Hoài Băng bắt đầu theo Đỗ tam công tử học vẽ từ năm Hoằng Trị thứ mười bốn, mà những cuộn tranh trong phòng đều đề thời gian sớm nhất cũng là năm Hoằng Trị thứ mười bốn. Bút ký bắt đầu từ thời gian này, sau đó ghi lại rất nhiều việc vặt giữa hai người, lên tới hàng chục trang.
Tỷ như lần đầu Hoài Băng tham gia trà đạo, nhất thời hưng phấn, suýt nữa đã quên luyện vẽ. Nàng chìm đắm trong pha trà, ngày nào người nhà cũng phải uống trà nàng pha nhiều đến nỗi khổ không nói lên lời. Cuối cùng cũng xem như nàng đã luyện được chút bản lĩnh, cực kỳ hào hứng mang dụng cụ pha trà đến Song Kiếm Các, cố ý muốn bộc lộ tài năng trước mặt Đỗ tam công tử. Nàng ở phòng bên chuẩn bị đầy đủ trà bánh, sai nha hoàn đưa đến Nhã Các, còn bản thân thì trốn ở phía sau rèm nhìn. Tính toán nếu Đỗ tam công tử thích thì nàng sẽ nói là do mình đích thân làm, nếu không thích thì sẽ nói là do nha hoàn làm.
Ngày hôm ấy Đỗ tam công tử có thêm một kiệt tác của Nghê Vân Lâm (*), treo lên tường rồi ngắm nhìn một lúc lâu, cảm thấy khát nước, bèn duỗi tay muốn uống trà. Nha hoàn vội vàng dâng chung trà lên, Đỗ công tử nâng tay uống cạn. Ai ngờ nước trà còn rất nóng nên đã ném chung trà đi, thế nhưng lại đổ lên trên bức tranh quý giá kia. Đỗ tam công tử giận dữ, đập vỡ chung trà chất vấn. Nha hoàn sợ tới mức quỳ rạp xuống bật khóc, còn Hoài Băng cũng nơm nớp lo sợ đi ra từ phía sau rèm, nói tất cả chuyện này đều là chủ ý của nàng, không hề liên quan đến nha hoàn.
(*) Nghê Vân Lâm: hay còn gọi là Nghê Toản, quê ở Vô Tích, là một họa sĩ kiêm nhà thơ vào cuối triều đại nhà Nguyên và đầu nhà Minh.
Nàng vừa giải thích vừa khóc. Nàng tốn thời gian học đạo pha trà, thế nhưng cuối cùng lại quên thổi nguội trà. Không những khiến Đỗ tam công tử bị kinh hãi mà còn phá huỷ một kiệt tác thời Nguyên. Hơn nữa còn chưa kể đến Đỗ tam công tử đã phải tốn bao nhiêu công sức, tiêu bao nhiêu tiền bạc, nợ bao nhiêu ân huệ để có được bức tranh này, căn bản là nàng không thể trả được. Bình thường nàng cũng nhìn thấy Đỗ tam công tử nhập đồ tìm bảo vật, biết rõ đây là công việc vất vả. Ngay cả người ra tay hào phóng như Đỗ tam công tử cũng sợ phạm phải sai lầm thất bại. Mỗi lần nhận được một món đồ chính thống đều trân trọng cất đi, tựa như máu thịt đầu quả tim.
Đỗ tam công tử vừa thấy là nàng, dường như không biết phải tiếp tục tức giận như thế nào. Trầm mặc một lúc lâu, y xoay người ra khỏi phòng, đi sang phòng kế bên. Sau khi thấy bộ trà cụ vẫn còn đang bày biện như lúc đầu thì thở dài, ngồi xuống trước bàn trà.
Hoài Băng kìm nước mắt mù mà mù mờ đi theo. Đỗ tam công tử cúi đầu pha trà, động tác nhanh nhẹn mà khéo léo, tác phong uyển chuyển, nhưng không hề liếc mắt nhìn nàng lấy một cái. Cuối cùng y nâng hai tay lên dâng cho nàng một ly trà xanh, ngẩng đầu nhìn nàng nói: “Đừng khóc nữa, nhé?”
Nàng ngơ ngác đón lấy ly trà, nhấm nháp uống từng ngụm. Nước trà ấm áp, hương trà thấm vào tận tâm can, trên ly trà còn sót lại một vòng bọt trà. Nàng thầm nghĩ, thì ra y cũng biết pha trà, thì ra y làm cái gì cũng đều giỏi đến vậy, mà cũng đẹp đến vậy.
Thời gian thấm thoát, từ thu đến hạ, từ hạ sang đông, mối quan hệ thầy trò ôn hoà bình lặng suốt mấy năm liền. Vóc dáng của Hoài Băng ngày càng cao hơn, dần có dáng vẻ của một thiếu nữ. Mái tóc dài búi thành rất nhiều kiểu dáng, cũng học được cách mặc váy dài thướt tha, vòng eo thon mềm mại hiện ra. Vì để tránh hiềm nghi, Đỗ tam công tử quy định cứ ba ngày nàng mới được đến Song Kiếm Các một lần, bất cứ khi nào học vẽ đều phải có nha hoàn đi cùng, hơn nữa tuyệt đối không thể ở lại qua đêm. Hoài Băng theo học danh sư như vậy, hơn nữa còn có tư chất và thông minh, kỹ năng hội hoạ đã tiến bộ cực nhanh. Hoài Băng cực kỳ thích vẽ lại tranh của sư phụ. Bức tranh chép lại, đến cả những người lành nghề có con mắt lão luyện cũng khó mà phán đoán được thật giả. Đỗ tam công tử bảo nàng không thể chỉ học bắt chước theo thầy, cần phải thể hiện tâm tư của mình vào trong bức tranh, nhưng dường như nàng rất khó để có thể tiến bộ ở phương diện này.
Chỉ cần người khác khen nàng một câu: “Bức họa rất có phong cách của Đỗ tam công tử!” thì cũng đủ để nàng đắc chí. Có một lần, một lão hoà thượng nàng chưa gặp bao giờ đến nhà nàng làm khách, lúc nhìn thấy bức hoạ của nàng thì bình phẩm một câu: “Vừa thấy bức tranh này như thấy phong thái của Đỗ tam công tử, đều là tấm lòng của tiểu thư.”
Những lời này được nàng trân trọng ghi tạc trong lòng, nhưng lại không kèm theo bất kỳ lời giải thích nào.
7.
Đối với tình cảm này của Hoài Băng, rốt cuộc Đỗ tam công tử cảm nhận được mấy phần? Ta nghĩ đi nghĩ lại, chỉ cảm thấy bất luận y có cảm nhận được hay không, chỉ sợ đều chỉ là chua sót mà thôi. Hoài Băng mỹ mạo xinh đẹp, sáng suốt thông minh, hơn nữa còn có gia thế cao quý thanh liêm, mới mười ba tuổi mà đã có khách khứa đến làm mai cầu hôn liên tục. Có con cháu của những danh sĩ quanh Gia Hưng, cũng có những gia đình giàu có từ nơi khác đến, thậm chí còn có cả học trò cũ của phụ thân của người – Lý Học đài, hiện giờ đang làm quan, ngàn dặm xa xôi, ngưỡng mộ tìm đến. Lúc đầu người Lý gia chiều theo ý của người, chỉ luôn uyển chuyển từ chối. Nhưng khi đã mười sáu tuổi, thì không phải là tuổi độ đẹp để gả đi nữa, lão thái thái Lý gia bèn ép Hoài Băng chọn một người trong số rất nhiều thanh niên ưu tú làm hôn phu, nếu không lão thái thái sẽ tự mình làm chủ.
– –
Cho tới ngày hôm đó, kỳ thực Hoài Băng chưa bao giờ nghĩ đến việc gả chồng. Trong lòng nàng, ngày ngày đọc sách, luyện viết, vẽ tranh là một cuộc sống lý tưởng nhất, không đòi hỏi quá nhiều. Mà vào lúc này, đối mặt với việc bị ép phải kết hôn, nàng mới đột nhiên luống cuống tay chân, tựa như không biết mình cần phải đối mặt với chuyện đời như vậy thế nào.
Thái tổ mẫu cho nàng một quyển danh sách những người xuất chúng của thế gia, cùng với thời gian ba ngày. Nàng đi đến Song Kiếm Các với tâm trạng nặng nề, khi vẽ tranh liên tục mắc lỗi, thậm chí còn dùng bút đỏ chấm vào nghiên mực. Vì nàng đã lớn, Đỗ tam công tử cũng không lạnh lùng nghiêm khắc với nàng nữa, chỉ nói nếu nàng mệt thì có thể nghỉ ngơi một lúc.
Hoài Băng ném bút rồi ôm đầu gối đầy tủi thân, kể lại đầu đuôi ngọn ngành chuyện thái tổ mẫu cho y nghe.
Đỗ tam công tử thấp giọng hỏi nàng: “Con đã xem bản danh sách kia chưa? Có chọn được người nào vừa ý hay không”
Nàng lắc đầu: “Ta không thèm xem đâu. Chắc chắn sẽ chẳng có ai phù hợp.”
Đỗ tam công tử nhoẻn miệng cười: “Chuyện chung thân đại sự, không thể mang ra đùa. Nếu con mà không xem, chẳng lẽ muốn lão thái thái xem giúp con sao?”
Hoài băng chu miệng nói: “Không gả chồng cũng chẳng sao cả.”
“Sao lại nói thế hả? Con nên gả đi rồi.”
“Nhưng không phải công tử vẫn chưa có phu nhân đó sao? Có thể thấy rằng trên đời này, không phải ai cũng cần thành thân với người khác.”
Hoài Băng chưa bao giờ gọi Đỗ tam công tử là “sư phụ” mà đều gọi “công tử”. Cho đến sau này, ở trong thi hoạ, trong bản ghi chép lại gọi y là “Tử Ước”, nhưng chuyện đó để sau hẵng nói.
Đỗ tam công tử thoáng khựng lại, đáp: “Cũng không phải là ta không thành thân, chỉ là thận trọng thôi. Nếu có thể tìm được người kia, đương nhiên sẽ muốn cùng nắm tay bầu bạn. Đây chính là lẽ thường tình.”
Hoài Băng nghe được lời này, trong lòng hụt hẫng, nhưng lại không giải thích được loại cảm xúc này đến từ đâu. Rầu rĩ một lúc lâu, chỉ đáp: “Ta cũng chỉ thận trọng mà thôi.”
Ba ngày sau, Hoài Băng không đến học vẽ. Nàng trả lại bản danh sách còn nguyên vẹn cho thái tổ mẫu, nghe người kia giảng giải nửa ngày, sau đó chỉ nói: “Cháu không gả cho ai hết.”
Lão thái thái Lý gia hỏi nàng: “Cháu xem hết rồi sao?”
“Cháu không cần phải xem.” Hoài Băng đáp.
Thái tổ mẫu nói: “Cháu thật sự không gả cho người nào sao?”
Hoài Băng nghẹn lại. Có một cái tên gần như đã muốn buột miệng thốt ra, nhưng cuối cùng nàng vẫn nhịn xuống, đáp: “Nếu không phải người mà cháu thích, tại sao cháu lại phải gả chứ?”
Thái tổ mẫu lại hỏi: “Người cháu thích là ai?”
Hoài Băng ngẩn người. Nếu muốn trả lời là thích Đỗ tam công tử, đương nhiên là rất dễ dàng; nhưng nói muốn gả cho y, làm thê tử của y, sinh hoạt với y cả đời thì nàng lại chưa từng tưởng tượng bao giờ. Nhưng nếu không phải y, nàng thật sự không nghĩ ra mình sẽ nguyện ý ở bên một người nào khác.
Nàng lại bất giác rơi vào cảm giác bối rối, không biết rốt cuộc bản thân mình có thật sự thích Đỗ tam công tử hay không, hay chỉ đơn giản là ở cạnh nhau nhiều năm nên đã hình thành một kiểu thói quen ấm áp như người nhà.
Thái tổ mẫu thấy nàng im lặng một lúc lâu không trả lời được, cuối cùng cũng lên tiếng: “Nếu cháu muốn cưới Đỗ tam, thì quả thật là không thể.”
Hoài Băng ngẩng đầu đầy kinh ngạc. Ánh mắt thái tổ mẫu trấn tĩnh, nhưng lại giống như đã nhìn thấu nàng từ lâu.
“Thời trẻ y đã từng hứa hôn với Ngô thị ở nơi này, nhưng đối phương còn chưa qua cửa thì đã chết. Đỗ thị vốn xuất thân thương nhân, nhà chúng ta sẽ phải chịu thiệt. Hai đứa lại là phận thầy trò, mối hôn sự nay không thể chấp nhận được. Hơn nữa trong đó còn có quan hệ mật thiết với Ngô thị, chúng ta càng không thể đánh mất người đồng hương này.” Thái tổ mẫu kể ra từng thứ một, liệt kê đầy đủ lý do, xong lại dẫn dắt từng bước: “Ta biết từ nhỏ cháu đã thân thiết với Đỗ tam công tử, nhưng đó chỉ là kiểu thân thiết của trẻ thơ thôi. Đỗ tam công tử này còn có rất nhiều tính cách ăn chơi trác táng mà cháu chưa từng nhìn thấy, trước mắt chuyện buôn bán của Đỗ gia khó có thể lâu dài. Nói tới nói lui, ta chỉ không muốn cháu gả đến Đỗ gia chịu khổ.”
Nhất thời bầu không khí trầm xuống, giống như một hòn đá đè nặng lên người, khiến cho người ta không thở nổi. Hoài Băng cúi đầu, đôi tay xoắn lấy đai lưng. Người nhà vẫn luôn bao dung nhưng lúc này nàng lại không xử sự tuỳ hứng, chỉ cắn cắn môi. Cho đến khi bị cắn rách, từng vệt từng vệt máu ứa ra.
“Thái tổ mẫu lo lắng quá rồi.” Một lúc lâu sau, nàng mới khẽ đáp: “Cháu chưa từng muốn gả cho y.”
Về phương diện nào đó thì lời này của nàng cũng là sự thật.
Thái tổ mẫu thở dài, đáp: “Hôm nay cháu không đi học vẽ, bên Song Kiếm Các gửi đến một thứ.”
Nàng bỗng ngẩng đầu lên.
“Ở phòng bên, cháu tự đi xem đi.”
Hoài Băng đi đến căn phòng bên cạnh, thấy một cuộn tranh được treo trên tường.
Là một đoá hoa sơn trà đỏ rực, nở trong giá lạnh. Những bông tuyết rơi xuống đoá hoa, xuyên qua màu của bút mực, dường như còn có thể cảm nhận được cơn gió lạnh lẽo kia. Tuy sơn trà nở vào cuối năm, nhưng đoá hoa này lại như nỏ mạnh hết đà. Vài cánh hoa màu đỏ mềm mại trên đài hoa rũ xuống, sắp bị gió cuốn đi.
Một câu thơ thời Tống khắc ở một góc của bức tranh—
“Tằng thức nhân gian vị kiến hoa.” (*)
(*) Tạm dịch: Từ khi sống trên đời chưa từng nhìn thấy hoa (sơn trà). Trích trong bài thơ “Hoa sơn trà” của Du Quốc Bửu – một nhà thơ thời Tống.
Phần ký tên ghi “Gia Hưng Đỗ Nguyên Kỳ tặng tài nữ Hoài Băng.”
Bức hoạ được treo trước bàn trà đãi khách, lúc này trà đã nguội, từng đợt hơi nước mờ nhạt nhẹ nhàng bay lên. Nàng bước lên phía trước, thấy rõ trên ly trà còn có dấu vết nhấp miệng, trong đầu tựa như bị một tiếng chuông nặng nề đánh mạnh một cái.