Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 4 - Chương 110
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
37


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 4 - Chương 110


Chiều. Nắng đông nhạt nhòa luồn qua kẽ lá. Con đường đá dăm lởm chởm trong khuôn viên cơ quan tỉnh ủy loang lổ những vết nắng vàng hoe. Không gian mơ hồ. Thoảng lắm mới nghe lũ chim hét đang kiếm mồi dọc bờ đầm kêu líu ra líu ríu. Ngồi thơ thẩn một mình trong phòng chán, ông Ẩn đứng lên bước ra đường đi dạo. Cuộc tiếp xúc với ông Trung Chính để lại trong lòng ông Ẩn một nỗi âu lo phập phồng. Không biết lo âu phập phồng về chuyện gì. Sợ phê bình khiển trách vì tán thành việc làm của ông Kim hay lo cho bản dự thảo bị đình chỉ? Công tác ở Trung ương gần bảy năm trời nên ông Ẩn rất hiểu ông Trung Chính. Đó là con người thông minh, sắc sảo và uyên bác. Hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Từng có những bài viết về kinh tế, chính trị, văn hóa được coi như những tác phẩm kinh điển. Nhưng ông Trung Chính cũng là con người sống rất nguyên tắc. Ông đấu tranh không khoan nhượng với những gì mà ông coi là trái với quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, với quan điểm đường lối của Đảng.

Những bước chân vô tình đưa ông Ẩn đi qua trước phòng làm việc của ông Kim. Ông Kim nhìn ra trông thấy hỏi đùa:

– Trời hôm nay đi vắng hay sao mà anh đi dạo thế?

Ông Ẩn cười không đáp, bước vào phòng ông Kim.

– Anh ngồi uống nước.

Đích thân ông Kim đứng lên kéo ghế cho ông Ẩn.

– Tôi vào chơi có làm mất thì giờ của anh không? – Ông Ẩn hỏi.

Ông Kim cười đáp:

– Được tiếp anh ở phòng mình thì dù có việc gì quan trọng đến mấy, tôi cũng bỏ đấy để nói chuyện với anh.

Ông Ẩn cười vui vẻ:

– Tôi quan trọng đến thế kia à?

– Cấp trên không quan trọng sao được – Ông Kim nói đùa rồi hỏi – Tôi nghe anh Sắc bảo hôm kia anh về Hà Nội có phải không?

Ông Ẩn chẳng hề giấu diếm, nói với ông Kim:

-Tay Bao đưa bản dự thảo của các anh về báo cáo với anh Trung Chính. Ngoài bản dự thảo, tay Bao còn báo tình hình diễn biến của một số Hợp tác xã mà các anh cho phép chia đất trồng ngô xen canh, hóa giá trâu bò và nông cụ bán cho xã viên và cho phép khoán thử phương thức khoán hộ của bản dự thảo. Anh Trung Chính cho gọi tôi về, yêu cầu tôi báo cáo cụ thể những điều tay Bao đã nói. Và phê bình tôi về việc không báo cáo kịp thời.

Ông Kim ngồi nghĩ ngợi rồi buột mồm:

– Đúng là cháy thành vạ lây rồi.

– Sao anh bảo chúng tôi bị vạ lây? – Ông Ẩn hỏi với thái độ không bằng lòng rồi nói tiếp – Từ chỗ tôi phản đối các anh kịch liệt, tiến tới chỗ ủng hộ việc làm của các anh là cả một quá trình tư duy để tìm ra chân lí. Anh bảo chúng tôi vạ lây hóa ra chúng tôi là những kẻ vô tình hay sao.

Ông Kim cười xuê xoa:

– Thuận mồm mà nói vậy thôi chứ chúng tôi được cổ vũ rất nhiều khi biết các anh hiểu ra việc làm của chúng tôi. Bây giờ anh Trung Chính đã nói thế, các anh tính sao?

– Tôi muốn dành câu hỏi này cho anh trả lời trước.

Ông Kim nói dứt khoát:

– Tôi bây giờ đã ngồi trên lưng ngựa, chỉ còn một việc duy nhất là cầm chắc cương thúc ngựa phi. Ngựa ngã tôi ngã, ngựa chết tôi chết. Có thế thôi.

Ông Ẩn cười:

– Đúng là khẩu khí của trang hảo hán.

Ông Kim bảo:

– Bây giờ đến lượt anh trả lời.

– Chống cự thì sức tôi rõ ràng là không chống cự nổi. Chỉ còn một cách duy nhất là dùng kế hoãn binh, giúp được các anh ngày nào hay ngày ấy. Biết là thụ động tiêu cực đấy nhưng biết làm sao được.

Cả hai người ngồi im lặng đuổi theo ý nghĩ riêng của mình. Lát sau ông Kim nói với ông Ẩn:

– Sáng hôm qua Ban thường vụ chúng tôi họp cùng với sáu bí thư huyện ủy các huyện để nghe báo cáo ý kiến đóng góp cho bản dự thảo. Lời qua tiếng lại đôm đốp, cuối cùng trừ ông Đình và ông Thạch là phê phán bản dự thảo, còn lại đều nhất trí và quyết tâm thực hiện cho bằng được những điều bản dự thảo đã đề ra. Không những thế, họ còn bổ sung đưa vào bản dự thảo cho khai phá tự do có thời hạn đất chân rừng và gò đồi đang bỏ hoang. Nếu chấp thuận thì tỉnh có thêm hàng chục ngàn héc-ta đất canh tác. Nhưng làm thế thì tỉnh ủy chúng tôi mắc phải cái tội tày đình là lấy đất tập thể chia cho nông dân làm ăn riêng lẻ. Nhưng nếu sợ tội mà không cho dân làm thì hàng chục ngàn héc-ta đất kia mãi mãi là đất hoang. Tôi đã quyết định thà chịu tội với trời còn hơn là mắc tội với đất. Anh bảo tôi quyết định như vậy có đúng không?

– Có thể đúng với người này nhưng lại sai với người khác. Anh đã quyết định cho phép dân khai phá đất hoang thì cứ làm theo suy nghĩ của mình. Đúng sai lịch sử sẽ phán xét.

– Anh nói đúng. Tôi tin rằng lịch sử sẽ chứng minh cho việc làm của tôi.

_______________

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN