Cánh tay cô rất nhỏ, trắng như măng mùa xuân; bàn tay rộng của anh bao bọc như ôm lấy bàn tay của trẻ con.
Nhỏ xinh, luôn làm người ta yêu mến.
Bầu trời giăng hằng hà sa số tơ bạc, hai người cùng đứng dưới ô, thế mà Đàm Tu vẫn không buông cô ra trước.
Tạ Dực Tu đứng bên cạnh nhìn hồi lâu rồi chỉ vào hai người với vẻ khó hiểu: “Hai người, đang làm gì vậy?”
Nhạc Dao quay sang nhìn cậu ta, mắt to trừng mắt nhỏ, không nói ra được lý do.
Cô cũng hoang mang lắm!
Tại sao Đàm Tu lại ở đây? Đàm Tu đang làm gì vậy? Đoạn đối thoại vừa nãy nghĩa là sao?
Nhạc Dao cố gắng thăm dò nội tâm anh qua nét mặt, nhưng gương mặt Đàm Tu lạnh ngắt trông khó ở lắm.
Cô cẩn thận rút tay ra, thử hỏi dò: “Đàn anh, anh có chuyện gì không?”
Cảm nhận rõ được sức lực đang cố thoát khỏi lòng bàn tay, Đàm Tu từ từ siết chặt ngón tay.
Câu nghe quen thuộc này là trước đây anh từng nói với Nhạc Dao.
Câu trả lời của anh trùng với giọng nữ trong kí ức: “Không có chuyện gì thì không thể tìm em à?”
Nhưng Nhạc Dao không lạnh lùng như anh, thậm chí cô còn muốn hỏi đến cùng: “Vậy anh tìm em có chuyện gì đây?”
Đàm Tu mím môi.
May là Nhạc Dao hiểu rõ tính anh, bèn nghiêng đầu nói với Tạ Dực Tu: “Tạ Dực Tu, mình và bạn có chút việc, cậu đi trước đi, tuần sau gặp nha.”
Nghe cô gọi vậy, vẻ căng thẳng của Đàm Tu hơi giãn ra.
Nhưng khi Tạ Dực Tu dùng giọng quen thuộc nói tuần sau gặp với Nhạc Dao thì ánh mắt anh lại trở nên dữ dội.
Nhạc Dao không nhìn thấy và cũng không hiểu.
Trong ấn tượng của cô, Đàm Tu luôn giữ nguyên vẻ mặt lạnh băng, hiếm khi cười. Dù là cười, cũng chỉ hơi cong môi nhưng không rõ mấy.
Đàm Tu giấu rất kĩ cảm xúc của mình, mà cô là người có lòng tham nên chưa bao giờ hài lòng với những gì mình nhìn thấy bề ngoài.
Mưa không lớn, một cái ô đủ che cho hai người.
Nhạc Dao buông lỏng hai tay, nhưng trong lòng lại vô cùng phức tạp: “Tại sao bảo em gọi tên anh vậy? Em luôn cảm thấy gọi tên đầy đủ của anh nghe ngộ lắm.”
Đàm Tu cầm chặt cán ô: “Sao, tên anh khó nghe lắm à?”
“Không, tên anh rất hay mà.” Cô không biết phải diễn tả cảm giác đó thế nào, có lẽ liên quan đến sở thích cá nhân chăng.
“Vậy tại sao em không gọi?” Anh đột nhiên tích cực so đo về cách gọi tên này.
“Ừm…” Nhạc Dao chầm chậm đi dưới ô, vừa thầm nghĩ về ý của Đàm Tu. Bỗng cánh tay được anh kéo băng qua vũng nước, Nhạc Dao bị bất ngờ nên giày khẽ lệch qua bên.
Đàm Tu nhắc nhở cô: “Nhìn đường đi.”
Nhạc Dao vịn cánh tay anh: “Khoan đã, giày em bị lỏng rồi.” Nếu không phải nhờ gót giày đủ cao, có lẽ nó đã bị tuột ra rồi.
Cúi đầu nhìn, Đàm Tu khẽ nhíu mày: “Giày em có vấn đề sao?”
Nhạc Dao giải thích: “Đây là giày mới của em á, chất lượng ổn, chỉ có điều là số giày hơi lớn thôi.”
Đàm Tu không hiểu: “Tại sao em không đổi đôi khác?”
Nhạc Dao than nhẹ: “Thường thì em toàn mang số 35, nhỏ hơn lại không vừa.”
Ba mua về đúng cỡ giày cô thường mang nhưng cỡ của đôi giày này lạ lắm, vì nó đẹp nên cô mới thích đấy chứ.
Chủ đề trò chuyện ban đầu bị sự cố nhỏ này làm gián đoạn, Đàm Tu khôi phục lại dáng vẻ thường ngày, Nhạc Dao ngước lên đang định mở lời.
“Ting ting…”
Một chiếc xe hơi màu đen chậm rãi dừng lại ngay bên cạnh hai người.
Nhạc Dao vô thức kéo Đàm Tu lùi lại tránh chiếc xe thì một người phụ nữ đi giày cao gót bước xuống xe. Bà ấy cầm một chiếc ô màu đỏ, khí chất trông rất đoan trang.
Đàm Tu dừng bước. Trong khi Nhạc Dao đang vô cùng ngờ vực, cô chợt nghe người phụ nữ đó gọi: “Tiểu Tu.”
Đàm Tu khẽ giơ ô lên, không có chút cảm giác thân mật nào khi gặp cha mẹ, tựa như một cái máy vô cảm vậy: “Mẹ.”
Mẹ?
Đây là mẹ của Đàm Tu ư?
Bỗng dưng gặp mặt mẹ của người mình thích, Nhạc Dao lập tức căng thẳng và hơi lúng túng. Cô lễ phép chào: “Chào cô ạ.”
Mẹ Đàm nhanh chóng quan sát cô bé trước mắt một lượt rồi cười hỏi Đàm Tu: “Đây là bạn con à?”
Đàm Tu vẫn hờ hững: “Đúng.”
Tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, sự u ám trong lòng Nhạc Dao bị quét sạch sẽ.
Hoá ra Đàm Tu cũng kiệm lời như vậy khi ở cùng mẹ ruột? Vậy không phải chỉ với mình cô nhỉ.
Nhưng tình hình hiện tại cũng khiến Nhạc Dao ngượng ngùng, trước kia gặp bạn cùng lớp hoặc phụ huynh của bạn bè, bình thường mọi người sẽ giới thiệu chào hỏi nhau, nhưng Đàm Tu lại không chủ động giới thiệu, mà mẹ anh cũng lạ lùng quá. Tuy trên mặt bà ấy tươi cười nhưng không có cảm giác thân thiện.
Cô giỏi giao tiếp với những người lớn tuổi miễn là họ sẵn lòng muốn đón nhận thiện ý.
Bầu không khí bây giờ rõ là không thích hợp, lần đầu tiên Nhạc Dao nảy sinh ý nghĩ trốn tránh, bèn nhỏ giọng nói với Đàm Tu: “À dạ, mẹ của đàn anh tới đón anh rồi, em đi trước nha.”
Đàm Tu lại đáp: “Anh đi cùng em.”
Nhạc Dao trộm liếc nhìn mẹ Đàm: “Sao ạ?” Vậy không tốt đâu mà…
Đàm Tu nhìn mẹ Đàm: “Con muốn đưa em ấy về nhà.”
Câu này không phải thương lượng, mà giống thông báo hơn.
Nhạc Dao suýt nữa đã nhảy dựng lên.
Họ là học sinh đấy, nói muốn đưa cô về nhà ngay trước mặt cha mẹ liệu có thích hợp không vậy? Đàm Tu bạo dạn quá rồi, về nhà sẽ không bị phụ huynh dạy dỗ đấy chứ?
Nghe nói lớp bên cạnh có một đôi yêu sớm bị bắt được, thê thảm lắm. Dù họ chưa làm gì nhưng hành động đó trong mắt cha mẹ chẳng khác nào chuyện đã rồi.
“Không không không, không cần đâu ạ, em tự về được.” Nhạc Dao liên tục nháy mắt ra hiệu cho anh.
Đàm Tu lại hỏi ngược lại: “Mắt em không thoải mái hả?”
Nhạc Dao: “…” Đây là lần đầu tiên cô muốn bịt miệng Đàm Tu đến vậy.
Mẹ Đàm đang che ô, nhìn sang rồi cất giọng nhã nhặn: “Bạn của Tiểu Tu phải không? Con tên là gì?”
Nhạc Dao cười trả lời: “Chào cô ạ, con tên Nhạc Dao.”
“Nhạc Dao.” Mẹ Đàm lặp lại cái tên này rồi khen ngợi: “Đúng là một tên rất hay.”
Được người lớn khích lệ, Nhạc Dao lấy làm vui, rồi chợt nghe mẹ Đàm nói: “Trời mưa đúng là bất tiện, cô chở con về nhé.”
Nhạc Dao mỉm cười lúng túng nhưng không mất lễ phép: “Không cần đâu cô ạ.”
Đàm Tu lại nắm cánh tay cô: “Không sao, lên xe đi.”
Nói đến nước này, Nhạc Dao không tiếp tục từ chối nữa.
Kéo cửa ghế sau ra, nhìn vào cách bày trí bên trong thì biết ngay đây chính là một chiếc xe sang trọng, cô thật sự sợ mình giẫm lên sẽ để lại dấu chân đen đúa mất, nhưng nghĩ bụng, mọi người cùng đi qua được cái chỗ ẩm ướt đó thì cô lập tức thấy yên tâm.
Sau khi lên xe, cô nhích vào trong nhường chỗ cho Đàm Tu, hai ghế kề nhau tựa như mối quan hệ giữa họ ngày càng thân thiết hơn.
Mẹ Đàm chưa lên xe. Qua cửa sổ, Nhạc Dao thấy bà ấy đứng ở ngoài gọi điện thoại, bèn tranh thủ lúc này lại gần nói khẽ vào tai Đàm Tu: “Đàn anh, em hơi ngại á.”
Đàm Tu bình tĩnh: “Biết rồi.”
Biết rồi?
Anh chắc chưa?
Nhạc Dao bắt đầu nghi ngờ chỉ số EQ của anh, hai tay chống lên mép ghế, cô phồng má lẩm bẩm: “Vậy mà anh còn bảo em lên xe.”
“Trong xe không có mưa.” Anh không giải thích lý do cụ thể, tuy nhiên ánh nhìn lại đổ dồn vào đôi giày bốt trắng mới toanh nhưng lại dính bùn của cô.
Đàm Tu không khỏi tự hỏi liệu hôm nay cô có lại muốn đăng bài khóc lóc kể lể chuyện nước mưa làm bẩn giày và tất của mình không nhỉ.
Nhà Nhạc Dao khá gần trường nên xe nhanh chóng đến nơi.
Lúc xuống xe, cô cảm ơn từng người trong xe, bầu không khí có vẻ rất hài hoà. Ngại vì sự có mặt của tài xế và mẹ Đàm, cô không thể mặt dày lần lữa ở bên Đàm Tu lâu như mọi ngày, bèn sảng khoái vẫy tay tạm biệt.
Nhạc Dao đeo cặp đi vào khu nhà, quay đầu lại nhìn thoáng qua thì xe đã sớm mất dạng. Cô nhắn riêng cho Đàm Tu, lại bày tỏ lòng biết ơn: Cảm ơn đàn anh.
Dường như người bên kia đang trông điện thoại vì thấy anh nhắn lại rất nhanh: Ừ, tuần sau gặp.
Tuần sau gặp?
Nhạc Dao nghĩ thầm sao những lời này quen tai thế nhỉ, hình như là câu mình thường hay nói với bạn mà.
Cô nhìn màn hình cười hềnh hệch, rồi gửi tin nhắn giọng nói qua cho Đàm Tu: “Đàn anh, tuần sau gặp nha.”
Nhạc Dao không biết sau khi mình đi, bầu không khí trong xe đã giảm xuống không độ.
Xe chạy về hướng ngược lại, Đàm Tu không vòng vo tam quốc với bà ấy mà hỏi thẳng: “Có chuyện gì sao?”
Mẹ Đàm khoanh tay ngồi hàng ghế trước: “Hôm nay ba con và chú Diêu kí hợp đồng, chú Diêu của con đặc biệt nhắc tới con, bảo con qua ăn một bữa cơm.”
Chú Diêu là bạn hợp tác hồi ở trên núi tuyết. Ông ấy không có con trai, nhưng lại rất thích Đàm Tu. Tất nhiên, chuyện có thể giúp thúc đẩy quan hệ hợp tác, Đàm Vân Thiên sẽ cố gắng làm cho bằng được.
Trên đường đi, mẹ Đàm đột nhiên nhắc tới Nhạc Dao: “Cô bé hôm nay…”
Mắt Đàm Tu giá rét: “Không liên quan gì tới mẹ.”
Anh giống một đứa con phản nghịch, mẹ Đàm cũng chẳng muốn quản lý mà chỉ cảnh cáo: “Đừng gây chuyện gì mất mặt ở trường đấy.”
Mặt tài xế vô cảm, dường như đã quen với bầu không khí quái lạ của gia đình này rồi.
Hai người không giống mẹ con, mà giống những người xa lạ “thích thì gặp” hơn.
Diêu Văn Bân đến tuổi trung niên vẫn chưa kết hôn sinh con, vì vậy gặp được Đàm Tu ông vô cùng ưa thích anh. Sau đó, ông ấy ra nước ngoài phát triển, không còn tâm sức chú ý đến con cái của người khác nữa, vốn đã gần như quên mất nhưng cách đây không lâu gặp lại ở núi tuyết, điều này giúp ông được tiếp xúc với Đàm Tu sau khi đã trưởng thành.
Khí chất và cá tính có một không hai trên người chàng trai trẻ khiến Diêu Văn Bân rất tán thưởng.
Đàm Vân Thiên đưa Đàm Tu tham gia bữa ăn vì để phát triển mối liên hệ, vì vậy họ cố ý tránh công việc mà chỉ nói về cuộc sống.
Trên bàn ăn, Đàm Vân Thiên luôn miệng “con trai tôi” dành cho Đàm Tu, cực kì giống một người cha yêu thương con.
Qua ba tuần rượu, Diêu Văn Bân nhắc tới chuyện khi Đàm Tu còn bé: “Tôi nhớ trước đây Tiểu Tu gặp tôi là cứ gọi chú ơi chú à, còn cười với tôi nữa.”
Sau một lát, ông ấy lại hỏi: “Bây giờ Tiểu Tu đang học ở đâu vậy?”
Đàm Vân Thiên ngập ngừng thì mẹ Đàm cười nói tiếp: “Trường trung học số 1, lớp mười một ạ.”
“Trường trung học số 1, không tồi đấy, quả nhiên là cậu bé thông minh.” Diêu Văn Bân quay sang hỏi Đàm Tu: “Nói cho chú nghe xem những năm qua con được thưởng gì nào?”
Đây có lẽ là câu hỏi mà tất cả người lớn đều thích hỏi, nhưng hầu hết học sinh lại không muốn trả lời.
Đàm Tu cúi nhìn xuống, khép hờ mắt, có phần không kiên nhẫn.
Đàm Vân Thiên cố ý cầm ly rượu lên đón nhận câu hỏi: “Tiểu Tu không thích thi cử ấy mà.”
Diêu Văn Bân nhíu mày, dường như đang nhớ lại: “Vậy sao? Sao tôi lại nhớ trước đây thằng bé thích tham gia mấy cuộc thi kiến thức gì ấy mà? Giải đấu quyền anh nào đó, còn nhận giải nữa.”
“Rào rào…”
Trong phòng vệ sinh, Đàm Tu đứng cạnh bồn rửa mặt để mặc nước lạnh thấm qua kẽ tay. Anh đứng trước gương, lẳng lặng nhìn khuôn mặt lạnh lùng của cậu thiếu niên bên trong đó, trong mắt thoáng qua tia chán ghét.
Thời gian trôi qua quá lâu, anh sắp quên cười là như thế nào rồi.
Hồi lâu, Đàm Tu kéo khăn giấy lau khô ngón tay rồi rời khỏi phòng vệ sinh.
Mẹ Đàm cố ý chờ ngoài hành lang, thấy anh liền chất vấn: “Ban nãy chú Diêu hỏi con sao con không nói gì hả?”
“Mẹ muốn con nói gì?” Đàm Tu vò khăn giấy, vừa nhìn chằm chằm người phụ nữ được gọi là “mẹ” kia với ánh mắt có phần châm chọc: “Nói rằng Đàm Kỳ Nhi lấy cúp của con làm đồ chơi, lấy huy chương của con làm dây chuyền? Hay nói rằng Đàm Kỳ Nhi vì ghen tỵ nên ngăn cản con đi thi?”
Bốn người nhà họ Đàm này không một ai tốt cả, bao gồm cả anh.
Một đám người đeo mặt nạ cùng chung sống, chắc chắn là tai hoạ khó lường.
Một thời, anh cũng từng là cậu con trai xuất sắc trong mắt ba mẹ với thành tích học tập đứng đầu, hứng thú và sở thích phát triển toàn diện. Mỗi một cuộc thi, anh luôn cố gắng hết sức mình, chỉ cần được giải thưởng là sẽ được cha mẹ yêu thích hơn.
Anh không ngừng nỗ lực, tích lũy ngày càng nhiều cúp và huy chương, đó là thành tích của chính anh và là biểu tượng cho niềm tự hào của cha mẹ.
Nhưng tất cả mọi thứ đều hoá thành hư vô chỉ vì sự trưởng thành của Đàm Kỳ Nhi.
Thuở bé, Đàm Kỳ Nhi thích cúp và huy chương của anh, coi chúng như những món đồ chơi, có lúc bày ra sàn, có lúc lại đeo lên người.
Khi đó, mẹ nói với anh rằng: “Em gái còn nhỏ chưa biết gì, con đừng giận em.”
Ba cũng phụ hoạ: “Kỳ Nhi thích thì cho em đi con, con là anh, nên biết nhường em chứ.”
Đến khi Đàm Kỳ Nhi lớn thêm một chút, họ lại thay đổi cách giải thích.
Thành tích của Đàm Kỳ Nhi không tốt, mọi người thường so sánh hai anh em với nhau khiến Đàm Kỳ Nhi dần có chiều hướng ghen tị đến mức quấy rối Đàm Tu khi anh sắp tham gia thi đấu, hại anh suýt nữa mất đi tư cách thi.
Đàm Tu cố gắng xoay sở và giành được hạng nhất. Những lời lẽ như “Anh trai thiên tài và em gái ngu ngốc” đã đánh mạnh vào nội tâm Đàm Kỳ Nhi đến nỗi cô bé như phát rồ lao vào phòng Đàm Tu và đập vỡ hết mấy cái cúp bóng loáng kia, những tấm huy chương nằm vương vãi trên sàn nhà và vắt vẻo trên thùng rác.
Chủ nhân của những chiếc cúp ấy không kìm được cơn giận, nhưng cha mẹ lại bảo anh phải tha thứ: “Gần đây tâm trạng em không tốt, con làm anh phải biết thông cảm cho em hơn chứ.”
“Kỳ Nhi chỉ xúc động nhất thời thôi, cúp và huy chương của con nhiều vậy cơ mà, đi thi thêm mấy cuộc thi thắng lại được mấy hồi.”
Họ thiên vị mà tầm thường hoá những hành vi sai trái của Đàm Kỳ Nhi.
Kể từ đó, Đàm Tu không tham gia bất kì cuộc thi nào nữa.
Không còn ai xứng đáng với cúp và huy chương của anh nữa cả.
…
Bữa cơm “ăn cho vui” đã giải tán, Đàm Tu một mình rời đi.
Mưa đã tạnh, mặt đất vẫn trơn trượt, chàng trai mặc áo khoác lông vũ màu đen bước đi trong đêm, lên chiếc xe buýt 025. Anh ngồi trong góc ở hàng cuối cùng, đọc đi đọc lại dòng thông báo mới trên không gian.
Dao Dao Thích Ăn Cá: “Con giày mới bị dơ rồi, trời mưa thật là đáng ghét mà.”
Khi đó, không gian thịnh hành bình luận và thích cho nhau, bình luận bên dưới nhiều vô kể, nhưng không phải bình luận nào Nhạc Dao cũng trả lời, mà lại tương tác tận mấy bình luận với Tạ Dực Tu.
Như bị chặn ngang bởi một tảng đá lớn, nặng đến mức không thể phớt lờ, Đàm Tu xuống xe, đi tới đường Hương Chương thì thấy Nhạc Dao đang đi ở giữa cha mẹ mình.
Cô đã đổi giày, cùng ba đi đón mẹ làm thêm giờ ở trường về.
“Lãnh đạo chỉ nhăm nhe đưa ra nhiệm vụ, ném toàn bộ trách nhiệm cho đám giáo viên bọn em, vừa phải chủ nhiệm vừa phải dạy ba lớp ngữ văn, bộ dễ lắm sao?” Tiêu Tuệ Vân phàn nàn về áp lực công việc, còn hai cha con cô chịu trách nhiệm xoa dịu.
“Mẹ giỏi quá chừng nên mới được giao trách nhiệm nặng nề đó ạ.” Ai mà không thích nghe khen ngợi, Nhạc Dao biết mẹ là một giáo viên nhân dân vì yêu nghề nên hay lo nghĩ, làm thêm giờ không chỉ vì hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm với học sinh.
“Nặng hay không nặng gì chứ, cuối tuần phải mở họp phụ huynh học sinh, còn phải đi tìm hiểu vấn đề thăm hỏi gia cảnh của các em học sinh…” Tuy Tiêu Tuệ Vân cứ cằn nhằn không ngơi nhưng sắc mặt đã tốt hơn rất nhiều.
Được chồng và con gái hết lời khen ngợi, cuối cùng Tiêu Tuệ Vân cũng phải bật cười. Hình ảnh gia đình họ bên nhau thật hoà thuận và đầm ấm.
Đàm Tu đứng dưới gốc cây nhìn khung cảnh ấy một cách chăm chú, bóng tối thăm thẳm là lớp ngụy trang hoàn mỹ nhất của anh.
Tai nghe phát đi phát lại bài hát mà anh từng ghi âm ở KTV, giọng hát và ca từ của cô gái quẩn quanh chạm đến trái tim anh.
Đàm Tu vỗ về trái tim mình.
Cô gái ấy rực rỡ như ánh mặt trời, toả sáng xung quanh mọi người chứ không phải chỉ riêng anh.
–
Hơn chín giờ tối, Kỷ Trì đang đeo tai nghe chơi game trong phòng sách thì chợt nhận được điện thoại, bèn hùng hổ đi ra mở cửa.
Đàm Tu đứng ngoài cửa, nói với anh ấy như thể vừa về nhà mình: “Cho ở nhờ qua đêm.”
Đây không phải lần đầu, như đã thành quen, trái lại Kỷ Trì gặng hỏi: “Sao hôm nay lại tới vậy?”
Đàm Tu đáp lại một cách đơn giản: “Không muốn về.”
Lúc Kỷ Trì dẫn anh vào phòng khách, định truy hỏi đến cùng, thì Đàm Tu mở lời “Cảm ơn” rồi “đuổi” anh ấy ra ngoài.
Kỷ Trì nhấc chân muốn đá vào cửa, nhưng nhớ đến đây là cửa nhà mình, bèn hạ chân xuống rồi hai tay chống nạnh đứng trước cửa: “Mình thật sự thiếu nợ cậu mà!”
Kỷ Trì tặc lưỡi rồi lại thở dài, thầm nghĩ chẳng phải mình nợ Đàm Tu một mạng hay sao.
Năm lớp mười, anh hưởng thụ việc được hâm mộ, quấn quýt với một cô gái ở ngoài trường và còn cảm thấy cô gái đó rất có cá tính. Mãi đến khi bị một đám lưu manh chặn đường, anh mới biết mình bị lừa.
Tuổi trẻ ngông cuồng, anh cứ ngỡ mình có khả năng chống lại chúng nhưng suýt nữa đã bị dao đâm. Cuối cùng, nhờ Đàm Tu đi ngang qua, đã cứu anh một mạng.
Lúc ấy, anh cảm thấy: Người anh em này đẹp trai thật!
Mãi về sau, tình cờ bắt gặp khi Đàm Tu ở cùng với người nhà, anh mới biết cuộc sống của anh bạn này khó khăn thế nào.
Hai ngày cuối tuần, Đàm Tu không về nhà mà chỉ ở chỗ Kỷ Trì chơi game suốt.
Thao tác của Đàm Tu rất nhạy bén, Kỷ Trì cực thích chơi đội với anh. Giọng nói phách lối vang vọng trong phòng khách của Kỷ Trì tạo nên sự trái ngược với vẻ điềm tĩnh và im lặng của Đàm Tu.
“A Tu, ghê nha!” Kỷ Trì đột nhiên nhớ ra: “Dạo này game đang tổ chức một cuộc thi, cậu lập đội với mình đi?”
Đàm Tu liếc nhìn anh ấy: “Không có hứng.”
“Thi sẽ có phần thưởng tham gia và có cả các phúc lợi do ban tổ chức đặt ra cho người giành chiến thắng…”
Kỷ Trì cố gắng thuyết phục, nhưng Đàm Tu chẳng có ý định tham gia. Anh kiên quyết nói với bạn mình: “Mình không quan tâm đến bất kì cuộc thi hay giải thưởng nào cả.”
Đánh xong ván này, Đàm Tu thoát khỏi tổ đội: “Không đánh nữa.”
Kỷ Trì không chịu buông, cố hết sức giữ lại: “Đừng mà, khó lắm mới thắng liên tiếp năm ván mà.”
Đàm Tu rời khỏi trò chơi, nói bằng giọng điệu dứt khoát: “Không đánh nữa.”
Kỷ Trì than thở.
Nói không đánh là không đánh, không ai có thể ảnh hưởng đến quyết định của Đàm Tu.
Kỷ Trì sống một mình trong căn hộ, thuê một cô giúp việc lo cơm nước và dọn dẹp, một khi không chơi game thì có vẻ anh ấy không có việc gì để làm. Chốc lát, anh ấy hét lên rủ chơi game nhưng Đàm Tu cầm điện thoại di động đứng ở ban công, không muốn đoái hoài đến anh ấy.
Chiếc ô chủ động ngoài cổng trường hôm nọ đã phá đi lớp băng giữa mối quan hệ của cả hai. Cô gái vô tâm ấy bắt đầu chủ động liên lạc, lại không ngừng thăm hỏi sáng tối, gặp chuyện gì cũng sẽ chia sẻ với anh.
Dao Dao Thích Ăn Cá: “Mũi em hơi nghẹt.”
X: “Gần đây chuyển mùa, chú ý độ chênh lệch nhiệt độ trong ngày.”
Dao Dao Thích Ăn Cá: “Đàn anh, anh đang lo lắng cho em sao?”
X: “Đây là chuyện thông thường.”
Dao Dao Thích Ăn Cá: “Hừ, anh chỉ được cái giỏi mạnh miệng.”
Lúc đó, Nhạc Dao vẫn đang vui vẻ chòng ghẹo Đàm Tu, mà không biết lời tiên tri của mình sẽ trở thành sự thật. Sang đầu tuần mới, cô bắt đầu ho và sổ mũi.
Nhạc Dao dùng hết gần nửa bịch khăn giấy, mũi bị lau đến mức đỏ bừng, không còn nhìn thấy sức sống thường ngày của cô đâu nữa.
Trong giờ giải lao, Nhạc Dao ra sân hóng gió, lúc leo cầu thang bỗng cảm thấy chóng mặt hoa mắt.
Lý Tây Nguyệt bắt đầu lên lớp: “Bảo cậu đừng đi hóng gió rồi.”
Nhạc Dao lí nhí bác lại: “Mình tưởng vận động một chút sẽ sảng khoái hơn…”
Ngay khi đi cùng Lý Tây Nguyệt về đến lớp, Nhạc Dao phát hiện trên bàn mình có một túi nilon. Cô mở ra nhìn, đó là mấy hộp thuốc cảm.
“Thuốc này ai mua vậy?” Cô ngơ ngác nhìn xung quanh, hỏi nhiều lần mà chẳng nghe ai nhận, chỉ cho rằng có ai đó làm việc thiện nhưng không muốn để lại tên mà thôi.
Họ đoán là một người nào đó trong lớp đang thầm mến cô, nếu không sao có thể đưa thuốc cảm tới nhanh đến vậy.
Lâm Viễn Châu chăm chỉ chạy đi giúp cô rót nước pha nước ấm để uống thuốc.
Đến buổi chiều, tình hình vẫn không khá khẩm hơn, Lý Tây Nguyệt hơi lo lắng: “Dao Dao, hay cậu xin thầy nghỉ đi?”
Giọng Nhạc Dao ồm ồm: “Chủ nhiệm lớp có đồng ý không chứ?”
Tạ Dực Tu ghé đầu từ bên cạnh qua, nói thêm vào: “Thử đi, lỡ được thì sao.”
Lý Tây Nguyệt kịp thời cung cấp tin tức: “Tiết sau chính là tiết của chủ nhiệm đó.”
Nhạc Dao là học sinh giỏi tiêu biểu, nên chủ nhiệm lớp đã kí đơn xin nghỉ cho cô mà không có bất cứ nghi ngờ nào.
Tạ Dực Tu thử lấy danh nghĩa chăm sóc bạn để xin nghỉ theo nhưng bị chủ nhiệm lớp bác bỏ.
Chiều tan học, Nhạc Dao thu dọn đồ đạc rời khỏi lớp.
Vào giờ này, tất cả mọi người ở trường đều đang chuẩn bị tự học buổi tối nên khu vực gần toà nhà dạy học vô cùng yên tĩnh. Mấy chủ tiệm trong những cửa hàng nhỏ quanh đó ngồi trước cửa nhàn rỗi xem ti vi.
Nhạc Dao đeo cặp lững thững đi trên đường, gió thổi qua khiến tóc bay tán loạn trên vai. Cô ho rất dữ, lưng cũng còng xuống: “Khụ…”
Trên đỉnh đầu bỗng dưng được đội một cái mũ, Nhạc Dao theo đó ngước lên thì thấy gương mặt lạnh tanh của Đàm Tu. Chỉ có điều, đôi mắt nhìn cô có thêm những xúc cảm nào đó không giống với bình thường, rõ là có tơ máu.
“Em chưa uống thuốc à?” Mặt Đàm Tu lạnh như tiền, giọng anh cũng chẳng dịu dàng.
“Thuốc? Sao anh biết có thuốc?” Nhạc Dao mới vỡ lẽ: “Thuốc trên bàn em là do anh đem tới hả?”
Anh giơ tay đè cái mũ xuống: “Hỏi ít thôi.”
Theo đó, đầu Nhạc Dao cứ gật gật, cô cao giọng phản bác: “Anh hỏi em trước mà!”
Tuy anh không thừa nhận nhưng đáp án đã rất rõ ràng.
Bởi hôm qua cô nói mũi mình nghẹt nên anh mới mua một đống thuốc cảm mang đến sao? Đàn anh thật biết săn sóc à nha.
Bây giờ cô đã hiểu khá rõ tính bướng bỉnh của Đàm Tu nhưng cố ý không vạch trần, thay vào đó cô đổi chủ đề: “Đàn anh, sao anh lại ở đây vậy?”
Đàm Tu bình tĩnh nói dối: “Về nhà làm việc.”
Vào lúc ấy, anh không nói cho Nhạc Dao biết rằng lúc ở toà nhà dạy học, thấy cô rời khỏi trường nên anh đã theo ra.
Anh giục Nhạc Dao về nhà, đi đến ngã ba đường quen thuộc, cô vẫn lẽo đẽo theo sau. Nhạc Dao muốn nói chuyện với anh nhưng luôn bị tiếng ho cắt đứt.
Vừa tới gần khu nhà, Nhạc Dao nhận được cuộc điện thoại của Tạ Dực Tu, hỏi cô đã về nhà bình an chưa.
Không thể công khai dùng điện thoại di động trong lớp, thế nên Tạ Dực Tu cầm điện thoại trốn vào nhà vệ sinh, thay mặt Lâm Viễn Châu và Lý Tây Nguyệt nhắn tin hỏi thăm.
Giọng của cậu chàng rất hài hước khiến Nhạc Dao không khỏi bật cười.
Đàm Tu nhìn cô với vẻ nghi hoặc, Nhạc Dao bèn chỉ vào điện thoại giải thích: “Tạ Dực Tu bảo sợ em ngất xỉu trên đường nên gọi điện thoại xác minh xem em có còn sống không ấy mà.”
Đàm Tu nheo mắt lại.
Lại là cái tên Tạ Dực Tu ngồi cùng bàn với Nhạc Dao, lúc trên không gian thì tương tác với nhau, thậm chí về nhà cũng muốn gọi điện thoại à.
Nhạc Dao còn cười đến vui vẻ thế kia.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Nhạc Dao đã chạy tới cổng khu nhà. Cô dừng bước lại gọi “đàn anh” nhưng bị Đàm Tu ngắt lời: “Đổi cách gọi khác đi.”
Đây không phải lần đầu tiên Đàm Tu nhắc tới việc này, Nhạc Dao đọc từng từ trong tên anh: “Đàm Tu.”
Anh cũng không hài lòng, giơ tay vỗ lên vành nón: “Đổi tiếp.”
Nhạc Dao muốn hé miệng nhưng cổ họng cứ ngứa ngáy làm cô ho đến mức sắc mặt đỏ ửng.
Đàm Tu buông tay ra, cho cô về nhà.
Nhạc Dao bước lên bậc thang, hai tay chắp sau lưng, rồi bất ngờ ngoái lại.
Trong mắt cô đọng một tầng hơi nước nhưng gương mặt lại đang mỉm cười: “Nếu không muốn em gọi là đàn anh, vậy em có thể gọi là A Tu không ạ?”
– ——————-
Lời tác giả:
Là A Tu bảo vệ Dao Dao vô điều kiện ~