Bí Thư Tỉnh Ủy - Quyển 4 - Chương 123
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
28


Bí Thư Tỉnh Ủy


Quyển 4 - Chương 123


Các đại biểu về dự hội nghị tỉnh ủy lần lượt đến. Cần thấy Bầu, Hạp đang ngồi nói chuyện với Chi, đùa:

– Bao giờ tôi cũng chậm chân so với hai ông.

Bầu cười hề hề:

– Xấu trai như ông có đến sớm đến muộn gì thì cũng thế mà thôi.

Chi nói nghiêm túc:

– Các ông ăn nói cho nghiêm chỉnh nhé. Bao nhiêu cặp mắt chung quanh đang nhìn kia kìa.

– Ai biết tôi nói gì mà nhìn với ngó – Bầu nói rồi hỏi Cần – Ông Cần có định phát biểu gì ở hội nghị này không?

Cần đáp:

– Tớ vừa trao đổi với tay Bằng nên đưa mục để cho xã viên tự do khai phá đất chân rừng, gò đồi ra khỏi Nghị quyết như đã bàn hôm trước. Nên coi đây là tự phát của bà con nông dân chứ không phải họ làm theo Nghị quyết. Làm như vậy sẽ tránh được tiếng là Nghị quyết mở đường cho nông dân chiếm đoạt đất công để làm ăn riêng lẻ.

Chi khen đùa:

– Ông Cần tuy có xấu trai một chút nhưng nói câu nào chắc câu đó. Tôi hoàn toàn ủng hộ ông.

Bầu trêu Cần:

– Trông mặt mày tay Cần rạng rỡ hẳn ra khi được người đẹp khen kia kìa.

Cần không quan tâm đến câu đùa của Bầu mà hỏi Hạp và Bầu:

– Hai ông có thấy ý kiến của tôi làm các ông phật lòng không?

Hạp đáp:

– Có gì mà phật lòng. Có đưa vào Nghị quyết hay để ngoài Nghị quyết thì chúng tớ vẫn tiếp tục cho bà con khai phá số đất chân rừng còn lại.

Cần hỏi:

– Ông Bầu nói nghiêm chỉnh xem sao?

– Tớ cũng giống ông Hạp. Đưa vào Nghị quyết hay để ra ngoài Nghị quyết chẳng ảnh hưởng gì đến chúng tớ cả.

Chi nói:

– Lát nữa phát biểu, tôi đề nghị không đưa vấn đề trên vào Nghị quyết. Như vậy những ý kiến phản đối Nghị quyết sẽ mất đi cái cớ cho rằng Nghị quyết mở đường cho nông dân tự do xâm phạm đất đai do Hợp tác xã quản lí.

Cần nói rõ suy nghĩ của nình:

– Tôi nghĩ vấn đề khoán hộ cho nông dân cũng sẽ có nhiều ý kiến đấy. Các vị phải tập trung ý kiến bảo vệ cho được việc làm này. Nếu đưa khoán hộ ra khỏi Nghị quyết thì Nghị quyết chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Ông Dần đến chỗ ông Kim đang ngồi nói chuyện với mấy chủ nhiệm Hợp tác xã hỏi:

– Đã cho khai mạc hội nghị được chưa anh?

– Mấy ông phái viên đâu chưa thấy?

– Anh Quốc và chị Thường đang tiếp họ ở phòng khách.

Ông Kim bảo ông Dần:

– Cho mời mọi người vào hội trường rồi qua phòng khách mời mấy ông khách sang để khai mạc hội nghị.

Chờ mọi người vào hội trường đầy đủ, ông Kim bước đến ngồi xuống cạnh ông Đỗ. Ông Đỗ quay sang hỏi ông Kim:

– Có bao nhiêu tỉnh ủy viên dự cuộc hội nghị hôm nay?

Ông Kim thấy khó chịu với cách hỏi trống không có vẻ trịch thượng của ông Đỗ nhưng vẫn đáp nhẹ nhàng:

– Chúng tôi có tất cả hai mươi lăm tỉnh ủy viên, trong đó có bốn đồng chí là ủy viên dự khuyết. Ở hội nghị này còn có hai đồng chí tuy là bí thư huyện ủy nhưng không phải là tỉnh ủy viên. Ngoài ra chúng tôi có mời bốn đồng chí là Chủ nhiệm Hợp tác xã cùng dự họp với tư cách là khách mời của tỉnh ủy.

Ông Đỗ nói vẻ mỉa mai:

– Các anh có tư tưởng cải cách nhỉ. Họp tỉnh ủy mà mời cả chủ nhiệm Hợp tác xã tham dự.

– Tôi cũng chẳng biết mình có tư tưởng cải cách hay không. Thấy cuộc hội nghị này cần có những chứng minh thực tế để các đại biểu hiểu thêm nên chúng tôi chủ trương cho mời bốn Chủ nhiệm Hợp tác xã nằm trong số những Hợp tác nông nghiệp làm ăn có kết quả nhất sẽ báo cáo cho các đại biểu nghe cách làm ăn của mình như thế nào. Qua đó các đại biểu có cơ sở để tham gia thảo luận Nghị quyết.

Bao ngồi bên trái ông Đỗ hỏi ông Kim:

– Các anh có nghĩ là mình đang vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng hay không?

Không đợi ông Kim đáp, bà Thường ngồi cạnh đó hỏi Bao:

– Chúng tôi vi phạm ở chỗ nào vậy đồng chí?

Bao đáp:

– Tôi nghĩ cấp nào mở hội nghị để bàn công việc, ra Nghị quyết thì chỉ có các đồng chí ở cấp đó được dự thôi. Ở đây các đồng chí lại mời những đồng chí không phải là tỉnh ủy viên tham dự hội nghị của tỉnh ủy, không phải vi phạm nguyên tắc hay sao.

– Tôi nghĩ không nhất thiết phải cứng nhắc như vậy. Tỉnh ủy họp để thảo luận Nghị quyết liên quan đến đến vấn đề quản lí lao động nông nghiệp trong các Hợp tác xã, rất cần đến tài liệu sống để các đại biểu tham khảo, vì vậy chúng tôi mời các đồng chí Chủ nhiệm Hợp tác báo cáo tình hình để các đại biểu hiểu biết thêm tình hình thực tế là việc làm cần thiết để hội nghị đạt kết quả tốt hơn thì chẳng có gì sai cả. Ở đây còn có hai trường hợp tuy là bí thư huyện ủy nhưng không phải là tỉnh ủy viên, chúng tôi cũng triệu tập để các đồng chí nắm được tinh thần của hội nghị để khi về triển khai chỉ đạo thi hành Nghị quyết tốt hơn. Chúng tôi chỉ vi phạm nguyên tắc nếu như để cho hai đồng chí bí thư huyện ủy không phải là tỉnh ủy viên và bốn đồng chí Chủ nhiệm Hợp tác xã đưa tay biểu quyết Nghị quyết.

Không muốn dây dưa, ông Kim vẫy tay ra hiệu cho ông Dần đến cạnh mình.

– Ông cho làm các các thủ tục khai mạc hội nghị đi.

Ông Dần gật đầu rồi bước lên chiếc bàn có để micrô, đưa tay gõ mấy cái để thử rồi nói:

– Đề nghị các đồng chí ổn định chỗ ngồi để chúng ta bắt đầu làm việc. Trước hết tôi xin giới thiệu. Tham dự hội nghị tỉnh ủy hôm nay có các đồng chí phái viên của Ban bí thư Trung ương Đảng gồm có: Đồng chí Hoàng Văn Đỗ, ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, phó Ban Nông nghiệp Trung ương, đồng chí Lê Thanh Bao và đồng chí Võ Sắc là hai thành viên của tổ phái viên. Tôi đề nghị các đồng chí hoan nghênh.

Chờ mọi người vỗ tay xong, ông Dần giới thiệu tiếp:

– Đặc biệt đến dự hôm nay còn có bốn khách mời của tỉnh ủy. Đó là các đồng chí Chủ nhiệm Hợp tác xã Hồng Vân huyện Vĩnh Hòa, Gia Đạo huyện Tam Bình, Cao Sơn huyện Linh Sơn và An Lưu huyện Yên Lộc. Đề nghị các đại biểu hoan nghênh.

Sau phần thủ tục, ông Kim thay mặt tỉnh ủy lên báo cáo Nghị quyết.

Ông Kim sửa lại micrô cho vừa tầm nói của mình rồi nén nỗi xúc động đang trào lên trong lòng ông và nói:

– Thưa tất cả các đồng chí. Tôi xin thay mặt tỉnh ủy báo cáo Nghị quyết 68 NQ/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy về một số vấn đề quản lí lao động nông nghiệp trong Hợp tác xã trong tình hình mới. Nghị quyết gồm hai phần. Phần thứ nhất là: Vị trí, khả năng lao động nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Phần thứ hai là: Phương hướng, nhiệm vụ, biện pháp quản lí lao động nông nghiệp trong thời gian tới. Bây giờ tôi xin trình bày phần thứ nhất…

Bao quay sang nói nhỏ vào tai ông Đỗ:

– Nghe cái đầu đề thì thấy hết sức mềm mỏng và hợp lí, nhưng nội dung bên trong lát nữa anh nghe xem, rất nhiều quan điểm sai trái.

– Tôi chưa được đọc nhưng qua tình hình đang phát triển ở dưới cơ sở, tôi cũng biết bản Nghị quyết sẽ nói những vấn đề gì rồi.

Ông Sắc đưa mắt nhìn Bao và Đỗ tỏ ra khó chịu.

– Có vấn đề gì chúng ta về trao đổi sau. Nên giữ phép lịch sự tối thiểu ở hội nghị.

Đến phần thảo luận, hội trường gần như nóng lên. Thạch, Trưởng Ty công an nói chắc và rành rọt:

– Phần đánh giá, tôi không đồng ý ở một điểm. Đó là cho rằng: Do không quản lí đúng và tốt lực lượng lao động nên năng suất cây trồng ngày càng thấp. Công tác khoán, định mức lao động làm chưa tốt, chưa sát đúng và hợp lí nên năng suất lao động rất thấp. Nếu không có chủ trương, biện pháp kiên quyết giải quyết tốt vấn đề quản lí lao động, Hợp tác xã sẽ gặp khó khăn về sản xuất, có nơi đã trở thành thường xuyên căng thẳng. Đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn. Nạn đói luôn luôn đe dọa, vân vân và vân vân. Tôi nghĩ nhận định như vậy có phần nào chưa thoả đáng. Thử hỏi cũng cách khoán như hiện nay nhưng vì sao cách đây vài ba năm vẫn đạt năng suất không đến nỗi tồi tệ như bây giờ. Nguyên nhân là do những năm trước đây tình hình tương đối ổn định. Vật tư nông nghiệp được cấp đầy đủ. Thời tiết khá thuận lợi. Còn mấy năm nay năng suất thấp, đời sống của bà con nông dân gặp ít nhiều khó khăn là do chuyển trạng thái sản xuất từ thời bình sang thời chiến. Một lực lượng rất lớn sức lao động trẻ khỏe phải rời sản xuất để tham gia quân đội. Vật tư nông nghiệp như xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu không cung cấp đủ cho nông dân. Cộng với đó là thời tiết khắc nghiệt hơn mấy năm trước. Thời gian lao động trên đồng bị cắt xén bởi tránh máy bay. Nếu đổ lỗi cho cơ chế quản lí để thay vào đó một phương thức quản lí mới, tôi nghĩ chúng ta đang làm mất tính ổn định của Hợp tác xã nông nghiệp. Điểm thứ hai tôi không tán thành với Nghị quyết là việc cho nông dân tự do khai phá đất chân rừng, gò đồi…

Chi nghe Thạch nói đến chuyện khai phá đất chân rừng, gò đồi liền quay sang nói với Hạp và Bầu đang ngồi cạnh mình:

– Hai ông thấy chưa? Sau ý kiến của ông Thạch, sẽ có hàng loạt ý kiến phản đối việc này cho các ông xem.

– Bà không lo. Tôi có cách chống đỡ – Bầu nói với vẻ tự tin.

– Bằng cách nào? – Chi hỏi.

Bầu cười cười bảo Chi:

– Tôi sẽ tỏ ra đồng tình với lời phát biểu của ông Thạch, như thế nào thì cứ tin ở tôi. Mình cứ hứa chấn chỉnh, ai biết được cụ thể đâu.

– Ông cũng thủ đoạn ra phết nhỉ?

– Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy chứ biết làm sao được.

Hạp gật gù mỉm cười tỏ ra đồng tình với Bầu. Trên diễn đàn, Thạch tiếp tục phát biểu:

– Nếu chúng ta đưa vào Nghị quyết cho bà con xã viên tự khai phá đất chân rừng, gò đồi dù có ra hạn cho việc sử dụng chăng nữa thì đây là một việc làm không đúng. Nó vừa vi phạm luật pháp là lấy đất của Nhà nước giao cho Hợp tác xã quản lí đem cho nông dân sở hữu riêng vừa cơ hội để nông dân phát triển lối làm ăn riêng lẻ. Vì vậy tôi đề nghị với Ban chấp hành là gạt điểm này ra khỏi Nghị quyết. Tôi xin hết.

Sau lời phát biểu của Thạch, nhiều cánh tay đưa lên. Ông Quốc điều khiển hội nghị nhìn khắp lượt như chọn lựa người phát biểu rồi chỉ vào Bầu:

– Xin mời đồng chí bí thư huyện ủy Thạch Sơn.

Bầu đứng dậy đi lên chỗ để micrô:

– Kính thưa đồng chí bí thư tỉnh ủy, thưa các vị đại biểu. Vừa rồi đồng chí Thạch có đặt ra câu hỏi. Vì sao cũng cơ chế quản lí ấy mà những năm trước đây năng suất không đến nồi tồi tệ như bây giờ? Giải đáp câu hỏi ấy không khó. Ngoài nguyên nhân tình hình ổn định như đồng chí Thạch vừa nói thì còn một nguyên nhân nữa là những bất cập trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp mới đưa vào vận hành, chưa bộc lộ hết những nhược điểm của nó. Đến năm thứ hai, thứ ba, nông dân mới nhận ra rằng mình bỏ toàn bộ tài sản như đất đai, trâu bò, cày bừa và sức lực ra để xây dựng Hợp tác xã, nhưng rút cuộc thu về cho mình chẳng được bao nhiêu. Người ta thấy mình chẳng khác gì người đi làm thuê. Hết buổi làm, Hợp tác xã cho bao công, bao nhiêu điểm gần như là quyền của Hợp tác. Mà công điểm cũng chẳng được bao nhiêu thóc. Từ chỗ này khiến nông dân chẳng còn thiết tha gì với ruộng đồng, ra ruộng làm việc lấy lệ, cày dối bừa dá chờ hết giờ để ra về. Như vậy làm gì mà năng suất không tụt như xe xuống dốc không phanh. Nếu không mạnh dạn thay đổi phương thức quản lí và sử dụng lao động một cách hợp lí thì nông dân rơi vào tình trạng đói nghèo là điều khó tránh khỏi. Cũng chẳng có thóc đâu mà chi viện cho tiền tuyến…

Bên dưới nổi lên tiếng xì xào bàn tán. Bầu nói tiếp:

– Tôi thấy một vài ý kiến tỏ ý không tán thành với việc quản lí phương thức sản xuất như Nghị quyết đã đề ra vì lo ngại khoán hộ có thể tạo điều kiện cho nông dân quay về với con đường làm ăn cá thể. Lo ngại như vậy là chưa thật hiểu bản chất của người nông dân. Bây giờ tôi xin phát biểu về việc cho nông dân khai hoang đất chân rừng, gò đồi. Tôi tán thành với ý kiến của đồng chí Thạch là không nên đưa việc để cho nông dân tự khai hoang đất chân rừng, gò đồi vào Nghị quyết. Việc làm đó vừa không đúng với luật pháp vừa dễ tạo nên tư tưởng tư hữu của nông dân. Nhưng có một thực tế hiện nay ở các huyện có vùng gò đồi như Yên Lộc hay như huyện Thạch Sơn và Linh Sơn, có đến hàng ngàn héc-ta đất chân rừng, gò đồi bị bỏ hoang. Đó là một nguồn tài nguyên lớn bị bỏ lãng phí. Các Hợp tác xã có đất chân rừng, gò đồi thấy tiếc đấy nhưng không làm sao sao kham nổi đành cứ để vậy từ năm này sang năm khác. Một số bà con thấy tiếc nên tự động rủ nhau khai hoang trồng trọt để cải thiện thêm đời sống. Lãnh đạo huyện chúng tôi có biết nhưng nghĩ đất bỏ hoang, Hợp tác xã không làm nổi, dân khai phá để kiếm thêm củ khoai, mớ sắn, ngọn rau phụ vào bữa ăn chẳng mất gì. Đây là khuyết điểm về nhận thức đơn giản. Chúng tôi xin tự phê bình nghiêm khắc với tỉnh ủy…

Chi nghe Bầu phát biểu như vậy, ngồi bụm miệng cười. Đến lúc Bầu nói xong trở về chỗ, Chi nói với Bầu:

– Không biết bí thư tỉnh ủy có nhận ra âm mưu của ông hay không. Nếu tưởng ông nói thật lòng chắc cụ buồn lắm.

– Buồn nhiều lắm là vài tiếng đồng hồ nữa thôi. Tan hội nghị tôi sẽ nói để bí thư hiểu ý tôi là hết buồn ngay.

Đình ngồi ở hàng ghế đầu cứ nhấp nhổm như ngồi phải gai. Anh ta đưa tay có đến chục lần vẫn không thấy ông Quốc cho mình nói. Đình nghĩ bụng có lẽ ông Kim biết mình thế nào cũng phản đối Nghị quyết nên đã chỉ đạo không cho mình phát biểu công khai trước mặt ông Đỗ để khỏi ảnh hưởng đến không khí thuận chiều của hội nghị. Đến khi được ông Quốc chỉ định phát biểu, Đình đứng lên sửa lại cổ áo đàng hoàng rồi nhìn khắp lượt hội trường cốt làm cho mọi người chú ý bấy giờ mới bắt đầu nói:

– Kính thưa đồng chí Đỗ, ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, phó Ban nông nghiệp Trung ương. Kính thưa đồng chí Bao, đồng chí Sắc, phái viên của Ban bí thư Trung ương. Kính thưa đồng chí bí thư tỉnh ủy. Thưa các đồng chí đại biểu. Rất nhiều đồng chí phát biểu ca ngợi Nghị quyết 68 là chính xác, kịp thời, là cái đòn bẩy để kích sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta chuyển biến nhảy vọt. Tôi không nghĩ thế. Theo tôi, Nghị quyết 68 về cơ bản là đi ngược lại đường lối tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước. Mở đường cho nông dân quay về với con đường làm ăn Tư bản Chủ nghĩa…

Cả hội trường gần như chuyển động. Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Lâu nay người ta biết Đình là người lí luận suông nhưng không ai nghĩ Đình lại dám công khai phản đối Nghị quyết trước mặt ông Kim cũng như tập thể tỉnh ủy. Cần quay sang nói với Bằng:

– Sao ông ta phát biểu liều thế nhỉ?

Bằng cười bảo:

– Nghe người ta bảo lão này đọc nhiều quá nên bị loạn chữ.

– Loạn chữ chứ không thể loạn nhận thức một Nghị quyết quá rõ ràng như ánh sáng ban ngày được.

– Ông không biết trong hàng ngũ cán bộ chúng ta có một số người lúc nào cũng đeo cặp kính quan điểm lập trường trên mắt hay sao. Bất kỳ một câu nói, một hành động nào của người khác, họ cũng dương cặp kính ấy lên soi xét như người ta tìm vi trùng trên da thịt người đang nói xem có chỗ nào sai với đường lối chính sách, quan điểm lập trường hay không. May mà ông chưa gặp ông Bao phái viên đấy. Gặp được thế nào ông cũng được nghe một lô lí luận đến lúc nào ông ngán muốn nôn ra mới thôi.

Đình lướt mắt khắp lượt muốn xem phản ứng bên dưới thế nào rồi tiếp tục nói:

– Quan điểm của tôi không phải hội nghị hôm nay tôi mới nói mà tôi đã nói riêng với đồng chí bí thư tỉnh ủy cũng như đã phát biểu trước các cuộc họp của Ban thường vụ. Tôi cũng đã cảnh báo cần đề phòng với tư tưởng xét lại đang tìm cách len lỏi vào trong nhận thức của chúng ta. Tôi nói như vậy có cái lí của nó bởi chủ nghĩa xét lại đang đòi xem xét lại chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Mà tập thể hóa của chúng ta là đi theo đường lối kinh tế Xã hội chủ nghĩa của Lê-nin đã vạch ra cho toàn nhân loại…

Ông Quốc chỉ thẳng vào Đình:

– Tôi đề nghị đồng chí Đình diễn thuyết ngắn thôi để còn thì giờ cho các đồng chí khác phát biểu.

Đình tỏ ra phật ý:

– Nếu chủ tọa không muốn tôi nói nữa thì tôi xin tóm lại ý kiến của mình như thế này. Theo tôi, đây là một Nghị quyết có nhiều quan điểm sai lầm nên tôi không tán thành.

Ông Kim đứng bật dậy:

– Theo đồng chí thì nên hủy bỏ Nghị quyết 68?

– Tôi không yêu cầu hủy bỏ mà chỉ yêu cầu sửa lại cho đúng quan điểm đường lối của Đảng.

Giọng ông Kim rắn lại:

– Sẽ có nhiều điểm sửa chữa theo góp ý của các đại biểu, nhưng riêng khoán hộ thì không có chuyện sửa chữa, vì đó con đường sống của nông dân đồng thời cũng là con đường chi viện nhiều nhất cho các chiến sĩ đang đổ máu ngoài mặt trận.

Ông Quốc thấy chiều hướng có phần căng thẳng nên nói to cốt để ông Kim và Đình chú ý:

– Xin mời đồng chí bí thư huyện ủy Tam Bình phát biểu.

Ông Kim ngồi phịch xuống. Mùa đông nhưng trên khuôn mặt ông lấm tấm mồ hôi.

Chi nghe nhắc đến tên mình liền đứng lên. Mọi con mắt đổ dồn về phía Chi. Chi hiểu rất rõ những ánh mắt ấy đang muốn nghe tiếng nói đồng tình về Nghị quyết của mình nên cất tiếng:

– Thưa đồng chí bí thư tỉnh ủy, thưa các đại biểu. Tôi hoàn toàn nhất trí với Nghị quyết 68 và ý kiến của số đông các đồng chí đã phát biểu. Đồng thời tôi cũng đồng ý với ý kiến của một số đồng chí là không nên đưa vấn đề để cho nông dân tự khai phá đất chân rừng và gò đồi vào trong Nghị quyết. Tôi xin đề nghị cần có một Nghị quyết riêng về vấn đề này để khỏi bỏ phí tài nguyên. Về Nghị quyết 68, tôi xin khẳng định Nghị quyết này hoàn toàn không đi ngược lại đường lối tập thể hóa của Đảng và Nhà nước. Ngược lại đây là một Nghị quyết rất hợp với ý Đảng lòng dân. Vì sao tôi nói như vậy. Vì những năm qua ngoài những nguyên nhân khách quan như một số đồng chí đã nói thì còn những nguyên nhân nội tại đóng vai trò chủ yếu đẩy nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta xuống dốc. Đó là việc áp dụng một cơ chế không hợp lí trong việc quản lí và sử dụng lao động trong các Hợp tác xã nông nghiệp. Một cơ chế tước mất đi quyền tự chủ của họ trong sản xuất và biến họ thành những cái máy lao động xộc xệch…

Tiếng vỗ tay vang lên cắt đứt lời nói của Chi. Ông Quốc nhắc:

– Đề nghị các đồng chí giữ trật tự để đồng chí Chi nói tiếp.

Không khí trật tự trở lại. Chi nói tiếp:

– Chúng tôi cũng đã học qua nên biết ít nhiều về nguyên lí chủ nghĩa Mác – Lê-nin, về Chủ nghĩa Xã hội khoa học. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu về Chủ nghĩa xét lại qua việc học Nghị quyết 9 của Ban chấp hành Trung ương Đảng. Vì vậy những ý kiến cho rằng Nghị quyết 68 đi ngược lại nguyên lí kinh tế Xã hội chủ nghĩa của Lê-nin, trái với quan điểm đường lối tập thể hóa Xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước, là chịu ảnh hưởng của tư tưởng xét lại là những nhận xét thiếu thực tế, thiếu cơ sở khoa học. Với chúng tôi, những người trực tiếp chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trong các Hợp tác xã, Nghị quyết 68 thực sự là cái đòn bẩy để kích năng suất sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên cao. Tôi tin rằng các đảng bộ cơ sở và nông dân sẽ đón nhận Nghị quyết 68 như đón nhận nguồn ánh sáng của Đảng đến với mình. Tôi xin hết.

Chi ngồi xuống. Lần nữa tiếng vỗ tay lại vang lên.

Bầu nhìn Chi khen:

– Đúng là nữ tướng. Nói hay lắm.

– Còn một ý đã nghĩ trong đầu rồi mà bỗng dưng quên khuấy đi mất.

Bầu hỏi:

– Ý gì?

– Định mời những ai chưa tin vào phương thức sản xuất mới thì về Hợp tác xã Gia Đạo và An Bình để nhìn tận mắt lúa vụ chiêm tốt như thế nào, hàng trăm con lợn xã viên nhận khoán của Hợp tác béo ra sao. Và hỏi thẳng người nông dân xem họ có muốn ra khỏi Hợp tác xã hay không mà dám bảo Nghị quyết 68 sẽ làm cho Hợp tác xã tan rã.

Hạp xuýt xoa:

– Đúng là tiếc thật. Nói hay nhưng thiếu cái vế dẫn chứng cũng giảm mất phần nào.

Ông Đỗ lần qua chỗ Sắc đang ngồi cạnh ông Kim:

– Ông qua chỗ tôi mà ngồi cho tôi ngồi đây để trao đổi với anh Kim vài điểm.

Ông Sắc đứng lên đi qua chỗ ông Đỗ. Ông Đỗ đề nghị với ông Kim:

– Lát nữa anh cho tôi phát biểu với hội nghị mấy lời.

Ông Kim kiếm cớ từ chối:

– Vì tình hình phòng không nên hội nghị chỉ họp trong một buổi sáng. Chúng tôi cũng đã cắt đi nhiều mục để đảm bảo thời gian. Anh có ý kiến gì cứ nói lại với tôi, nếu thấy cần thiết sau này chúng tôi sẽ truyền đạt lại cho các đại biểu sau.

– Tôi muốn phát biểu trực tiếp với các đại biểu thì tốt hơn. Vì tôi thấy hội nghị có những quan điểm cần chấn chỉnh.

Ông Kim nói kiên quyết:

– Chúng tôi mời các anh dự hội nghị với tư cách đại biểu của cấp trên đang công tác ở tỉnh chứ không phải mời các anh chỉ đạo hội nghị. Hơn nữa đã gọi là hội nghị thảo luận Nghị quyết để thông qua thì việc phát biểu trái chiều nhau là chuyện thường. Có gì mà phải chấn chỉnh.

– Anh không nhận thấy một số ý kiến phát biểu hết sức sai trái về đường lối không?

– Tôi thấy chỉ có hai luồng ý kiến. Số đông thì hoàn toàn tán thành với Nghị quyết, chỉ cần bỏ đi một vài điểm ví như cho nông dân tự khai phá đất hoang. Tôi thấy đề nghị này hoàn toàn chính xác. Còn lại một số rất ít không tán thành một vài điểm của Nghị quyết. Chỉ có một ý kiến là sổ toẹt Nghị quyết, coi như đó là Nghị quyết của những kẻ đi theo chủ nghĩa xét lại. Có phải anh muốn lên để phê phán quan điểm xét lại của Nghị quyết 68 không?

Ông Đỗ đấu dịu:

– Anh vẫn nóng tính như ngày nào. Tôi đề nghị vậy anh không đồng ý thì thôi chứ việc gì nặng lời với tôi như thế.

Ông Kim nhận ra mình hơi căng cứng với ông Đỗ nên cười làm lành:

– Tôi vừa nói quá lời với anh hay sao? Hăng quá nên chẳng nhận ra, anh thông cảm nhé.

Bà Thường đi đến chỗ ông Kim ngồi:

– Chủ tọa đang mời mọi người ra nghỉ giải lao mười lăm phút kia kìa. Chú Kim ra đây tôi hội ý cái này một chút.

Ông Kim xin phép ông Đỗ rồi đứng lên đi theo bà Thường ra khỏi hội trường.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN