Bí Thư Tỉnh Ủy
Quyển 4 - Chương 107
Ông Kim tức điên người khi biết Đình cho đem bản dự thảo qua báo cáo với tổ phái viên. Ông không lo cho ông mà ông đang nghĩ đến những gì tốt đẹp vừa được nhen nhóm lên sẽ trở thành mây khói nếu như bản dự thảo này đến tay ông Trung Chính. Mà điều ấy chắc chắn sẽ xảy ra bởi ông biết đây là dịp tốt để cho Bao tâng công. Máu nóng trong người ông Kim bốc lên. Không cần cho người gọi Đình qua phòng mình làm việc như mọi lần, ông Kim qua hẳn chỗ Đình…
Bà Thường gặp ông Kim đi ra khỏi phòng làm việc của Đình với vẻ mặt tức giận. Hai người gật đầu chào nhau như hiểu sự tình. Bà Thường hỏi:
– Chú lúc nào cũng căng thẳng với chú Đình là thế nào hả?
– Bực lắm chị ạ. Mình có phải cái thằng không hiểu gì lí luận đâu mà cứ ngồi nói chuyện với hắn là hắn tuôn ra hàng tràng từ Mác, Ăng-ghen, Lê-nin cho đến Mao Trạch Đông. Đúng là cái loài nhai lại. Trong nội bộ mà có một anh như vậy khó chịu lắm chị ạ. Làm gì cũng thấy vướng. Chị định đến chỗ tôi đấy à?
– Tôi đang định đến chú nhưng khi đi ngang qua phòng chú Đình thấy chú và chú Đình đang to tiếng với nhau nên tôi mới định vào để rứt hai con gà chọi ra.
– Vừa rồi chị bảo muốn gặp tôi để nói chuyện gì có phải không?
– Chuyện là thế này. Vô tình hôm kia ngồi hút thuốc nói chuyện trên trời dưới đất với chú Thiện, làm thường trực. Chuyện loanh quanh thế nào chú ấy lại tự phê bình là đôi khi chủ quan thiếu cảnh giác. Rồi tiện mồm chú ấy kể có một lần có người tự xưng là Chủ nhiệm Hợp tác xã ở xã Đạo Thắng lên xin gặp bí thư tỉnh ủy để nói chuyện gì đó. Chú Thiện biết tính chú hễ nghe nói đến nông dân gặp là mừng nên chỉ luôn đường vào phòng làm việc của chú. Anh Chủ nhiệm ấy còn hỏi chú Thiện nhà của các đồng chí phái viên Trung ương ở đâu? Chú Thiện cũng thật thà chỉ luôn. Chú Thiện cứ ân hận mãi chuyện thiếu cảnh giác của mình. Theo chú có phải cái tay Chủ nhiệm nào đó ở Đạo Thắng đem đơn tố cáo nộp cho các đồng chí phái viên không?
Ông Kim ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
– Nếu đúng thế thì chỉ có tay Lịch, Chủ nhiệm cũ Hợp tác xã Gia Đạo. Tay này bày mưu tính kế định để được bầu lại, nhưng sau đó đảng ủy Đạo Thắng nhận ra thủ đoạn của chúng nó nên ra quyết định hủy bỏ kết quả và cho tổ chức bầu lại. Kết quả Ban quản trị cũ rớt. Có lần tôi xuống kiểm tra vụ cấy mùa. Thấy chúng nó vô trách nhiệm để cho xã viên làm ăn gian dối, tôi liền cho gọi cả ba tay, chủ nhiệm và hai phó chủ nhiệm bắt lội xuống ruộng bốc đất lên và chỉ cho chúng nó thấy tác phong quan liêu của mình. Có lẽ do bất mãn nên tay này mới làm xằng.
Bà Thường bảo:
– Chú cho điều tra lại cho kỹ và trị cho nó một mẻ về cái tội vu cáo.
– Chuyện xảy ra lâu rồi chẳng cần khêu lại làm gì chị ạ. Hơn nữa con người ta ai chẳng có những phút dại dột. Biết mình làm bậy rồi, thế nào cũng ân hận và suốt ngày nơm nớp lo sợ hành vi của mình bị lộ. Chẳng có hình phạt nào nặng nề bằng hình phạt lương tâm mình thường xuyện bị cắn rứt đâu chị ạ.
– Biết vậy. Nhưng mình không nói, nó tưởng mình không biết rồi sau này lại ngựa quen đường cũ, vu cáo bậy bạ, gây nên tình trạng nghi ngờ nhau trong nội bộ, ngoài nhân dân khiến Hợp tác xã đâm ra rối ren chẳng ai muốn lo ăn lo làm.
– Đánh trăm người có tội thì dễ, tha một người có tội mới khó. Hơn nữa chị còn lạ gì nông thôn nhà mình. Tắt mắt táy máy bắt trộm con gà con qué, quả mít quả cà mà để cho người ta bắt được còn xấu cả họ huống gì cái tội gắp lửa bỏ tay người. Không khéo rồi tay Lịch phải bỏ làng mà đi. Nếu cần thì bảo anh Chủ nhiệm hay bí thư chi bộ gọi nó tới, rỉ tai cho nó biết là việc làm của nó tổ chức đã biết rồi, phải lo làm lo ăn để chuộc tội. Như vậy lại có tác dụng hơn là đưa ra công khai cho bà con biết.
Bà Thường thấy ông Kim nói có lí nên gật đầu:
– Chú nói cũng phải. Riêng chuyện chú Đình đưa bản dự thảo cho các đồng chí phái viên xem, các đồng chí ấy đã có ý kiến gì với chú chưa?
– Chính thức thì chưa nhưng anh Sắc có qua ngồi nói chuyện một lúc về việc này.
– Ý kiến của anh ấy thế nào?
– Có đời nào ông Sắc và ông Ẩn công khai ủng hộ. Nhưng qua những lời nói của anh Sắc thì tỏ ra anh Sắc và anh Ẩn không hề phản đối. Riêng ông Bao thì chắc chắn là giãy lên như đỉa phải vôi rồi. Hôm kia ông Bao về Hà Nội, anh Sắc cũng không nắm được về có việc gì. Tôi đang lo nếu ông Bao đem bản dự thảo về báo cáo với anh Trung Chính thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây chị ạ.
– Nếu đúng như vậy thì đáng lo thật. Chú định khi nào thì tổ chức họp để trao đổi về bản dự thảo?
Ông Kim hút xong điếu thuốc rồi trả lời:
– Tôi tính rồi. Thời buổi này mà tổ chức hội nghị ở trên này không tiện lắm. Đi lại, ăn ở rồi còn công tác phòng không. Tôi định cho tổ chức trao đổi ở huyện, do bí thư huyện ủy điều khiển có khi tiện hơn chị ạ. Những huyện có những Hợp tác xã trọng điểm như Yên Hòa, Linh Sơn, Tam Bình thì chị, tôi và ông Côn hoặc ông Quốc xuống dự. Các Hợp tác xã tùy điều kiện mà sáng tạo, miễn là đem lại hiệu quả và năng suất cao hơn. Sau đó tổng hợp lại và soạn thành văn bản chính thức, làm cơ sở cho Nghị quyết sau này. Chị thấy thế có được không?
– Tôi thấy làm như vậy cũng tiện. Giao cho huyện ủy chủ trì lấy ý kiến đóng góp có khi lại được nhiều ý kiến phong phú hơn là tập trung ở tỉnh. Nhưng không nên nói để các Hợp tác xã tùy điều kiện sáng tạo thêm nhiều phương pháp khoán khác nhau. Như thế là nguy hiểm, có thể làm hỏng cả việc lớn. Vì vậy chỉ cần nói, các Hợp tác xã nên vận dụng sáng tạo những phương pháp khoán đã được nêu ra trong bản dự thảo. Như vậy nó chặt chẽ hơn.
Ông Kim cười:
– Chỗ này thì tôi phục sự sáng suốt của chị rồi. Nếu tổ chức lấy ý kiến đóng góp ở huyện thì chị xuống Vĩnh Hòa nhé. Còn Linh Sơn giao cho ông Côn đi, tôi đi Tam Bình. Nếu ông Quốc sắp xếp công việc ở ủy ban được thì giao cho lão ta đi Yên Lộc. Chỉ có hai cái xe con, ủy ban một chiếc, tỉnh ủy một chiếc nên đi lệch ngày mới có xe.
– Từ đây xuống Vĩnh Hòa mấy chục cây số, tôi lóc cóc đạp xe đạp cũng được. Đi xe con, xe mẹ gì trông nó quan cách quá.
– Cái xe là phương tiện để đi làm việc, có gì mà quan cách.
Bà Thường cười:
– Thế mà chẳng hiểu sao cứ mỗi lần bước từ trên xe xuống và được mọi người vây quanh chào đón, tôi cứ thấy chân tay mình nó lóng ngóng thế nào ấy.
Ông Kim hỏi đùa:
– Thế nhỡ mai đây Quốc hội cử làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chị cũng đi xe đạp à?
– Đến lúc ấy thì tôi đi xe. Nhưng là cái xe có bốn bánh cao su lốp đặc sơn xanh, sơn đỏ, có người kéo người đẩy, có cả dàn nhạc dân tộc vừa đi vừa thổi bài lâm khốc đưa tiễn tôi đến chỗ nhận chức nữa kia chú ạ.
Nói xong bà Thường cười vô tư.
Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!