Đi Xuyên Hà Nội - Chương 35: Showbiz Thời Bao Cấp
× Để đọc chương tiếp theo ấn vào nút (DS Chương) để chọn chương cần đọc hoặc ấn vào Chương Tiếp / Tiếp ở trên và phía dưới cùng trang.    

trước tiếp
124


Đi Xuyên Hà Nội


Chương 35: Showbiz Thời Bao Cấp


Những hoạt động nghệ thuật thời bao cấp phục vụ công chúng đều do các đoàn nghệ thuật nhà nước đảm nhiệm. Thời đó nghệ sĩ được gọi là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, thông qua tác phẩm có thể là ca, múa sân khấu, điện ảnh tuyên truyền đường lối chính sách chủ trương của Đảng và nhà nước. Vì là đoàn nghệ thuật của nhà nước nên họ được cấp kinh phí để dựng vở diễn, làm phim hay các chương trình ca nhạc.

Và tất nhiên ca sĩ, nhạc công, diễn viên đều trong biên chế của đoàn nghệ thuật nào đó, có thể thuộc Bộ văn hóa hay Sở Văn hóa các tỉnh thành. Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều đoàn, nếu tính cả các đoàn nghệ thuật của Hà Nội thì tổng số trên dưới 20 đoàn. Ngoài ra lực lượng vũ trang cũng có đơn vị nghệ thuật riêng. Thậm chí trong quân đội, cấp quân khu, quân chủng cũng có đoàn nghệ thuật riêng, vừa phục vụ bộ đội, vừa phục vụ nhân dân.

Ngoài lương, nghệ sĩ còn được phụ cấp thanh sắc mà trong giới gọi là tiền hao mòn thanh sắc, nếu đi biểu diễn theo kế hoạch họ còn được bồi dưỡng theo quy định. Tuy là đoàn nghệ thuật nhà nước nhưng hình thức hoạt động nói chung không khác mấy so với hoạt động showbiz hiện nay. Trưởng đoàn có trách nhiệm tổ chức, kết cấu chương trình cũng có diễn viên nổi tiếng để thu hút khán giả rồi liên hệ địa điểm, tổ chức bán vé, nếu diễn ở các vùng quê thì ngoài dán áp phích họ còn cho thông báo trên loa… Hoạt động như showbiz bộc lộ rất rõ vào cuối thập niên 80 khi Tổng bí thư Nguyễn văn Linh có cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tại Hà Nội mà người ta hay nói là “cởi trói” cho văn nghệ sĩ. Và dù là tuyên truyền nhưng lại phải bán vé nên ngoài các bài hát trong “phần cứng” thì các đoàn vẫn phải tìm các tác phẩm mới, lạ, các nghệ sĩ tên tuổi để tăng sức hấp dẫn thu hút khán giả. Càng nhiều khán giả thì tuyên truyền sẽ có hiệu quả và doanh thu của đoàn nhờ đó cũng cao hơn.

Dù số đoàn nghệ thuật khá nhiều nhưng cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu thưởng thức của quần chúng, nhất là các đối tượng không có điều kiện mua vé vào rạp nên đã sinh ra các chương trình nghệ thuật ngoài trời. Đó cũng chính là nhiệm vụ chính trị của các đoàn. Ở Hà Nội vào các tối thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ, ngày Tết bao giờ cũng có các chương trình biểu diễn ở khoảng trước Ngân hàng Nhà nước (phố Lý Thái Tổ), trong Công viên Thống Nhất, Vườn Bách Thảo, Nhà Văn hóa Thanh niên hồ Thiền Quang… và biểu diễn tại đây do ngành văn hóa tổ chức nhưng thông qua ông bầu tư nhân với sự tham gia của các nghệ sĩ thuộc các đoàn nghệ thuật khác nhau. Tại sao nghệ sĩ trong biên chế lại có thể tự do biểu diễn ở các show? Đơn giản vì họ đã làm xong công việc của đoàn và việc họ hát ở ngoài thì cũng vẫn là “chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng”, cũng vẫn là tuyên truyền nên các vị trưởng đoàn cũng không có ý kiến gì.

Thời bao cấp cuộc sống vật chất khó khăn, thiếu thốn nhưng bù lại đời sống tinh thần lại khá phong phú. Mỗi năm, cán bộ công nhân viên trong các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy ít nhất phải được xem biểu diễn nghệ thuật hai lần. Cán bộ công đoàn có khi mua vé xem phim, có khi mua vé xem kịch hay ca nhạc, có nhà máy công nhân làm ca kíp không mua vé ngoài rạp đã mời các đoàn nghệ thuật đến biểu diễn tại nhà máy. Rồi các cơ quan, nhà máy tổng kết quý hay tổng kết năm cũng thường có ca nhạc nên sinh ra chạy đua giữa các ông bầu “quốc doanh” (trưởng đoàn nghệ thuật) với các ông bầu tư nhân. Nếu các ông bầu “quốc doanh” thường dùng “mỹ nhân kế” dẫn theo diễn viên xinh tươi hay nổi tiếng để dễ ký hợp đồng thì các ông bầu tư nhân lại có vũ khí khác là “lại quả”, nghĩa là họ cắt lại phần trăm cho người có trách nhiệm của cơ quan đó. Lại có ông bầu tư nhân láu cá “xin” giấy giới thiệu của vị trưởng ngành nào đó và khi có tấm giấy thông hành trong tay họ tuyển quân đi diễn hết các đơn vị trực thuộc. Thập niên 80 có một nhạc sĩ làm bầu sô rất giỏi quan hệ kiểu đó và nhạc sĩ này giàu lên nhanh chóng.

Còn biễu diễn tại sân khấu ngoài trời cũng có vài ông bầu, và một trong số đó là nghệ sĩ accordeon Kiều Linh của Đài Tiếng nói Việt Nam, tất nhiên ông Kiều Linh chỉ mời các nghệ sĩ của dàn nhạc của nhà đài. Nói chung các ông bầu thiết kế show chủ yếu là hát và tấu hài. Trong các show cũng có người giới thiệu tiết mục, họ nói ngắn gọn sử dụng từ ngữ có tính hình tượng, đôi khi ví von rất hóm hỉnh và không bao giờ dùng từ nghệ sĩ mà chỉ dùng từ ca sĩ hay diễn viên vì từ nghệ sĩ thời đó chỉ dùng để gọi những người đã thành danh và có uy tín trong nghề. Năm 1980, nghệ sĩ múa Thu Hiền đã chuyển về làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam và thường xuyên đi giới thiệu chương trình cho ông bầu Kiều Linh. Khi đó cậu con trai Anh Quân và cô con gái Hương Ly còn nhỏ nên nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh chất cả nhà lên chiếc xe Mobylette. Chờ khi Thu Hiền nhận cátxê xong cả nhà lại lên xe máy èn èn về phố Vọng.

Các chương trình nghệ thuật ngoài trời vào các tối cuối tuần và lễ, Tết ở Hà Nội luôn thu hút rất đông khán giả. Không chỉ người các tỉnh thành về Hà Nội chơi đi xem mà có cả người Hà Nội. Lý do là thời đó không phải ai cũng có tiền mua vé vào rạp. Mặt khác truyền hình chưa phát triển, mỗi tối chỉ phát sóng một hai giờ và có tivi cũng mệt vì “Muốn tan cửa nát nhà thì sắm tivi/ Muốn đi bệnh viện thì mua xe máy” hay “Tivi, tủ lạnh, Honda/ Có ba thứ ấy khám nhà như chơi”vì thế nghe hát chủ yếu qua Đài Truyền thanh Hà Nội hay Đài Tiếng nói Việt Nam. Người yêu âm nhạc thuộc lòng bài hát, biết tên ca sĩ nhưng không có cơ hội biết mặt thần tượng của mình nên họ kéo nhau đi xem ca nhạc ngoài trời, và tôi cũng là một trong số đó.

Các ca sĩ biểu diễn khi đó được đào tạo bài bản nên có thể hát đựoc nhiều thể loại khác nhau nhưng bao giờ cũng có bài “tủ” (các bài họ hát thành công nhất). Tôi nhớ khi ca sĩ Vân Khánh chưa đi nước ngoài bao giờ cũng hát hai bài là Siboney (nhạc Cuba mà mọi người chế lời ra là “Bố Tây đen mẹ cũng Tây đen, đẻ con đen sì”) và bài Tình Bác sáng đời ta. Ca sĩ Quang Hưng có hai bài “tủ”: Tôi là Lê Anh Nuôi và Anh quân bưu vui tính, còn ca sĩ Trần Hiếu là Con voi. Còn Thúy Hà hay thường hát bài Cánh chim báo tin vui và Đêm nay anh ở đâu, Bích Liên hát Đường tôi đi dài theo đất nước và Bài ca năm tấn. Thanh Hoa hát Tàu anh qua núi, Ngọc Tân thì Chiều trên bến cảng. Nếu tính số các ca sĩ hay hát show tại các tụ điểm thì rất nhiều, ca sĩ nam có: Tiến Thành, Hữu Nội, Mạnh Hà, Trọng Nghĩa, Trần Khánh…, nữ có Thúy Lan, Thúy Đạt, Bích Thảo, Vũ Dậu… Ngoài ra còn các ca sĩ trưởng thành từ phong trào âm nhạc quần chúng như: Ngọc Bé, Huy Túc, Quốc Đông, Văn Sáu… Tôi nhớ khi Ngọc Bé hát bài Em là thợ quét vôi, ca sĩ lấy hai tay đưa lên đưa xuống trong không khí cho ra dáng chị quét vôi trông ngộ nghĩnh. Chen giữa các tiết mục bao giờ cũng có tấu hài và nghệ sĩ Hồng Kỳ diễn rất duyên. Thời đó điều kiện kỹ thuật không cho phép nên ca sĩ không thể hát nhép nên phải có dàn nhạc, tôi không biết nhiều nhưng thổi trumpet có ông Trường nhà đầu phố Bà Triệu, accordeon có Tuấn “mũi”.

Có nhiều chuyện vui trong những show này, ví dụ bài hát đã đóng đinh với một ca sĩ nào đó mà khán giả đã quen thuộc trên Đài Tiếng nói Việt Nam nhưng biểu diễn trên sân khấu lại không phải ca sĩ đó thì khán giả hoặc ê ê kéo dài hay đồng thanh hô “Một, hai, ba xuống đi”. Hình thức biểu diễn cũng đa dạng gồm: đơn ca, song ca, tam ca và tốp ca, tôi nhớ bài Con kênh ta đào do ca sĩ Ngọc Tân và Thanh Hoa song ca. Lắm hôm các ca sĩ hát tốp ca làm điệu, dựa vai vào nhau đu đưa theo giai điệu về bên phải rồi lại về bên trái trông ngây ngô nhưng đáng yêu. Sau năm 1975, các mốt thời trang từ Sài Gòn ùa ra Hà Nội, tuy vậy các ca sĩ nữ khi hát show vẫn áo dài may theo kiểu Hà Nội và Thúy Hà bao giờ cũng gây ấn tượng bằng cách chỉ mặc áo màu đỏ, đi guốc cao gót bằng nhựa. Chỉ có một vài ca sĩ may áo dài kiểu Sài Gòn. Sang thập niên 80 cũng có ca sĩ mặc váy lên sân khấu nhưng không nhiều. Với ca sĩ nam, trang phục biểu mùa hè là áo sơ-mi bỏ trong quần, mùa đông mặc complê. Sau năm 1975, có ca sĩ mặc quần ống loe, đi giầy đế cao nhưng khi có “chiến dịch” rạch quần ống loe thì bỏ luôn.

Ca sĩ thời bao cấp có rất nhiều người hâm mộ nhưng họ không xin chữ ký. Tôi từng chứng kiến một fan đang xếp hàng mua thực phẩm ở phố Đại La thấy ca sĩ xếp hàng ở tít phía dưới đã nhường chỗ của mình cho ca sĩ. Lại có khi cũng rất hài hước, họ đang uống bia ở quán nào đó thấy ca sĩ đi qua liền đồng thanh hô to tên ca sĩ. Họ mến mộ vì giọng hát và đôi khi cũng vì sắc, ví dụ như ca sĩ Ái Vân được các chàng trai hâm mộ mua ảnh chân dung nhỏ bán ở các cửa hàng văn hóa phẩm để giữ trong ví. Ca sĩ thời đó không có gì để tạo scandal.

Cátxê thời bao cấp chia làm hai loại, nếu theo nhiệm vụ của đoàn thì biểu diễn xong nghệ sĩ chỉ được bồi dưỡng bát phở, bát mì hay số tiền tương đương với bát phở vì họ đã có lương. Còn đi show thì ông bầu không bao giờ công bố cátxê bao nhiêu và ca sĩ cũng không bao giờ hỏi, nói chung quan niệm khi đó được xuất hiện trước công chúng là hạnh phúc. Nói vậy nhưng lúc mở phong bì cũng hồi hộp, tuy nhiên sự chênh lệch giữa các nghệ sĩ không quá lớn. Đầu thập niên 80, cátxê của người giới thiệu chương trình là 10 đồng, còn ca sĩ thì tùy theo nhưng cao nhất cũng không vượt quá 20 đồng, so với giá vàng khi đó thì mua được 1,7 chỉ.

Ca sĩ có cátxê nhưng nhạc sĩ không có tiền bản quyền vì hầu hết họ ăn lương nhà nước và cũng không có luật bản quyền nên được ca sĩ hát ca khúc của mình là lâng lâng rồi.

Chưa có ai yêu thích truyện này!
× Chú ý: Ấn vào MENU chọn D/S TRUYỆN ĐANG ĐỌC hoặc ấn vào biểu tượng CUỘN GIẤY ở trên cùng để xem lại các truyện bạn đang đọc dở nhé.    

Đọc truyện hay đừng quên like và chia sẻ truyện tới bạn bè, để lại bình luận là cách để ủng hộ webtruyenfree. Thỉnh thoảng ấn vào q uảng c áo ngày 1-2 lần để tụi mình có kinh phí duy trì web các bạn nhé!


 BÌNH LUẬN TRUYỆN