không tham gia thi đấu, mỗi tuần chỉ đánh ba trận, lão Trương thật sự không lay chuyển được hắn mới miễn cưỡng nhận lời.

“Sao có thể.”

Tưởng Lâu đang quấn băng vải lên tay. Tay dễ lộ khuyết điểm hơn mặt, hắn không muốn ngày mai đi học bị giáo viên hỏi.

Lão Trương càng nghĩ càng hối hận: “Điểm mày cao như thế, năm nào cũng được học bổng, cần gì đến đây chịu tội.”

“Học bổng có bao nhiêu đâu, đâu thể ngồi dưng ăn hoang.” Tưởng Lâu nói: “Vả lại cháu không thấy cái này là chịu tội gì.”

Lão Trương còn muốn nói gì đó nhưng điện thoại Tưởng Lâu để bên cạnh đổ chuông, chú khoát tay tỏ ý Tưởng Lâu nghe máy trước đã rồi đi mất.

Tưởng Lâu cầm điện thoại lên xem, số lạ.

Hắn nhận máy, đầu kia điện thoại là giọng con gái: “Cho hỏi có phải bạn Tưởng Lâu không?”

“Ừ.”

“Ngại quá muộn thế này lại làm phiền cậu, tớ là Vương Nghiên lớp A2… Cậu còn nhớ không?”

“Nhớ.”

“Tớ xin bạn cùng lớp cậu số của cậu, tớ gọi muộn thế này vì muốn xin lỗi cậu… Xin lỗi nhé, hôm nay tớ tỏ tình với cậu thật ra là do tớ cược thua đứa bạn.”

“Tôi biết.”

“Nhưng, nhưng mà tớ nói thật lòng.”

“Câu nào thật lòng?”

Giọng cô bạn nhỏ đi, hơi run run: “Tớ, tớ thích cậu.”

“Vậy à.”

“Đúng vậy… Cậu không tin sao?”

Giọng Tưởng Lâu nhẹ bẫng, đáy mắt lại chẳng dậy lên cảm xúc gì, không mảy may có nét cười.

“Tin chứ.” Hắn nói: “Vì sao không tin?”

Năm phút sau, Tưởng Lâu đi vào lối dẫn đến sàn đấm bốc, ánh sáng trước mặt như đang chỉ hướng hắn lên thiên đường, hoặc chăng là đáy vực sâu.

Giống với biểu diễn, hắn thích ở đây, đứng trên sân khấu này hơn. Kể cả tiếng reo hò chói tai mà bình thường thấy ầm ĩ cũng khiến hắn cảm nhận được sự chân thực khi máu nóng toàn thân đều đang run rẩy.

Như nằm mơ vậy.

*

Chiều thứ tư có tiết thể dục.

Đối với học sinh các trường cấp ba công lập, nhạc thể mỹ là môn học khan hiếm, học tiết nào là bớt đi tiết ấy.

Lê Đường rất bất lực khi được cậu bạn mới quen chưa đầy hai ngày kéo vào sân bóng rổ: “Tôi thật sự không biết chơi.”

Sở dĩ mục đích cậu không kiên quyết từ chối là vì tương tự như đãi trà sữa, cậu cần có bạn ở trường mới.

“Thì cứ chơi bừa thôi.” Cậu bạn to con tên Chu Đông Trạch dụ dỗ: “Chơi nhiều khắc biết ấy mà.”

Lớp trưởng Lý Tử Sơ cũng khuyên: “Đúng đấy, chơi đại đi, đừng đặt nặng áp lực.”

Lê Đường có áp lực gì đâu, cậu chỉ đơn giản là không muốn vận động. Cậu ghét ra mồ hôi, nếu không phải sợ mất mặt thì cậu ước sao được nhập hội với đám con gái đang xúm xít tám chuyện quanh sân bóng, chỉ cần cho cậu một chỗ ngồi là được.

Đang lúc khó xử thì trông thấy một bóng dáng quen thuộc đi qua ngoài sân bóng, Lê Đường như gặp cứu tinh: “Rủ Tưởng Lâu chơi đi, cậu ấy cao hơn tôi.”

Lý Tử Sơ nhìn theo tầm mắt cậu, lập tức lắc đầu: “Cậu ấy không được.”

Chu Đông Trạch cũng nhìn hướng đó: “Nó không được thật.”

Lê Đường tưởng giữa họ có xích mích, dù sao kiểu con trai cực kỳ được con gái yêu thích như Tưởng Lâu, bọn con trai hoặc không ngưỡng mộ thì cũng coi như kẻ thù thôi.

Tuy nhiên theo quan sát của Lê Đường, cả hai khả năng đều không đến nỗi. Dù lớp 11 vừa mới chia lại lớp nhưng Tưởng Lâu đã có rất nhiều bạn, chẳng hạn như Hoắc Hi Thần đang đi cạnh hắn, sáng nay hắn tới muộn, chính Hoắc Hi Thần giúp hắn thu bài tập Toán.

Ví dụ khác là ngày thứ hai cậu đi học, bàn cuối tổ bốn đông như trẩy hội, ngoài học sinh hỏi Tưởng Lâu bài tập Toán còn có vài đứa con trai rảnh rỗi không có chỗ đi, giờ ra chơi không ra sân hoạt động cũng không nghỉ ngơi tại chỗ mà thích chạy xuống chỗ Tưởng Lâu nghịch. Thằng ngồi lên bàn, thằng nhoài lên bậu cửa sổ, thằng giẫm ghế… Chưa đầy mười phút đã có thể buôn từ trận bóng đá gần đây đến bộ phim hoạt hình mới, chủ đề phong phú đa dạng, không giới hạn trong trường.

Tưởng Lâu lúc thì ngồi, lúc thì nhường chỗ cho đứa khác còn mình khoanh tay đứng dựa tường, nhắm hờ mắt nghe tụi nó nói chuyện rôm rả, không ngủ mà thi thoảng cũng xen vào đôi câu.

Chuông chuẩn bị reo Tưởng Lâu sẽ tuyên bố giải tán, dù cả đám vẫn chưa chơi đã nhưng cũng không ai dị nghị lệnh của hắn, trước khi về chỗ còn không quên xếp bàn ghế ngay ngắn và lau sạch ghế cho hắn, chai nước uống xong cũng tự mình mang đi.

Có lẽ đây là sức hút trong truyền thuyết, tuy Lê Đường cũng hưởng lợi từ ngoại hình, nhưng suy cho cùng vẫn cần thêm nền tảng kinh tế. Cậu cực kỳ rõ nếu không phải nhà mình giàu, tụi nó sẽ chẳng để mắt đến cậu.

Vậy nên, người xuất sắc đến gần như hoàn hảo như Tưởng Lâu rốt cuộc có nỗi niềm khó nói gì?

“Sao lại không được?” Lê Đường hỏi.

“Thính lực của cậu ấy không tốt lắm.” Lý Tử Sơ chỉ tai trái của mình: “Bên này không nghe được.”

Chu Đông Trạch tiếp lời: “Bóng rổ là môn tập thể, ít nhất phải nghe rõ đồng đội nhắc nhở chứ.”

Đến tận tiết cuối buổi chiều, Lê Đường vẫn đang suy nghĩ “không tốt lắm” là không tốt cỡ nào, thật sự không nghe thấy chút nào sao?

Hèn gì hắn ngồi bàn cuối cùng tổ bốn sát cửa sổ, bất kể giáo viên đứng giảng bài ở đâu trong lớp cũng có thể đảm bảo cái tai khỏe mạnh của hắn bắt được tiếng đầu tiên.

Cậu đây cũng ngồi bên phải hắn.

Lê Đường vẫn cảm thấy khó tin, dẫu sao trước đó cậu cũng không hề nhận ra Tưởng Lâu điếc một tai. Vậy tụi con gái thích hắn có biết việc này không? Lẽ nào các bạn ấy tỏ tình đều phải tìm góc để chắc chắn hắn có thể nghe thấy?

Sao hắn lại bị thế, bẩm sinh chăng?

Hơn nữa người nghe kém không phải đều đeo cái gì nhỉ… Máy trợ thính à?

Càng nghĩ càng khó hiểu, Lê Đường không nhịn được lại nghiêng đầu nhìn hòng giải đáp các thắc mắc lũ lượt xuất hiện của mình.

Dĩ nhiên Tưởng Lâu cảm nhận được ánh mắt tìm tòi từ bạn cùng bàn, đồng thời cũng đoán ra chắc hẳn cậu đã nghe nói về chuyện liên quan đến mình qua học sinh khác, có thể là không cha không mẹ, cũng có thể là tai điếc.

Mấy năm nay đã vô số lần Tưởng Lâu bị nhìn bằng đủ loại ánh mắt tò mò, cuối cùng những ánh mắt ấy đều biến thành tiếc nuối hay thậm chí là thương hại.

Hắn đã tập mãi thành quen từ lâu rồi.

Vì lẽ đó hắn tỉnh bơ cắm đầu vào sách vở, cho đến khi ánh mắt ấy ỷ hắn dung túng mà ngày càng trắng trợn mới bất thình lình quay mặt sang phải.

Quả nhiên bị bắt quả tang bất ngờ khiến Lê Đường giật mình suýt nhảy dựng, vội vàng cầm một quyển sách giả vờ đang đọc.

Tưởng Lâu biết tỏng nhưng không nói toạc ra, cứ thế nhìn Lê Đường chằm chằm, nhìn mãi tới khi vành tai mong mỏng ấy đỏ như sắp bùng cháy mới tha cho cậu, cất tiếng: “Cậu rất giỏi tiếng Anh.”

Lê Đường hãy còn hoảng loạn, ngơ ngác đáp “hả”, quên béng hôm đầu đi học cô chủ nhiệm đã nói vụ điểm tiếng Anh của cậu rất cao trước lớp.

Tưởng Lâu không định giải thích nhiều, nhìn sang vở ghi cậu để trên bàn: “Tôi mượn vở ghi xem được không?”

Trước tiết tự học tối có một tiếng hoạt động tự do.

Hoắc Hi Thần theo Tưởng Lâu lên văn phòng không một bóng người, nhìn Tưởng Lâu đặt xấp bài kiểm tra xuống rồi lục đống giấy tờ trên bàn làm việc của cô chủ nhiệm, bấy giờ mới vỡ lẽ: “Bảo sao mày tự thu bài tập, hóa ra…”

Thật ra Hoắc Hi Thần cũng không biết Tưởng Lâu đang tìm gì, hắn sáp lại xem thì thấy là hồ sơ học sinh lớp 11A1 mà sáng nay mới thu, gồm thông tin hộ khẩu và tình trạng gia đình của từng học sinh.

Lật tới trang của Tưởng Lâu, Hoắc Hi Thần liếc phát thấy ngay cột bố mẹ bị gạch chéo, chưa kịp thổn thức thì Tưởng Lâu đã nhanh chóng giở sang trang khác, trang tiếp theo là của Lê Đường với nội dung các cột gần như đều được điền kín, nhìn là biết gia đình hết sức trọn vẹn.

Thấy Tưởng Lâu dừng rất lâu ở trang này, Hoắc Hi Thần tưởng hắn hâm mộ bèn an ủi một cách vụng về: “Thật ra không có gì đâu, thời nay tỉ lệ ly hôn cao chót vót, mày xem nhiều đứa không thiếu bố thì cũng thiếu mẹ, dù trên giấy tờ đầy đủ bố mẹ cũng chưa chắc là vợ đầu hay chồng đầu mà.”

Đây là lời nói từ tận đáy lòng vì tình trạng nhà Hoắc Hi Thần là như thế, bố hắn lấy vợ hai, còn dẫn về cho hắn một thằng anh khác cha khác mẹ. Hắn còn xui xẻo học cùng lớp với thằng anh chỉ lớn hơn mình vài tháng.

Nghĩ đến đây Hoắc Hi Thần lại thấy hãi, lập tức bợ đít bạn mới: “Tan học xong chơi bóng rổ không? Bọn tao chơi không hò hét, mày không nghe thấy cũng không…”

“Thôi.” Tưởng Lâu buông tay thả tập hồ sơ về chỗ cũ, đồng thời đứng thẳng người: “Tối tao còn có việc, bọn mày chơi đi.”

Ai dè buổi tối hắn đến phòng tập quyền anh dưới lòng đất lại không có lịch ra sân.

“Trưa chú uống nhiều váng đầu, sắp danh sách thi đấu không cẩn thận bỏ sót mày.” Lão Trương nói: “Hôm nay mày cứ về sớm nghỉ ngơi đi.”

Tưởng Lâu biết lão Trương cố tình, nếu là bình thường chắc chắn hắn đã tranh luận, tỏ thái độ cương quyết chờ ở đây, ắt hẳn lão Trương cũng không thể thay đổi suy nghĩ của hắn. Nhưng hôm nay hắn chẳng buồn tranh luận.

Trở về nhà, hắn lên giường nằm nhưng không ngủ được.

Trở mình ngồi dậy giữa đêm tối, nhờ ánh trăng rọi vào cửa sổ, Tưởng Lâu mở ngăn kéo dưới cùng bàn học, lục một tờ giấy có nét chữ trong chồng giấy nhăn nhúm.

Ngôi nhà cũ dưới chân núi độ ẩm cao, tờ giấy không thấy ánh mặt trời từ năm này qua tháng nọ đã ố vàng và bốc mùi mốc meo cũ kĩ.

Nhưng cố lắm vẫn có thể đọc được chữ viết bên trên.

Chữ trẻ con non nớt, nét nào nét nấy xiêu xiêu vẹo vẹo nhưng hằn ra cả mặt sau, đủ để thấy rất nghiêm túc.

Tưởng Lâu lấy quyển vở ghi tiếng Anh trong cặp, đặt chung với tờ giấy ấy, cái tên trên bìa vở ghi giống y đúc tên trên giấy.

Khác biệt duy nhất là mười hai năm trước và mười hai năm sau.

Dù làm vậy rất vô nghĩa thì ít nhất cũng xem như lần nữa gõ một con dấu cho sự thật đã chắc chắn, để nó chính xác đến chẳng thể nghi ngờ.

Tưởng Lâu ngả người tựa vào lưng ghế, đoạn thở hắt ra, nhắm mặt lại như chẳng còn sức lực.

Có giọng trẻ con văng vẳng trong đầu óc trống rỗng của hắn.

“Em tên là Lê Đường, Lê trong bình minh, Đường trong cây thu hải đường, em viết anh xem nhé.”

“Mẹ em tên là Trương Chiêu Nguyệt, anh ơi anh có thấy mẹ em không ạ?”

Trong bóng tối, Tưởng Lâu bật tiếng cười giễu cợt.

Chỉ vỏn vẹn một thoáng chốc, thế giới lại im lìm như chết.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN