Mạnh Nguyên thấy mẫu thân sốt ruột nên vội vàng giải thích: “Quận chúa Hoa Uy vốn nhằm vào Mạnh gia chúng ta, nếu con chịu nhún nhường cúi đầu thì sẽ bị người khác xem thường, nên con định bụng thừa cơ người của Mộ gia và Trưởng công chúa đang ở đây đánh cược một ván. Xem như vì thể diện của mình, Mộ gia cũng sẽ không làm ngơ bỏ mặc đâu.”
Còn có một lý do mà Mạnh Nguyên không nói, Trưởng công chúa là chị họ của Thái tử tiền nhiệm, cô cô ruột của Nghi Quận vương. Dạo trước Hoàng đế mới nói sẽ lập Nghi Quận vương làm Hoàng thái tôn thì Anh vương lập tức thay mặt con gái cầu hôn Mộ Hoài. Nói tóm lại, trưởng công chúa Hinh Nguyên sẽ không để Anh vương đạt được mục đích.
Tuy kiếp trước dự tiệc không bị quận chúa Hoa Uy gây khó dễ nhưng sự thất bại của dòng dõi Anh vương là xảy ra sớm nhất trong ba vị Hoàng tử còn tại thế.
Chỉ cần thấy Anh vương cho một nữ nhi thứ xuất không có đầu óc đến thọ yến nhà khác gây ầm ĩ thì ông ta đáng bị người khác xem như đá kê chân để thượng vị lắm.
Vì thế ngay từ lúc đầu, Mạnh Nguyên đã không hề có ý định né tránh rồi.
Hơn nữa, Mộ gia chỉ mong sao sẽ rũ bỏ sạch quan hệ với Anh vương và chứng minh sự trung thành của mình với Thiên gia trước mặt mọi người. Dù cho hôn sự của hai nhà Mộ – Mạnh còn chưa chính thức làm lễ Nạp thái nhưng Mạnh phủ cũng đã đáp lời sẽ kiên định cùng Mộ gia có chung mối thù.
Nghê thị nhìn nữ nhi đột nhiên “trưởng thành hiểu chuyện” này, trong lòng lấy làm an ủi nhưng phân nửa là chua xót.
Hoá ra trong vô thức tiểu cô nương cả ngày không buồn không lo ấy cũng đã đến tuổi phải lao tâm đấu trí với người rồi…
“Có vụ ầm ĩ hôm nay, e là tiền triều sẽ càng rung chuyển, nếu vi nương đoán không sai thì Mộ gia chắc hẳn sẽ nhanh chóng chính thức đến cửa cầu hôn thôi. Suy cho cùng, Mộ hầu là lưỡi dao sắc bén đắc lực nhất dưới mắt Thiên gia, biết bao người muốn loại bỏ cậu ta, đồng thời làm thế cũng giảm được một chướng ngại vật khổng lồ trên con đường tranh đoạt… Vì vậy chỉ khi nào Mộ hầu định ra hôn sự thì Thánh thượng mới có thể yên tâm đôi chút.”
Mạnh Nguyên nghe được những câu này đã không còn thấy mù mờ như kiếp trước nữa.
Khi đó Mộ Hoài bảo vệ nàng quá tốt, nàng cũng chưa bao giờ quan tâm đến chính sự trên triều đình. Không ngờ sau khi Mộ Hoài chết, nửa đêm ngẫu nhiên bừng tỉnh khỏi cơn mơ, nàng mới chợt hiểu và ngẫm ra hoàn cảnh của Mộ phủ đầy rẫy nguy cơ.
Nghê thị không nghe thấy nữ nhi thưa gửi, nghĩ nàng đang mệt mỏi nên ôm lấy nàng liên tục thầm thì.
“Những ngày qua, mẹ đã chuẩn bị không ít của hồi môn cho con, nhưng nhớ đến con phải gả vào Mộ gia thì mẹ lại cảm thấy nhiều mấy cũng không đủ dùng…”
“Tuy mẫu thân thương con nhưng đừng nên phô trương quá, dù gì Mộ gia khá phú quý, mai sau có lẽ không đến mức cắt xén chi phí sinh hoạt của con đâu, mang nhiều hay ít miễn sao không gây mất thể diện là được rồi ạ.”
Nghê thị chỉ tiếc rèn sắt không thành thép: “Chính vì Mộ gia không thiếu tiền của nên của hồi môn của con không thể ít ỏi quá được. Nữ tử có được sống tốt ở nhà chồng hay không thì đầu tiên phải xem mẹ chồng, hai là phải nhìn của hồi môn và cuối cùng mới là lòng thương xót của phu quân. Con nhìn vi nương là hiểu rồi, chỉ có tiền bạc đủ đầy thì sức nặng về tiếng nói ở nhà chồng mới vững vàng được.”
Mạnh Nguyên không thể lấy chuyện đời trước ra so sánh. Xét thấy nỗi lo âu của mẫu thân, nàng dứt khoát đồng ý, dù gì đời này mẫu thân chỉ có hai tỷ muội nàng, sau này nàng phải dốc lòng hiếu thuận mới phải.
*
Nghê thị đoán không lầm. Chỉ hai ngày sau, Mộ phủ đã mời quý nhân đến nhà cầu hôn.
Người đến không phải ai khác chính là người đã dạy dỗ quận chúa Hoa Uy vào hôm thọ yến, trưởng công chúa Hinh Nguyên.
Phần tình cảm và thể diện này rất lớn, kể cả Mạnh hầu thường xuyên không để ý tới những việc vặt cũng đích thân đến nội đường tiếp khách.
Mộ gia là người phương nam nên tuân theo lễ nghi cổ xưa. Hôm nay là ngày khởi đầu, người xưa gọi là “Nạp thái”, chỉ cần bà mối mang theo lễ lạc đến nhà truyền đạt ý muốn cầu hôn của nhà trai, nếu nhà gái có ý thì sẽ giữ lại “Thảo thiếp” (*) của nhà trai, nếu không có ý thì hủy bỏ tại chỗ.
(*) Thảo thiếp: có nghĩa là bài viết trong đó ngày sinh của người đàn ông hoặc phụ nữ được viết theo phong tục cũ khi bàn về hôn nhân. Trái lại, Thoái thiếp là từ chối, không đồng ý.
Hai nhà Mộ – Mạnh đã sớm hiểu ngầm nên đương nhiên không có chuyện sẽ đưa ra “Thoái thiếp”.
Trưởng công chúa Hinh Nguyên làm xong chính sự còn không quên khen ngợi đôi câu: “Thật không ngờ hai nhà các ngươi có duyên phận này, nhìn hai đứa trẻ thì biết là một đôi trời đất tạo nên khiến người làm mai mối như ta cũng thầm mong ngóng đợi trông.”
Tước vị Mạnh gia đã truyền đến giờ là đời thứ ba rồi nên người như Mạnh hầu càng vô cùng cẩn thận. Nghe vậy, ông hết sức lo sợ: “Thành thật mà nói, hôn sự này là Mạnh phủ tôi trèo cao, dựa vào danh vọng và địa vị hiện nay của Bác Vọng hầu, không phải khuê tú nào trong kinh cũng xứng với, thế mà tiểu nữ được lọt vào mắt xanh của ngài ấy… Hôm nay lại có ngài đích thân làm bà mối, quả thật là phúc phận mấy đời Mạnh phủ tôi đã tu luyện được.”
Trưởng công chúa Hinh Nguyên thấy gia chủ Mạnh gia cung kính, bèn cười xua tay: “Mạnh hầu đừng quá tự xem nhẹ bản thân như vậy, dù gì các ngài cũng đều là cửa nhà Hầu phủ. Vả lại lệnh ái được lão Phong quân Mộ gia đánh giá cao, chỉ cần sau này con bé tiếp tục thuận theo mệnh trời, giữ chặt quy củ thì mai sau sẽ là những chuỗi ngày lành tháng tốt đang chờ đợi.”
Mạnh hầu biết trưởng công chúa đang thay mặt vị bên trên truyền lời, vừa đang nói Mạnh Nguyên vừa ám chỉ Mạnh gia. Ông lại cúi thấp đầu hơn nữa: “Mạnh gia tôi nhận được ơn trời mênh mông nên không dám quên ngay được. Tiểu nữ sẽ càng kính cẩn và khiêm tốn, chắc chắn sẽ không phụ lòng kỳ vọng của trưởng công chúa ngài.”
Chúc cũng chúc rồi, nhắc cũng nhắc rồi nên trưởng công chúa Hinh Nguyên không ở lại lâu nữa, bèn nhanh chóng nói lời tạm biệt, đến tiệc Tạ môi (*) thì ăn sau cũng không muộn.
(*) Tạ môi: Sau đám cưới, cả nam và nữ đều bày tỏ cảm ơn người mai mối.
Mạnh Nguyên là người trong cuộc nhưng chỉ có thể chờ ở Tiểu Đinh Châu không được đi ra.
Đợi Nghê thị đưa tin tức đến hậu trạch, Mạnh Nguyên ngoài an lòng ra thì không khỏi có một chút thắc mắc.
Vì sao không ban thưởng ngự bút “Trời đất tác thành” như đời trước?
Chẳng lẽ vì không có vụ việc bàn luận hôn sự giữa Mạnh gia và nhà khác nên mới xảy ra điều khác biệt này?
*
Thiên gia vội vã định ra mọi chuyện nên đương nhiên lễ nghi này của Mộ gia cũng trôi qua mau chóng.
Trưởng công chúa Hinh Nguyên là quý nhân bận rộn, vì thế không phải lúc nào cũng đích thân đến, phần lớn thời gian vẫn do Mộ gia tự lo liệu, lần nào cũng mời các phu nhân “Toàn Hòa” có thể diện trong kinh thay mặt, nhất định họ phải là người có cha mẹ khoẻ mạnh, con trai và gái đủ đầy.
Hơn nữa cấp bậc lễ nghĩa không bao giờ kém cạnh.
Lúc Vấn danh, Mộ gia có ghi chú rõ ràng tên húy và cấp bậc quan lại ba đời của Mộ phủ bằng chữ thếp vàng, ngay cả các sản nghiệp nhỏ không cần đề cập cũng được đặc biệt đính kèm vào một cuốn sổ con, tuy không chi tiết nhưng có thể thấy sơ được của cải phong phú của Mộ Hoài. Điều này càng khiến Nghê thị rối ren tận mấy ngày, dẫn đến danh sách của hồi môn cho Mạnh Nguyên lại tăng thêm vài món.
Bà mối cầm ngày sinh tháng đẻ của Mạnh Nguyên trở về Mộ phủ xem xét, quả nhiên cho ra quẻ “Nhân duyên mỹ mãn, nên vợ nên chồng”.
Ngày hôm sau, Mộ gia phái người gánh một túi lưới “Hứa Khẩu Tửu” tới, Mạnh gia gỡ dây lụa và đồ trang trí bằng bạc quấn trên túi lưới xuống treo lên cây hoa trong nhà, ngoài ra phải trả lại nguyên vẹn “Chước Đảm Hồng” buộc chung quanh đòn gánh, còn kèm theo trên đó một vò “Hồi Ngư Khoái”.
Sắp tới, thông thường sẽ là một buổi lễ đính hôn nhỏ.
Vả lại khi đã ổn định xong, hôn sự này được xem là hoàn thành bát tự, nếu nhà nào lật lọng không nhận thì sẽ bị cáo lên công đường.
Điều bất ngờ là Mộ hầu nói muốn đích thân đến Mạnh gia “Xem mắt”.
Nghê thị nghe vậy chợt cau mày: “Xem mắt này là nhà trai hoặc tôn trưởng của người đó đến gia đình nhà gái xem nàng dâu, nếu hài lòng thì bẻ gãy trâm cài tóc, không hài lòng thì đưa sa tanh để an ủi. Nhưng hai nhà đã sớm ra mắt nhau rồi nên không cần làm chuyện dư thừa này mới phải chứ?”
Mạnh Nguyên cũng rất không hiểu, kiếp trước Mộ gia không đề cập tới vụ xem mắt gì mà.
*
Trong chính viện của Mộ phủ, Mộ Hoài đang múa bút thành văn ở thư phòng. Hàn Tinh mang theo vò Ngư Khoái vào phòng rồi đặt trên bàn ở đối diện bàn sách.
Mộ Hoài ngẩng đầu nhìn qua sau đó dừng bút đứng dậy.
“Hầu gia, Mạnh gia nói hôm sau mời quý phủ ta đến phủ họ dự tiệc rượu, người xem?”
“Cứ nói hôm đó giờ Tỵ ta sẽ đến.”
Hàn Tinh biết đây là buổi “Xem mắt” Mạnh gia an bài nhưng vẫn không hiểu lắm: “Hầu gia, gần đây ngài bề bộn công vụ, cuộc hôn nhân này vừa nhỏ nhặt vừa rườm rà, vì sao còn phải đến Mạnh phủ xem mắt dư thừa vậy ạ?”
Quan trọng là trước đây không phải mới ra mắt hai lần rồi sao?
Mộ Hoài vuốt đi sự buồn rầu trên nét mặt rồi nói: “Cô nương Mạnh gia làm việc lỗi lạc, thám tử không điều tra ra được vết nhơ nào của cô ta, thật sự rất quái lạ. Ta muốn đích thân đến Mạnh gia một chuyến, nói không chừng sẽ có phát hiện gì đó thì sao.”
Hàn Tinh yên lặng cúi đầu thầm than thở.
Hầu gia, ngài vậy không phải là đón dâu đâu, ngài đang phá án thì có đó!
Tác giả có lời muốn nói: Đây là bệnh nghề nghiệp, phải trị!!!